Hôm nay,  

Ohio Và Lễ Hội Phục Hưng

11/12/201500:00:00(Xem: 12777)

Tác giả: Triều Phong TPN
Bài số 3696-17--30196vb5121015

Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014.

* * *

blank
Vui lễ hội Phục Hưng 2015.

Từ 1990, tiểu bang Ohio hàng năm có tổ chức lễ hội Phục Hưng (Ohio Renais-sance Festival)

Phục Hưng theo tiếng Pháp là Renaissance, tiếng Ý là Rinascimento. Phục Hưng là một phong trào văn hóa bao la rộng khắp từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17 khởi đi từ Ý vào thời Hậu Kỳ Trung Đại rồi lan sang các phần còn lại của Âu Châu. Đây có thể coi là thời cực thịnh của các nền văn học Cổ Ngữ (Latin) và tiếng bản địa.

Trước khi vào lễ hội, xin sơ lược về Ohio.

Vào thế kỷ 18, người Pháp xây dựng các cửa khẩu để mua bán trao đổi hàng hóa ở Ohio. Năm 1754 do xung đột quyền lợi, Anh và Pháp đã giao chiến trên phần đất này của Mỹ mà nó còn được biết đến như là “cuộc chiến tranh giữa Pháp và người da đỏ.” Rồi bởi do Hiệp Ước Paris thông qua Tuyên Ngôn năm 1763; kết thúc vị trí cường quốc thuộc địa của Pháp ở Châu Mỹ, Pháp phải chuyển giao Ohio lại cho Anh kiểm soát. Anh quốc đã cấm các thực dân Mỹ thiết lập cơ sở trong vùng này. Và chính phủ Anh áp đặt nhiều loại thuế lớn vào mười ba thuộc địa ở Bắc Mỹ khiến dân chúng Mỹ phản đối kịch liệt vì họ cho rằng nước Anh không đại diện cho Quốc Hội nên không có quyền làm như thế.

Vua Anh buộc phải cho rút thuế lại nhưng vẫn giữ “thuế trà.” Đó là nguồn gốc khiến các thuộc địa nổi dậy chống lại thứ thuế này. Điều đáng nói ở đây là sư thành công của ông Benjamin Franklin khi năm 1778 đã đưa được quân đội Pháp dưới quyền điều khiển của Hầu Tước Lafayette vào làm liên minh với Hợp Chủng Quốc rồi kế tiếp là cả Hà Lan và Tây Ban Nha cũng nhập cuộc.

Sau cả chục năm nghĩa quân phối hợp với liên quân chiến đấu chống lại ách độc tài đô hộ, họ đã đánh bại quân Anh để cuối cùng ngày Ba tháng Chín, 1783, nghĩa quân và đồng minh đã ký Hiệp Định Paris với quân Anh mà theo đó mười ba thuộc địa được độc lập. Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ ra đời. Cuộc Cách Mạng Mỹ này có thể xem như Hoa Kỳ là nước Châu Mỹ đầu tiên chiến thắng và đánh đuổi được thực dân Âu Châu để giành độc lập.

Ngày Mười Chín tháng Hai năm 1803, Tổng Thống Jefferson ký một đạo luật của Quốc Hội “công nhận” Ohio là tiều bang thứ mười bảy của Hoa Kỳ. Nhưng luật lệ của Mỹ thời ấy còn nhiều rắc rối và phức tạp nên cho mãi đến năm 1953, Tổng Thống Eisenhower phải ký tiếp một đạo luật “công bố” ngày Một tháng Ba năm 1803 là ngày chính thức Ohio trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ, thủ phủ đặt ở Columbus cho đến ngày nay. (1)

Với diện tích một trăm mười sáu ngàn không trăm chin mươi sáu cây số vuông (116.096 km2) Ohio được xem là tiểu bang lớn thứ ba mươi bốn của Mỹ. Ohio hiện nay viết tắt là OH, nằm ở Trung Bắc Hoa Kỳ tính theo vùng địa lý của Cục Thống Kê Dân Số (United States Census Bureau.) Theo tiếng Iroquois, Ohio là con sông đẹp và cũng là tên của một dòng sông dùng làm ranh giới phân chia phía nam của tiểu bang này với bang Kentucky. Ngoài ra nhiều phần biên giới ở phía bắc của OH được tính theo hồ Erie của Ngũ Đại Hồ nên phía bắc giáp với Ontario của Canada, tây bắc với Michigan, đông với Pennsyl-vania, tây với Indiana và phía đông nam thì giáp với tây nam của West Virginia. (2)

blank
Chụp hình kỷ niệm.

Ohio là tiểu bang công nghiệp chính của Hoa Kỳ nhưng lại là một trong các bang có nhiều bình nguyên rộng lớn của miền ẩm lục (humid continental climate) và nằm dưới một ngàn năm trăm bộ (1500 feet) tính theo mực nước biển nên OH là một trong những tiểu bang có địa thế thấp (lowlands) như Iowa hay Indiana, Tennnessee… do đó mà OH cũng còn được gọi là Ohio Valley.

Ohio có bốn mùa rõ rệt. Mùa Xuân tiết trời ở đây thật lý tưởng, khí hậu mát mẻ cả ngày cũng như đêm. Mùa Hè nhờ có gió bình nguyên thổi vào nên không nóng lắm nhưng đôi lúc cũng có độ ẩm thấp khiến cho chúng ta cảm thấy da thịt rin rit khi đi ra ngòai. Thu về với gío heo may và nhiệt độ thường vào khoảng năm mươi độ Fahrenheit (50 degrees F) nên hơi lành lạnh lúc ra đường vì thế người ta luôn khoác theo một áo lạnh mỏng. Ban đêm nhiệt độ xuống thấp hơn nên dân chúng không còn mở cửa sổ khi ngủ như mùa hè nữa. Mùa Đông thì thật là khắc nghiệt, nhiều năm tuyết rơi dày và kéo dài nhiều ngày khiến cho công việc làm ăn và đi lại thường bị trì trệ.

Do điều kiện khí hậu, thời tiết, vị trí địa lý như thế nên nông nghiệp cũng đóng một vai trò quan trọng ở OH. Chúng ta có thể thấy những cánh đồng bạt ngàn với bắp hay đậu nành, đậu phộng, cà chua của các nông gia trồng dọc theo hai bên những con đường địa phương sau mùa đông băng giá. Về chăn nuôi, người ta nuôi lợn, bò, gia cầm và…ngựa

Đặc biệt, Ohio còn có cái tên gọi thân thương khác là “Mẹ Của Các Tổng Thống” vì có tới bảy vị tổng thống của Hoa Kỳ đã được sinh ra tại tiểu bang này. Đó là những Tổng Thống Ulysses S. Grant, Rutherford B. Hayes, James A Garfield, Benjamin Harrison, William McKinley, William Howard Taft, Warren G.Harding. Một điều khác cũng đáng để chúng ta lưu ý thêm là vì Ohio là một trong số mấy tiểu bang rất quan trọng của các cuộc bầu cử tổng thống bởi số cử tri của hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ ngang ngửa nhau ở đây bên cạnh đó lại còn có một số người lưỡng lự không biết sẽ bầu ai cho tới giờ phút chót cho nên khi có cuộc bầu cử tổng thống nào sắp diễn ra thì các ứng cử viên đều phải tới Ohio để vận động giành phiếu vì Ohio có tới mười tám lá phiếu của đại cử tri trong tổng số năm trăm ba mươi tám phiếu đại cử tri đoàn trên toàn quốc.

Thứ hai là luật lệ bầu cử của OH rất rắc rối và phức tạp điển hình như nơi đây có gần một triệu rưỡi người đăng ký đi bầu khiếm diện tức là “bỏ phiếu bằng thư” qua đường bưu điện (absentee ballots.) Tuy nhiên họ vẫn có quyền đổi ý để đi bầu trực tiếp, và lá phiếu của họ sẽ được bỏ vào một thùng phiếu khác gọi là “phiếu tạm (provisional ballots.)”

Nhìn lại lịch sử cận đại thì kể từ năm 1964 đến nay không có vị tổng thống nào của Đảng Cộng Hòa đắc cử mà không thắng phiếu tại Ohio cả, nhưng vào năm 2004 OH bắt đầu bén duyên với Đảng Dân Chủ sau thất bại của Ông Al Gore; ứng cử viên tổng thống năm 2000. Do đó OH cũng còn được xem là một trong các “swing states!”

Ngoài ra, OH và Việt Nam đã cùng có chung một giai đoạn lịch sử bi thảm với nhau. Đó là vào ngày Bốn tháng Năm, 1970, tại Đại Học Kent của bang này Vệ Binh Quốc Gia đã bắn chết bốn sinh viên và làm chín người khác bị thương trong đó có một người bị liệt vĩnh viễn bởi có vài người trong số này tham gia biểu tình chống chiến dịch Kampuchea do Tổng Thống Nixon khởi xướng trong chiến tranh Việt Nam. Việc này đã gây phản ứng mạnh ở Hoa Kỳ. Hàng trăm tường đại học, cao đảng, trung học đóng cửa vì hơn bốn triệu học sinh, sinh viên xuống đường, bãi khóa. Sự kiện này tác động mạnh lên ý kiến của công chúng về vai trò của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, tiếp sức thêm cho phong trào phản chiến chống chiến tranh ở Việt Nam, đẩy Miền Nam Việt Nam nhanh chóng tới chỗ sụp đổ năm 1975!

Qua những nét đặc thù văn hoá-chính trị ảnh hưởng đến xã hội trên nên 1990 tại Ohio người ta đã tái tạo dựng lại lễ hội Phục Hưng. Mỗi năm từ cuối tháng tám cho đến hết tháng mười, lễ hội này sẽ khai mạc và diễn ra vào các ngày thứ bảy, chủ nhật và luôn cả Lễ Lao Động (Labor Day,) trên một khu đất rộng ba mươi mẫu (120.000 thước vuông) ở giữa Harveysburg và Hạt Warren (Warren County) phỏng theo hoạt cảnh một ngôi làng ở Anh bắt đầu từ thời kỳ Hậu Trung Đại của Vương Quốc Anh với huyền thọai về anh hùng Robin Hood, tức sau thế kỷ thứ 11 của thời Trung Cổ (Medieval) tới thế kỷ thứ 16 với Hoàng Hậu Elizabeth, với các võ sĩ giác đấu (Jousting)… cho đến hết thời Phục Hưng, cùng với hơn một trăm gian hàng tiểu thủ công nghiệp, bán đồ cổ lưu niệm bằng gỗ hoặc kim loại sắt, thép như kiếm cung, mũ nón, áo giáp của các hiệp sĩ, đền đài, huy hiệu, bút có đính lông chim với giấy làm từ các loại gỗ thơm viết bằng mực đựng trong các lọ nhỏ được điêu khắc với các hình dáng cầu kỳ…. và mười một sân khấu để trình diễn các vở hài kịch, âm nhạc cổ truyền thật náo nhiệt.

blank
Ban nhạc thiếu nhi.

Sau hai muơi lăm năm hoạt động, Lễ Hội Phục Hưng tại Ohio đã thu hút được đông đảo du khách và cư dân quanh vùng đến tham dự. Vào năm 2011 lễ hội này đã được bầu chọn là lễ hội xuất sắc nhất của Hạt Warren, OH!

Vì sự hấp dẫn ấy, vợ tôi đã đến chợ Kroger, một trong các nơi bảo trợ cho lễ hội để mua vé cho gia đình. Và Chủ Nhật, ngày Mười Một tháng Mười vừa rồi vợ chồng tôi đã dẫn thằng con trai lên đó tham gia cho biết sau mấy năm chuyển về đây sinh sống.

Từ nhà tôi, theo sự chỉ dẫn của GPS (The Global Positioning System) tôi đi đường 73 East tới Harvesburg chỉ mất chừng hai mươi tám phút lái xe. Vì lễ hội bắt đầu mở cửa từ mười giờ ba mươi phút sáng nên chúng tôi có nhiều thời gian đi một cách rất thỏai mái. Đây là con đường “local,” nhỏ và đẹp, chỉ có một chiều lên và một chiều xuống, lại uốn lượn, lên đồi xuống dốc khá nhiều do đó phải rất cẩn thận để tránh tai nạn.

Sáng hôm ấy trời thật đẹp, gió thu thổi nhè nhẹ mang theo chút sương lạnh của đêm qua còn đọng lại trên những hàng cây bên đường vào trong xe khiến mọi người cảm thấy thật dễ chịu. Cạnh bên, vợ tôi ngồi thanh thản, ngó ra các cánh đồng bắp đã thu hoach chỉ còn trơ lại những thân cây nâu sẩm, lá vàng ủ rủ, nghĩ ngợi mông lung. Ở ghế sau, thằng con cứ mãi mê đọc cuốn sách đang dang dỡ mang theo.


Cũng đã khá lâu mới được dịp lái xe thong thả như thế nên tôi cứ chạy tà tà để tận hưởng cảm giác nhẹ nhàng ấy. Hai bên đường, ở nhiểu chỗ các nông gia đã mang đủ loại bí đỏ (pumkin) lớn, nhỏ, từ trong trang trại ra chất đống dưới lớp rơm rạ dày để bán. Màu đỏ cam của bí rực rỡ dưới năng ban mai gây sự chú ý cho người qua lại. Không khí của mùa lễ thấp thoáng trên những con đường làng quê êm ả.

Xa xa, một vài con ngựa đứng im lìm trên những cánh đồng cỏ mênh mông. Ngựa ở đây là loại ngựa được nuôi dùng để đua vì bang sát OH là bang Kentucky (KY) có rất nhiều trường đua ngựa (horse racing) nổi tiếng. Những người giàu có, quý tộc ở nơi này thường nuôi ngựa và mang sang KY thi đấu hằng năm như một thú vui giải trí ngoài chuyện cá độ, bài bạc thông thường. Không lạ lẫm gì nếu chúng ta lái xe đi loanh quanh nơi này chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh nhiều chú ngựa đen tuyền hay trắng muốt, to, cao, bắp chân nổi cuồn cuộn như sóng lượn, cặp mông bự sáng bóng, săn chắc, bờm đầy lông như liễu rủ phủ kín cả cổ, đuôi thì dài chấm đất đong đưa qua lại trên các thảm cỏ xanh mượt mà, nhấp nhô lên xuống trong những dãy hàng rào cây trắng toát dưới ánh ban mai hay trong buổi chiều tà đang nhạt nắng thì thật vô cùng thích thú.

Qua hết các cánh đồng, cảnh vật bên ngoài bắt đầu thay đổi. Những chiếc lá màu cam ở hai bên đường rực rỡ nằm chen trong những tàng cây vàng chạy dài ngút ngàn thỉnh thoảng lại điểm thêm sắc nâu tạo cho nàng Thu một vẻ đẹp thiên nhiên cực kỳ diễm lệ!

Xe cộ bắt đầu đông đúc hơn nối đuôi cả đoàn, vì các xe trước đã chậm lại khiến tôi tưởng sắp tới nơi nhưng thật ra thì không phải bởi gần đó lại có thêm một lễ hội khác mà vì quá đông nên tôi không biết đó là lễ hội gì. Đáng chú ý là lễ hội này quy tụ rất nhiều cặp lái xe mô-tô (motorcycle.) Xe họ chạy thường là Harley. Họ khuấy động cả một đọan đường. Nhìn đám đông vui cười trong không khí sôi nổi ấy tôi nhủ thầm “không biết có chú Sáu Steve Brown của Việt Báo” trong này không?” Vì tôi nhớ có lần đọc một bài viết của chú tôi có thấy chú đăng tấm ảnh lái mô-tô chở cô trong rất tình từ phiá sau.

blank
Ngựa nòi Ohio.

Chẳng mấy chốc chúng tôi cũng đến nơi mình muốn. Tại đây có những người đứng dọc hai bên đường thu tiền xe rồi hướng dẫn vào nơi đậu. Bãi đậu xe là các cánh đồng bắp đã được dọn sạch chuẩn bị cho lễ hội. Nhìn xe đậu hàng hàng, lớp lớp, tôi biết là lễ hội này đông ngưới lắm.

Khi tới cổng, nhìn mấy trăm ngưới đang xếp hàng nối đuôi nhau trước bốn, năm quày bán vé, tôi thật sự bất ngờ, không nghĩ lại quá đông đến thế. Nhờ có sẵn vé nên gia đình tôi đi vào một lối khác. Trong lúc chờ đợi tôi nhìn quanh thì thấy đã có vô số người lớn, nhỏ, nam có, nữ có, bắt kể già trẻ đã hóa trang theo lối cổ truyền (costumed characters) thành các hiểp sĩ, các cô gái đồng quê trong trang phục thời xưa với nhiều màu sắc sặc sỡ rất đẹp.

Bên trong, trên khoảng đất rộng cả một rừng người náo nhiệt cười vui, la hét, gọi nhau ơi ới. Kẻ đi lên người đi xuống, nhiều gia đình đưa con cháu đi trẩy hội tạo thành một đoàn hai ba chục người thật là nhộn nhịp.

Đầu tiên vợ chồng tôi đến sân khấu Reveler xem người Tô Cách Lan (Scottland) đánh trống, trình diễn âm nhạc dân tộc qua các nhạc khí cổ truyền như bass drums, bodhráns, và single bagpipe. Khi chúng tôi đến, họ đang trình tấu bản nhạc “Uprising” là một trong các bản nhạc nói về chủ nghĩa yêu nước của ngưới Tô Cách Lan.(Scottish patriotism.) Mấy hình ảnh và trang phục này của họ thì tôi có thấy qua phim ảnh, sách báo, nhưng hôm nay là lần đầu tiên được thấy người thật trong y phục cổ truyền chơi nhạc dân tộc, dù không hiểu hết nhưng tôi cũng cảm thấy thích thú.

Kế đó thằng con trai chúng tôi hối thúc đến “đấu trường Arena of Champions” để xem hai võ sĩ cưỡi ngựa giác đấu (Full Armoured Joust) vì đây là tiết mục mà nó đã háo hức muốn xem từ lúc còn ở nhà khi được giới thiệu qua “on line!” Lúc chúng tôi đến nơi đấu trường đã có hàng ngàn người vây kín xung quanh. Khán đài chật cứng người ta, chứng tỏ đây là một màn hay. Tìm cách len lỏi, chui vào bên trong vì chúng tôi nhỏ con quá, đứng ngoài thì không thấy gì cả.

Cuối cùng thì cũng tìm được một chỗ đứng bên hông có thể xem được do những người tốt bụng nhường cho vì họ thấy vợ chồng con cái tôi quá bé. Con trai tôi tuy đứng xem nhưng thỉnh thoảng cứ cười tủm tỉm khi liếc sang hai cái đùi gà tây thật bự (giant roasted turkey legs) được quấn trong giấy bạc mà cặp vợ chồng trẻ ngồi trên khán đài đang cầm trên tay. Họ cắn từng miếng lớn, nhai ngoàm ngoằm một cách thích thú. Họ ăn thật tự nhiên, họ tận hưởng ngày lễ hội ngoài trời này một cách hết mình. Đúng là phong cách Mỹ của người Mỹ và chỉ ở nước Mỹ mới có!

Sau phần giới thiệu nguồn gốc, lịch sử vì sao mà có sự kiện võ sĩ giác đấu ở thời kỳ Phục Hưng xong là Sr. William trong bộ áo giáp bạc; tượng trưng cho hiệp sĩ phe chính đạo, xuật hiện trên lưng con hắc mã to cao từ phía trái của đấu trường. Hình ảnh oai hùng lẫm liệt của anh hùng thời xưa cưỡi ngựa, cầm giáo mác ra sa trường quyết đấu chạy vòng vòng chào khán giả làm mọi người phấn khích, reo hò, vỗ tay nhiệt liệt. Tiếp theo là một võ sĩ giác đấu khác trong bộ áo giáp đen, cưỡi bạch mã, đại diện cho phe tà đạo cũng từ từ tiến ra. Tiếng la lối, huýt sáo, và “boo…” như bày tỏ sự phản đối chê bai kẻ ác lại vang lên khắp nơi. Đọan hai võ sĩ vào vị trí chiến đấu ở hai phe tả, hữu, và chuẩn bị. Khi nghe tiếng chiêng khua lên cả hai phi ngựa xông tới hươu thương, giơ mác, đâm vào nhau. Tiếng ngựa phi rầm rập, gió bụi tung lên mịt mờ, hình ảnh hai võ sĩ xáp lá cà đánh nhau trông thật đã. Sau hai ba hiệp, võ sĩ áo đen thua. Rớt xuống lưng ngựa! Sr. William chiến thắng trong tiếng reo hò mừng vui vang dội của mọi người. Ngài lững thững cưỡi ngựa trở về trong khúc khải hoàn ca!

blank
Gia đình tác giả và nhóm kĩch Robinhood.

Mọi người tan hàng, nét mặt thằng con tôi vẫn còn hân hoan nét hả hê thích thú. Đến xế trưa, chúng tôi phải đi ăn. Ghé lại “The Aleing Knight Pub” chúng tôi vừa ăn “dragon nuggets and fries” vừa ngồi xem ban nhạc trình diễn những bản “Pub Songs” phục vụ thực khách trên khán đài thật đặc sắc.

Buổi chỉều, sau khi ăn xong chúng tôi đi xem hài kịch vui nhộn “Pirate Comedy Stunt Show” tại Sân Khấu Cướp Biển (Pirate Stage.)” Đoạn đến lượt tôi hối thúc vợ con tới “Swordsmen Theater” để xem vỡ bi hài kịch do Robin Hood và Maid Marian thủ diễn. Lâu lắm rồi, dễ chừng có gần bôn mươi năm, tôi mới nhìn thấy lại hình ảnh nhân vật huyền thoại hiệp sĩ rừng xanh Robin Hood mà tôi rất yêu thích hồi còn nhỏ.

…Ngày ấy, nhớ một hôm, sau 1975, đám Cách Mạng Ba Mươi vác loa phóng thanh đi vào từng con hẻm, từng khu phố la hét, kêu gọi dân chúng mang tất cả sách báo tranh ảnh ngoại quốc cũng như mọi loại văn hóa phẩm in ấn ở Miền Nam mà chúng cho là đồi trụy đem ra giao nộp. Ai cố tình giấu diếm, giữ lại sẽ bị xem là “tàng trữ văn hóa phẫm đồi trụy” và sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước luật pháp của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Ghê quá! Mới buổi giao thời dân chúng ở một chính thể thua cuộc nghe thế thì ớn quá! Má tôi thật sự hoảng sợ, bà hối thúc tôi mang hết sách vở tiếng Anh, tiếng Pháp, ra đưa cho họ. Nhìn những cuốn truyện Tin Tin bằng tiếng Pháp, truyện tranh Lucky Lucke bằng tiếng Việt, Tủ Sách Ánh Dương với anh hùng Robin Hood, Tuổi Hoa với hoa đỏ, hoa tím…mà tôi vừa giao nộp, đã bị họ liệng vào đống lửa cháy cao ngùn ngụt ở khoảng đất trống đầu hẻm, lòng tôi đau như cắt! Hết rồi những cuốn sách một thời được tôi nâng niu gìn giử cẩn thận! Hết rồi, một thời hoa mộng “Tuổi Hoa” ơi! Và nhìn đám lửa đang thiêu rụi mọi thứ tôi hiểu rằng tương lai của tôi rồi cũng sẽ bị thiêu tàn như thế nếu tôi còn tiếp tục ở lại đây…

Mãi mê theo đuổi các hoài niệm ngày cũ tôi quên mất vở kịch trước mặt cho đến khi những tiếng cười ồ vang lên xung quanh lôi tôi về thực tại và chỉ kịp nghe Robin Hood lặp đi lặp lại “Ill be here to fight for you!” It phút sau, vở kịch chấm dứt. Trên sân khấu các diễn viên lần lượt cúi chào mọi nguời. Những khán giả trẻ tuổi được mời lên phụ diễn lần lượt trở về chỗ ngồi trong tiếng vỗ tay cám ơn vang dội. Tôi nhủ thầm “thôi thì đành bảo thằng con kể lại cho nghe vậy. Dẫu sao bây giờ tiéng Mỹ đã là tiếng của nó rồi!”

Cứ thế chúng tôi lại đi coi tiếp “Scottish Dancers/Irish Dancers,” rồi tấp vô các gian hàng bán đồ cổ nhìn ngắm, mua cho thằng nhỏ món quà lưu niệm …Xế chiều, chúng tôi ra về mà lòng vẫn luyến tiếc vì còn nhiều tiết mục, nhiều chỗ chưa đi thăm nhưng không còn sức đi tiếp và vì lễ hội cũng đã sắp tới giờ đóng cửa!

Trên đường về thằng con tôi có vẻ ưng ý lễ hội này và muốn đi xem tiếp vào năm tới nữa. Cũng như nó, tôi cũng thích vì đã có những giây phút giải trí thật thoải mái và dân chúng trong lễ hội mà tôi gặp lại hiền hoà dễ thương quá. Rồi tôi lại nhớ tới lời nói đầy hào khí của Robin Hood và thầm nghĩ bụng “ước gì Việt Nam mình bây giờ có được một vài Modern Robin Hood như thế” để trừ gian diệt bạo, giúp đỡ dân nghèo hiện nay đang khốn khổ ở quê nhà, tạo dựng lại một xã hội nhân bản với những công dân lương thiện đầy tình người như ở đây thì hay quá!

Miamisburg, Mùa Thu, Ohio

Chú thích:

(1): Tham khảo từ Wikipedia, the free encyclopedia.

(2): Theo tài liệu của Cục Lưu Trữ Dữ Liệu Quốc Gia Hoa Kỳ, tự điển “The American Heritage College,” và một số nguồn tài liệu khác.

Triều Phong (TPN)

Ý kiến bạn đọc
16/12/201503:27:00
Khách
Triều Phong,
Chúng tôi và gia đình khỏe. Cảm ơn.
Merrý Christmas and Happy New Year to you and your family as well.
Anh xin liên lạc với tôi tại địa chỉ thư điện này nhé : stbro2543@gmail.com
Cảm ơn.

Sáu
15/12/201504:11:08
Khách
Kính chào chú Sáu,
Cô chú và gia đình khỏe không? Cám ơn chú có lời khen.
Merry X-mas and Happy New Year!
TP
12/12/201522:40:02
Khách
Chào Triều Phong,
Bài viết rất hay với nhiều chị tiết quen thuộc.
Chúc tác giả và gia đình mọi sự thật tốt đẹp.

Sáu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,077,877
Hoàng Nga là tên thật. Tác giả cho biết Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ năm 1993-2008 rồi sang Mỹ. Đang sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07 năm 2012 với gia đình con gái,
Tác giả là một bác sĩ Nha Khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2007, ông đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Xuất Sắc 2010, với hồi ký “My Life,”
Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần thắng giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2001, với bài "Hoa Ve Chai", ông nhận giải danh dự. Ba năm sau, với bài viết "Giọt Nước Mắt," kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu,
Họp mặt phát giải thưởng và sách Viết Về Nước Mỹ 2015 đã diễn ra trân trọng mà thân tình tại nhà hàng Moon Light, Westminster City, Nam California, vào chiều Chủ Nhật, 16 tháng 8 năm 2015,
Tác giả định cư tại Mỹ từ 1994, vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo dạy trẻ tại Marrysville Calif.
Tác giả cư trú tại Davis, CA, từng nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ, với nhiều bài viết kể chuyện đi học, đi làm,
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Huyền Thoại. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết, tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người.
Tác giả sinh nm 1968, hiện là cư dân Orange County và là giáo chức tại một trường trung học ở Los Angeles. Bài Viết về Nước Mỹ đầu tiên của cô, “Người Lao Công,”
Trong buổi lễ trao giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ 16, được tổ chức tại Moon Light Banquet, Westminster vào chiều Chủ Nhật 16 tháng Tám, với khoảng 400 quan khách tham dự, nhật báo Việt Báo đã công bố và trao tặng các giải sau đây.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến