Hôm nay,  

Chuyện Nhà Thương

01/10/201500:00:00(Xem: 13811)

Tác giả: Hoàng Nga
Bài số 3634-18--30124vb5103015

Hoàng Nga là tên thật. Tác giả cho biết Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ năm 1993-2008 rồi sang Mỹ. Đang sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07 năm 2012 với gia đình con gái, rể và hai cháu ngoại. Có viết cho các tạp chí Làng Văn (Canada), Văn (Hoa Kỳ) Văn Học (Hoa Kỳ), Phố Văn (Hoa Kỳ), Việt Luận (Úc)… Tham dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XVII, tác giả cho thấy có sức viết mạnh mẽ. Sau đây là bài thứ sáu của bà.

* * *

blank
Hình ảnh tiêu biểu của Shriners.

Mãi cho đến lúc hơn năm mươi tuổi, tôi mới bị đi nằm nhà thương lần đầu. Dầu chỉ hai ngày, để mổ ruột thừa, nhưng cũng gọi là “nằm”, nên tôi tự đùa theo kiểu chữ nghĩa… bí hiểm, khó hiểu ở trong nước hiện nay, là đối với “cục quản lý khám chữa bịnh”, thì tôi là người đã có “bệnh án”! Vậy mà khi nghe tôi nằm bịnh, thay vì… thương cảm, thì một con nhỏ bạn tôi lại phì cười, bảo “mày quá… sang.”

Quá sang, chỉ vì tôi đã nằm nhà thương ở Mỹ!

Trước khi sang đây định cư, tôi từng nghe rất nhiều người ca thán về chi phí y tế, thuốc thang và bịnh viện tại xứ này. Có thể nói là dường như ai cũng phải… nổi da gà khi nhìn thấy cái bill sau những ngày được “tận tình chữa trị”, do đó qua khỏi màn thăm hỏi, an ủi tôi thì hầu hết mọi người đều khe khẽ hỏi, “có mua bảo hiểm không vậy?”. Đến lúc nghe đáp “có”, ai nấy cũng đều thở phào. Nhẹ nhõm. Mừng cho tôi. Y hệt như tôi mới vừa… trúng vé số!

Riêng chuyện con bạn thân “khen” tôi sang, không phải vì nghe tôi kể bịnh viện Mỹ phục vụ bịnh nhân y như ở khách sạn năm sao, cũng không phải vì tôi đã được nằm riêng một phòng có máy điều hòa không khí, có máy đấm bóp chân tay và cứ hô lên một tiếng là có y tá chạy tới ngay đâu. Mà chỉ vì tôi là công dân Úc, lại có thường trú của Đức, những nước không hề bắt bịnh nhân phải trả đồng nào cho bịnh viện khi cái “khúc ruột ngoài ngàn dặm” làm nư, dẫy nẫy nhất định không chịu nằm yên trong bụng mình nữa! Con nhỏ bảo:

- Đã thế thì chớ, lúc phát bịnh, mày đang có mặt tại Canada, có nghĩa là mày sẽ được mổ cấp cứu miễn phí, thế mà lại ráng bò về tới Mỹ để… “nộp mạng”. Không gọi sang chứ gọi là gì?

Chuyện đi bịnh viện, nằm nhà thương, chắc chắn là trên đời này chẳng có ai muốn. Cũng không ai “ước ao”. Lại càng không muốn… chơi sang, chọn nơi nằm bịnh để bị trả tiền (hay nếu trả không nổi, phải điền đơn xin chỗ nọ chỗ kia để nhờ chính phủ hoặc các cơ quan từ thiện thanh toán giúp). Vì thế, khi nghe nói đến những nơi chữa trị miễn phí ở Mỹ mà không đòi hỏi bịnh nhân phải gửi thư, phải xin xỏ ai hết, tôi đã vô cùng ngạc nhiên. Và vô cùng… nghi ngờ. Bởi tính tới tính lui, chỉ với hai ngày nằm nhà thương sau khi được người nhà đưa vào phòng emergency mà không cần xe cứu thương chạy tới nhà, rồi được mổ nội soi ba vết nhỏ như đốt ngón tay ở bụng không khác gì một tiểu phẫu, nhưng nếu không có bảo hiểm, tôi sẽ phải trả cho bịnh viện một số tiền hơi… mờ mắt là hơn ba mươi sáu ngàn đô. Tôi tự hỏi nếu phải nằm dài lâu hơn, giải phẫu nhiều lần hơn, hay phải lắp ghép vài ba bộ phận giả nào đó vào người, thì con số ấy sẽ được nhân lên làm bao nhiêu lần. Chuyện miễn phí cho những ca giải phẫu, hoặc những chứng bịnh cần điều trị dài hạn, nghe có vẻ giống như hoang đường, không có thật.

Nhưng sự thật đúng là như vậy! Hiện nay trên toàn nước Mỹ, trải dài từ miền bắc xuống miền nam, qua đến tận Hawaii, đã có khoảng hai mươi bịnh viện dành cho trẻ em thuộc về tổ chức Shriners -The Shriners Hospitals for Children- không hề lấy bất cứ một lệ phí chữa trị nào, cũng không đòi hỏi một điều kiện nào đặc biệt. Từ thuốc men, cho đến di chuyển, phục vụ..., mọi thứ đều hoàn toàn “free”.

Bắt đầu vào năm 1922 cho đến nay, hai mươi bịnh viện đã được lần lượt xây dựng tại các tiểu bang California, Chicago, Cincinati, South Carolina, Florida, Kentucky, Lousiana, Massachusetts, Minnesota, Missouri, Oregon, Pennsylvania, Utah và Washington. Ngoài ra còn có thêm hai bịnh viện nữa tại Canada và Mexico. Tất cả các bịnh viện này đều chuyên về chỉnh hình (orthopaedics và plastic surgery), nhưng cạnh đó, Shriners Hospitals tại California (Los Angeles, Sacramento, Springfield), Chicago (Illinois), Massachusetts (Boston), Ohio (Cincinati), Pennsylvania (Philadelphia) và Texas (Gelveston, Houston) còn có thêm các phân khoa trị phỏng cấp tính, chữa dị tật bẩm sinh như sứt môi, hở vòm miệng, và đặc biệt là chấn thương cột sống (acute burns, cleft lip and palate, spinal cord injury). Bất cứ trẻ em dưới mười tám tuổi, không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo…, khi đến Shriners Hospitals đều được miễn phí.

Hằng năm kinh phí cho các bịnh viện của Shriners lên đến hàng tỉ đô la. Có thể nói các bác sĩ ở những nhà thương này đều là các bác sĩ giỏi. Y tá và nhân viên cũng có tay nghề rất cao. Song song với việc thâu nhận người từ bên ngoài vào làm việc thì Shriners Hospitals còn có các học bỗng hằng năm để đầu tư cho sinh viên y khoa giỏi để khi ra trường họ sẽ về phục vụ lại cho bịnh viện. Những lớp học đào tạo, huấn luyện đặc biệt dành cho y tá, nhân viên xã hội, tâm lý, trị liệu vân vân, thường xuyên được tổ chức để nâng cao trình độ và kiến thức.

Tôi được đi thăm một trong những Shriners Hospitals for Children, ở Minneapolis vào một ngày mùa hè nắng đẹp rực rỡ. Bịnh viện này nằm trên một ngọn đồi dốc thoai thoải, với một khuôn viên tĩnh mịch đầy bóng cây xanh, cách sông Mississipi một con đường. Phía bên trong sân bịnh viện có những bãi cỏ xanh mướt được cắt tỉa thẳng thớm, chạy vòng theo những con đường tráng nhựa rất đẹp. Thoạt nhìn, có thể lầm đây là một khu nhà nghỉ mát sang trọng nào đó. Càng vào bên trong, càng nhìn thấy những thiết bị y tế, càng được chứng kiến tận mắt phòng ốc dành cho bịnh nhân và càng tiếp xúc nói chuyện với bác sĩ y tá chừng nào, tôi nghĩ cái cảm giác yên tâm nếu có phải đưa con em đến đây để chữa trị sẽ càng tăng lên nhiều chừng đó.

Tương tự các Shriners Hospitals khác, bịnh viện này chuyên về chỉnh hình, cột sống và trị phỏng. Phải thành thật mà nói là khi đọc những giòng chữ quảng cáo cho bịnh viện, tôi đã không khỏi mỉm cười. (“Located in Minneapolis along the beautiful banks of the Mississippi river, you will feel comfortable in our intimate setting where all services are provided under one roof. Our family centered approach to care means your child will have the opportunity to develop a close relationship with each member of the care team. Our patients and families appreciate us. In Press Ganey satisfaction surveys, patients rank Shriners in the top quartile for overall patient satisfaction and in the top 10% for Inpatient satisfaction.”). Thật là thú vị khi không lấy lệ phí của bịnh nhân, mà bịnh viện lại còn bỏ công, bỏ tiền ra làm quảng cáo như những cơ sở thương mại vẫn thường… dụ dỗ khách hàng, nào là vị trí bịnh viện nằm cạnh một giòng sông đẹp, nào là phục vụ tận tình, nào là bịnh nhân sẽ được đối xử thân mật, vân vân, và vân vân, rồi sau đó để thuyết phục thêm, họ còn nêu ra thống kê của Press Ganey cho thấy bịnh nhân và gia đình đã hài lòng về họ như thế nào…

Tôi biết về Shriners Hospitals qua một ban hát của thành phố, dù thật sự không biết nên gọi đó là ban hát hay là ca đoàn. Bởi vì nó không có tính cách của một ban hát chuyên nghiệp trên sân khấu, cũng không là ca đoàn của một nhà thờ dẫu phần lớn họ hát thánh ca, hát nhạc nhà thờ. Nhất là vào những mùa lễ trọng như Giáng Sinh, Phục Sinh. Hằng tuần vào tối thứ ba, ban hát sẽ được tập dợt với một người nhạc trưởng và một người đánh piano chuyên nghiệp. Họ có đầy đủ các giọng, từ soprano, alto, tenor đến bass, và có thể hát nhiều bè ở nhiều thể loại nhạc khác nhau, và hát rất hay. Khi được nhà thờ, viện dưỡng lão, cho đến nhà tư nhân có tổ chức party, cưới hỏi, ma chay và các chương trình khác mời trình diễn, thì ban hát sẽ nhận thù lao. Với tính cách như thế, nếu dùng từ ngữ “ban hợp xướng” như trong tiếng Việt tôi e là có vẻ hơi to lớn, nhưng hai chữ ca đoàn cũng thấy không ổn ở cái khoản thu tiền vé của khán giả. Hơn nữa, chính bản thân ban hát cũng không gọi mình là Choir, mà là Chanters.

Chanters thuộc về Shriners. Một tổ chức còn có cái tên nguyên thủy là Ancient Arabic Order of the Nobles of the Mystic Shrine, viết tắt là A.A.O.N.M.S., thành lập từ năm 1870 tại Manhattan, New York, sau đó đổi lại là Shriners North America. Cho đến năm 2010, sau khi đã lan rộng ra ở miền bắc, trung và nam Mỹ cũng như ở tại Âu và Á châu, thì cái tên Shriners International mới được chính thức trở thành tên gọi chính cho tổ chức này.

Lúc chưa định cư ở Hoa Kỳ nhưng vẫn thường xuyên qua về để thăm vợ chồng con gái tôi, thỉnh thoảng có dịp đến xem ban hát tập dợt, tôi cứ tưởng đó chỉ là ban hát của một câu lạc bộ giải trí. Đã thế lâu lâu lại còn nghe tối thứ bảy Shriners có xiếc, có bán thức ăn, giải khát, có cả dancing, nên tôi càng tin rằng Shriners chỉ là chỗ để bà con tụ lại vui chơi. Ở thành phố này, tuy rộng lớn, nhưng dân cư ít, vào mùa đông đường xá rất hay đóng băng đến nỗi học sinh và nhân viên văn phòng ở các công, tư sở thường phải về sớm hoặc được cho nghỉ, do đó những nơi để giải trí có vẻ khá khan hiếm. Có thể vì không mấy người dám tin tưởng sẽ có lời hoặc… huề vốn trong ngành này. Vì vậy, tôi cứ ngỡ có được một cơ sở với những sinh hoạt như Shriners cho… vui chắc là đúng rồi!

Mà cái ý tưởng ban đầu để Shriners được thành hình là do một nhóm người làm nghề thợ nề (masons) thường ăn trưa với nhau ở nhà hàng Cottage Knickerbocker tọa lạc tại số 426, Sixth Avenue, thành phố New York gợi ra, thì cũng gọi là chỉ để cho vui thật. Trong lần tụ tập, những người thợ này đã nổi hứng bàn đến chuyện nên lập ra một nhóm để sinh hoạt trên tinh thần huynh đệ, không nghi thức rườm rà, không dính dáng đến chính trị đồng thời cũng không liên quan gì đến tôn giáo. Ngay lập tức, ý tưởng này đã được nhiều người ủng hộ. Trong số đó, hai người đã ủng hộ hơn hết là Walter M. Fleming vốn là bác sĩ và William J. "Billy" Florence, một diễn viên sân khấu. Trong một chuyến đi Paris trình diễn, Billy Florence đã được một nhà ngoại giao người Ả rập mời dự một buổi tiệc. Tại đấy, phong cách, thức ăn và âm nhạc của người Ả rập đã làm cho Florence cảm thấy thích thú. Ông đã ghi chép tỉ mỉ những gì nhìn thấy và học hỏi được. Về sau có cơ hội tham dự một lần nữa tại Algiers và Cairo, khi về lại Mỹ Florence trình bày với Fleming những ý tưởng của mình. Vào ngày 26 tháng Chín năm 1872, cùng với mười một người khác thành lập "Ancient Arabic Order of the Nobles of the Mystic Shrine (A.A.O.N.M.S., cũng có thể đảo ngược để ghép thành chữ “A MASON”). Với sự giúp đỡ thường xuyên của Knickerbocker Cottage, bác sĩ Fleming bắt đầu thiết kế biểu tượng và trang phục cho tổ chức của mình.

Từ năm 1875, The Shriners lan rộng ra từ Mahattan cho đến Rochester, và đến cuối thế kỷ mười chín thì có năm mươi ngàn thành viên với hơn tám mươi cơ sở (ngày nay các cơ sở của Shriners vẫn còn được gọi là “Temple”, nhưng không mang ý nghĩa là nhà thờ hoặc là nơi dành để thờ phượng). Khởi đầu bằng tinh thần đồng đội, và ý tưởng vui chơi giải trí như thế, tuy nhiên từ năm 1888, Shriners đã nghĩ đến chuyện nên làm điều gì đó có ích cho xã hội hơn, nên họ bắt đầu giúp đỡ cho các nạn nhân bị bịnh dịch vàng da ở Florida, nạn lụt ở Johnstown (1889), động đất ở San Fransisco (1906), sau đó giúp Âu châu tái thiết sau thế chiến thế giới thứ nhất… Dần dà, khi con số thành viên của tổ chức này lên đến bốn trăm ngàn người và sau chuyến viếng thăm bịnh viện Scottish Rite Hospital for Crippled Children ở Atlanta, lãnh đạo của Shriners lúc bấy giờ là Freeland Kendrick quyết định phải mở một bịnh viện cho trẻ em do tổ chức Shriners đóng góp và điều hành.

Vào năm 1920, Kendrick kêu gọi Shriners bỏ ra kinh phí là hai triệu đô mỗi năm cho bịnh viện và tài trợ cho thuốc chủng ngừa bại liệt cho trẻ em. Những năm tiếp theo đó, thập niên 1920, nhiều bịnh viện khác đã được xây dựng tại Honolulu, Minneapolis, San Fransisco, Kentucky… Qua đến thời kỳ kinh tế suy thoái vào những năm 1930, một số lớn thành viên của Shriners rơi vào tình cảnh làm ăn sa sút, kiệt quệ, nhiều người khánh tận, mất cơ sở kinh doanh, mất chỗ làm như nhiều người Hoa Kỳ khác, Shriners có khó khăn hơn trước. Một số nơi phải rút tiền quỹ của mình ra để hỗ trợ cho bịnh viện cho đến lúc hai tập đoàn phi lợi nhuận phải được thành lập vào năm 1937 để củng cố tài chánh. Tuy nhiên, dẫu khó khăn đến cách mấy đi nữa, Shriners Hospitals vẫn cố gắng không đóng cửa một cơ sở nào.


Năm 1940, kinh tế của Hoa Kỳ hồi phục, các thành viên của Shriners dần dà khá trở lại, những bịnh viện khác của Shriners bắt đầu mở mang và xây dựng thêm ở nhiều tiểu bang khác. Thậm chí ra đến Canada và Mexico. Vào thập niên 70, tổ chức này đã gửi bác sĩ và nhân viên đi phục vụ cho các bịnh viện không thuộc về tổ chức của mình ở các phân khoa phỏng. Những thập niên sau, họ tiến xa hơn trong việc chữa trị cho trẻ em về cột sống và dị tật, ngay cả khi các em còn là bào thai.

Để có được những bịnh viện và những kết quả như vậy, kinh phí mà tổ chức Shriners đã xử dụng dựa trên lợi nhuận từ việc đầu tư trong kinh doanh và bất động sản. Một nguồn tài chánh lớn khác là từ các nhà tài trợ và hoạt động từ thiện, cũng như từ những hiến tặng và quyên góp của chính thành viên Shriners. Trên tường của những nhà thương thuộc về tổ chức này thường gắn rất nhiều tấm bảng nhỏ mang màu vàng, bạc hoặc đồng, ghi tên các nhà tài trợ hoặc hiến tặng tùy theo số tiền mà họ đã giúp cho Shriners. Bảng màu vàng (golden) ghi tên người tặng trên một triệu, bạc (silver) trên một trăm ngàn và đồng (cooper) trên mười ngàn. Ngoài tiền mặt, ngân phiếu, hoặc vật chất có giá trị tương đương, rất nhiều thành viên của tổ chức đã hiến tặng những tài sản cá nhân của họ như nhà cửa, đất đai, cơ sở làm ăn, bảo hiểm nhân thọ…, để Shriners đầu tư hoặc tiếp tục phát triển gây lợi. Một trong những điều mà ban hát của Shriners làm là thường xuyên tổ chức các buổi văn nghệ, xiếc, party, hay chính họ đi trình diễn để gửi tiền về trụ sở chính.

Gần đây, do tình trạng kinh tế suy thoái, các khoản hiến tặng giảm xuống từ tám tỉ xuống còn năm tỉ mỗi năm, dù việc miễn phí vẫn luôn luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng một số bịnh viện thuộc tổ chức Shriners đồng ý nhận chi phí thanh toán qua bảo hiểm y tế từ gia đình bịnh nhân nếu những gia đình đó tự nguyện và có khả năng chi trả.

Việc này khiến tôi nhớ lại bịnh viện Vì Dân ở miền nam Việt Nam do cựu phu nhân tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã làm trước năm 1975. Cũng bằng tiền quyên góp từ thân hào nhân sĩ, thương gia, kỹ nghệ gia vân vân như thế, bịnh viện Vì Dân ra đời, được khánh thành vào ngày 04/09/1971. Nếu tôi nhớ không lầm thì người bình dân Sàigòn thuở trước thường gọi một cách thân ái là “nhà thương bà Thiệu”. Đây là một bịnh viện tư nhưng không thu viện phí, không thu tiền khám và chữa bịnh, cũng không thu tiền các loại thuốc có sẵn ở bịnh viện (những loại thuốc đặc biệt quá thì bác sĩ sẽ cho toa để mua ở các nhà thuốc tây bên ngoài). Bịnh viện Vì Dân đã áp dụng phương thức tương tự như một vài Shriners Hospitals hiện nay, là thu tiền ở một số khu vực đặc biệt để làm chi phí cho các khu vực miễn phí khác. Ngoài ra, bịnh viện còn kêu gọi những thiện nguyện viên nếu không có điều kiện giúp của, thì giúp công, giúp sức.

Gia đình chúng tôi thuở đó ở miền trung, nhưng tôi nhớ ba tôi và một số bạn bè ngành y tế của ông cũng đã ủng hộ chương trình này. Và mặc dầu cũng có một số người tỏ ý ngờ vực, nhưng ba tôi vẫn thường khen ngợi phu nhân tổng thống về phẩm chất thương người, thương dân nghèo. Đồng thời ông cũng bảo ông thích hai chữ “nhà thương” hơn là “bịnh viện” vì “nhà thương” nghe gợi cảnh và gợi tình hơn. Ba tôi nói nhà thương là một cái nhà mà người bịnh tìm đến để được chăm sóc trong sự yêu thương. Khi học tiếng Đức, chữ Krankenhaus, nhà thương, nếu tách ra làm đôi thì “kranken” là bị thương, thương tích, “haus” là nhà, tôi đã nghĩ có lẽ chữ “thương” trong nhà thương của tiếng Việt cũng đồng nghĩa này. Nghĩ thêm, vì thế mà người ta còn dùng chữ bịnh viện hay bệnh viện. Tuy nhiên khi có dịp đọc lại tài liệu cũ và nhìn lại những hình ảnh của bịnh viện Vì Dân thuở trước, tôi đã thấy chữ thương, yêu thương của ba tôi có thể là đúng hơn. Xứng hơn. Hay ít nhất là trong cái cách nhìn của ông về nghĩa cử, về tình thương yêu đồng loại mà những nhà hảo tâm đã làm.

Thật ra ở miền Nam Việt Nam trước đây, hầu như chỉ trừ những người muốn chọn bịnh viện tư, chứ bất cứ ai đi nhà thương công cũng đều được chữa trị miễn phí giống như nhau. Riêng tại Sàigòn, có một số nhà thương tư đã được xây dựng bằng sự quyên góp từ các nhà hảo tâm và chữa trị miễn phí hoặc thu lệ phí thấp cho dân nghèo. Đó là các bịnh viện Chợ Quán được cất từ năm 1862, bịnh viện Quảng Đông (1907), bịnh viện Triều Châu (1885), bịnh viện Phúc Kiến (1909), binh viện Sùng Chính (1920). Bốn bịnh viện sau đều là của người Hoa từ tiền đóng góp của cộng đồng người Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến và người Hẹ. Theo bác sĩ Lê Ánh, trừ bịnh viện Bình Dân trực thuộc bộ Quốc Gia Giáo Dục (tiền thân của bịnh viện Bình Dân là bịnh viện Phù Doãn ở Hà Nội, sau khi chia cắt đất nước, nhiều nhân viên của bịnh viện Phù Doãn di cư vào Nam, lập nên bịnh viện này; đây cũng là nơi dành cho sinh viên y khoa thực tập), thì tổng trưởng y tế sẽ trực tiếp điều hành một số bịnh viện công như Chợ Rẫy, Từ Dũ, Nhi Đồng, Hùng Vương, Đô Thành, Nguyễn Văn Học… Những bịnh viện tư tôi kể ở trên tuy không trực thuộc bộ y tế nhưng điều hành giống như các bịnh viện công là miễn phí hoàn toàn cho bịnh nhân. Cũng xin nói thêm bịnh viện Chọ Rẫy đã được tái xây dựng năm 1971 do tiền bồi thường chiến tranh từ chính phủ Nhật, và trở thành một trong những bịnh viện lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ.

Sau ngày mất miền nam, tất cả các bịnh viện, công lẫn tư đều trở thành tài sản của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Bịnh viện Vì Dân đổi tên thành Thống Nhất, chỉ dành cho cán bộ, đảng ủy, thành ủy cấp cao. Bịnh viện Quảng Đông thành bịnh viện Nguyễn Tri Phương, bịnh viện Phúc Kiến thành bịnh viện Nguyễn Trãi, bịnh viện Sùng Chính thành Trung Tâm Chấn Thương Chỉnh Hình thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả các bịnh viện này gần như chỉ chữa trị cho cán bộ. Ngoài ra bịnh viện Grall hay còn gọi là Đồn Đất của người Pháp trở thành bịnh viện Nhi Đồng II, dưỡng đường Saint Paul thành bệnh viện Răng Hàm Mặt… Những bịnh viện không đổi tên như bịnh viện Chợ Rẫy, bịnh viện Từ Dũ (nguyên là chuyên về phụ sản, trực thuộc Lalung Bonnaire, năm 1937 được thương gia người Hoa là chú Hỏa hiến đất để xây thành bảo sanh viện), rồi một số bịnh viện khác đổi vài chữ như bảo sanh viện Hùng Vương trở thành bịnh viện Hùng Vương, bịnh viện Trưng Vương thành bịnh viện Cấp Cứu Trưng Vương... Riêng bịnh viện Chợ Quán có cái tên mới là Bịnh viện Bệnh Nhiệt Đới, bịnh viện Nguyễn văn Học là bịnh viện Nhân Dân Gia Định, vân vân… Song song với việc những bịnh viện công, tư đều bị chiếm, thì những bịnh viện thuộc các tổ chức tôn giáo như Công Giáo, Tin Lành, Cơ Đốc Phục Lâm vân vân, cũng bị “tiếp quản”.

Nhưng nhắc đến bịnh viện ở Sàigòn, một nơi không thể không nhắc đến là tổng y viện Cộng Hòa. Khi nhìn lại những hình ảnh thời chinh chiến cũ, hoặc nghe lại các bài hát về đời lính chiến, người dân miền Nam và nhất là đồng bào hải ngoại vẫn thường rơi lệ. Càng không thể nào cầm được nước mắt lúc thấy hình ảnh hay đọc những bài viết về việc thương bịnh binh đã bị đuổi một cách tàn nhẫn ra khỏi tổng y viện Cộng Hòa sau ngày ba mươi tháng tư. Nhà văn Hoàng Hải Thủy viết lại theo lời kể của hạ sĩ Dương, Đại đội 4, Trung đoàn 52, Biệt Động Quân câu chuyện thương tâm về cảnh bản thân anh và hàng trăm thương bịnh binh khác bị lùa ra khỏi tổng y viện với nạng gỗ khập khểnh, hoặc phải bò lê lết trong khi bông băng còn dính đầy máu mủ, vết thương vẫn còn lở lói…

Trong bài báo ngày 23/04/2014, tờ Tin Tức Online của Việt Nam đăng một bài viết về việc Tổng y viện Cộng Hòa bị chiếm với giọng điệu lạnh lẽo, không tình người như sau: “Tổng y viện Cộng hòa lúc đó có 400 người, từ bác sĩ tới nhân viên phục vụ, cùng vài trăm thương binh của quân ngụy. Khi tiếp cận, người đầu tiên chúng tôi gặp là Chuẩn tướng ngụy Phạm Hà Thanh, Cục trưởng Cục Quân y của quân ngụy Sài Gòn, người Nam Định. Khi nghe tôi nói, ông ta nhận ra tôi cũng là người Nam Định, nên nói: Thưa quý ông, tôi cũng là người Nam Định, tôi xin bàn giao bệnh viện này. Tôi trả lời ông ta: Không, các ông thua trận, các ông phải đầu hàng vô điều kiện và quân giải phóng sẽ tiếp quản bệnh viện này, nhưng yêu cầu ông phải để nguyên đội hình bác sĩ, cả ông cũng phải ở lại. Vì nhân đạo, chúng tôi cho phép các gia đình của lính ngụy được đến đưa con em của mình tới các bệnh viện khác, còn bệnh viện này từ nay là dành cho quân giải phóng”, tướng Hiệu kể lại.”

Tôi không phải là người làm chính trị, cũng không chứng kiến trực tiếp cảnh thương bịnh binh Việt Nam Cộng Hòa bị xua đuổi, nhưng thấy rất khó tin ở sự “nhân đạo, cho phép được đưa con em mình tới các bịnh viện khác” là có thật, khi đọc đoạn tiếp theo:

“Mọi yêu cầu đều được Chuẩn tướng ngụy Phạm Hà Thanh tuân theo. Và để đảm bảo sức khỏe cho thương binh của ta, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu đã yêu cầu hai điều với ông Phạm Hà Thanh: Phải cho thương binh hưởng chế độ chăm sóc cao nhất từ trước tới nay; phải đảm bảo không để thương binh nào chết, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm. “Nghe tới từ trách nhiệm thì ông ta rất lo sợ, ông ta trình bày: Thưa quý ông, chết có nhiều nguyên nhân, nên quý ông phải có 1 hội đồng của các ông và chúng tôi để xem xét xem nguyên nhân nào dẫn đến cái chết. Tôi đồng ý, thế là ông ta bắt đầu tháo quân hàm ngụy và làm nhiệm vụ của mình, với sự giám sát của những bác sĩ phía ta”, tướng Hiệu nhớ lại.” (Phóng viên Tuyết Anh).

Từ ngày ấy đến nay, tổng Y Viện Cộng Hòa đã bị trưng thu và trở thành bệnh viện Trung Ương Quân Đội 175, ngày nay là Bệnh Viện Quân Y 175, chuyên chữa trị cho cán bộ cấp cao trong quân đội, cán bộ cấp cao Đảng - Nhà nước, và các đối tượng khác.

Khi “confirm” về số tiền phải trả cho nhà thương sau khi mổ, tôi được hướng dẫn nếu không muốn trả hết một lần thì có thể chia ra làm nhiều tháng mà không bị đóng thêm tiền lãi xuất. Sau đó lại được cho biết thêm một số chi tiết và một số nơi để tôi có thể xin giảm hoặc khiếu nại nếu không đồng ý với số tiền phải thanh toán ấy. Phải thú thật một điều là mặc dầu biết những lời nói đôn hậu của người thư ký bịnh viện hôm ấy chỉ là “thao tác nghiệp vụ”, nhưng chúng tôi đã vui vẻ cám ơn và sau đó vui vẻ trả tiền mà không thắc mắc gì thêm.

Tuy nhiên mặt khác, tôi cứ cám cảnh nghĩ đến tình cảnh khổ ải của người bịnh tại quê nhà. Đọc lại nhiều bài viết, nhiều tài liệu, lòng tôi thật buồn khi biết kể từ sau năm 1975, trong lúc tượng đài và trụ sở được xây rất lớn, tốn hàng chục triệu Mỹ kim, thì hầu như không có thêm một bịnh viện công mới nào với qui mô lớn cỡ bịnh viện Chợ Rẫy dành cho dân nghèo. Ngược lại còn phải nghe những chuyện đáng buồn như bịnh nhân phải tặng “phong bì” cho bác sĩ, cho y tá, thậm chí cho cả y công… để được nhập viện, rồi những bịnh nhân đành phải chờ chết vì không có đủ những khoản tiền viện phí hàng triệu triệu đồng Việt Nam. Lại nghe thêm bịnh nhân nếu muốn được giải phẫu hoặc chữa trị phải qua “dịch vụ” đã ăn rơ với bác sĩ… Những chuyện bên lề như bịnh nhân bị nạt nộ, bị đối xử bất công, hay bịnh viện thiếu vệ sinh, thiếu giường đến nỗi hai, ba người nằm một giường kể cả các bịnh hay lây, hoặc trẻ em phải nằm dưới đất trong thời gian được điều trị, vân vân.

Nhiều người trên thế giới không thích người Mỹ, thường không muốn nhắc đến những điều tốt mà người Mỹ đã và đang làm. Người Việt không thích chế độ đệ nhị cộng hòa, cũng thường xuyên chê bai những thành quả thời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã có được. Nhất là những người cộng sản Việt Nam hiện nay. Khi lên internet, bạn có thể tìm thấy nhan nhản những trang, những links, những tản mạn về nước Mỹ, người Mỹ, đồng thời nhiều bài viết không thiện cảm khác về thời đệ nhị cộng hòa. Nhưng với tôi, dưới con mắt của một người có đạo trong tinh thần “hãy yêu kẻ lân cận như mình”, rồi được sống trong những nước có tinh thần nhân bản cao, tôi luôn luôn cảm tạ Chúa đã cho tôi được những “kẻ lân cận”, người chung quanh đối xử với mình bằng tình thương yêu và nhân ái. Tôi luôn luôn cảm thấy mình may mắn, không chỉ vì đang được hưởng những điều kiện y tế cao, an toàn, mà là đang được học hỏi nhiều hơn về lòng nhân đạo.

Hôm nay tôi viết bài này, chủ yếu về Shriners Hospitals như một thông tin cho những bạn không có dịp nghe đến các nhà thương này, nhưng vừa như một lời tri ân sâu xa đến những người đã và đang sống vì người khác.

Tôi chân thành cảm ơn tình yêu thương ấy.

Hoàng Nga

Ý kiến bạn đọc
01/10/201518:38:38
Khách
Xin thành thật cám ơn sự góp ý của (anh/chị) Hà Ngọc Giao. Thật sự đó chỉ là cách tôi dùng chữ cho vui khi nhớ đến lời ba tôi nói thôi. Và cũng nói cho vui, thì dẫu bị đau (krank) hay bị thương (verletzt) ở Đức, chúng ta cũng đều phải đi... Krankenhaus. :-).
01/10/201516:10:25
Khách
Tĩnh từ "krank" của tiếng Đức có nghĩa là "bị bệnh" hay "đau". Còn "bị thương" là verletzt.
01/10/201513:29:01
Khách
Năm xưa, khi làm ở sở cũ ở Dallas, tôi vẫn hay vào nhà thương làm thông dịch viên cho người bệnh VN vì em ông xếp tôi làm việc trong đó thường hay nhờ. Một lần trong bữa ăn chiều với các nhân viên làm trong bệnh viện, tôi nêu ý tưởng: “Nếu có quyền năng, tôi sẽ bắt tất cả mọi người phải vào nhà thương mỗi năm một tuần để làm việc thiện nguyện”. Một nhân viên trả lời: “Ý rất hay vì nhà thương cần rất nhiều sự đóng góp. Không cần đến những một tuần, chỉ cần tất cả mọi người đều vào giúp ba ngày thôi chúng ta sẽ giải quyết được rất nhiều chuyện”. Tôi trả lời: “Anh đã hiểu lầm ý tôi rồi. Tôi không hề có ý tưởng giải quyết vấn đề tài chính hay nhân lực cho nhà thương. Ý tôi muốn nói là khi vào trong bệnh viện, thấy được đau đớn, khốn khổ vì bệnh tật, người ta sẽ sống cẩn thận hơn, năng tập thể dục hơn và thương mến, bao che nhau nhiều hơn. Vì thế mà nhà thương sẽ ít bệnh nhân hơn. Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Hiện nay tôi thấy có rất nhiều phòng tập thể dục mở ra so với ba mươi năm trước đây. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy ít người VN tới tập. Hy vọng họ có máy tập thể dục trong nhà và đi bộ mỗi ngày.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,050,065
Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014.
Tác giả sinh năm 1938, cựu sĩ quan an ninh quân đội, sang Mỹ theo diện H.O1. vào năm 1990, hiện đã về hưu và an cư tại Westminster.
Nguyên Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Sang Hoa Kỳ theo chương trình H.O. 12. Đã từng được giải thưởng đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011 với bài viết: “Câu chuyện của một H.O.”
Nhân dịp “25 Năm Hội Ngộ H.O. và Gia Đình” sắp được tổ chức vào ngày 8 tháng 11, 2015, tại Westminster, miền Nam California,
Tác giả sinh năm 1948 tại Biên Hòa, Việt Nam, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện định cư tại Riverside, California.
Tác giả từng là nhà giáo, cựu sĩ quan, và hiện là nhà hoạt động xã hội, nhà báo nổi tiếng, thầy dạy khí công, đã xuất bản nhiều sách Việt ngữ và anh ngữ.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ. Sau nhiều năm làm một viên chức chính phủ tại miền Đông, Nguyên Phương đã hưu trí và tìm về vùng Little Saigon.
Tác giả hiện là một bà giáo dạy trẻ tại Marrysville, thành phố nhỏ cổ xưa nhất của Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum,
Ngày 21 tháng Sáu sẽ là Father's Day 2015. Mời đọc bài viết mới của vhp. Hạ Vũ. Trước 1975, tác giả là cô giáo dạy Việt văn tại trung học Miền Nam.
Việt Báo ngày 3 tháng Sáu, tác giả Khôi An viết về Sinh Viên Gốc Việt tại Đại Học Stanford và Đêm Văn Hóa Việt 2015. Phần tiếp sau đây kể về Chiều Tưởng Niệm 30 Tháng Tư tại Stanford và tâm sự 40 năm sau của vị tướng VNCH từng sát cánh cùng đồng đội trong trận chiến sau cùng và trải qua 17 năm tù đầy
Nhạc sĩ Cung Tiến