Hôm nay,  

Điệp Khúc Tháng Tư

18/04/201500:00:00(Xem: 13797)
Tác giả: Mimosa Phương Vinh
Bài số 4512-16-29912vb7041815

Tác giả định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. đầu thập niên 90, cư dân Berryhill, Tennessee, làm việc trong Artist room của một công ty Mỹ. Giải thưởng VVNM 2013, cô đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả với hai bài viết tiêu biểu: "Thiên Thần Đen" và "Cũng Một Đời Người", kể về những di dân tị nạn tại Mỹ làm việc tới mức quên mình để gửi tiền tiếp viện cho người thân còn ở quê nhà. Bài viết mới của tác giả là chuyện về vùng đất sau cùng của miền Nam thất thủ cuối Tháng Tư 1975.

* * *

Vậy là bốn mươi năm trôi qua. Bao nhiêu nước chảy qua cầu. Bao nhiêu người đã nằm xuống. Bao nhiêu đứa trẻ được sinh ra. Cuộc sống vẫn tiếp diễn với bốn mùa xuân hạ thu đông. Hạnh phúc hay bất hạnh của những cuộc đời cũng chẳng ai biết đến ngoài chính người trong cuộc mới cảm nhận tường tận được sự mất mát hay những ân huệ mà đời sống đã trao tặng cho họ. Và bốn mươi năm trôi qua vẫn có nhiều người, rất nhiều người vẫn còn đứng phân vân giữa ngã ba đường. Không biết đi về đâu!

Bốn mươi năm trước, vào những ngày cuối cùng của tháng Tư tôi là một người đàn bà rất trẻ đang sống ở một nơi tận cùng đất nước. Thành phố nhỏ buồn có những cánh đồng bao la, hoang vắng sau mùa gặt. Thành phố có khu chợ búa khá sầm uất và một con sông chảy ngang qua.Tôi thỉnh thoảng đi đò để vào chợ, hồi đó có ông lái đò già bị bệnh chân voi, hai chân to lớn dị kỳ sống bằng nghề đưa đón khách qua sông. Lâu lắm rồi chắc ông ta đã chết.

Tôi đã có nhiều buổi chiều cuối tháng Tư bồng con đi qua nhà người quen để hỏi thăm tin tức gia đình. Khi đi ngang nhà Vĩnh Biệt của thành phố mùi hôi thối của những xác chết chưa kịp chôn bốc lên nồng nặc. Sự biến động không ngừng của thời thế làm người ta quên đi những người lính nằm trong nhà xác. Họ là những người lính cuối cùng ngã xuống cho cuộc chiến tranh dai dẳng trên đất nước khổ đau này.

Bốn mươi năm sau có còn ai nhớ đến họ và biết rằng họ đã chiến đấu cho ai! Chiến đấu cho ai? Câu hỏi đó biết đâu đã từng là nỗi ray rức, ám ảnh của những người đã chết và bị bỏ quên trong ngôi nhà Vĩnh Biệt kia.

Chiếu đấu cho ai! Câu hỏi đã được trả lời ngay sau tháng Tư Bảy Lăm khi những người lính của miền Nam Việt Nam ngỡ ngàng buông súng. Tai họa lớn đã đến với dân tộc và quê hương ngay sau đó.

Tôi đã có những giây phút sống thoi thóp giữa biên giới sinh tử của con người. Trong căn hầm đơn sơ nhỏ hẹp nghe tiếng đạn bay veo véo trên đầu, trong tiếng loa kêu gọi của hai bên thù địch giữa đêm đen đầy đe dọa và bất trắc vì lưỡi hái tử thần có thể cướp tính mạng con người bất cứ lúc nào. Bốn mươi năm qua, cứ mỗi lần tháng Tư trở về điệp khúc cũ lại mồn một réo rắc bên tai tôi như một nỗi ám ánh kinh hoàng không thể nào gột bỏ được. Tôi hiểu dù muốn dù không cũng phải chấp nhận nó như một phần đời sống mình, như chứng tích cho một giai đoạn đau thương nhất của quê hương. Tôi gọi nó là Điệp Khúc Tháng Tư.

Từ những ngày tháng Ba, binh sĩ bắt đầu kéo về thật đông trong thị xã. Họ đến từ những thành phố phía trên mang theo vợ con, nồi niêu, xoong chảo và cả gà vịt nữa. Họ tập trung trong ngôi trường trung học sau tiểu khu, vui vẻ cười đùa và lũ trẻ chạy chơi trước sân trường một cách vô tự. Sắp có đánh nhau lớn và mọi người đang chờ đợi. Đài phát thanh và đài truyền hình loan tin về những thành phố miền Trung và Cao Nguyên đã lọt vào tay cộng sản.

Tôi ở trong một tâm trạng lo âu, sợ hãi khi nghe tin thành phố Dalat đã mất. Hàng ngày tôi bồng con đi hỏi thăm tin tức của gia đình nhưng không nhận được một nguồn tin nào chính xác cả. Tôi lo lắng cũng đúng thôi vì cha là công chức trong một nha sở trực thuộc bộ Quốc Phòng và các anh em đều ở trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Những điều khủng khiếp đã xảy ra ở Huế hồi tết Mậu Thân làm tôi rùng mình khi nghĩ đến gia đình.

Chồng tôi cho biết về tình hình rất nghiêm trọng. Lệnh cấm trại đã được ban hành, anh chỉ về thăm nhà trong những bữa ăn trưa và chiều rồi vội vã vào doanh trại. Chồng tôi làm ở phía sau nhà bếp một căn hầm trú ẩn nhỏ bằng bao cát và dặn tôi nếu nghe tiếng súng thì phải bồng con chạy vào đó trốn. Anh nói:

- Anh không thể lo cho em được gì đâu vì lệnh cấm trại một trăm phần trăm trong Tiểu Khu. Em phải tự lo lấy và hành động theo sự khôn ngoan của mình nếu có gì xảy ra ngoài này.

Một buổi chiều bỗng nhiên súng nổ ầm ầm, tiếng đạn pháo kích bay reo réo trên khu gia binh, tôi hoảng hốt chạy ra sân nghe ngóng. Đứa con gái khóc thét lên trong tay, chợt có tiếng la to:

- Chết thật, chị vào nhà ngay đi, chúng nó pháo kích mà chị ra ngoài sân làm gì kia chứ?

Đó là ông Đại úy Trung, người hàng xóm của tôi, ông ta ghé thăm nhà một chốc rồi lại phải vào tiểu khu. Một lát sau chồng tôi về mặt mày nặng trình trịch vừa bước vào nhà đã la lối om sòm:

- Tụi nó pháo kích rầm rầm mà em bồng con chạy ra sân làm chi, có chuyện gì cứ chui vào hầm trốn. Anh không thể lo được cho em trong lúc này, nếu em khờ khạo như vậy làm sao anh yên trí được.

- Tại em sợ quá, nên quên mất cái hầm ở phía sau bếp.

Anh thở dài:

- Anh nghĩ tối nay sẽ có chuyện lớn. Mấy tỉnh phía trên đã mất hết rồi nhưng Đại tá Chỉ huy Trưởng đã ra lệnh tử thủ ở đây.

- Tối nay anh cũng vào tiểu khu à?

- Dĩ nhiên rồi, anh ghé nhà một chút thôi. Nghe ông Trung nói em bồng con chạy ra sân nhìn tụi nó pháo kích làm anh giận run. Không phải chuyện đùa đâu, đây là chuyện chết người em hiểu không?

Tôi vùng vằng:

- Hiểu rồi! Ông Trung nhiều chuyện, có vậy mà cũng học đi, học lại!

Chồng tôi nghiêm mặt:

- Không phải là nhiều chuyện, đó là vấn đề sanh tử em phải cảm ơn ông ta mới đúng. Em nghe rõ chưa?

- Nghe rõ, nghe rồi khổ lắm nói mãi!

Anh dặn dò thêm nhiều lần nữa, ăn uống qua loa rồi vội vã trở vào Tiểu Khu.

Trời vừa sập tối thì tiếng loa phóng thanh từ tiểu khu bắt đầu cho phát lời tuyên bố của Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Tiểu Khu kiêm Tỉnh Trưởng An Xuyên ra lệnh cho tất cả sĩ quan và binh sĩ phải ở trong tình trạng sẳn sàng chiến đấu và tử thủ. Giọng ông Đại Tá sang sảng và hùng hồn như truyền được cái hào khí vào tâm hồn người nghe. Càng vào đêm, giọng nói của ông càng dõng dạc, rõ ràng dù rằng đó chỉ là một lệnh truyền được thâu băng và phát thanh lại nhiều lần.

Đạn pháo kích không biết từ nơi đâu, từ phe bên nào bỗng nổi lên chát chúa trong đêm. Âm thanh trái pháo bay ầm ầm trên mái nhà, xi măng, ngói vữa đổ xuống ào ào. Đứa con gái nhỏ đang ngủ bỗng giật mình khóc ré lên, tôi bồng con chặt vào lòng trong nỗi kinh hoàng tột độ. Bên nhà chị Hải lũ nhỏ cũng bắt đầu khóc la om sòm. Tôi chạy sân sau gọi chị:

- Chị Hải ơi, em sợ quá! Có gì vậy?

Chị Hải thì thầm:

- Việt cộng pháo kích đó, cô đem cháu vào hầm trốn đi! Ông xã có nhà không?

- Trong Tiểu Khu, còn anh Hải có tin gì không?

- Chưa, ổng đi vô quận cả tuần nay rồi chẳng biết ra sao, Đại Tá ra lệnh tử thủ từ hồì chiều giờ, cô nghe chứ?

- Dạ có, hồi chiều ông xã em ghé nhà nói tình hình căng lắm chị ạ.

Chị Hải thở dài:

- Tôi lo cho ông Hải nhà tôi quá cô ơi!

Tôi an ủi chị và chính mình:

- Sống chết có số chị ạ.

Hai chị em đang nói chuyện thì bỗng trong tiếng pháo nổ đạn rơi loa phóng thanh từ đâu đó vang lên giọng nói của Mặt Trận Giải phóng Miền Nam(!). Họ lập đi lập lại nhiều lần:

- Yêu cầu phía Việt Nam Cộng Hoà cử người vào mật khu để thương thảo với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Chị Hải la lên:

- Chết rồi, họ đã tràn ra thành phố!

Tôi chui vào hầm, đạn nổ vang rền khắp nơi. Chưa bao giờ tôi thấy cô đơn và sợ hãi như đêm nay, vừa khóc rấm rức vừa bắt đầu cầu nguyện các đấng thiêng liêng giúp cho qua cơn hoạn nạn này. Khi tiếng súng đạn nguôi dần thì tiếng loa phóng thanh của hai bên lại bắt đầu vang lên lồng lộng trong đêm. Một bên truyền lệnh tử thủ một bên kêu gọi thương thảo.

Rồi pháo kích lại nổi lên rầm rầm, con của tôi và đám con chị Hải lại khóc như gi vỡ tổ. Ôm con ngồi trong hầm nghẹt thở quá phải chui ra ngoài, được một lúc súng đạn lại ì ầm nổi lên càng lúc càng dữ dội khiến tôi phải vào lại trong hầm. Mạng sống con người mong manh như chỉ mành treo chuông. Đến gần sáng tôi mới thiếp đi một chút vì quá mỏi mệt, mặc cho súng đạn thét gào, mặc cho tiếng loa hai phe kêu gọi không ngừng.

Sáng ra chồng tôi về nhà một lát rồi phải đi ngay, anh cho hay phải theo Trung Tá Chỉ Huy Phó và phái đoàn vào mật khu để thương thảo với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.Tôi đứng ngồi không yên vì tình huống vô cùng nguy hiểm này.

Rồi Đại Tướng Dương Văn Minh đã kêu gọi đầu hàng. Thành phố cuối cùng không thể tử thủ được nữa. Binh Sĩ buông súng. Giặc tràn vào Tiểu Khu treo cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Đài phát thanh Sàigòn mời Trịnh Công Sơn lên hát Nối Vòng Tay Lớn.

Qua khung cửa sổ, tôi thấy Đại Úy Dũng và những nguời lính của ông ta ôm chầm lấy nhau trước sân, họ vừa khóc vừa chửi thề:

- Tại sao hàng, có đánh thua đâu mà hàng. Chúng tôi tức lắm Đại Úy à!

Nước mắt không phải là biểu hiệu của sự ủy mị chỉ dành riêng cho đàn bà. Nước mắt của những người có nghĩa khí đã rơi xuống cho đất nước. Họ khóc vì thấy mình bất lực không bảo vệ được chính nghĩa mà từ bao lâu nay mình từng theo đuổi, ôm ấp.

Tôi hoảng hốt nhìn ra con đường xuyên qua khu gia binh thì thấy cộng quân đã tràn ra như kiến. Không biết từ đâu ra mà đông như thế. Họ mặc quần áo bằng vải dầu mầu rêu hay màu nâu. Đầu đội mũ tai bèo, trang bị lựu đạn và súng ống khắp người. Đa số còn rất là trẻ với màu da xám xịt và gương mặt hầm hầm sát khí. Lũ con nít trong khu gia binh la lên inh ỏi:


- Việt cộng! Việt cộng!

Binh lính Việt Nam Cộng Hòa đóng trong trường trung học gần đó cũng chạy ra ngơ ngác nhìn. Mọi người không hiểu gì cả, cuộc diện thay đổi một cách lạ lùng và mau chóng quá vì đêm hôm qua Đại Tá Chỉ Huy Trưởng còn ra lệnh tử thủ một cách cương quyết dù các tỉnh phía trên đã mất. Còn phái đoàn theo Trung Tá vào mật khu số phận ra sao. Còn Đại Tá đâu rồi.

Tôi bỗng thấy ông chồng xuất hiện trên con đường về khu gia binh. Tôi mừng rỡ chạy ra đón nhưng vội khựng lại vì thấy gương mặt anh rất khác lạ, màu da tái nhợt như một xác chết, áo quần xốc xếch, lon lá trên cổ áo đã biến mất. Chị Hải chạy a tới hỏi dồn dập:

- Sao rồi?

Nhưng chị cũng khựng lại khi nhìn sự thay đổi lạ lùng trên khuôn mặt anh ta. Chồng tôi bước vào nhà im lặng ngồi xuống ghế, ánh mắt nhìn vào một thế giới nào đó, đầu rủ xuống già nua, mệt mỏi. Tôi chưa bao giờ trông thấy chồng trong tình trạng suy sụp kinh khủng này, tôi sợ sệt không dám nói gì cả. Chồng tôi rút trong người ra một khẩu súng đen nhỏ xíu như một món đồ chơi của trẻ con. Tôi hoảng hốt la lên:

- Anh làm gì vậy?

Anh nhìn tôi bằng cái nhìn đau đớn, xót xa mà chưa bao giờ tôi nhìn thấy trên gương mặt của một người đàn ông. Rồi bất ngờ chồng tôi khóc nấc lên, tiếng khóc khô khốc, khó khăn nghe rờn rợn lạ lùng làm sao, tuy nhiên như thế vẫn dễ chịu hơn là sự im lặng nặng nề từ nãy đến giờ. Anh nói lập bập:

- Mất hết rồi, không còn gì nữa cả. Tức lắm! Tức lắm!

Rồi chồng tôi lại gục xuống. Tôi thở dài:

- Anh kể cho em nghe câu chuyện đã xảy ra như thế nào đi. Trung Tá ra sao, còn Đại Tá đâu rồi khi họ tràn vào Tiểu khu.

- Đại Tá Chỉ Huy Trưởng bỏ đi rồi. Trung Tá Chỉ Huy Phó đã bị giặc bắt sống. Ông trao lại cho anh khẩu súng này.

Câu chuyện khá dài dòng, bi đát và qua lời kể của chồng, tôi thấy lòng cay đắng khi hiểu rằng những người chân chính, ngay thẳng luôn luôn bị thiệt thòi. Tôi càng thấm thía về ý nghĩa của câu: “Nước loạn mới biết tôi trung”. Mà thôi, khi một biến cố xảy ra mỗi người sẽ có mỗi phản ứng khác nhau, xấu hay tốt đôi khi cũng khó mà phê bình. Qua nhiều năm sống trong nỗi đau thương cùng tận tôi bắt đầu học được nhiều điều mà trước kia tôi chưa hề biết. Tôi cố gắng giữ cho mình một chút bằng lòng chứ không phải tự hào: tôi cũng chịu đau khổ, đọa đầy như những đồng bào miền Nam của tôi. Tôi chia sẻ với họ nỗi đau thương bởi tôi đã từng là một người vợ lính với nhiều hệ luỵ khi nước mất, nhà tan.

Buổi tối anh em lính chiến tụ họp trước cửa nhà. Họ vừa đàn hát vừa nói chuyện tương lai, chuyện trở về nhà. Họ hát bài Một Mai Giã Từ Vũ Khí của Nhật Ngân, bài Nối Vòng Tay Lớn của Trịnh Công Sơn rất nhiều lần, vì ban ngày Đài Phát Thanh Saigon đã mời người nhạc sĩ họTrịnh lên hát bài này. Những người lính trò chuyện suốt đêm và trong nhà vợ chồng tôi cũng không thể ngủ được vì cuộc diện thay đổi quá nhanh chóng trong thành phố. Với đầu óc giản dị của một người đàn bà tôi nghĩ hai vợ chồng sẽ trở về Đalat tìm một miếng đất nào đó trồng trọt, chăn nuôi và bắt đầu cho một cuộc sống khác như ước mơ của những người lính đang bàn soạn ngoài kia. Chồng tôi thì có vẻ lo lắng không nguôi với những ngày trước mặt.

Tôi rời thành phố trong chuyến xe đò sớm, khi đi qua nhà Vĩnh Biệt mùi hôi thối của những xác chết chưa kịp chôn vẫn bốc lên nồng nặc. Người ta quên đi những người lính nằm trong nhà xác. Ôi! những người lính cuối cùng của cuộc chiến.

Tôi ngậm ngùi muốn khóc khi giã từ thành phố bé nhỏ, xa xôi mà mình đã trú ngụ trong cuộc đời làm vợ một người lính. Căn nhà trong khu gia binh mà tôi có nhiều ngày tháng phải sống một mình vì chồng đi công tác liên miên. Khi đi qua cây cầu lớn với giòng nước chảy cuồn cuộn dưới kia tôi tự hỏi có bao giờ mình sẽ trở lại đây không. Cái thành phố hiu hắt cho tôi bắt đầu cuộc đời làm vợ, làm mẹ trong bầu không khí sôi sục, căng thẳng vì chiến tranh và chết chóc diễn ra từng ngày, từng giờ. Người vợ lính nào cũng sẵn sàng để trở thành một người góa phụ. Bây giờ cuộc chiến đã tàn mà sao lòng mình nặng trĩu âu lo. Trái tim tan tác, xót xa không sao kể xiết.

Về đến Saigòn, nhìn thành phố tan tác, hoang mang vì kẻ ở người đi. Biến cố to tác đổ ập xuống đất nước làm cho mọi người ngơ ngác như đang sống trong cơn mộng dữ giữ ban ngày. Chồng tôi đi trình diện vì nghe họ nói chỉ học tập cải tạo một tháng thôi, đâu ai ngờ mình bị họ lừa dối. Tôi đem con trở về gia đình trên Dalat sống một cuộc đời với muôn ngàn khổ ải đau thương của vợ người tù cải tạo. Nỗi khốn khổ của những kẻ ở lại có viết hàng ngàn trang giấy cũng không diễn tả được hết đâu. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.

Những năm tháng sống trong địa ngục trần gian lòng tôi vẫn nhớ về An Xuyên những ngày cuối tháng Tư. Tôi hay nghĩ về vị Trung Tá Chỉ Huy Phó của tiểu khu, vị chỉ huy cao nhất còn ở lại với thuộc cấp trong giờ phút hấp hối của An Xuyên và bị bắt sống. Lòng kính phục của tôi đối với ông đã khiến tôi nhiều lần viết về ông, hội kiến cùng ông trong những mẫu chuyện hư cấu cùng nhiều tâm sự xót xa, bẽ bàng của những người bị ở lại trong cuộc dâu bể của quê hương thuở nọ. Không biết bây giờ ông ở nơi đâu.

Tôi cũng không thể quên chuyện Thiếu Tá Phan Thành Hứa, Tiểu Đoàn Trưởng tiểu đoàn 446, người anh hùng cô đơn thuở nọ. Ông vẫn chiến đấu can trường cho đến khi bị bắt và bị họ xử bắn tại Cà Mau cùng với một số Sĩ Quan và Viên Chức Việt Nam Cộng Hòa một cách công khai. Trước khi chết ông vẫn hô to đả đảo cộng sản nhiều lần. Đó là cuộc chiến đấu lâu nhất trong lịch sử chiếu đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. An Xuyên là thành phố sau cùng đã mất về tay cộng sản sau khi Đại Tướng Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng.

Người ta nói có những câu chuyện xưa quá rồi, nhắc lại có ích lợi gì đâu ngoài việc khơi thêm những thù hận, oán hờn. Theo tôi có những câu chuyện không bao giờ xưa cũ đó là câu chuyện thuộc về lịch sử. Lịch sử như một dòng sông chảy mãi không ngừng.

Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 quê hương miền Nam rơi vào thảm nạn quá lớn lao và dấu vết nhem nhuốc trong lịch sử dân tộc biết bao giờ xóa mờ được. Đau thương, oán hờn, đói nghèo, chết chóc bao trùm trên số phận những người dân Việt Nam. Triệu người buồn đã đành, còn triệu người vui cũng chẳng vui được bao lâu khi biết mình bị lừa dối. Chỉ có những con ma cà rồng no đủ, thỏa thuê vì hút máu dân tộc mới thực sự hạnh phúc trong men chiến thắng.

Chiến thắng hay chiến bại đôi khi cũng khó mà luận bàn vì kẻ chiến thắng bây giờ trở thành tên xin xỏ và kẻ chiến bại trở nên người ban phát. Có khi kẻ chiến thắng muốn nhập vai làm người thua trận để hưởng chút lợi lộc thế gian. Lại cũng có kẻ dựa hơi người ra đi để củng cố quyền lợi của cha ông mình. Âu đó cũng là định luật bù trừ của đời sống muôn mặt.

Bây giờ có lẽ mọi người đã hiểu những người lính Việt Nam Cộng Hòa chiếu đấu cho ai, vì ai. Dù họ hiểu trong muộn màng vẫn còn hơn là chưa từng hiểu. Chỉ trách cho những kẻ đã từng biết thế nào là tủi nhục, đau thương mà đã vội vàng quên hay vô tư thỏa hiệp với cái ác để mưu cầu hạnh phúc hay lợi lộc riêng tư.

Bốn mươi năm qua, điệp khúc réo gọi của hai phe thù nghịch trong một đêm đen cuối tháng Tư vẫn mồn một trở về cùng tiếng súng nổ, đạn rơi. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa dù sao vẫn còn tồn tại trong lòng người dân, vẫn còn tiếng nói trên khắp thế giới nơi có người Việt Nam Tị Nạn Cộng Sản. Còn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thì đã bị chôn sống và khai tử từ lâu lắm rồi! Họ đã chết non. Họ thật sự không hiện hữu trong Điệp Khúc Tháng Tư ngày nọ. Vì thật ra Miền Nam không cần ai giải phóng.

Còn những người đang đứng giữa ngả ba đường. Sau bốn mươi năm với bao nỗi uất nghẹn, trăn trở của cả dân tộc mà cũng chẳng biết mình phải về đâu hay sao?

Tôi hài lòng vì đang sống và viết trên nước Mỹ, một xứ sở tự do, dân chủ và giàu mạnh nhất thế giới. Tôi thuộc về gia đình của những người thua trận và tôi chưa bao giờ cảm thấy xấu hổ vì điều đó nếu không muốn nói là còn cảm thấy hãnh diện và tự hào. Tôi xin cảm ơn cuộc đời đã cho tôi một đời sống khá ấm no, hạnh phúc trên nước Mỹ sau quá nhiều trắc trở gian nan. Nói như thế không có nghĩa là tôi đã cảm ơn những kẻ đã xô đẩy chúng tôi ra khỏi quê hương mình.

Tôi không bao giờ cảm ơn kẻ đã đập đầu tôi lên đá, dù sau cú đập đó tôi bắt gặp một viên kim cương. Hành động tàn ác và luật bù trừ của cuộc đời là hai việc hoàn toàn khác nhau. Con dao phẫu thuật của một vị bác sĩ trên thân thể bệnh nhân hoàn toàn khác xa với con dao đâm vào bụng người của kẻ ăn cướp.

Và tôi đã có những đêm không ngủ khi ký ức tháng Tư hiện về như một ám ảnh khôn nguôi. Tôi gói trọn tâm sự mình vào bài thơ sau:

Trắng Đêm

Nằm im trong tiếng đời cười
Ta nghe máu chảy biếng lười trong thân
Nằm nghe tàn cuộc trăm năm
Nằm nghe da xếp vết nhăn mặt người
Nằm thương nhớ tuổi đôi mươi
Gõ tay vào mộng réo người buổi xưa
Ngậm ngùi bao cuộc tiễn đưa
Hai bàn tay đếm chẳng vừa năm đi
Nằm khơi oan trái vô nghì
Sục sôi hận buổi phân kỳ đã qua
Nộ cuồng gió hú đỉnh xa
Đau muôn mạch nhựa khóc òa trong cây
Sầu đêm bạc sợi tóc gầy
Con ong xứ lạ gọi bầy bơ vơ
Nằm đây mắt trắng bơ phờ
Thèm sao giấc ngủ bên bờ an nhiên!

Mimosa Phương Vinh

Ý kiến bạn đọc
19/05/201516:45:13
Khách
Thu Hồng thân mến,
Thật là một sự bất ngờ thú vị khi đọc được tin tức của một người ở An Xuyên. Cà Mau là một thành phố đã cho Phương Vinh rất nhiều kỷ niệm vui buồn và dù xa xôi bốn phương trời Vinh vẫn mong có ngày trở về thăm chốn cũ. Khi nghe ai nhắc lại An Xuyên lòng Phương Vinh ngậm ngùi làm sao. Khi còn bé lén đọc Bên dòng sông Trẹm của nhà văn Dương Hà, không ngờ đến khi lấy chồng mình lại hằng ngày đi qua Cầu Quay với dòng sông Trẹm trôi lặng lờ bên dưới chân cầu. Đúng rồi, trường Nguyễn Hiền Năng là nơi binh sĩ VNCH đã về đóng quân trong những ngày tháng Tư nâm 75!
Xin căm ơn Thu Hồng đã nhắn tin và xin hứa nếu có dịp sẽ viết về đất An Xuyên, Thới Bình có nhiều giai nhân ( hậu duệ của những cung tần, mỹ nữ của chúa Nguyễn Ánh xưa!). Xin cảm ơn các bạn Lê Bình, Khôi A, Nguyễn Văn, Kim Thủy, Cô út và tất cả các độc giả thân thương của Việt Báo đã đọc truyện và khuyến khích Mimosa Phương Vinh rất nhiều!
Mimosa Phương Vinh
12/05/201521:15:48
Khách
Chào chị Mimosa Phương Vinh,
Em rất cảm động khi đọc những câu chuyện của chị viết.
Đã 40 năm rồi mà chị vẫn còn nhớ đến An Xuyên (Cà Mau).
Quê em ở An Xuyên và em đã vượt biển năm 1978.
Lúc 30 tháng 4 thì em học gần xong lớp 10 (chỉ còn khoảng 1 tuần nữa sẽ mãn khóa học).
Em học trường An Xuyên. Trường trung học chị nói là trường Nguyễn Hiền Năng gần tiểu khu và trại gia binh.
Chúc chị cùng gia đình vui vẻ và hạnh phúc.
Mong chị tiếp tục viết những câu chuyện có liên quan đến An Xuyên.
Rất cám ơn chị.
Thu Hồng
20/04/201519:46:12
Khách
Bài viết hay quá, sâu sắc quá, chân thực, cảm động quá. Cảm ơn Chị đã chia sẻ tâm tình.
20/04/201504:20:02
Khách
Bài viét quá cảm đông. Cám ơn tác giả đã cho sống lại những giây phút đau thuong của những ngày tháng Tư!
19/04/201518:41:56
Khách
Rất thích bài viết này của chị.
19/04/201508:00:18
Khách
40 năm đã qua mà nỗi niềm của người vợ trong chiến tranh đọc lên nghe vẫn còn nguyên xúc động. Cám ơn chị Phương Vinh.
18/04/201521:08:27
Khách
Bai viet hay qua'.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,080,276
Tác giả tham gia Viết Về Nước Mỹ từ 2002. Là môt sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo, hiện là cư dân Greenville, tiểu bang South Carolina,
Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa.
Trần Nguyên Đán là bút hiệu của Mục sư Lữ Thành Kiến, từng quản nhiệm Hội Thánh Maryland, miền Đông, rồi Fort Worth, Texas.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết -thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Tác giả sinh năm 1938, cựu sĩ quan an ninh quân đội, sang Mỹ theo diện H.O1. vào năm 1990, hiện đã về hưu và an cư tại Westminster.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ, nhận giải từ năm 2000. Liên tục 15 năm qua, ông tiếp tục góp nhiều bài viết giá trị và vừa nhận thêm giải Danh Dự Viết Về Nước My 2015.
Tác giả sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975: Dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO. Bà kể, “Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ.
Tác giả là một nhà giáo, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Viết Về Nước Mỹ 2014, với 14 bài, trong đó có bài Chú Lính Mỹ, Phùng Annie Kim đã nhận giải danh dự.
Kỳ trước, Viết Về Nước Mỹ đã giới thiệu bài viết từ Hà Nội của một nhà giáo 82 tuổi. Vẫn “viết từ Việt Nam”, xin mời đọc thêm bài viết của Nguyễn Anh Nguyên từ Saigon.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến