Hôm nay,  

Đi Bán Báo Xuân

19/02/201700:00:00(Xem: 10385)

Tác giả: Lê Nguyễn Hằng & Nguyễn thị Mão
Bài số 5048-18-30748-vb8021917

Hội chợ Tết Sinh Viên tại San Jose năm Đinh Dậu tại San Jose tưng bừng khai trương vào dịp Rằm Tháng Giêng. Đặc biệt, năm nay một số tác giả trong nhóm bạn Việt Bút đã góp phần đưa sách Viết Về Nước Mỹ và báo xuân Việt Báo tới với hội tết. Sau đây là bài viết của hai tác giả Lê Nguyễn Hằng-Nguyễn Thị Mão.

* * *

blank
Tường Vân và gian hàng.

Thứ Bẩy, ngày Rằm Tháng Giêng, sau màn du xuân vãn cảnh chùa ở Morgan Hill, cách San Jose khoảng 30 dặm về phía nam, chúng tôi rủ nhau đến Hội Chợ Tết Sinh Viên tổ chức tại trường Yerba Buena ở San Jose, ghé vào thăm quầy bán sách của nhóm Việt Bút để “tăng thêm khí thế.”

Số là cách đây vài tuần, Khôi An, có đề nghị năm nay nhóm Việt Bút Bắc Cali mở một quầy sách trong Hội Chợ Tết, Khôi An sẽ liên lạc với Việt Báo để nhận Báo Xuân và sách Viết Về Nước Mỹ. Thế là nhân dịp Annie và Song Lam từ Santa Ana du hành lên San Jose ăn Tết, đeo theo trên xe đò Hoàng một thùng sách to tổ bố. Chúng tôi cùng Iris ra bến xe đón bạn. Ba đứa khiêng khiêng, vác vác, đẩy đẩy chất lên xe của Mão, sau đó Iris đưa Annie và Song Lam về nhà, trước là vui xuân bạn bè sum họp, sau là bàn chuyện góp mặt trong Hội Chợ Tết để bán báo. Chúng tôi muốn giới thiệu với cộng đồng sinh viên trẻ cũng như đồng hương Việt Nam ở San Jose biết thêm về Việt Báo và nhóm Việt Bút đang phát triển và điều quan trọng không kém là bán sách để quảng bá, phát huy và bảo tồn văn hóa Việt Nam, thêm nữa là kiếm tí tiền còm đóng góp cho chi phí in ấn.

Nhờ có TháiNC, một thành viên của Cơ Sở Văn Thơ Lạc Việt và cũng là một tác giả quen thuộc của chương trình Viết Về Nước Mỹ đã sắp xếp cho cả hai nhóm làm chung một gian hàng nên rất ấm cúng và thuận tiện.

Ngày đưa sách báo vào hội tết, khi đến khu trường Yerba Buena thấy xe cộ ngược xuôi như mắc cửi, cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa tung bay phất phới trước gió, vàng cả một khu đường, lòng tôi thấy nao nao xúc động và reo thầm, đúng “chàng” đây rồi. Khách tham dự tấp nập, già nhiều, trẻ cũng đông, ai nấy đều ăn mặc đẹp như “Tết” vậy đó. Hai bên lề đường xe đậu kín mít, bây giờ làm sao lọt vào được trong kia đây. Chúng tôi liều mạng dừng xe lại ngay trước cổng trường. Một cậu sinh viên chặn lại bảo:

- Khách phải đậu ngoài kia các bác ơi.

- Chúng tôi có quầy hàng trong kia chứ không phải là khách đâu.

blank
Nguyễn Thanh Xuân (Văn Thơ Lạc Việt) và Lê Nguyễn Hằng.

Dòm vào trong xe, cậu ta nhìn thấy mấy bà lão mặc áo dài nghiêm chỉnh, chắc chạnh nhớ đến mẹ hay bà của mình nên đã mở cống và nói:

- Vậy thì các bác vào đi.

Xe qua cổng ngon lành, chúng tôi có thì giờ rảnh nên đi “thăm dân cho biết sự tình” vì hôm nay đã có Khôi An, Tường Vân và Thái rồi, ngày mai mới đến lượt chúng tôi làm bổn phận công dân (là bán báo đấy!) Vậy thì hôm nay nhàn rỗi, đường ta ta cứ thênh thang.

Đi dạo một lúc, chúng tôi có trong tay “trăm thứ bà rằn”, nào là túi đeo sau lưng như ba lô màu lá cây của trường Evergreen Valley College, túi xách màu xanh đậm của Foothill Community Health Center, áo T-shirt Dậy Mà Đi của hội Việt Tân… Chợ Tết Sinh Viên tại San Jose năm nay có rất nhiều gian hàng, phần lớn là của thương gia chuyên về bảo hiểm, địa ốc,y tế, sắc đẹp… rồi đến hàng thức ăn, mùi thơm bốc lên ngào ngạt.

Chiều về đến nhà chân cẳng chúng tôi rã rời vì đi bộ nhiều quá, hết trong chùa lại đến hội chợ.

Khuya hôm đó, xong ngày đầu “ra quân” Khôi An khệ nệ vác đến nhà tôi 2 bịch sách đến bàn giao cho chúing tôi.

Sáng hôm sau, trên đường đi chúng tôi khôn hồn ghé vào tiệm Thanh Sơn mua một gói xôi và một hộp bánh dầy nhân đậu vì… nhỡ khách đến mua sách đông quá làm sao có thì giờ đi mua thức ăn (lạc quan thật!), thôi cứ “cẩn tắc vô ưu” vì “có thực mới vực được đạo”.

Vừa đến cổng đã bị chặn lại, quen đà, tưởng bở như hôm qua, chúng tôi bảo các bạn sinh viên trực khu cổng:

- Chúng tôi có quầy hàng trong kia em ạ.

Người sinh viên bảo:

- Chỗ đậu trong này chỉ cho khách thôi bác ơi.

blank
Khôi An và TháiNC.

Không hiểu sao luật lệ lại thay đổi nhanh như thế, biết cãi cũng chỉ “từ bị thương đến chết” nên chúng tôi bèn đi một đường năn nỉ: Cháu xem này, hai cô đem mấy thùng sách để bán, nặng thế kia làm sao có thể khuân từ ngoài chỗ đậu xe xa lắc vào đấy, mà cũng không chắc đã tìm được chỗ đậu dù xa lắc xa lơ, tận đẩu tận đâu ngoài kia.

Thấy hai bà già gầy còm mặt mũi thiểu não, cậu sinh viên bèn lấy làm thương hại ngoắc tay cho xe chạy vào.

Mừng húm, dọt lẹ và cuối cùng chúng tôi cũng tìm được một chỗ đậu bên trong. Yên vị rồi, hai chị em bàn nhau là số bọn mình hôm nay hên, chắc phải tự mở hàng cho mua may bán đắt. Thế là mới sáng tinh sương bảnh mắt ra đã có sáu quyển sách sẽ được chuyển tay đến người đọc rồi.

Hai chị em khuân hai thùng sách nặng tổ chảng và đủ thứ linh tinh đi được một khúc đường, bỗng bảo nhau, “Ôi thật là ngốc! Sao không lấy ra bỏ lại xe những cuốn hai chị em mình mua rồi, bưng vào làm gì cho khổ tấm thân già này?” Thế là quay lại xe lần thứ nhất để bớt sách lại cho nhẹ gánh.

Gian hàng Việt Báo dựng ở trên gò đất cao, hai chúng tôi phải leo dốc xuống đèo, băng qua bãi cỏ ướt vì San Jose mưa bão suốt mấy tuần qua.

Vào đến nơi hai chị em lấy sách ra trưng bày thì bèn ngộ ra rằng: “Chết rồi! Sách còn lại, nhất là Báo Xuân, thưa thớt thế này coi sao cho được, thôi chị em mình cho mượn lại chốc nữa gọi Khôi An đem thêm đến rồi trả lại cho tụi mình sau.” Thế là Mão quay lại xe lần thứ hai đem sách “đã bán rồi” vào trưng lại.

Bắc Cali đã mưa tầm tã liên tiếp suốt gần hai tháng, hôm qua trời thương những người tổ chức chợ Tết nên tạm thời ngừng mưa mấy ngày rồi lại sẽ tiếp tục.

Khi chúng tôi tới nơi, còn sớm và trời rất lạnh, nhất là chỗ quầy hàng của Việt Báo ở trên cao nên gió lộng, hai chị em ngồi co rúm, mặc dù hai đứa đã biết thân ốm yếu gầy còm nên mỗi đứa phải mặc thêm chiếc áo ấm dầy cộm nhưng vẫn không chống lại nổi cái lạnh của vùng thung lũng San Jose lúc mặt trời còn ngái ngủ, chúng tôi phải kéo ghế ra chỗ có tí ánh nắng cho đỡ lạnh, nhân thể nhìn sân khấu rõ hơn, nhưng cũng không quên đeo chiếc kính mát để nắng khỏi ảnh hưởng đến đôi mắt “lão thị” mơ huyền, trông hai bà già cứ y như hai nữ điệp viên “không không thấy.”

blank
Từ trái, Nguyễn Thị Mão, Hai vị nữ độc giả và Lê Nguyễn Hằng.

Chương trình văn nghệ thật náo nhiệt, tiếng hát tiếng đàn vang lên liên tục. Có nhiều ca sĩ “tài tử” mà hát điêu luyện như chuyên nghiệp, nhất là các em nhỏ, cỡ từ 5 cho đến khoảng 12 tuổi, xúng xính trong những bộ áo dài khăn đóng màu sắc rực rỡ, các em hát thật hay, luyến láy điệu đà, lại đúng lời đúng nhịp rất đáng ca ngợi, tôi thật khâm phục cha mẹ của các em đã giúp đỡ, chỉ bảo và khuyến khích con mình.

Khoảng gần trưa, số người đến chợ Tết bắt đầu đông, chúng tôi phải tiếc rẻ ngừng coi văn nghệ, lo chú tâm chào hỏi khách hàng và giới thiệu sách. Phần lớn khách ghé quầy Việt Báo là những người lớn tuổi. Có một “đôi uyên ương” dù cao niên nhưng rất “tình” và dễ thương (vì họ mua sách của chúng tôi mà), Bà chỉ tay nói: “Tôi muốn mua tờ báo Xuân”, Ông lại bảo: “Nhưng tôi muốn đọc Viết Về Nước Mỹ cơ, trong đó có vô số người viết và rất nhiều bài hay”. Câu nói này nghe sao ngọt lịm! Tôi bèn nhanh nhẩu góp ý: “Vậy thì mua cả hai, báo Xuân cho Bác Gái, VVNM cho Bác Trai, đọc xong thì đổi, thế là ai cũng được đọc nhiều, vui vẻ cả nhà!” Bác gái nhoẻn miệng cười rất tươi và đưa tiền cho tôi thối lại. Lúc sau có hai vị phụ nữ ngắm nghía những quyển sách bày trên bàn một cách thích thú rồi mỗi người mua một quyển. Chị em tôi bèn xin chụp một tấm hình lưu niệm cùng hai vị nữ lưu trọng văn chương chữ nghĩa đáng quý ấy. Có một thiếu nữ 24 tuổi, nói được tiếng Việt nhưng không biết đọc, cứ nhất đinh đòi gặp tác giả TháiNC, tiếc là lúc đó giờ trưa nên Thái bận đi ăn.

Rõ ràng đa số người lớn tuổi vẫn còn lưu luyến nhiều đến văn chương Việt Nam, trước đây họ (và cả tôi nữa) vẫn tưởng ngày bước chân ra khỏi Việt Nam cũng là ngày chữ Việt bị tàn phai nhưng đâu ngờ có biết bao nhiêu con trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài lại nói được tiếng Việt lưu loát. Họ đọc như để tìm lại một phần quá khứ, chữ nghĩa đẹp như hoa gấm và hòa đồng với người viết về cuộc sống hiện tại. Nhất là họ còn giữ được thói quen hiếm hoi là “đọc báo giấy.”

Chúng tôi dặn với lòng là rút kinh nghiệm của lần bán sách này, xem ra còn không ít lụp chụp, nhưng xin mọi người kiên nhẫn chờ đến sang năm, chúng tôi quyết tâm chuẩn bị kỹ càng để gian hàng của Việt Báo sẽ tưng bừng náo nhiệt và đạt được kết quả tốt đẹp hơn năm nay.

Đây là năm đầu tiên chúng tôi góp mặt với hội chợ Sinh Viên San Jose, tuy số lượng sách báo bán không được nhiều như ước muốn, nhưng chúng tôi rất hài lòng và hãnh diện đã có một cuối tuần thật là hạnh phúc vì đã làm được một việc đầy ý nghĩa và đã góp mặt với các bạn văn trong việc chuyển tải tiếng Việt qua sách báo, đã nhìn thấy cộng đồng Việt Nam tại San Jose ngày một lớn mạnh nhưng vẫn không quên cội nguồn, văn hóa Việt Nam, đặc biệt nhất là còn ấp ủ giữ gìn truyền thống Tết của dân ta.

Cám ơn các bạn Văn Thơ Lạc Việt đã dành cho nhóm Việt Bút một ưu ái đặc biệt là được chia sẻ với quý vị mái nhà nhỏ nhắn để cùng chung sức bảo tồn văn hóa Con Rồng Cháu Tiên. Cũng xin cám ơn Việt Báo đã cho chúng tôi cơ hội đóng góp vào việc gìn giữ Tiếng Mẹ Đẻ. Và cuối cùng cám ơn Thái NC, Khôi An, Tường Vân, Mão, các bạn Việt Bút và nhất là Annie đã cùng nhau góp sức để chúng ta được hiện diện trong Hội Chợ Tết với những đồng bào cùng nặng lòng yêu thương quê hương đất nước Việt Nam.

Xuân 2017

Lê Nguyễn Hằng

Nguyễn Thị Mão

Ý kiến bạn đọc
28/02/201708:38:49
Khách
Nghĩ tới cảnh 2 "cụ bà" khệ nệ bê sách báo mà ...............thương quá đi. Các "cụ" già gân như mấy chị còn, thì chữ Việt chắc chắn vẫn còn, và mỗi ngày sẽ lại càng phong phú vì có Việt Báo & Việt Bút.
23/02/201703:06:31
Khách
Cám ơn Ngọc Anh nhá.
19/02/201714:50:31
Khách
Đọc bài của hai tác giả, cảm giác ấm áp vui vẻ như thời thanh xuân qua trường bạn để bán những cuốn báo Xuân của trường mình, không gian và thời gian có khác, nhưng tình cảm vẫn còn y nguyên. Các anh chị đã làm một nghĩa cử thật đẹp cho văn chương chữ nghĩa Việt Nam ở hải ngoại .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,407,586
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài mới là truyện kể cuối năm dễ làm mềm lòng người.
Tác giả lần đầu đến với Việt Báo Viết Về Nước Mỹ, bài và hình ảnh do thân hữu chuyển đến bằng eMail. Mong Huyen Lam sẽ bổ túc địa chỉ liên lạc và tiếp tục viết thêm.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. Bài đăng 2 kỳ
Đêm Giáng Sinh, mời đọc bài kể về thùng quà đặc biệt nhận từ bưu điện Mỹ. Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Bài mới nhất, tác giả viết về Lễ Giáng Sinh.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh tại chỗ do chính ông chụp. Nhiều bài và hình ảnh của ông chụp hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện "Bắc Kỳ". Bài và hình ảnh mới nhất là chuyện tác giả đi làm tình nguyện viên tại Trung Tâm Cứu Trợ nạn nhân của đám cháy Thomas vừa được thành lập tại Los Angeles.
Tác giả là một cựu du học sinh Nhựt Bổn, từng nhập Nhựt tịch, và có tên Nhựt là Yasushi Takasaki. Trước 30 Tháng Tư 1975, ông là chuyên viên Văn phòng Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia VNCH, hiện cùng gia đình tái định cư tại Vancouver, Canada, từng làm Telemarketer của 2 hãng điện thoại Mỹ. Năm 2012, ông góp bài viết về nước Mỹ đầu tiên, Thiên Đàng Còn Xa. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết như ng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến