Hôm nay,  

40 Năm Tan Tác

30/01/201500:00:00(Xem: 23694)

Tác giả: Phạm Hoàng Chương
Bài số 4448-14-29848vb6013015

Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài mới, nhân 40 năm sau tháng Tư 1975, kể chuyện một gia đình miền Việt tị nạn rải khắp bốn lục địa Mỹ Âu Á Úc....

* * *

Chuyện bắt đầu từ 1964, khi tai họa dồn dập xảy đến đổ lên đầu gia đình Lam.

Ba làm hiệu trưởng trung học bán công Phan rang, mẹ có căn tiệm áo quần giày dép ở mặt đường phố chính. Bà cô họ, tên Hòa, ra Bắc đoàn tụ với chồng năm 54, để lại 6 căn nhà cu, ông bà để lại cho ba mẹ quản lý cho thuê, hơn ngàn bạc một tháng, phụ vào lợi tức đi dạy và buôn bán khiêm nhường nuôi đám con đông. Cha cô là chú ruột của ba, mẹ cô là cô ruột của mẹ, ông bà lúc sinh tiền không có con trai, nên nhận ba làm con trai thừa tự.

Cuộc sống đang bình yên thì tháng 10, ba mất vì tai nạn xe ở Sông Mao, bỏ lại mẹ với 9 đứa con. Lam, con trai đầu, đang học Đại học sư phạm Huế. Em gái út mới lên 2. Lam về chịu tang ba, đường xá xa xôi, hư hỏng, phải “đăng bo”xuống xe đi bộ mấy đoạn, phải ngủ 2 đêm ở Đà nẵng và Ninh hòa, tờ mờ sớm ngày thứ ba mới tới Nha Trang, hấp tấp vô nhà xác bệnh viện, vuốt mắt cho ba.

Tháng 11, bà ngoại mất vì lao thận, sau mấy tháng nằm liệt giường. Hai nấm mộ đắp xong thì đầu tháng 12, mưa to gió lớn, lũ lụt từ ngoài Trung kéo vào, đập Đa nhim vỡ, cả thành phố Phanrang chìm trong biển nuớc cao 4 thước, trâu bò xe cộ nổi lên lềnh bềnh,trôi theo dòng nuớc chảy xuống biển. Mẹ hốc hác xác xơ, khóa cửa nhà, dẫn bầy con nhỏ lội nước chạy lánh nạn, tắp vô nhà lầu hai tầng bà con gần đó. Đúng là “lụt năm Thìn”. Lụt ngập 4 thước, xe vận tải chở cả trăm bao tạ đường cát ở Saigon về, đứng bánh giữa đường trước căn tiệm mẹ, đường ngọt tan trong nước, xe nổi lên vật vờ nghiêng ngả trôi theo dòng nước.

Nhà một nơi, tiệm một nẻo, khi nước rút, nhà ở đồ đạc ngập bùn bê bết, các con còn nhỏ, mẹ phải nhờ người quen giúp tẩy rửa cả tuần mới xong. Căn tiệm bán quần áo, lụt tràn vào 3 thước nước, hư hỏng hết hàng hóa. Tết năm đó Lam về nhà, ra khấn vái hai nấm mồ mới đắp ngoài Nghĩa trang, tối thắp nhang bàn thờ Phật và ông bà, nhìn đèn cầy leo lét thê lương, ngồi ăn cơm với đám em mất cha buồn rầu ngơ ngác. Anh cả mắc đi học xa, nên mẹ một mình lo cho 8 đứa con còn lại, thức khuya dậy sớm, lo lắng đến nám phổi, phải nhờ cô y tá quen tới chích trụ sinh thường xuyên.

Qua 65, một hôm có bà bạn đi ngang tiệm mẹ, tạt vô tặng bài thơ tựa đề “Gượng sống”, nói của một vị bồ tát xuống “cơ” cho. Mẹ đọc tới đâu, nước mắt chảy tới đó, tìm hỏi thăm cô đồng tử hầu “cơ ”ở đâu, xin hội kiến. Cơ này là cơ đặc biệt, chỉ có cô này đụng tới con cơ, ngài mới giá lâm. Ngài xuống “cơ ” an ủi mẹ, cho pháp danh, khuyến khích mẹ can đảm lên, năng làm phước thiện, ở trên sẽ thường xuyên yểm trợ giúp đỡ gia đình.

Từ đó, mỗi khi có chuyện cần, mẹ nhờ cô đồng tử “hầu cơ”giúp cho gặp ngài, đôi khi các vị Bồ tát khác cũng cùng xuống, cho thơ khuyến tu, dạy đạo, chỉ dẫn giúp đỡ mẹ vượt qua khốn khó và đối phó với nhiều vấn đề tài chính khó khăn. Ngài hướng dẫn mẹ đòi lại ngôi nhà cũ đất rộng bà cô để lại đang cho thuê ở ngã ba, phá bỏ, vay tiền xây nhà đúc mới kiên cố 2 mặt cửa, giới thiệu một nhà thầu khóan đáng tin nhất trong tỉnh để xây nhà.

Có lần, ngài cho cả vong hồn ba và bà ngoại xuống gặp gia đình, nói chuyện, làm thơ tặng mẹ. Ba cho biết đi theo ngài tu học, bà ngoại thì nhờ lúc hấp hối niệm hồng danh A di đà liên tục nên sanh vào cõi tiên, an nhàn cai quản cả trăm loài chim. Ngài còn đi dò tìm, cho hay ông ngoại hiện đầu thai vào làm con trai một nhà giàu bên Pháp, bà cô của mẹ hiện là một sư cô ở Huế. Mẹ nhờ vậy, hướng về Phật pháp như cái phao của người sắp chết đuối, như nguồn an ủi còn sót lại, tụng kinh, niệm Phật, cúng chùa, cúng cho cô nhi viện sữa, gạo, tiền, cúng dường tăng sinh theo học ở chùa Tỉnh hội, ủng hộ tiền bạc giúp một sư cô trong tỉnh trùng tu lại ngôi chùa xưa cũ nát.

Cuối 1967, Lam ra trường xuống lục tỉnh dạy, bắt đầu giúp được cho gia đình thì xảy vụ Tết Mậu thân, bị nhập ngũ, ra sĩ quan lính địa phương, đến cuối 69 được biệt phái về dạy lại vì trường học thiếu giáo sư. Qua 70, nhờ đã tòng quân, xin được về Phanrang dạy, ở cạnh mẹ và em, lương tháng Lam đưa hết cho bà thêm vốn mua bán, lấy vợ đỡ đần mẹ mua bán nuôi em... Chiến tranh ngày càng ác liệt, mẹ chơi huê,vay tiền vào Saigon cất hàng buôn bán, gửi tiền nuôi Long, em kế Lam, học lấy cử nhân luật, rồi chạy cho em hoãn dịch để được ở Saigon tập sự luật sư, hy vọng làm có tiền sau này phụ bà lo cho đám em đông.

Năm 71, mẹ đòi lại một căn phố cho thuê của bà cô họ để lại trước khi ra Bắc năm 54, thay mái mới, lót gạch hoa cho hai vợ chồng Lam ra riêng làm ăn. Lam bỏ tiền kéo cửa sắt, mở tiệm sách, đi dạy, giao vợ ở nhà buôn bán, chơi huê dành tiền mua được miếng đất lớn gần bến xe đầu tư. Năm 73, chiến tranh leo thang, sợ đứa con thứ ba vào lính, mẹ cố gắng lo cho Tùng đi Nhật du học. Chưa được 2 năm thì “30 tháng tư”, Việt cọng vào, Saigon nhốn nháo, đứt liên lạc, Tùng lạc lõng xứ người, phải tự lực cánh sinh. Long 27 tuổi, sắp ra luật sư, tương lai sụp đổ, thất thểu bỏ về Phanrang, cuốc đất trồng mía ở Sông Pha, trên miếng đất mẹ đã lo xa mua rẻ trước đó một năm.

Năm 75 đó, tai họa đổ lên đầu gia đình lần nữa, cùng với cộng nghiệp toàn dân miền Nam gánh chịu: quân Bắc Việt vào, quân trong Nam tan hàng từ ngòai Trung chạy vào, tỉnh trưởng Ninh thuận bỏ chạy, kho súng tiểu khu bị cướp, dân theo lính lấy súng cướp phá các hiệu buôn. Ngày 1 tháng 4, cửa sắt tiệm nhà mẹ bị bắn khóa, lính kéo toạc ra, cả trăm người ùa vào hốt của, tủ kính dày 5 ly đầy vải vóc tơ lụa áo quần cao 3 thước bể loảng xoảng, gia đình mất sạch gần hết tài sản.

Qua tháng 5, nghe cán bộ ngoài Bắc vào kể mỗi hộ chỉ được quyền có một nhà, mẹ ký giấy tay bán chui căn tiệm nhỏ lầu đúc ông ngoại để lại có 5 cây vàng, coi như cả nhà chỉ còn ngôi nhà to 2 cửa ở ngã ba.. Cô Hòa ngoài Bắc đã chết, chỉ còn lại cô Nghệ là chị cả, gửi thư tay nhờ người cầm vào xin mẹ bán gấp mấy căn nhà cô Hòa ủy quyền, hẹn tháng 7 vào. Mẹ chỉ kịp bán chui 1 căn phố kế bên nhà Lam được 2 lạng vàng, còn thì nhà nước cộng sản tịch thu hết 5 căn còn lại cho cán bộ ở.

Cô vào thăm mẹ và các cháu, ra ngồi bên mộ bà cô mất năm 54, khóc nức nở, tiếc công cha mẹ ngày xưa khó nhọc làm ăn để của cho con mà bây giờ nghèo túng cũng không được hưởng trong lúc tuổi già. Chồng cô Hòa là đại tá về hưu, đảng viên, từ Bắc vào Phanrang chạy chọt cũng không xin được, vì miền Nam đang trong chiến dịch đánh “tư sản”.

Tiệm mẹ tuy bị cướp sạch mặt tiền, vẫn bị chánh quyền mới bắt đóng thuế “siêu ngạch”, Lam nhớ đâu khoảng 1 triệu rưỡi 2 triệu gì đó. Mẹ sợ bị tịch thu nhà, hay bị “đánh tư sản” phải học cải tạo, nên vót vét bán hàng sót lại dưới nhà kho lấy tiền nộp thuế cho đủ số... Tiệm sách của Lam tuy không ai thèm bắn cướp, nhưng mấy em học sinh nhận lệnh Ty văn hóa, đạp xe ba gác tới tịch thu sách “đồi trụy” chở đi hết, kể cả sách giáo khoa toán, lý hóa, vạn vật….

Lam đi tù cải tạo, hết dạy. Long từ ông luật sư biến thành anh nông dân trắng tay trên rừng, chỉ có mỗi Tùng ở nước ngoài, đang học tiếng người lõm bõm, giờ đây phải tự lực nuôi thân vì bưu điện hai nước không liên lạc nhau, mẹ cũng không còn tiền để gửi. Hoàn cảnh gia đình trở lại gần như trắng tay như sau cơn lụt 11 năm trước, chỉ khá hơn một chút ở chỗ các con đều đã lớn hơn, biết tìm cách tự lo cho bản thân, hay trốn ra nước ngoài...

Minh Châu, em gái kế Long, có nghề may nên xin vào làm công nhân cho quốc doanh gần nhà để hộ khẩu có người làm công nhân viên nhà nước, khỏi bị ép đi kinh tế mới, an phận ngày 2 buổi, lương ba cọc ba đồng. Huệ tốt nghiệp trung học, nhờ tham gia Đoàn và hạnh kiểm tốt, được chọn đi học khóa kế toán, về làm kế toán trưởng cho Lâm trường gần nhà. Mẹ đóng một bên cửa tiệm, bên kia hé cửa duy trì một tủ kính nhỏ bán lặt vặt kiếm đồng ra đồng vào. Một lần, mẹ mua hàng ở Saigon về, dọc đường xe bị công an chận xét ở rừng Xuân lộc, không quen hối lộ nên hàng hóa mẹ bị vất hết xuống đất, đành ngồi mếu máo giữa rừng lạnh lẽo giữ của, gần sáng mới quá giang được xe khác tử tế chở về dùm. Từ đó, các con không cho mẹ đi Saigon cất hàng nữa.

Liên Hoa, em kế Châu, chồng đi học cải tạo, lăn ra chợ buôn vải và thuốc tây, cầm mẩu, ai hỏi, chạy tới chỗ dấu hàng, cầm đem tới. Rồi mặt tiền buôn bán bị trưng dụng làm hợp tác xã vì ngay ngã ba địa điểm tốt, gia đình rút ra phía sau ở.. Liên Hoa đảm đang, ban đêm mở quán giải khát nhỏ ở cửa hông sau nhà kiếm tiền giúp gia đình, ban ngày ra chợ trời bon chen bán vải, thuốc tây, tối về hì hục làm kem chuối phết nuớc cốt dừa bỏ tủ lạnh bán. Hồi đó quán lớn ngoài phố dẹp hết, nên những quán nhỏ bán với tính cách gia đình trong hẻm mấy tiếng đồng hồ ban đêm được khách chiếu cố đông và công an khu vực làm ngơ. Dưới Huệ còn lại 3 em, Hà học Đại học sư phạm 3 năm ở Saigon, 2 đứa út trung học, Việt và Thanh Hy, học lớp 9 và 8 trường gần nhà, ngoài giờ sinh hoạt học đường, chỉ phụ việc nhà lặt vặt.

Lam học cải tạo một năm về, bị quản chế 6 tháng. Biết câu “lao động là vinh quang, buôn bán là bóc lột”, đóng cửa tiệm, cùng vợ ra làm lò gạch, chồng xúc đất, vợ phơi gạch. Rồi Lam ho ra máu, xin qua tổ hợp thợ mộc gần nhà làm, rồi xin làm cho ty y tế trồng thuốc nam, cuốc đất, lại nhảy qua làm tổ hợp điêu khắc xuất khẩu, kiếm chuyện làm cho công an khỏi để ý. Nhờ có học trò cũ cha làm khu trưởng nên không bị ép đi kinh tế mới, hai vợ chồng bán lần đồ trong tiệm ra ăn, sinh thêm một con gái năm 78 cho đủ cặp rồi nghỉ luôn.

Thời kỳ đó, chế độ hộ khẩu, công an khu vực rình mò kiểm soát đời tư người dân chặt chẽ, đi lại hay tạm trú ngủ đêm nhà ai phải xin phép, trình giấy. Mua bán là bóc lột, lao động là vinh quang, kiếm ăn khó khăn. Con cái ngụy quân, ngụy quyền” không cho học lên đại học. Cộng sản ngăn sông cấm chợ, đổi tiền hai ba đợt để bần cùng hóa nhân dân, đẩy lên kinh tế mới thành phần nghèo thất nghiệp, thiên hạ oán hận ta thán khắp nơi. Những kẻ can đảm, nhìn xa thấy rộng, bắt đầu rục rịch lén lút vượt biên.

Năm 77, một gia đình thương gia Hoa kiều ở thành phố vượt biên ở bãi Ninh Chữ, ra khơi bị tàu Liên Xô bắt đem vô Vũng tàu, giao cho nhà nước bị nhốt tù. Đi cả gia đình lọt là một đại phúc, nhưng không phải dễ. Một người bạn cũ Lam đi chui đâu trong Nam, nghe nói ghe chìm, chết bỏ lại vợ 2 con.

Năm 79, Luận, chồng Hoa, học cải tạo về, hợp tác với ai đó có ghe, có bãi, lén lút tổ chức đi ở Bình sơn. Hoa dẫn em gái Thanh Hy theo chồng xuống biển, đêm khuya bị bể, Luận chạy thoát ra Qui nhơn, 2 chị em chậm chân bị bắt giam. Luận cho em gái vào Phanrang kéo Hoa đêm khuya leo rào kẽm gai từ trại tù ra, chạy lên ga xe lửa, vừa lúc tàu hú còi chuyển bánh… Hoa chạy ruợt theo, nhân viên trên tàu đưa tay ra kéo lên. Số Hoa may mắn, nhờ mẹ chồng lo cho 2 vợ chồng theo chuyến bán chính thức người Hoa, từ Qui nhơn lọt qua trại tỵ nạn Hongkong, bắn tin về nhà. Mẹ thở phào, cảm ơn Trời Phật, thêm một đứa con thoát ra nước ngoài.

Thanh Hy bị đuổi học ngang lớp 11 vì tội vượt biên, thấy mẹ lo cho chị Hà và anh Việt học đại học ở Saigon, muốn phụ giúp gia đình, xin ít vốn đi buôn trà và cà phê đường Lâm đồng-Phanrang. Đám đàn bà trong ban phụ nữ ganh tỵ con nhà “tư sản” có chị đi vượt biên, bắt Hy đi thủy lợi đào mương một tháng trên Sông Pha cho bõ ghét. Mẹ thương xót con gái út 17 tuổi thất học, vất vả lăn lộn đi buôn chuyến, không biết tương lai trôi giạt về đâu với chế độ khắc nghiệt này, tìm vào Saigon, qua giới thiệu một người thân, tới nhà một thày tướng số nổi tiếng, ngụy trang dưới danh “nha sĩ Cát”, hỏi về tương lai con cái. Thày bói, thày tướng thời đó bị bắt di học cải tạo, nằm trong chánh sách bài trừ mê tín dị đoan, nên có ai tin cẩn giới thiệu mới dám coi cho khách.

“Nha sĩ” quan sát khuôn mặt, dáng đi, hỏi mẹ có phải góa chồng không. Mẹ giật mình gật đầu.Thày trấn an:

- “Bác đừng lo, chính nhờ bác trai mất mà bác chịu thương chịu khó nuôi con, hướng về Phật pháp, siêng làm Phật sự, chuyên lo làm phước, số bác chuyển xấu thành tốt. Con bác đứa nào cũng biết sự hy sinh đó, kính thương bác, tự lo lấy thân, lo cho bác. Bác ngày xưa từng là bà chủ, cơ ngơi lớn, bà con trong tỉnh đều quí trọng, bây giờ tuy không còn giàu nữa, nguồn tiền của bác sẽ không lúc nào cạn. Một số con bác hiện ra ngoại quốc, một số còn trong nước. Có người ở trong quân đội, có người công danh sắp sụp đổ tan tành, nhưng ai rồi cũng sẽ gặp may mắn, có gia đình con cái sự nghiệp trở lại, và tất cả sau này sẽ gặp lại nhau, về thăm và đoàn tụ với bác. Tuổi thọ bác rất cao, bác sống tới 82 tuổi.”

Luận và Hoa ở trại tỵ nạn Hongkong, chờ Mỹ cả năm chưa bốc nên nóng ruột, nhân phái đoàn Thụy sĩ vô trại thông báo cho định cư nhân đạo, bèn đăng ký đi Suisse, cứ nghĩ ở nước trung lập thì dễ về VN thăm nhà hơn ở Mỹ là nước “kẻ thù”. Sinh kế gia đình lúc đó ở lại thật tiêu điều, chính quyền cấm mua bán nên mặt bằng phía trên bỏ trống, mẹ làm đơn xin lại mở tổ hợp nón lá, tạo công ăn việc làm cho các phụ nữ thành phố. Hoa đi rồi nên quán kem đóng cửa, mấy mẹ con sống tằn tiện đùm bọc nhau, bán dần giường tủ, bàn ghế, đồ dùng trong nhà ra ăn.

Năm 80, tổ hợp nón lá của mẹ không biết ra sao, chứ Lam làm tổ hợp điêu khắc xuất khẩu không kiếm được mấy đồng, phải ăn thâm vốn. Lam bỏ một lạng vàng ra mua chiếc xích lô đạp quanh quẩn trong thành phố kiếm sống. Ở Saigon, không ai cấm “ ngụy quân “ đạp xích lô kiếm sống nuôi gia đình. Nhưng tỉnh nhỏ, “phép vua thua lệ làng”. Đạp đuợc một năm thì công an chú ý, nói Lam “con nhà giàu, dân trí thức” có em ở nước ngoài mà giả đò đạp xe, chở khách là có ý đồ, làm “giao liên” cho tàn quân “ngụy”, nên cấm. Lam cười nhạt, bán rẻ xích lô.

Cũng may lúc đó phường cho buôn bán nhỏ trở lại, lấy thuế điều hành công việc, nên Lam bảo vợ nộp đơn xin mở lại tiệm tạp hóa, ngồi nhà dạy con học, nghe ngóng tìm mối vượt biên. Những năm đó, thiên hạ dở sống dở chết, lớp đi kinh tế mới, lớp cầy cuốc lên rừng khai đất làm rẫy, ăn độn bo bo khoai độn, rất ít người mở tiệm buôn bán, Lam may mắn có cửa hàng, lại giỏi kiếm hàng theo nhu cầu khách, lanh lợi mua bán có tiền, lai rai sắm vàng, tính chuyện vượt biên.

Năm 81 Huệ thấy ở lại VN không có tuơng lai bèn bỏ nhiệm sở, cùng em gái út là Thanh Hy đi ghe người quen giới thiệu ở Tuy hòa, ra khơi mấy ngày hết nước uống, may được tàu Na Uy vớt đưa về gởi tạm ở Singapore. Liên Hoa lập tức bảo lãnh 2 em, chỉ 2 tháng sau ba chị em đã đoàn tụ ở một thành phố Nam Thụy sĩ, sát biên giới Ý. Mẹ mừng rỡ, rưng rưng nước mắt, vào bàn thờ Phật đốt nến thắp hương, ngồi quỳ hàng giờ tạ ơn: bốn đứa đã thoát, ba gái một trai.

Ba em gái đi lọt trong 2 năm liền khiến công an địa phương tập trung chú ý vào đám con còn lại, nhất là Lam, bắt đầu gài người theo dõi rình rập. Lam làm chủ tiệm buôn ngay phố chính, có vợ 2 con, muốn đi cũng khó. Vắng mặt 2 ngày là láng giềng biết ngay, đồn lan ra khắp xóm, nếu kéo nhau vào Saigon hay lục tỉnh nằm chờ đi mà bể thì trở về lại không ở tù cũng mất nhà, bị buộclên kinh tế mới... Có một người trong đám được lệnh theo rình, nhưng mang ơn Lam giúp đỡ vật chất lúc ở tù về, tới nhà rỉ tai,“ Công an, tổ trưởng, tổ phó biết ông đang tính đi, đang theo dõi, ông phải cẩn thận…”. Lam chối đây đẩy,”làm gì có, tiền đâu mà đi”. Thời buổi này không dám tin ai, ngay cả bạn bè thân.

Long lúc đó đã bỏ rẫy mía, với bằng cấp cử nhơn luật cũ, đươc nhận vô làm nhân viên nhà nước, đạp xe một ngày 20 cây số lên xuống Phương cựu, phụ trách sổ sách cho công ty chế biến xi măng quốc doanh, tháng tháng lãnh 10 kí gạo và mấy chục bạc, dẫn vợ và con gái nhỏ từ Saigon về sống bám mẹ. Long bất mãn chế độ, nuôi mộng thoát ra nước ngoài cứu đói vợ con, nên ngoài giờ làm, chịu khó học lén thêm Anh văn. Lam đưa vợ Long mấy ngàn đồng làm vốn, nấu chè gánh ra chợ bán, được hai tuần thì cụt vốn. Long biết anh có ý cũng ra đi, xin anh giúp cho ít vàng đi vượt biên, khi có mối tốt. Lam bảo đừng lo, rồi căn dặn:

- Lúc này công an chìm nó theo rình ngặt lắm, không thể đi cả hai vợ chồng, phải đi 50/50, gia đình tách ra làm hai, nửa đi nửa ở, lỡ có bể, chạy về không ai biết.

- Em biết, em chỉ đi một mình thôi, đem con gái theo lỡ gặp hải tặc, có bề gì…

Lam sẵn sàng giúp, nhưng số Long còn trong đại hạn xấu, nên bị bắt. Hè 83, khi Lam có mối đi ở Nhatrang, toan kêu em từ Saigon ra, thì Long đã bị tóm vì vượt biên bể ở Vũng tàu mấy ngày trước.. Nguyên do chỉ vì có đứa xin đi hôi mà chủ ghe đuổi xuống không cho, nên chạy báo công an đất liền điện ra công an biên phòng chận bắt. Long ngồi tù hai năm, mẹ lo tiền chạy ra không được.

Tháng 6, trước khi Lam đi Nhatrang vuợt biên bỗng có người ở kế bên miếng đất Long mua lúc trước, tới hỏi mua lại cho con gái, là học sinh cũ Lam, sắp lấy chồng bộ đội nghèo, với giá một triệu bạc, tương đương có một chỉ vàng lúc đó. Nhìn cậu bộ đội Bắc kỳ hiền khô 2 tay cầm xấp tiền dành dụm mấy năm trời đi lính, trình bày hoàn cảnh xin giúp đỡ mà động lòng không nỡ từ chối. Lam nghĩ, vợ con bỏ lại còn được, sá chi miếng đất, đi bỏ lại nhà nước cũng tịch thu, nên cắn môi ký giấy tay bán. Mua 15 cây mà đành bán lại một chỉ, chỉ vì đầu tư mà không đoán trước thời cuộc. Năm 70, có ai ngờ đuợc 13 năm sau vĩnh viễn bỏ nước ra đi.

Chuyến ra đi, anh chị vợ tổ chức đã xong, nội tháng này, tháng tới, không biết hôm nào gọi đi. Muốn đi lọt phải buông bỏ hết, còn tiếc của, sẽ gặp nhiều trục trặc. “Qua xứ người rồi mình sẽ gầy lại, ở Saigon biết bao người triệu phú mà còn mất hết, vô tù, huống chi mình,” Lam nhủ thầm.

Thật vậy, chuyến đi của Lam xuông xẻ, thành công, chỉ tốn có một lượng vàng tượng trưng. Đem theo thằng con đầu 10 tuổi, gạt nước mắt bỏ lại vợ và con gái, tắp vào Hongkong ở 10 tháng, qua Phi học ESL 4 tháng, rồi sang Mỹ, định cư San Diego. Một tháng trước ngày đi, Lam phải đánh lừa công an và láng giềng bằng cách kêu thợ hồ tới xây thêm phòng và hầm cầu mới. Họ đổ một xe cát và gạch thẻ trước nhà, hai thợ hồ lăng xăng ra vô làm việc, ai mà ngờ được một vụ đào thoát táo bạo đang toan tính ngay giữa thành phố. Hai ngày sau khi Lam vắng mặt, tin tức đã lan truyền qua mấy dãy phố, xuống tới chợ Dinh, lan lên bến xe phía Bắc đầu thành phố.. Mẹ mừng lắm, lại chảy nước mắt, vào xì xụp lạy bàn thờ Phật cảm tạ.

Trong nhà, Lam là đứa ra đời sớm nhất, tháo vát nhất, cần kiệm chịu khó và bản lãnh nhất, giỏi sinh ngữ, khéo xoay sở, lanh lợi, khôn ngoan, ở hoàn cảnh nào cũng làm ra tiền được, nên mẹ đặt nhiều hi vọng ra ngoại quốc có thể gửi tiền về giúp các em còn lại.

Ở Hongkong, Lam đổi thuốc lá trại phát lấy áo thun Trung cộng mới toanh trại cho dân tỵ nạn, đem qua Phi bán 1 lời 20, lấy tiền tiêu. Hoa ở Thụy sĩ gửi cho 200 đô, bà cô ở Mỹ, em họ ở Canada mỗi nguời cho 100, Lam gửi bà sơ mua giùm cái camera, qua Phi chụp ảnh dạo kiếm sống…

Thế là năm 83, năm trên chín anh em đã ra được nước ngoài, ba gái hai trai. Hà bấy giờ ra cô giáo trung học cấp 3, đính hôn với Phú, bạn trai đồng nghiệp. Châu làm thợ may, đã ngoài 30 tuổi, cũng đã có anh chàng đại úy phi công tên Đông, ở tù cải tạo về làm quen, đi hỏi. Mẹ nhẹ bớt mối lo.

Năm 85, Long ra tù, xin vào làm cho tổ hợp xì dầu ở gần nhà mẹ, phụ trách khâu cung cấp hàng và kế toán, hay vào Saigon giao dịch. Hà và chồng là Phú được bổ nhiệm dạy cấp 3 ở Phanrang, ở bên cạnh mẹ. Đông cưới Châu, hộ khẩu ở Saigon, đạp xe đạp chở nước ngọt, bia, cam giao cho các quán làm kế sinh nhai. Em trai út, Việt 23 tuổi,mới ra trường là kỹ sư cơ khí, xin được việc ở Saigon. Người quen ai nhắc tới gia đình Lam cũng khen nhà có phước, con cái lớp nước ngoài gửi tiền về, lớp trong nước có công việc gần nhà.

Lam qua Mỹ được 6 tháng, học nghề thợ tiện cấp tốc 2 tháng, làm machine shop, lãnh check 800 đô lương tháng đầu, mừng lắm, mua vải vóc đóng một thùng đồ bự gửi về gia đình. Mẹ đi lãnh, mang ra chợ bán thành tiền chia cho vợ con Lam và các em. Hồi đó, dịch vụ chuyển tiền về Vn chưa có, nên chỉ có cách mua hàng gửi về, người nhà lãnh bán ra chợ trời lấy tiền sống. Sau đó, Lam bị laid off, thay đổi ở share nhà thiên hạ mấy lần, có job mới, rồi lại bị laid off, đành theo chủ nhà trọ đi cắt cỏ mướn, hoang mang chưa biết tính sao. May sao, bà cô họ qua Mỹ từ 75, làm rẫy trồng rau trên Fresno kêu lên ở, cho mượn xe truck, ứng ra mua máy móc cho Lam làm chủ đi cắt cỏ.


Lam chất hết hành lý lên chiếc Toyota Corona cũ đời 74, chở con lên Fresno. Fresno thành phố mộc mạc yên tịnh, xung quanh đồng cỏ nương rẫy đất đai trồng trọt, có nhiều người Hmong ở.

Lam mua chiếc xe đạp cho con đạp đi học, thằng bé cũng khỏe, biết tự lo lấy thân, Lam lao động mệt nhừ cả người tối về cũng không có thì giờ kèm con.. Được 6 tháng, thấy cắt cỏ không khá mà cực quá, Lam trả lại hết tiền máy móc cô mua, xin ra ở riêng, đi học college trở lại. Với vốn sinh ngữ căn bản sẵn có, Lam đầu tư hết thì giờ và tiền bạc vào sách vở, từ community college lên University, lái xe truck cà tàng vừa đi học, vừa cắt cỏ thêm chút đỉnh để dành dụm tiền phòng thân, lớp gửi về Vietnam giúp gia đình. Có lần Lam thi thử vào bưu điện, đỗ 7 nơi khác nhau với điểm rất cao, được gọi phỏng vấn ngay, nhưng họ chỉ offer part-time jobs ở tỉnh lẻ, nên từ chối. Lại đậu eligibitity worker vào làm cho Sở welfare, nhưng làm thử một tháng cũng bỏ, tiếp tục học luôn lấy bằng cấp giáo viên, dạy trường công lập, có lương cao tăng đều mỗi năm và health benefits tốt hơn. Học thêm ban đêm lấy luôn bằng Master sau 4 năm dạy ở San Bernardino.

Thời gian đó, Tùng bên Nhật về VN cưới vợ. Đám cưới vội vã trong 2 tuần lễ, Yến ở làm dâu mẹ vài năm thì Tùng về, bảo lãnh qua Nhật. Tiếng Nhật khó khăn, đời sống đắt đỏ, hai vợ chồng ở thuê căn hộ thứ 8 của một khu nhà lầu cao 12 tầng khổng lồ ở ngoại ô Tokyo, Tùng đi làm nuôi vợ con, cuộc sống khá chật vật.

Năm 88, nhà nước VN theo gương Đặng tiểu Bình, đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường. Hà sinh đuợc 2 con gái, Phú bỏ dạy, vô Saigon học sữa chữa máy điện tử và vi tính, về Phanrang sẵn tiệm buôn lớn của mẹ, mở tiệm bán tivi, đầu máy, DVD players, casettes, computer, tủ lạnh,máy lạnh, kéo 2 đứa em trai dưới quê lên phụ giúp…. Rồi làm đại lý cho Samsung, Sony, hàng chứa đầy nhà… Dân chúng được tự do kinh doanh làm ăn cá thể, sở hữu ruộng đất tư, bắt đầu có tiền rủng rẻng mua sắm, xây nhà. Nhà cửa ở ngoại ô, nhà quê tự do xây cất, mọc lên như nấm. Lúc đó diện H.O. cho lính cải tạo trên 3 năm được sang Mỹ định cư bắt đầu, Đông nộp hồ sơ, chuyển hộ khẩu về Phanrang ở chung với vợ con, trong lúc chờ đợi, bắt chước Phú, mượn vốn mua bán radio, máy hát…. Ngôi tiệm lớn 2 ngăn của mẹ ngày xưa giờ trở thành tiệm buôn máy móc lớn nhất tỉnh, lôi cuốn khách hàng nườm nượp. Hai cặp Châu-Đông và Hà-Phú chia nhau cửa hàng lớn của mẹ làm 2 bên, mỗi bên một tiệm, bên bán đồ điện tử, tivi, máy hát, bên chủ yếu bán computer, tủ lạnh, máy giặt sấy, tránh không đụng hàng. Dân tỉnh nhỏ bỏ hợp tác xã, làm ăn cá thể trở lại, có tiền, xây nhà, mua sắm tivi, máy hát, máy coi phim bộ, máy giặt, máy sấy vừa túi tiền, đua nhau mua sắm hưởng thụ nếp sống văn minh. Phú khôn khéo ngoại giao, bán cho các công sở vô số máy vi tính và tivi hợp với trào lưu mới. Phú đào tạo một đội ngũ chuyên viên sửa điện và điện tử, có lần dám thầu bắt điện cho cả một làng Chàm ở nhà quê. Hà thấy buôn bán làm ăn phát đạt, bỏ dạy, ở nhà trông nom con, phụ chồng trông coi tiệm nhân viên bán hàng.

Giữa lúc không còn hi vọng có em nào ra khỏi nước nửa thì một đêm khuya, Lam thức giấc vì một cú phone Thụy sĩ gọi qua. Hoa hớn hở báo tin Long đã lọt qua đảo Bidon. Lam mừng quá, tỉnh ngủ thức luôn tới sáng. Cảm ơn Trời đã ban phước cho gia đình, người nào cũng có phần. Sáu trong 9 anh em đã ra nước ngoài tự do...Lên INS làm hồ sơ xin bảo lãnh Long qua Mỹ, Lam bị từ chối, họ nói “ai làm nấy hưởng”, anh đi lính anh hưởng, em không lính không hưởng. Bèn nhờ người học trò cũ định cư ở Canada từ 75, làm giáo sư đại học ở Montreal bảo lãnh. Lộc sốt sắng giúp thày, mua nhà, chuẩn bị lo thủ tục bảo lãnh, nhưng người em bà con du học từ 65 ở Quebec, lại khuyên Long đi Úc, khí hậu ấm áp và có nhiều ưu đãi đặc biệt hơn Canada. Thế là Long nhờ bà sơ Úc, hiệu trưởng lớp ESL ở Bidon Long đang phụ tá, nói giúp với phái đoàn Úc cho đi diện nhân đạo. Số Long, cũng như Tùng ở Nhật, Lam ở Mỹ, phải sớm ở xa cha mẹ anh em. Định cư ở Úc, được 2 em vợ qua trước đó 2 năm, đưa vào hãng có việc làm ngay, làm đơn bảo lãnh có 6 tháng, vợ con đã qua đoàn tụ. Phần Lam phải qua tới đầu 91, vợ con mới sang được Mỹ. Long gửi thư qua thăm anh, kể lể chuyến đi, tâm sự, trút hết nổi hờn lên đầu bọn cọng sản đã vùi dập tan nát tương lai tuổi trẻ mình, thề không bao giờ quay về VN nữa.

Năm 92, thêm một em nữa ra khỏi VN. Đó là Minh Châu, dẫn 2 con trai nhỏ theo chồng qua Mỹ diện H.O. Lam đang dạy học, ở apartment, sẵn có tiền, bỏ 10 ngàn ra “down” mua quách cái nhà 3 phòng cho hai gia đình ở chung, khỏi mướn 2 căn hộ riêng tốn tiền, lại được lợi có cái garage cho vợ chồng em gái ngồi may đồ lãnh về từ các shop may... Như vậy 9 đứa con đã có tới 7 thoát ra nước ngoài, mẹ bắt đầu an nhàn, thoải mái, không còn lo lắng nữa.

Vợ chồng Hà buôn bán lớn, ăn nên làm ra, phụng dưỡng mẹ, mua thêm một ngôi nhà lầu mặt tiền ở đường Trung tâm, mở chi nhánh chuyên bán computers, rồi mua luôn căn phố vợ chồng Lam bỏ lại cho bà cô trước khi đi Mỹ với giá 11 cây. Cô Nghệ phải cầm giấy tờ thừa kế vào Phanrang chạy chọt hối lộ các nơi để bán cho được căn đó, nếu không sẽ bị tịch thu.. Tùng ở Nhật đi làm có tiền, về Vn mua một ngôi nhà trong hẽm quận 3 Saigon, giá bấy giờ có 7 cây, cho vợ chồng em trai út là Việt đứng hộ khẩu để gia đình có chỗ trú ngụ mỗi khi vào Saigon, hay anh chị em về VN chơi có chỗ ở.

Ở Thụy sĩ nơi phương trời Âu, chính phủ không cho 3 chị em Hoa đi học lại, bắt đi làm. Luận làm tài xế và bảo trì dinh thự cho một tỷ phú buôn đồ cổ, được cấp nhà ở free, lương tháng vài ngàn euros. Hai vợ chồng dư tiền, đầu tư mua nhà cho thuê, sinh một con trai. Huệ và Hy làm trong một siêu thị, lần lượt lấy chồng. Chồng cũng dân tỵ nạn Thụy sĩ, gốc người Vũng tàu. Đời sống đắt đỏ, nhưng cả hai đều được chính phủ giúp mua nhà.

Ở Mỹ, cặp Châu-Đông để dành một số vốn dọn qua Little Saigon ở, bắt đầu đi học nghề. Long bên Úc trở lại đại học và đi làm hãng bện lông cừu part-time. Các con trong nước, ngoài nước, như vậy đều sớm được ổn định. Nhiều năm về sau, hồi tưởng lại, Lam và các em đều nghiệm ra nhờ phúc ấm của cha mẹ để lại mà hầu như tất cả anh em ra nước ngoài an toàn, cuộc sống chỉ có ngày càng đi lên, trong khi đa số thiên hạ ở lại trong nước, ngày càng đi xuống….Thiên hạ trong tỉnh ai cũng cho là hiện tượng ít thấy, khen nhà có phước lớn nên con cái dưới chế độ cọng sản mà “đi ngoại quốc như đi chợ”.

Đâu khoảng năm 90, hai vợ chồng Hoa chê đời sống ở Thụy sĩ không có cơ hội “phất”, bán nhà Thụy sĩ được hơn trăm ngàn, gửi em gái ở Texas mua 2 ngôi nhà gạch to tướng và một tiệm giặt sấy, dẫn con trai duy nhất qua Mỹ ở lậu tại Houston, gần nhà cô em gái út. Luật sư di trú ở Houston bảo phải bỏ ra 500 ngàn “đô”đầu tư mới được thẻ xanh định cư theo diện kinh tế. Luận cho thuê nhà nhỏ, ở nhà lớn, ngày ngày ra tiệm giặt coi, hay đi sửa nhà trong thành phố cho ai có nhu cầu, rồi gọi bạn bên Ý qua hùn mua chung cư cho thuê. Hoa học college trau dồi tiếng Anh, làm part-time cho một video store. Thấy Bưu điện tuyển nhân viên phát thư, bắt chước Lam, Hoa làm đơn thi, ai ngờ đậu điểm cao, được interviewed, nhận vào làm, lương 14 $/giờ. Số Hoa thật hên, làm cho Bưu điện một năm thì thẻ xanh hết hạn, không được gia hạn, không đuợc cấp thẻ mới, nhưng bưu điện không biết, cũng không hỏi. Hoa trở thành công chức chính ngạch thực thụ của Liên bang, ngồi office bán tem gói hàng an nhàn, mà chẳng có chút giấy tờ gì hợp lệ hộ thân ngoài bằng lái xe... Có lần Christmas, Lam qua thăm Hoa, Luận chở đi coi nhà cửa. Nhà ở Texas xây bằng gạch như ở VN, giá quá rẻ, nhưng mùa đông thật lạnh, nước đóng cục trong vòi nuớc bên ngoài nhà, vặn không chịu chảy ra.

Long bên Úc, “sống lâu lên lão làng”, lại nhờ bằng cấp cao, được hãng tin cậy “promote” lên làm full-time manager, lương cao, mua nhà. Đông ở Little Saigon, học college sửa ô tô, Châu học nails, học tóc. Hai năm sau Đông làm cho Toyota hãng Mỹ, Châu làm cho các tiệm nails, tóc. Mười năm sau, Đông chuyển qua làm check smog cho khỏe, Châu xin vô hãng chế dụng cụ y khoa lớn làm, có benefits đầy đủ, đóng thuế, để sau này có tiền hưu. Năm 2009, địa ốc bể bong bóng, hai người may mắn có job vững và credit tốt, được bank cho vay mua được căn nhà giá rẻ, có 330 ngàn so với trước đó là nửa triệu.

Năm 95, mẹ bay qua Thụy sĩ du lịch, ở chơi 6 tháng với 2 chị em Huệ, Hy, có nhà ở gần nhau. Lam bay qua thăm mẹ và hai em, ở một tuần. Suisse xanh rờn cây cối, môi trường không khí và nuớc uống tinh khiết trong trẻo, cuộc sống êm đềm thanh tịnh như ở Thiên đàng. Chồng Huệ lái xe đưa cả nhà đi thăm các nơi trong thành phố, rồi qua Ý chơi, coi nhà thờ cao vút, đi thuyền “gondola” ở Venice, chụp được nhiều hình rất đẹp, rồi về lại trong ngày.

Năm 99, Lam về Vn thăm nhà lần đầu. Công an xuất khẩu địa phuơng gửi giấy mời tới hỏi thăm, chiêu dụ đầu tư. Lam cười, “tôi làm công chức mà tiền đâu đầu tư?”. Nhà cửa dân chúng, công sở, dinh thự khắp nơi mọc lên như nấm. Việc đi lại giữa Vn và các nước tư bản đã dễ dàng, Việt kiều hải ngoại đua nhau về VN liên tục. Qua 2000, Mẫn, con trai lớn Lam ra đi làm, Lam bán nhà cũ, mua ngôi nhà lầu mới 4 phòng ở Riverside. Các em bên Thụy sĩ lục tục dẫn các cháu qua Mỹ thăm anh và 2 chị Châu, Hoa, cả đám kéo nhau đi chơi Disneyland, coi Holywood, thăm Las Vegas chụp hình, quay phim...

Trên đường về lại Mỹ từ VN, Lam quá cảnh phi trường Nhật 8 tiếng, gọi Tùng ra đưa về nhà chơi cho biết. Tùng đi xe điện 2 tiếng ra phi trường đón anh. Căn hộ Tùng ở tít từng thứ 7 cao chót vót, phải đi thang máy lên. Căn hộ chật chội mà cả ngàn đô một tháng. Gặp Yến và 2 con gái Tùng, con Tùng không biết nói tiếng Việt, chỉ biết gật đầu cháo bác.Tùng kéo ra quán ăn mì nước, coi siêu thị, thấy giá thức ăn rau trái “siêu” đắt đỏ. Cuộc sống ở Nhật vất vã, đất hẹp người đông, nhà đất đắt bạc triệu, có xe nhưng nhà không có chỗ parking, nên đa số ai cũng di chuyển bằng xe điện công cộng. Phải chi năm đó, mẹ gửi đi Âu châu học thì số phận Tùng có lẽ đã khác, có thể đã ở Thụy sĩ cùng với ba chị em, gần gũi ấm áp hơn.

Long, sau khi mua nhà ở Úc, đời sống ổn định, thoải mái, cũng phá lời thề xưa, dẫn vợ con bay về Phanrang thăm mẹ năm 2001. Qua năm sau, Lam bảo lãnh mẹ sang Mỹ du lịch, qua lại giữa nhà Lam ở Riverside và Châu ở Wesminster. Hoa từ Texas bay qua Cali thăm mẹ. Lam chở mẹ đi San Jose, đi San Francisco, coi cầu Golden Gate, cầu Oakland. Con gái Lam đưa mẹ bay qua Carolina thăm xui gia cha mẹ chồng tương lai. Hỏi ý mẹ có muốn ở lại Mỹ luôn thì Lam xin chuyển diện du lịch qua thường trú luôn, dễ ợt. “Ở Mỹ, già có đầy đủ hết, medicare, tiền già, má muốn đi nước nào cũng dễ, má muốn thì con lo có liền”. Mẹ suy nghĩ mấy ngày rồi từ chối, quyết định về lại VN với Hà và Việt…Con cái ở khắp thế giới, tuy nơi nào cũng muôn màu, đẹp đẽ, giàu có, sung túc, không nơi nào đích thực là nhà của mẹ cả, hơn 70 năm trời mẹ đã lớn lên và sống ở Phanrang.

Năm 2002 Lam lại về VN, ra Bắc thăm chùa Hương, ngủ đêm ở vịnh Hạ long, ở Sapa, Lào Cai. Cùng năm đó, Long bảo lãnh mẹ qua Úc chơi, thấy vậy, Châu và Thanh Hy bay qua Úc ở một tuần, thăm Long và mẹ. Huệ và Thanh Hy cũng cứ vài năm một lần, dẫn con bay về VN thăm mẹ và bạn bè cũ.

Năm 2003 mẹ lại qua Thụy sĩ chơi, chẳng may có một hôm ho ra máu, ngã quỵ xuống, 2 em gái chở vô emergency cấp cứu, bác sĩ nói phổi bị rách vì ngày xưa bị nám mà lại chích quá nhiều trụ sinh, làm ngay thủ tục cắt bỏ nửa lá phổi. Long từ Úc cấp tốc bay qua phụ 2 em gái, săn sóc mẹ. Mẹ sơ ý không mua bảo hiểm sức khỏe trước khi đi, tiền bill nhà thương lên tới 2 trăm ngàn, lấy tiền đâu trả. Nhưng Thụy sĩ quá nhân đạo, thấy 2 cô con gái Thụy sĩ gốc Việt income thấp, mà lại phải nuôi con ở đại học, nên không nỡ ép trả tiền. Các con ở các nước, Lam, Long, Châu, Hoa, Hà áy náy, góp lại trả nhà thương đâu được 8 ngàn thì họ nói “thôi, đủ rồi”, xí xóa, đóng hồ sơ bệnh, xóa nợ.

Như là có phép mầu, anh em ngơ ngẩn nhìn nhau, chuyện không thể nào ngờ được. Mẹ sau đó được nằm dưỡng bệnh nhà thương thêm một tuần nữa, tái khám, mới cho về nhà. Tháng sau, khi bác sĩ chứng nhận đã hòan toàn bình phục, mới cho lên máy bay về VN. Cảm ơn, Thụy sĩ, cảm ơn…Mẹ phước lớn, ở Vn nhiều năm không sao, mà qua tới xứ văn minh mới lăn ra bệnh, lại là bệnh ngặt nghèo. Nếu ở VN, chắc gì mà còn sống. Từ biến cố đó, mẹ ở Vn luôn, không dám đi du lịch thăm con cái nữa. Lạ thay, lá phổi bị cắt từ từ phình ra và phát triển mọc lại đầy đủ như cũ. Lo trước hậu sự cho mẹ, Phú và Hà bỏ tiền ra xây khu mộ gia đình họ Phạm khang trang trên núi chùa Trà Can, cách thành phố 12 cây số, nơi vợ chồng Lam ngày xưa lên quy y làm đệ tử thày tổ, nay đã viên tịch. Khu mộ gia đình có cổng đá xây gạch cao và rào kiên cố. Mỗi lần con cháu ở xa về nước đều lên núi thắp hương thăm mộ ông bà ngoại và ba, quanh quẩn hồi lâu ngắm cảnh núi đồi cây cỏ xung quanh, bùi ngùi ôn lại kỉ niệm gia đình mấy chục năm qua, không biết sau này chết ở xứ người hay về đây chết...

Năm 2003, Thanh Hy và Châu bay qua Úc dự đám cưới Kiều Giang, con gái đầu Long. Năm sau, Lam gả con gái lấy chồng qua miền Đông ở. Qua 2005 lại cưới vợ cho con trai, giúp con mua nhà mới ở Los Angeles. Thấy hai con đã tự lập, tiền hưu dạy học cũng đủ sống, cái nhà trả sắp xong, Lam xin nghỉ hưu, về nước thăm mẹ. Sư cô Tâm (thư ký Hội từ thiện của mẹ) nhờ Lam lên chùa thông dịch cho một nhà sư từ Ấn độ sang thăm vì chùa không ai hiểu tiếng Anh. Ông cho biết muốn gặp các cha cả ở các làng Chàm để hỏi thăm đạo Bà la môn họ tu có còn giống hồi nguyên thủy 2500 năm trước không. Ủy ban tôn giáo tỉnh và công an tưởng là sư Mỹ đen từ Hoa kỳ qua điều tra vụ người Chàm thiểu số bị cướp đất hay bị hà hiếp gì đó, không cho gặp, nói thác họ mắc ra đồng làm ruộng cả rồi. Ông sư về lại Saigon, tối hôm sau, Lam lập tức bị rắc rối với công an địa phương. Họ kéo tới nhà tra hỏi, tưởng Lam dẫn nhà sư lạ từ Mỹ về điều tra chuyện bạc đãi dân tộc thiểu số trong nước, rồi khi hiểu sự thật không phải vậy, quay ra phạt vi cảnh hành chánh vì một lí do vớ vẩn khác: không chịu “tái đăng ký” khi từ Saigon về lại Phanrang. Lam thấy vô lý bực mình cãi, nhưng rồi cũng trả tiền phạt cho xong, “book” ngay máy bay về lại Mỹ. Từ lúc đó, tự nhiên Lam dị ứng, chán ngán không thích về VN chút nào nữa. Ở trên thì chiêu dụ Việt kiều mang đô la về, ở dưới thì theo dõi, tra hỏi, hăm dọa, moi tiền. Trên thế giới, không có nước nào kỳ cục như vậy hết.

Vợ chồng Hoa ở lậu tại Mỹ không có giấy tờ nên không đi đâu được. Cũng như Huệ và Thanh Hy, hai vợ chồng Hoa phát tâm ăn chay trường, nhờ luật sư giỏi làm lại hồ sơ đầu tư. Năm 2008, sau một lần gặp thượng nghị sỹ Mỹ xin cứu xét, hai vợ chồng với đứa con trai đang lấy bằng tiến sĩ, được chánh án chấp thuận cho ở lại Mỹ hợp lệ, cấp thẻ xanh thực thụ, rồi qua năm sau, có luôn quốc tịch chính thức.

Năm 2009, vợ chồng Long bay qua Mỹ thăm anh em. Con trai Lam đãi chú thím đi tiệm ăn, tò mò hỏi ngày xưa chú và ba con còn nhỏ sống với ông bà nội thế nào, có những kỉ niệm gì. Long đăm chiêu ngồi thừ người ra, phảng phất buồn. Lam nhớ lại những ngày ba kèm 2 anh em học, thời gian lên Dalạt chơi, những ngày ba chết, nước lụt, Việt cọng vào…Chuyện gia đình như cuốn phim cũ đen trắng đem ra chiếu trở lại, buồn nhiều hơn vui…… Weekend, Lam và Đông đi 2 xe chở gia đình mấy anh em đi L.A và Holywood coi cho biết. Long quan sát đời sống Mỹ, trầm trồ khen ngợi Cali xưa là sa mạc mà nay biến thành đô thị trù phú, sầm uất, cây cối xanh tươi. Rồi theo lời mời con gái và rễ Lam ở miền Đông, 2 vợ chồng bay luôn qua Carolina chơi, được 2 cháu lái đưa đi suốt dọc miền Đông nước Mỹ lên tới New York. Về lại Cali, Long trầm ngâm ít nói.

- Ai cũng khen nhà mình có phước, gần hết ra được nuớc ngoài sống tự do, mà thực ra là vô phước, anh em con cái cha mẹ lưu lạc mỗi người mỗi nơi, không được đoàn tụ một chỗ, sớm hôm gần gũi, qua lại an ủi, giúp đỡ lẫn nhau khi có chuyện khó khăn, lo buồn. Các cháu ở xa cô bác, chú cậu, mợ dì, không có tình thân kỉ niệm gì ràng buộc, gặp nhau chào hỏi như người xa lạ. Nhiều khi anh em nhớ nhau cũng không có điều kiện đi thăm nhau được…

- Đúng vậy… nhiều khi lang thang trên xứ lạ quê người, anh chợt tự hỏi “Sao ta lại ở đây, cha mẹ anh em ngày xưa ấm cũng xum vầy bây giờ đâu hết rồi? Chừng nào tất cả gặp lại nhau? Đây là nơi mình ở luôn tới chết, hay chỉ nơi ở chơi tạm rồi về lại VN ở cạnh mẹ?”

Cuối năm đó, có giấy tờ hợp lệ, Hoa nghỉ phép một tháng, dẫn con về VN thăm mẹ sau 30 năm xa cách quê hương, rồi đi Nhật thăm Tùng. Vợ chồng Hà bây giờ là thuơng gia lớn ở VN, được nhiều vé du lịch free liên tục của Samsung và Sony thưởng hai lần mỗi năm vì bán được nhiều hàng. Hà đưa mẹ đi chơi các nước gần như đảo Hải nam, Đài loan, Singapore…Phú cho 2 con qua Mỹ du học, hai năm về chơi nhà một lần.

Hè năm 2012, Lam, Long và Thanh Hy rủ nhau tham dự một tour đi nhiều nuớc Âu châu do nhóm Thụ nhân, cựu sinh viên quốc gia hành chánh trước 75 tổ chức, gặp nhau ở Paris. Ba anh em đi bên nhau giữa phố xá đền đài cung điện xe cộ tấp nập của kinh đô ánh sáng mà nhớ tới quê hương đất nước mịt mù, tự hỏi sao chỉ có 3 đứa lạc lõng chốn này. Đây là đâu, cảnh thật, hay cảnh trong mơ?

Thanh Hy lúc đó đã ly dị chồng, chán cuộc sống lạnh lẽo buồn ở Thụy sĩ, quyết định nghỉ hưu non, bán nhà có lời, chia cho 2 con một phần, rồi về Phanrang ở luôn bên mẹ săn sóc. Việt dạy vi tính ở đại học, vợ làm giám đốc doanh nghiệp lớn, mua thêm một cái villa đầu tư.

Năm 2014, con trai Hoa được công ty Google offer job ngon lương trên trăm ngàn ở San Jose thung lũng hoa vàng, hai vợ chồng Hoa từ Houston lái xe chở con qua Cali lo chỗ ở cho con, xuông Wesminster thăm Châu, đãi cha con Lam và mấy mẹ con Châu đi ăn cơm chay mừng cháu. Anh em lâu ngày không gặp, chuyện trò tưng bừng rôm rã. Từ Nhật, Tùng 61 tuổi, cũng mang con gái lớn xinh đẹp và rễ là cậu trai Nhật mồ côi cha mẹ, về Phanrang làm đám cưới theo nghi lễ cổ truyền. Washaki mặt hiền khô, sống với bà nội từ nhỏ, bà nội giàu, có mấy ngôi nhà cho thuê, giao cho cháu thừa kế quản lý. Con gái Tùng không biết nói tiếng Việt, phải dùng tiếng Anh để trao đổi với cô chú và cousins ở Mỹ về. Hai bà Châu, Hoa, tuổi sắp về hưu, ở Mỹ dẫn con cái về dự đám cưới, thăm mẹ và các em. Suốt 2 hai tuần liền, mấy chị em và đám con cháu kéo nhau đi Hội an, Nhatrang, Phan thiết chơi vui vẻ xả láng.

Năm nay, mẹ đã 88 tuổi, tóc bạc phơ, tai hơi lãng, chân hơi yếu, quanh quẩn trong nhà, ngồi thiền, niệm Phật, nghe kinh Kim Cang thày Thanh Từ giảng, tối tối thắp nhang lạy Phật. Lam đã 70, cũng như Long 66 tuổi sắp về hưu, đã có cháu nội ngoại. Coi các tấm hình mẹ chụp gửi qua mạng, cũng như qua DVD, thấy mẹ đẹp lão như bà tiên, vượt qua tuổi thọ năm xưa ông thày tướng đoán. Mẹ sống lâu hơn, mạnh khỏe không đau ốm gì, có lẽ do “đức năng thắng số”. Nhưng, ở đời, có sanh tất có diệt. Thân người ngũ uẩn giai không, chắc cũng vài năm nữa thôi, mẹ sẽ đi theo ông bà...

Khi ngày đó dến, các con khắp nơi sẽ bay hết về nhà, tề tựu quanh giuờng, chịu tang, làm phước báo hiếu cho mẹ, trong lúc thời cuộc đất nước còn ngổn ngang trăm mối chưa biết về đâu. Xa quê nhiều năm, tình quyến luyến quê hương các con cũng phai dần. Khí hậu ô nhiễm, thức ăn độc hại, dân nghèo đói khổ, đạo đức suy đồi, luật lệ hà khắc, công an du đãng, tham nhũng tràn lan, xã hội tan rã, có gì hấp dẫn để về ở, nói chi tới đám cháu chắt sanh đẻ ngoại quốc, nói tiếng nước người rành hơn tiếng Việt…

Mừng mẹ tuổi cao khỏe mạnh, nhưng lòng con băn khoăn, buồn cho vận nước điêu linh, nô lệ giặc Tàu, chưa được dân chủ, tự do, no ấm. Tương lai dân tộc tối đen, biết hết đời con qua đời cháu có thay đổi gì không… Kỉ niệm năm tháng êm đềm hạnh phúc với cha mẹ ngày xưa có thể còn giữ trong đầu các con, nhưng trở về sống lại với quá khứ ở quê nhà là chuyện vô tưởng, không riêng gì anh em Lam, mà hầu như đối với tất cả các con dân Việt hải ngoại thế hệ thứ nhất, thứ hai…

Phạm Hoàng Chương

Ý kiến bạn đọc
29/04/201805:12:24
Khách
Cam on tac gia Pham Dinh Chuong da viet lai cau chuyen de cho ta thay "That bai la me thanh cong" (Neu ta khong som bo cuoc, than troi, trach dat.)
29/04/201804:55:41
Khách
Mot gia dinh co mot nguoi me dung cam, khong so vat va . Mat keo nay bay keo khac.Hieu sau, biet gia tri cua su hoc van cao. Da cho con hoc thanh tai. Cac con da theo guong me tu minh vuon len. Toi rat kinh phuc Ba ME va rat mung cho su thanh cong cua gia dinh. Nhat la anh trai truong biet thuong yeu va giup do cac em. Kinh Phuc .
09/03/201514:26:00
Khách
conmeo viết "Nghe khoe dữ quá, phúc ấm, được job ngon, sống ở nước ngoài.. mà sao còn mơ Việt nam?. Mà toàn bộ người thân trong nước là thương gia lớn hãnh diện vô cùng, sung sướng quá không ai hơn."

Tác giả kể về những chuyện vui, buồn, lên, xuống trong cuộc đời của một gia đình niền Nam , chứ chẳng có gì là khoe khoang như conmeo tưởng tượng . Người Việt tỵ nạn cộng sản họ thương số phận của những con người Việt bị cộng sản phá hoại . Họ tiếc cho công lao tổ tiên 4,000 năm chống Chệt, nhưng ngày nay bọn cộng sản lại quỳ lạy dâng đất dâng biển cho Chệt đỏ xí xô xí xào . Chứ họ chả có mơ cái thá gì về thiên đường xã hội chủ nghĩa kắc mệnh cả . Lời bình của conmeo chứng tỏ là conmeo đọc mà chả hiểu cái thá gì . Những lời bình sất láo xỉa xói của conmeo chứng tỏ conmeo mang đầy ganh tỵ , ganh ghét với những người tỵ nạn cộng sản thành công tại Mỹ .
02/02/201522:11:40
Khách
Đồng ý với Hiếu. Một gia đình may mắn không mất người thân trên đường vượt biên !
02/02/201503:21:19
Khách
Câu chuyện tiêu biểu chung cho hoàn cảnh của hàng triệu gia đình trong xã hội miền Nam sau 75. Đây là một gia đình may mắn,không có ai bị chết trên đường vượt biên, gầy lại cuộc đời mới thành công, và hậu vận tươi sáng tốt đẹp.
31/01/201516:49:51
Khách
Nghe khoe dữ quá, phúc ấm, được job ngon, sống ở nước ngoài.. mà sao còn mơ Việt nam?. Mà toàn bộ người thân trong nước là thương gia lớn hãnh diện vô cùng, sung sướng quá không ai hơn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,080,276
Việt Báo ngày 3 tháng Sáu, tác giả Khôi An viết về Sinh Viên Gốc Việt tại Đại Học Stanford và Đêm Văn Hóa Việt 2015. Phần tiếp sau đây kể về Chiều Tưởng Niệm 30 Tháng Tư tại Stanford và tâm sự 40 năm sau của vị tướng VNCH từng sát cánh cùng đồng đội trong trận chiến sau cùng và trải qua 17 năm tù đầy
Tác giả từng phải rời bố mẹ để vượt biển từ tuổi học trò, đến Mỹ năm 1984, hiện là một kỹ sư điện tử, cư dân San Jose. Với nhiều bài viết giá trị, Khôi An đã nhận Giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013.
Trước 1975, tác giả đã có nhiều truyện ngắn, truyện dài do tạp chí và nhà xuất bản Tuổi Hoa ấn hành tại Saigon. Sau tháng 4/1975, Cam Li không viết nữa. Định cư tại San Jose từ 2003.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên.
Khi gia đình chúng tôi dời chuyển đến xóm, Anh đang học Đệ Ngũ cùng một lứa với người anh thứ hai của tôi. Sau hiệp Định Genève, di cư từ Thanh Hóa vào, chỉ có cha và Anh, rất đơn chiếc.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết, tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Sau đây là bài mới của ông.
Tác giả định cư tại Houston từ 1993, sau hơn 20 năm làm nghề bán bảo hiểm nhân thọ, hiện đã về hưu. Năm 2007-2008, ông đã góp ba bài Viết Về Nước Mỹ: Những ngày đầu tiên đến nước Mỹ;
Tác giả là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010 và mới đây,
Sáu Steve Brown là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Ông là người Mỹ viết trực tiếp bằng tiếng Việt và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2013.
Tác giả hiện là một bà giáo dạy trẻ tại Marrysville, thành phố nhỏ cổ xưa nhất của Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Viện Bảo Táng Của Những Người Lính Bị Bỏ Quên"
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến