Hôm nay,  

9/11: Một Giấc Chiêm Bao!

11/09/201500:00:00(Xem: 17519)

Tác giả: Lệ Hoa Wilson
Bài số 3621-17--30111vb6091115

Ngày này, 14 năm trước, khủng bố đã tấn công nước Mỹ. Bài viết mới của Lệ Hoa Wilson là chuyện của một bà mẹ Mỹ Tho kể về người con hiện là nữ trung tá làm việc tại Ngũ Giác Đài. Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ. Ông bà có văn phòng Di Trú-Thuế Vụ tại Long Beach.

* * *

blank
Trụ sở Ngũ Giác Đài bị khủng bố tấn công ngày 11 tháng 9, 2001.

Chúng ta tạm gọi nó là Mì Tô, bạn nhé.

Nó là con gái, sinh năm 1968 tại Việt Nam. Ba Mỹ. Má Việt. Và trước sau nó chỉ có một mình, không có thêm anh em nào nữa.

Mỗi tháng nó theo mẹ về Mỹ Tho thăm bà ngoại. Trong đời nó không có món nào ngon bằng chuối chiên của dì Tám, giò chéo quẩy của Hai Hửng và nước mía của Má Thằng Lộc. Nó nghe người lớn kêu sao thì kêu vậy và một lần nó ăn một bạt tay nhẹ của bà ngoại vì nó kéo áo má nó nói: “Con muốn uống nước miá của Má Thằng Lộc”. Bà ngoại hỏi má nó chớ cô có biết dạy con không, sao để nó ăn nói hỗn hào như vậy? Má nó định nói gì đó nhưng lại thôi.

Cái tát tay không làm nó đau nhưng làm nó khó hiểu. Nếu là ba nó thì ông sẽ giải thích cho nó biết nó làm lỗi gì, phải sửa đổi ra sao và ông sẽ nheo một mắt, đưa ngón tay cái của bàn tay mặt lên trời và nói “không có lần sau nữa, phải không con gái yêu quí của ba” và dĩ nhiên nó vui vẻ gật đầu.

Nó cũng không hiểu tại sao khi bị bạt tay nó không khóc mà má nó lại khóc khi bà ngoại nói chuyện nhẹ nhàng với má nó. Nó nằm ngủ trên bộ ván ngưạ, vòng tay ngắn ngủi choàng qua ôm ngang bụng mẹ. Tiếng hỷ mũi sột soạt và từng cơn nấc làm bụng mẹ nó trồi lên hụp xuống khá nhanh khiến nó tỉnh giấc. Một vài giọt nước mắt rơi xuống mu bàn tay làm nó thấy lành lạnh và trong lòng nó nổi lên một cảm giác là lạ. Nó cố gắng nhớ lại coi những khi ở nhà má nó khóc thì ba nó làm gì? Hình như ông nói nhiều lắm nhưng nó chỉ nhớ và thích câu “Em hãy tựa đầu lên vai anh và khóc đi, khóc cho tới khi em hết buồn!” Nó nghiệm ra rằng khi buồn thì người ta khóc và khi khóc thì phải khóc cho đến khi nước mắt không chảy ra nữa thì mới hết buồn.

À thì ra má nó đang buồn. Nó sửa soạn ngồi dậy để nói với má nó cái câu ba nó thường nói và sẽ đưa cái vai nhỏ nhắn của nó ra cho má nó dựa vào. Lòng nó thương mẹ nhiều đến đổi nó vùng dậy như một cây tên bật ra khỏi dây cung, miệng méo xệch và mắt ướt nhẹp.

- Má…má…dựa vào…

Nó lắp bắp cố nhớ lại lời ba nó thì bà ngoại đã nạt ngang:

- Con nít biết gì mà lộn xộn. Ra ngoài sân chơi đi!

Má nó đưa tay vuốt đầu nó rồi nhét vô tay nó hai tờ giấy bạc:

- Con xuống bếp nói dì Hai dẫn con đi mua chuối chiên và nước mía đi. Má thương con.

Khi nó trở về từ đầu ngõ, một tay cầm miếng chuối chiên vàng rợm, một tay ly nước mía lạnh ngọt ngào, nó thấy một đám trẻ bu quanh một người đàn bà mà la hét, quơ tay múa chân. Đám con trai thì nhảy loi choi, miệng hò hét nhẩy … nhẩy, đám con gái thì vừa la liệng… liệng vừa vung tay liệng tất cả những gì chúng đang cầm: lá chuối, bông phượng, đất sét, gạch ngói…

Người đàn bà đầu tóc rũ rượi, mồ hôi chảy đầy trán, quần áo xộc xệch vừa nhảy vừa liệng ra tất cả những gì bà đã nâng niu: hai trái chuối xiêm, nửa đòn bánh tét và một tờ giấy bạc nhàu nát.

Có mấy người lớn làm công việc lặt vặt trước cửa nhà nhưng không ai rầy la ngăn cản đám con nít. Có lẽ chuyện nầy xảy ra thường ngày nên họ cũng chẳng buồn để ý.

Lòng của Mì Tô thắt lại. Ba má nó thường dạy nó phải kính trọng và thương yêu người khác, nhứt là những người tàn tật, bịnh hoạn. Hiện tại, dưới mắt nó, bà già nầy đúng là người ba má nó thường khuyên dạy nó phải giúp đỡ và yêu thương.

Nó kéo tay áo dì Hai và cố gắng dùng tất cả tiếng Việt mà nó biết:

- Dì Hai, ngừng đi... ngừng đi.... Bà già mệt rồi... áo ướt rồi...

Dì Hai hiểu nó nên bước lên nắm tay môt thằng nhỏ có vẻ là đầu đàn và la lớn:

- Đủ rồi tụi bây. Bà Sáu khùng gần xỉu rồi. Đồ quỷ, đi chỗ khác chơi!

Thế là tụi nhỏ tan hàng. Bà Sáu đứng lại thở hồng hộc và lết lại gốc cây phượng ngồi xuống. Mì Tô ngồi xuống cạnh bà, đưa ly nước mía:

- Bà ơi uống nước mía của Má...., nó sực nhớ lại cái tát tay nhẹ của ngoại nên nói lảng:

- Nước mía và chuối chiên ngon lắm, bà ăn đi, uống đi.

Người đàn bà đưa tay ra cầm tay Mì Tô, nhìn nó chăm chăm và hai dòng nước mắt lặng lẽ chảy dài.

Qua lời thuật lại của dì Hai, má nó biết là lúc đó bà Sáu khùng và Mì Tô nắm hai tay nhau, tay Mì Tô còn cầm ly nước mía và tay kia miếng chuối chiên. Hai tay bà Sáu bọc ngoài hai tay nó và họ nhìn nhau. Cảnh tượng lúc đó có cái gì là lạ làm dì Hai nổi gai ốc, hình như có cái gì xoáy tròn, hình như có cái gì nhẹ nhàng bay lên... Dì Hai sợ ma nên kéo tay Mì Tô lôi về.

Sau đó mỗi lần về thăm ngoại, Mì Tô thường hay đem quà bánh nó để dành và đem lại chia xẽ với bà Sáu. Khi gặp nó thì bà Sáu lại tỉnh táo kể cho nó nghe chuyện con Tấm con Cám, chuyện câu cá bắt cua ở quê bà, chuyện cây xoài gây lộn với cây ổi v.v..và nó cười vui vẻ cùng bà. Hình như nó là đứa trẻ duy nhứt hay có thể nói nó là người duy nhứt đối xử với bà Sáu như Một Con Người.

Nhiều năm về sau Mì Tô mới biết những lần về thăm bà ngoại đã ảnh hưởng tới cuộc đời nó huyền diệu đến thế nào. Nó không thể thay đổi được dĩ vãng, nhưng tương lai thì…

*

blank
Trụ sở Ngũ Giác Đài bị khủng bố tấn công ngày 11 tháng 9, 2001.

Năm 1975, mẹ con nó theo ba nó về Mỹ và từ đây nó trở thành cô Maddison.

Cái tên Mì Tô là do ba nó phát âm tiếng Mỹ Tho ngọng nghịu làm mọi người bật cười và gán cái biệt danh đó cho nó. Còn má nó khóc mỗi lần về thăm ngoại là vì bị mẹ rầy rà đay nghiến về cái tội lấy Mỹ! Bận rộn với cuộc đời mới nó quên hẳn tên Mì Tô cũng như bà Sáu khùng.

Đối với Maddison, mẹ cô là người làm cho cô biết thương yêu đồng loại và sẵn sàng chia xẻ. Nhưng ba cô lại tạo cho cô một tình yêu quê hương thắm thiết, đậm đà. Cô yêu nước Mỹ và nước Việt Nam tuy rằng nước Mỹ đối với cô gần gũi, thiết thực còn nước Việt Nam thì xa lạ, mơ hồ.

Trong suốt thời kỳ theo học đại học, cô lúc nào cũng nghĩ tới học môn gì, làm nghề gì cho có ích lợi cho Mỹ và Việt Nam? Và cô đã chọn ngành Criminal Justice và học rành rẽ tiếng Nga vì cô nghĩ rằng người Nga và người Tàu đã giúp cộng sản chiếm miền nam. Lúc đó tiếng Tàu không thông dụng ở Mỹ nên cô chọn tiếng Nga và gia nhập quân đội. Sau nầy nếu cô có là một spy thì ngoại hình của cô sẽ thích hợp với châu Âu hơn là châu Á.

Năm 2001, Maddison đã là một chuyên viên nghiên cứu, theo dõi và cung cấp các hoạt động tình báo của Nga cho Ngũ Giác Đài và mang cấp bậc thiếu tá.

Tối ngày 10 tháng 09 năm 2001, cô ngủ và có một giấc mơ kỳ lạ. Cô thấy lại bà Sáu mà cô đã quên từ rất lâu. Bà hôm đó sạch sẽ hơn và có vẻ tỉnh táo hơn. Bà đứng nhìn cô và nói:

- Bà điên sẽ cứu con, bà điên sẽ cứu con.

Tỉnh dậy rồi ngủ lại, hai ba lần cô đều có cùng một giấc mơ. Đầu óc cô lộn xộn giữa mộng và thật. Rồi cô ngủ, rồi mơ, rồi ngủ...

Sáng 11 tháng 09 thức dậy cô bần thần, đầu óc thiếu ngủ nên dật dờ. Dù vậy, cô vẫn nhớ là hôm nay có một cuộc họp quan trọng với các trưởng lão của Ngũ Giác Đài và cơ quan tình báo Mỹ (CIA) mà cô là người thuyết trình và giải thích một chương trình mới về các hoạt động gián điệp của Nga. Cô vội vã sửa soạn đi làm. Trên đường đi, giấc mơ tối qua làm cô bối rối. Có cái gì đó thúc đẩy cô khiến cô vừa lái xe vừa dùng điện thoại có loa loại đặc biệt gắn riêng cho xe cô, gọi bà mẹ ở California.

Hai mẹ con dĩ nhiên nói tiếng Mỹ nhưng tôi xin viết lại bằng tiếng Việt cho dễ hiểu hơn:

- Mẹ à, tối qua con nằm chiêm bao kỳ quá. Con thấy cái bà già ở gần nhà ngoại đó...

- Bà già nào con? Có bà con với mình không? Phải dì Tám Phong, má anh Nhơn không?

- Không phải mẹ à. Cái bà con hay cho bánh mỗi khi con về Mỹ Tho đó. Cái bà bị tụi nhỏ bắt nhảy tửng tửng đó...”


- À ạ, “bà Sáu khùng!”

- Phải rồi, bà Sáu. Mà sao con thấy bữa nay bà có vẻ tỉnh rồi mà còn nói cái gì lạ lắm con không hiểu.

- Bả nói gì ?

- Bà nói cái gì mà cứ “ ba đen cưu con, ba đen cuu con”.

Mẹ cô bên CA cũng ngẩn ngơ không biết cô nói cái gì vì cái accent tiếng Việt của cô nặng quá. Cái gì mà “ba đen cuu con”? Mẹ cô nghĩ hoài không ra. Hai mẹ con bàn qua tán lại một lúc cũng không đi đến kết quả. Mẹ cô nói hay là con cúp điện thoại đi để mẹ suy nghĩ một lúc rồi con gọi lại nghe.

Mười phút sau, cô gọi lại. Lại một hồi nói ra nói vào. Lại cũng không kết quả. Không biết có cái gì đó trong cô thúc đẩy cô phải tìm hiểu và cô cứ lằng nhằng với mẹ. Khi cúp điện thoại thì cô nhận ra cô đã đi quá con đường chỗ phải exit để tới sở làm. Có hơi quýnh quáng vì sợ trễ buổi họp, cô lái xe nhanh hơn và quẹo vào cái exit kế đó.

Trời ơi, hôm nay không phải là ngày của cô. Đêm thì chiêm bao lung tung thiếu ngủ. Sáng thì nói cả tiếng mà mẹ không hiểu làm cô mất tự tin. Đi làm thì lố cái ngả rẽ. Bây giờ thì đằng trước có cái gì mà xe lại đùn đống như vậy? Mà cái gì đưa đẩy làm cho cô phải chú tâm tới một giấc chiêm bao tào lao như vậy? Đó không phải là tính cách của một quân nhân trong ngành nghề của cô.

Cô thở dài ân hận. Tại sao cô lại không chờ tới tối rồi hãy hỏi mẹ? Tại sao lại thắc mắc về một giấc mộng mị vặt vãnh, bâng khuâng về lời nói của một người đàn bà đã đi qua đời cô quá lâu rồi?

Vậy là đúng vào ngày 11 tháng 09 năm 2001, cô Maddison vì nói chuyện điện thoại với mẹ nên đi lố ngả rẽ và bị kẹt xe trong ngả rẽ tiếp vì có tai nạn xe cộ đằng trước. Đồng hồ cô chỉ 9 giờ 15 sáng mà buổi họp định sẽ diễn ra lúc 9 giờ sáng và kéo dài tới 11 giờ. Nóng nảy, cô kêu viên trung úy phụ tá và nhờ ông thông báo với mọi người liên hệ là cô xin dời lại giờ họp là một giờ trưa và cô xin trung úy nói với đại tá trưởng phòng là cô thành thật xin lổi và sẽ vui lòng nhận chịu mọi trách nhiệm.

9:37 sáng ngày 11 tháng 09 năm 2001, cô Maddison ngồi trong xe đang chờ cảnh sát dọn dẹp đường thì một tiếng nổ kinh hồn bùng lên. Chiếc xe cô lắc lư, rung rinh. Cô thoáng nghỉ trời ơi sao mà xui quá, tai nạn phía trước chưa dọn xong thì lại có tai nạn nữa, kiểu nầy khi tới được sở chắc là bị đổi đi phòng khác nhỏ hơn, chức vụ khác thấp hơn. Khi cô nhìn lên thấy khói bụi bốc mù mịt từ phía tây của tòa Ngũ Giác Đài thì tim cô từ 70 độ nhảy lên 120 độ và máu thì chảy rần rật trong thân thể. Cô len lõi giữa các xe, lái xe lên bờ lề, bất chấp những tiếng còi và lời ta thán của những người lái xe khác, chìa cái thẻ của NSA (National Security Agency) cho người cảnh sát và lái như điên đến Ngũ Giác Đài. Chiếc máy bay số 77 của hãng American Airline bị bọn khủng bố lái thẳng vào tầng một của mặt tây tòa nhà làm sụp đổ một phần ba các tầng phòng và giết hại một trăm hai mươi lăm nhân viên dân sự và quân đội.

Cô Maddison đứng nhìn đống gạch đá khổng lồ chất chồng lên những thân hình oằn oại máu me rồi ngồi sụp xuống ôm mặt khóc nức nở. Đây là văn phòng cô làm việc, đây là nơi cô có buổi hẹn sáng nay, đây là thân thể đẫm máu của trung úy Garrison vừa mới Yes, Major. Will do” lúc 9 giờ 15 sáng.

Nếu cô không nằm mơ, nếu bà khùng không nói lảm nhảm làm cô phải kêu mẹ, làm cô đi lố đường, làm cô kẹt vì tai nạn, làm cô trễ giờ đến sở thì trong đống gạch vụn đó với tay chân gảy nát, với tim óc tung tóe đã có thêm một thiếu tá Maddison và 20 viên sĩ quan khác.

Cô kêu mẹ vừa khóc vừa nói Mẹ ơi bây giờ con hiểu bà Sáu nói gì trong giấc mơ của con. Sau khi nghe con gái kể lại mọi chuyện, bà cũng khóc nói bây giờ mẹ cũng đã hiểu “Bà điên cứu con. Bà điên cứu con” là những lời mà bà Sáu đã gởi gấm cho con.

Sau đó, mẹ cô có nói cho cô biết là bà Sáu đã chết năm 1985. Sở dĩ bà bị khật khùng là vì đã chứng kiến cái chết đau thương đột ngột của chồng con. Chồng bà là một quân nhân của Việt Nam Cộng Hòa. Năm ngày trước khi chồng bà về nghỉ phép, một ổ đặc công của việt cộng trong làng đã bị quân đội VNCH càn quét, thiệt hại đáng kể. Để trả thu, một trái lựu đạn đã được bọn đặc công còn lại thảy vào nhà ba. Bốn giờ sáng ngày định mệnh, bà bơi xuồng chất đầy mận, ổi, nhãn ra chợ quận bán để mua thêm thịt cá về đãi chồng trong những ngày nghỉ phép. Khi trở về, Bà đã thả rơi những gói rau thịt xuống đất khi trông thấy xác chồng và đứa con gái 5 tuổi, và từ đó bà đã thả luôn đời mình cho gió bụi và trở thành bà...khùng.

Có lần bà tỉnh lại và tâm sự với mẹ của Mì Tô rằng kể từ ngày bà mất chồng con, chưa có ai đưa cho bà thức ăn với tất cả trân trọng và thương yêu như Mì Tô đã làm. Cũng chưa có ai nhìn bà với ánh mắt như Mì Tô đã nhìn.

*

blank
Trụ sở Ngũ Giác Đài bị khủng bố tấn công ngày 11 tháng 9, 2001.

Mẹ cô Maddison là cư dân San Pedro, CA. Bà làm cho học khu của quận Los Angeles, phục vụ buổi ăn trưa cho học sinh một trường trung học tại Long Beach. Và bà đến văn phòng tôi làm thuế hằng năm. Nhờ thế tôi được bà kể lại rành rẽ chuyện của Mì Tô.

Bà không phải đạo Phật, chỉ là đạo ông bà nên bà cũng không rành lắm về lý thuyết nhà Phật. Tôi không phải là nhà thần học để hiểu được những liên quan của linh hồn, không phải là một người tu hành đạo cao đức trọng thấy được dĩ vãng tương lai, không phải là bà đồng bóng biết chuyện trò với người đã qua đời. Tôi lại càng không tin tưởng vào thần linh và ma quỷ.

Vậy tôi và bạn phải nghĩ sao đây về hành động đầy tình người của một cô bé lúc sáu tuổi, kết quả là hai mươi mấy năm sau nó đã cứu đời cô? Tôi thật không biết. Trong vũ trụ bao la kia, sự hiểu biết của con người như hạt cát mà sự huyền bí thì vô cùng vô tận.

Dù sao, sau khi nghe chuyện, tôi cũng đã chia xẻ với mẹ của cô Maddison hai điều tôi học được trong chuyện nầy. Đúng hay sai tùy theo cảm nghĩ của từng người.

Thứ nhứt là cháu Mì Tô đã cho người mẹ mất con đau khổ kia một tình thương trong sáng, ngọt ngào. Trong lòng bàn tay của đứa bé 6 tuổi, ly nước mía và trái chuối chiên đã bốc hơi lên thành một cái nhân khí huyền diệu đợi chờ. Trong cái phút hai cặp mắt thương yêu, ơn nghĩa nhìn nhau, một kết quả chắc chắn đã thành hình đâu đó: TÌNH NGƯỜI!

Phải rồi bạn ơi. Tình người đã thành hạt mè và ngày đó, hai mươi mấy năm trước, dì Hai đã cảm thấy nó hình như xoáy tròn bay lên không trung và nằm đó đợi chờ, lại cũng hình như vĩnh viễn ngưng đọng giữa hai trái tim cùng dòng máu đỏ. Như một giọt nước li ti bốc hơi lên từ đại dương và chờ ngày thành đám mưa rơi xuống cứu thoát nhân gian.

Thứ hai là lòng biết ơn của người đàn bà điên loạn. Trong một giây phút ngắn ngủi nhận ly nước mía và trái chuối chiên, sự biết ơn sâu đậm đó, sự cảm nhận được yêu thương đó đã làm sống dậy trong bà một nguồn năng lượng vô biên. Nó làm cho cánh cửa tâm hồn bà mở ra, nhận biết lại khổ đau cũng như hạnh phúc. Chỉ một sát na. Nhưng trong cái sát na đó, hai loại tình cảm thiêng liêng đã hòa quyện vào nhau thành một cái nhân nằm đó. Rồi một ngày nào đó với đầy đủ đất nước gió lửa, hột mè sẽ nở. Quả sẽ trổ tròn đầy. Ngay trong cuộc đời hay trong giấc chiêm bao. Và huyền diệu thay, giấc mơ lại tác dụng sâu đậm tới hiện thực, hòa quyện vào nhau cứu độ mạng người. Mộng hay Thực? Vô Thường!

Tôi nhớ lại một lời dạy của đức Phật “Đừng khinh những điều thiện nhỏ mà không làm!” Và tôi tin có một chuyện linh thiêng mà ta có thể cầu khẩn để đời ta luôn có nhiều hạnh phúc! Đó là hãy cầu khẩn cho lòng thương yêu nhân loại luôn đâm chồi nẩy lộc trong tâm hồn ta.

Năm 2006 mẹ cô Maddison có cho tôi đọc một bài viết về cô của Ngũ Giác Đài nhân dịp cô được phong lên chức trung tá, có nhắc lại ngày 11 tháng 09 không thể nghĩ bàn của cô.

Vì chức vị và nghề nghiệp của cô nên tôi đã đổi tên cô khác đi một chút. Có một điều chắc chắn là tên giữa của cô có hai chữ M.T., có nghĩa là Mỹ Tho!

Lệ Hoa Wilson

Ý kiến bạn đọc
05/10/201517:50:31
Khách
Hoàng Uyên ơi,
Như chị đã viết đó, vũ trụ thì bao la mà sư hiểu biết của con người thì như hạt cát. Những người mà ta kêu là " tửng tửng " đó chỉ mất một phần hoạt động của trí óc nhưng chị nghĩ là tâm linh họ vẫn còn nguyên vẹn, tình cảm họ vẫn còn dồi dào. Họ cũng vẫn yêu thương hờn giận ơn oán như chúng ta nhưng không thể diễn tả toàn vẹn và vì thế chúng lại mãnh liệt hơn, xúc động hơn, ảnh hưởng sâu đậm hơn tới vòng xoay vận mệnh. Dù sao hãy thương yêu và đưa tay ra như em đã cảm nghĩ. Mọi chuyện sẽ theo nhân quả mà thành hình.
Cám ơn em đã đọc bài và quan tâm.
Chị LHW
29/09/201514:06:31
Khách
Bài viết này rất có giá trị về giáo dục đạo đức,mong rằng có được nhiều bài có ý nghĩa như vầy được đăng trên nhiều mục lớn . Đọc bài này mình nhớ Mỹ Tho của mình quá,và nhớ lại thuở nhỏ mình cũng thường thấy nhiều người hay đối sử tệ với những người thần kinh không được bình thường,điều đó làm mình thấy bất nhẩn nên hay bênh vực họ,hồi ấy mình không hiểu tại sao họ có vẽ quí mến mình ,kể cả những người mà mình chưa từng bênh vực ? Có lẽ giác quan của họ cảm nhận được? Chị Lệ Hoa nếu có thì giờ giải thích cho mình nhé, cảm ơn nhều.
18/09/201510:56:15
Khách
Bai viet rat hay va cam dong. Mi To song co nhan nghia, da va se duoc nhan qua tot tren doi.
16/09/201503:32:51
Khách
Con chào cô LỆ Hoa
Bài này con nhớ có đọc ở đâu rồi Cô viết về bà khùng y chang như câu chuyện trên.
Tòa soạn không chỉnh các dấu chính tả làm cho bài viết mất haycô héng?
Cô là Phật tử nên bài nào con cũng thấy có giáo lý trong đó.
Cô kể chuyện về quê Mỹ tho giống chuyện quê của con.
13/09/201506:59:06
Khách
Rất nhiều chuyện xảy ra ở đời không ai có thể giải thích được, những hành động của chúng ta giờ phút này đang tạo nên một nghiệp quả trong tương lai, hay chúng ta đang gặt hái kết quả của hành động của chúng ta trong quá khứ.
Cám ơn chị Lệ Hoa đã kể lại một câu chuyện đầy tình người và luật nhân quả.
13/09/201506:35:13
Khách
Bà Lệ Hoa Wílon là một nhà văn sinh trưởng tại Mỹ Tho, Nam VN. Sau '̃̀75, Bà sang Mỹ và hội nhập vào đời sống Mỹ, mở cơ quan dịch vụ khai thuế ở LB, CA. Tuy đã sống và lập nghiệp ơ ̉M̃ỹ đã lâu nhưng Bà lúc nào cũng nặng lòng với quê hương và văn hóa miền Nam VN trước '75 mà chúng ta đã thấy qua những bài viết trước đây cùa Bà. Ngoài ra, Bà còn là Phật Tử ngoan đạo, tin tưởng vào thuyết "nhân qủa": ác giả, ác báo, làm lành sẽ có qúy nhân phù trợ...và đã được Bà diễn ta qua nhân vật Maddison hay cô gái Mì Tô do lòng tốt đã được cứu sống trong biến cố 9/11, một sự kiện có thật và đã làm đảo lộn nước Mỹ.
Cám ơn Bà LH.Bài viết rất cảm động và nhiều ý nghĩa.
13/09/201505:43:20
Khách
Trong văn chương VN tôi nhớ có câu"thiện tâm bởi tại lòng ta......"Tác giả Lệ Hoa quả là một nhân tài,Bà viết văn như bao chuyện bình thường,nhưng Bà đã rất khéo tả tình cảnh trong mỗi tác phẩm,khiến người đọc như thấy được nhân vật như là đang hiện diện trong đời sống,và chuyện nhân quả là chuyện tất nhiên,tấm lòng cô gái nhỏ đâu có tính toan gì lúc mời quà Bà Sáu.....
13/09/201502:04:03
Khách
Bài viết rất hay và cảm động.

Sáu
13/09/201500:54:02
Khách
Chị Lệ Hoa vẫn có giọng văn kể chuyện thật giản dị, chân tình và hấp dẫn, hấp dẫn nhờ chân tình trong câu chuyện. Bài này nên được đăng ở một mục lớn hơn, nhiều người tìm đến hơn. Và tòa soạn cần sửa lỗi chính tả cho bài vở trước khi đăng, để nâng cao giá trị cho bài báo và nêu gương viết tiếng Việt đúng, đồng thời không làm cho những độc giả trẻ tuổi vô tình noi vết sai chính tả vì sách bào Việt ngữ được họ coi là khuôn mẫu cho chữ Việt. Tác giả có thề sơ xuất vì vội gửi bài, nhưng tòa báo đăng bài cho công chúng đọc, không thể sơ xuất. Lời thật thường gây mất lòng. Xin thứ lỗi.
12/09/201516:02:04
Khách
Rảm động. Một Ỏca truyện ngán 2015.

Tùng Lê
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,075,359
Bài viết lá một đoạn ghi ngắn nhân mùa Lễ Tạ Ơn 2015. Tác giả, 82 tuổi, là người viết thân quen với bạn đọc Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Trước 1975 tại Việt Nam, ông là một luật gia, nhà hoạt động văn hóa xã hội.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975: Dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO. Bà kể, “Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính Hoa Kỳ.
Bài viết mới của Lệ Hoa Wilson là chuyện của mùa lễ, gồm 2 ngày Cựu Chiến Binh và Lễ Tạ Ơn, cùng trong Tháng 11. Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa,
Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả được ký bút hiệu và tên thật. Thời VNCH, ông là một nhà giáo. Từ 1972-1975, là giáo chức biệt phái về nguyên quán,
“Dân số cho” tại nước Mỹ là 78 triệu con. “Công nghiệp” phục vụ chó năm 2015 là 60,6 tỷ mỹ kim. Nhiều chuyện khác thường. Mời đọc bài mới của Kông Li.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Tác giả là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Viết Về Nước Mỹ 2014, với 14 bài, trong đó có bài “Chú Lính Mỹ,” Phùng Annie Kim đã nhận giải danh dự.
Lễ Tạ Ơn đầu tiên của gia đình tôi trên đất Mỹ tại Thành Phố Westminster, Nam California, cách đây mười chín năm. Lúc đó chúng tôi mới đến Mỹ được vài tháng.
Tác giả là cư dân Orange County và là giáo chức tại một trường trung học ở Los Angeles. Với bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, “Người Lao Công,” chuyện một nữ sinh viên có bố là lao công trong trường đại học,
Nhạc sĩ Anh Bằng, tên thật Trần An Bường, sinh năm 1926 tại Nga Điền, Nga Sơn, Thanh Hóa, từ trần ngày 12 tháng 11, 2015 (90–91 tuổi) tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến