Hôm nay,  

Tình Mẹ Nơi Xứ Người

18/10/201700:00:00(Xem: 14093)
Tình Mẹ Nơi Xứ Người
Tác giả: Hương Trần

Bài số 5245-19-31088-vb3101717

 
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.

 
***
 

Sáng hôm ấy, như đã hứa với bà thư ký tòa án thiếu nhi của thành phố, tôi phải đến phòng xử để giúp thông dịch cho cô Dina Ngô, mẹ của cháu Mimi Ngô. Theo điện thư của văn phòng tòa án cho biết, là phiên tòa sẽ bắt đầu vào lúc chín giờ sáng. Chánh án sẽ xem xét việc tước quyền nuôi con (deprivation of custody) của cô Dina.

Sau những thủ tục khám xét an ninh rất kỷ lưỡng ở cửa chính, tôi bước vào phòng đợi của tòa án thiếu nhi đúng hai mươi phút trước khi phiên xử bắt đầu. Ngước mắt nhìn quanh, có khoảng hơn mười lăm người đang ngồi trong phòng, nhưng tôi không thấy một ai trông có vẻ là dân gốc Á Đông. Nghĩ thầm chắc cô Dina chưa đến, tôi bèn kiếm một chỗ trong hàng ghế trống dọc bức tường và ngồi xuống. Từ đó tôi có thể thấy tất cả những ai bước vào phòng.

Vừa giở sổ ra coi lại ngày giờ và điểm hẹn, thì một cô gái khoảng chừng trên bốn mươi tuổi với mái tóc cắt ngắn vừa đen vừa vàng, bước đến hỏi tôi, giọng khá nặng của người ngoại quốc gốc Á:

- Are you Vietnamese?

Tôi ngạc nhiên nhìn cô và đáp:

- Yes, I am.

Với nét mặt vui mừng, cô reo lên bằng tiếng Việt:

- Vậy chú có phải là người thông dịch không? Em là Dina đây.

Tôi đứng dậy bắt tay:

- Hello cô Dina. Xin lỗi, hồi nãy bước vào phòng thấy cô mà tôi cứ nghĩ là người Mỹ, nên không chào.

Cô Dina vừa cười vừa ngồi xuống ghế bên cạnh và nói:

- Vì em là con lai mà chú.

Nhìn dáng người khá cao, chừng hơn sáu feet, cùng khuôn mặt với chiếc mũi nhọn và cặp mắt to, mà lại nói tiếng Việt thì đúng là lai rồi. Cách xưng hô chú và em thật tự nhiên của cô làm tôi mỉm cười và nói đùa:

- Thì làm sao tôi biết được là phải tìm cô gái lai Việt. Văn phòng tòa án chỉ nói cô là người Việt, họ Ngô, cần giúp thông dịch. Nên tôi chỉ cố tìm những khuôn mặt gốc Á thôi.

Bây giờ xin cô cho tôi biết qua chuyện của cháu Mimi, để tôi có thể thông dịch cho rõ ràng.

Khi nghe nhắc đến tên Mimi, nét mặt tươi vui ban đầu của cô dần dần thay đổi. Cúi đầu xuống, cô Dina nhỏ nhẹ nói:

- Chán qúa chú ơi! Bốn năm về trước, lúc Mimi mới mười tuổi, em đã di chuyển từ Cali về đây. Hy vọng là thành phố nhỏ này ít lộn xộn, giúp cho cháu dễ học hành. Mấy năm đầu thì Mimi chăm học lắm, môn nào cũng được điểm A hoặc B. Nhưng khi Mimi lên mười ba tuổi, tức là cách đây khoảng một năm, cháu bắt đầu có nhiều bạn và học lực kém thấy rõ. Sáng nào em cũng đều đưa cháu đến trường. Chiều thì Mimi về nhà bằng xe bus. Thời gian gần đây, thỉnh thoảng nhà trường gọi cho biết là Mimi không có mặt trong lớp. Em lo qúa không biết cháu đi đâu. Chiều về hỏi thì Mimi bảo là có mấy tiết học cháu không ghi danh, nên cháu ra ngoài uống nước với bạn. Em có bao giờ đi học ở trường Mỹ đâu mà biết. Em đến trường gặp cô giáo hỏi chuyện. Cô cho biết là có ngày Mimi vắng mặt từ sáng đến chiều. Em muốn nói nhiều về hoàn cảnh đơn chiếc của mình để xin cô giáo giúp, mà tiếng Anh quá ít, nên đành chịu.

Tôi cắt ngang và hỏi:

- Vậy bây giờ Mimi đang ở đâu?

Cô Dina thở dài rồi trả lời:

- Chú biết không, hôm thứ Bảy vừa rồi, em có hẹn khách làm móng tay sớm ở tiệm. Gần tám giờ em rời nhà thì cháu còn ngủ. Đến trưa, cảnh sát điện thoại kêu em lên địa chỉ này, nhưng bên phía kia là nhà giam thiếu nhi. Em vào, cảnh sát họ nói là lúc mười giờ sáng nay, có hai người bạn trai của Mimi đã vào tiệm Walmart gần nhà em, lấy cái tivi lớn 60 inch, bỏ lên cart rồi đẩy ra cửa, không đi qua quầy tính tiền. Bên ngoài, một cô gái lái xe và Mimi ngồi chờ sẵn, khi thấy hai bạn trai đẩy tivi ra là mở cửa chất vào xe.

Đang lúc các em loay hoay đưa tivi vào xe thì nhân viên an ninh của Walmart đã chạy ra, giữ các em lại. Rồi cảnh sát đến đưa các em về nhà giam thiếu nhi. Họ hỏi em đủ thứ chuyện. Nào là mấy người ở trong nhà? Em đi làm có ai ở nhà với Mimi không? Em trả lời qua loa và nói chỉ muốn được gặp cháu thôi. Cuối cùng họ đưa em vào phòng riêng, rồi cho Mimi vào gặp.

- Cháu đã nói gì với chị ? Tôi hỏi.

- Khi thấy em, Mimi khóc quá trời. Cô Dina vừa lấy giấy thấm nước mắt vừa nói. Cháu bảo là mấy đứa bạn đến nhà rủ đi Walmart mua tivi. Mimi lên xe đi với chúng chứ cháu đâu biết là tụi nó vào ăn cắp tivi. Rồi họ giữ Mimi trong trại giam, nói là đợi ngày ra tòa.

Tôi nói nhỏ như an ủi:

- Cô Dina à. Nếu đúng như cháu đã nói là chỉ đi theo các bạn đến Walmart, thì tôi nghĩ quan tòa sẽ không tuyên án phạt gì Mimi đâu. Nhưng hôm nay, tòa sẽ xem xét việc có thể để cho cô tiếp tục nuôi dạy Mimi không. Xin cô suy nghĩ cho kỹ những gì sẽ trình bày với vị chánh án cùng những yêu cầu của cô nếu muốn được tiếp tục nuôi dưỡng Mimi. Với vai trò của thông dịch viên, tôi chỉ dịch lại những gì quan tòa nói với cô cũng như những điều cô muốn thưa với quan tòa. Ngoài ra, tôi không thể nói thay cho cô hay thêm bớt điều gì hết. Mong cô hiểu.

Nói đến đây thì một cô người Mỹ đến bắt tay và hỏi có phải tôi là thông dịch viên hữu thệ của tòa án không? Tôi xác nhận là đúng. Cô ta giới thiệu tên là Sara Smith, được chỉ định làm luật sư biện hộ (defense attorney) cho Mimi.

Cô Smith cho biết là đã gặp và nói chuyện với Mimi nhiều lần cùng xin tôi thông dịch cho cô Dina tất cả những điều đang trình bày. Tuy công tố viên có đề nghị quan tòa xét lại việc giám hộ cho Mimi, nhưng theo cô luật sư, điều đó không quan trọng. Nếu Mimi hứa sẽ vâng lời mẹ, không lêu lỏng theo bạn bè làm điều xấu. Nhất là nếu mẹ là cô Dina hứa sẽ chăm sóc con chu đáo, theo dõi sinh hoạt hàng ngày của con. Thì cô Smith tin chắc là quan tòa sẽ cho phép Mimi về sống với mẹ để đi học cùng sinh hoạt bình thường. Luật sư Smith cũng nhờ tôi nói với cô Dina rằng, xin đừng buồn, vì Mimi không có tội gì cả, chỉ chơi với những người bạn không được tốt. Cô sẽ xin quan tòa miễn mọi hình phạt cho Mimi để cháu không phải đi làm việc công ích hay theo học các lớp dạy làm người tử tế, biết tự trọng.

Đúng như lời cô Smith, sau gần hai mươi phút chất vấn người mẹ là cô Dina (qua sự thông dịch của tôi) và cháu Mimi, bà chánh án đã cho phép Mimi được trở về, tiếp tục ở với mẹ và không buộc cháu phải thi hành một hình phạt tượng trưng nào.

Ra khỏi phòng xử, theo yêu cầu của luật sư, tôi nán lại để giúp cô Dina hiểu và ký các mẫu đơn cam kết trong việc giám hộ cháu Mimi.

Trao lại những tờ cam kết đã được cô Dina ký và chào từ giả luật sư Smith, tôi quay lại gợi chuyện với cháu Mimi đang đứng sau lưng mẹ. Thú thật nếu gặp cháu ở ngoài đường, tôi không thể nói rằng cháu là cô gái lai Việt. Tuy mới mười bốn tuổi, nhưng Mimi cao gần bằng mẹ, nước da ngăm đen với mái tóc quăn dài ngang vai. Tôi hỏi:

- Con có biết nói tiếng Việt không? Mimi nhún vai lắc đầu. Tôi tiếp:

- Con đã ở trong trại tạm giam này bao lâu rồi và con có thích không? Cháu trả lời:

- Năm ngày kể từ hôm thứ Bảy. Cũng không đến nỗi tệ lắm. Tôi hỏi thêm:

- Con có thích trở về nhà sống với mẹ không? Mimi nhún vai nói:

- Đương nhiên.

Thấy cháu có vẻ không muốn trò chuyện, tôi chỉ nói thêm:

- Con cố gắng nghe lời mẹ, chăm chỉ học và tránh chơi với những người bạn không tốt. Mẹ con thương và lo lắng cho con nhiều lắm. Đừng làm cho mẹ buồn.

Mimi gật đầu nói “yes”. Cô Dina mời tôi đi ăn ở tiệm phở trong khu chợ Việt Nam với hai mẹ con. Tôi kiếu từ, viện cớ là có hẹn thông dịch chiều nay. Sau nhiều lần hỏi xin, tôi đành phải cho cô Dina số điện thoại của mình. Tôi cũng nhắc lại là lẽ ra, vai trò thông dịch của tôi đã chấm dứt ngay sau phiên tòa. Nhưng vì tình đồng hương, tôi muốn ở lại để có đôi lời khuyên Mimi, vì cháu còn quá trẻ. Hy vọng qua câu chuyện vừa xảy ra, Mimi học được bài học về việc chọn bạn tốt mà chơi.

Chừng ba tuần sau, tôi nhận được điện thoại bất ngờ do cô Dina gọi.

 

Chừng ba tuần sau, vào khoảng chín giờ sáng, tôi đang ngồi nhà trả lời thư thì có điện thoại từ cô Dina. Cô cho biết là đang đậu xe trước trường. Hôm nay Mimi không chịu xuống xe đi vào lớp, nhất định đòi mẹ đưa về nhà. Tôi hỏi lý do tại sao. Cô nói là Mimi không thích đi học vì cháu không hiểu bài. Tôi xin được nói chuyện với Mimi.  Cháu cho hay là ngoại trừ môn toán, còn các môn về văn chương và luận văn (literature and composition) đều quá khó đối với cháu. Cháu không thể viết trọn một bài bình luận dài hai trang giấy về một câu chuyện trong sách mà cô giáo cho về nhà làm.


Tôi khen cháu là đã cố gắng làm bài, mặc dầu không thể làm xong. Đừng cảm thấy xấu hổ (feel bad) khi không hiểu bài. Tôi đề nghị Mimi đi vào lớp với mẹ, trình bày với cô giáo và xin gặp người tư vấn (counselor), họ sẽ có cách giúp Mimi. Cháu chần chừ một hồi rồi hứa là sẽ theo mẹ vào trường.

Tôi cũng giải thích cho cô Dina hiểu là không phải chỉ mình Mimi mà rất nhiều gia đình người Việt, tuy con cái sinh ra và lớn khôn ở đây, nói tiếng Anh như gió, nhưng một số em cũng gặp trở ngại trong môn đọc và viết tiếng Anh. Có lẽ vì các em không có khiếu về văn chương hay không được hướng dẫn rõ ràng cách phân chia bài văn ra từng đoạn để viết hoặc phân tích.

Những yếu điểm trong các môn học cần phải được trình bày cho thầy cô và người tư vấn (counselor) biết, để họ tìm cách giúp đỡ. Tôi khuyên cô đừng la trách Mimi, vì cháu chẳng có lỗi gì. Hãy kiên nhẫn chịu khó đưa Mimi vào gặp cô giáo và người tư vấn, để xin họ giúp. Tôi chào và cầu chúc mọi sự tốt đẹp. Tôi cũng xin cô Dina gọi điện thoại lại cho tôi sau khi đã gặp quý giáo viên trong trường.

Chừng hai tiếng sau, cô Dina gọi lại với giọng nói trong điện thoại có vẻ vui hơn:

- Xong rồi chú ơi. Bà giáo nói là chính bà cũng thấy những trở ngại của Mimi trong các môn học Anh văn, nên đang tìm cách giúp cháu. Bà khuyên Mimi đừng sợ vì không hiểu và không làm được bài tập. Cứ đến lớp, bà sẽ giúp. Bà giáo sắp xếp cho hai mẹ con em gặp bà tư vấn vào chiều mai, lúc ba giờ.

- Vậy là tốt lắm rồi. Tôi khích lệ cô Dina. Thế nào bà tư vấn cũng cho người dạy kèm (tutor) thêm cho Mimi. Mà từ hôm ở tòa án về đến giờ, Mimi có còn đi chơi với bạn nữa không?

- Chắc là hết rồi chú ơi. Em chỉ đi làm trong giờ cháu đi học thôi. Chiều ba giờ em đến trường đưa cháu về. Rồi hai má con luôn ở bên nhau, lúc thì đi shopping, đi chợ hay ở nhà. Em cũng mua cho cháu cái cell phone nữa. Nên ở trường có gì thì Mimi nhắn tin cho em. Tôi khen:

- Cô làm như vậy là phải lắm. Ở tuổi của Mimi mà không được chăm sóc thì dễ hư hỏng.

Cô Dina nói tiếp:

- Cũng khổ lắm chú ơi! Em cần phải đi làm để trả tiền nhà và tiền bill nữa chứ. Khách của em có người thông cảm thì họ chịu khó đến sớm cho em làm móng tay. Nhưng có người sau giờ làm việc mới hẹn được, nên nhiều khi em phải đón Mimi ở trường rồi đưa cháu đến tiệm ngồi chờ.

Tôi nghĩ thầm về hoàn cảnh đơn chiếc đáng thương của mẹ con Mimi nên đánh bạo hỏi:

- Cô Dina nè, cho tôi hỏi cái này nhé, nếu không phải thì cô bỏ qua cho. Vậy bố của Mimi đâu? Chờ một hồi, tôi nghe tiếng thở dài ở đầu dây:

- Số em buồn lắm chú ơi. Mẹ và em làm giấy tờ đi Mỹ theo diện con lai gần xong thì bạo bịnh mất năm 1993. Em phải ghép với gia đình dì, là em của mẹ. Đến Cali năm 1995.

Khi đó em đã hai mươi ba tuổi, không học hành gì được, vì ở bên nhà chỉ lo phụ mẹ buôn bán. Em được người quen giới thiệu vào làm hãng may áo quần cho trẻ em. Rồi chơi thân với nhỏ bạn người Bolivia làm cùng khâu. Hắn giới thiệu người anh của hắn, đang là kỹ sư và có việc làm tốt tại Fresno. Em chơi thân với gia đình con nhỏ bạn gần hai năm mới dọn về ở với anh của nó. Nói cho ngay thì anh ta cũng hiền lành, biết lo cho em và con. Chỉ cái tật là quá mê chơi bóng rổ. Anh ta là cầu thủ xuất sắc trong đội bóng rổ của thành phố. Năm 2000 em sinh Mimi. Nghĩ làm hảng, ở nhà coi con và đi làm nail lai rai cho vui. Đến năm 2005 thì anh ta phải về lại Bolivia vì mẹ bịnh nặng. Anh ta có quốc tịch Mỹ rồi, nhưng không hiểu sao mà cứ ở nán bên ấy, không trở lại Cali. Em  nản quá, cắt đứt liên lạc luôn, không thèm chờ nữa. Rồi năm 2010, theo lời rủ của người bạn gái quen thân từ hồi bên Việt Nam, em đem con về đây sống. Giờ cũng tạm ổn định, chỉ lo cho Mimi cố gắng học đến nơi đến chốn là em vui rồi.

Tôi an ủi:

- Tôi tin là với tình thương của cô dành cho Mimi, cháu sẽ hiểu để cố gắng học giỏi và nên người. Cám ơn cô Dina đã chia sẻ câu chuyện đời. Điều gì tôi có thể giúp được, xin cứ cho biết nhé. Chúc mẹ con cô vui vẻ luôn. Cô Dina cười nói:

- Em cám ơn chú nhiều. Chào chú!

Tắt điện thoại, tôi thầm mong cho mọi chuyện diễn ra tốt đẹp với mẹ con của cô Dina. Ở bên nhà hay bên này, nơi nào cũng có những khó khăn trong cuộc sống. Chỉ khác nhau phương cách giải quyết của từng người. Tôi mừng là cô Dina đã khôn ngoan bỏ bớt giờ làm việc của mình, để dành nhiều giờ hơn cho con. Sự quên mình của cha mẹ cho con cái, luôn là một động lực thúc đẩy con cái cố gắng hơn, để khỏi phụ lòng cha mẹ.

 

*

Ba năm sau, gia đình cô em gái rủ tôi đi dự trận chung kết bóng rổ nữ, giữa trường trung học tư thục, nơi cô cháu gái của tôi đang theo học, giao đấu với trường công lập của thành phố. Trận đấu rất gay cấn. Tài sức đôi bên ngang ngữa nhau. Dầu vậy, mọi người đều bị cuốn hút bởi lối chơi nhanh nhẹn và sắc bén của một cầu thủ nữ có nước da ngăm đen mang áo số chín trong đội thuộc trường trung học thành phố. Kết cuộc, đội trường công thắng đội trường tư hai điểm.

Tuy là cổ động viên cho trường tư của cô cháu gái, nhưng tôi cũng thầm công nhận là nhờ kỷ thuật lướt banh tài tình và lối thẩy bóng chính xác của cầu thủ số chín, đã đem lại giải vô địch nữ cho trường trung học công lập.

Ban đầu, tôi vẫn ngờ ngợ là đã gặp nữ cầu thủ số chín ở đâu rồi. Cho đến khi thấy cháu đại diện toàn đội lên nhận cúp vô địch, rồi chạy xuống ôm lấy người đàn bà đang đứng giữa đám đông.

Tôi liền nhận ra người đàn bà đó là Dina và cầu thủ nữ xuất sắc ấy chính là Mimi. Đợi cho đám đông bớt reo hò nhảy múa, tôi đến gần cô Dina và vẫy tay chào. Cô mừng rỡ reo lên:

- Trời ơi, không ngờ gặp lại chú ở đây. Mấy lần em định phone cho chú mà ngại làm phiền. Chú thấy Mimi bây giờ giỏi không?

Tôi cảm thấy vui lây và gật đầu nói:

- Mừng với cô Dina nhe. Không ngờ Mimi chơi bóng rổ hay quá.

- Giống bố đó chú ơi. Bố của cháu hồi trước cũng chơi bóng rổ giỏi lắm và mang áo số chín nữa.

Vừa nói cô Dina vừa đi về phía giữa sân, cầm tay Mimi kéo lại trước mặt tôi:

- Mimi nè, con có nhớ ai đây không?

- Oh my God! Lâu qúa không gặp chú.

Mimi nói lớn bằng tiếng Anh, rồi ôm choàng lấy tôi và nói tiếp. Con cám ơn chú nhiều lắm.

Tôi thật bất ngờ trước thái độ qúa chân tình của cô bé mà mình chỉ gặp có một lần. Vỗ vai cháu, tôi nói:

- Chú rất hãnh diện về con. Gắng lên nhe, chơi hay và học giỏi, con sẽ thành công và làm cho mẹ mãn nguyện.

- Vâng, con sẽ cố gắng. Bởi mẹ đã làm tất cả vì con, nên con phải làm cho mẹ vui luôn.

Xúc động trước câu nói của cô bé gái mười bảy tuổi, tôi vẫy tay chào Mimi giữa đám bạn bè vây quanh. Rồi bước theo mẹ của cháu ra khỏi đám đông và hỏi:

- Việc học của Mimi bây giờ ra sao?

Cô Dina vui vẻ trả lời:

- Em nhiều lần muốn phone nói chuyện với chú mà cứ ngại. Thật may hôm đó khi Mimi không chịu vào lớp, em đã phone hỏi chú. Nhờ chú bảo vào gặp counselor mà Mimi bây giờ khá hơn trước nhiều. Chú biết không? Bà counselor cho người dạy kèm thêm cho cháu về văn chương và làm luận văn (English literature and composition) mỗi tuần hai buổi sau giờ học. Rồi cháu gặp con bé Leyna, cũng ở lại học thêm toán. Hai đứa chơi thân với nhau, chỉ bài cho nhau. Vì đứa thì dốt toán, lại rành tiếng Anh. Còn đứa kia ngu Anh văn thì lại giỏi toán. Mà má của Leyna lại là huấn luyện viên (coach) cho đội bóng rổ của trường. Mimi và Leyna vừa ở lại học thêm vừa chơi bóng rổ sau giờ học. Đươc cái là bà mẹ Leyna coi Mimi như con, tối nào bà cũng đưa cháu từ trường về nhà. Cuối tuần thì bà chở hai đứa đi tập bóng rổ, nhiều khi cháu ở lại luôn bên nhà Leyna đến tối chủ nhật mới về nhà. Nhờ vậy mà em có nhiều giờ để đi làm. Khi nào rảnh thì làm chả giò, gỏi cuốn đưa Mimi đem qua nhà Leyna, vì cả nhà đều thích đồ ăn Việt Nam. Hễ cháu cần đi đâu, em cũng đều nghỉ làm đưa Mimi và Leyna đi.

- Mừng cho cô nhe! Tôi nói xen vào. Cháu Mimi mà vui thì cô cũng vui lây và yên tâm hơn. Vậy là cô hết sợ và lo cho tương lai của cháu rồi nhé.

Cô Dina vừa cười vừa nói:

- Chú biết không? Bà mẹ của Leyna nói là năm tới xong trung học, bà sẽ giúp cho Mimi xin học bổng của các đại học, để cháu chơi bóng rổ cho trường của họ. Mừng ghê! Cháu chẳng còn mong gì hơn nữa.

Tôi bắt tay từ giã:

- Một lần nữa, chúc mừng hai mẹ con cô. Cũng vì cô hết lòng cho con nên Mimi cũng cảm được sự yêu thương của mẹ mà cố gắng hết mình. Thôi chào nhe.

- Bye bye chú. Cám ơn chú nhiều. Cô Dina vẫy tay từ giã và bước trở vào bên trong.

Tôi đi theo dòng người ra ngoài tìm chỗ đậu xe. Lòng cãm thấy vui, vừa đi vừa mĩm cười với nắng vàng và gió hiu hiu.

Xin ngưỡng mộ trái tim người mẹ Dina đã đem lại bóng mát và sự tự tin cho cô bé Mimi. Tôi chợt nghĩ đến một câu nói mà khôngnhớ đã đọc được ở đâu: “Dù không hoàn hảo, nhưng mẹ luôn yêu con theo cách hoàn hảo nhất”.

 
Hương Trần

Ý kiến bạn đọc
25/10/201718:27:13
Khách
Với việc làm là một thông dịch viên, tác giả tình cờ đã có cơ hội giúp thêm ý kiến chỉ dẫn, an ủi giúp cho không những người mẹ Dina mà cả người con Mimi trở lại được một cuộc sống ổn định trong hiện tại và một tương lai tươi sáng về sau. “ Dù xây chín đợt phù đồ , không bằng làm phúc cứu cho một người ”. Hãy hãnh diện, tác giả nhé !
22/10/201721:13:56
Khách
Cám ơn Anh đã có lời khen. Thực tình thì đây là một trong nhiều câu chuyện khó quên đối với cá nhân tôi trong công việc thông dịch.
Ở thành phố nhỏ này, mọi chuyện tương đối dễ dãi. Với những phiên tòa tiểu hình (misdemeanor) về dân sự và gia đình (civil and family), nguyên tắc không cấm chúng tôi tiếp xúc với “khách hàng” (client) trước phiên tòa, để chuẩn bị cho việc thông dịch được lưu loát . Riêng với các phiên tòa hình sự hay đại hình, thì chúng tôi chỉ được phép tìm hiểu vụ việc qua luật sư (counsel) của họ.
Cầu chúc cho nhau luôn làm tròn nhiệm vụ thông dịch một cách khách quan (impartial) và chính xác (accurate), như là cơ hội để giúp đồng hương của mình không bị thiệt thòi về mặt pháp lý vì không rành Anh ngữ.
22/10/201707:09:32
Khách
Bài hay quá bạn ơi! Tôi cũng thông dịch viên trong ngành luật và y nên thấm thía và thông hiểu từng câu chữ bạn viêt. Một điều khá ngạc nhiên là về điều khoản dành cho interpreter, chúng ta không được phép tiếp xúc "khách hàng" ngoài giờ làm việc. Vì thế, tôi rất ngạc nhiên khi thấy bạn khá thoải mái trong việc tiếp cận Dina ngoài giờ thông dịch mà không bị "nhắc nhở." Rất khâm phục bạn đã làm được điều hữu ích cho người Việt nhập cư không nói được tiếng Anh.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,452,128
Thư tác giả gửi Việt Báo: “Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tôi. Tên VN của tôi là Nguyễn văn Tới (trong nhà kêu 6 Cam). Hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Sau đây là bài viêt mới của cô.
Bão tuyết cuối mùa đã đổ vào vùng Đông Bắc Mỹ. Mời đọc một truyện ngắn của Phạm Thành Châu, viết theo lời kể của Christine Lanna. Tác giả sinh quán tại Hội An,
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc và đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016.
Lễ Phục Sinh 2017 là ngày Thứ Năm, 24-11 chính thức là ngày 16 Tháng Tư, nhưng Mùa Mục Sinh đang bắt đầu. Mời đọc bài của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010:
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Bài viết, của ông tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Sau đây là 2 bài mới nhất.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến