Hôm nay,  

Một Ngày Giữa Năm

24/06/201600:00:00(Xem: 13088)

Tác giả: Bảo Trân
Bài số 3852-17-30352-vb6062416

Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc “thế hệ gạch nối” của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm -thường gọi đùa là giải á hậu- Viết Về Nước Mỹ 2009.

* * *

Không biết có phải vì global warming hay không mà dạo sau này mùa màng đảo lộn, thời tiết thay đổi thất thường. Suốt cả tuần lễ đang trong cơn sốt 100 độ thế mà ngày hôm nay trời tự dưng dịu lại, mây giăng thật thấp, gió lành lạnh thổi, rồi mưa lại lác đác rơi. Giữa tháng 6 mà tôi có cảm tưởng là mình đang bước vào những ngày đầu Thu…

Khoác thêm cái áo mỏng, tôi đem ly café và cái Ipad ra bộ bàn Bistro nho nhỏ trong hàng hiên trước nhà. Lan man coi mấy cái emails, rồi đọc một bài văn được chuyển qua chuyển lại từ những diễn đàn. Bài văn đã đọc qua rồi mà tưởng chừng như vẫn mới, có đoạn cuối đã làm tôi chùng lòng, khi tác giả nhắc tới “một hình bóng cũ chỉ còn trong tâm thức…”. Tôi chợt nhớ đến Bố, và Tim, những người đã có một chút gì liên quan tới những ly café và Quán Cái Chùa…

*

…Trong số những người cố vấn của bố, những người Mỹ đã làm việc với bố ở Việt Nam trước 75 thì có lẽ người kém may mắn nhất khi trở lại quê hương là Tim Kelly. Sau chiến cuộc, ông Morley về Kansan điều khiển trại bò của gia đình, Danny trở về thủ đô D.C. tiếp tục làm ở nhiệm sở cũ cho đến lúc retire, ông Rice hồi hưu trước đó với số tiền hưu Đại Tá đáng kể, thì Tim đã có những ngày cuối cùng rất đạm bạc ở tại quê mình.

Ngày đó, tôi còn nhỏ nên không biết Tim mang cấp bậc gì trong quân đội, tôi chỉ biết là Tim làm cùng phòng trong TTM với bố, dưới quyền Đại Tá John Rice. Tim có đến nhà chúng tôi dự tiệc tất niên một cuối năm.

Những ngày còn yên bình, mỗi cuối năm nhà tôi có lệ cúng tất niên thịnh soạn (có năm bà tôi còn đặt quay cả 1 con heo sữa), trước là trả lễ trời đất, thánh thần, sau là đáp lễ xóm giềng, bè bạn gần xa. Bố hay nhân cơ hội này để mời những người cố vấn, những người bạn đang làm việc chung với bố, và cả những người bạn thân thiết cũ như chú Hội, chú Khoa, vì công vụ đã không có thì giờ gặp mặt nhau thường xuyên, đến để chung vui. Năm đó, ông Rice về nước thăm nhà nên không có mặt. Tim là người Mỹ duy nhất trong buổi tiệc, và đây cũng là lần duy nhất anh đến ăn tất niên với bạn bè bố và gia đình tôi. Tim còn trẻ lắm, chắc anh chỉ khoảng chừng trên dưới ba mươi. Anh cao lớn, dềnh dàng, có thể là anh cao nhất trong những người Mỹ làm việc với bố tôi thời gian đó, tuy vóc dáng Mỹ, nhưng anh có một khuôn mặt Á Đông vì trong người anh có mang giòng máu Nhật.

Năm nào cũng thế, sau khi ăn uống no nê rồi thì chú Hội cũng trổ tài ảo thuật giúp vui. Năm nay, chú biểu diễn màn nhai vỏ bóng đèn. Chúng tôi đứng nhìn chú đập bể bóng đèn, chấm vô nước mắm rồi nhai rau ráu mà rợn người. Vậy mà chú chẳng hề hấn gì. Thấy chú Hội biểu diễn ăn bóng đèn vỡ ngon lành nên Tim cũng háo thắng đòi thử. Anh cũng đập vỡ cái bóng đèn ra ăn, nhưng chỉ vừa cắn có một mảnh bóng đèn nho nhỏ anh đã vội vã phun ra. Chú Hội phải cầm lấy cái mảnh bóng đèn vỡ, kéo Tim ra một góc nhà, chỉ cho Tim “thủ thuật” ăn bóng đèn như thế nào để khỏi bị cắt đứt lưỡi.

Sau Tết vài tuần tôi thấy bố má bận rộn lo công việc đám cưới cho Tim. Theo lời má thì Tim sẽ cưới chị Vân, người con gái làm thâu ngân viên trong câu lạc bộ anh hay đến giải lao sau giờ làm việc. Chị Vân nhu mì, đằm thắm. Nhà chị Vân nghèo, nên chị chỉ được học tới bực trung học rồi phải nghỉ. Sau đó chị ghi tên học những lớp Anh Ngữ đàm thoại cấp tốc để đi làm, phụ cha mẹ nuôi một đàn em 6 đứa. Chị Vân để ý đến Tim vì anh có vẻ cô đơn quá, lần nào Tim đến uống rượu cũng chỉ có một mình, và anh thường chọn một chỗ ngồi xa hẳn đám đông. Có lúc say bí tỉ Tim ngồi gục đầu khóc rưng rức. Chi Vân đã pha cho anh một ly nước chanh giải rượu, đem cho Tim cái khăn ướp lạnh để lau mặt cho tỉnh. Chị cũng là người đã kiên nhẫn ngồi nghe anh kể chuyện… gia đình. Tim kể cho chị nghe là anh còn một người mẹ ở Hawaii. Một mẹ, một con, vậy mà năm thì mười họa bà mới trả lời những lá thư thăm hỏi của Tim, chỉ vì bà đã không đồng ý với lựa chọn của Tim để dấn thân ở một đất nước xa xôi, nguy hiểm. Dần dà rồi thương hại thành… thương yêu, nên khi Tim hỏi xin đôi bàn tay người con gái xứ Việt thì chị Vân đã gật đầu.

Ngày Tim cưới chị Vân, mẹ Tim viện cớ không khỏe nên không sang dự. Bố má đại diện họ nhà trai, cùng với bạn bè, nhân viên trong văn phòng, xếp soạn bánh trái, trà rượu, khay quả đón dâu rất xôm tụ. Cô dâu thì điệu đàng trong áo gấm đỏ, khăn vành dây vàng, chú rể thì súng sính với khăn đóng, áo dài xanh. Chị em tôi được bố má đem theo đi ăn cưới để thành phần họ hàng nhà trai thêm đông đảo.

Buổi tiệc tất niên năm sau đó thì tôi thấy bố mời hai người Mỹ khác. Tôi nghe bố nói với chú Hội là Đại Tá Rice đã hồi hương, còn người “học trò” nhai mảnh bóng đèn vỡ của chú Hội đã bị đổi ra Dục Mỹ làm việc, và không biết Tim có điều gì hờn giận bố, mà từ lúc đi tới giờ anh cũng không liên lạc, tin về. Sau Tết Mậu Thân thì nhà tôi không còn tổ chức tiệc tất niên rình rang như những năm nữa, mà chỉ lo cơm nước, xôi gà đơn giản đủ cho buổi họp gia đình chiều 30 Tết mà thôi.

*

Một buổi chiều Tim đến nhà tôi tìm bố. Lúc này bố đã về Mỹ Tho làm việc, chiều thứ Bẩy mới về Saigon. Khi Tim đến, chỉ gặp ông bà nội, cô Út và mấy chị em tôi ở nhà. Cô cháu chúng tôi, mang tiếng Anh văn là sinh ngữ chính, lại còn học thêm ở những trường nổi tiếng như Hội Việt Mỹ, Luân Đôn, Ziên Hồng… nhưng khổ nỗi là nghe thì cũng hiểu, còn nói thì chỉ dám nói tiếng Mỹ với… cô thầy, bè bạn Việt Nam, nên mấy cô cháu rút vào một góc nhà, mặc cho ông nội “đương đầu” với khách.

Ông nội, cựu học sinh trường Albert Sarraut, nói tiếng Pháp rành như tiếng Việt, nhưng tiếng Mỹ thì ông chỉ biết đại khái, sơ sơ, nên ông cũng hiểu lơ mơ là Tim muốn tìm bố, nhưng điệu bộ Tim hung hăng quá, làm cho ông nội e ngại, không dám nói cho Tim biết bố ở đâu.

May mắn sao lúc đó chú Tư tôi đi đâu ghé ngang thăm ông bà nên lãnh phần thông dịch cho ông. Chú nói với Tim để lại họ tên và địa chỉ, chú sẽ đưa cho bố. Tim nhìn quanh quất, thấy trong góc nhà có cái quạt máy màu xám nhà binh mà anh đã mua giùm bố ở PX. Anh xách cái quạt máy lên nói với chú là bố còn nợ anh một món tiền, chờ hoài không thấy trả, nên bây giờ anh xiết cái quạt này, bảo bố đem tiền đến chuộc. Anh đưa cho chú cái địa chỉ của anh ở vùng Tân Định, rồi hùng hổ xách cái quạt máy ra khỏi nhà.

Cuối tuần bố về, bị ông nội la cho một mách vì đã thiếu nợ người ngoại quốc, để người ta đến nhà ầm ĩ, làm ông xấu hổ với hàng xóm láng giềng. Bố nổi xung cầm địa chỉ chạy một mạch tới nhà Tim, rồi trở về nhà ngay sau đó với… Tim. Tim ngượng ngịu đến gần ông nội chầm chậm nói những lời xin lỗi, rồi đứng yên chờ bố thông dịch cho ông nội hiểu. Bố nói với ông nội: “Tim nói xin lỗi ông, Tim đã nói dối, bố không có nợ nần gì anh hết, nhưng nếu Tim không nói như thế thì chắc gì bố đã tức tốc đến gặp anh”.

Bố pha hai ly café đen nóng đem ra vườn, ngồi nói chuyện với Tim dưới giàn hoa giấy. Uống hết ly café đậm đắng, ngồi nán lại chơi thêm một lúc rồi Tim về. Trong bữa cơm chiều bố nói cho cả nhà nghe về chuyện của Tim. Tim bị đổi ra Dục Mỹ cũng vì cái tính háo thắng của anh. Tim làm việc ở Dục Mỹ một thời gian cũng khá lâu. Hết nhiệm kỳ anh về nước, nhưng không đem theo chị Vân. Sau 6 tháng anh trở lại Việt Nam. Lần này anh không còn làm trong quân đội. Tim xin được việc làm anh thích hơn ngày cũ, dạy tiếng Anh cho những trường sinh ngữ quanh Saigon. Chị Vân đã nghỉ làm ở câu lạc bộ, sau khi xin được việc làm thư ký ở một trong những ngôi trường Tim dạy học. Cuộc sống của hai vợ chồng anh hiện giờ rất thoải mái, hai người thuê dài hạn căn nhà lầu hai tầng để ở, có người giặt giũ, nấu nướng.

Sau khi công việc, nhà cửa ổn định rồi Tim đi tìm bố ở sở làm, vì cái địa chỉ nhà bố Tim đã vứt vào sọt rác lúc sắp soạn hàng trang đi Dục Mỹ. Ngày đó Tim giận bố, đã không nói giúp với ông Rice để ông can thiệp cho Tim ở lại Saigon, nên Tim không thèm liên lạc với bố nữa.

Tim đến chờ bố tan sở ở cổng TTM, không thấy bố đâu, hỏi thăm thì được biết là bố không còn làm việc ở đó. Tim nhớ mang máng một đoạn đường nhà bố nên anh đi tìm cầu may. Nhưng Tim đi hết khúc đường LVD từ Quân Vụ Thị Trấn cho đến gần rạp hát Thanh Vân mà cũng chẳng biết con hẻm nào rẽ vào nhà bố. Không tìm ra nhà, Tim bèn đi ra Quán Cái Chùa ngồi uống café hy vọng là gặp bố, vì Tim nhớ lúc còn làm việc ở TTM, bố hay hẹn Tim cuối tuần ra đây uống café, ngắm người qua lại, trong lúc chờ má đi “ngoại giao” với mấy bà bạn hàng trong thương xá Tax. Ngồi chờ suốt mấy tuần không gặp được bố, Tim đã rất nản lòng, anh đi lang thang vào thương xá Tax để xem có gặp được má không. Tình cờ, Tim gặp được chú Hội, người đã dạy Tim ăn mảnh vỡ bóng đèn ngày nào. Chú Hội cho Tim địa chỉ nhà bố, còn vẽ đường rõ ràng để Tim không lo đi lạc.

Bố nói với Tim là bố đã về Mỹ Tho làm việc lâu lắm rồi, bố đem má theo để lo cơm nước, gửi lại chị em tôi ở lại Saigon với ông bà nội. Mỗi tuần, bố chỉ được ở nhà quây quần với gia đình vào chiều thứ Bẩy, rồi trưa Chủ Nhật lại lên đường, thì làm gì bố có thì giờ rảnh rang đi uống café ở Quán Cái Chùa, và má cũng không còn giao dịch với bạn hàng ở thương xá Tax như trước nữa.

*

Một buổi chiều thứ Bẩy đầu tháng 6, năm 1972, Tim đến nhà từ giã bố để tuần sau về nước. Anh đưa cho bố cái địa chỉ của mẹ anh ở Hawaii để bố có thể liên lạc với anh. Tim nói anh đã tính ở lại Việt Nam dài lâu nhưng bà mẹ anh hãi hùng với những tin tức của mùa hè đỏ lửa, nên dục giã anh về. Lần này, anh sẽ đem chị Vân về với anh, nên anh không biết chừng nào mới có dịp trở lại Việt Nam. Bố, mới lái xe từ Mỹ Tho về chưa kịp nghỉ mệt nhưng đã chiều ý Tim, cùng anh đi ra Quán Cái Chùa ngồi uống café, cho anh ngắm cảnh Saigon thêm lần nữa, vì Tim nói, có thể đây là lần sau cuối anh được ngồi trong Quán Cái Chùa.

*

Tuần lễ cuối cùng của tháng Tư đen, gia đình chúng tôi theo Danny, người xếp trực thuộc của bố di tản. Chúng tôi ở trong trại Pendleton 1 tháng, rồi được Đại Tá Rice bảo lãnh qua New Orleans. Ở New Orleans vừa hết mùa hè, tôi sắp sửa khăn gói đi Baton Rouge để vào đại học thì má nghe lời rủ rê của bạn bè, bà con, nên gia đình tôi một lần nữa lại sắp soạn vali, lên đường sang vùng đất mới.

Sau khi về CA, ở tạm nhà người quen 1 tuần thì chúng tôi dọn qua nhà mướn ở Paramount. Rồi bố tìm được việc làm trong kho hàng của một hãng phân phối mỹ phẩm ở Downey. Cuộc sống gia đình tôi dần dần ổn định. Mấy chị em tôi ghi danh đi học lại. Sau mấy năm đi làm, bố dành dụm được một số tiền, cộng với một ít tiền ông bà chủ hãng cho mượn, bố góp vốn mua căn nhà đầu tiên, trước mặt ngôi trường đại học cộng đồng mà chị em tôi đang theo học, để chúng tôi khỏi phải đón xe bus từ Paramount sang Norwalk mỗi ngày.

Qua nhà mới, trong lúc soạn lại giấy tờ để bỏ bớt những thứ không cần thiết thì bố tìm được địa chỉ của mẹ Tim. Bố viết thư cho Tim, nhưng không hy vọng là tìm được anh vì đã cách xa nhau nhiều năm quá. Không ngờ sau đó 3 tuần lễ bố nhận được điện thoại của chị Vân, gọi từ Honolulu. Chị bảo vừa nhận được thư của bố do mẹ Tim chuyển tới, chị mừng quá, không chờ được tới giờ Tim về nên chị gọi ngay cho bố. Thăm hỏi được vài ba câu thì chị bảo chị phải sửa soạn đi làm. Chị sẽ để tin nhắn cho Tim gọi bố.

Đi làm về tới nhà là Tim gọi điện thoại ngay cho bố. Vẫn cái tính ồn ào năm xưa, Tim hét ầm ĩ trong điện thoại:

- Mày còn nhớ tới tao sao? Tại sao hồi đó mày không liên lạc với tao để tao bão lãnh gia đình mày? Đúng rồi, ông Đại Tá Rice đó thì phải hơn cái thằng Kelly quèn này chứ.

Bố phải dỗ dành Tim cho anh bớt giận. Bố nói lúc ở Guam, rối trí quá nên bố không tìm ra địa chỉ của Tim. Nhưng thật ra thì từ lúc Tim về nước tới hồi bố bỏ Việt Nam ra đi thì Tim có bao giờ liên lạc với bố đâu. Còn ông Rice và bố thì thỉnh thoảng vẫn thư từ thăm hỏi lẫn nhau. Bố mới nhận được thiệp chúc mừng sinh nhật của ông vào đầu tháng 1.

Năm nào cũng thế, cứ gần đến sinh nhật bố là ông gửi sang một cái thiệp chúc mừng thật đẹp. Chẳng biết ông có “tiên đoán” được tình hình chiến sự hay không, nhưng trong cái thiệp mừng sinh nhật đầu năm 75 đó, ông đã cho bố đến 3 số điện thoại khác nhau, một của ông ở Metairie, một của mẹ bà Rice ở thành phố Kenner gần đó, và một của người con gái lớn đang làm việc ở Oklahoma. Ông cũng viết rõ ràng trên tấm thiệp sinh nhật là hãy giữ mấy cái số điện thoại đó kỹ càng, để khi nào “cần” thì tiện bề liên lạc. Cái thiệp mừng sinh nhật đó được bố cất kỹ như là bảo vật, và đã được bố đem theo trên đường di tản. Ngày đến Guam, sau khi điều chỉnh giấy tờ xong xuôi, bố đã gọi điện thoại collect cho ông, và ông Rice đã nhanh chóng nộp hồ sơ bảo lãnh, nên gia đình chúng tôi ở trại tị nạn không lâu.

Tim hỏi bố khi nào sang Honolulu gặp Tim thì bố nói bố chưa được thong thả mấy, vì còn phải lo cho mấy chị em tôi đi học, chắc vài năm nữa khi chúng tôi ra trường, có công ăn việc làm rồi bố sẽ dư dả để sang thăm Tim.

Bố nói hay là Tim sang thăm bố đi thì Tim bảo Tim không khá gì hơn bố đâu, mặc dù hai vợ chồng Tim chả có được đứa con nào để lo lắng. Chị Vân sẩy thai một lần rồi không thể có con được nữa. Dạo sau này Tim lại hay đau ốm liên miên, việc làm thì lúc có lúc không, nên muốn đi du lịch đâu phải chuyện dễ dàng.

Nhưng bố chưa kịp đi thăm Tim thì được tin Tim mất. Tim trượt chân té trong phòng tắm, đứt mạch máu đầu, bất tỉnh. Lúc Tim té chị Vân đang ở chỗ làm, khi chị về tới nhà thì đã trễ. Chị Vân gọi báo tin cho bố khi mọi việc xong xuôi, Tim đã được hỏa táng và tro đã được đem ra biển rải. Lần này thì chị Vân nói chuyện với bố má thật lâu. Qua những tiếc nấc, chị kể lại chuyện của gia đình chị từ sau ngày theo chồng về nước.

Tim và chị Vân về ở với bà mẹ ở Hawaii thời gian đầu. Bà mẹ chồng lai Nhật, mang ½ giòng máu Á Đông mà khó khăn với cô con dâu Việt Nam. Tim trở về, không có nghề chuyên môn nên anh chỉ tìm được những công việc bán thời gian. Tim đi học lại một ngành nghề khác, nhưng lại bỏ dở dang. Hai vợ chồng dọn sang Honolulu tìm việc, hy vọng là ở thành phố lớn có nhiều việc làm hơn. Tim tìm được việc làm ở một tiệm tạp hóa, còn chị Vân thì xin được việc bán quà kỷ niệm cho du khách ở trung tâm thương mại. Cũng đắp đổi qua ngày. Chị Vân nói đã có một thời gian Tim bị khủng hoảng tinh thần phải vào trung tâm thần kinh chữa trị. Hồi sau này sức khỏe của Tim bị suy yếu nên không làm được việc nào lâu dài. Thêm vào đó, con sâu rượu ngày xưa vẫn còn lẩn quẩn trong Tim, nên khi nào buồn phiền thì anh mượn rượu giải sầu, nhưng anh không chỉ khóc rưng rức trong cơn say nữa, mà thay vào đó là la hét, đập phá lung tung, nhưng khi tỉnh lại rồi thì anh lại rất hiền lành, dễ thương. Chị Vân nhiều lần muốn bỏ đi, nhưng thấy tội nên không nỡ.

Chị Vân nói chị sẽ rời Honolulu để sang Las Vegas ở. Chị có mấy người quen làm việc ở sòng bài, họ sẽ dạy cho chị cách chia bài và tìm việc cho chị làm. Chị cũng không còn gì ràng buộc ở cái xứ Hawaii này…

Từ sau buổi nói chuyện cuối cùng đó, gia đình tôi không còn tin tức gì của chị Vân nữa…

*

Lúc này nắng vừa lên, nhưng những ánh nắng mỏng manh chưa đủ sức làm tan hơi lạnh của cơn mưa nhỏ thoáng qua. Hơi lạnh đã thấm dần qua cái áo len mỏng tôi đang mặc. Không muốn ngồi lâu ngoài hiên nữa, tôi cầm cái ly không và Ipad vào nhà. Đi ngang qua phòng thờ, tôi nhìn thấy tấm hình của bố. Đôi mắt ông nhìn tôi như muốn nói – trời lành lạnh, giá mà có được một ly café nóng vào lúc này thì chắc tuyệt vời, con nhỉ?

Tôi pha cho bố một ly café đen nhỏ, đem ra để trước ảnh thờ. Thắp cho bố một nén nhang trầm không chân ngăn ngắn, tôi thì thầm:

- Giờ này, chắc bố đã gặp lại Tim. Nơi bố về, Miền Vĩnh Cửu, có Quán Cái Chùa nào giống như Quán Cái Chùa ở cõi tạm này cho bố và Tim ngồi nhâm nhi café giọt đắng hay không? Nếu không có thì bố chia với Tim tách café nóng này, để cùng nhau nhắc lại chuyện ngày xưa. Bố nhé!

Bảo Trân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,321,627
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA.
Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa.
Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu, đến Mỹ năm 1994, theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012, hiện là cư dân hưu trí tại Westminster.
Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006 với truyện kể về hai chàng sĩ quan Mỹ gốc Việt thuyền nhân
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt. Sau đây là bài viết mới của Song Lam.
Năm nay, Fathers Day của nước Mỹ là 19 tháng 6, trùng với Ngày Quân Lực VNCH trước 1975, xin mời đọc bài mới của Khôi An, chuyện ông Tướng mà cũng là chuyện Người Cha
Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014.
Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến.
Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả được ký bút hiệu và tên thật. Thời VNCH, ông là một nhà giáo. Từ 1972-1975, là giáo chức biệt phái về nguyên quán,
Nhạc sĩ Cung Tiến