Hôm nay,  

Cây Trái Vườn Kỷ Niệm

10/10/201500:00:00(Xem: 16440)
Tác giả: Vĩnh Chánh
Bài số 3641-18--30131vb7101015

Tác giả đã nhận giải danh dự Viết về nước My 2013. Ông là một y sĩ thuộc hội Ái Hữu Y Khoa Huế Hải Ngoại. Tốt nghiệp Y Khoa Huế năm 1973, thời chiến tranh, ông là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù cấp tiểu đoàn và gắn bó với đơn vị chiến đấu cho tới giờ phút cuối tại vành đai Sàigon ngày 30 tháng Tư. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

* * *

blank
Cây vả.

Mấy chục năm trước chúng tôi đặt chân đến Quận Cam, rất khó khăn khi muốn tìm mua một món thực phẩm, hay một loại hoa quả, không những cho hơp khẩu vị còn lắm chất Việt trong máu, mà còn như đở nhớ nhà vì tìm thấy hình ảnh màu sắc cùng hương vị của quê hương. Những năm kế tiếp, xuất hiện dần là những rau cải, rau muống, giá, mồng tơi, rau lang, khổ qua, mướp, cà pháo…cùng với hành ngò, rau thơm đủ loại. Mươi mười năm sau, đến lượt những trái mít to tròn, thơm lừng được bày bán trong chợ, bên cạnh những trái cây tươi khác như xoài, chuối, ổi, hồng dòn, hồng mềm, đu đủ… Trong một chuyến du lịch Mễ Tây Cơ bằng đường bộ, chúng tôi được chỉ cho thấy những nhà kính trồng rau tươi VN cùng những đồi núi trồng đầy các cây ăn trái VN như mít, xoài… và cho biết chủ nhân là một người Việt tỵ nạn đã ra sức gầy dựng trong nhiều năm qua để rồi mọc rể luôn tại đây.

Nay, qua bốn thập niên tại xứ người, cộng đồng người Việt hải ngoại, không những đã vượt qua nhiều khó khăn trong mọi phương diện để đạt một cuộc sống ổn định với thế hệ con cháu thành đạt tốt đẹp, mà còn góp phần vào việc bảo tồn văn hóa Việt Nam trong nhiều phương diện mà trong đó có sự tạo dựng lên những vườn cây ăn trái mang tính cách quê hương và được người Việt mình đặc biệt thích thú. Ai trong chúng ta lại không biết tên các vườn cây ăn trái Lái Thiêu, Cần Thơ, Long An, Biên Hoà… dù chưa một lần có cơ hội ghé đến chơi, ăn tại chỗ, rồi mua đem về.

Tại Mỹ, ở Oceanside, tôi đã từng thán phục vườn trồng mấy trăm cây Bưởi của đàn anh dược sĩ Viễn; tôi đã ca ngợi không hết lời vườn cây Lựu và cây Bưởi của anh bà con Phan Huy Hùng ở Riverside; tôi đã sững sờ không nói nên lời khi đến thăm vườn cây Hồng Dòn và Hồng Mềm rộng cả chục mẫu của đôi vợ chồng bạn thân Hoàng Thống Lập & Hoàng Lệ Tường ở gần thủ phủ Tallahassee; tôi cũng quá vui thích khi lạc vào vườn trái cây ở Homestead, gần Miami, do một người Việt làm chủ, khi trông thấy bao nhiêu cây Nhãn, cây Bơ, cây Khế, cây Chồm Chôm, cây Vú Sữa, cây Lồng Mứt, cây Cốc, cây Vải… Và đây đó còn biết bao gia đình có những cây ăn trái mến chuộng tại vườn nhà mình, vừa nhìn, vừa ăn vừa làm quà cho bà con, chúng bạn trong những dịp vui gặp nhau.

Nếu tôi thán phục và ca ngợi những người Việt ở hải ngoại đã và đang tích cực trong nghề trồng cây trái VN tại nước Mỹ này và tại nước Úc nơi tôi vừa đến du lịch, tôi cũng từng bồi hồi khi nhớ lại chính mình cũng đã từng sống qua, biết qua nhiều cây trái ở Huế. Tại vườn nhà mình, vườn Ông Bà Nội tôi.

Khi còn nhỏ, chúng ta thường hay lang thang (mà không phải thơ thẩn vì chưa đến tuổi) đi rảo trong vườn, vườn nhà mình hay vườn nhà hàng xóm, thám hiểm cây cối, tìm nhìn các tổ chim, chơi đùa dưới cây với chúng bạn hay với anh chị em trong nhà, trốn núp sau khóm lá, đuổi theo bướm hay chuồn chuồn hoặc đom đóm, tìm bắt các con ve, thằn lằn, cắt kè, bọ hung, con cánh cam, con cắn tóc, hay leo cây bắt chim, hái trái...để tìm vui. Đến khi lớn lên, dù ở nơi xa xôi nào đó, những thoáng nghĩ về căn nhà nơi mình từng lớn lên, về làng xóm của mình, về quê ngoại hay quê nội, luôn đem ta về với ký ức của những kỷ niệm từ cái vườn quanh nhà, những âm thanh của côn trùng, những chim chóc cây cỏ, và nhất là hình ảnh của những cây trái lớn nhỏ.

Dù lớn tôi vẫn khó hình dung được vườn Eden đẹp như thế nào. Nhưng trong lòng tôi, vườn cây trái nhà tôi mới là khu vườn địa đàng của tôi, là một phần quan trọng gắn bó với tuổi thơ, cùng theo tôi lớn lên... Cắn một trái ổi dòn vừa hái trên cây xuống, bỏ vào miệng hút nước ngọt của trái nhản, bóc vỏ một trái dâu, xẻ một trái mít, cầm nguyên cả một chùm đào trên tay, nhăn mặt vì một miếng khế chua, cắt khoanh một trái măng cụt, bóp mềm một trái vú sửa, dú trong cartable một trái thị vàng chín… dẫn ta về với bao nhiêu hương vị của thời xa xưa khó quên. Những kỷ niệm quá êm đềm gắn bó với tuổi xanh!

Tôi lớn lên ở xóm Đường Đá, bên hông Toà Khâm Mạng, Phủ Cam. Vì nhà tôi nằm trong phần đất thuộc về đất của Ông Nội tôi, nên vườn trước và sau của nhà tôi ăn thông với vườn rất lớn của Ông Nội, trải dài từ góc dưới Đồn Girard/ Lăng Mả Tây (nơi có các ngôi mộ của các ông Ngô Đình Khải, Ngô Đình Khôi) bên kia đường của chùa Linh Quang, cho đến đường rầy xe lửa gần tới bờ sông Bến Ngự. Chính trong vườn này tôi đã dọc ngang, khám phá, vui chơi, leo trèo, thiếu điều hú lớn để nghe tiếng mình vang dội trong vườn trống, trèo đu trên các cành cây như Tarzan trong mấy phim đen trắng, rồi hái ăn thử, ăn thiệt, không biết bao nhiêu loại trái cây, đủ sắc, đủ vị, đủ loại khác nhau, bất chấp rắn rít, sâu bọ và sự bí ẩn chập chờn bên trong các lùm cây lớn nhỏ của một cái vườn quá rộng cho một thằng bé…

Làm sao kể hết bao cây trái mà tôi từng thấy trong vườn nhà mình, nhà ông bà Nội, hay trong vườn của nhà những người thân quen biết, hoặc sau này trong công viên trường Đồng Khánh nơi Măng chúng tôi đem gia đình vào sống từ năm 1954 khi bắt đầu dạy học. Nào là cây Khế Chua, cây Khế Ngọt, cây Mít, gồm cả những cây mít Nghệ, mít Ráo, mít Dừa, mít Ướt, cây Đào (tức là cây mận của người Miền Nam), cây Bàng, cây Vú Sửa, cây Nhản, cây Ổi, cây Sấu, cây Cam, cây Quýt, cây Chanh, cây Trứng Cá, cây Dâu ta (chứ không phải là cây Dâu tây mô); rồi cây Thanh Trà, cây Me, cây Vả, cây Bần Quân, cây Kim Quật, cây Măng Cụt, cây Thị, cây Sung, cây Dừa, cây Xoài, cây Chuối với nhiều loại khác nhau như chuối Cau, chuối Mật, chuối Tiêu, chuối Ngự, chuối Sứ, chuối chát, cây Mãng Câu, cây Vải, cây Đu Đủ, cây Cau, cây Cà Phê, cây Trần Bì; và cây leo Bình Bát, hột Xoay, cây Sa Bô Chê, trái Gấc, cây Cốc, cây Lựu, cây Cà Na, cây Trứng Gà, cây Mâm Xôi, cây Lý, cây Su Le, cây Sim, cây Sầu Đông, cây Mù U, cây Phượng…

Hầu như với mỗi cây, không ít thì nhiều tôi có một vài kỷ niệm đáng nhớ. Cây Khế chua sau vườn nhà tôi là nơi tôi tập leo cây lần đầu và cũng là nơi tôi bị té lần duy nhất trong đời. Khi đến mùa mít chín, các Dì bạn Măng tôi ở trường ĐK kéo đến chơi và được các anh chị tôi xẻ mít mời. Vào một năm nào đó, ông Nội cho người đến chặt cây mít nghệ to cao ở ngay đầu ngỏ nhà tôi để làm một bộ ván rất lớn cho Bà Nội đồng thời một quan tài cho Ông khi hữu sự.

Cây Vả thật đặc biệt của Huế mà không nơi nào có. Cho đến mãi về sau, anh chị BS. Hoàng Thế Định trồng được vài cây Vả ở Florida và thế là các bạn của anh chị lại có dịp ăn món vả trộn tôm thịt cho đở nhớ Huế. Có một cây Sung thật lớn nằm ngay ở bến Đò Thừa Phủ, trước toà Tỉnh Trưởng. Đây là nơi tôi từng trèo lên ngồi vắt vẻo trên cành là đà gần mặt nước say mê xem Nhảy Dù nhảy biểu diễn trên sông Hương nhiều lần trong cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60, và là đã để lại cho tôi ấn tượng hào hùng về Nhảy Dù khiến tôi quyết định gia nhập binh chủng Thiên Thần Mũ Đỏ về sau.

Với cây Chuối, tôi từng lấy bẹ chuối làm súng trường mang trên vai tập chào theo kiểu nhà binh, hay dùng lá chuối thế làm áo quần, hoặc xữ dụng thân cây chuối làm bè bơi trên song. Tôi cũng bị mê hoặc bởi tiếng mưa trên lá chuối, từng giọt thánh thót hay rầm rì cả đêm. Khi như nức nở, ai oán. Khi như nhắn nhủ, đợi chờ. Da diết và ray rức làm sao! nhất là khi tôi trưởng thành hơn để biết mơ tưởng về người mình yêu ở nơi xa.

Vườn nhà ai mấy khi có được cây Sim vì Sim mọc hoang ở các đồi trọc hay gần các bìa rừng. Nhưng lủ con nít chúng tôi vẫn tò mò tìm ăn trái Sim mổi khi có dịp. Khi lớn lên, lại thích nghe bản nhạc “những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt…” (1) Cho đến khi vào Nhảy Dù và trên đường tiến đánh chiếm lại ngọn đồi 1062 ở Thường Đức/ Đại Lộc vào hè 1974, tôi di hành theo chân TĐ1ND, vượt qua rất nhiều đồi trọc tràn ngập bởi một màu tím Hoa Sim. Một màu tím đẹp…chết người và nguy hiểm, vì địch đã chôn đầy những mìn cá nhân trên quảng đường lắt léo quanh co qua các ngọn đồi lên đến bìa rừng trên cao, đề phòng và chống trực thăng vận của phe ta. Sau khi công binh mở đường dò mìn đi trước, mọi người trong đơn vị được căn dặn cẩn thận đi hàng một, người sau theo đúng chân người đi trước. Ngay cả khi dừng nghỉ hay cá nhân muốn đi tiêu tiểu, đều phải đứng trên con đường nhỏ. Một chuẩn úy trong đại đội chỉ huy bước ra ngoài con đường, cách bộ chỉ huy trong đó có tôi đang đứng không quá 20 thước. Trong tích tắc một tiềng nổ ầm vang lên cùng với bụi khói và mùi thuốc súng, anh đã gục ngã tại chổ, giữa những bụi Sim tím, với cả 2 cẳng chân hoàn toan bị đứt lìa do sức nổ. Đó là cái chết đầu tiên tôi đau khổ chứng kiến dù đã nhanh tay làm hồi sinh cấp cứu.


Vườn trước nhà tôi có một cây Thị, không mấy cao. Chúng tôi thường dú vào cartable những trái thị vàng khè như màu của chè kê, có mùi thơm ngọt lâu phai, đem đến trường khoe với chúng bạn. Nhớ hồi nhỏ ấy, tôi được nghe câu chuyện bà già ăn mày đi ngang dưới cây Thị cầu nguyện “Trái Thị rớt bịch bà già, bà đem bà cất chứ bà không ăn”. Về nhà bà ta đem dú trái Thị trong thùng gạo. Những khi bà già ra khỏi nhà, trái Thị biến thành một cô gái đẹp, nhảy ra khỏi thùng gạo, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, cho đến khi bà già ăn xin gần về lại nhà cô gái lại nhảy vào lại thùng gạo biến trở lại thành trái Thị. Câu chuyện được kể nhiều lần nhưng vẫn làm tôi say mê, và dồn dập hỏi mấy chị “cô đó mấy tuổi? Lớn lên có đi lấy chồng không? Răng mà bà già không đem thêm nhiều trái Thị về nhà dú cho có nhiều cô nữa? có khi mô bà già về sớm, bắt gặp cô Thị đang nấu cơm, quét nhà…??” Hỏi riết một hồi mấy chị chán không thèm trả lời, kêu tôi ngu, và từ đó thôi kể chuyện trái Thị.

Tôi có nhiều kỷ niệm với cây Phượng, nhất là khi còn ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Ai đó đã gọi cây Phượng là cây Học Trò, có lẻ vì cây Phượng quá gần gủi và thân thuộc với lứa tuổi học sinh, là người bạn xa xưa gắn bó với từng thế hệ học trò, trổ bông khi hè tới, khi bạn bè viết cho nhau những uớc hẹn trong trang lưu niệm. Đúng vậy, mùa huy hoàng của Phượng là mùa hè, mùa của thi cử. Thời gian này, hoa Phượng sáng rực cả một góc trời nhờ vào sắc đỏ của nụ hoa kết thành từng tản lớn. Xóm ĐK chúng tôi hái các chùm hoa Phượng cho nhau, chấm xem hoa nào đẹp hơn. Rồi các o cắm hoa lên tóc, con trai chúng tôi chơi trò lấy các cọng râu của nhụy hoa cho đá với nhau. Các chị đến học thi thường hay ngồi dưới tàn cây Phượng, nhờ tôi hái các chùm hoa Phượng, cho vào giỏ xe trước khi đạp về nhà cuối ngày.

“Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám
Thủa chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu…
Em chở mùa hè đi qua, còn tôi đứng lại
Nắng ngập đường một vạt tóc nào xa” (2)

Với chiếc quần xà lỏn trên người, tôi vui vẻ leo chồm ra các cành nhỏ trong khi phía dưới mấy chị hò hét vổ tay, chỉ chỏ. Khi lớn hơn vào tuổi 13-14, tôi bắt đầu biết dị nên thôi chơi trò khoe của. Vào nữa hè, những trái Phượng màu xanh ngọc bắt đầu có hột, tôi cùng các bạn “nội trú” xóm ĐK lại trổ nghề leo hái trái, một mặt dùng những trái cứng thẳng làm kiếm đánh chơi với nhau, một mặt bẻ hoặc đập trái ra ăn hột bên trong. Bùi, ngọt lợ lợ và dẻo, nhất là cái bọc như đông sương. Ăn chơi mà thành thiệt vì…say. Khi mùa tựu trường đến, cây Phượng chỉ còn lá xanh với vài trái đen lưa thưa trên cành cao. Phượng lại trở về dáng xưa quen thuộc, với hàng lá mọc song song hai bên cuống, trông như đuôi con chim, che rợp cả khoảng sân với lá xanh um, hân hoan trong im lặng chào đón đám học trò mới với những con kén của sâu rọm, sau đo, treo tòn teng trong gió, giữa những tiếng la hét sợ hải của các cô bé áo trắng khi kén sâu rơi trên tóc.

Cây Sầu Đông, còn có tên Sầu Đâu hoặc Xoan, có trái nhưng không thể nào ăn được. Từ nhỏ tôi leo lên cây Sầu Đông ngồi ngóng chờ Măng tôi đi làm về buổi chiều. Vì nhà tôi ở nơi cao nhất của xóm, chỉ dưới chân đồn Girard, nên khi vắt vẻo trên cây nằm ở đầu ngỏ sân trước, tôi nhìn rỏ Măng tôi từ xa đang từ từ leo lên dốc. Tôi vội tuột xuống cây, chạy nhanh xuống dốc đón Măng tôi, kéo tay Người đi nhanh hay lục lọi túi xách tìm bánh kẹo, phụ Người mang đồ.

Đã biết chơi đùa với các cây trái, leo trèo, hái trái thì phải biết, phải nhớ, phải từng ngắm nhìn, chiêm ngưỡng và thưởng thức những bông hoa của các cây trái. Ngoài hoa Phượng mà hầu như mọi người từng lớn lên ở Huế ưa thích, tôi cảm nhận được cái đẹp của hoa Khế với nhữnh chùm hoa nhỏ như các hột gạo, mềm mại, có màu tím nhạt lẫn với màu trắng, thoáng tỏa ra một mùi hương nhẹ. Hoa Đào, hoa Lý hầu như gần giống nhau, có những chùm lông màu trắng dài và dịu. Hoa của các cây Cam, Quýt, Chanh, Thanh Trà thường có một màu trắng giống nhau và tỏa ra một mùi hương gần giống nhau. Cây Cau có buồm bông cau dài, nhỏ, màu vàng làm tôi cứ tưởng chè bông cau từ đó mà ra. Cây Lựu ra bông có màu đỏ thắm tươi, đẹp lạ lùng. Riêng cây Sầu Đông có những chùm hoa nhỏ mịn màn với màu tím nhẹ, đặc biệt bốc một mùi thơm rất nồng. Về sau này, cuốn sách “Mưa Trên Cây Sầu Đông” của Nhã Ca là một cuốn truyện tiểu thuyết nổi tiếng trong giới học sinh, sinh viên thời tôi.

Trong chuyến tìm về thăm “cảnh cũ lối xưa” sau 38 năm xa xứ, khung gian xưa ấy nay thật tàn tạ. Con đường đi vào nhà ông bà Nội từ phía chùa Linh Quang và Đồn Girad bị bóp nhỏ khiến xe taxi len lỏi một cách khó khăn. Căn nhà 3 tầng sơn màu trắng toát và bề thế dạo nào của ông bà tôi nay mang một màu vàng úa nhớp nhúa với những loang lổ tàn phai của thời gian, và bảng hiệu của một công ty xây dựng trên tường. Nơi đây từng là chỗ của những cây trái cao lớn, những bụi hoa trái rực rở màu sắc trong vườn địa đàng của tôi đã biến mất, nhường chổ cho vô số những căn nhà lụp xụp, vô trật tự mà thoạt nhìn vào khách cứ tưởng như cả một làng nhỏ mọc lên không đồng đều. Bên cạnh nhà chính là căn nhà nhỏ 2 tầng, nơi Ông Nội tôi dọn ra ở riêng một mình trong mấy năm cuối đời, và là nơi tập trung bao nhiêu sách viết bằng tiếng Nôm của Ông, nay để trống, trông còn thảm thương hơn nữa, với mái ngói hầu như đổ nát, vách tường bám đầy rong rêu, cây cỏ bò đến tận chân tường, cửa chính và các cửa sổ xiêu vẹo, cái mở cái đóng. Hờ hững, lạnh lùng.

Tôi ngập ngừng bước qua phía vườn nhà mình. Nơi mảnh đất từng là nghỉa trang uy nghiêm đại gia đình, đã bị bắt dời đến một nơi khác sau 1975, nay hoàn toàn hoang phế trong ngậm ngùi, mất dấu trong rừng cỏ dại. Các cây Khế, cây Bàng, cây Mít, cây Tre, cây Cau, bụi Chuối …tất cả đều không còn. Miếng đất trở nên khô cằn, vô cảm, thể như sự sống và linh hồn đều bị lấy mất, cho dù có đến 3-4 cái nhà ngang nhiên chiếm nằm trên thửa đất của căn nhà cũ tôi từng ở.

Khi viết bài, tôi không có tham vọng giới thiệu tất cả các cây trái của vườn Việt Nam. Mục đích của tôi chỉ giới hạn đến hình ảnh và câu chuyện xung quanh cây trái mà tôi đã nhìn thấy, ôm trèo, thèm khát, khèo hái, cầm ăn, thu dấu, ghi nhận, thách thức, cảm xúc, sống qua, mơ mộng, chơi đùa, lưu luyến… Riêng một mình tôi hay chung với các anh chị tôi, bên cạnh Măng tôi; trong vườn nhỏ của nhà tôi, trong vườn quá lớn của Ông Bà Nội tôi, hay trong khuôn viên trường Đồng Khánh; trong căn nhà đầy thương yêu, luôn tràn ngập những tiếng cười vui chan hòa hạnh phúc của sáu anh chị em chúng tôi.

Tôi đã sống thời thơ ấu và niên thiếu của mình trong một khung trời gần gũi với thiên nhiên cây cỏ, gắn bó với đại gia đình và xóm làng. Khúc tình ca quê hương hẳn phải là những ấn tượng sâu đậm phát xuất từ một tuổi thơ trong trắng, được thương yêu, bình yên và đơn sơ. Đấy là những màu sắc góp phần vun xới cuộc đời tôi sau này, hướng tôi trở nên một con người lạc quan, trong rèn luyện học hỏi, trong thử thách nguy khốn, trong binh đao khói lửa, trong tù đày cùng cực, khi bấp bênh trên biển cả, khi xuôi ngược trên xứ người…

Vườn sau nhà chúng tôi hiện nay có một cây Khế ngọt, lớn, mua từ Vườn Cây Mimosa. Tuy trồng xuống đất từ 4 năm qua, nhưng cây Khế vẫn èo uột, thân cây không cao thêm, không to ra, các cành cây lần lượt trở nên khô héo dần, các lá đâm ra nhỏ và dễ vàng úa, chùm hoa khế cũng nhỏ và chóng chết khô. Và đương nhiên cây Khế chưa một lần cho ra trái, dù chúng tôi cưng chiều, chăm bón tận tình. Những khó khăn tương tự cũng xẩy đến với cây Quýt, cây Chuối, tuy tương đối đở hơn. Không hạp khí hậu thời tiết ư? Không đúng phong thủy? Đất đồi quá cứng chăng? Trồng xuống đất không đúng mùa? Thiếu nước, úng nước? Thấy dễ vậy nhưng chẳng dễ chút nào! Nhìn cây Khế ươn ươn dở dở mà lòng cứ đau xót và tức nghẹn. Trồng cây của mình ở quê hương thứ hai khó như vậy, huồng hồ là trồng người cho nên người ở đấy!

Người Mỹ có câu “There are two things you give your children: one is root, the other is wings”. Tôi có. Tôi được cho cả hai. Một cội nguồn căn bản vững chắc, một đôi cánh vươn cao không giới hạn. Ước mong con cháu tôi cũng được như tôi.

Tháng 9, 2015.

Bên bờ hồ Mission Viejo, CA

Vĩnh Chánh

(1): Dũng Chinh.

(2): Đỗ Trung Quân.

Ý kiến bạn đọc
28/01/201903:08:08
Khách
Hom nay moi doc bai nay lan dau, that thu vi boi cung yeu hoa trai. Doan cuoi nghe tac gia ke ve cay khoe thay nao long lam sao. Toi May man mua cay khe duoc 3 nam trong o vung Santa Ana khong qua vat va ma on troi duoc vai chuc tra to to va ngon ngot nua. Noi de mong tac gia con yeu cay Cu co gang thu it lan chu dung nhu toi trong chet cay man va cay na den gio nghe nha ai co la me nhung khong dam mua nua vi khong muon buon gap hai do ma!
14/10/201516:49:53
Khách
Bài viết quá hay, với nhận xét thật tinh tế, tỉ mỉ , sâu sắc. Người đọc có cảm tưởng như đang đi trong khu vườn của Ông nội tác giả vậy!
10/10/201521:03:02
Khách
O Hue co mot trai giong trai buoi la trai tHANH tRA..nhung MUI VI NGON hon trai buoi nhieu'
Ai co biet trai thanh tra ban o dau o hai ngoai khong???
10/10/201515:12:01
Khách
Mot bai viet kha de thuong cua Vinh Chanh,,, Mong tac gia den vuon cay Lai Thieu o Santa Ân de mua nhung cay vn ve trong
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,076,220
Bài viết lá một đoạn ghi ngắn nhân mùa Lễ Tạ Ơn 2015. Tác giả, 82 tuổi, là người viết thân quen với bạn đọc Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Trước 1975 tại Việt Nam, ông là một luật gia, nhà hoạt động văn hóa xã hội.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975: Dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO. Bà kể, “Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính Hoa Kỳ.
Bài viết mới của Lệ Hoa Wilson là chuyện của mùa lễ, gồm 2 ngày Cựu Chiến Binh và Lễ Tạ Ơn, cùng trong Tháng 11. Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa,
Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả được ký bút hiệu và tên thật. Thời VNCH, ông là một nhà giáo. Từ 1972-1975, là giáo chức biệt phái về nguyên quán,
“Dân số cho” tại nước Mỹ là 78 triệu con. “Công nghiệp” phục vụ chó năm 2015 là 60,6 tỷ mỹ kim. Nhiều chuyện khác thường. Mời đọc bài mới của Kông Li.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Viết Về Nước Mỹ 2014, với 14 bài, trong đó có bài “Chú Lính Mỹ,” Phùng Annie Kim đã nhận giải danh dự.
Lễ Tạ Ơn đầu tiên của gia đình tôi trên đất Mỹ tại Thành Phố Westminster, Nam California, cách đây mười chín năm. Lúc đó chúng tôi mới đến Mỹ được vài tháng.
Tác giả là cư dân Orange County và là giáo chức tại một trường trung học ở Los Angeles. Với bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, “Người Lao Công,” chuyện một nữ sinh viên có bố là lao công trong trường đại học,
Nhạc sĩ Anh Bằng, tên thật Trần An Bường, sinh năm 1926 tại Nga Điền, Nga Sơn, Thanh Hóa, từ trần ngày 12 tháng 11, 2015 (90–91 tuổi) tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến