Hôm nay,  

Một Thoáng Lincoln

29/11/201500:00:00(Xem: 17585)
Tác giả: Nguyễn Anh Nguyên
Bài số 3686-17--30186vb8112915

Tác giả là con của một sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, ra đời trong mùa hè đỏ lửa, là một Kỹ sư Dầu Khí đang sống tại Sài Gòn và làm việc cho một Công ty Liên Doanh tại Việt Nam. Anh vừa có dịp tham gia khóa huấn luyện một năm tại Chicago, Illinois (2014-2015). Bài viết ghi lại những cảm xúc từ mùa Thanksgiving 2014, khi ông ghé Thành phố Lincoln bang Nebraska gặp người thân và thăm mộ Ông Ngoại sau 20 năm xa cách.

blank
Toa canteen với tầm nhìn rộng, những chuyến tàu chở hàng dài cả trăm toa và các turbine điện gió là cảnh thường thấy trên hành trình

blank
Tòa Thị chính bang Nebraska ở Thành phố Lincoln.

blank
Bức tượng Tổng Thống Lincoln ở cánh Tây Tòa Thị Chính bang Nebraska.

* * *

Bài viết kính tặng Mẹ, các Cậu và các Dì đang ở Việt Nam và Mỹ.

Quên đi sự lo lắng về những rủi ro có bão tuyết trên đường đi, cả nhà hào hứng khăn gói đến ga Roselle đón tàu Metra ra ga Chicago Union.

Viên cảnh sát cao to dẫn chú chó nghiệp vụ khoác áo ghi lê đen có chữ phản quang “Do not Pet” đi loanh quanh ngửi từng Vali hành khách tại ga Union nhắc nhở về những đe dọa và bất an mà nước Mỹ đang phải đối mặt nhưng mang lại phần nào sự yên tâm về an toàn cho đoàn tàu.

Hành trình khoảng mười giờ trên tàu Amtrak California Zephyr 5 sẽ đưa chúng tôi đến Thành phố Lincoln, tiểu bang Nebraska. Đây là một thành phố vùng Trung Tây nước Mỹ (Midwest), nơi Ông ngoại tôi đã sống những năm tháng hạnh phúc cuối cùng của cuộc đời sau hơn 13 năm sống trong các trại giam ở Việt Nam.

Tàu Amtrak California Zephyr 5 xuyên liên bang đi từ Chicago (bang Illinois) đến San Francisco (bang California) có lộ trình dài 2447 dặm với slogan: Từ những ngọn Tháp chọc trời đến Cổng vàng (From Towering Skyscrapers to the Golden Gate).

Hành trình 50 giờ từ Đông sang Tây xuyên qua 5 tiểu bang khác ở miền Trung nước Mỹ là Iowa, Nebraska, Colorado, Utah và Nevada. Đây được xem là một trong những hành trình xe lửa đẹp nhất ở Bắc Mỹ. Theo quảng cáo, lữ khách sẽ hoàn toàn đồng ý điều này khi được chiêm ngưỡng những thắng cảnh tuyệt đẹp và hùng vĩ của miền Trung nước Mỹ trong suốt lộ trình:

- Đường hầm xe lửa và đường hầm dẫn nước Moffat song song nhau dài 10 km với đỉnh cao nhất lên đến 2816 m trên mực nước biển ở phía Bắc Colorado.

- Hẻm núi Glenwood gồ ghề dài khoảng 20 km với các vách núi dựng đứng cao đến 400 m soi bóng xuống dòng sông Colorado.

- Vượt qua vùng trung tâm của dãy núi Rockies, rặng núi chính ở miền Tây của Bắc Mỹ, đã 80 triệu năm tuổi trải dài 4,800 km từ miền cực Bắc Canada đến miền Nam nước Mỹ.

- Hồ Muối lớn nhất Tây bán cầu (Great Salt Lake, rộng 4400 km2) và thành phố Salt Lake City huyền thoại (Thủ phủ và là thành phố đông dân nhất của bang Utah).

- Những đỉnh núi phủ tuyết tuyệt đẹp ở vùng sa mạc Nevada.

- Hồ nước ngọt Donner Lake ở Đông Bắc California - Viên ngọc của vùng Sierra Nevadas.

- Vịnh San Pablo và vịnh San Francisco ở bờ Tây nước Mỹ,…

Càng tìm hiểu càng mong một lúc nào đó có nhiều thời gian và thoải mái hơn sẽ thực hiện một chuyến hành trình xuyên ngang nước Mỹ. Đó là chuyện của thì tương lai, còn lúc này hãy hài lòng và tận hưởng chuyến đi đến thành phố Ngôi sao (Star City, nick name của Lincoln), một thành phố khá nhỏ nhưng mang tên của một trong những vị Tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ.

Quãng đường xe lửa từ Chicago đến Lincoln dài 555 dặm (893 km) đi ngang toàn bộ hai tiểu bang Illinois và Iowa trước khi ngang thành phố Omaha (thành phố lớn nhất bang Nebraska) rồi đến Lincoln. Theo lịch trình, 2 giờ chiều hàng ngày tàu sẽ xuất phát từ Chicago và 12 giờ khuya sẽ đến ga Lincoln. Hành trình này cũng không kém phần thú vị khi sẽ đi ngang hai con sông rất nổi tiếng, có chiều dài nhất và nhì Bắc Mỹ:

- Sông Mississippi dài 2320 dặm (3734 km), cũng là ranh giới tự nhiên của bang Illinois và bang Iowa.

- Sông Missouri dài 2341 dặm (3767 km), cũng là ranh giới tự nhiên của bang Iowa và bang Nebraska.

Tàu từ từ lăn bánh rời ga Union và tăng dần tốc độ, ngả lưng trên ghế nệm cao quá đầu có đệm gác chân êm ái thoải mái hơn cả các toa giường nằm trên các chuyến tàu ở Việt Nam. Cái tên Amtrak (American Track) quen quen gợi nhớ đến bộ phim hành động nghẹt thở “Unstoppable” và chuyến tàu Amtrak 777 do các diễn viên Denzel Washington và Chris Pine thủ vai chính. Bối cảnh xuyên suốt bộ phim là sự trục trặc của một chuyến tàu chở hàng xuyên bang trong mùa Đông đầy tuyết trắng khá giống với hành trình mà gia đình sắp trải qua. Bão tuyết vẫn đang hoành hành ở New York suốt cả tuần nay vẫn chưa dứt và hành trình bão táp của chuyến tàu Amtrak 777 trong bộ phim đã xem khiến cho chuyến đi của chúng tôi thêm phần mạo hiểm và thú vị.

Suốt dọc hành trình, hình ảnh thường thấy là những chuyến tàu chở hàng dài hàng trăm toa ngược xuôi phì phà nhả khói trên nền trời tuyết lạnh, những nông trại, những nhà máy chế biến nông sản, các kho bãi hàng hóa, kho xăng dầu và những tua bin điện gió vươn cao giữa vùng bình nguyên rộng ngút ngàn. Những ngôi nhà hai bên đường đều có các khu vườn rộng với mái ngói chữ A phủ đầy tuyết cùng làn khói nhẹ tỏa ra từ ống khói như hình ảnh thường thấy trong các tấm thiệp giáng sinh. Cây cối đa phần đã trụi lá trừ một số loài thông lá kim vẫn còn màu xanh ẩn dưới lớp áo phủ đầy bông tuyết trắng. Toa canteen trên tàu rất sạch sẽ và có tầm nhìn rất rộng do các cửa sổ kính được lắp đặt san sát hai bên và uốn cong lên cả một phần của trần toa. Các ghế nệm êm ái được sắp xếp hai bên hướng thẳng ra cửa sổ để hành khách có thể vừa ăn uống, chuyện trò vừa ngắm cảnh thật thuận tiện.

Trời cuối Thu nhanh tối, hình ảnh những chuyến tàu hàng dài dằng dặc đều đều xuyên qua bình nguyên tối đen le lói ánh đèn trong trời tuyết trắng lạnh lẽo khiến lòng lữ khách xa quê cứ cảm thấy bồn chồn. Thỉnh thoảng tàu lại dừng vài phút ở các ga để trả khách và đón khách. Những gương mặt mới vừa quen lần lượt chia tay cho những khuôn mặt mới. Có ga nhỏ đến mức mà các xe hơi đi đón khách có thể đậu gần đường ray, nổ sẵn máy trong trời tuyết lạnh (để bật máy sưởi ấm) chờ người nhà xuống. Đêm đã dần khuya, ghé toa canteen lót dạ bằng một ly mì ăn liền Maruchan ramen cho ấm bụng trước khi về toa hành khách chìm dần vào giấc ngủ ấm áp trên chuyến tàu xuyên nước Mỹ…

*

Thành phố Lincoln, thủ phủ của bang Nebraska là thành phố lớn thứ hai ở bang này với gần 300.000 dân (đứng sau thành phố Omaha), là một thành phố rất nhỏ so với Chicago. Công trình cao nhất thành phố này là tòa thị chính của bang (cao 120 m), hoàn thành năm 1932 từng được xem là tòa thị chính bang mang bản sắc riêng đầu tiên của nước Mỹ. Đây cũng là tòa thị chính cao thứ hai của Mỹ sau tòa thị chính của bang Louisiana (cao 140 m). Bên trong mái vòm của tòa tháp chính, ở tầng trên cùng có các bức tranh trên các bức tường đá cẩm thạch thể hiện các thời kỳ tiêu biểu trong lịch sử nước Mỹ.

Vòng quanh ban công cao nhất của tòa tháp phóng tầm mắt nhìn ra bốn hướng có thể thấy gần hết tất cả các công trình, nhà cửa trong thành phố. Màu nâu nhạt chủ đạo của cây cối và các hình khối kiến trúc tương tự nhau dưới nền trời cuối thu dễ mang đến một nỗi buồn man mác trong lòng, như người phố thị đã quen với khung cảnh phồn hoa đô hội lạc bước vào một chốn yên bình tĩnh lặng hơn.

Hơi ngạc nhiên khi đã sống ở đây hai mươi năm nhưng đây cũng là lần đầu tiên cậu Thông mới có dịp vào tham quan Tòa thị Chính. Có lẽ không chỉ cậu mà khá nhiều người Việt xa xứ phải mất nhiều thời gian để hòa nhập, học hành và làm việc nên không có thời gian cho những nhu cầu vui chơi thăm thú lúc ban đầu như khách du lịch khi đến một thành phố mới.

Tất nhiên sau bao nhiêu năm phấn đấu, đa phần mọi người đều đã ổn định cuộc sống. Không ít người đã gặt hái thành công, có công việc nhà cửa ổn định, tài chính dư dả. Ngoài việc gửi tiền phụ giúp gia đình ở Việt nam, nhiều người còn có thể đi du lịch khắp nơi… Tuy nhiên chặng đường khó khăn, sự phấn đấu không ngừng, những bỡ ngỡ và thua thiệt trong thời gian đầu hội nhập ở một vùng đất mới cũng không dễ gì quên được.

Phía bên ngoài tòa nhà, bức tượng Tổng thống Lincoln trong tâm trạng chịu đựng những gánh nặng và sự phức tạp trong cuộc nội chiến Nam Bắc Mỹ là một điểm nhấn ở cánh Tây của Tòa Thị Chính. Dáng đứng như đang mặc niệm, khuôn mặt khắc khổ và đầy tâm trạng của ông khiến tôi không khỏi suy nghĩ về số phận nghiệt ngã của một trong những vị Tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ. Chợt nhớ đến 2 câu thơ đầy khí phách của Đào Tấn, một danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt nam:


Lao xao sóng vỗ ngọn tùng
Gian nan là nợ anh hùng phải vay

Abraham Lincoln, người đứng đầu trong ba vị tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ theo đánh giá của cả giới học giả và dân chúng Mỹ (1), là Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ trong bốn năm từ tháng 3 năm 1861 cho đến khi bị ám sát vào tháng 4 năm 1865. Tổng thống Lincoln đã rất thành công trong nỗ lực lãnh đạo đất nước vượt qua các cuộc khủng hoảng về hiến pháp, quân sự và đạo đức mà đặc biệt là cuộc Nội chiến Nam Bắc Mỹ (1861–1865). Ông đã xuất sắc lèo lái chính quyền Liên bang vượt qua rất nhiều khó khăn và giành chiến thắng, chấm dứt chế độ nô lệ. Ông cũng được xem là người đặt những viên gạch đầu tiên cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế - tài chính của nước Mỹ.

Được xem là “Người giải phóng vĩ đại” của tầng lớp nô lệ (nguồn: wikipedia), luôn nêu cao tinh thần dân tộc, quyền bình đẳng, tự do và dân chủ như triết lý cho các hành động của mình. Ông được đánh giá rất cao về tính nhân văn qua chính sách hòa giải và bao dung đối với quân miền Nam sau khi chiến thắng trong cuộc chiến. Đây cũng là một quyết định rất đúng đắn, tận dụng tối đa nguồn lực giúp kinh tế Mỹ sớm phục hồi và tăng trưởng sau chiến tranh. Tuy nhiên Lincoln cũng từng rất quyết đoán trong thời chiến, cho phép bắt giữ và cầm tù không cần xét xử hàng chục ngàn người tình nghi là những kẻ ly khai để giảm tổn thất sinh mạng cho cả hai bên và sớm kết thúc cuộc chiến.

Cái tài, cái tâm, sự quyết đoán và tầm nhìn của Lincoln đã đưa Ông đến tột đỉnh vinh quang nhưng cũng làm cho Ông có nhiều kẻ thù và nó cũng khiến Lincoln luôn phải trăn trở trước và sau những quyết định lịch sử của mình. Bên cạnh đó, nhiều bất hạnh liên tiếp xảy đến với gia đình Ông (ba trong số bốn người con trai của Lincoln đều mất trước khi được 18 tuổi vì bạo bệnh) càng làm cho trái tim của người đàn ông vĩ đại thêm đau đớn.

Chỉ năm ngày sau khi chiến tranh kết thúc, Tổng thống Lincoln đã bị ám sát khi đang xem vở kịch "Our American Cousin" trong buổi tiệc mừng chiến thắng tại nhà hát Ford. Giữa tột đỉnh vinh quang và sự kết thúc bi thảm chỉ cách nhau có vài phút nghỉ giải lao khi người vệ sĩ riêng của Ông vừa đi đến quán rượu Star gần nhà hát.

“Người giải phóng vĩ đại” mất đi mang lại rất nhiều tiếc thương cho người dân Mỹ và đông đảo tầng lớp nô lệ được giải phóng ở Mỹ cũng như trên toàn thế giới. Ông đã ra đi mãi mãi, hy sinh cả cuộc đời cho tự do, dân chủ và bình đẳng nhưng ở một khía cạnh khác, có thể nói ông đã “được giải phóng” khỏi những áp lực nặng nề, những mâu thuẫn nội tại, nỗi buồn day dứt và sự trầm cảm luôn phải đối diện trong cuộc sống. Nghiêng mình thành kính và ngưỡng mộ Ngài Lincoln, vị Tổng thống vĩ đại và anh hùng của nước Mỹ.

Nghĩ về Tổng thống Lincoln, nghe tên thành phố Salt Lake City đã nói ở phần trước, chắc nhiều người sẽ nhớ đến tập 35 “The Singing Wire” (Sợi dây biết hát) của bộ truyện tranh nổi tiếng Lucky Luke. Trong câu chuyện, vào năm 1861, một “sự cố xảy ra trên đường điện báo xuyên lục địa đầu tiên giữa Nevada và Nebraska (First Transcontinental Telegraph Line) khiến thông tin liên lạc bị tê liệt. Tổng thống Abraham Lincoln ra lệnh phải khắc phục càng sớm càng tốt. Hai nhóm biệt phái, một nhóm xuất phát từ Carson City (do Lucky Luke dẫn đầu) và một nhóm khác xuất phát từ Omaha sẽ gặp nhau ở Salt Lake City. Với giải thưởng 100.000 USD cho nhóm nào đến trước, nhiều chướng ngại và mối đe dọa bất ngờ xuất hiện suốt hành trình của Lucky Luke. Những kẻ phá hoại liên tục xuất hiện thử thách tài nghệ của “Chàng cao bồi bắn nhanh hơn cái bóng của mình”. Lịch sử và địa lý quốc gia được khéo léo lồng ghép vào tập truyện tranh hấp dẫn khiến độc giả khó có thể quên dù không phải là người Mỹ. Một bài học nhỏ nhưng đáng giá cho những người sáng tác và các nhà xuất bản sách.

Điểm đến mang lại thật nhiều cảm xúc cho tôi và có lẽ cho cả đại gia đình ở Việt Nam tất nhiên là viếng mộ Ông ngoại ở nghĩa trang thành phố Lincoln. Từng là Trung Tá, Phó Tỉnh trưởng một tỉnh Cao nguyên Trung phần. Sau 1975, ông đã phải trải qua rất nhiều trại giam từ Bắc chí Nam trước khi sang Mỹ định cư tại đây từ năm 1994.

Sau khi ra tù, dù đã gần 65 tuổi nhưng ông vẫn miệt mài ngày ngày đạp xe đạp hàng chục km đi dạy Anh Văn, Pháp Văn để kiếm thêm thu nhập trong cuộc sống còn đầy khó khăn vào nửa cuối thập niên 90. Ông từng nói đó cũng là một cách để ôn lại kiến thức và duy trì sự minh mẫn của tuổi già.

Khi Ông giới thiệu cho tôi dạy kèm Toán Lý Hóa cho một học sinh của Ông ở Nhà Bè, tôi thật sự được trải nghiệm thử thách thể lực và sự kiên trì cho hành trình đạp xe từ Hàng Xanh đến ngã ba gần phà Bình Khánh, Nhà Bè với quãng đường hơn 20 km (đi về hết hơn 40 km) ba ngày mỗi tuần. Trai trẻ tuổi 20 mà còn rã rời thân thể sau mỗi buổi đi về nói chi đến người già. Thật sự khâm phục ý chí và nghị lực của Ông. Chỉ được gặp Ông vỏn vẹn có vài năm khi đang là sinh viên Bách Khoa ở Sài Gòn nhưng nụ cười hồn hậu, sự nghiêm khắc, tấm gương nghị lực và những lời chỉ dạy của Ông sẽ mãi in đậm trong lòng tôi.

Nhớ mãi cái đêm nghe tin Ông mất hơn 16 năm trước qua cuộc điện thoại cách nửa vòng trái đất. Ông chỉ mới qua Mỹ được gần 4 năm và chưa kịp về thăm lại Việt Nam lần nào. Đúng là ngày vui ngắn chẳng tày gang, thật bất công khi đáng ra Ông phải được hưởng thụ cuộc sống tự do thật nhiều hơn nữa. Có lẽ những tháng năm cực khổ và thiếu thốn trong tù đã hun đúc thêm ý chí và nghị lực sống cho Ông nhưng lại bào mòn dần sức khỏe của Ông.

Thành kính thắp nén nhang trên mộ phần và cầu mong Ông luôn được thanh thản, bình an và mỉm cười nơi chín suối. Quanh bãi cỏ xanh, những chú sóc đang đùa giỡn quanh những gốc thông và tuyết tùng già, dạn dĩ đến gần xoe tròn mắt ngó như thay Ông tiễn chúng tôi ra về. Chạnh lòng khi biết chỉ vài tuần nữa thôi nơi đây sẽ chìm dưới lớp tuyết dày lạnh giá trong mấy tháng mùa Đông sắp tới…

Mấy ngày ở thành phố Ngôi sao, được đi thăm thú nhiều nơi ở Lincoln, kể cả ghé qua Casino Amerista trên dòng sông Missouri để thử vận may mang lại những trải nghiệm mới lạ và thú vị cho kỳ nghỉ Thanksgiving đầu tiên ở nước Mỹ. Cũng may mắn khi tuyết hầu như không rơi trong mấy ngày gia đình ở Lincoln nên việc đi lại và vui chơi khá thuận lợi. Hai bé con cùng ba đứa con của nhà Dì hợp lại thành “Ngũ long Công chúa” có vẻ rất hợp nhau dù hơi khó khăn trong giao tiếp do ba em lớn lên ở Mỹ chỉ bập bõm tiếng Việt, phía còn lại thì lõm bõm tiếng Anh.

Không khí gia đình thân tình và những bữa ăn với nhiều phong cách ẩm thực khác nhau (từ buffet thức ăn nhanh, buffet hải sản kiểu Á có tiếng ở Lincoln, Heritage buffet sang trọng kiểu Âu Mỹ ở Casino Amerista, đến thưởng thức cả món bún mắm miền Tây do Dì trổ tài nấu và rượu Tequila Patrón làm từ xương rồng mà Cậu mua về) mang lại thật nhiều ấm áp cho hành trình giá lạnh trở lại Chicago. Nhưng món ăn mang đến sự cảm động nhất có lẽ là mấy tô hủ tíu bò viên -nấu bằng hủ tíu ăn liền và bò viên mua ở siêu thị - mà Cậu đã chuẩn bị lúc hơn một giờ khuya khi đón chúng tôi từ ga tàu về nhà.

Tạm biệt Lincoln, Thành phố Ngôi sao (Star city) khi những ngôi sao khuya vẫn đang lấp lánh như vẫy chào chuyến tàu Amtrak California Zephyr 6 đang rời ga. Bỗng nhớ lại bài học đếm sao dạy trẻ con học đếm lưu truyền từ lâu trong dân gian. Một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng, bốn ông sáng sao, năm ông sao sáng, sáu ông sáng sao,…

Những vì sao sáng mà tôi đã gặp chắc cũng đang mỉm cười ở một nơi xa xôi nào đó. Dù không từng là lính nhưng tôi cũng xin được đứng nghiêm chào theo kiểu nhà binh để chia tay những người đàn ông mà tôi ngưỡng mộ và kính phục ở đây. Trong đầu chợt vang lên giai điệu quen thuộc của hai câu cuối trong một bài hát hay và đầy tâm trạng.

Xin cho một người vừa nằm xuống /Thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang. (2)

Lincoln, Nebraska, 11/2014   

Nguyễn Anh Nguyên

Ghi chú:

(1) Theo bảng Xếp hạng Tổng thống trong Lịch sử Hoa Kỳ được thực hiện từ thập niên 1940, Lincoln luôn có tên trong ba người đứng đầu, thường là nhân vật số 1. Hai vị kia là George Washington; và Franklin D. Roosevelt.

(2) Hai câu cuối trong bài hát “Cho một người vừa nằm xuống” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Ý kiến bạn đọc
07/12/201503:20:01
Khách
hoc tai thi li lich
04/12/201516:22:38
Khách
Bạn thật điên rồ và "mean" nữa. Anh Nguyen viết bài hết sức nhân hậu. Thành ngữ Pháp có câu "honni soit qui mal y pense." Thật đáng xấu hổ cho kẻ nghĩ xấu về người khác.
02/12/201508:03:42
Khách
Dear Kevin,
Chắc anh (chú/bác) Kevin ở Mỹ đã lâu và không rõ lắm về tình hình Việt Nam trong khoảng 30 năm gần đây. Xin được có vài lời chia sẻ.

Về việc học hành. Thế hệ 6x (sinh từ 1960 đến 1969) nếu có “lý lịch xấu” (liên quan đến chế độ VNCH) sẽ rất khó vào được đại học mặc dù thi điểm rất cao, thậm chí đạt thủ khoa nhưng Chính quyền Địa phương vẫn không cho đi học. Từ thế hệ 7x như tôi (sinh từ 1970 đến 1979) thì có dễ hơn do Việt Nam đã mở cửa và bắt đầu ban giao với các nước Âu Mỹ. Tuy nhiên để vào được Đại học, nhóm “lý lịch xấu” vẫn phải cao hơn từ 3 đến 6, 7 điểm so với các nhóm ưu tiên khác tùy theo khu vực (I, II, III) và tùy theo trường thi. Càng về sau này thì khoảng cách đã giảm đi và các trường đại học Tư thục, Nước ngoài mở ra thêm nhiều cơ hội lựa chọn.

Về công việc. Đúng là nếu làm trong các công ty Nhà nước thì nhóm “lý lịch xấu” sẽ rất khó có cơ hội tồn tại và phát triển, ngay cả những người có “lý lịch tốt” nếu không có gốc gác hoặc quen biết cũng khó thăng tiến. Tuy nhiên từ sau 1990, các Công ty nước ngoài bắt đầu đầu tư vào Việt Nam (Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Châu Âu,…) và bên cạnh đó Kinh tế Tư nhân cũng bắt đầu phát triển và dần lớn mạnh hơn. Ở các Công ty Nước ngoài 100%, Các Công ty Liên Doanh với nước ngoài (JVC), các Công ty Cổ phần có yếu tố Nước ngoài (JSC) và các Công ty Tư nhân,.. thì việc tuyển dụng chủ yếu dựa vào Năng lực chuyên môn, Ngoại ngữ và Kinh nghiệm mà không liên quan đến lý lịch và các mối quan hệ.

Sau di tản năm 1975, vượt biên trong thập niên 80 và 90, chương trình HO,… thì số lượng người qua được Mỹ chỉ chiếm khoảng vài chục % trong tổng số hơn 1,3 triệu quân dân cán chính VNCH tại thời điểm 1974, 1975. Như vậy số đông còn lại vẫn sống tại Việt Nam, họ và con cháu của họ đã phải cố gắng rất nhiều để có thể tồn tại và vươn lên trong chế độ XHCN. Sự thành công của họ (nếu có) cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn hơn các thành phần khác trong xã hội. Đó cũng là một điều cần được trân trọng.
Cuối cùng, bài viết chỉ là sự chia sẻ những cảm xúc và trải nghiệm khi có may mắn đến Mỹ và hiểu biết thêm nhiều nét văn hóa mới ở những vùng đất mới chứ không hề có ý định ca tụng nước Mỹ.

Thanks & Best Regards,
Anh Nguyên
29/11/201515:12:39
Khách
Không biết có phải đó là thành kiến của tôi đối với những người được đào tạo, thành công và phục vụ cho chế độ XHCN. Họ được chế độ này cho đi tu nghiệp , học hành chi đó để về phục vụ cho chế độ mà thôi.
Mục VVNM không phải là sân chơi của họ về mặt chính trị nhưng về mặt ngôn ngữ văn học, tòa soạn VB có lý do của họ.
Họ qua Mỹ viết những bài kể và ca tụng nước Mỹ nhưng trở về phục vụ và ca tụng chế độ XHCN. (Nếu không, họ là thành phần nào được tin tưởng xét cho đi Mỹ học hành, )
Cái khác là họ đứng ở quan điểm nào khi viết cho những người sống ở Mỹ đọc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,042,124
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001.
Tôi bắt đầu vào đại học năm đầu sau khi tới Mỹ hồi đầu năm chín hai. Một trong những môn nhiệm ý của tôi là môn Cảm Thức về Nghệ Thuật, Art Appreciation, do bà đảm trách.
Tác giả tên thật Nguyễn Văn Ni, 70 tuổi, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông sinh trưởng ở Bến Tre. Tại Việt Nam, trước 1975, giảng viên Đại học Nông Lâm Súc Cần Thơ; Đi lính Khóa 6/70 Thủ Đức.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Từng là một chiến binh VNCH biết nhà tù cộng sản, rồi thành Hát Ô Một, tới Mỹ năm 1990,
Tác giả, một sĩ quan, nhà giáo VNCH, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, đã hai lần nhận giải. Mười sáu năm qua, ông luôn gắn bó với giải thưởng. Lời người viết: Nhân ngày kỷ niệm 25 năm chương trình HO.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu.
Tác giả tên thật là Nguyễn Tân. Trước 1975, ông là Hải Quân Trung Tá VNCH, từng là hạm trưởng và chỉ huy ngành chiến tranh chính trị của Sở Phòng Vệ Duyên Hải VNCH.
Hoàng Nga là tên thật. Tác giả cho biết Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ năm 1993-2008 rồi sang Mỹ. Đang sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07 năm 2012 với gia đình con gái,
Nhạc sĩ Cung Tiến