Hôm nay,  

Giỗ Má

10/07/201300:00:00(Xem: 643380)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả là một nhà báo quen biết tại Dallas, từng trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí. Ông cũng từng nhận giải Danh dự Viết Về Nước Mỹ và vẫn tiếp tục góp thêm nhiều bài viết giá trị. Riêng Viết Về Nước Mỹ năm thứ XI I I-XIV, Phan đã góp tới 7 bài viết đặc biệt và có tên trong danh sách tác giả vào chung kết. Sau đây, thêm một bài viết mới.

Hôm nay giỗ má. Từ hôm qua, anh chị em đã tề tựu, ngồi nhắc lại những mẩu chuyện gia đình thời xa xưa; từ khi anh em trai còn ngủ chung phòng, chị em gái còn chia nhau cóc, ổi… Chuyện vãn đến hơn 12 giờ đêm mới giải tán.

Sao ai về nhà nấy - đều không ngủ được! Người nhớ má với những đắng cay sau ngày hoà bình, “…vì tao lớn tao mới biết! Hồi đó, tụi bay còn nhỏ.” Đứa nhớ má năm tàn tháng tận, gặp thời buổi khó khăn không chừa ai hết thì má vẫn cố gắng mua cho con cái áo si-da, bán ở lề đường…

Các anh chị đã về, khuya mấy thì vợ chồng thằng Út cũng rửa sạch hết ly chén đã dùng. (Không ngờ đó cũng là một thói quen từ má.) Má không bao giờ cho để ly chén đã dùng qua đêm vì sợ nhà có gián. Từ những bực bội một thời tuổi trẻ vì sau khi chè chén, ai còn muốn đi rửa chén. Nhưng để má rửa ly chén của con ăn nhậu với bạn bè thì trời hại trúng rượu mà chết! Nên xỉn mấy cũng phải “thanh toán” cái nhà bếp cho sạch sẽ trước khi đi ngủ. Để sáng ra, má quen thức sớm, không nổi giận…

Chút dạy dỗ nhỏ nhoi của má, không ngờ thành nếp sống cả đời cho con cháu về sau. Má không bằng cấp, học vị gì hết. Má chỉ là má. Dạy các con từ cách ăn, nếp ở. Để khi không còn má mới thấm thía khi đến nhà nọ, nhà kia, hết ly mời khách uống nước thì đi rửa cái ly; hết đũa thì đi rửa đôi đũa; cần một cái chén thì đi rửa một cái chén thôi, mặc kệ đống chén đã meo mốc trong bồn rửa chén từ đời cố hỷ cố lai cũng mặc…

Giỗ má. Mới ngày nào chỉ là dịp mời bạn bè về nhà để trả nợ miệng, vì con cái đi ăn giỗ quanh năm ở nhà bạn bè chúng. Sao giờ con cháu dư sức mời trăm người, thì họ lại muốn chỉ mấy anh chị em trong nhà sum họp trong ngày giỗ má. Có lẽ do nhiều kỷ niệm được nhắc lại, nhưng không thích hợp với người ngoài gia đình. Chỉ những anh chị em chung bọc mới hiểu, thấm thía. Tình máu mủ mới đủ để tha thứ cho nhau; sự hổ thẹn trước vong linh má làm cho mọi chuyện bất hòa trong anh chị em từ lớn hoá nhỏ, rồi xí xoá cho nhau.

Giỗ má. Một bữa cơm gia đình thôi. Nhưng bao nhiêu là điện thoại gọi nhau trước đó. Và trước sau cũng có một bữa tiền đám để họp bàn về ngày giờ thích hợp; đặc biệt là những món má ưa thích; những món má từng nấu khi xưa và đã ăn sâu vào tiềm thức con cháu. Cuối cùng là sự tề tựu anh chị em, con cháu, để cùng nhau tưởng nhớ má; lòng ghi nhớ công ơn với tình thương vô điều kiện của má đã vun trồng nên từng anh chị em trong nhà. Có người hoạt bát thì có người ngậm thị; có người hào sảng thì có người chi li; Cha mẹ sanh con trời sanh tánh. Đến anh chị em trong nhà còn không chịu nổi nhau. Vậy mà má đã dùng cả đời mình để dung hoà thành một gia đình. Má vĩ đại trong sự khiêm tốn đến bình dị để từng người con vĩ đại của má hoá nhỏ nhoi trước di ảnh người. Nói sao cho hết những chiều mưa tháng nắng; thời gia đình sung túc cũng như lúc ngặt nghèo. Bao giờ cũng in đậm hình bóng má đứng mũi chịu sào để lèo lái phong ba. Má không oai phong lẫm liệt như ba, ăn to nói lớn sang sảng ngay cả lúc ba thân cô thế yếu trước dòng đời. Sự hiên ngang của ba tạo thành hào khí cho con cháu theo lẽ sống cho ra con người; trong khi sự dung dị của má làm cho con cháu biết vị tha, buông bỏ, và xám hối để thành nhân đã rồi hẵn thành tài.


Nhưng đàn con của má đã hết sức với đàn cháu để chúng thành tài trước khi thành nhân. Vì cái bằng này, cấp nọ đã làm lu mờ những lời răn của má.

Bởi lẽ đó nên tiệc giỗ tàn. Những người đàn ông, đàn bà đã luống tuổi; những người con của má thường ngồi tâm tình bên bình hoa sau giỗ; bên di ảnh lạnh lùng (như má giận) từ trên bệ thờ, má nhìn xuống đàn con đang chia nhau ngậm ngùi về những cách giải quyết thế nào cho thoả đáng, không phiền con cái khi mình qua đời! Dường như má đã sống cả đời cho con cái, má vất vả, lao tâm đến không còn thời gian để nghĩ đến hậu sự cho mình. Nên từ khi người quá vãng đến nay đã mấy mươi năm; hàng năm con cái vẫn tề tựu về nhà một người nào đó trong anh chị em để giỗ má. Trong khi các con của má đã sống thế nào mà nay tóc bạc, răng long, phải ngồi tính cách cho mình hoá kiếp.

Cái khác biệt của thời đại ít học, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, nên người ta chỉ biết sống bằng lương tâm và tình yêu thuần khiết của lòng nhân ái, sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Trong khi thời đại văn minh lên, kiến thức con người được mở mang toàn diện, đến không còn một góc chứa vị tha, sự cho đi không điều kiện… là tự người ta biến thân thành tội. Cái thân là cái tội của mình thì phải tự lo khi trở nên vô dụng trong đời người; trở về cát bụi trong luân hồi nghiệp ngã.

Anh chị em trong nhà có nhiều cách chọn lựa khác nhau, nhưng đều giống nhau trong tiềm thức thời đại: cái xác của mình là một sự phiền phức cho đời sống con cái về sau. Nếu chôn cất như truyền thống thì làm sao con cái có thời gian viếng mộ trong đời sống Mỹ; nếu thiêu xác thì hũ tro cốt cũng vướng bận đời du canh của chúng còn phải chạy theo việc làm. Nhưng giải pháp đưa tro vô chùa, nhà thờ… càng không nên vì sự phiền toái của gia đình sao không giải quyết mà bắt Sư, Cha, phải lo cho gia đình mình!

Lại còn nhiều âu lo hơn nữa về sự phân chia tài sản cho con cái - sao cho công bằng để anh chị em chúng đừng loãng tình máu mủ. Cái tình người xưa có từ cơ hàn, cơ man của đời sống mà thâm nghĩa nặng lòng. Nhưng khi cơ man qua đi, cơ hàn vắng bóng, để nhường chỗ cho phồn thịnh và sung túc thì tình nghĩa không thăng hoa mà lại mang nhiều nguy cơ biến mất vì chính sự giàu có và trí tuệ của con người hiện đại…

Tôi không biết các anh chị ra về sau ngày giỗ má, có ai ngủ được không? Thằng nhóc trong gia đình là tôi cũng đã qua ngưỡng ngũ thập tri thiên mệnh. Đêm càng sâu càng bế tắc một lối về. Ai rồi cũng cần một chỗ để về. Nhưng đi về đâu khi trời đất bao la mà tình người thì lại càng ngày càng nhỏ lại.

Giỗ má năm nay buồn hơn vui, vì các anh chị đã già, đã không còn để bụng được nữa mà phải mở miệng để cùng nhau bàn thảo, tìm cách giải quyết ngôi mộ của má còn ở quê nhà; “…phải giải quyết phần mộ của má trước khi anh chị em mình lần lượt ra đi. Làm sao giao cho đám cháu của má được chứ! Khi chính cái thân xác mình cũng phải giải quyết làm sao để tránh phiền cho con cái…”

Đêm sâu vào tim đen. Tôi chỉ thấy phận người buồn quá. Rồi ai cũng như ai, cái thân là cái tội. Phải tự giải quyết cái tội của mình là đã làm người.

Phan

Ý kiến bạn đọc
10/07/201320:27:49
Khách
Bài viết hay lắm, cũng hay như nhiều bài viết trước đây của tác giả Phan. Tôi rất thích câu cuối "... Tôi chỉ thấy phận người buồn quá. Rồi ai cũng như ai, cái thân là cái tội. Phải tự giải quyết cái tội của mình là đã làm người." Xin cám ơn tác giả.
10/07/201319:12:28
Khách
Ngậm ngùi!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 93,249,991
Tác giả là một nhà báo quen biết tại Dallas, từng dự phần biên tập, chủ biên các báo Ca Dao, tuần báo Trẻ, Thời Báo... Phan cũng từng góp nhiều bài viết về nước Mỹ giá trị và đã nhận giải danh dự Viết Về NướcMỹ. Bài mới của Phan là chuyện đi coi nhà để mua tại Dallas.
Tác giả sống tại Ottawa, Ontario, Canada từ 1980. Bút hiệu là tên trường học nơi Minh Thành từng dạy môn Sinh - Hoá từ cuối thập niên 70. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Minh Thành kể chuyện gia đình "Người Mỹ Hàng Xóm.". Bài gần nhất là: “Nội soi ruột già.” Bài mới được ghi là “Thuật lại lời kể của người anh họ tôi.”
Tác giả vào danh sách chung kết Viết Về Nước Mỹ 2012 với bài "Cô Em Cùng Dòng Khác Họ," kể về người con gái vị thuyền trưởng Đại Hàn từng cứu mạng các thuyền nhân Việt trên Biển Đông và là khách danh dự tại Little Saigon.
Với bài “Đoá Hồng Bạch” tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai là tác giả nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Tác giả hiện là cư dân Boston và làm việc trong một bệnh viện của tập đoàn Partners. Hình bên là quang cảnh “Ngày Summer Picnic” ở bệnh viện tác giả đang làm việc. Bài viết kể về những suy nghĩ, trò truyện từ sinh hoạt vui vẻ này.
Tác giả là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục năm 2000, từng là nhà giáo trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA. Bài mới của ông là một hồi ức thời vượt biển.
Bài viết sau đây của Phương Dung kể chuyện Viết Về Nước Mỹ 2011, đã phổ biến trên báo in, nhưng vì sơ xuất kỹ thuật, bị “thất tung” trên Việt Báo Online. Sắp tới họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 12, xin mời cùng đọc lại.
Tác giả đến Hoa Kỳ theo diện H.O. đầu thập niên 90, hiện là cư dân Berry Hill, Tennessee, làm việc trong Artist room của một công ty Mỹ, từng cộng tác với một số tạp chí và các trang Việt ngữ trên mạng internet. Viết Về Nước Mỹ 2012, bà đã góp hai bài viết “Tiệm Tạp Hoá” và "Người Đàn Bà Ấy Là Mẹ Tôi." Sau đây là bài viết mới nhất.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã có nhiều bài viết về nước Mỹ giá trị, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù, ông cùng gia đình đến Mỹ từ tháng 11/1994 theo diện HO, định cư tại Boston. Công việc từng làm: thông dịch cho Welfare, social worker, phụ giáo, tutor toán ở Middle School của Boston Public Schools. Bài mới nhất của ông là chuyện của nhiều câu chuyện vui buồn trong nghề thông dịch.
Tác giả cho biết trước năm 75, khi còn đi học, chỉ viết cho các báo thiếu nhi, học trò. Qua Mỹ từ 1990, hiện là cư dân Myrtle Beach, SC. Hải Âu tham dự viết về nước Mỹ từ 2010, bài đầu tiên: Mẹ Chồng, cho thấy tác giả có bút pháp đặc biệt, khi kể về hồn thiêng yêu thương của bà mẹ. Bài viết mới của cô là một chuyện tình.
Với bút hiệu Xuân Đỗ, tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008 với bài viết "Hắn và cuốn Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm..." Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O. và hiện là cư dân Riverside, làm Guest Teacher cho Colton Joint Unified School District (nam California). Mong tác giả sẽ tiếp tục viết.
Nhạc sĩ Cung Tiến