Hôm nay,  

Đại Hội 25 Năm H.O. Hội Ngộ

14/11/201500:00:00(Xem: 13916)
Tác giả: Chu Tất Tiến
Bài số 3671-18--30171vb7111415

Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Từng là một chiến binh VNCH biết nhà tù cộng sản, rồi thành Hát Ô Một, tới Mỹ năm 1990, ông cũng là người khởi xướng và đi đầu việc tổ chức đại hội 25 năm H.O., Sau đây là bài ông dành cho Viết Về Nước Mỹ.

* * *

blank
Vòng hoa Tổ Quốc Ghi Ơn.

Sau nhiều nỗ lực chung, Đại Hội 25 Năm HO đã khai diễn thành công tại Little Saigon vào trưa Chủ Nhật, 8 Tháng Mười Một, 2015. Bây giờ là lúc để cùng nhau nhìn lại.

Khi đề xướng ra môt ngày gặp mặt toàn quốc cho các chiến hữu HO nhân dịp tháng Thanksgiving của năm thứ 25 trên xứ Mỹ, chúng tôi muốn nhân cơ hội này để nói lên lời Cám Ơn Nước Mỹ đã cho tiếp đón chúng tôi, cho chúng tôi cơ hội được sống trong Tự Do, cũng như cơ hội được phát triển khả năng của mình mà cùng tiến lên như những người đi trước. Chúng tôi cũng muốn cám ơn cách riêng đến những ân nhân đặc biệt, như Cố Tổng Thống Ronald Reagan, người đã khởi xướng chương trình H.O. dành riêng cho chúng tôi, những người tù trên 3 năm. Chúng tôi cũng muốn gửi đến lời Tạ Ơn là bà Khúc Minh Thơ, người đã miệt mài thúc đẩy và hợp tác với Bộ Ngoại Giao để cung cấp danh sách các tù nhân chính trị để nơi đây làm thủ tục cho chúng tôi ra đi. Người thứ ba mà chúng tôi cần cám ơn là ông Robert Funseth, nguyên phụ tá Bộ Trưởng Ngoại Giao, người đã được Tổng Thống Reagan ủy nhiệm làm đại diện cho Tổng Thống để thảo luận với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam về việc ra đi trong trật tự của chúng tôi. Ông đã làm con thoi bay giữa hai đại dương để thương thảo điều kiện này nọ, sao cho chương trình H.O. được tiến hành mau mắn. (Rất tiếc, ông đã ra đi hơn 1 tháng trước đây. Nguyện cầu cho linh hồn Ông được Thiên Chúa cho về chốn nghỉ ngơi miên viễn).

Lời kêu gọi của chúng tôi đã được đáp ứng nồng nhiệt ngay từ lúc đầu. Những điện thư trả lời tới tấp. Những cuộc điện đàm tưởng như không dứt. Rồi một Ban Tổ Chức đã được thành lập nhanh chóng. Không mầu mè nghi lễ, chúng tôi tố chức họp và phân chia nhiệm vụ ngay để có thể tiến hành một Đại Hội gồm 3 ngày liên tiếp: “Tiền Đại Hội”, “Ngày Đại Hội”, và ngày “thăm viếng Thư Viện Ronald Reagan” để ngỏ lời tạ ơn đến người đã có công gầy nên chương trình H.O. này.

Công việc cần làm ngay là đi chọn địa điểm, thời gian cho từng diễn tiến, rồi từ đó, tính toán đến các chi tiết tài chánh dựa theo yêu cầu của từng địa điểm. Sau khi cân nhắc kỹ, chúng tôi đã chọn Nhà Hàng Seafood Palace ở Westminster vì nơi đây rộng rãi nhất và địa điểm đậu xe lý tưởng nhất cho ngày Đại Hội. Về ngày Tiền Đại Hội, chúng tôi chọn Phòng Sinh Hoạt Công Cộng của Thành Phố Westminster, nơi đây đủ chỗ cho hơn 200 người là con số mà chúng tôi ước tính. Được sự đồng ý của toàn ban tổ chức, chúng tôi đã liên lạc với các địa điểm trên, đến đóng tiền “cọc” từng nơi. Riêng tại Thư viện Reagan, nơi đây cho biết họ không lấy tiền cọc mà chỉ nhận vào sổ quan khách cho ngày đó. Khi nào tới nơi, mới phải trả tiền. Ai muốn vào thăm Thư Viện, thì trả $13.00. Ai chỉ muốn đi vòng quanh, ngó “view” thì không phải trả đồng nào.

Sau khi được từng địa điểm chấp nhận sự đặt “cọc”, chúng tôi mới chuyển tin này đến báo chí, xin một lần họp báo, mong được tiếp tay phổ biến. Mọi diễn tiến trôi chẩy. Chúng tôi được Ban Tổ Chức giao phó: gửi thư mời Bà Khúc Minh Thơ, mời gia đình ông Funseth, đặt vòng hoa tại Reagan Memorial, thư mời báo chí ngoại quốc. Ngày ngày trôi qua, chúng tôi đã nhận được hơn 770 người ghi danh! Mừng mà lo vì nhà hàng chật chội, nhưng môt niên trưởng góp ý: “khi còn trong tù, mỗi người chỉ có một cái chiếu, khi ngủ mà lăn qua lăn lại là đụng chạm đến người bên cạnh, thì hôm nay, đại hội này có chật một chút cũng chẳng thấm gì đến sự chật của trại tù…” Nghe được lời khích lệ ấy, chúng tôi an tâm mà tiến hành. Điều chúng tôi quan ngại hơn hết là việc đón tiếp các chiến hữu ở các tiểu bang xa về, và nơi trú ngụ của người từ phương xa ấy. May mắn thay, một hậu duệ H.O., anh Đỗ Thiện Đức đã tình nguyện lo công việc khó khăn và phức tạp này. Ngoài ra, còn việc mua và chuyển thực phẩm cho ngày Tiền Đại Hội, đã được quý chị phu nhân H.O. nhận lo.

* Ngày Tiền Đại Hội, thứ Bẩy 7 tháng 11 năm 2015.

Một buổi sáng thật cảm động. Chưa tới 9 giờ, hơn một trăm người với y phục, quân phục chỉnh tề đã đến Tượng Đài Chiến Sĩ. Rồi tới giờ hành lễ, con số đã tăng lên gần 200 người. Các nghi lễ chào kính được diễn ra vô cùng long trọng và cảm động. Nhiều niên trưởng, chiến hữu H.O. năm nay, tuổi đã lớn, thấy rưng rưng nước mắt. Những vị phu nhân, người từng lặn lội rừng sâu núi thẳm nuôi chồng khi xưa cũng không cầm được giọt lệ, khi nhớ lại những ngày tháng vất vả, đôi khi gần mất mạng. Trong khi ấy, nhìn lá quốc kỳ vàng ba sọc đỏ phất phới, các chiến hữu đủ mọi binh chủng, thấy tim mình thỉnh thoảng muốn ngừng đập, tưởng như hồn thiêng sông núi, hồn thiêng của bạn bè, đồng đội đang nhìn mình đăm đăm.

Theo chương trình thì 11 giờ mới bắt đầu, nhưng mới hơn 10 giờ, phòng sinh hoạt của Thành Phố Westminster đã gần đầy người. Những cái bắt tay thật chặt, những vòng ôm vai không muốn ngưng. Và các giọng hát H.O., hậu duệ H.O. đã cất cao trong hội trường trước các khuôn mặt sáng rực y như của tuổi trẻ hôm nào. Tiếng vỗ tay đổ dồn nhất là sau các bản Tù Sa được sáng tác bởi chính H.O. hay hậu duệ H.O. Các giọng ngâm thơ hùng tráng chen lẫn tiếng đàn tiếng hát làm cho không khí hội trường như muốn nở rộng thêm ra…Chương trình Tiền Đại Hội hôm nay không có nghi lễ rào đón, mà chỉ có các tiếng nói phát tự tâm hồn người tù cải tạo và thân nhân trong một lần sinh hoạt chung không khác các buổi sinh hoạt tiền đồn, hay tại hậu cứ năm ấy. Chương trình Ngày Tiền Đại Hội chấm dứt lúc gần 3 giờ chiều trong sự lưu luyến của mọi người. (Một điều thay đổi cố tình: Theo dự tính, chỉ những ai có ghi danh và đóng tiền mới tham dự và sẽ có ban tiếp tân theo dõi. Nhưng khi hơi ấm của buổi sinh hoạt bắt đầu, chẳng có ai ghi tên và cũng không có ai dò tìm danh sách! Mọi người vui vẻ bước vào và chan hòa với tất cả trong niềm Vui, Ấm, và thấm Tình Chiến Hữu.)

blank
Bầy tỏ lòng tri ân với Bà Khúc Minh Thơ, người tận lực cứu tù nhân chính trị.

* Ngày Đại Hội chính, Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015.

Thông báo trên báo chí, truyền thanh khắp mạng lưới là 11 giờ, chương trình bắt đầu, nhưng mới chưa tới 9 giờ, khi chúng tôi chạy tới để treo biểu ngữ, trang trí sân khấu, thi số người đứng chờ đã rồng rắn rồi! Do đó, tìm chỗ để dựng cái thang trước cửa nhà hàng thật vất vả. Các chiến hữu trong toán hầu kỳ, phải luôn miệng “xin lỗi, cho chúng tôi tập dượt”…Quý vị phu nhân H.O. lo tiếp tân, trong đồng phục mầu hồng thật đẹp, cứ cuống cả tay chân, tìm bảng tên, tìm số bàn… Cũng vì sự nôn nao muốn gặp chiến hữu, mà có vị đã bẳn gắt, khi chưa kịp tìm thấy số bàn của mình. Nhưng quý chị tiếp tân vẫn vui cười, nhã nhặn, mặc dầu mồ hôi đã rịn ra khỏi áo. Rồi mọi việc cũng xong. Tuy các bàn sắp khít bên nhau, người nào muốn đứng dậy, thì phải chờ vài người ngồi gần cũng khép nép đứng lên, nhưng khuôn mặt ai cũng hồng hào với những nụ cười nở trên môi không ngớt.


Một tiết mục khó quên mà Ban Tổ chức đã vất vả bao ngày đêm là xếp chỗ cho từng trại tù ngồi gần nhau. Trong khi chờ đợi chương trình chính thức khởi xướng, thì có tiếng hô: “Anh em ở trại tù Suối Máu đâu? Xin đứng lên!”, “trại tù Ái Tử Bình Điền đâu?”, “Quảng Nam, Đà Nẵng đâu?”….Những tiếng vỗ tay vang dội cho từng nhóm. Nhóm Ái Tử Bình Điền được hoan hồ nhiều nhất vì đặt tới 9 bàn! Tiếng vỗ tay và tiếng la của cả hội trường làm như các bức tường muốn rung rinh theo. Rồi Quảng Nam Đà Nẵng 2 bàn, Nam Cảnh sát 2 bàn, Nữ Cảnh sát 1 bàn...Riêng H.O thuộc Khóa 20 Võ bị muốn ngồi chung với nhau nên đặt 1 bàn! Các H.O. thuộc Hội Thánh Tin Lành cũng 1 bàn! Khóa 21 Võ Bị 1 bàn! Khóa 11 Đồng Tiến 1 bàn….Thật vui và thật rực rỡ.

Tiếp theo những tiếng hò vui mừng của sự gặp gỡ hiếm có này, là các bản tù ca cũng như quê hương ca được các H.O. lên trình diễn đã được thưởng thức nồng nhiệt. Các tiếng hát này đã vang lên để đón chào giờ khai mạc lúc 11 giờ 40. Tiếng hô của toán quốc quân kỳ tiến vào khu hành lễ làm cho mọi nhịp tim như muốn đứng yên. Tất cả mọi tầm hồn đều nôn nao hướng về lá cờ Tổ quốc và cùng hát theo bài ca ngợi lá quốc kỳ thân yêu. Hai MC Hậu Duệ H.O. là Đỗ Tân Khoa và Uyển Diễm rất chuyên nghiệp và duyên dáng điều khiển chương trình một cách xuất sắc. Không có diễn văn lê thê, mà chỉ có những điều cần nói. Chiến hữu Nguyễn Phán, Trưởng Ban Tổ chức ngỏ lời chào mừng bằng hai sinh ngữ, cám ơn hai người cháu ông Funseth là Sarah và Todd đã bỏ bao công sức đến tham dự buổi hội ngộ Thanksgiving này. Khi hai nhân vật đáng mến này đứng lên, mọi người đều vỗ tay cám tạ người quá cố một cách nồng nhiệt, nhưng khi giới thiệu đến bà Khúc Minh Thơ thì cả hội trường hơn 700 người cùng đứng lên vỗ tay ào ạt. Một sự đón tiếp nồng nhiệt chưa từng có. Bằng một giọng nói cảm động trong một nhân dáng thật quý phái, bà Khúc Minh Thơ đã sơ lược lại giai đoạn cùng với ông Funseth làm việc chung khi chương trình H.O. mới được tiến hành, và bà cũng kể lại những giây phút cuối cùng của vị ân nhân đáng kính Funseth. Những lời nói chân thành của một vị phu nhân một Sĩ Quan Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong khi phục vụ đất nước đã làm cho toàn thể cử tọa xúc động khôn cùng. Những tràng vỗ tay vang lên tưởng như không bao giờ dứt.

Chương trình được tiếp nối bằng một tiết mục đặc biệt: Tặng hoa cho quý vị phu nhân H.O. những người đã nuôi sống chồng, cha, con của mình bằng những giọt nước mắt, những khổ đau chịu đựng chất ngất, những chống chọi với đòn thù của bọn công an ác quỷ tại nơi sinh sống.. Quý bà đã phải bán cả bàn ghế, giường tủ, và những bộ quần áo mình thích nhất cho các lần thăm nuôi, và lặn lội đi khắp núi rừng miền Bắc âm u, bao hiểm nguy rình rập. Có những trường hợp đau thương là người đi thăm nuôi đã bỏ thây trên đường nuôi chồng cải tạo. Tại chỗ ở, quý bà đã phải liên tục 24 giờ chống đỡ với những đòn tấn công của bọn khốn nạn phường, khóm, hoặc dụ dỗ bán sắc đẹp cho chúng, hoặc hăm dọa lấy nhà, cướp của.. Thật sự mà nói, nếu không có quý bà, đa số những người tù chúng tôi không còn mạng về nhà..

Sau đó, là phần trình chiếu một đoạn phim ngắn về con H.O., những hậu duệ cũng mang trong người dòng máu chiến đấu của Cha. Họ đã nhớ lại những tháng ngày gian khổ để bây giờ,sang Mỹ, tiếp tục chiến đấu để thành công rực rỡ trên xứ người. Hầu như trên cặp mắt nào của các hậu duệ đều long lanh những giọt nước mắt.

Rồi các tiết mục văn nghệ do ban Tù Ca Xuân Điềm trình diễn rất đặc sắc, nhìn lên sân khấu, người xem tưởng như sống lại thời huy hoàng chiến đấu hăng say ngày đó.

Điều đặc biệt mà chúng tôi muốn nói ở đây: mục đích chính là cuộc Hội Ngộ sau 25 năm định cư nơi xứ người đã làm cho bao khuôn mặt quen thuộc nhận ra nhau, tuy thời gian làm cho nhăn nheo, nhưng giọng nói thời xưa ấy thì không bao giờ quên được. Hơn nữa, có những bắt tay thật chặt của những người chưa từng gặp nhau, chỉ nghe tên thôi, nay nhìn thấy nhau tận mắt thì thật là vui sướng lạ lùng. Bao kỷ niệm trùng trùng chất ngất chợt hiện ra. Bao vui buồn, đau khổ của những ngày xưa thân ái bỗng chập chùng ùa đến. Mày còn nhớ thằng Kha không? Thằng Vũ đâu, sao không thấy nó đây? Đại đội mình còn mấy thằng? Hồi ở trại tù Yên Thế, thằng Cổn có đi tìm mầy hoài mà không gặp…Kỷ niệm bàng hoàng. Kỷ niệm mông mênh như vừa xẩy ra trước mắt. Những cặp mắt bừng lên rực sáng..

* Ngày thứ Hai, 9 - 11-2015

Tại chỗ đậu xe gần Trường Bolsa Grande, lúc 8 giờ, hai xe đò Hoàng trắng sáng và một xe buýt vàng đã đầy ắp 159 H.O. và gia đình muốn đến thăm nơi an nghỉ của cố Tổng Thống Ronald Reagan. Các chuyến xe khởi hành đến Simi Valley, cách thủ đô tị nạn khoảng 2 tiếng đồng hồ trong niềm hân hoan thầm kín.

Chúng tôi lái xe đi trước để chuẩn bị đón anh chị em đến sau. Khi tới nơi, cô Lisa, quản thủ thư viện và một nhân viên phụ tá đã đứng chờ sẵn và giới thiệu chúng tôi tới địa điểm sẽ hành lễ một cách niềm nở. Những người trách nhiệm này luôn giữ thái độ lịch sự, kính trọng với phái đoàn, mặc dù họ phải đứng chờ thêm gần 1 tiếng đồng hồ nữa, mới thấy bóng phái đoàn. Các xe buýt gặp trở ngại vì đường bị kẹt với một tai nạn lớn. Khi xe vừa dừng bánh, cô Lisa đã leo lên và nhắc lại những việc sẽ làm như chúng tôi đã từng thảo luận với Thư Viện trước đây. Phái đoàn sẽ đặt vòng hoa tưởng niệm trước tượng Tổng Thống đặt ngay trước cổng chính, và sau đó, từng nhóm 10 người sẽ vào thăm lăng mộ Tổng Thống. Những ai muốn vào thăm thư viện thì đóng 13 đô. Sau đó, tự tay cô dán “sticker” cho những ai muốn thăm thư viện.

Phái đoàn H.O. trịnh trọng khiêng một vòng hoa thật lớn có hình ảnh hai lá cờ Việt –Mỹ, tiến vào chỗ hành lễ dưới sự điều động của H.O. Nguyễn Phán. Tới nơi, anh Nguyễn Phán đã hô “nghiêm, nghỉ” cho phái đoàn làm theo, và anh nghiêm chỉnh chào bức tượng Cố Tổng Thống cao trển mét, rồi đọc một đoạn cám ơn ngắn bằng tiếng Anh do anh soạn sẵn. Tiếp đó, anh trao cho cô Lisa tấm plaque bằng đồng, và một cháu hậu duệ đọc lại bằng tiếng Anh những dòng chữ khắc trên tấm plaque. Cô Lisa rất xúc động khi nhận tấm plaque này. Sau cùng, một hậu duệ H.O., một dược sĩ trẻ, đọc vài cảm tưởng của cô với lòng biết ơn Cố Tổng Thống đã tạo cho cô và những người khác có cơ hội thành công trên đất Mỹ.

Sau phần nghi thức, phái đoàn đã tản ra, thăm viếng nơi an nghỉ của Tổng Thống Reagan, chụp hình và thưởng thức phong cảnh huy hoàng của thư viện nằm trên ngọn đồi cao nhất khu Simi Valley. Chương trình thăm thư viện chấm dứt lúc 3 giờ và về lại Thủ đô Tị Nạn lúc 5 giờ chiều.

Đại Hội 25 năm H.O. đã hoàn tất trong niềm vui hội ngộ của những cựu tù trên 3 năm tại các trại khổ sai rải khắp đất Việt Nam. Những ngày gian khổ đã qua. Tương lai trước mặt là tiếp tục yểm trợ cho công cuộc đấu tranh chống Cộng Sản, đòi Tự Do, Dân Chủ, và Độc Lập cho đất nước thân yêu, mong ngày cùng họp H.O. ngay tại Saigon, thủ đô yêu quý của Việt Nam Cộng Hòa một ngày không xa.

Chu Tất Tiến

Ý kiến bạn đọc
22/03/201810:38:44
Khách
Đúng văn phong một nhà văn nhà báo chuyên nghiệp. Nội dung thật đầy đủ, súc tích và đầy cảm xúc. Cám ơn anh Chu Tất Tiến
18/11/201504:50:00
Khách
Bài viết cảm động
Một người thù vượt ngục tại trại tù Suối Máu
16/11/201521:00:32
Khách
Bai tuong thuat hay. Cam on tac gia!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,047,411
Kỳ trước, bài Khôi An Viết Về Nước Mỹ là trích từ báo xuân Việt Báo Ất Mùi 2015 đang phát hành. Vẫn Khôi An, sau đây là bài mới, viết cho những ngày mua sắm sửa soạn đón tết đã chính thức bắt đầu.
Tác giả: Khôi An, Bài số 4454-16-29854vb5020515. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Ất Mùi 2015, đang phát hành khắp nơi. Tác giả từng phải rời bố mẹ để vượt biển từ tuổi học trò, đến Mỹ năm 1984,
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, Đoàn Thị đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu.
Với bài viết “32 Năm Người Mỹ và Tôi”, tác giả nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2001, và từ nhiều năm qua, đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết.
Tác giả đã nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2010. Ông là một nha sĩ hiện hành nghề tại Costa Mesa, đồng thời cũng là người soạn ca khúc và hăng hái tham dự nhiều sinh hoạt cộng đồng.
Tôi nghe tiếng Việt loáng thoáng của ai đó "Bà đừng chộ tui chớ! Sẽ có người đón mà." Tiếng ai khác đáp lại "Vậy thì mình cứ theo họ vào trong đã."
Tác giả cho biết ông là một kỹ sư hàng hải, 37 tuổi, lớn lên khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa. "Trong khi đợi bảo lãnh diện đoàn tụ gia đình,
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009.
Như bài kỳ trước đã kể rõ, theo sự yêu cầu của Bà Alison, chủ Nhân Hot Yatra Yoga studio, tác giả đã có dịp noi chuyện tại lớp học Yoga này ngày 5 tháng 11 năm 2014,
Tác giả là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Nhạc sĩ Cung Tiến