Hôm nay,  

Săn Chim

24/12/201600:00:00(Xem: 19150)

Tác giả: Chú Chín Cali
Bài số 5000-18-30700-vb7122416

Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Đây là bài viết mới nhất nói về cái thú “bird watching” ở Mỹ và những kỷ niệm đi săn chim thuở thiếu thời ở Việt Nam. Sinh trưởng ở miền Nam sông nước, tác giả sang Mỹ trước năm 1975, đã về hưu từ lâu, đang định cư ở Orange County.

* * *

blank
Đàn chim dễ thương.

Loay hoay với cái máy chụp hình mới mua được trên E-Bay. Giá rẻ được mấy chục nhưng tôi mừng còn hơn trúng số. Tôi lọ mọ với nó mấy hôm nay. Kêu ăn cơm tôi chỉ ừ ừ, hử hử làm bà xã phải gọi mấy lần. Tức mình bà cằn nhằn:

- Chà, ông lại mê cái trò gì mới nữa đây?

- Tui định vô hội…. “coi chim”.

- Vậy coi mấy chục năm nay ông coi ở hội nào?

- Bậy nè. Tui nói chuyện coi chim… thật mà.

- Thì tui đâu có giởn, ông nói ai xài đồ giả?

Con gái nghe chuyện cũng phì cười, xen vào:

- Ba già rồi nên sanh tật đó má ơi! Hồi nhỏ thì ổng mê “chơi chim”, khi già lại mê “coi chim”!

Tội nghiệp cho tôi. Tô định gia nhập hội coi chim “Bird watching” thật mà cã nhà hiểu lầm. Oan ức nầy biết tỏ cùng ai!

Mà sự thật tôi có tật mê chim lúc còn bé khi đi theo hai anh để bắn chim hoặc hốt ổ chim về nuôi trong mấy tháng nghỉ hè ở nhà quê.

Người lớn họ hốt ổ chim Chìa Vôi- Chích Chòe, chim Cưởng hoặc chim Sáo về nuôi. Mấy loại chim nầy khôn lắm, chúng hót hay, có con biết nói. Thằng Mao hàng xóm có con Sảnh, đen thui mỏ đỏ chân vàng, nó nói như “Sảnh”. Mấy đứa con nít thường dạy cho nó nói bậy. Một mình buồn, nó rao bán cà rem:

- “Cà rem cây. Cà rem cây”.

Khi thấy ai vào nhà là nó la om sòm:

- “Mao ơi có khách! Mao ơi có khách”.

Khi có ai nói chuyện với nó, nó niễng niễng cài đầu lắng nghe rồi bắt chước y chang. Nó bắt chước tiếng chuông “ leng leng, leng keng” của anh bán cà rem như thật. Nhưng đừng chọc nó, nó giận nó chưởi thề thì hết chổ chê, nó “Đ. mẹ mầy”, “ Đ. má mầy”, hoặc chửi “Đồ cà chớn” rồi cười “khặc khặc khặc”. Nhiều khi không có ai chọc phá nên buồn, nó rao mua hàng: “ve chai bán hôn....”

Nhưng mấy loại chim quí nầy dễ gì mà bắt được. Bọn nhóc tui tôi chỉ bắt mấy con chim Sắc Bông, Sắc Mọi, Áo Dà và chim Dòng Dọc. Phải canh hốt ổ khi chim chưa mọc lông, chưa mở mắt thì nuôi lớn chim mới khôn. Nuôi lớn biết bay, chúng bay là đà theo người nuôi, cứ tưỡng là cha mẹ, dễ thương lắm.

Nuôi chim ngại nhất là mèo. Con mèo mun quỷ quái nhà tôi rất tinh ranh. Nó theo rình rập mấy con chim con chúng tôi nuôi, sơ hở một chút là nó chụp rồi vọt tuốt lên gác, có tức chỉ dậm chân kêu trời. Nhưng Bảy Bé (người anh lớn, tuy anh tên Bé) nhất định không tha cái tội tày trời nầy, Anh kiên nhẫn ngồi đợi nó về với cây gậy tầm vong trên tay. Vừa chui vào cái lổ chó là nó lảnh một cây vào đầu làm nó lộn mấy vòng la “éo éo”, rồi cấm đầu chạy mất. Mấy hôm sau mới thấy nó lò mò về, một mắt lớn, một mắt nhỏ!

Nuôi chim thì vui nhưng cực khổ lắm. Đi bắn chim thì vui ơn và sướng hơn vì còn được ăn thịt chim.

Thuở ấy tôi mới học lớp vỡ lòng. Tôi phục tài bắn ná thun của Tám Nê người anh kế của tôi. Hắn bắn đâu trúng đó. Tám Nê tài đến mức độ hắn có thể nhắm vào cuốn mà bắn rơi trái vú sữa, trái xoài trên cây. Tám Nê có thể bắn các mục tiêu di động như con rắn đang lội dưới sông hay con sóc đang chuyền trên cành. Có lần Tám Nê bắn rơi con chim ó biển, to như con gà mái, đậu chơi vơi trên ngọn cây dừa lão.

blank
Hai tay hảo thủ ná thun.

Thuở ấy chim rừng rất nhiều. Có hôm tổ đãi, chúng tôi mang cả xâu chim về sau chuyến đi săn, đủ loại chim, từ con chim sâu nhỏ xíu cho tới chim Trao Trảo, Gà Nước (Cúm Núm), chim Quốc, chim Cu, ….Và mỗi lần như vậy anh em tôi được một bửa thịt chim nướng linh đình. Chúng tôi biết cách vặt lông chim, thui cho sạch lông tơ, mổ bụng rồi ướp thịt. Tôi bị xúi đi chôm chĩa tiêu hành tỏi ở nhà bếp bị má bắt gặp. Bà không la rầy còn vò đầu tôi mà cười, còn chỉ chúng tôi cách ướp thịt sao cho ngon.

Thịt chim nướng lửa than thơm phưng phức. Má tôi còn phải khen:

“Tụi bây làm coi được đó, thơm dử đó nhen!”.

Tám Nê- biệt danh Nê Ròm, ăn nhiều nhưng không lớn. Má kể ảnh sanh thiếu tháng nhỏ xíu như con mèo con. Khi biết ngồi phải tấn gối chung quanh, vì không khéo, hắn bật ngửa, khóc “é” một tiếng rồi nín thở luôn, mặt mày xanh lét rồi thành tím ngắt. Mổi lần ảnh nín thở như vậy, phải đét vô mông thật mạnh, gỏ thùng thiết kêu rầm rầm để gọi ba hồn bảy vía về cho hắn tỉnh dậy. Hắn không chịu lớn nhưng lại tham ăn. Mỗi sáng mỗi đứa được một mắm xôi vò, nhưng Tám Nê thì phải bẻ nắm xôi làm đôi, hai tay cằm hai cục thì hắn mới chịu. Hắn mà giận vất cục xôi rồi khóc ngất lại xanh mặt nín thở thì phiền lắm. Đến lớn vẩn còn tham ăn, Tám Nê đòi mỗi đứa ăn phần chim của mình bắn được. Tôi thì dẩy nẩy phản đối tới cùng vì tôi có bắn được con nào đâu! Bảy Bé thì nhất đinh đòi lãnh phần chia của, vì hắn lớn nhất sẽ chọn phần ngon nhất. Đứa nào phản đối là bị hắn kí vào đầu. Sự bất đồng ý kiến sinh ra cãi vã om sòm, và sau cùng, với sự can thiệp của mẹ tôi, tòa xử ba đứa cùng ăn một lượt.

Dĩa chim nướng vừa để xuống bàn, chỉ một thoáng là thịt chim biến mất. Trong khi cả ba còn đang thòm thèm, con KiKi là sung sướng nhất, nhai rôm rốp mấy cái xương vẫn còn nguyên thịt, vì chúng tôi chỉ gậm sơ rồi vất đi để chôm miếng khác.

Tôi bé nhứt trong 3 đứa và là đứa bắn ná thun dở nhất. Có lẽ vì tôi làm vướng bận nên 2 thằng anh tìm đủ mọi cách để bỏ tôi ở nhà mỗi lần âm mưu đi bắn chim xa. Mỗi lần như vậy tôi khóc ầm lên để má tôi can thiệp. Kết quả bao giờ tôi cũng chiến thắng vẽ vang và được tòa ra lịnh cho đi. Hai thằng anh tuy ấm ức lắm nhưng phải chịu thua sau khi cú mấy cái vào đầu người chiến thắng. Nhưng dù có được đi, tôi chỉ được đi lẻo đẽo phía sau, tay xách sâu chim.

Cũng như hai anh, tôi cũng được trang bị đầy đủ như tay thợ săn chuyên nghiệp, cái ná thun mang tòn ten trên cổ, trong túi đầy các viên bi. Tuy ở tư thế sẵn sàng chiến đâu nhưng lại bị cấm không được bắn bậy, vì sợ làm chim bị “nhát”. Nếu phải chui vào trong lùm cây, trong bụi rậm để tìm chim, tôi bị bắt ngồi đợi ngoài bờ mẫu. Ngồi buồn tôi đem ná thun ra thực tập. Mục tiêu của tôi thường là mấy con rắn mối thập thò trong bụi, hoặc mấy con cá Thòi Lòi rửng mỡ, vương vi, phùng mang, trợn mắt nhảy múa lấy le với mấy chị Thòi Lòi cái trong vũng nước bùn.

Người bắn ná thun không nhắm mục tiêu qua nốt ruồi như bắn súng, nhưng sử dụng một năng khiếu đặc biệt. Họ dùng sự cảm nhận (feeling) để bắn viên bi, và ước tính đường đạn vào mục tiêu qua trực giác (instinct). Muốn đạt được trình độ như Tám Nê không phải dễ.

Ngoài cái tài thiên phú, đồ nghề phải là đồ chiến: cái ná phải êm tay, dây thun đúng độ mềm và phải có tính đàn hồi tốt, và nhất là phẩm chất cao của đạn bi: tròn, đúng cỡ, cứng và nặng. Đạn bi phải được làm bằng đất sét tốt, nhồi kỹ lưỡng rồi được vo thành viên tròn. Vo bi là cã một nghệ thuật mà muốn đạt được trình độ cao đẳng như ba anh em tôi, phải cần nhiều thực tập. Ngắt đất thành từng cục bằng đầu ngón chân cái (chân con nít) để giữa 2 lòng bàn tay rồi vo tròn cho đến khi viên bi hoàn hảo. Phơi 2 nắng là đạn bi có thể xài được, nhưng nếu muốn là thứ chiến, đạn bi phải được nung trong lò lửa, “hầm” cho đến khi “chín”, cứng như gạch.

Nhà tôi có mấy cây “xa bu chê” khi trái chín cây là nơi chim Trao Trảo về cả bầy, cắn lộn dành ăn đuổi nhau chí chóe. Tám Nê và bảy Bé ngồi nín thở trong cáí chòi làm bằng lá dừa, lá chuối dưới gốc cây, rình chim đến là nhả đạn. Tôi không được chui vô chòi vì ngồi lâu bị bù mắt cắn rang cả chân tay chịu không nổi phải cọ quạy, gãi xồn xột cho đã ngứa nên làm làm chim nó sợ bay mất. Tôi bị hai thằng anh đuổi vào nhà, núp sau cánh cửa mà coi.

Nếu chim không tìm đến mình thì mình phải đi tìm chúng, như các lùm bụi, các vườn cây ăn trái, các đầm nước. Nghề bắn ná thun cũng lắm công phu. Chúng tôi lặn lội cả ngày tìm kíếm mục tiêu, thường là các cây rừng đang mùa trái chín như Cây Sắn, cây Ôi rừng, cây Mua, cây Sung, cây Trứng Cá, chim tụ về ăn trái, mặc tình mà bắn. Có khi chúng tôi phải ngụy trang ngồi im cả buổi đợi chờ. Có khi phải gọi chim đến bằng cách giả tạo tiếng chim kêu.

Cái thú đi săn nó hấp dẫn lắm. Nếu không sao có người dám bỏ hàng chục ngàn đô la đi Phi Châu săn thú? Có kẻ lặn lội trong rừng sâu núi thẳm lục lạo săn mồi. Con nít đi bắn chim cũng có chung cảm giác của người thợ săn. Không gì thích bằng cái cảm giác hồi hợp theo dõi con mồi, thất vọng khi chúng vụt bay đi, vui mừng khi chúng sa vào vùng tử địa, và nhất là cái cảm giác chiến thắng khi viên đạn trúng mục tiêu, con mồi gục ngã.

Thỉnh thoảng tôi về Việt Nam được mời đi “nhậu” ở các quán “cao cấp” có món chim, là đặc sản miền Tây. Nhìn mấy con chim quay thơm phức, tôi nhớ đến thời thơ ấu.Tôi cứ trố mắt mà nhìn. Bạn bè thúc giục:

- Thử đi chứ, ngon lắm, chỉ có mùa gió Chướng mới có món “Cúm Núm” xào bầu, “Gà nước” nướng mọi nầy.

Làm sao tôi nuốc nổi khi nghĩ rằng mấy con chim nầy sinh ra để bay chạy, ca hát trong thiên nhiên cho chúng ta được chiêm ngưỡng cái đẹp của nó thay vì để cho con người săn bắn làm món ăn cho tôi nhậu nhẹt!

Lúc còn là trẻ con tôi săn chim bằng ná thun. Đây chỉ là trò chơi trẻ con, đâu có nghĩ đến chuyên đạo đức, biết mình phạm tội sát sinh và nhất là cái trọng tội mình đã góp tay hủy diệt những giống chim hiếm quí đang trên đường diệt chủng. Một khi tuyệt chủng chúng sẽ không bao giờ tái sinh.

Bây giờ tôi vẫn thích săn chim, nhưng săn bằng máy ảnh.

Ngày xưa tôi săn chim để vui chơi, bây giờ tôi đi săn chim để được chiêm ngưỡng cái đẹp của loài sinh vật quý hiếm trong môi trường sống thiên nhiên của nó.

Vẻ đẹp thiên nhiên và tiếng hót thanh tao của loài chim làm lắng dịu tâm hồn, mang đến cho ta niềm vui và hạnh phúc, là món quà quí giá của tạo hóa dành riêng cho con người, để tô điểm cho cuộc đời thêm nhiều ý nghỉa và thi vị. Trong văn chương thi phú có vô vàn tác phẩm lấy cảm hứng từ loài chim. Ai nỡ đành giết đi sứ giả của mùa xuân, của tình yêu và hạnh phúc?!

Hãy tưởng tượng một ngày nào đó, đồng xanh không còn hoa dại, rừng hoang không có thú rừng, sân vườn không có tiếng hót của loài chim thì đời sống con người chắc sẽ buồn tẻ lắm! Hãy bảo vệ chúng ngay từ bây giờ trước khi quá trể.

“Bird-watchers” không cần phải giết con thú cũng có được cái cảm giác mạnh của người thợ săn, cảm giác hồi hộp khi khám phá ra con chim quí và cái cảm giác chiến thắng khi thu được hình ảnh đẹp vào máy ảnh.

Tôi dự trù sẽ chụp hình một số chim ở Viêt Nam nếu có thể du lịch Việt Nam.

Chú Chín Cali

Ý kiến bạn đọc
31/12/201614:00:34
Khách
Phân tách của HN thật chính xác. Con người phải chịu trách nhiên đã đưa chim chóc ỏ VN trên con đường diệt chủng. Làm ô nhiểm môi trường, chiếm hữu đất đai nơi chim sống và sinh sản, săn bắt chim vô tội vạ để thỏa mãn nhu cầu của phong trào chơi chim, ăn nhậu , phóng sinh cầu lộc. Chim rừng ở VN sẽ bị tận diệt. Ngày xưa, cò trắng bay từng đàn. Vườn nhà cò về ngủ trắng trên cây. Dọc hai bên bờ sông xem chim Trảo Trẹt, chim Thằng Chày màu tuyệt đẹp, chim Dòng Dọc làm tổ đầy trên cây...Bây giờ tất xã đều biến mất. Tiếc thay!
31/12/201603:22:11
Khách
Những thế kỷ trước hay ngay cả mắy chúc năm trước bẩy chim săn chuột là một phần của các sinh họat đồng áng để nhằm bảo vệ mùa màng, cây trái và gia cầm Trẻ em đồng quê khi xưa săn chim bắt chuột chẳng những là thú chơi mà còn là kiếm thêm miếng thịt. Thôn quê thường nhà nào cũng có nuôi gà hay vịt nhưng đa số để đem bán lấy tiền mua cái quần tấm áo mỗi khi tết về.

Tôi ở Úc châu, một số vùng bị vấn nạn trầm trọng về thỏ dại và gấu koala. Chúng tàn phá nông sản, cây trồng và rừng, và mang truyền mầm bệnh đến gia cầm. Mỗi năm Chính phủ và các nhà bảo vệ thiên nhiên ở đó phải lên kế hoạch giết hủy hàng loạt. Còn những vùng nông trại không được phép sát hại chim thì họ dùng súng phát tiếng động lớn (scare gun) để xua đuổi chim chóc.

Việt Nam ngày nay trẻ con chắc không còn săn bắn chim chóc, ngay cả sinh hoạt săn bẩy chim chuột để bảo vệ mùa màng ngày thưa thớt đi. Rừng đồi bị tàn phá, đất ruộng vườn bị biến thành khu công xưởng hay thổ cư, hay thành vuông tôm vuông cá. Chim chuột mất dần nơi tụ đàn sinh sản. Chim, chuột đồng bị săn bắt suốt năm cho các quán nhậu. Môi trường ô nhiểm từ trên đồng lẫn dưới nước. Săn chim bẩy chuột chốn thôn quê sẽ chỉ còn là những hoài niệm trong tương lai. Ngẫm buồn thay!
30/12/201623:21:21
Khách
Giết vật dưỡng nhân làm chuyện thường tình ngày xưa vì con người sống với bẫm chất sinh tồn. Thời nguyên thủy con người đâu có biết chăn nuôi phải ăn thịt dã thú. Hơn nữa lúc ấy người ít, thú nhiều. Ngày nay sự cân bằng hoàn toàn đảo lộn, thú hoang dã sẽ tuyệt chủng nếu con người không bảo việc chúng. "Con mèo vì bản năng trời sinh , bắt chim để ăn thì bị đánh vào đầu đến sưng mắt " còn con người bắt chim để nhậu thì ai phạt và phạt sao đây? Cám ơn Bolsa, Ngọc Tran T, Hai Hoang đã nhận được mesage của bài nầy, đồng cảm cùng T G.
30/12/201607:25:32
Khách
Theo tôi nếu bắn chim vì nhu cầu cần thực phẩm vẫn OK, còn để giải trí thì phí phạm của Trời, nếu không nói là ích kỷ (không tính những em bé trong tác phẩm này vì còn nhỏ, con nhà nghèo (bố mẹ là nông dân Việt Nam đa phần nghèo, ít học,...)
30/12/201604:22:23
Khách
Săn chim ác quá chú Chín ơi!.
29/12/201618:58:09
Khách
Con mèo vì bản năng trời sinh , bắt chim để ăn thì bị đánh vào đầu đến sưng mắt .
Còn đám ranh con bắt chim , giết ăn thịt thì được xem như niềm vui , kỹ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ .
Nếu vì đói khát mà săn bắt để sinh tồn thì cũng chấp nhận được . Nhưng tàn phá các sinh vật sống chung quanh mình để làm vui thì thật bệnh hoạn , mong rằng hậu duệ của ông không học những điều tàn ác , xấu xa này .
29/12/201613:03:11
Khách
Tôi vô cùng hạnh phúc tiếp nhận những ý kiến của quí đọc giả. Một bài viết nhỏ, nói chuyện trẻ con đã mang lại suy tư và những nhận thức vượt cao. Xin đa tạ, nhất là các đọc giả Hanh Nguyen và HN ở tận Úc Châu. Cám ơn Andy và Quả báo đã kết nối câu chuyên với Phật Pháp.
29/12/201608:42:36
Khách
Phóng sinh, “if you do it then try to do it the right way (with good intention not to harm any beings directly or indirectly)”. Totally agreed.
The realising animal pracitce is the buddha’s teacing of kindness and compasion to all creature, even the most humble. Budda's followers believe that “Be kind with all creatures, this is the true religion”. Nowsaday, it appears that releasing animals is creating and contributing to the temple trade to some certain extents in some regions. The birds, the fish or toroises are taken from their nautal habitat, shipped to the cities, sold and set free in the ‘concrete building jungles’, or the temple ponds where they often die later or get caught again to be re-released or resold to the restaurant markets. For people who practises this ritual I wonder if they have ever questioned it is destructive to life or life-saving.
29/12/201603:55:26
Khách
>> “Tạo một ngôi chùa chẳng bằng cứu một sinh mạng”

This is correct, I have no mood to see my mom created bad karma for herself by following the wrong advice of her consultant/advisor (monk). Either you do not do it, if you do it then try to do it the right way (with good intention not to harm any beings directly or indirectly)

Other may be flexible, such as many years ago, when I was on my spiritual path , thanks to my mom who tried to push me to become a true seeker (after reading tons of sutras, books, ..)and began with vegetarian/vegan (part of Giới) and meditation ( Định). I got married and bought a house. My mom brought a statue of "Ông Địa"==thần được thờ trong một cái tủ thờ, đặt ở dưới đất. When I saw it and I did not like it. I did not dare to say anything to my mom.
But in my mind, I sent the message to "Ông Địa" -- "I am on the liberation path, I
already had my guardian angels with me, so please go. " That night, during my meditation I saw an old man with smiling face, came and said goodbye (later I felt bad, just misunderstood the teaching--không được thờ cúng chư Thần, chư Thánh. But, no need to hurt other people feeling), the house is big for everybody. The Taliban of Afhanistan misunderstood the Quoran "The Almighty is an absolute term and independent of form", then they went out and destroyed the famous Buddha statue which was the symbol of love and wisdom.
28/12/201604:50:45
Khách
Cám ơn Chú Chín Cali đã chia sẽ thêm một bài tùy bút hay. Trung thành với lối hành văn giản dị, và mộc mạc trong ngôn từ chú đã minh họa hết sức nhẹ nhàng, dí dỏm và thật tự nhiên những hồi ức thời thơ ấu về các kỷ niệm săn chim. Thú vui cùng với thiên nhiên của trẻ nhỏ vùng quê sông nước miền tây được Chú Chín Cali tái hiện vô cùng sinh động, thú vị và quá nỗi dễ thương đã khiến tôi đọc một lèo hết bài viết mà để nguội ly cà phê. Miền tây mùa lúa chín hay mùa trái cây chín là lúc chim từng đàn từ rừng lủ lượt về các cánh đồng lúa hay các mảnh vườn cây trái kiếm ăn. Trẻ con khi ấy được vui chơi, được học các kỷ năng sinh sống, được hưởng lộc ăn từ thiên nhiên ban tặng. Dưới ngòi bút tả thực khéo léo của tác giả, tôi cảm thấy thật thú vị khi hình dung được các chuyện anh em tranh giành vui nhộn hồi còn để chổm.

Một điểm hay trong cách vào đề của Chú Chín Cali theo tôi là những câu đối thoại hài hước của gia đình chú về việc ‘coi chim’, bird watching. Một lối vào đề mang đến liền nụ cười thư giản cho độc giả và hứa hẹn một câu chuyện hấp dẫn tiếp theo sau. ‘Coi chim’, birdwatching cái thú giải trí mới mẻ của người Việt mình, một sở thích gắn liền với yêu thiên nhiên, thích khám phá và đam mê chụp ảnh nghệ thuật.

Kính chúc chú học được hết các chức năng kỷ thuật số cuả chiếc máy ảnh mới, bắt đầu sở thích ‘coi chim’ và có những bộ ảnh đẹp về các loại chim chóc. Tôi cũng xin viết tặng chú một bài thơ xem như để góp phần động viên chú với thú chơi yêu thiên nhiên này:

Vẳng nghe tiếng hót líu lo
Chim kia nho nhỏ, mỏ đỏ xanh lông
“Coi chim” là thú thong dong
Thiên nhiên gắn nối khiến lòng thanh tao
Coi chim lý thú biết bao
Đi êm nhẫn nại, trước sau nhẹ nhàng
Máy ảnh luôn phải sẵn sàng
Tai mắt thính tỏ, tinh thần tập trung
Khi chụp hình đẹp lên khung
Sướng vui như thể được chưng cúp vàng.

Kính bút
Độc giả từ Melbourne, 28.12.16
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 3,821,856
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biết từ tháng Tư 2011. Sau đây là bài viết mới.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Đây là bài viết mới nói về ngày đầu đi học của trẻ con ở Mỹ ngày nay và trẻ con ở VN ngày xưa thuở ông còn bé
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2016. Hoàng Nga là tên thật. Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ năm 1993-2008 rồi sang Mỹ.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên.
Tác giả đã dạy Anh Văn ở Cao Đẳng Sư Phạm quê nhà. Từng giảng dạy Việt ngữ tại Học Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng. Hiện đang giảng dạy Việt ngữ tại Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside).
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, tác giả có Bố mất tại trại tù Vĩnh Phú và người chồng biệt tăm trong trại tù cải tạo của cộng sản. Cô cũng từng là nhà giáo tại trường trung học Vũng Tầu và đã phải bỏ dạy.
Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa. Định cư tại San Jose từ 2003.
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015, với nhiều bài viết, tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biết từ tháng Tư 2011. Sau đây là bài viết mới.