Hôm nay,  

Người Việt Tử Tế

05/08/201300:00:00(Xem: 230374)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả cho biết cô họ Đoàn, đang ngụ cư ở Austin, TX, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Cô cho biết cô vốn là cô giáo dạy văn ở Sài Gòn, bây giờ làm trong nhà ăn ở trường học. Mong Lệ Thanh sẽ tiếp tục viết.

Trước khi từ biệt quê nhà yêu dấu, tôi thường hỏi những người quen (là Việt kiều ) về cách cư xử của người Việt hải ngoại, với ai tôi cũng được trả lời bằng một cái bĩu môi dài (như vừa được phẫu thuật thẩm mỹ bơm môi) kèm theo nhiều cái lắc đầu ngao ngán, sau đó là vài ba chục câu than thở : “Người ta định giá trị của mình bằng cái xe mình đi, cái áo mình mặc, đôi giày mình mang…”; “ Ở xứ lạ quê người thì phải đùm bọc nhau chớ, như người Tàu đó, đâu cũng có China Town, đố ai mà ăn hiếp được một người Tàu nào. Đằng này, còn lừa nhau, chơi nhau tận cùng bằng số”; “Hãng nào có nhiều người Việt là lu bù phe phái bè cánh, còn phải biết chị..chị..em …em, quà cáp sớm trưa mới mong không bị lay off ”. Khi qua Mỹ rồi, lại thêm nhiều răn đe: “Mua xe hử? Nhớ nghen, chớ ..chớ …chớ bao giờ tìm tới body shop của người Việt”; “Mua nhà hử, nè nè, tìm khu Mỹ trắng mà ở, hàng xóm người Việt nó dòm ngó nhiều chuyện lắm…” v.v và v.v……( Chà, lại nghe nói Mỹ trắng thấy người Việt mình dọn tới làm bạn hàng xóm là họ bán nhà chạy trốn, vậy thì ở đâu cho yên thân đây?).

Nghe riết thành nhập tâm, cho nên hành trang tôi đem theo qua Mỹ còn có thêm một cái ba lô vô hình chứa đầy ắp những thành kiến về người Việt, tự nhiên tôi đâm ra kì thị với ngay cả đồng hương mình. Những ngày đầu mới định cư, giao tiếp với người bản xứ thì tôi cởi mở thân tình, ra vẻ ta đây là dân Mỹ gốc Việt thứ thiệt, lịch sự dư dả không kém gì dân Tây, nhưng với đồng hương thì “cảnh giác cao độ”, thấy người nào tóc vàng, da vàng, mũi (sửa) cao là …né, cần thiết thì chào hỏi dăm ba câu trong tinh thần thủ thế.

Thời gian đầu, tôi ở nhờ nhà vợ chồng đứa cháu gọi ông xã tôi là bác ruột, các cháu đối xử với chúng tôi hiếu thảo như với cha mẹ ruột các cháu. Dần dà, mối dây liên lạc được nối dài, tôi tìm được bạn Hiền Hậu thời trung học, ông xã tôi tìm lại được một vài đồng đội trong khóa SVSQ Thủ Đức, chỉ biết tên, bây giờ mới rõ mặt, rồi quen biết thêm những anh chị khác trong giáo xứ, trong cộng đồng.
Các bạn, các anh chị ấy sẵn sàng giúp chúng tôi - những người chân còn ướt chưa kịp ráo - nhanh chóng bước kịp với cuộc sống mới, bạn Hiền Hậu giúp tìm việc làm, anh Chinh dạy hai vợ chồng tôi lái xe, anh Liêu giúp khai thuế, chị Duyên chị Hải Triều giúp tôi kinh nghiệm đi chợ, đi mua sắm…

Có người sẽ bảo : “ Đã là bạn hữu, tất nhiên phải tốt với nhau, đâu phải chuyện hiếm hoi lạ lùng gì! Còn chuyện cư xử với nhau cho ra một cộng đồng tốt đẹp như cộng đồng người Hoa mới đáng nói chứ! Người Tàu họ tự hào về cái town này lắm đó!”. A, lại có thêm chuyện tự hào dân tộc nữa.

Tôi làm trong cafeteria của một trường Tiểu học mà một nửa là học sinh Việt. Vì trường cho phép học sinh Việt chọn sinh ngữ phụ là tiếng mẹ đẻ nên phần lớn các cháu đều nói tiếng Việt rất sỏi. Đứng làm cashier để thu tiền hoặc scan thẻ ăn, tôi phải luôn miệng “Hi, how are you doing today?” hoặc “Thank you, honey… Thank you, sweety”, và luôn tay bấm nút “account” (nếu thiếu tiền ăn) hay “stend” (nếu có đủ tiền trong account) để các cháu di chuyển nhanh chóng cho kịp giờ ăn trưa, đâu có thì giờ coi cháu nào người Việt, cháu nào Mỹ hay Mễ để chuyển ngữ. Thế mà có cháu không chịu, lần nào đi ngang cũng hỏi “Bà có biết nói tiếng Việt không?”. Có cháu hãnh diện khoe với tôi “ Con là người Việt, mẹ con là người Việt, ba con cũng là người Việt, bạn con đây nè, cũng người Việt”.

Trẻ con thường láu táu nên có lúc cầm nhầm thẻ của bạn, vì vậy tôi gọi tên các cháu để tránh nhầm lẫn “Thank you, Heavenly….Thank you, Mignone…”. Nhưng các cháu Việt Nam phản đối một cách dễ thương không ngờ “Con tên là Mỹ Hiền, bà đừng kêu con là Heavenly nhen!”, “Con tên là Ý Nhi, bà đừng kêu con là Mignone há?”.

Chao ơi, cảm động đến rưng rưng, thương quá niềm tự hào dân tộc đã bắt đầu ươm mầm trong trái tim ngây thơ, trong khi đó, tôi luôn day dứt một nỗi buồn nhược tiểu từ những ngày chưa tha phương. Nhìn những đôi mắt đen long lanh nhìn mình thân thiện kiểu đồng hương nhận nhau mà muốn nựng vào mấy đôi má phinh phính đáng yêu (nhưng không dám). Càng nghĩ càng cảm phục quý thầy cô, dạy đọc dạy viết tiếng mẹ đẻ cho trẻ con xem tiếng xứ người là ngôn ngữ chính, đã là khó, lại phải dạy cho những em bé ngây thơ một loại tình cảm cao quý mà trừu tượng như lòng tự hào dân tộc, tình yêu nước thì quả đâu phải dễ, nếu không thực lòng!

Nhân một tai nạn nhỏ mới đây, tôi thật sự thay đổi cách phán đoán về người Việt mình. Vào ngày Fathers Day, cô bạn Hiền Hậu của tôi mời hai vợ chồng tôi đi ăn tại một nhà hàng Tàu. Thức ăn khá ngon, nhất là món cua lột rang muối, có lớp vỏ mỏng giòn thơm, cay cay béo béo, tuy gọi là rang muối nhưng không mặn lắm, nhắm với bia lại càng thêm đậm đà. Được hai hiền mẫu nhan sắc vẫn còn mặn mòi - là tôi và Hiền Hậu đó - chân thành chúc mừng thâm niên làm cha 32 năm, ông xã tôi hoan hỉ thưởng thức món cua và hào hứng tu cạn hai chai bia Nhật (cái nhà hàng Tàu này không bán bia Tàu, chỉ có bia Hòa Lan, bia Mỹ, bia Mễ và bia Nhật, thôi thì chọn bia Nhật cho gần với món ăn Tàu).

Lúc chia tay, Hiền Hậu nhắc nhở:

- Ê nhỏ, làm tài xế đưa anh dzề dinh cho cẩn thận đó.

Tôi vừa đi vừa đưa tay “bye bye” cô bạn dễ thương và nói thêm:

- OK, người không uống bia bao giờ cũng tỉnh.

Bên ngoài nhà hàng, hoàng hôn vẫn còn rực nắng, thực khách chờ xếp chỗ còn đứng ngồi la liệt, chả trách cái bãi đậu kín mít hai dãy xe quay đuôi vào nhau. Tôi lên xe, mở máy, vì lối đi giữa khá hẹp nên tôi cẩn thận nhìn trái, nhìn phải, nhìn sau, rồi từ từ lui xe sợ đụng phải dãy xe sau. Ông xã - vốn không mấy tin vào tay lái của vợ - ngăn tôi lại, rồi dùng đôi mắt cận qua cặp kính lão nhìn phải rồi sang trái, sau đó mới ra lệnh:

- Không có người, em lùi qua phải đi.

Vừa nhìn kính chiếu hậu, tôi từ từ đưa xe qua phải, bỗng “binh…bụp”, tôi hốt hoảng đạp thắng. Quái, vấp đá chăng? Lúc nãy trên lối ra bãi đậu xe mình có thấy gì đâu. Ông xã nói nhanh “Em gài thắng, anh xuống coi chuyện gì”. Tôi cho xe vào lại parking lot, tắt máy mở cửa bước xuống xe. Đằng sau xe tôi, phía bên kia, cả nhà của chiếc xe mini - van màu xám đang lui cui xem xét xe họ, chiếc xe đã ra khỏi parking lot một phần ba. Thôi chết, mình hích xe người ta rồi! Tôi lạnh người. Người chồng đứng phía bên phải của xe, như vậy là người vợ hoặc cô con gái nhỏ của họ cầm lái. Ba người đồng hương của tôi chụm đầu nhìn vào hông xe, cô con gái vừa chỉ vào xe vừa nói gì đó không rõ. Tôi thấy đuôi xe hơi núng, và miếng thùng xe bên hông hơi bị bung ra. Đến bên cạnh ông xã, tôi nghe anh nói với người chồng:


- Xe anh hư nhiều hơn xe tôi, thôi tôi phụ anh một vài trăm để sửa xe.

Tôi lắp bắp nói thêm:

- Tôi xin lỗi, nhưng tôi không mang theo tiền, anh chị theo tôi về nhà được không?

Anh chồng, mặt hồng hào màu bia cười hiền lành:

- Dạ, để tụi tui chạy theo xe anh chị.

Tôi lên xe mở máy, tiếng tim đập còn to hơn tiếng máy xe, tay run rẩy gài số. Ông xã nhắc “Bình tĩnh, lái từ từ thôi!”. Tôi chạy rất chậm ra khỏi parking, cho xe bò ra đường lớn. Ông xã cằn nhằn:

- Em de ra sau hơi thẳng phải không? Biết vậy để anh lái cho rồi. - Đó, cái đĩa hát cũ của ông xã tui với điệp khúc “ Biết vậy….phải chi…”!

Tôi cãi ngay:

- Anh có hơi bia, lái làm sao được. Em phải de thẳng ra, được một nửa xe bên cạnh rồi mới quẹo qua phải chớ, qua sớm thì quẹt xe người ta sao.

Ngẫm nghĩ một hồi, anh băn khoăn:

- Anh chồng thú nhận là xe họ đã ra khỏi parking lot, vậy là cả hai xe cùng de, không biết xe mình đụng xe họ hay xe họ húc xe mình.

Tôi tiếc tiền nên đổi giọng chì chiết:

- Không biết xe ai húc xe ai sao anh nói với họ là đền vài trăm… Đáng lí anh phải bàn với em chớ…..

Anh cướp lời tôi:

- Đền cho rồi chớ dính tới bảo hiểm thì lôi thôi lắm. Ờ…, mà em nói cũng phải…vài trăm là hơi nhiều, đáng lí mình đưa họ ít thôi, cỡ năm bảy chục, họ cũng được bảo hiểm trả mà.

Tôi “hứ” một tiếng thiệt dài:

- Lỡ nói vài trăm thì phải đưa vài trăm chớ, nói đi nói lại ai chịu.

Ham cãi nhau tôi quên không trông chừng chiếc xe kia có theo kịp không. Liếc nhìn kính chiếu hậu, đường phía sau trống trơn. Không tin đôi mắt của mình và cái kính chiếu hậu, tôi hỏi ông xã:

- Có thấy xe họ chạy theo không anh? Có cảnh sát theo mình không anh? Em chạy có nhanh không anh?...

Tôi cứ nả liên thanh “không anh…không anh” vào tai ảnh, y như đuôi xe bị đụng “binh binh” khiến ảnh có phần cáu kỉnh:

- Em cứ bình tĩnh lái đi, họ theo sau chớ đi đâu, họ phải theo mình lấy tiền chớ. Không có xe cảnh sát theo em đâu, cái tật nhát gan lo sợ tào lao! Mà nếu có xe cảnh sát đằng sau là họ theo em để phạt tội cản trở lưu thông đó.

Tới ngã tư, lúc dừng xe chờ đèn xanh, tôi nhìn kĩ kính chiếu hậu một lần nữa để tìm chiếc xe màu xám nọ, tuyệt không thấy đâu. Tôi lại băn khoăn:

- Anh, sao không thấy họ? Hay là em đi nhanh họ không theo kịp?

Anh cười mũi:

- Đã nói là em đáng bị phạt mà, lái gì mà còn thua người ta chạy bộ, nhiều khi họ qua mặt mình rồi, chắc là cái xe đang đi bên phải mình kìa.

Đèn xanh, tôi nhè nhẹ nhấn ga, liếc sang bên phải, thấy có một chiếc xe xám chạy song song, nhưng sao không giống, xe tôi đụng là chiếc mini van mà, còn đây là xe nhỏ bốn cửa.

Về tới chung cư đang ở, tôi đứng một hồi trước sân ngóng xem có chiếc xe nào theo vào bãi đậu không, ai bước xuống tôi cũng lom lom nhìn coi có giống người đồng hương mình.

Chờ một hồi cũng chỉ thấy dân tóc vàng, da trắng, hoặc tóc đen mà da đen hay nâu, tuyệt nhiên chẳng thấy một đồng hương tóc đen da vàng mũi tẹt nào. Hai đứa tôi vô nhà, đóng cửa, ngồi xuống ghế, vợ hỏi chồng, chồng hỏi vợ: “Tại sao họ không đi theo mình? Tại sao họ không lấy tiền sửa xe? Mình lỗi hay người ta lỗi? Nếu mình có lỗi mà không đền bù gì cả thì tội nghiệp cho họ”.

Cuối cùng, ông xã đứng dậy cười trấn an:

- Thôi đừng lo nghĩ nữa em, quên đi, chắc họ nghĩ họ có lỗi nên tha cho mình, mà mình không mất đồng bạc nào là hên rồi. Nóng quá, anh đi tắm cái đã!

Bỏ mặc tôi ngồi bó gối nhăn mày nhíu mặt suy nghĩ, ảnh hớn hở lấy áo quần đi tắm, xả nước ào ào và hát ê a như vừa được đền tiền bảo hiểm. Người đàn ông của tôi thiệt là đơn giản, không bao giờ lo âu sầu muộn quá mươi lăm phút!

Thật ra, ông xã cũng như tôi đều i tờ rít về cách ứng phó tai nạn hoặc bảo hiểm xe…. Không biết thì suy nghĩ chi cho lắm, đằng nào mình cũng đâu có thiệt thòi gì ngoài cái đuôi xe bị trầy chút đỉnh. Nhưng tôi thì cứ áy náy và băn khoăn mãi về sự việc không may (hay may mắn?) chiều đó.

Một tuần sau, gặp anh Liêu và anh Chinh từng giúp chúng tôi học lái xe, tôi đem chuyện đụng xe kể lại. Sau khi tra vấn vài câu để kiểm chứng về cách ứng phó khi gặp tai nạn xe trong bãi đậu của ông xã tôi, hai anh lần lượt giải thích cặn kẽ để chúng tôi khôn ra. Sau khi nghe bài giảng lí thuyết kèm thực hành tái diễn hiện trường, cùng với những lời mắng yêu “dại quá… sao mà khờ vậy.”, tôi lập một bảng ghi nhớ như sau:

Thứ nhất, xe người ta đang yên đang lành trong parking lot, nếu lỡ chân đưa xe mình hôn xe họ, thôi thì chịu thua, xuống nước ca bài “lỡ hôn rồi làm sao tha được cho em…”, coi như số mình ngày đó hao tài, mau mau chụp hình chỗ hư hại, để họ đi estimate rồi chờ kết quả, chịu tiền sửa, khỏi phiền bảo hiểm.

Thứ nhì, nếu như cả hai đều lỗi, hoặc chưa phân định được lỗi phải, nhớ chụp hình chỗ hư hại của hai xe và trao đổi thông tin về bảo hiểm xe, chớ khờ khạo mà đưa tiền đền bù có khác nào chui đầu vào rọ cho bảo hiểm tiện tay cứa cổ.

Thứ ba, đưa người lạ về nhà để lấy tiền là hành động dại dột nhất trên đời, chẳng khác nào chỉ chỗ cất tiền cho ăn trộm nó khoắng. Các anh nói thêm: “May cho hai em đó, gặp người tử tế họ bỏ qua cho, không lợi dụng để làm tiền, gặp Mỹ hay Mễ là rắc rối to!”

Có lẽ tôi gặp may, nhưng hơn thế, tôi tin vào lòng thật thà tử tế của những người không quen biết ấy. Chao ơi, càng nghĩ càng cảm kích đồng hương của mình, dù có lỗi hay không có lỗi, họ quả thật là những người hết sức đàng hoàng, hết sức rộng lượng, hết sức tử tế... Thiệt lòng mà nói chưa bao giờ tôi tự hào và yêu thương dân tộc tôi như lúc này.

Bên Tàu, có những truyền tụng thú vị về các nhà du thuyết tài ba thời Xuân Thu, tôi nhớ một vị tên Án Anh người nước Tề, thân hình thì nhỏ bé, nhưng đánh bại vương tướng của nhiều nước chư hầu bằng trí tuệ cao minh với vũ khí là ba tấc lưỡi. Có chuyện kể:

…. Sở vương đang tiếp Án Anh thì có mấy tên lính dắt một tù binh đi ngang qua, Sở vương liền kêu lại hỏi người kia là người nước nào, bị tội gì, thì một tên lính cho biết người này nguyên là người nước Tề, bị bắt vì phạm tội ăn trộm ngựa. Sở vương cho lui rồi quay sang hỏi Án Anh: “Người nước Tề hay trộm cắp vậy sao?”. Án Anh đáp: "Cây quít trồng ở phương bắc thường cho quả ngọt, trái sai, nhưng khi đem trồng ở phương Nam thì quả đã chua, lại còn ít nữa. Tại sao thế? Đó là do phong thổ vậy. Người nước Tề giữ đạo luân thường, xưa nay vốn không trộm cắp, nhưng khi sang làm dân nước Sở lại sanh tật xấu. Tại sao thế? Âu cũng là do phong thổ vậy". Sở Vương phải chịu phục.

Tôi trộm nghĩ quýt của dân Việt mình thiệt là khác với quýt Trung quốc, cho dù rơi vãi ở miền đất lạ nào, hạt giống vẫn mạnh mẽ vươn lên thành những cây trái sum suê ngọt lành. Còn người Việt nào khiến mình lắc đầu bĩu môi, chẳng qua là giống quýt bị biến đổi gene, hoặc bị nhiễm bệnh, chỉ là con số nhỏ không đáng quan tâm, phải thế không ạ?

Lệ Thanh

Ý kiến bạn đọc
09/08/201322:27:36
Khách
Rất hay
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 93,248,218
Tác giả là một nhà báo quen biết tại Dallas, từng dự phần biên tập, chủ biên các báo Ca Dao, tuần báo Trẻ, Thời Báo... Phan cũng từng góp nhiều bài viết về nước Mỹ giá trị và đã nhận giải danh dự Viết Về NướcMỹ. Bài mới của Phan là chuyện đi coi nhà để mua tại Dallas.
Tác giả sống tại Ottawa, Ontario, Canada từ 1980. Bút hiệu là tên trường học nơi Minh Thành từng dạy môn Sinh - Hoá từ cuối thập niên 70. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Minh Thành kể chuyện gia đình "Người Mỹ Hàng Xóm.". Bài gần nhất là: “Nội soi ruột già.” Bài mới được ghi là “Thuật lại lời kể của người anh họ tôi.”
Tác giả vào danh sách chung kết Viết Về Nước Mỹ 2012 với bài "Cô Em Cùng Dòng Khác Họ," kể về người con gái vị thuyền trưởng Đại Hàn từng cứu mạng các thuyền nhân Việt trên Biển Đông và là khách danh dự tại Little Saigon.
Với bài “Đoá Hồng Bạch” tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai là tác giả nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Tác giả hiện là cư dân Boston và làm việc trong một bệnh viện của tập đoàn Partners. Hình bên là quang cảnh “Ngày Summer Picnic” ở bệnh viện tác giả đang làm việc. Bài viết kể về những suy nghĩ, trò truyện từ sinh hoạt vui vẻ này.
Tác giả là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục năm 2000, từng là nhà giáo trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA. Bài mới của ông là một hồi ức thời vượt biển.
Bài viết sau đây của Phương Dung kể chuyện Viết Về Nước Mỹ 2011, đã phổ biến trên báo in, nhưng vì sơ xuất kỹ thuật, bị “thất tung” trên Việt Báo Online. Sắp tới họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 12, xin mời cùng đọc lại.
Tác giả đến Hoa Kỳ theo diện H.O. đầu thập niên 90, hiện là cư dân Berry Hill, Tennessee, làm việc trong Artist room của một công ty Mỹ, từng cộng tác với một số tạp chí và các trang Việt ngữ trên mạng internet. Viết Về Nước Mỹ 2012, bà đã góp hai bài viết “Tiệm Tạp Hoá” và "Người Đàn Bà Ấy Là Mẹ Tôi." Sau đây là bài viết mới nhất.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã có nhiều bài viết về nước Mỹ giá trị, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù, ông cùng gia đình đến Mỹ từ tháng 11/1994 theo diện HO, định cư tại Boston. Công việc từng làm: thông dịch cho Welfare, social worker, phụ giáo, tutor toán ở Middle School của Boston Public Schools. Bài mới nhất của ông là chuyện của nhiều câu chuyện vui buồn trong nghề thông dịch.
Tác giả cho biết trước năm 75, khi còn đi học, chỉ viết cho các báo thiếu nhi, học trò. Qua Mỹ từ 1990, hiện là cư dân Myrtle Beach, SC. Hải Âu tham dự viết về nước Mỹ từ 2010, bài đầu tiên: Mẹ Chồng, cho thấy tác giả có bút pháp đặc biệt, khi kể về hồn thiêng yêu thương của bà mẹ. Bài viết mới của cô là một chuyện tình.
Với bút hiệu Xuân Đỗ, tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008 với bài viết "Hắn và cuốn Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm..." Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O. và hiện là cư dân Riverside, làm Guest Teacher cho Colton Joint Unified School District (nam California). Mong tác giả sẽ tiếp tục viết.
Nhạc sĩ Cung Tiến