Hôm nay,  

Nhạc Mẫu Viếng Thăm

19/08/201500:00:00(Xem: 11440)

Tác giả: Y Châu
Bài số 3602-17--30192vb4081915

Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết, tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

* * *

Nhạc mẫu và gia đình tôi cùng ở Mỹ, nhưng cách xa hơn 6 giờ bay. Mỗi tuần đều có gọi điện thoại vấn an, nhưng viếng thăm thì "năm khi mười họa".

Mỗi ngày bà càng thêm yếu, mang nhiều bệnh già, đi đứng khó khăn. Một hôm bà thông báo: các con, các cháu, các chắt,... là cuối năm nay, bà sẽ theo người em về Việt Nam, ở bên đó luôn, không trở lại Mỹ nữa.

Mọi người đưa ra ý kiến là: quyết định về Việt Nam sống hết cuộc đời còn lại của bà là không đúng! Riêng bà thì nói:

- Không ai biết mình hơn chính mình.

Bà vẫn giữ quyết định về Việt Nam ở luôn!

Bà muốn qua thăm chúng tôi lần cuối cùng trước khi về quê hương. Nhưng mấy lần được lên kế hoạch đều không thành, vì mọi người đều bận rộn, không ai đưa đón. Bà buồn bã than thở:

- Mừng hụt!

Hết xuân rồi đến hạ, cái nóng hừng hực lại về, gió biển mang hơi ẩm vào đất liền. Hoa phượng đua sắc, một màu đỏ hồng rực rỡ. Những cánh hoa làm xong nhiệm vụ của mình, lã tã rơi rụng, xuất hiện những trái non nõn nà, đung đưa trước gió.

Đứa cháu của bà, sau nhiều năm đèn sách, thông báo cho mọi người một tin vui: cô vừa "pass" cái "board", chờ đợi "interview" để nhận việc làm. Trong thời gian nầy, từ Houston, Texas, cô xung phong thỏa mãn nguyện ước của bà là đi rước bà từ quận Cam, California qua Miami, Florida.

Đúng giờ, chúng tôi ra phi trường đón, hàng rừng người đến đi, náo nhiệt ồn ào. Qua lại mấy vòng nhưng không thấy bà, bỗng nhiên có tiếng Việt Nam la lớn:

- Ở đây, ngoại ở đây nè!

Thì ra bà ngồi lọt thỏm trong chiếc xe đẩy, được một nhân viên của phi trường to lớn đẩy đi, nên bị che khuất nên chúng tôi không tìm ra.

Bờ Tây, bờ Đông của nước Mỹ cách xa nhau ba múi giờ, chưa tới 8 giờ sáng (giờ bờ Tây 5 giờ); mặt trời còn lẩn khuất dưới rặng cây xanh, ánh nắng vàng len qua khung cửa. Mấy cô chú sóc nhảy nhót, chim muôn vui đùa trên cành sau nhà, nhưng tôi chẳng nghe tiếng hót chào đón bình minh quen thuộc... mà vang vang đủ giọng nói dòn tan ngoài phòng khách. Tôi chợt nhớ ra là nhạc mẫu vừa đến nhà hôm qua. Tôi vội vàng ra khỏi giường để thêm phần náo nhiệt.

Người ta thường nói, ôn chuyện quá khứ là mình đã già, nói chuyện hiện tại là mình đang xuân, dệt mộng tương lai là mình còn trẻ trung yêu đời. Chúng tôi thì đầy đủ cả ba thế hệ, nên câu chuyện quyện vào nhau rất lý thú không phân định được đang nằm ở thế kỷ thứ 20 hay 21, nó tuôn trào như dòng thác đổ mùa mưa.

Bà nhạc mẫu tôi lơ đãng nhìn xa xăm, mới đây mà cảnh vật đà thay đổi, hàng cây mỗi ngày một vươn cao một màu xanh ngát, còn mặt đất dường như mỗi ngày một trũng xuống... Rồi bà đưa mắt chăm chú nhìn cây mít (ướt), đầy những trái nặng trĩu, treo lủng lẳng từ gốc đến ngọn, sẵn sàng chờ người tới mua, bà nói:

- Người mua sẽ lựa những trái lớn, đầy đặn còn những trái nhỏ đèo đẹt, đừng bỏ phí của trời cho. Lột ra lấy múi mít, bỏ vào trong ngăn đá để dành ăn. Còn nữa, trái mít ướt còn non, mình tỉa bớt, đừng bỏ đi; gọt vỏ bên ngoài luộc sương, đem vào chùa hiến tặng để làm đồ ăn chay là công đức.

Tôi nhớ lại chuyện xưa khi còn ở Việt Nam cái thời mà: "người người cùng gảy (gãi)". Người ta nói là bị trời hành. Từng nhà, rồi cả xóm đều bị ghẻ ngứa. Xuất hiện mấy ông thầy thuốc chế thuốc trị ngứa (gồm lưu huỳnh và dầu) vô lọ bán cho mọi người. Thuốc tạm thời hết ngứa, nhưng từ chỗ ngứa có mùi hôi không chịu nỗi! Đứa con gái tôi chen vào:

- Lúc đó con có bị ngứa không?

- Con chừng vài tuổi, con cũng bị ngứa hết hai bàn tay, rồi đụng đâu con chà đó cho đỡ ngứa, máu chảy tùm lum, bà nói.

Cũng vào năm đó, nước lũ dâng cao, ngập lụt nước mênh mông, rồi khi nước xuống... nghe theo mấy người bạn, tôi trồng cải bắp.


Đất được lên giồng (vồng), ngay hàng thẳng lối để thuận tiện chăm sóc. Khi xuống giống chừng hơn tháng, thì cây cải bắp bắt phân, bắt đất lớn nhanh như thổi, chuẩn bị "ốp bắp". Một hôm, không biết từ đâu xuất hiện một đàn sâu tấn công đám cải bắp, trong đó có con "sâu dù"; còn gọi là sâu tơ, ở đầu nó có sợi tơ nhỏ giống như sợi dây của lính dù, có tiếng động là buông dù chạy mất. Thuốc trừ sâu cũng không trị được chúng. Tôi nghe lời chỉ dẫn đi hàng trăm cây số ngàn, đến chợ Thốt Nốt tìm mua được dây thuốc cá (derris elliptica: có chứa chất rotenone rất mạnh, diệt được cá, sâu bọ,..). Sau khi giã nhỏ, lấy nước trộn với xà phòng mang bình đi xịt, nhưng đàn sâu vẫn "vô tư" hoành hành đám bắp cải.

Cuối cùng tôi phải dùng "hạ sách", lúc chiều mát, con sâu sẽ ra ăn, tôi dùng đèn soi lò mò vạch từng chiếc lá, lượm từng chú sâu ngỗ nghịch bỏ đầy cả thùng thiếc.

Hơn 100 ngày nhọc nhằn vất vả, cũng đến ngày thu hoạch. Thật là không may, gặp dội hàng, bán không được giá; chưa đủ tiền phân bón, thuốc trừ sâu!

Số cải bắp sâu còn lại, bà tiếc của, lựa lại làm dưa, đầy mấy khạp đường.

Xin cám ơn bà nhạc mẫu của tôi, luôn luôn ủng hộ hết lòng cả tinh thần lẫn vật chất, cho anh con rể của bà:

Tướng tá học trò
Bộ giò chữ bát
Làm ăn bạt mạng
Nhỏ gan, lớn mật.

Trong thời gian đó, chúng tôi gặp "năm vận tháng hạn" vất vả trong cuộc mưu sinh để sinh tồn. Đứa con gái lớn ở nhà cho bà chăm sóc, thiếu sữa thiếu đường... khóc hoài. Bà thay thế "vú mẹ" dỗ dành, đứa cháu ngoại mới chịu nín. Đến chừng năm, sáu tuổi, nó chạy đi chơi chốc lát rồi chạy về đòi "úm è". Hai bà cháu thủ thỉ, tâm tình chuyện riêng tư, đố ai mà biết được?

Nói đến tình bà cháu, tôi nhớ lại sau năm 1975, tôi đi "học tập", bà tôi buồn lo, gần tới ngày thăm nuôi, bà nhắc nhở mọi người: nó ở tù đói khát lắm! Nghe kể mỗi lần ai nhắc đến tên tôi là bà khóc! Trước khi tôi được thả về, thì bà đã qua đời. Trước khi mất bà còn hỏi: nó về chưa?

Nhạc mẫu tôi tuổi Tỵ, là con rắn (không phải tuổi con rồng, con phượng bay vút trên mây để làm bà chúa bà hoàng), bà thích vườn tược, cây trái,... Bà sức yếu, phải dùng gậy để đi, nhưng lại không muốn cầm gậy, nên bà đi nghiêng qua nghiêng lại như như người ta "dancing" theo điệu nhạc du dương trầm bỗng, bởi tiết hót của lũ chim muông trên cành.

Một hôm tôi đi làm về, đảo một vòng ra sau vườn thấy đám cỏ dại được cắt xén gọn ghẽ. Bất ngờ, trong đám cỏ bị cắt có lẫn mấy con rắn bị cắt đứt thành nhiều đoạn. Nơi đây lúc vắng vẻ từng là bãi chiến trường giữa những chú rắn và iguana, một loại thằn lằn nhiệt đới ăn cỏ ở Mexico và trung Mỹ, thường màu xanh lá cây. Cuộc chiến thường bất phân thắng bại. Sao hôm nay lạ vậy? Mọi người đều nói chắc tác giả là người có số "sát rắn", vì các chú rắn nhanh nhẹn, đâu khi nào nằm yên chờ bị "cắt khúc". Thôi thì hãy vô nhà hỏi bà nhạc mẫu xem sao:

- Đâu biết, thấy cỏ mọc um tùm, làm cho sạch thôi, hơn nữa không mang kiến nên không thấy gì!

Thiệt là tuổi sát rắn.

Chưa đầy hai tháng ở Miami, thấy bà nhạc mẫu không vui, mặt dàu dàu, chúng tôi ngỡ bà bị bệnh, vì mùa hè, mỗi buổi chiều ở đây mưa giông, sấm chớp ầm ĩ, bà nói:

- Nhớ Garden Grove quá! Không biết miếng vườn nhỏ sau nhà ra sao nữa?

Đứa con gái út, phụ giúp sắp xếp những đặc sản của Miami để bà đem về California làm quà. Đặc biệt là cây mãng cầu xiêm, cao chừng 3 gang tay, được gói lại kỹ càng và mấy hột mai tám nhánh bà đem về trồng. Bà giao kèo là chăm sóc "cầu mai" không để thua "cầu mai" của chúng tôi, hẹn năm sau tái ngộ.

Mấy ngày sau, chúng tôi gọi hỏi thăm bà, bà nói rất bận rộn. Ngày mai phải đi dự sinh nhật của cháu cố (chắt), tuần tới lại đi dự lễ... Chúng tôi hỏi bà về chuyện dời ngày đi về Việt Nam sống:

 - Chưa nói với ai hết, chuyện "nói đi nói lại" quá mắc cở, hãy để từ từ!

Thiệt đúng là bà nhạc mẫu.

Y Châu

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,048,427
Làm sau để chôn hai chế độ? Là câu hỏi đươc trả lời trong bài viết mới nhất của tác giả, 40 năm sau khi một chế độ đã bị chôn.
Tựa đề trên là hai bài viết, hai câu chuyện khác nhau. Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết, luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương. Sau đây là hai bài viết ngắn của ông.
Chủ Nhật 10 tháng 5 là Mothers Day, Ngày của Mẹ. Mời đọc một chuyện kể đặc biệt của Phương Hoa. Tác giả hiện là một bà giáo dạy trẻ tại Marrysville, thành phố nhỏ cổ xưa nhất của Calif.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc “thế hệ gạch nối” của người Việt tại Mỹ.
Mỗi người lưu vong tị nạn đều có cái đầu đầy ký ức, kể cả những người trẻ tuổi. Mời đọc Nguyễn Văn, giải Vinh Danh tác giả Viết Về Nước Mỹ năm 2000, chuyện dĩ vãng của một thuyền nhân 20 tuổi.
Bài viết là chuyện về Sàigòn từ tháng Tư 1975. Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011,
“Tôi, tuổi mười ba, đã lạc khi nhìn thấy xe tăng T-54 lăn bánh trên đường Lê Văn Duyệt...” và rồi tiếp tục lạc khi vượt biển, lạc ở trại tị nạn, lạc trên đất Mỹ.. Lạc Lạc và lạc, không ngừng.
Với bài viết "Sàigòn lớn nhỏ đều nhớ anh", hướng về các thương binh VNCH trong cuộc chiến, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA.
Nhạc sĩ Cung Tiến