Hôm nay,  

Tuyết... Tuyết!

18/12/201600:00:00(Xem: 13787)

Tác giả: Trương Ngọc Bảo Xuân
Bài số 4994-18-30694-vb7121716

Tác giả hiện là cư dân vùng Little Sài Gòn, làm việc tại Bureau of Barbering & Cosmetology (Nha Khảo Thí ngành Thẩm Mỹ) tại Los Angeles. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận Giải Chung Kết 2001, với bài viết “32 Năm Người Mỹ và Tôi” và đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết giải thưởng Việt Báo từ nhiều năm qua, nhưng vẫn tiếp tục góp thêm bài Viết Về nước Mỹ.

* * *

Khi trời trở lạnh, buổi sáng phải khoác thêm áo ngoài, cổ quàng cái khăn lụa ngừa gió ngăn cảm thì tôi nhớ nhiều người, nhiều chuyện lắm.

Cuối tháng Tư năm 1975 biết bao nhiêu người, từ miền Trung di cư xuống miền Nam, cùng dân Saigon, bỏ nước ra đi. Chỉ biết đi khỏi để tránh lằn đạn, chiến tranh, cộng sản. Trong số đó có bạn bè, họ hàng và gia đình tôi.

Má và các em tôi vừa trải qua một thời gian kinh hoàng, từ Sài Gòn bay qua đảo Wake rồi được đưa vô Camp Pendleton tiểu bang California. Sau hai ngày trong trại, năm người được rước về cái nhà một phòng, vợ chồng tôi cùng hai đứa con và hai đứa em đang sống ở Reno, tiểu bang Nevada.

blank
Má tôi năm 1975.

Cả nhà chia ra, người lớn đi làm, con nít đi học. Kiếm được tiền rồi, mỗi chiều thứ sáu sau khi lãnh lương, cả nhà đi siêu thị, thấy cái gì cũng thèm cũng muốn mua. Không sắm sao được? Năm người khi chạy giặc chỉ có bộ quần áo mang trong mình, rời trại quá sớm, vì mừng gia đình được đoàn tụ, sống chung một nhà như hồi còn ở Sài Gòn. Điều tốt nhứt là chỉ sau một tuần người lớn đã có việc làm.

Mười một người lớn nhỏ, mỗi lần đi chợ mua đủ thứ thập vật. Khi đẩy hai chiếc xe chợ tới quầy, mấy cô cậu đứng tính tiền quen mặt, mà lần nào cũng có vẻ ngạc nhiên hết sức. Chắc họ nghĩ gia đình nầy ăn nhiều thiệt. Nhớ vụ thèm nho và bôm, mua về là ăn sạch bách ngay đêm đó.

Một chiếc đầy thức ăn, 6, 7 con gà, thịt bò thịt heo, trái cây rau cải bó bó nhưng mua ít hơn vì mắc lắm. Tuy rất mê quần áo, mỹ phẩm nhưng không dám xài nhiều vì phải để dành tiền, như mua một hộp kem dưỡng da thì mấy chị em xài chung.

Công nhận dạo đó ăn gà ngon thiệt, chỉ luộc thôi mà cả nhà ăn ngon lành. Có lẽ vì gia đình sum họp quây quần bên mâm cơm dọn ngay trên sàn nhà, mỗi tối sau khi đi làm và đi học về.

Sau vài tháng nóng bức, qua lễ Tạ Ơn là bước qua mùa đông. Nóng, không sao, nhưng lạnh thì hởi ôi! mùa đông ở Reno quá trời lạnh. Bầu trời như hạ thấp xuống, tuyết gần như rơi hàng ngày, mịt mùng. Thật lạ, Nevada thuộc vùng đất sa mạc sao lại đổ tuyết. Ngay cả khi mùa hè nóng bức, thời tiết cũng thiệt là kỳ. Đó là, ban ngày thì nóng như muốn nổ con mắt, lên tới hơn 100 độ F. Nắng nướng da, nắng chang chang lóa mắt, nhìn ra đường, thấy loang loáng làn sóng nhiệt gờn gợn như dợn sóng nước. Thế nhưng, có một điểm tốt của kiểu nóng nầy là nóng khô. Nóng như vậy nhưng ta không thấy giọt mồ hôi nào, bởi vì, mồ hôi vừa tươm ra thì đã bị bốc hơi hết trơn rồi, nhờ vậy cái lỗ mũi không bị bịnh dị ứng thời tiết hành hạ. Ngược lại, ban đêm thì trời lạnh, rất lạnh. Nhìn lên bầu trời đen thăm thẳm, hằng hà sa số ngôi sao chớp chớp, lấp lánh, như vùng trời đêm ở Phú Lâm, Nam Việt Nam, nhà Ba Má tôi thập niên 60.

Dân Reno có rất nhiều người da đỏ. Chính phủ cấp dưỡng và cho họ hưởng nhiều quyền lợi. Họ mở cửa buôn bán được miễn thuế vì vậy chồng tôi thường mua thuốc lá ở mấy cái quán của họ, rẻ lắm. Họ may bằng tay những đôi giày Moccasin đặc biệt bằng da nai, ôm gọn bàn chân đi nhẹ nhàng ấm áp, trang trí đính lông thỏ, gắn hột rất ngộ, những chiếc áo khoác bằng da hưu da bò, trôn áo xé dây lủa tủa coi hoang dã lắm. Thường thường khi có show đặc biệt trên tivi, xuất hiện ông tù trưởng già nhưng còn gân cốt oai phuông lẫm lẫm, đội cái mão kết lông chim tỏa ra rung rinh, cao phất phới, tay cầm cây rìu bén ngót, như thuở viễn tây man dại, dân da đỏ bắn tên hay phóng búa, đấu với cao bồi bắn súng. Hình ảnh nầy làm tôi nhớ đầu năm 1968 ở Sài Gòn khi mới có cái tivi đen trắng nhỏ xíu, vặn tivi lên thì hình ảnh ông tù trưởng đội mão lông chim hiện lên.

Có phải vì lạnh mà họ uống rượu nhiều. Họ sống xa cách, được chính phủ gom lại trong khu vực riêng nhưng đôi khi họ ra thành phố Reno, say sưa đứng ngồi, nằm luôn trên tuyết. Cũng còn những gia đình sống tự do trong rừng. Có lần, một bà mẹ già bịnh nặng không thể di chuyển theo con cháu được, bà ngồi chết đông đá trong túp lều Tipi (lều đặc biệt của người da đỏ).

blank
Lều Tipi của người da đỏ.

Thành phố cờ bạc nầy lúc nào cũng như lễ như hội, tưng bừng hoa lá đèn đuốc sáng trưng và tôi không thấy có sự kỳ thị chủng tộc. Nhà ai nấy ở, mạnh ai nấy sống. Nhưng, nhìn vào xã hội thì thấy có sự chênh lệch nào đó, từ công sở tới hãng xưởng tư nhân, những nhân viên cao cấp, rất hiếm bóng dáng của dân da đỏ chánh gốc.

Gần nhà tôi có cô da đỏ, có đứa con trai 11 tuổi và hai con gái, 5,6 tuổi, chồng là Mỹ trắng. Cô kể tôi nghe:

- Chồng trước của tôi người da đỏ. Khi tôi có thai nó chạy vô rừng trốn mất. Mẹ tôi bảo phải tìm chồng da trắng đi. Chồng hiện tại rất tử tế. Hắn nuôi thằng con riêng của tôi như con ruột.

Khi tôi nói muốn tìm việc làm. Cô cười hề hà, phẩy phẩy tay, nói:

- Tại sao phải đi làm, ở nhà chồng nuôi không sướng sao? Chúng tôi chỉ ở nhà sáu tháng mùa đông, mùa hè vô trại Indians Reservations là vùng dành riêng cho dân da đỏ chúng tôi, dựng cái lều Tipi ở khỏi tốn tiền mướn nhà. Hê hê hê. Con tôi có dòng máu da đỏ, ở nhà chính phủ nuôi không sướng sao. Nó cũng khỏi cần phải đi học.

Tôi thấy cô sống đơn giản quá và không có một chút tham vọng nào với cuộc đời.

Vào mùa đông, đôi khi ngày vẫn còn nắng ươm vàng chói chang nhưng ban đêm đổi như trở bàn tay. Và tuyết rơi. Nhớ năm 1971, lần đầu tiên thấy tuyết, tôi dán mắt vô khung cửa sổ, như bị hớp hồn, mê đắm nhìn tuyết, quá lạ, quá đẹp. Có lúc tuyết như muối bọt từ trên trời rải xuống, lấm tấm trên tóc, nhiều lúc tuyết to như cánh hoa, tuôn tuôn lấp cả bầu trời. Có khi tuyết dầy, bị gió quật, trùm kín kiếng xe không thấy đường mà chạy. Ban đêm, tuyết trải một lớp dày và trắng xóa, không một bóng người hay vật. Sự tĩnh lặng như thời gian ngừng trôi, tuyết sáng lấp lánh ánh trăng, trở màu lam xanh xám.

Tôi nhớ đến cuốn phim Doctor Zhivago, đoạn ông bác sĩ nhìn ra cửa sổ, bên tai văng vẳng tiếng đàn dạo. Đàn Balalaika hình tam giác khác lạ, bản nhạc Somewhere My Love, réo rắc, tiếc thương, quyện với tuyết mù trời, bàn tay ai như muốn xóa tan hoa tuyết đóng bên ngoài cửa sổ, tìm hình ảnh người xưa một cách vô vọng. Tôi cảm được nỗi tương tư nhung nhớ thiết tha nàng Lara yêu dấu của lòng ông và tôi nhớ nhà muốn chết!.

Tuyết ở Reno, khi đang rơi thì trắng xóa rất đẹp nhưng đẹp là ngắm từ bên trong cửa sổ kìa chứ khi tuyết ngưng, xe cộ người người đi bộ giẵm đạp, tuyết trắng trở nên nâu đen như bùn sình nhơm nhớp. Nếu đường nào mà xe xủi tuyết hay xe rải cát và muối chưa ngang qua, đường sá trơn kinh hồn. Ra đường là đem theo sợ hãi, lo lắng vì xe cộ hay bị chết máy bất tử. Ai lái xe không kinh nghiệm bị lủi vô lề đường hay thắng không ăn tông vô đuôi xe người khác là chuyện xảy ra như cơm bữa.

Chúng tôi hưởng được mấy mùa Giáng Sinh tại Reno. Ra đường phải đội nón bận áo choàng dầy, nặng chình chịch, dài chấm gót, cổ áo đính lông giả, bay phất phơ, khoái lắm, mang giày nhưng không mang vớ. Mấy người bạn đồng nghiệp thường cười, nói:

- Các bạn lạ quá, mang giày mà không mang vớ.

Họ không hiểu, sanh ra và lớn lên ở quốc gia thuộc vùng nhiệt đới, trừ đàn ông phải mang khi đi giày tây, chứ còn phái nữ chúng tôi, có mấy ai mang vớ với guốt và dép đâu.

Đầu năm 1976, tôi sinh thêm đứa con gái. Chúng tôi mua căn nhà bốn phòng ngủ, đại gia đình 12 người ở chung, giường ai cũng có trải một cái mền điện. Dạo đó ai cũng mê cái mền điện nầy. Đó là một loại mền rất mỏng và nhẹ, bên trong có luồn những sợi dây điện an toàn. Mỗi tối trước khi đi ngủ thì bật điện lên, ta chui vô giường không bị cái cảm giác như “ra” giường còn ướt. Ra tiệm ra chợ hầu như chỗ nào cũng có bán loại mền nầy. Mền ấm quá cho nên mỗi buổi sáng thức dậy ra khỏi giường là một cực hình.

Tháng 12 năm 1977 đại gia đình khăn gói dọn xuống tiểu bang North Carolina. Đây là một tiểu bang bốn mùa có đủ.

Đông chưa qua xuân chưa tới, thời tiết còn lạnh tàn bạo. Lạnh queo râu, lạnh tê người, lạnh thở ra khói. Rờ lên đầu, mái tóc như ươn ướt. Lạnh đến nổi gội đầu tóc còn ướt mà ra đường thì tóc đông đá. Sau vụ tóc đông đá mới biết, phải sấy tóc cho khô trước khi ra đường. Cũng may trước khi dời từ miền nắng ấm California qua vùng đất lạnh, vợ chồng tôi đã xuống đó dò đường trước. Hãng may xây ở Monroe nhưng nhà thì mua ở thị trấn kế bên, rất nhỏ, rất quê, tên Wingate.

Lái xe suốt từ Reno xuống North Carolina mất mấy ngày đường, cũng vừa lúc xe hàng chở đồ đạc tới ngay nhà. Có sẵn điện nước, chúng tôi vô tới là ở ngay.

Lò sưởi trong phòng khách, một giỏ củi đầy người môi giới bán nhà đã chu đáo để kế bên. Chồng tôi chụm giấy báo, xếp củi, đốt lên. Ngồi nhìn ngọn lửa đỏ màu cam hồng, nổ lốp bốp bắn pháo hoa, vui mắt, ấm cả người.

Chúng tôi khui vài thùng đồ bếp, quần áo, ráng cho xong chỗ ngủ thì cũng hết ngày giờ và rất mệt mỏi. Tính tấn công thùng mì gói hiệu Kung Fu thì ngạc nhiên chưa, có tiếng chuông cửa. Mở ra thì thấy hai bà Mỹ đứng tươi cười hai tay bưng cái gì đó, chào hỏi, xưng tên. Là nhà hàng xóm biết chúng tôi mới dọn tới chắc chưa tiện nấu nướng gì nên hai bà đem thức ăn tới. Bà Baily tròn trịa đưa chồng tôi một cái khay mì với xốt cà chua thịt viên, bốc khói thơm phứt, gọi là spaghetti, bà Meg thon mảnh đưa tôi thau xà lách trộn cùng một bịch trái cây, nhìn là thấy chảy nước miếng, cái bụng rột rạt đòi ăn liền. Mời hai bà vô nhà nhưng họ lắc đầu, nói để khi khác, rồi quay về trước khi chỉ cho tôi thấy nhà họ hướng nào và dặn có cần gì cứ cho hai bà hay.

Về sau họ thường chia xẻ những hoa quả rau củ tự trồng, nhiều nhứt là củ cải Turnip.

Vài ngày trôi qua, ông Bill và bạn, nhà cách vài căn, đem tặng một xe củi. Họ nói rằng đây là chuyện họ làm hằng năm, rủ chồng tôi gia nhập. Từ đó, mỗi khi trời trở lạnh chồng tôi trở thành tiều phu cuối tuần. Họ lên núi vô rừng họp nhau cưa cây đốn củi, bó ại, chất đầy xe pick-up rồi đem tới những xóm nghèo, tặng từng nhà. Họ biết gia đình nào mới dọn vô cho nên cũng đem củi tới tặng luôn, như một lời chào mừng.

Thật là những hành động quá đẹp, một phong tục rất hay của người Mỹ. Lối chào làm quen nầy còn ấm hơn cái lò sưởi củi đang hừng hực lửa!

Năm 1978 Wingate chỉ có cỡ hai ngàn năm trăm dân số, vì vậy, thêm hãng may, thêm việc làm, đại gia đình tôi dọn tới, họ mừng là phải! Qua năm 1980 các nhà thờ bảo lãnh thuyền nhân vô mấy chục người, càng đông vui hơn. Ở đó có một hãng sản xuất gà tươi, hầu hết những thuyền nhân mới qua đều được nhận. Không đủ nhân viên, họ đem xe chở dân tỵ nạn Việt Nam từ Charlotte và những thành phố gần đó vô làm.

Dân ở đây gọi là giàu đất nhưng nghèo tiền. Nhà người nào cũng hình như có vài mẫu đất của tổ tiên để lại.

Thành phố ít người nhưng cứ mỗi một khúc đường, từ phố tới sâu bên trong vườn trong rẫy, đi tới đâu cũng có nhà thờ. Nhiều nhứt là nhà thờ Tin Lành.

blank
Và Đảng KKK.

Khi đồng ý dọn xuống thành phố ấy để mở thêm chi nhánh cho hãng chánh, trụ sở tại California, chúng tôi nào biết, Wingate là một trong những trụ sở của đảng Ku Klux Klan (KKK).

“Đảng nầy hoàn thành bởi 3 nhóm, nhóm 1 thành lập bởi 1 số lính Confederates, ở tiểu bang Tennessee, 1865-1870, sau nội chiếnBắc Nam chấm dứt, nhóm nầy hành động như khủng bố. Sau khi nhóm 1 tan rã, nhóm 2thành lập từ 1915 đến 1944 do ông William J. Simmons lãnh đạo. Ông là một nhà kinh doanh 1915-1944. Thời gian nầy nhóm KKK bắt đầu đàn áp dân da đen, Do Thái, và giáo dân Công Giáo.

Họ tin người da trắng là trên hết tất cả loài người trên thế gian nầy. Họ tàn sát rất nhiều người da đen và da màu. Đây là thời gian gây cấn và xấu xa nhất trong lịch sử Mỹ. Sau 14 năm kinh hoàng cho những người da màu, nhóm KKK bắt đầu mệt mỏi với những vụ chém giết nhau, và dính dáng đến những chuyện thiếu thuế (coi phim The Birth of a Nation) nhóm nầy tan rã vào năm 1944. Đến năm 1954, tối cao pháp viện bãi bỏ vụ học sinh đen trắng học riêng, nhóm 3 thành lập và vẫn tồn tại cho tới nay (coi phim Mississippi Burning) nói về hè năm 1964, vụ ông Edgar Killen giết chết 3 người da đen, nhưng được trắng án vì tất cả bồi thẩm đoàn toàn là da trắng. Đến năm 2005 phiên xử khác kết tội ông Killen 60 năm tù, lúc đó ông đã 80 tuổi.


Phim Roots chiếu khoảng năm 1979 nói về sự tàn nhẫn của các chủ đồn điền đối với người da đen mà họ mua về làm nô lệ.” [T. K. H. T. dịch theo tài liệu từ internet]

Trong hãng may, có lần phỏng vấn nhân viên, anh chàng to lớn khỏe mạnh người da đen tên Rosco, nói:

- Tôi, vừa là da màu vừa có tiền án. Vậy ông có dám mướn tôi không?

Chồng tôi cười:

- Bây giờ thì anh ra tù rồi. Cũng phải có chỗ cho anh bắt đầu lại chứ.

Thời đó, người da đen không muốn bị gọi là da đen mà muốn mọi người gọi là “dân da màu”.

Rồi trong hãng, ngoài dân da màu ra còn có thêm bóng dáng của người Việt, Cam Bốt và Lào. Trắng, vàng, đen làm việc chung một cách hài hòa. Bà Gwen là một trong số nhân viên “da màu”. Bà tuổi trung niên, quê mùa nhưng hịch hạc vui tánh và rất tốt bụng. Hễ trong hãng cần quyên góp cho bất cứ tai trời ách nước nào, bà là người móc túi lấy tiền ra đầu tiên. Tuy chẳng có bao nhiêu vì bà thuộc dạng rất nghèo, tuy nghèo nhưng không keo của bà là tấm gương cho kẻ khác.

Bà sùng đạo tuyệt đối, cũng là một trong những người thợ may giỏi. Thời đó hãng có chương trình may ăn miếng”, nghĩa là khi may hơn con số ấn định thì được trả thêm tiền cho từng miếng. Bà kiếm ra tiền phụ trội nhiều nhứt trong hãng. Lãnh lương lần đầu, bà vui mừng, thấy rõ trong ánh mắt miệng cười. Bà nói:

- Tôi chưa từng cầm trong tay số tiền tự mình kiếm ra nhiều như vầy. Cám ơn cám ơn.

Từ đầu năm bà ngồi may, vừa may vừa ca, những tấm màn cửa sổ bông hoa tươi tắn, rất thoải mái, cho tới gần lễ, cần may gấp thì bà vắng mặt liên tiếp hai ba ngày, hỏi, không ai biết vì sao. Tôi đoán có lẽ bà bị bịnh. Thế rồi cuối tuần đó, lòng ái ngại, tôi nhờ ông Otis “da màu” tài xế của hãng đưa tôi đi thăm. Trên đường đi, ông Otis kêu tôi nhìn hai bên đường rồi giải thích:

- Chị thấy mấy căn nhà ấy không? nhà nào trước sân đậu cả chục chiếc xe hơi, đó là những nơi “họ” thường tụ tập.

Tôi hỏi:

- Họ là ai? tụ tập làm gì?

Thì ông cho biết:

- Đó là những thành viên đội khăn trắng bao trùm mặt của đảng KKK. Chẳng biết họ tụ tập để làm gì nhưng ở đây chúng tôi vẫn còn sợ họ. Ngày xưa họ có quyền sanh sát, quá khích, có thể xử tại chỗ, họ thẩy sợi dây choàng qua cành cây treo cổ những người da đen có tội hay vô tội hay chỉ bị tình nghi là có tội mà không bị chính quyền hay bất cứ ai có thể ngăn cản hay xét xử họ được. Vì họ đội khăn che mặt, có biết ai là ai đâu. Khi nào có thì giờ tôi sẽ đưa chị tới những nơi còn các cây cổ thụ chứng kiến sự tàn bạo dã man của đảng nầy.

Tuy tò mò nhưng rất tiếc tôi đã không có dịp để đi tới những nơi ấy. Nhưng, tôi có tới thành phố Charleston thuộc tiểu bang South Carolina, nơi làm bối cảnh cho cuốn phim Cuốn Theo Chiều Gió, câu chuyện kể về trước và sau chiến tranh Bắc Nam. Nơi đó còn triển lãm nhiều tàng tích của sự kỳ thị chủng tộc bằng những tấm bảng trên cửa nhà vệ sinh: “White Only” là cửa dành riêng cho người da trắng. Trời đất! Vô nhà vệ sinh mà cũng phân biệt màu da.

Thời gian sống ở North Carolina chúng tôi đã chứng kiến một trận xung đột giữa hai màu da. Thành viên đảng KKK xả súng bắn chết nhiều người. TV khắp cả nước có chiếu đến những cảnh ấy, rồi tin tức cũng từ từ bị quên lãng. Không biết sau đó tình hình những gia đình có người bị sát hại ra sao? Có thể nào, câu “giang sơn nào anh hùng đó”, hay “phủ binh phủ huyện binh huyện” thường xảy ra ở những quốc gia có một chính phủ chậm tiến, thối nát, cũng đã áp dụng tại đây?

Sự kỳ thị sắc da còn quá nặng nề. Phát sợ!

Đến nơi mới thấy rõ cảnh nhà của bà Gwen. Ở xứ đó người ta gọi những cái nhà nầy là “shack”, mấy căn nhà gỗ rất cũ, xập xệ, có cái gần như muốn sụp ngã.

Chúng tôi gõ cửa, bà ra mở. Bà nói chẳng có bịnh gì hết, chỉ vì chút vấn đề cá nhân thôi, ngày mai bà sẽ trở lại làm việc.

Nhìn quanh, nhà bà chả có gì ngoài chiếc giường cũ, cái bàn cái ghế, trên cái lò than củi, có nồi gì đó. Bà cho biết là hàng xóm đem sang cho bà. Ở đây hàng xóm láng giềng đúng y như câu tôi đã học từ thuở xa xưa “bà con xa không bằng láng giềng gần”.

Hôm sau bà trở lại làm việc nhưng có một yêu cầu hơi lạ. Bà nói:

- Tôi theo đạo Jehovah Witness (J.W) “The Elder” nói tôi có thể tiếp tục may nhưng phải úp mặt hình xuống. Không được gia nhập ăn mừng, cả những hình ảnh tôn vinh lễ giáng sinh cũng không được nhìn.

“The Elder”, ý bà muốn nói tới những người “đạo trưởng” của tôn giáo bà theo.

Tôi chưa hiểu rõ ý bà nói gì nhưng tôi thấy những miếng vải bà đang may được úp mặt có hình xuống. Nghĩa là bà may bề trái.

Thời đó, chúng tôi chuyên may những loại màn cửa sổ những tấm lót đáy nồi, xoong, chảo, những cái bao bọc những đồ phụ tùng trong bếp như bọc máy quay sinh tố, máy nướng bánh mì... Trong một cái bếp mà tất cả đồ dùng đều bao bọc bằng hàng vải cùng màu cùng hoa văn thì nhìn rất đẹp.

Chẳng là vầy, thí dụ miếng dùng để nhấc nồi, gọi là “pot holder” gồm một miếng vải bề mặt có in hình nầy nọ, may dính vô miếng có độn thêm lớp bông cho dầy, chống nhiệt. Những miếng vải làm bề mặt có in hình, như lễ Halloween thì có bà phù thủy hay trái bí rợ, lễ Tạ Ơn thì có hình con gà lôi, đặc biệt lễ Giáng Sinh thì có hình Chúa, ông già Noel, hoa lá mistletoe... nói tóm lại toàn là những hình ảnh tượng trưng cho mùa lễ trong năm. Các bà nội trợ thường xài nguyên bộ, thay đổi, phù hợp với từng ngày lễ quan trọng trong năm cho vui cái bếp.

Thời đó chưa có computer, chưa có google để tìm như bây giờ, tôi hỏi xung quanh thì được biết sơ sơ về tôn giáo của bà Gwen.

Khởi thủy và phổ biến từ năm 1870, J.W. tương đối là một đạo giáo mới. Họ tin Thượng Đế nhưng không chấp nhận những ngày lễ có liên quan tới Chúa. Họ không ăn mừng ngày sinh nhật, họ cự tuyệt gia nhập quân ngũ và từ chối được truyền máu cho dù trong trường hợp sống chết.

Tuy không hiểu và có phần ngạc nhiên nhưng cần phải tôn trọng tín ngưỡng của người khác, tuy là khi may mặt trái như vậy thì đường chỉ không đẹp, chúng tôi cũng chấp nhận. Thế nhưng sau vài ba ngày trở lại làm việc, bà Gwen xin thôi, lấy lý do bà cảm thấy có tội khi phải cầm những tấm vải mà bà biết rõ bề mặt có hình ảnh gì.

Nghe nói sau khi nghỉ việc nhà bà đã nghèo càng nghèo hơn. Tôn giáo của bà có quá khắc nghiệt? Bà có cuồng tín, có mù quáng quá không? Có thể vì tôi không có đạo nên không hiểu thấu được niềm tin của bổn đạo, tôi chỉ biết đi làm để sinh sống, nuôi gia đình.

Nhưng, ông Otis nói:

- Bà ấy không phiền hà chi vì suốt cuộc đời bà vẫn sống nghèo như vậy quen rồi.

Nhớ ngày tôi tới thăm bà, tuyết đổ hôm trước tràn ngập gần lấp cánh cửa gỗ liu xiu. Bước đi, tuyết ngập tới đầu gối. Ái ngại tôi hỏi:

- Bộ chẳng có ai cào tuyết giúp bà sao?

Bà cười tươi nói:

- The Elder sẽ cho người tới giúp nay mai.

A... vậy cũng tốt.

Hai năm sau, nghe nói bà đã mất vì bịnh cần giải phẫu nhưng bà không chịu cho truyền máu.

...

Khi mưa cho ta nước thiên nhiên, nước từ trong vòi chảy ra uống cũng thấy ngọt thì tuyết cho ta thấy cảnh đẹp. Nếu ngày trước có tuyết rơi thì qua hôm sau, đi lên đồi cao vào buổi sáng, khi mặt trời vừa lên, nhìn lên ngọn cây, ta sẽ thấy hoa tuyết. Đó là lớp tuyết đọng trên thân trên lá bị mặt trời làm tan từ từ, trở thành những hình dạng như cánh hoa, lung linh trong suốt, ánh nắng chiếu ửng vàng. Trước đó và sau khi, tôi chưa từng thấy có một loài hoa nào đẹp huyền ảo như vậy.

Ta có thể gom tuyết thành trái banh, lăn vài vòng tuyết dính vào nhau thành trái banh to hơn, làm hai trái một lớn một nhỏ. Trái nhỏ đặt lên trái to, gắn thêm củ cà rốt làm lỗ mũi đỏ vì lạnh, lấy nhánh thông cắt ra cắm vào thành mắt và miệng, đội thêm cái nón len, quấn thêm cái khăn quàng cổ, ta dựng tượng tuyết ông già Noel rồi.

Sáng sớm khi ra xe đi làm thì sợ chuyện khác. Đó là cây gươm tuyết, tức là, tuyết trên mái nhà tan chảy xuống, không tan hết mà ngưng lưng chừng, tạo thành những vạch dài đầu nhọn hoắc, gặp khí lạnh đông đá trở lại, nhìn y như cây gươm, rất cứng và bén. Đi ngang hàng hiên phải cẩn thận lấy tay che, sợ những cây gươm ấy rớt trúng thì có khi chảy máu đầu.

Một vài lần, vì bão tuyết nên hãng xưởng trường học công sở phải đóng cửa. Tình thế tài chính bị liên hệ giảm súc, thiệt là khổ cho nhiều gia đình.

Có lần xe mấy chị em đi chợ, tuyết rơi bất tử mà không có dây xích ràng vô bánh xe chạy trên tuyết, xe bị trơn, không thể kềm tay lái được, đành buông tay cho xe chùi theo hướng trợt. Hồn phi phách tán, xe xắn vô lề mới chịu ngừng. Mặt mày xanh dờn thở đứt hơi. Lúc đó chưa có điện thoại di động, phải chịu trận ngồi trong xe mà run, chờ cho tới khi có xe nào chạy ngang gọi dùm xe kéo tới kéo xe về. Sau trận đó, càng ít ra đường càng tốt.

Vì lẽ ấy, chúng tôi cũng bắt chước dân bản xứ mua cái tủ đông đá to tổ bố, rồi tới trang trại mua thịt bò. Mua nguyên con hay nửa con cũng được. Họ chặt từng phần lớn nhỏ tùy ý của mình, gói lại dán nhãn phân biệt loại thịt nào cho mình cất ăn từ từ, đỡ đi chợ thường xuyên. Một cân thịt giá bổ đồng chỉ $1.25 thôi nếu mua nửa con bò khoảng 200 cân, rẻ rề mà thịt rất mềm rất ngọt. Nhớ lần đó ăn gan bò xắt lát lăn bột chiên, chưa bao giờ ăn ngon bằng. Gan tươi mà.

Sống ở xứ lạnh nhưng tình nồng, mùa đông, gia đình và bạn bè thường hay quây quần với nhau. Chúng tôi cũng quen với tất cả những thuyền nhân, gần trăm người, được bảo lãnh tới. Tom góp sáng kiến, nấu những thức ăn Việt Nam. Má tôi quết thịt quấn lại bằng giấy bạc làm chả lụa, em tôi lót vải tráng bánh ướt trên cái nồi nước sôi, mấy bạn trẻ làm bánh pía, thiếu thốn nhưng rất ngon, rồi cùng nhau ca trong nước mắt:

“Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời...” (Vĩnh Biệt Sài Gòn, nhạc và lời Nam Lộc)

...

Tuần lễ trước Giáng Sinh, một đêm, nghe tiếng chuông rung leng keng, rồi nghe tiếng ca ngoài sân, mở cửa ra thấy một nhóm người, có người lớn có con nít, đứng trong trời tuyết rơi càng lúc càng dầy, cất tiếng ca bài ca giáng sinh. Dưới ánh đèn, những gương mặt đỏ hồng vì lạnh, những bàn tay trốn trong bao tay dầy, lỗ tai cũng trùm kỹ, họ bận đồng phục màu trắng có đính tua màu đỏ... và cất tiếng ca, đồng thanh, bay bổng trong không gian. Họ đẹp như thiên thần.

Sống ở hai nơi, Bắc và Nam, mùa hè ở Nevada nóng khô, mùa hè ở North Carolina thì nóng ẩm, bịnh dị ứng mũi hành hạ thể xác. Cả hai nơi chỗ nào cũng có bốn mùa. Xuân, Hạ sực nức hương hoa nở rực rỡ. Tôi thích nhứt là hoa Tiểu Bang North Carolina tên Dogwood. Hoa có bốn cánh hình dạng như cây thánh giá Chúa Jesus đã bị đóng đinh lên, màu trắng tinh nhưng ở đầu cánh hoa bị khuyết vô như dấu đinh đóng, phơn phớt hồng. Nghe người bản xứ nói hoa tượng trưng cho máu thịt của Chúa.

Thu về lá đổi đủ sắc màu trước khi rơi như thơ đẹp như mộng và tuyết phủ suốt mùa Đông.

Hai phương trời cách biệt, thiên nhiên thì giống nhưng cách cư xử của con người sao rất khác.

Một nơi thì cả năm cũng chưa gặp mặt hàng xóm và Giáng Sinh thì nhà ai nấy ở, ngoài những ganh tị thường tình về việc làm mà ở đâu cũng có, không thấy dấu hiệu của sự kỳ thị chủng tộc; một nơi thì vừa dọn tới đã có hàng xóm bưng thức ăn nấu sẵn qua mời, mùa lễ thì có cả đoàn người tới trước cửa ca bài thánh ca chúc mừng, nhưng kỳ thị chủng tộc rất nặng.

Năm 1978, Wingate chỉ có hai ngàn rưởi, năm 2016 lên được trên ba ngàn dân, trong khi thị trấn Monroe sát bên thì tăng từ hăm mấy ngàn, tới nay thì trên ba mươi hai ngàn dân, được cho là có số tăng trưởng nhanh.

...

Tại miền Nam California nắng ấm, tôi cầu nguyện cho tất cả mọi người trên thế gian nầy, được sống theo cách muốn sống, hài lòng với những gì mình có trong tay, an bình và hạnh phúc

Buổi tối, tôi thích nhìn lên bầu trời, nhớ người nầy chuyện nọ và tôi nhớ tuyết, những mùa đông năm xưa. Không có gì đầm ấm hạnh phúc cho bằng cảnh gia đình sum họp bên lò sưởi củi khi bên ngoài tuyết trắng đang rơi. Tôi ca thầm:

Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa. Trong hang Bethlehem ánh sáng tỏa lan tưng bừng, nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng..../.

Trương Ngọc Bảo Xuân

Tài liệu tham khảo:

https://en.wikipedia.org/wiki/Jehovah%27s_Witnesses_beliefs

https://en.wikipedia.org/wiki/Ku_Klux_Klan

https://www.reference.com/home-garden/symbolism-dogwood-blossoms-dd 876088df1b66ca?qo=cdpArticles

https://en.wikipedia.org/wiki/Tipi

Ý kiến bạn đọc
22/01/201717:11:55
Khách
Cám ơn bạn Andy đã vào đọc bài và góp ý.
Trân trọng.
19/12/201601:55:20
Khách
>>Họ tin Thượng Đế (good point) nhưng không chấp nhận những ngày lễ có liên quan tới Chúa. Họ không ăn mừng ngày sinh nhật, họ cự tuyệt gia nhập quân ngũ (may be good for no killing) và từ chối được truyền máu cho dù trong trường hợp sống chết (funny, nothing related to wisdom).
The Elder” nói tôi có thể tiếp tục may nhưng phải úp mặt hình xuống. Không được gia nhập ăn mừng, cả những hình ảnh tôn vinh lễ giáng sinh cũng không được nhìn.
ấy lý do bà cảm thấy có tội khi phải cầm những tấm vải mà bà biết rõ bề mặt có hình ảnh gì.
Bước đi, tuyết ngập tới đầu gối. Ái ngại tôi hỏi:- Bộ chẳng có ai cào tuyết giúp bà sao?

Bà cười tươi nói:- The Elder sẽ cho người tới giúp nay mai.

A... vậy cũng tốt.
Nghe nói sau khi nghỉ việc nhà bà đã nghèo càng nghèo hơn. Tôn giáo của bà có quá khắc nghiệt? Bà có cuồng tín, có mù quáng quá không?


If Lord Jesus the Christ came back, he must have a heart attack. All of his teaching was how
to eliminate the bad karma (10 Commandments which inluded vegan for compassion to animals).
By following him (Christ means Enlightement Master in Hebrew/Jews' language) his disciples could
achieve Kingdom of God by concentrating in God (another word "meditation on God") the same way
as him when he was in the desert alone, so they can communicate with God and they should have
the same wisdom/power as Lord Jesus. (Lord Jesus the Christ "whatever I do you can do ...")


>> hàng xóm đem sang cho bà. Ở đây hàng xóm láng giềng đúng y như câu tôi đã học từ thuở xa xưa “bà con xa không bằng láng giềng gần”.

"You have to treat the strangers in land of Egypt." That was the teaching of Lord Jesus the Christ or
Lord Muhamed the Messenger of God, or Lord Shakymuni the Buddha, ....That why taliban in Afghanistan
went to war with Bush of USA for al qaeda (bin laden). Bush was too eager for war and forgot the work around (negotiated and didnot
let them lose face, may be he could achieve more without fighting)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,317,422
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia,
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà có 2 bài đã phổ biến:
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài viết mới của Song Lam.
Tác giả là cư dân Ca-li được hai mươi năm. Đã nghỉ hưu. Lạc quan. Yêu đời. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Mưa”, phổ biến từ cuối tháng 12, 2015. Sau đây là bài mới nhất. Mong ông tiếp tục viết.
Tác giả đã dạy Anh Văn ở Cao Đẳng Sư Phạm quê nhà. Từng giảng dạy Việt ngữ tại Học viện Ngôn ngữ Bộ Quốc Phòng. Hiện đang giảng dạy Việt ngữ Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside).
Tác giả đã có sách anh ngữ "The Clan Divided," do một nhà xuất bản Mỹ tại New York ấn hành. Ông cũng là tác giả sách "Tiếng Việt Đáng Yêu." Trần Đức Hân sinh năm 1942 tại miền Bắc, di cư vào Nam.
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến.
Năm nay Lễ Tạ Ơn nặng trĩu nỗi buồn với những người lính thủy thuộc chiến hạm USS KIDD, bởi họ phải chuyển nhiệm sở từ San Diego lên vùng Tây Bắc trước đó ba ngày.
Tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014. Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học.
Nhạc sĩ Cung Tiến