Hôm nay,  

May, Tháng Năm & Chuyện Mùa Nhãn

27/05/201600:00:00(Xem: 9788)

Tác giả: Gió Đồng Nội
Bài số 3828-17-30328-vb6052716

Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Bà là một chuyên gia từng có 30 năm làm việc tại Trung Tâm Không Gian Kennedy ở Merrit Island, Florida, cùng thời với chương trình phi thuyền coi thoi, 1981-2011. Tháng 7, 2011 bà viết "Những Chuyến Bay Cuối", bài in kèm với hình tác giả chụp khi làm việc trên một trạm không gian quốc tế hiện đã ở ngoài trái đất. Sau đây là hai bài viết mới của tác giả.

* * *

1. May, Tháng Năm

Tháng Năm là mùa tình nhân thành Hôn, mùa học sinh tốt nghiệp ở Hoa Kỳ. Tháng Năm, năm 1975, tại miền miền Nam Việt Nam cũng là lúc hàng trăm ngàn người ra đi bằng mọi cách. Rồi tháng Năm cũng là tên tôi từ ngày rời trại tỵ nạn, chính thức đặt chân lên đất Mỹ. May có nghĩa là may mắn, gia đình người chủ mang tôi theo từ Việt Nam sang bảo thế.

Thật ra, trước đó họ vẫn gọi tôi là con Mận. Tên cha mẹ đặt lúc sinh ra. Tôi còn nhớ thằng Cam, cái Quýt, cái Bưởi; những đứa em nhỏ bé mà chẳng bao giờ tôi còn được thấy chúng nó nữa; cả Cha và Mẹ. Khi ấy tôi lên 10. Dù nghèo khổ, gia đình tôi vẫn bám lấy ruộng vườn vì không biết làm gì, đi đâu khi chiến tranh càng ngày càng tàn khốc. Một ngày, tỉnh dậy chỉ thấy lửa và máu. Không hiểu sao tôi sống xót. Cả gia đình chết thảm dưới bom, đạn không biết của bên nào.

Người chú bà con đưa tôi lên tỉnh, làm công cho gia đình cậu Tâm. Trông, bế em để đổi lấy miếng cơm, manh áo và chỗ ở. Họ có 3 đứa con nhỏ, em gái bé nhất chưa đầy tháng. Kể ra thì công việc không nặng nhọc gì, khi thì chơi với 2 đứa con trai, lúc bồng em bé để cô chủ rảnh tay nấu nướng.

Ngày qua ngày, cơm no, áo ấm như thế là quá đủ cho tôi nhưng đến một hôm.. Cô cậu bảo tôi địu cái bao đựng sữa bột, tã vải, bình, phích nước bên phải, tay dắt em lớn nhất cột sẵn sợi giây dính với tay tôi bên phía trái. Cô Tâm ẵm em bé nhất, đeo thêm một bao quần áo còn cậu thì sách va li lớn hơn và dắt em kia. Mọi người bồng bế, dắt díu nhau lên chiếc xe buýt đón tận cửa nhà lúc mờ mờ sáng.

Đang cái tuổi ăn chẳng biết no, lo chẳng biết tới, tôi cứ làm theo lệnh chủ như mọi ngày. Đi máy bay đến một nơi xa lắm vì tôi nhớ mình tha hồ ngủ. Ở nơi mới đến này được một tuần, cô cậu bảo tên Mận khó đọc, từ nay là May. Phải nhớ lấy và phải biết vâng lời cha mẹ mới. Đã quen vâng lời tôi dễ dàng nghe lệnh, đâu biết rằng đời mình sắp rẽ sang một khúc quanh.

Cha Mẹ Nuôi của tôi người Mỹ (sau này tôi mới biết bà gốc Đức, ông gốc Ba Lan), họ cùng làm nghề giáo dục. Ông dạy trường Trung Học gần đó và bà dạy Dương Cầm tại nhà. Một căn nhà 3 tầng lầu rộng mênh mông với 6 phòng ngủ trên ngọn đồi nho nhỏ rất đẹp.

Không biết gì để nói ngoài chữ "Hi" khi ba mẹ nuôi giới thiệu tôi với đám nhỏ đứng chung quanh. Lớn nhất là con Beth 15 tuổi, kế là thằng Dan 12, rồi thằng Don da ngâm đen, có tật ở chân. Con Lisa nhỏ nhất, mới 8 tuổi, bị mù cả hai mắt từ lúc sinh ra, còn thằng Rick thì chỉ ra dấu vì không nghe và không nói được, đến thằng Bill người Nam Mỹ đã 14 nhưng có bộ óc của trẻ lên 5. Đứa sau cùng, mới nhập bọn là tôi, người Việt.

Cả 7 đứa thì chỉ 2 đứa đầu lành lặn là con do ông bà Smith sinh ra. Đám được ông bà nhận làm con nuôi, không đứa nào bình thường, ngoại trừ tôi, đứa trẻ tỵ nạn mới được khai lại tên, 11 tuổi (đã bớt đi 2 năm) để kịp theo học.

Tôi nói nhưng không viết rành tiếng Việt, còn tiếng Anh thì một chữ cũng thua. Mỗi ngày trong tuần; anh chị em chúng tôi dắt nhau ra ngoài cổng, xe học sinh đến tận nơi đưa đi rồi đón về. Tôi đi cùng xe, học cùng lớp 5 với thằng Don.

Về nhà nó phải kèm thêm và dạy tôi học. Mấy đứa kia đều có xe đưa đón riêng ở mỗi trường khác nhau, dành cho người tàn tật. Kể cả Lisa, nó học chữ nổi trên mặt giấy cứng. Thằng Rick thì học ra dấu (sign language). Để hiểu nó, ba mẹ nuôi tôi bắt cả bọn học theo. Dương cầm cũng thế. Không thấy đường nhưng Lisa đàn hay lắm. Hai tay nó thoăn thoắt trên phím như múa ra những âm thanh trầm bổng nhưng tôi nghe luôn có nỗi buồn trong đó.

Chúng tôi cùng học, cùng ăn, cùng làm. Đừng tưởng lầm là Lisa chỉ biết chơi đàn, nó lặt đậu que nhanh lắm. Đứa nào cũng có việc riêng phải làm trong nhà như trải giường, hút bụi, lau chùi bàn ghế, rửa chén, dọn cơm, đổ rác, và tôi thì phụ mẹ nấu ăn. Cuối tuần theo ba mẹ đi nhà thờ trên một chiếc xe Van to. Đôi khi được ra công viên chơi hay đi biển khi hè đến.

Chỉ hai năm sau tôi đã theo kịp việc học ở trường và thân thiết với đám anh chị em nuôi cùng nhà. So với ngày xưa thì quả là một trời một vực. Những hình ảnh cha mẹ, các em ruột thịt của tôi đã lui hết vào quá khứ. Tháng ngày dần qua, tôi lớn lên êm ấm trong gia đình, được thương yêu, dạy dỗ, ăn học đàng hoàng.

Thời gian trôi nhanh. Tôi trưởng thành, ra đời, làm việc trong một ngân hàng. Cứ thế, không bon chen mà cần cù chăm chỉ. Sống lâu lên lão làng, tôi đã thành một Phó Giám Đốc chi nhánh một ngân hàng nhỏ.

Nhờ trong nghề, từng bước, tôi mua căn nhà bị cầm với giá hời, cho thuê, gầy vốn làm tiếp căn nhà thứ hai, rồi thứ ba cho đến khi trả được hết nợ cả 3 cái nhà. Đường sự nghiệp tốt đẹp như thế nhưng đường tình duyên lại không trọn vẹn.

Lập gia đình với người đồng hương từ Việt Nam qua Hoa Kỳ sau này (1995), sinh được hai đứa con gái thì chúng tôi chia tay. Anh bảo tôi quá Mỹ hóa. Còn tôi, đã quen với cách chia trách nhiệm, chung bổn phận và đồng hưởng nên tôi không thể nào chịu nổi tính Gia Trưởng của anh.

Ly dị xong, tôi giữ tài sản mình tự làm nên để nuôi con. Còn anh dọn đi nơi khác lập gia đình mới. Không sao, miễn chúng tôi vẫn xem nhau như bạn là đủ rồi. Tôi nghĩ vậy và sống vui với con mình.

Không biết có phải từ ngày thay tên "May", đổi họ "Smith" mà cuộc đời tôi thay đổi tốt như thế hay không? Nhiều cụ già người Việt bảo "Cái tên nó vận vào người" khi biết câu chuyện đời tôi. Cũng có người nói "Sông có khúc, người có lúc".

Phần tôi, tôi tin rằng mình cứ vui vẻ chấp nhận dù ở hoàn cảnh nào thì cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn thôi. Người ta có một cha, một mẹ. Riêng tôi, tôi may mắn có 2 cha và 2 mẹ và họ đều yêu thương tôi. Chắc chắn như thế vì tôi tên May.

2. Chuyện Mùa Nhãn

Tranh Ăn hay Đấu Trí? Với những tâm hồn thiên về "nghệ thuật ăn uống", mê trái cây - nhất là Nhãn - thì đây là cuộc chiến vì dành ăn; nhưng theo những "bình loạn gia" thì đây lại là một cuộc đấu trí. Phần tôi (thành viên hội Ba Phải) thì hai bên chẳng bên nào sai. Không "Lề Phải" cũng chẳng "Lề Trái", tôi nhìn "đại cuộc" kiểu đứng bên "lề xéo"(chữ mượn của nhà văn Phạm thị Hoài) một cách rất khách quan. Bạn đọc thử nhìn nhé...


Năm nay được mùa Nhãn nhưng hơi trễ. Hết tháng 7 mà trái còn hơi bé. Chỉ mới bằng quả Cherry. Trái nhãn nhỏ nhưng hương nhãn lớn, mùi thơm bay ngào ngạt quyến rũ bọn ong, lũ bướm và bầy kiến đến tụ họp, tiệc tùng linh đình trên cây.

Những chùm Nhãn chi chít trái đang từ từ đổi nâu sang vàng, màu hấp dẫn, bắt mắt lũ Sóc không kém gì mùi thơm đang lan tỏa trước sân thì làm gì chịu nhịn nổi. Thế là chúng nhập tiệc. Không như giống côn trùng hiền lành, ăn lấy hương lấy hoa (để quả lại cho người), bọn Sóc này rất "mất dạy". Vừa ăn nhiều, vừa phá nhiều. Nhìn đám nhãn lăn long lóc trên sân, trên cỏ; quả nào cũng còn một nửa cùi thật là tức. Chẳng thà chúng ăn hết trái này, chưa đủ no, ăn tiếp quả khác thì mình có thể "tha thứ" vì cho rằng chúng đói. Đằng này vừa ăn vừa phá. Nhiều quả còn một nửa, chúng ghé rắng cắn vào rồi bỏ đi (như tình yêu ngang trái!!!) trêu ngươi kẻ trồng cây. Giận ơi là giận. Trận chiến bắt buộc phải xảy ra thôi. Phải "sống còn" bảo vệ cây (trái thì đúng hơn) Nhãn, ăn thua đủ với lũ Sóc này.

"Lũ" là vì chúng nhiều hơn một. Giết con này lại xuất hiện con khác không biết "Sóc số" trong nhà nó là bao nhiêu. Chui từ đâu ra. (Một năm Sóc đẻ 1 hay 2 lần. Mỗi lần từ 2 đến 8 con). Hình như chúng cũng chia vùng với nhau từ trước rồi. Giống như luật "người cày có ruộng", mỗi "Sóc gia" làm chủ một mảnh đất, chỉ kiếm ăn trong ranh giới của mình.

Ngày chưa trồng cây Nhãn, tôi thấy con Sóc nào cũng dễ thương lắm, hai tay ôm trái thông gặm nhắm, hay mồm phồng một bên vì trái Acorn của cây Sồi (Oak). Thời gian đã thay đổi mọi sự. Mục tiêu của chúng bây giờ là cây Nhãn.

Không biết con Cáo trong chuyện ngụ ngôn tinh khôn tới cỡ nào chứ bọn Sóc, phải nói là ranh ma hết mức nếu không muốn dùng chữ "siêu" hay "cực kỳ". Con người ra chiêu gì, chúng cũng đối phó được tuốt. Cách treo lủng lẳng trong sân vài cái CD giống như yểm bùa chỉ là trò cười. Dựng chiếc xe đạp, mặc áo, đội mũ, giả người ngồi canh, dọa chúng thản nhiên đi ngang dơ tay chào "ông phỗng đá". Dùng mấy cái bẫy chuột cài mồi để nhử thì chúng lấy đuôi quẹt qua quẹt lại đụng sập cần chém xuống rồi ung dung ngồi nhâm nhi món thích khẩu Peanut Butter tẩm trên bánh mà chép miệng đã quá.

Đòn mới là giăng giây điện. Không dám chơi loại cao thế mà là "thấp thế" (low voltage, không đủ hại người) chung quanh cành cây rồi ngồi trong nhà coi ống nhòm, chờ kết quả. Khôn ơi là khôn, không cùng lúc phóng lên cây, con "trinh sát" đi đầu (luôn luôn có thế trận hẳn hòi), lon ton chạy tới, phóng lên cây bị điện giật văng xuống đất. Mấy con khác thấy thế rút về "mật khu" nghiên cứu.

Hôm sau chúng "tiến quân" bằng cách khác. Trơi trò đu giây. Bám ngược thân dưới cành cây y như phim đánh nhau trong cinê. Phe người tổn thất nặng hơn. Thay vì cắn trái chúng dứt nguyên chùm nhãn. Gỡ giây điện, kế hoạch mới: xích con chó gần đấy cho chạy chung quanh. Được hai hôm, chó sủa vang dưới đất, sóc tỉnh bơ ăn nhãn trên cành cao vì biết con chó không làm gì được. Chúng đổi sang trò "nhảy dù" từ những cây đằng xa, chuyền đến thật gần cây nhãn rồi lông nhông xuống, chẳng cần dù. Người lại thua.

Nhãn tiếp tục bị tàn phá. Lần này phe ta thay phiên trực với ná thung (ngày xưa đã từng bắn chim nên tay nghề còn khá nhuyễn) cùng túi sỏi bên cạnh, núp dưới gốc cây rình Sóc. Ba ngày mệt mỏi chờ đợi chẳng thấy "em sóc" nào lạng qua. Không lẽ gác hoài đến khi hái Nhãn, phe người tính đổi chiêu. Ná thung sẽ thay bằng BB Gun (Súng bắn dùng đạn nhỏ xíu, giết thú vật nhỏ). Với loại có ống nhắm, vị trí hai bên đổi ngược. Người chẳng thèm núp nữa còn sóc ta lạng quạng lộ tung tích là đời "tàn trên cây hẹp" ngay. Cỡ nào sóc cũng từ chết tới bị thương. Để "dằn mặt", xác con sóc chết bị treo lủng lẳng trên cây (cho đến khi bắt đầu bốc mùi thì người mới quẳng vào rừng cho kên kên thủ tiêu).

Kế hoạch "ngon lành" vậy đó nhưng không xử dụng được vì luật Bảo Vệ Súc Vật của Mỹ không cho phép. Bị bắt gặp cảnh "tàn nhẫn với thú vật" thì rẻ là phạt tiền, đắt là ngồi "nhà đá" một vài bữa. Chẳng bõ. Phe người thua bạo, rõ chán. Đành phải canh gác thôi.

Biết người, biết ta; nhường người một bước để bảo toàn "sóc" mạng. Chờ cho mặt trời xuống, đèn đường lên, người vào nhà đóng cửa là gia đình nhà sóc kéo nhau ra ăn đêm. Có tí thời giờ quậy phá trước khi rút vào hang ổ cũng là vui rồi. Học kiểu canh thức "Cuba ngủ, ta thức" của Việt Cộng. Lũ sóc áp dụng y chang. Sáng sớm tinh sương, mặt trời chưa dậy, người ngủ thì sóc thức để leo phá cây Nhãn. Người dậy thì sóc chuồn êm báo hại con người vận dụng đầu óc tìm kế khác.

Tiếc nhãn hơn tiếc tiền. Mua liền chiếc máy YardGard quảng cáo trên mạng bảo đảm hiệu quả trăm phần trăm. Những luồng sóng (frequency) lạ từ máy phát ra sẽ đuổi súc vật chung quanh một chu vi hơn 100 mét vuông. Cắm điện,treo lên tường gần cây nhãn, người khoan khoái ngồi chờ ngày thu hoạch. Chỉ vài tuần lễ nữa thôi. "Mặt trận mùa Nhãn" tạm yên tĩnh trong 2 tuần. Sóc bị "loạn óc" khi đến gần cây nhãn nên quanh quẩn nơi xa. Trên không trung chim trời cũng tránh mặt.

Mới năm ngoái, đang chờ ăn phần nhãn đám sóc còn "nhường" lại trên cây thì đàn quạ hàng trăm con bay ngang xà xuống. Những chiếc mỏ nhọn, sắc như kéo, xén ngang cắt ngọn có trái bay lên cao. Trong tích tắc, những trái nhãn biến mất hết, cây còn trơ lại toàn lá và cành. Nhãn thất thu 100%. Chiếc máy "đuổi sóc " năm nay có tác dụng cả với chim. Không uổng tiền mua máy chút nào. Thời gian sẽ êm trôi nếu bọn sóc ranh mãnh tiếp tục bị "loạn óc".

Nhưng ông Trời chưa "chiều lòng người". Không biết bằng cách nào, bọn sóc đã tiếp nhận được làn sóng điện từ máy. Không lẽ chúng biết dùng "Ear plug" bịt lỗ tai? hay qua một thời gian, lỗ tai đã quen hoặc tệ hơn nữa là "màng nhĩ đã thủng?

Gia đình nhà sóc khởi sự tấn công cây nhãn từ phía xa máy phát sóng nhất. Chẳng còn lựa chọn nào khác là bọc nhãn lại như ở Việt Nam người ta thường làm. Thế là bắc thang, làm bao bằng lưới vải mùng (để nhãn thở) chùm kín lại. Hết bao vải sang bao giấy. Cây nhãn bây giờ nhìn thật xấu xí. Từng mảng đen, nâu, xám, đỏ, trắng.. đủ màu sắc từng cụm, lủng lẳng trên cành. Phía tuốt trên cao bắc thang không tới để bọc thì đành chịu nhường cho bọn sóc thôi. Tiếc cũng chẳng được, đành phải chịu "sống chung hoà bình", dù là giả tạo với lũ sóc này. Mong là tụi sóc biết điều chỉ ăn phần mình, không đụng chạm tới chỗ người đã xí phần bọc kín.

Nhãn còn trên cây chờ chín tới. Người hay sóc sẽ thắng? Bạn hãy chờ như tôi đang chờ nhé.

Gió Đồng Nội

Ý kiến bạn đọc
14/06/201614:36:36
Khách
Bạn Lê Như Đức ơi,
"Vườn" Nhãn của "láng giềng" là cô em tôi. Độc nhất vô nhị, có một cây Nhãn. Tôi "kiêng" Nhãn và phải ăn Chuối. Nếu là "Chuối Sứ" từ cây của tác giả thì tuyệt vời.
Tôi ở Cocoa, hàng xóm Melbourne đó. Có rảnh thì liên lạc để ghé chơi chốn Thiên Thai của chúng tôi.
Đến Bạn Đọc Nate,
Hôm nay mới lên mạng, đọc phần ý kiến và muộn màng cám ơn lời chúc vui của Nate.
Gió Đồng Nội
28/05/201602:23:50
Khách
Tôi cũng mới dọn qua Melbourne, Florida làm gần hai tháng nay. Đang kiếm đất để trồng vườn nhãn ăn lúc về hưu đây. Tôi cứ nghĩ xứ này là xứ nhãn nên chắc rẻ lắm. Ngờ đâu lên Orlando mua nhãn bị chém đẹp, $6 một pound. Ở Dallas chỉ có $5 thôi. Khi nào nhãn của tác giả chín, bán rẻ cho tôi biết. Chỗ tôi lên Cocoa beach chỉ có 20 phút thôi.
27/05/201614:50:35
Khách
Những đòn Cân Não "Của Sóc và Người" được tác giả diễn tả thật Linh Động, Hồi Hộp, Gay Cấn, Nghẹt Thở qua bàn phím điện tử tân thời. Một "suspense" không Máu Đổ, Lệ Rơi mà toàn là Cười và Cười.

Cám ơn tác giả và chúc tác giả được những ngày cuối tuần Vui và Hạnh Phúc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,326,830
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ, nhận giải từ năm 2000. Liên tục 16 năm qua, ông góp nhiều bài viết giá trị và vừa nhận thêm giải Danh Dự 2015.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên.
Tác giả vừa đoạt giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm 2016 ngay năm đầu tiên tham gia viết bài cho Việt báo. Anh là một Kỹ sư Dầu Khí đang sống tại Sài Gòn và làm việc cho một Công ty Liên Doanh tại Việt Nam,
Tác giả vượt biên từ Rạch Giá đến Mã Lai, Pháp 1979, Mỹ 1987. Tốt Nghiệp Electrical Engineering 1990 tại University of Illinois at Urbana, Champaign, Illinois;
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, giáo sư hồi hưu. Ông bà hiện là cư dân Brooklyn Park, Minnesota. Ông đã từng dạy ESL và Song Ngữ tại Hệ Thống Giáo Dục Công Lập Minneapolis
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia, đã góp bài cho Việt Báo Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua.
Tác giả từng nhận giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Ông hiện là cư dân Lacey, Washington State, từng là nhà giáo trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại Học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2016. Ông tên thật là Đoàn Q Vũ, sĩ quan Hải quân VNVH, cựu tù cộng sản, hiện là cư dân vùng Little Saigon.
Nhạc sĩ Cung Tiến