Hôm nay,  

Tây Du Ký

12/10/201500:00:00(Xem: 13119)

Tác giả: Kông Li
Bài số 3643-18--30133vb2101215

Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả từng nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù, ông cùng gia đình đến Mỹ từ tháng 11/1994 theo diện HO, định cư tại Boston. Công việc từng làm: thông dịch cho Welfare, social worker, phụ giáo, tutor toán ở Middle School của Boston Public Schools. Bài mới là một du ký sinh động mà vui vẻ.

* * *

Mấy năm rồi mà tôi vẫn bực mình vì dại dột giao trứng cho Bác… Mao khi chọn cái công ty Tàu ở Cali cho một tour 12 ngày đêm qua các nưóc Anh, Pháp, Thụy Sĩ và Ý.

Mà có rẻ gì đâu, tính hầm bà lằng cũng mất gần 10.000 đô cho hai người. Ăn uống thì qua loa: canh cải lỏng bỏng, hột gà chiên và đĩa rau luộc. Có ngày ăn hai bửa, có ngày chỉ ăn sáng thôi. Khách sạn thì xập xệ. Tên tour guide thì lúc nào cũng gạ gẫm, thúc ép khách đi thêm những tour phụ (side tour), như lên núi bằng xe lửa, đi thuyền trên hồ Zurich, thưởng thức déjeuner Parisien ở Paris … mà cái nào giá bèo nhất cũng 40, 50, thậm chí cả trăm euro (E). Hắn phải tốn nhiều nước bọt vì hoa hồng quá hấp dẫn: từ 15-20%. Đổi tiền thì hắn tính giá chợ đen trắng trợn.

Nói là đi thăm bốn nước, nhưng có thấy gì nhiều nhõi đâu. Sáng phải thức dậy lúc 6 giờ, vệ sinh xong,, xuống ăn sáng, là lên xe để đường trường xa, ta quyết đi cho hết ngày. Nhìn cảnh 2 bên đường được vài tiếng, xe ngừng để hành khách sắp hàng, móc túi ra để xã bầu tâm sự, rồi lại lên đường. Đến địa điễm tham quan, lại lục đục rồng rắn. trả tiền, để xã nước. Tên tour guide không mặn mà thuyết trình nơi đến, để hành khách đi tự do, đến hẹn lại lên xe tiếp. Ngày nào về đến khách sạn là 9,10 giờ đêm, nhận phòng, nhào vô ăn uống là hơn 11 giờ. Mệt mõi, phải đi ngũ ngay để ngày mai tiếp tục ca bài đường trường xa tiếp. Thật là tiền mất mệt mang.

Đi một đàng học được một sàng khôn, nhưng sàng khôn này đắng quá, tôi quyết chí đi một đàng nữa để học thêm được một sàng khác, hi vọng là hơi ngọt ngọt, cũng được. Thế là tôi lại kéo vali đi, nhưng lần này đi thăm con ở Đức.

Từ Mỹ sang Châu Âu, chỉ bay mất 8 tiếng, nhưng vào hè thì giá vé mắc hơn về Việt Nam, nhất là đi các hảng Air France, Lufthansa hay KLM, nên tôi chọn Icelandair,rẽ nhất cũng mất hơn 900 đô, quá cảnh ở Reykjavik, thủ đô của Iceland. Vì là một đảo nhỏ, nên phi trường cũng bé tí, có toilet vừa đủ 2 người. Buôn bán ở đây bằng tiền bản xứ, đồng Krona, đồng Euro và đô la. Họ nói tiếng Anh và tiếng Icelandic, một thứ tiếng khó đọc và dài có thể đến 15 hay 20 con chữ cho một từ.

Ham rẻ nên hố, hành khách chỉ được ly nước cầm hơi suốt 2 chặng đường dài 12 tiếng. May là có mang theo 2 ổ bánh mì Ba Lẹ, không thì đói meo râu, hay phải mất 10E cho 1 ổ bành mì thịt dỡ ẹt, lạnh ngắt cùng chai nước.. Ai lỡ đi hãng này, nhớ mang theo cơm vắt hay khoai lang, bắp luộc để cầm cự.

Phi trường Munich không to lắm, nhưng nhộn nhịp và ồn ào vì gần trạm Eurorail, xe lửa đi khắp Châu Âu, đến tận Nga. Ngay cửa ra, một ông cảnh sát nhìn tôi, một tên đầu đen mũi xẹp, không có dáng dấp gì của một tên khủng bố, nên ngó lơ, chẳng buồn hỏi passport, visa hay lục loi, khám xét như ở Nhật. Đang là tháng 9, nên thời tiết rất nóng bức, mà máy lạnh phi trường chỉ ở mức vừa đủ mát thôi. Gần phi trường là Trung Tâm thử nghiệm xe mới và dạy lái xe đua của hảng BMW, tân kỳ, rộng đến 130 mẫu. Trên đường về nhà, xe chạy trên xa lộ (autobahn) lối 120km/giờ, mà các xe sau qua mặt một cái vù và mất hút sau 3 phút, có lẽ họ phải chạy đến 160km/giờ. Có một số xa lộ ở Đức không hạn chế tốc độ, nên các bác tài “fast and furious” tha hồ nhấn lút ga mà không sợ polizei.

Ở Munich cũng như các thành phố lớn khác, dân Tàu không làm ăn được như ỏ Mỹ hay các xứ khác, thay vào đó là Thổ Nhĩ Kỳ. Đâu cũng thấy Thổ: nhà hàng, tiệm bánh, cà phê, tiệm vàng, hotel, đổi tiền, bán vé phi cơ, taxi,… chiếm cả 2,3 khu phố, đều của người Thổ cả. Vì sát biên giới nên dân Thổ qua Đức làm ăn và rất phát đạt. Cuối tuần hay cuối tháng, họ lái Mercedes hay BMW, đem tiền bạc, chở hàng hóa về xứ. Ở xứ người, nhưng dân Thổ không mặn mòi với quốc tịch Đức, nên có rất ít hôn nhân giữa 2 dân tộc vì dân Đức ăn quá nhiều thịt, ba tê, xúc xích, jambon, giò heo.. mà dân Thổ đạo Hồi, lại kỵ thịt con vật xấu xa này.

Các thành phố lớn như Munich, Cologne, Frankfurt, Nuremberg... đều có rất nhiều nhà thờ lớn và cổ kính. Thành phố nào cũng là các trạm xe lửa Eurail đi khắp Châu Âu, nên rất to lớn và ồn ào suốt ngày đêm. Ngoài xe bus và xe lửa, dân chúng còn sử dụng xe đạp để đi làm và đi chơi, nên các bãi giữ xe lúc nào cũng đặc kín xe, tương tợ các bãi xe Honda ở Sàigon. Trong thành phố, ở thôn quê, làng xã, dọc theo các autobahn, đều có đường dành riêng cho xe đạp, nên ta có thể đi đến bất cứ nơi nào trong nuớc bằng xe đạp. Điều đáng chú ý là ở các thành phố lớn, tuy nhộn nhịp, nhưng trật tự, văn minh, không nghe tiếng còi đinh tai, nhức óc và khói bụi như ở nơi khác. Khi cần muốn kiếm một ông cảnh sát để hỏi đường thì chẳng thấy ma nào cả. Không biết họ ở mô ?

Đi qua các thành phố, nơi nào cũng cây xanh, công viên, hồ nhân tạo, sân chơi trẻ con, sân vận động, hoa lá tốt tươi... mát cả mắt. Ngồi trên xe, nghĩ quẫn, nếu chẳng may, các thị trưởng thành phố này mà có “tư duy đỉnh cao“, cho triệt hạ các cây xanh, thì số lượng có thể lên đến hàng chục ngàn cây, hơn hẵn nhiều số 6,700 cây cổ thụ bỗng nhiên chết tức tưởi ở một thành phố lạ bên kia Thái Bình Dương.

Ai cũng biết Đức có nền công nghiệp nặng nổi tiếng khắp thế giới với các công ty khổng lồ Krupp Group,Bayer, Siemens,Wolkswagen, Mercedes...còn nông nghiệp, tuy có phát triển, nhưng họ chỉ làm cho vui với thiên hạ như trồng bắp dùng nuôi heo, bò, gà, trồng houblon để làm bia cho mấy lễ hội bia, lý do là thực phẩm, rau cải, bơ, sữa, rượu, giày dép, quần áo....của các nước thành viên Liên Âu ào ạt đổ vào Đức để đổi lấy xe hơi và kỷ thuật của Đức.

Không thể tưởng là 1 chai rượu chát Bordeaux 750ml của Pháp chỉ có 1,99E, rượu Ý bán sale cở 0.99E. Pack 6 chai bia ½ lít: 1,60E ( nhìn trong chợ Mỹ thấy giá từ 8-10 đô). Vĩ 6 hộp yaourt chưa tới 1E, champagne Asti của Ý: 4,99E (ở Mỹ phải 13 đô, nếu mua ở nhà máy sản xuất rượu này ở các đảo Caribê trong dịp đi cruise thì 20 đô), Maggi loại 810ml giá 4,50E. Việt Kiều ở Pháp đi Đức chơi, thường mang lối 20 chai Maggi khi trở về Paris. Anh bạn tôi ở Đức nói là lần nào về Việt Nam anh cũng mang vài chục chai dầu olive, loại extra virgin, để bán hay làm quà bà con. Tôi nghĩ mất công, mà chẳng có lợi là bao nhưng khi thấy giá dầu olive của Ý, Tây Ban Nha, Nam Tư... chỉ bằng ¼ ở Mỹ, thì tôi mới à ra thế.

Octoberfest là lễ truyền thống của Đức để uống bia, thường kéo dài từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10 hàng năm. Hãy tưởng tượng một căn lều khổng lồ, có thể chứa vài trăm người, mà không còn một ghế trống, đàn ông có, đàn bà có, cả thanh niên và thiếu nữ nữa, mặc quốc phục sặc sỡ, đội nón có cài lông chim ưng, vừa nghe nhạc sống vừa ừng ực nốc các vại bia ( mug), dung tích 1 lít, và nhai rau ráu đùi heo nướng, có kèm khoai tây ủ chua và khoai tán nhuyễn, luộc, vò thành viên như trôi nước. Mà giá ở đây không rẽ, lối 20 E cho một phần ăn. Năm tên Việt Nam, uống hết 1 lít bia, ăn vài miếng đùi heo rồi bỏ lại, vì ngán quá.

Lễ khai mạc Đại Hội Nhậu cũng long trọng lắm. Thị Trưởng đọc diễn văn xong, dùng búa đập hai nhát vào thùng gỗ bia. Khi bia tràn ra là các bợm nhào vô, bắt đầu cuộc vui suốt đêm. Octoberfest hàng năm ở Munich lôi cuốn lối 6 triệu đệ tử lưu linh và du khách trên thế giới. Không phải đến hẹn lại lên, cứ có ngày lễ lớn là các thành phố lại tổ chức các Bierfest tại các hội chợ để chén cha chén chú. Thống kê cho biết, có hơn 2100 hiệu bia khác nhau, mà hình như dân Đức uống bia thay nước lã, vì nó rẽ hơn nước lọc, một pack 6 chai bia ½ lít chỉ có 1,65E (ở Boston phải chi từ 6 dến 9.99 đô) nên Đúc đứng đầu sổ ở Âu Châu về thú “dô dô”, và trên nhậu trường thế giới thì chỉ đứng hạng.. nhì, sau một nước bé nhỏ nhưng vĩ đại: Việt Nam, đó là niềm tự hào của các ma men phe ta.

Hệ thống giao thông công cộng tại Đức rất rộng rãi, tập trung vào hệ thống xe bus và xe lửa. Đường ray của xe lửa không có chỗ hở nên xe chạy rất êm, không nghe tiếng động cơ và tiếng lụp cụp, lạc cạc như ở các nơi khác.. Phòng vệ sinh trên xe lửa. đẹp và thật sạch. Đặc biệt là xe điện ngầm, rất tối tân, không có tài xế, nên chạy đúng giờ như đồng hồ Rolex. Trạm xe điện ngầm nào cũng có chữ US to tướng. U đề chỉ xe điện ngầm, S chỉ xe chạy trên đường phố. Đi xe lửa rất thoải mái, có toa cho xe đạp, rẻ và vui nhưng hơi bất tiện vì các tin tức trên loa, mua vé bằng máy, nhân viên trên tàu đều sữ dụng tiếng Đức. Nếu đi chơi ở Đức, mà không có hướng dẫn viên, người nhà...thì có thể đi đứt khi cần đổi tàu. Chỉ thấy tiếng Anh ở các bảng “Cấm hút thuốc” hay “Đừng sờ mó hàng trưng bày”.


Cuốc sống ở các thành phố nhỏ và ở thôn quê nước Đức trông rất bình an, yên ắng, với những căn nhà nho nhỏ, kiến trúc tiêu biểu của Đức, có mái xiên nhiều và ít nhất là 8 đến 10 cửa sổ cao và lớn. Nhìn bề ngoài ta không biết dân Đức sống sung túc đến bậc nào, nhưng Đức có nền kinh tế mạnh nhất Âu Châu, thu nhập hàng năm gấp nhiều lần của các nước ở Nam Á (Đông Dương, Thái Lan, Miến Điện và Indonesia ) nhập lại.

Với sức mạnh về kinh tế như thế, nên nước Đức mới gồng gánh nỗi chế độ bất nhân, ăn hại, bất tài ở Đông Đức tự nhiên giãy đành đạch, chết bất đắc kỳ tử không kịp gọi 911 khi bức tường ô nhục bị đập phá. Thay vì bắt các tên ác ôn côn đồ của chế độ phát xít đỏ đi tập trung cãi tạo, Tây Đức đã cho họ hội nhập vào xã hội văn minh của mình, kể cả những tên mật vụ, có “nợ máu với nhân dân” Stasi, được đồng hóa vào cảnh sát, và quân đội, từ lính đến sĩ quan cấp tá, trừ cấp tướng, được giữ nguyên cấp bậc trong quân đội thống nhất Đức. Trông người rồi gẫm đến ta. Độc ác, hận thù, tham lam, đã đạp con người xuống thấp hơn loài cầm thú.

Châu Âu chưa kịp hàn gắn rạn nứt trong cuộc khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp và Tây Ban Nha thì trong năm 2015 lại xảy ra cuộc di cư vĩ đại của dân các nước Afghaniatan, Irak, Jordan, Yemen vì sự dã man của bọn quá khích IS, nhất là cuộc nội chiến ở Syria, kéo dài hơn 4 năm nay. Cuộc di dân này càng đào sâu thêm mối bất hòa giữa các thành viên của Liên Âu, vì chỉ tiêu phân bố dân tị nạn cho các nước.

Hàng triệu người dân khốn khổ, đành đoạn rời bỏ quê hương điêu tàn, vượt sa mạc nóng cháy, trên những chiếc phao cao su mong manh, để đến Hy Lạp. Trên đường tị nạn, hàng ngàn người, như những thuyền nhân Việt Nam trốn chạy Cộng Sãn trong thập niên 70, đã chọn biển sâu làm nấm mộ của mình. Từ Hy Lạp, họ lặn lội qua Albania, lết thếch đến Nam Tư, len lỏi qua biên giới Hung, để tìm đường đến miền đất hứa: Đức.

Họ không chọn tị nạn ở các nước Đông Âu hay Tây Âu khác vì ở những nơi này, dù không có chiến tranh, nhưng kinh tế đang khủng hoảng trầm trọng, không khác gì như ở nước họ. Trái lại Đức sẵn sàng giúp đở người hoạn nạn và nhất là có một hệ thống an sinh xã hội vào bậc nhất Châu Âu. Tính đến tháng 9/2015, Đức đã mỡ vòng tay lớn, tiếp nhận hơn 100.000 người.

Thật vây, chính phủ dùng tiền đóng thuế của dân, rất cao, có thể 30-40% thu nhập để lo cho người dân một cuộc sống đầy đủ, dù họ là dân cư trú hợp pháp hay không..

Vì Liên Âu (EU) không có biên giới, nên dân ở lục địa này cứ đặt được chân vào nước Đức là như trúng số đề. Trợ cấp mỗi người là 150E/tháng, vợ con thì cứ nhân lên số người, có nhà cửa đàng hoàng, quần áo và cơm ngày 2 bửa, được học tiếng Đức, nhởn nhơ không lo cơm, nước, gạo, tiền trong 8 tháng.. Sau thời gian này, nếu sưu tra không thấy có trong danh sách đen của Interpol và FBI thì được cấp giấy phép đi tìm việc làm. Nếu tìm không có, thì Nhà Nước no tiếp. Sau 8 năm có thể vào quốc tịch Đức được. Ở tỉnh Weissenburg, dân tị nạn được ở trong 1 lâu đài trên núi, của dòng họ qúy tộc xưa. Lâu đài này có một tấm bảng đồng ghi: „ Nơi là từng là nơi giam giữ Đại Úy Charles DeGaulle trong Thế Chiến Thứ I (sau ông là Đại Tướng và Tổng Thống Pháp).

Ai bảo làm công nhân là khổ ?

Không, công nhân Đức sướng lắm chứ

Ngoài tiền lương, hãng, xưởng, xí nghiệp, chính phủ phải đóng góp nhiều cho bảo hiểm lao động, sức khỏe, thất nghiệp... cho nhân viên, nên phí bảo hiễm sức khỏe cho cá nhân và gia đình họ rất thấp. Nếu muốn, họ có thể báo cho xếp biết là ở nhà nghỉ bệnh, có thể một, hai tháng mà không cần cho biết bệnh gì. Mà ở nhà lại lảnh tiền nhiều hơn vì có thêm tiền bảo hiễm. Thâm niên trên 25 năm, họ được xếp vào diện “không thể bị đuổi việc được” vì khi bị sa thải, công ty phải trả lương cho họ suốt đời, mà lương lại cao hơn lúc “sáng vác ô đi, tối vác về” nữa.

Hàng năm công nhân, viên chức được thưởng tiền nghỉ hè, lối 1000-2000E, tùy công ty. Riêng hảng BMW (có 40.000 nhân viên), có năm làm ăn khấm khá, thưởng mỗi người từ 4000-5000E/người.

Khi mua nhà lối 100.000E, tùy theo số con, người mua có thể được chính phủ trợ cấp đến 16.000E

Về giáo dục, từ lớp mầm, lớp lá, lớp nụ gì đó, đến Đại học đều hoàn toàn miễn phí, không có chạy chọt, đóng góp cho trường sở, bao thơ, học thêm gì cả. Hơn thế nữa, mỗi học sinh Trung Học được hưởng 183E/tháng để mua sách vở. Nếu đạt loại giỏi ở Đại Học, được trợ cấp thêm 300E nữa

Đương kim Thủ Tướng Angela Merkel, cô gái quàng khăn đỏ của Đông Đức ngày xưa, còn lập ra một “Qũy tài năng học sinh ngoại quốc“ để thưởng cho các sinh viên xuất sắc, không phải là người Đức, khoản 300E nữa.

Có phép, có tiền nên dân Đức đi du lịch khắp Châu Âu và thế giới. Đức chỉ có biển Bắc và Baltic, nước lạnh, nên họ thích đi tắm biển ở các xứ phía nam, thường là các đảo ở Ý, Hi Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Gibraltar (thuộc Anh), Bắc Phi, nhưng nhiều nhất là đảo Malta của Tây ban Nha.

Palma de Mallorca là một đảo nhỏ trong Địa Trung Hải, thuộc Tây Ban Nha, là nơi nghĩ hè lý tưởng của người Đúc. Hằu như người Đúc nào cũng đến đây một lần, có người đi 2,3 lần, có người đi hàng năm. Thậm chí có người mua nhà ở đây, để thường xuyên đi nghĩ cuối tuần hay để ở khi về hưu.

Đảo có thời tiết lý tưởng cho du khách: nắng ấm quanh năm, biển đẹp, nước xanh lơ, trông suốt tới đáy, phong cảnh tuyệt vời, nhất là giá cả rất hấp dẫn: một tour 7 ngày đêm, xe lửa khứ hồi đến phi trường, phi cơ, xe bus đưa rước đến khách sạn, buffet sáng, chiều, thức ăn đa dạng, ngon, nhiều mà chỉ mất 620E/người. Sau tháng 9 thì giá chỉ còn 500E thôi. Nhưng lý do hấp dẫn nhất cho du khách là các tòa nhà thiên nhiên nằm phơi mình thoãi mái trên bãi cát trắng tinh trong các bộ bikini bé tí tẹo, thậm chí có nhiều senoritas bạo gan, mong manh trong bộ monokini (xăng xú) lộ hàng đào tiên “Made in Spain” trông rất ngứa mắt. Nhưng ngứa gì cũng được, nhưng bố bảo hay các vàng, em cũng chả dám ngứa tay.

Bãi biển có nhiều chòi lá, ghế nằm và nước ngọt cho du khách miễn phí. Các cửa hàng, tiệm, quán, nhà hàng dọc theo bãi biển, buôn bán với giá phải chăng, không có chuyện chèo kéo, nói thách, chặt chém khách như ở nơi khác. Có điều hơi trở ngại khi thăm viếng đảo tuyệt vời này là ta phải xài tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Đức, vì đi đâu cũng thấy Đức và Đức.

Tôi mù tịt tiếng này, nhưng nhờ có 10 năm kinh nghiệm học lóm tiếng Tây Ban Nha với đám học trò lớp 6 ở Boston nên tôi cũng ọ ẹ được vài câu để hỏi thăm đường về khách sạn, trả giá khi mua hàng, và khen các senoritas tắm biển là muy hermosa, muy attractiva (quá đẹp, quá hấp dẫn)

Thăm Thổ và Hi Lạp còn rẻ hơn nũa, nhưng không thể so sánh với Ai Cập. Tour đi thăm Kim Tự Tháp Cheops, Thung Lũng các Vì Vua... trong 21 ngày đêm, buffet 3 buổi, khách sạn 5 sao, gồm 2 tuần lễ ở Cairo và 1 tuần đi thuyền dạo trên sông Nile ( giống như Nữ Hoàng Cleopatre ngày xưa) mà chỉ trả có 750E.

Có đi xa mới học thêm điều mới. Một lần tôi vào khách sạn hỏi bano (toilet) ở đâu. Cô tiếp tân ỏng ẻng trả lời: Chúng tôi xài tiếng toilet “chính chủ” của Tây Ban Nha là Aseo, chớ không dùng bano của Nam Mỹ.

Sau một tuần xem cảnh, ngắm người ở xứ lạ, tôi trở về Đức để tiếp tục ăn xúc xích, thịt nguội, pa tê gan ngỗng và uống bia cùng giò heo nướng. Được vài ngày, chân cẳng lại ngứa ngáy, tôi lại lên đường thăm xứ hoa tu líp bằng xe bus. Đi xe bus rất rẻ. Hành trình từ Đức đi Hòa Lan lối 9 tiếng mà vé chỉ có 31E khứ hồi. Nói đến Hòa Lan là nói về hoa tu líp, kinh đào, cối xay gió, cô gái sữa Hòa Lan và nổi tiếng nhất là Khu Đèn Đỏ ở Amsterdam. Đúng như tên gọi, cả khu sáng rực đèn đỏ khi chiều xuống, với những nàng Kiều, trong trang phục nghèo nàn trong tủ kiếng, khiến du khách muốn lòi con mắt (nguyên văn eye popping). Nhưng attention, bảo vệ méchant. Không nên rút Iphone hay camera ra để ghi hình về khoe với bạn bè, vì bảo vệ sẽ quăng máy của bạn xuống kinh rạch đấy. Thăm khu Đèn Đỏ mà bỏ qua “Bảo Tàng Vành Ngoài 7 chữ Vành Trong 8 nghề” (The Museum of Prostitution), thì rất uổng, vì ta sẽ không biết được lịch sử và bí mật của cái nghề xưa như trái đất này.

Sau một tháng đi nhiều, xem nhiều, thấy nhiều, ăn nhiều, mệt nhiều… tôi thở phào, nhẹ nhõm khi trở về nhà, về quê hương yêu dấu (mặc dù là quê hương ké).

Dù đã đi nhiều nơi trên thế giới, nhưng nếu có ai hỏi tôi, nơi nào đẹp nhất, đáng yêu nhất; như người đi du lịch trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư ngày xưa; tôi không ngần ngại trả lời: nước Mỹ, nước đã cưu mang và tạo cơ hội tốt cho gia đình tôi cùng hàng triệu người người Việt Nam khác, phải dứt ruột bỏ quê hương, lánh nạn Cộng Sản.

Thu 2015

Kông Li

Ý kiến bạn đọc
16/10/201520:46:08
Khách
Bai viet rat la Tuyet voi!! Cam on tac gia da cho chung em tham quan nhung ve dep cua duc quoc.
13/10/201507:06:17
Khách
Tôi nghĩ chúng ta nên thống nhất danh xưng là Việt Tị Nạn. Nhận mình là VK, đó là điều sỉ nhục cho căn cước của quý vị.
Còn tòa soạn đăng những bài viết dùng danh từ Việt cộng thì đó là lỗi của chủ bút & ban biên tập đã không sửa cho đúng.
13/10/201506:17:36
Khách
Quý quan coi chừng những mầm non văn nghệ những nhà văn tập sự hay những Đại Du Sinh phê bình là sai chính tả be bét , ngữ pháp loạn xà ngầu , phê bình thiếu tinh thần xây dựng . Rồi còn bị gán ghép nào là hận thù, đố kỵ , khuyết tật gì gì đó . Tác giả là một HO, một trợ giáo , một thông dịch viên chứ bộ đồ dỏm sao . Có điều Đi không mang theo quê hương mà mang theo một đống quái ngữ . Khà khà khà tham quan là quan tham lam . Đề xuất là đề nghị xuất tinh ,năng nổ là siêng năng nổ súng .Giao lưu là giao hợp lưu động . Tác giả đi du lịch không biết có điều khiễn phương tiện giao thông hay là chỉ tham gia lưu thông mà thôi. Trời bên Đức không biết có khả năng mưa hay không nhỉ . Việt Kiều là Thúy Kiều Việt Nam chứ không phải Thúy Kiều Ba Tàu .
Vui
Tiếng Việt đổi mới và lưu chuyển . Việc gì mà năng nổ bức xúc thế . Có khả năng tửng tửng nhá
Tức cười muốn pể Pụng
12/10/201523:29:55
Khách
Bài viết có nhiều chi tiết thú vị đáng biết . Cám ơn tác giả .
12/10/201520:08:57
Khách
Thổ đâu có sát biên giới với Đức đâu, lái xe nonstop cũng phải mất gần 24 tiếng thì làm gì có chuyện lái xe "cuối tuần" vì chẳng đủ thời gian lái xe cho 1 cái weekend. Vì thiếu nhân công nên Đức đã mời dân Thổ vào làm Guest Worker trong thập niên 60-70, chứ đâu phải "Vì sát biên giới nên dân Thổ qua Đức làm ăn và rất phát đạt"
12/10/201519:24:41
Khách
Xin thay chữ Việt Kiều bằng chữ người Pháp gốc Việt thì chính xác hơn. Việt Kiều là những người cầm sổ thông hành VN sinh sống ngoài VN. Vietcong vơ đũa cả nắm, mà sao dân ta cứ tiếp tục xài chữ này thoải mái quá.
12/10/201517:08:50
Khách
Xin góp-ý . xin dùng từ chử " thăm-viếng " , không dùng từ vô-nghĩa " tham-quan " ... "tham-quan " là gì ...? ... Kính.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,081,181
Tác giả từng phải rời bố mẹ để vượt biển từ tuổi học trò, đến Mỹ năm 1984, hiện là một kỹ sư điện tử, cư dân San Jose. Với nhiều bài viết giá trị, Khôi An đã nhận Giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013.
Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa. Định cư tại San Jose từ 2003.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên.
Khi gia đình chúng tôi dời chuyển đến xóm, Anh đang học Đệ Ngũ cùng một lứa với người anh thứ hai của tôi. Sau hiệp Định Genève, di cư từ Thanh Hóa vào, chỉ có cha và Anh, rất đơn chiếc.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết, tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Sau đây là bài mới của ông.
Tác giả định cư tại Houston từ 1993, sau hơn 20 năm làm nghề bán bảo hiểm nhân thọ, hiện đã về hưu. Năm 2007-2008, ông đã góp ba bài Viết Về Nước Mỹ: Những ngày đầu tiên đến nước Mỹ;
Tác giả là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010 và mới đây,
Sáu Steve Brown là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Ông là người Mỹ viết trực tiếp bằng tiếng Việt và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2013.
Tác giả hiện là một bà giáo dạy trẻ tại Marrysville, thành phố nhỏ cổ xưa nhất của Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Viện Bảo Táng Của Những Người Lính Bị Bỏ Quên"
“Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” là câu thơ từ bài Lương Châu Từ nổi tiếng của Vương Hàn, có nghĩa “Xưa nay chinh chiến mấy ai về”. Thứ hai 25 tháng Năm là Memorial Day 2015. Mời đọc "Vòng Tưởng Niệm" -loại vòng có từ thời chiến tranh Việt Nam- bài viết mới của Orchid Thanh Lê.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến