Hôm nay,  

Ai Nỡ Giết Mi Nô

11/04/201700:00:00(Xem: 12316)

Tác giả: Chú Chín Cali
Bài số 5092-18-30792-vb3041117

Tác giả là một Kỹ sư về hưu, đang sinh sống ở Orange County và đã nhận được giải Danh Dự năm 2016. Trong những bài VVNM của ông, có nhiều bài viết lấy thú vật làm đề tài, gần nhất là chuyện “Molly con chó Mỹ,” “Molly và “Chuyện con Xí Muội.” Sau đây thêm một chuyện mới viết.

* * *

Mới hôm nào mà đã 42 năm rồi từ ngày Thảo sang đến Mỹ. Năm nay Thảo mang gia đình về quêăn Tết và đồng thời để làm lễ thượng thọ cho mẹ già tuổi đã tám mươi.

Bé Thảo củan gày xưa bây giờ là một “Việt Kiều” Mỹ. Con cháu đầy nhà. Có đứa nói được tiếng Việt, có đứa bập bẹ nói không ra câu. Có đứa tóc vàng hoe chỉ toét miệng cười khi có ai hỏi nó bằng tiếng Việt.

Thảo ra mộ cha để đốt nén hương tưởng niệm. Mỗi lần đốt hương cho cha Thảo đều khấn vái: “Ba ơi,con và Mi Nô đã hiểu được sự hy sinh cao quí của ba khi ba phải giải kiếp cho Mi Nô. Con và Mi Nô xin cám ơn ba.

Trong khi cả nhà xúm nhau quét dọn mộ,Thảo khám phá ra một miếng gạch tàu cũ kĩ trông quen quen.Khi lớp bụi phủ được lau sạch, một hàng chữ khắc sâu vào gạch hiện lên rất rỏ “Mộ Mi Nô”

“Đúng rồi, đây là cái mộ bia của Mi Nô”.Thảo vui mừng la lớn!

Mẹ Thảo xác nhận:

“Chính má đã cất tấm bia nầy trong nền mộ của cha con, cốt ý cho Mi Nô được gần gũi với ông, rồi má quên bẵng mất đi.”

Thì ra di tích của Mi Nô vẫn còn đây, sống chết muôn đời không rời xa chủ.

Qua bao vật đổi sao dời, căn nhà lá nơi Mi Nô ở ngày xưa nay là nhà hương hỏa,đã được Thão cho cất lại rất khang trang. Con đường mòn chạy ngoằn nghèo trong lao sậy trước nhà, bây giờ là bờ đê thẳng tắp với hàng dừa cao.Những thửa ruộng ngập nước phèn mà bé Thảo thường mò ốc bắt cua với Mi Nô, nay là vườn cây trái xanh tươi. Nơi đây đã từng chứng kiến bao biến cố thăng trầm của lịch sử, bao nhiêu tang tóc bởi chiến tranh nhưng nơi đây mãi mãi vẫn là quê hương của Thảo.Thời gian tuy đã xóa nhòa dĩ vãng, nhưng ba chứng nhân lịch sử: Cha, Mẹ Thảovà con Mi Nô vẫn còn đây, muôn đời gắn bó với quê hương, ruộng vườn, sông nước.

*

Mi Nô là con chó của gia đình Thảo ngày xưa, trong thời buổi chiến tranh loạn lạc. Nó ốm nhom vì thiếu ăn, suốt ngày phải coi nhà giữ em, đêm đêm canh chuột giữ vườn cho chủ. Nó sinh ra để phụng sự người khác. Cuộc đời cũa nó gắn liền với chủ, nhất là bé Thảo, người bạn duy nhất của nó.

Bé Thảo sinh trưởng ở vùng quê hẻo lánh. Quê em rất nghèo. Cha mẹ em là nông dân, đời sống gắn bó với ruộng vườn sông nước. Họ đi chân đất, ở nhà tranh máilá, đêm đốt đèn dầu, sống lam lũ ngày qua ngày, không biết ngày mai. Hàng xóm lưa thưa, cách xa nhau qua mấy cái cầu tre xiêu vẹo. Họ sống âm thầm, quanh năm không rời xa thôn xóm.

Mẹ bé Thảo kể rằng, lúc còn bé, em èo uột khó nuôi. Bé Thảo không bao giờ to hơn con Mi Nô trong nhà. Tóc em cháy nắng vàng hoe, da đen thủi vì giãi nắng và tắm nước phèn. Tuy vậy ba cưng em như vàng, gọi em là “cục cưng của ba”, còn má thì hôn chùn chụt trên đôi má khét mùi nắng cháy.

Mẹ em thường hay dí ngón tay vào trán em mà mắng: Con gái gì mà như “mít ướt”, vì tánh Bé Thảo hay hờn hay khóc. Có lẽ vì vậy em mang chết cái tên “Mít Ướt”, cái tên mà em rất đau khổ phải nhận lanh. Năm em đi học, có con bé gọi em là “Mít Ướt”ở trong trường. Bé giận và không thèm nói chuyện với nó cho đến khi nó phải năn nỉ và lo lót em với mấy cái hột me.

Một hôm có Bác từ thành phố về thăm có dẫn theo chị Mai. Chị Mai bằng tuổi em, mặc áo đầm phùng, tóc thắt bính, chân đi giầy, trông đẹp làm sao! Bé Thảo lấp ló sau cánh cửa nhìn trộm chị Mai bị ba bắt gặp. Ba ngoắc em ra chào Bác. Bác nhìn em từ đầu đến chân, không tìm thấy điểm nào đáng khen nên chỉ xoa đầu em không nói gì. Bé Thảo buồn tiu nghỉu. Nếu bé Thảo không đẹp như chị Mai, ít ra bác có thể khen bé có đôi mắt to, hoặc khen bé dễ thương, như mẹ em thường nói. Bé Thảo giận bác nên nhứt định không chơi luôn với chị Mai. Trong lúc ba và bác nói chuyện, chị Mai tuột xuống giường lò mò xuống bếp theo Thảo làm quen nhưng Thảo đã giận, nhất định không cho chị đụng đến con Cánh Cam tuyệt đẹp đang cầm trên tay tuy chị Mai đã hết lời năn nỉ..

Cha mẹ bé Thảo làm lụng vất vả, suốt ngày lam lũ dưới ruộngtrên nương. Bé Thảo ở nhà một mình, đùa giỡn với con Mi Nô. Lúc nào nó cũng ở bên cạnh em và cho em cảm giác được che chở, bảo vệ.

Mẹ bé Thảo kể lại rằng Mi Nô đã nhiều lần cứu em thoát chết. Lúc bé Thảo vừa mới biết đi lẫm đẫm, có lần nhờ Mi Nô sủa ầm lên báo động giúp mẹ kịp thời ngăn em không bị té xuống sông. Lần khác nhờ Mi Nô báo động, cha em đang phát cỏ ngoài đồng, kịp chạy về với cái phản trên tay, chém chết con rắn hổ mang, đang phùng mang, cất cao đầu, định tấn công Bé Thảo. Con rắn bị chém làm đôi nhưng vẫn chưa chết, đầu bò một nơi, đuôi lăn một ngả. Từ đấy Mi Nô được lòng tin của mẹ, và nó được chánh thức được giao phó trách nhiệm giữ em để mẹ làm công chuyện.

Rồi bé Thảo đi học trường làng. Con bé 6 tuổi đi học một mình, đầu không nón, chân không giày. Mi Nô hằng ngày đưa đón bé đi học đến tận cầu Kinh, cái ranh giới cuối cùng vì nó không thể đi qua được cây cầu. Nó đứng ở đầu cầu, vẩy đuôi, nhìn bé Thảo lần mò đi qua cái cầu tre xiêu vẹo. Khi qua được bên kia sông, bé Thảo thở phào, quay lại nhìn Mi Nô rồi vẫy tay ra dấu nó mới chịu quay về nhà. Buổi chiều khi tan học, Mi Nô đã đợi em ở đầu cầu từ lúc nào. Nó vẩy đuôi mừng rỡ, chạy nhảy lăng xăng như đôi bạn thân lâu ngày không gặp. Rồi hai đứa tung tăng dẫn nhau về nhà. Bé yêu Mi Nô lắm.


*

Chiến tranh càng lúc càng thêm khốc liệt. Xóm làng đắm chìm trong khói lửa. Hằng đêm chó sủa rang, khi dọc theo bờ sông, khi ở đầu giồng. Mỗi lần như vậy, lo lắng hiện trên nét mặt, ba em gài lại chốt cửa và tắt hết đèn trong nhà. Mọi người im thin thít trong bóng tối. Bé Thảo hai tay ôm lấy cổ Mi Nô đang gầm gừ trong cổ họng. Có tiếng người nói thì thào, tiếng bước chân lào xào dậm trên đám lao sậy bên bờ sông. Ba rỉ vào tai mẹ:

“Mấy ổng về đông lắm, chắc lại đánh đồn.”

Từ ngày bên kia cầu Kinh lại mọc lên cái đồn lính, kẽm gai giăng kéo chằng chịt tình hình càng thêm căng thẳng. Ngày đêm nghe tiếng súng “cắc bùm” của mấy ông lính nghĩa quân giữ đồn, bắn bừa mấy đám lục bình trôi, sợ mấy đặc công ẩn núp.

“Mấy ông” về càng thường xuyên, xóm làng càng thêm tơi tả. Ban ngày tàu đến, súng nổ như pháo rang. Ban đêm đạn pháo binh rơi từng chập, cày tan nát ruộng vườn. Xóm làng bị xẻ ngang, cắt dọc, đã tơi tả lại càng tả tơi! Chuyện sống chết là thường. Thỉnh thoảng có xác thú lẩn xác người trôi sông, không ai thừa nhận. Đêm đêm nghe tiếng trống, tiếng kèn đám ma nhà ai văng vẳng bên kia sông. Đám ma, đám giỗ cũng như chợ làng phải nhóm họp ban đêm vì sợ máy bay thám thính trông thấy. Khi nghe tiếng máy bay từ xa, mọi người tắt đèn ngồi yên trong bóng tối đợi chờcho đến khi máy bay ra khỏi vùng mới thắp đèn trở lại và tiếp tục sinh hoạt. Làng xóm tiêu điều. Mọi người sống trong phập phồng lo sợ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho mình.

Sống trong một vùng trái độn,những người dân vô tội bị giằng co, xâu xé, bởi hai con mãnh hổ, mạng sống của con người còn không đáng kể, nói chi đến loài súc vật.

Rồi một hôm cả làng nhận được lịnh giết chó để giữ bí mật sự di chuyển ban đêm. Tất cả chó trong làng phải bị giết trong vòng 24 giờ.

Cha mẹ bé Thảo thức suốt đêm bàn tính vẫn không tìm được cho Mi Nô một con đường sống. Sau cùng thay vì cho Mi Nô một con đường sống, nó được chọn cho một con đường chết,nhưng là một cái chết có ý nghĩa, nhẹ nhàng, trong tình thương và danh dự.

Buổi sáng hôm sau, cũng như mọi ngày, Mi Nô tung tăng đưa bé Thảo đi học đến tận cầu Kinh. Buổi chiều tan học về, bé Thảo không thấy Mi Nô đứng đợi ở đầu cầu vẩy đuôi đónem như thường lệ. Hôm nay có lẽ Mi Nô đến trể. Bé Thảo cố nhìn thật xa, hy vọng Mi Nô đang trên đường chạy đến nhưng nhìn mãi vẫn không thấy bóng dáng Mi Nô.

Mi Nô đâu rồi, chuyện gì đã xảy ra cho Mi Nô?

Bé Thảo chợt nhớ thái độ kỳ lạ của ba má em. Suốt buổi chiều ngày hôm qua mẹ em không rời Mi Nô nửa bước. Má ôm cổ vuốt đầu Mi Nô trong khi ba em mặt rất buồn buồn ít nói. Chú Ba hàng xóm sang chơi vô tình bô bô cái miệng:

“Anh Bảy tính sao con Mi Nô, tui đã “xử” con Vện nhà tôi rồi”.

Bé Thảo ngơ ngác không biết chuyện gì đang xảy ra. Sao lại “xử” con chó Vện dễ thương, bạn của Mi Nô? Nó có tội gì?

Linh tính bảo bé Thảo rằng chuyện không lành đã xảy ra cho Mi Nô. Phải chăng người ta đã … “xử” nó rồi?

Cái ý tưởng Mi Nô bị giết chết nó ghê gớm quá làm bé Thảo òa lên khóc. Bé Thảo kinh hoàng vừa gọi tên Mi Nô vừa cấm đầu chạy về nhà, hối hả chạy vụt qua cây cầu tre xiêu vẹo mà hằng ngày bé phải lần mò từng bước mới đi qua được.

Bé Thảo vừa khóc vừa xông vào nhà, sà vào lòng mẹ em, hình như đang ngồi đợi sẳn giây phút nầy. Mẹ ôm lấy em,lặng thinh, cùng chia sẻ nổi đau. Ba em ngồi bất động trên ngạch cửa, không nói gì, cũng không ngẩng đầu lên nhìn bé Thảo, tay vo ve điếu thuốc rê đã tắt tự lúc nào. Bé Thảo quay nhìn lại cha, rồi nhìn mẹ gương mặt họ buồn thiu. Trong ánh mắt của họ có điều gì uẩn khúc,không nói được nên lời.

Bé Thảo đã mệt nhoài sau khi được khóc. Cha em đến bồng bé Thảo lên, vuốt tóc và chùi hai dòng nước mắt trên má em. Bây giờ ông mới nhìn thẳng vào mắt bé rồi nói:

“Ba xin lổi con … nhưng ba đã làm được điều tốt nhứt cho Mi Nô. Thôi nín đi con, chuyện đã qua rồi, đừng khóc nữa.”

Ba nắm tay dẫn bé ra sau vườn đến trước cái mô đất vừa mới đắp, với tấm bia làm bằng miếng gạch tàudùng để đậy cái hủ gạo trong nhà bếp. Bé Thảo bập bẹ đọc: “Mộ Mi Nô”.

Chuyện đã qua rồi. Bé Thảo không còn khóc nữa vì nhớ Mi No nhưng em thấy buồn vì trống vắng.

Từ đó, hằng ngày Bé Thảo lững thững đi học một mình, miệng lẩm bẩm như đang trò chuyện với Mi Nô. Tan học về khi đến Cầu Kinh, Bé Thảo ngóng cổ đưa mắt nhìn qua bên kia sông với hy vọng thấy bóng Mi Nô đang vẩy đuôi đứng đợi, tuy em biết rằng Mi Nô của nó đã chết rồi.

Và cũng từ ngày ấy, bé Thảo không còn hí hửng mỗi khi được mẹ sai đem cơm ra đồng cho cha em. Bé Thảo không đòi đựơc ngồi trong lòng ba, được nhổ mấy mấy sợi râu lún phún trên cằm rồi đòi được thưởng. Bé Thảo không thiết tha gì đến con bù rầy, con cánh cam ông mang về cho em chơi. Bé Thảo giận ba sao nỡ giết Mi Nô.

Em còn bé quá làm sao hiểu được ai đã giết Mi Nô!

*

Thân phận làm chó Việt Nam, Mi Nô đâu có được quyền gì kể cả quyền được sống. Người ta cho nó sống nó được sống.Người ta bắt nó chết, nó phải chết. Mi Nô may mắn nhờ có Ba giải kiếp, nhưng còn hàng triệu con Mi Nô khác, ai sẽ giải kiếp cho?

Nếu kiếp sau Mi Nô vẫn còn nghiệp chó,cầu xin cho nó được làm con chó Mỹ.

Chú Chín Cali

Ý kiến bạn đọc
19/04/201717:20:39
Khách
Bé Thảo còn bé quá làm sao biết được ai đã giết Mi Nô nên kết tội cha em. Sau 42 năm chắc mọi người đủ lớn để biết ai đã tạo ra cuộc chiến cốt nhục tương tàn, nồi da xáo thịt và không còn kết tội bọn "Nguỵ quân ngụy quyền" nữa.
Xin cám ơn Chú Chín.
13/04/201719:49:11
Khách
bài viết quả cảm động. Đọc mà xót thương cho Mino, cho người dân hiền phải sống trên đe dưới búa!
12/04/201714:31:05
Khách
Bài viết thật cảm động, hàm chứa nhiều ý tưởng hơn là cái chết của con chó Mino. Thương cho bé Thảo, tội cho Minno và tủi cho dân tộc Việt Nam mình. Cám ơn Chú Chín Cali.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,401,693
Tác Giả viết bài nầy thay cho những ai lần đầu tiên được làm mẹ, hoặc sắp làm mẹ, muốn gởi gắm đến cho đứa con yêu quí. Tuy hoàn cảnh hoặc hành sử có thể khác nhau nhưng tình mẫu tử thiêng liêng không khác biệt. Tác giả quê quán ở Bến Tre, sang Mỹ năm 1973. Ông gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015, nhận được giải danh dự năm 2016, và giải Á Khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Hiện Tác Giả đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả đã qua tuổi bát tuần, hiện là cư dân Bắc California, Trước 30 tháng Tư 1975, ông là công chức chính ngạch của VNCH. Saigon đổi đời, cuối tháng Mười 1977, vượt biên tới Thái Lan. Định cư tại Vùng Vịnh San Francisco, Calif, từ ngày 9 tháng Một 1978. Ông đã dự Viết Về Nước Mỹ từ 2010, với bài viết kể chuyện tổ chức vượt biển và nuôi dạy các con thành người hữu dụng trên đất Mỹ. Sau đây là bài viết mới để tạ ơn tự do, thương phế binh Việt Mỹ, và đặc biệt, Tạ ơn Đức Thánh Trần.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Năm 2017, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà là chuyện mùa Giáng Sinh.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Bài mới nhất, tác giả viết về Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Bài mới nhất là chuyện mùa giáng sinh
Trước Tháng Tư 1975, tác giả là một Hải Quân Trung Uý VNCH, rồi thành cựu tù cải tạo, tự lái tầu vượt biển, định cư tại Úc. Với nhiều bài viết sống động, trong đó có “Làm Thế Nào Để Chôn Hai Chế Độ,” kể chuyện được cô bí thư 12 tuổi đảng bảo lãnh ra khỏi trại cải tạo Vườn Đào, ông là tác giả vào danh sách Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài viết mới nhất..
Tác giả sinh năm 1944, định cư ở Mỹ năm 1979, sống ở California 25 năm với nghề điêu khắc gỗ. Một số tượng điêu khắc gỗ cỡ lớn hiện đang toạ lạc trên đường phố và nơi công cộng của các thành phố Seaside, Monterey, và Los Gatos tại California là công trình của ông Tú.
Tác giả sanh năm 1943 tại Cân thơ - Bác sĩ thú y, giảng dạy tại Đại Hoc Cần thơ trước 75 - Cùng gia đình vượt biên năm 1980. Học lại và làm việc cho cơ quan Canadian Food Inspection Agency từ 1985 đến ngày hưu trí năm 2008. Bài đầu tiên Viết Về Nước Mỹ, Đất Lành Chim Đậu nhận giải Vinh Danh Tác giả năm 2007. Sau 10 năm tiếp tục góp bài cho Việt Báo, tác giả cho biết “Vì lý do sức khỏe bất ngờ, xin chào tạm biệt tất cả bạn đọc để tĩnh dưỡng. Và đây là bài viết cuối cùng của ông: Chuyện hai mùa Vu Lan 2016-2017, con trai lái xe hàng ngàn dặm về cùng bố lát gạch sân đậu xe và tu sửa ngôi nhà gia đình. Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng cám ơn Bác sĩ Nguyễn Thượng Chánh. Kính chúc ông và gia đình an vui, mạnh khỏe.
Nhạc sĩ Cung Tiến