Hôm nay,  

Sư-Huynh-Đệ Petrus Ký

28/06/201500:00:00(Xem: 12643)
Tác giả: Captovan
Bài số 3555-16-30105vb8062815

Captovan là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 194, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài sau đây kể về buổi họp mặt 2015 của hội cựu học sinh Petrus Ký.

* * *

blank
Ảnh chung Sư Huynh Đệ L.P. Ký 2015.

Trên đây là hình chụp các Sư-Huynh-Đệ trường Pétrus Trương Vĩnh Ký trong buổi họp mặt vào ngày 7/2/2015 kỷ niệm 40 năm tỵ nạn, để Sư-Huynh-Đệ gặp gỡ nhau và nhắc với nhau rằng dù cho cuồng “phong” gió chướng đã thay tên đổi họ ngôi trường thân yêu nhưng tinh thần tôn sư trọng đạo, tinh thần L.P.Ký vẫn mãi mãi trường tồn. Tinh thần ấy thể hiện ngay trong tấm hình, các sư ngồi trước, các huynh đứng sau và sau nữa là các đệ.

Hằng năm hội L.P.Ký Nam California đều tổ chức buổi họp mặt giữa thầy, cô, và các trò, lần họp mặt kỷ niệm 40 năm ngày 7-8/2/2015 cũng do hội L.P.K Nam CA tổ chức nhưng là ngày họp mặt của toàn trường L.P.K ở hải ngoại nên có sự tham dự của rất nhiều thầy cô và trò từ các tiểu bang khác về và nhất là từ Canada, Pháp, Úc và Đức. Một điều rất có ý nghĩa đối với thầy cô và ấm lòng tình huynh-đệ là có sự tham dự của các trò chỉ học được một năm Đệ Thất L.P.K và những trò khi bước chân vào thì trường đã bị thay tên đổi họ, nhưng các đệ vẫn hãnh diện đeo huy hiệu L.P.Ký với áo trắng quần xanh trong ngày họp mặt:

“Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo” là đây.

Tình Sư-Huynh-Đệ Pétrus Trương Vĩnh Ký với nhau như bát nước đầy.

Phải nói thực là trong các buổi họp mặt trước và ngày kỷ niệm 40 năm, tôi chưa bao giờ được gặp các thầy cô đã trực tiếp dạy giỗ từ Đệ Thất tới Đệ Nhất, từ thầy Phạm Văn Ba dậy Pháp Văn tới thầy Nguyễn Văn Binh dậy hình học, thầy Đảnh, thầy Đính, cô Ngà, cô Sâm, cô Dung, cô Hồng, cô Thiên Hương, thầy Thái, thầy Đồ dậy Anh Văn, thầy Thái Chí, thầy Tạ ký, thầy Trần Thượng Thủ (TTT), thầy Bích tóc bạc dậy thể dục v.v.. tôi cũng không gặp bạn nào cùng lớp 7B-IB (55-62), ngày xưa, họ là những trò chỉ thua có ma quỷ, (nhất quỷ, nhì mà thứ ba học trò) như Cao Hoàng Anh, Ba, Bê, Bửu, Cảnh, Cần, Cẩn, Chí, Chiểu, Dzương, Đạt, Điện, Đởm, Đức, Hiếu, Hòa, Hoàng, Huệ, Hưng, Khoa, Khải, Khiết, Khôi, Long, Long, Tam-Lang, Minh Đ...Huỳnh Văn Ngày, Tô Văn Thình, Võ Thạnh Thời, Nguyễn Bá Vân v.v...một số các trò ấy đã nằm lại trong các trại tù VC miền Thượng Du Bắc Việt, một số đã hy sinh trên chiến trường, bên những con sông rạch đồng bằng Cửu Long, trong chốn rừng sâu Trung Việt, các bạn tôi đã trở thành người thiên cổ, những người còn lại thì không biết ở nơi đâu! Có lúc tôi cảm thấy như cô đơn giữa đám đông, nhưng nhờ có mẫu số chung L.P.K nên tôi hòa nhập cùng huynh-đệ rất nhanh và thân tình.

Vui ngay từ cửa vào, nơi bàn tiếp tân, những “bông hồng” chúm chím cười chào mừng huynh-đệ và nhỏ nhẹ: “xin huynh cho biết quý danh”. Được hoa hồng hỏi tên thì dẫu con tim là sắt đá cũng phải mềm, dù cao niên như đại huynh Bồ Đại Kỳ, trẻ tuổi như đệ Vũ Hùng Đức (Germany) cũng ríu riu vâng lời những người đẹp ngay. Đẹp người, dĩ nhiên, nhưng đẹp nết mới “chết người”, vì các chị chỉ là một “nửa” L.P.K mà hết lòng với huynh-đệ thì nửa còn lại kia làm sao mà thiếu lửa được, các bạn trẻ trong ban tổ chức nhiệt tình là vì thế.

Tuy chỉ là một nửa L.P.K nhưng các bông hồng đó mới chính là nhân tố quyết định thành bại trong bất cứ lãnh vực nào. Nhờ các chị mà chương trình văn nghệ được thanh sắc vẹn toàn do sự tiếp tay từ những vừơn hoa, rừng hoa GL, LVD, v.v...

Trở lại chuyện tôn sư trọng đạo, trong bài viết “Mi Sinh Tiền, Tu Sinh Hậu” nhân dịp họp mặt tất niên 2013, tôi đã nói là dưới mái trường chỉ có THẦY CÔ và trò, mọi thứ sĩ đều là trò, mọi thứ sĩ đều phải cúi đầu trước thầy cô, và trong buổi họp mặt kỷ niệm 40 năm này vẫn thế. Sau khi các trò, mọi thế hệ, đứng sau lưng thầy cô để chụp hình lưu niệm rồi về chỗ thì tôi đã chứng kiến một cử chỉ đẹp mà chỉ có bậc thầy mới làm được, đó là thầy đến chào trò.

Các trò này đã ra trường từ những năm 1947-48, đã là những hạng sĩ cao cấp trong quân đội và xã hội... và dĩ nhiên các trò này cao niên hơn các thầy cô. Các trò này đã tóc bạc, da mồi, râu bạc lún phún, hàm răng chiếc rụng chiếc lung lay, nhưng các đại huynh vẫn về đoàn tụ dưới mái trường, vui vẻ an phận ngồi “chiếu dưới”... và thật đẹp khi Thầy Nguyễn Thanh Liêm từ “chiếu trên” đi xuống tận bàn chào các trò, “bàn trưởng” là đại sư huynh Bồ Đại Kỳ, tục danh “Bỳ Đại Kồ” vội đứng dậy thay mặt đồng môn cám ơn và chúc thọ Thầy, chúc Thầy Nguyễn Thanh Liêm chứ không phải chúc ông Thứ Trưởng, vì trong quá khứ các đại sư huynh này còn giữ chức vụ cao hơn thứ...

Tiết mục chính, quan trọng, không thể thiếu trong các buổi họp mặt dưới mái trường, dù là Trưng Vương, Gia Long, Lê Văn Duyệt, Trần Lục, Võ Tánh, Võ Trường Toản, Chu Văn An v.v..vẫn là tiết mục các trò chúc thọ, tặng quà lưu niệm đến thầy cô. Ngày xưa trên ghế nhà trường, trò được thầy cô săn sóc kỹ, bắt trả bài khiến nhiều trò lười lo sợ ứa nước mắt vì sẽ bị lãnh “0-0”, biểu tượng của “yêu cho roi cho vọt”. Ngày nay, nơi hải ngoại, chính thầy cô lại ứa nước mắt cảm động khi được các trò tặng một bông hồng, một huy hiệu, những biểu tượng của “tôn sư trọng đạo, tiên học lễ hậu học văn”.

Ngoài việc trò tặng thầy cô quà lưu niệm thì trong ngày đại hội kỷ niệm L.P.K 40 năm, tôi còn thấy đó, đây, trước giờ khai mạc, các trò tặng quà cho nhau, hay đúng hơn là các đệ tặng quà cho huynh, gói quà quá ý nghĩa là những chiếc áo “pull” trắng thêu huy hiệu L.Pétrus Ký. Đa sĩ Phạm Gia Cổn nhận được chiếc áo với huy hiệu ngày xưa, chàng không ngần ngại mặc vào ngay thay thế áo Veston, đi tới đi lui ra điều: “ta là học sinh L.K.P.”.

blank
Nhóm cựu học sinh Petrus Ký 1968-75 tặng quà lưu niệm cho Trâu Điên Tô Văn Cấp, một cựu sư huynh.

Ở một nơi có không khí ồn ào vui như tết nên tôi tạt vào xem cho biết sự tình. Các học sinh niên khóa 68-75 đang cụng ly với huynh Phạm Gia Cổn (54-61), huynh Cổn kéo tôi vào đỡ đạn, đa sĩ Cổn bảo:

- Đây là chai rựơu ân tình do đệ Vũ Đức Hùng (68-75) mang từ Germany qua để chung vui cùng đồng lớp, chúng ta là đồng môn cũng được hưởng ké, đây là ly rượu quý, chúng ta cùng chia, bạn một nửa, tôi một nửa, mời niên trưởng* sơi trước.”

(*Sở dĩ Phạm Gia Cổn gọi tôi là niên trưởng bởi vì khóa Quân Y của Gia Cổn lên trường Võ Bị Đà Lạt học về quân sự cùng thời với Khóa 21, còn tôi là Khóa 19 nên Cổn tự động tôn tôi lên làm niên trưởng. Nhưng dưới mái trường L.P.K, anh Cổn trước tôi 1 năm nên tôi phải gọi anh Cổn là huynh, nên tôi thưa với huynh đa sĩ Cổn:

- Ở quân trường, tôi là niên trưởng, nhưng đây là dưới mái trường, anh lớp trên, anh là huynh và để kính lão đắc thọ, tôi xin mời huynh trước, chúng ta chia đều mỗi người một nửa, huynh uống trước, uống nửa duới, tôi uống sau, nửa trên, hoặc là huynh uống trước nửa bên phải, còn nửa bên trái để lại cho tôi, uống sau.


Huynh Cổn vui vẻ nhận lời và sau nhiều lần anh nhắp môi, tôi thấy nửa dưới vẫn còn nguyên, tôi trách anh không “giữ lời hứa”. Lúc này anh mới hiểu ra cái trò chơi chữ, “tửu bất khả ép”, mà ép thì “bất khả từ” nên anh ngửa cổ cạn luôn, “khà” một cái rồi đưa ly không cho tôi:

- Rượu ngon quá, rựơu hồng đào, rượu ân tình huynh đệ.

- Đúng, một giọt rượu hồng đào còn hơn ao nước lã...

Thế là tất cả huynh đệ 55-75 cùng cười vui như anh em trong một đại gia đình.

Trở lại chuyện huynh-đệ tặng quà cho nhau, nói đúng hơn là “em tặng anh”, nhưng không lên sân khấu, mà từng nhóm, từng nhóm trao đổi tâm tình với nhau nên người viết không biết họ tặng gì cho nhau, nhưng cách cho và của cho đều quý, quý như những bảo vật quý hiếm còn sót lại vào thời đại “cá đối bằng đầu”.

Nhưng lấy gì để chứng minh kẻo độc giả lại cho là người viết “nổ”? Thôi thì đành nêu trường hợp của cá nhân mình làm thí dụ cụ thể, để chứng minh việc huynh-đệ tặng quà cho nhau là có thật.

Ngày Thứ Bẩy 7 tháng 2/2015 là ngày họp mặt Thầy-Trò L.P.K thì cũng là ngày tôi được mời đến họp mặt giữa 3 đồng đội Tiểu Đoàn 2/TQLC (Trâu Điên) ngày xưa (1968) gồm Đồ Sơn, Trung Tá Tiểu Đòan Trưởng, John Sheehan, Đại Úy Cố Vấn, và tôi, Đ/Úy Đại Đội Trưởng, nhân dịp ông Sheehan (nay là tướng 4 sao) đến San Diego CA. Đây quả là một cuộc hội ngộ khá lý thú, khó có lần thứ hai để ôn chuyện đơn vị cũ, chiến trường xưa, chiến trường ở mật khu Cầu Khởi, Bời Lời, Tây Ninh, nơi mà cả 3 chúng tôi “sống lại” trong khi có tới 5 cố vấn và quân nhân Mỹ bị thương và tử thương, một cuộc tái ngộ khó mà từ chối, nhưng vì đã hứa trước với L.P.K nên tôi đành xin lỗi Mr John Sheehan để đến họp mặt 40 năm cùng Sư-Huynh-Đệ.

Khi tôi vừa vào thì được một bạn trẻ đến nhận diện và dẫn tới một nơi yên tĩnh hơn, ở đó tôi được gặp hơn 10 “chàng trai nước Việt”, các em tự giới thiệu là L.P.Ký niên khóa 1968-1975, muốn được tặng quà cho tôi. Một em nói:

“Năm 1968, chúng em mới bắt đầu bước chân vào lớp Đệ Thất L.P.Ký thì đã thấy các anh lính “Trâu Điên” chạy tới chạy lui quanh trường Petrus Ký và đánh đuổi VC trong Chợ Lớn, khiến chúng em cảm phục, sau này đọc báo mới biết có anh trong đoàn quân đó và anh cũng là một Petrus Ký làm chúng em càng hãnh diện hơn, nên nhân dịp họp mặt kỷ niệm 40 năm, chúng em xin tặng anh chút quà làm kỷ niệm...”.

Tôi vô cùng ngạc nhiên, quá ngạc nhiên rồi cảm động đến nỗi trợn mắt, nghẹn họng không nói lên được một lời! Khi các em còn là học trò “thò lò mũi”, vừa mới bước chân vào lớp Đệ Thất thì tôi đã là lính “Trâu Điên” với 4 năm thâm niên lăn lộn trên khắp mọi chiến trường, từ cầu Bến Hải đến mũi Cà Mâu, lên Cao Nguyên, xuống đồng bằng nên chúng tôi chưa hề gặp nhau, chưa hề biết nhau, vậy mà sao các em biết tên tôi rồi tặng quà? Tôi đã được Quân Đội tặng thưởng huy chương, nhưng mỗi huy chương là một lần đổ máu và nước mắt, 5 ngôi sao đỏ (chiến thương bội tinh) là tượng trưng cho 5 lần “đạn đi qua người tôi”. Nhưng tôi chưa hề giúp các em bất cứ điều gì, chưa hề quen biết mà các em tặng quà là điều khó tin.

Bỗng dưng các em biến tôi thành chú bé con “Bắc Kỳ di cư 1954” mà dám vào học lớp Đệ Thất L.P.Ký, giống như một con cừu non run sợ giữa “đàn sói”. Nay đứng bên các bạn trẻ, nếu ai tinh ý thì sẽ thấy một ông già 75 đang thẹn thùng, lúng túng, 10 ngón tay cứ xoắn vào nhau như con dâu mới đứng trước mặt mẹ chồng (thời xưa). Quả thật tôi thấy bé nhỏ trước tấm lòng rộng lượng của các em. Tôi gọi họ là “các em”, nhưng thật ra họ đã là những thanh niên, những ông ở độ tuổi 58-60 với những chức tước “sĩ & sư” ngoài xã hội. Thấy tôi cứ lí nhí bối rối về món quà thì một em khác trấn an với lời lẽ chân tình:

- “Mong anh chớ quá bận tâm về món quà của chúng em. Như Nguyễn Cao Cuờng đã nói, chúng em muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa nhân ngày kỷ niệm 40 năm. Chúng em có được ngày hôm nay, một phần cũng nhờ vào sự hy sinh của các anh để chúng em được an tâm việc sách đèn. Những năm thời trung học của chúng em gắn liền với các biến động lớn và chiến tranh ở VN, nhất là năm 1968 khi các em mới vào Đệ Thất thì VC tấn công vào Saigon và các anh đã đem thanh bình trở lại cho Thủ Đô. Một lời cảm ơn gửi đến anh cũng như các chiến sĩ trong quân lực VNCH là việc phải làm dù có muộn màng.

Bản thân em và Cường đã đọc rất nhiều bài viết của anh, từ những chuyện trong thời chinh chiến, đến chuyện ngày nay, chuyện cộng đồng kể cả các bài viết về gìn giữ tiếng Việt của anh. Em và Cường cảm nhận được tấm lòng của anh trong các bài viết đó cho nên mới có "Cảm Phục và Ngưỡng Mộ".

Thưa anh, việc chúng em đường đột đến làm phiền anh trong buổi họp mặt này bắt nguồn từ những bài anh đã viết. Tuy chưa được hân hạnh gặp anh, nhưng qua những gì anh viết, em và bạn Nguyễn Đình Anh rất cảm phục và ngưỡng mộ sự hy sinh quá lớn lao của anh và gia đình anh cho đất nước khi ở quê nhà. Sang đến đây, nơi đất khách quê người, và cũng phải chật vật như mọi người khác để lập lại cuộc đời mới thế mà anh vẫn không quên những bạn đồng đội TPB bên quê nhà. Những hành động này làm chúng em ngữỡng mộ anh và là niềm hãnh diện cho trường cũ, L.P.Ký.

Cuộc họp mặt có cái tên là kỷ niệm 40 năm vô tình trùng với thời gian niên khóa 68-75 chúng em tốt nghiệp trung học nên có đông các bạn cùng khóa quyết định cùng đi. Vì cái tên của cuộc họp là kỷ niệm 40 năm nên bạn Nguyễn Đình Anh và em có suy nghĩ là nên làm gì cho có ý nghĩa. Hai đứa em quyết định là không có gì hay hơn là cám ơn các đàn anh đã hy sinh xương máu bảo vệ đất nước để các em được yên lành nơi hậu phương, thụ huấn các thầy, cô ở Pétrus Ký để có được ngày nay. Hơn nữa, việc cám ơn các thầy cô thì năm nào cũng có, nhưng cám ơn đàn anh thì em chưa thấy nên cũng muốn trường mình tạo một truyền thống.

Tụi em làm cái plaque xong rồi thông báo cho tất cả các bạn cùng niên khóa xin ý kiến, mọi người lên tiếng tán thành. Tóm lại, việc này là từ lòng cảm phục một đàn anh đã và đang làm khiến hậu bối chúng em ngưỡng mộ.

Đại diện nhóm cựu học sinh L. Petrus Ký 68-75

Nguyễn Cao Cường (Arizona)

Nguyễn Đình Anh (Bắc California)

Tôn Tương Văn (Bắc California)

Phan Tấn Bảng (Bắc California)

Nguyễn Đại Anh Minh (Bắc California)

Võ Thanh Sơn (Bắc California)

Nguyễn Trung Quân (Bắc California)

Ngô Quang Hiển (Nam California)

Vũ Duy Quang (Nam California)

Bùi Thanh Sơn (Nam California)

Phạm Thư Đôn (Houston)

Võ Bá Hải (Colorado)

Ysa Cosiem (Maryland)

Vũ Hùng Đức (Germany)

Sau lời nói chân tình và món quà của các đệ L.P.K 68-75 thì người viết không còn bất cứ ngôn ngữ nào để nói thêm.

Món quà là một tấm “lắc” trên đó in bản đồ Việt Nam và Quốc Kỳ VNCH, đây là hai biểu tượng mọi người VN phải bảo vệ, nhưng tôi đã không làm tròn nhiệm vụ. Tuy các em trẻ hơn tôi, thấp hơn tôi nhưng “cái đầu” các em cao hơn tôi, già hơn tôi nên các em đã tặng một món quà quá thâm thúy khiến tôi chỉ còn có thể “lí nhí” lời cám ơn.

Tấm lòng và nghĩa cử của các đệ chính là tấm gương sáng cho tôi soi lại bản thân mình./.

CA Ngày 10/6/2015

Captovan

Ý kiến bạn đọc
11/04/202406:56:57
Khách
strep home remedies <a href=""> https://forums.dieviete.lv/profils/127605/forum/ </a> hooch herbal snuff
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,045,475
Tác giả là một Kỹ sư Dầu Khí làm việc cho một Công ty Liên Doanh tại Việt Nam, đã tham gia khóa tu nghiệp một năm tại Chicago (2014, 2015). Là con của một sĩ quan Võ Bị Đà Lạt,
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Ông là một y sĩ thuộc hội Ái Hữu Y Khoa Huế Hải Ngoại. Tốt nghiệp Y Khoa Huế năm 1973, thời chiến tranh,
Tác giả là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ có sức viết mạnh mẽ
Tác giả sinh năm 1938, cựu sĩ quan an ninh quân đội, sang Mỹ theo diện H.O1. vào năm 1990, hiện đã về hưu và an cư tại Westminster.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam,
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Từng là một chiến binh VNCH biết nhà tù cộng sản, rồi thành Hát Ô Một, tới Mỹ năm 1990. Sau đây là bài ông mới viết.
Lê Phạm Lê đã được tổ chức United Poets Laureate Inter-national trao tặng “Peace Poetry Golden Medallion” tại Hội nghị Thi ca Quốc tế lần thứ 23, Osaka, Japan, March 25-29, 2014.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina
Hoàng Nga là tên thật. Tác giả cho biết Bà sang Úc từ năm 1988, làm việc tại Đức từ năm 1993-2008 rồi sang Mỹ. Đang sống tại thành phố Sioux Falls từ tháng 07 năm 2012 với gia đình con gái,
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết, tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người.
Nhạc sĩ Cung Tiến