Hôm nay,  

Hai Phen Sống Lại

01/04/201300:00:00(Xem: 250386)
Tác giả tên thật là Nguyễn văn Hoa, sinh năm 1947 tại Quảng Bình, Việt Nam. Tốt nghiệp kỹ sư điện, học cao học và soạn luận án tiến sĩ kỹ sư (1970-75). Từ 1970 đến 1975 dạy đại học kỹ thuật tại Sài gòn. Năm 1975 định cư tại Hoa Kỳ, làm việc cho công ty tiện ích ở North Dakota cho đến năm 2012 thì về hưu. Sau đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông.
viet-ve-nuoc-my
Hình từ trái: --1975, gia đình tác giả đến định cư tại Bismarck, tiểu bang North Dakot, được Mục sư Peterson của nhà thơ bảo trợ đón tiếp, người thứ tư, từ trái, là tác giả. -- 2013, chiếc xe sau tai nạn trên xa lộ.
Chiếc xe cứu thương hụ còi chở tôi vào phòng cấp cứu bệnh viện duy nhất ở Wartertown, một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang South Dakota nằm ven xa lộ xuyên bang I-29. Vị bác sĩ trực đứng tuổi cẩn thận khám khắp người tôi. Với giọng nói có âm thanh trầm bổng cuộn vào nhau của người Mỹ gốc Ấn, ông dịu dàng bảo,

“Ngoài chỗ xương vỡ trên bàn chân phải, tôi không thấy thương tích nào khác. Chiếc xe nát bét mà ông sống sót thật là may mắn.

“Sao bác sĩ biết?” tôi ngạc nhiên hỏi.

“Tôi nhìn thấy hình chiếc xe. Nhân viên cứu thương chụp hình cảnh tai nạn để chúng tôi biết mà chữa trị.” Ông ta cười nhẹ.

Sau khi khám thương ở phòng bên, Châu bước vào nắm tay tôi, trên trán nàng dán một miếng băng vết thương nhỏ. Tôi thầm cám ơn Trời Phật đã cho chúng tôi được sống để thấy lại ba đứa con sống ở ba góc hành tinh. Năm 1975, chúng tôi cũng đã nhờ ơn trên trôi dạt đến đất nước này; mới đó mà đã ba mươi bảy năm!

Cuộc hành trình bắt đầu từ một buổi chiều nhiều mây cuối tháng Tư, vợ chồng và bốn em tôi khóc sướt mướt lạy sống cha mẹ để từ biệt.

Lọt lên chiến hạm HQ-402, chúng tôi chịu đói khát suốt mười hai ngày chiếc HQ-402 lênh đênh trên Biển Đông. Chiếc tàu tàu hỏng máy đến được Phi Luật Tân, nhưng nước này không cho phép đám người vừa mất tổ quốc lên bờ. Tất cả được cấp tốc chuyển sang tàu chở hàng hóa Sóng Xanh trang bị rất sơ sài để chở sáu ngàn người tỵ nạn sang trại tạm trú Orote Point trên đảo Guam.

Từ đảo Guam, chiếc DC-10 chở chúng tôi đáp xuống phi trường Los Angeles một buổi chiều đầu hạ nhạt nắng. Sau hai tháng di chuyển nửa vòng trái đất, tài sản gia đình tôi vỏn vẹn có chiếc cặp da đựng giấy tờ và vài thứ vặt vảnh. Lên xe buýt về Trại Pendleton, trung tâm huấn luyện thủy quân lục chiến dùng làm trại tỵ nạn, chúng tôi biết mình đã thật sự đặt chân lên miền đất tự do.

Một trăm ngày ngủ lều nhà binh và sắp hàng ăn cơm nhà bàn chấm dứt khi chúng tôi được Nhà thờ Ba ngôi Lutheran bảo trợ về định cư tại Bismarck, thủ phủ của tiểu bang North Dakota. Ở thành phỏ nhỏ bé này, bốn công ty điện và điện tử sẵn sàng nhận tôi làm việc sau khi xem xét bản tóm lược (bối cảnh học hành và làm việc) và phỏng vấn tôi bằng điện thoại. Đậu kỹ sư điện năm 1970 rồi học cao học điện tử, tôi đã hoàn tất luận án tiến sĩ kỹ sư về viễn thông nhưng chưa kịp đệ trình thì bỏ nước ra đi. Năm năm qua tôi đã dạy vật lý tại một đại học y khoa, dạy kỹ thuật điện ở hai trường kỹ sư, và làm cố vấn kỹ thuật cho ba công ty kỹ nghệ ở Sài gòn.

Mục sư Peterson và bà vợ tên Rachel cùng họ đạo ra đón chúng tôi ở phi trường. Hành lý của chúng tôi nay có thêm cái túi xách đựng quần áo hội Hồng Thập Tự phân phát trong trại. Chiếc túi xách làm bằng vải mà Châu và Bình, em gái duy nhất của tôi, đã kiên nhẫn tháo ra từ mấy chiếc quần đàn ông quá lớn bọn con trai mặc không vừa.

Nhà chúng tôi ở cạnh nhà ông bà mục sư. Trong những tháng kế tiếp, ông bà tận tình giúp đỡ, chăm sóc từ việc nhỏ đến việc lớn. Ông bà mê món cơm chiên Dương Châu của Châu và Bình mặc dù trước đó mấy tháng hai cô còn là sinh viên không mấy khi có dịp vào bếp.

Tôi chọn Công ty Tiện ích Montana-Dakota không phải vì công ty trả lương cao hay vì sở làm gần nhà đi bộ năm phút là tới, mà vì tôi có thể nhận việc ngay ngày thứ Hai tuần lễ sau đó. Nhà thờ chỉ xúc tiến việc bảo trợ cha mẹ sau khi tôi chính thức có việc làm.

Ngày 30 tháng Tư ở Sài gòn, khi vị Tổng Thống lâm thời tuyên bố đầu hàng, ông bà cụ hoảng hốt chạy ra bến tàu leo lên một chiếc tàu buôn trôi dạt qua Hồng Kông và cuối cùng là Đồn Chaffee, một trại tỵ nạn ở tiểu bang Arkansas. Giữa tháng Mười, gia đình tôi đoàn tụ tại Bismarck sau gần nửa năm trời tưởng không bao giờ gặp lại. Cám ơn Trời Phật!


Sáu tháng đầu tiên với Công ty Tiện ích là thời gian tập sự, với chức vụ kỹ sư tham mưu tôi được gửi đi luân phiên qua nhiều nha sở khác nhau để học hỏi.

Công ty cung cấp điện và hơi đốt cho khách hàng ở bốn tiểu bang và có cơ sở khắp nơi nên tôi thường đi xa và làm việc ngoài trời. Trời đã chuyển sang đông; mùa đông 1975 là một mùa đông khắc nghiệt nhất trong lịch sử North Dakota với những trận bão tuyết mù trời và những ngày đông lạnh giá nhiệt độ Fahrenheit xuống dưới số không. Chiều đi làm về, tôi thường bị cảm lạnh nhưng thấy mình diễm phúc; so với khổ cảnh của bạn bè ở quê nhà thì cái lạnh giá cỏn con này thấm thía vào đâu.

Sau một mùa đông và hai chai aspirin 500 viên, tôi chọn phục vụ ở Nha Điều hành và Kế hoạch với nhiệm vụ dự trù các đường dây điện cao thế. Lãnh vực này dựa trên lý thuyết của một môn học cơ bản tôi đã giảng dạy và viết sách – đúng “nghề của chàng”! Tôi để nguyên một tuần lễ làm quen với hệ thống điện toán trung ương và thêm một tuần nữa học cách thảo chương trước khi bắt tay vào dự án.

Hai năm sau, nổi tiếng khắp Vùng Điện lực Trung-Lục địa gồm bảy tiếu bang Hoa Kỳ và hai tỉnh Gia Nã Đại về khả năng kỹ thuật và thảo chương, tôi thường được mời mọc bởi các công ty săn đầu người là những hãng cố vấn giúp tuyển mộ nhân viên khó kiếm. Đồng nghiệp gọi là “nhà toán học của công ty” vì mọi người tìm đến tôi khi cần công thức toán học cho bất cứ vấn đề gì. Giảo sư “mất dạy” nhớ nghề cũ, mỗi chiều thứ Năm tôi mở lớp dạy thảo chương và luyện thi Kỹ sư Chuyên nghiệp để đăng bộ hành nghề ở tiểu bang.

Bước qua một ngả rẽ mới khi được thăng chức kỹ sư cấp cao có nhiệm vụ dự trù các nhà máy điện, tôi hăng say học hỏi, miệt mài nghiên cứu, và tỉ mỉ soạn thảo và ấn hành các bài khảo cứu, và trở thành chuyên viên quốc tế trong ngành này. Tôi là người đầu tiên được trao tặng giải “Chuyển nhượng Kỹ thuật” của Viện Nghiên cứu Điện Năng thành lập sau cuộc khủng khoảng năng lượng 1973 để nghiên cứu những giải pháp đối phó thích ứng. Tôi sung sướng hồ hởi vì công ty thưởng cho một ngàn đồng; Châu tha hồ mua sắm.

Sau khi đăng tải một khảo luận quan trọng, tôi được một nhóm giáo sư Viện Đại học Cairo tiếp xúc hỏi thêm chi tiết. Trong thư từ giao dịch, họ chia xẻ dữ kiện về nguồn hơi đốt tại Ai cập – rẻ tiền, vô tận, và sẵn sàng cung ứng. Đồng thời, Tổ hợp Điện Do thái gửi công văn đến công ty tôi xin gửi một kỹ sư cấp cao, Ariel, sang thụ giáo với tôi. Câu chuyện “hai kỹ sư từ hai phương trời cách biệt gặp nhau và sát cánh làm việc tại North Dakota” đăng tải trong nguyệt san công ty mấy kỳ liền.

Sau ba tháng trao đổi kinh nghiệm và kiến thức, tôi và Ariel trở thành đôi bạn, thỉnh thoảng gặp nhau trong các hội nghị quốc tế, và hàng năm trao đổi thiệp và quà Giáng sinh. Về nước Ariel được thăng chức Phó Tổng Giám đốc đặc trách kế hoạch sản xuất điện dưới tay có khoảng bốn trăm kỹ sư và khoa học gia. Mỗi khi kế hoạch muốn thực hiện gặp khó khăn, Ariel cầu cứu; tôi hỗ trợ anh bằng những khám phá và áp dụng mới. Hệ thống phát điện Do thái ngày nay hầu hết là các nhà máy tua-bin chu kỳ tổng hợp, giải pháp tôi ưa chuộng nhất, dùng hơi đốt mua từ Ai cập làm nhiên liệu.


Ngày còn ở Sài gòn đám bạn gọi tôi là “giáo gian” vì ngoài chức vụ chính thức ở hai đại học kỹ thuật, tôi “xé lẻ” dạy giờ ở các trung học tư và làm giáo sư thỉnh giảng ở vài đại học khác. Năm 1990, sau mười lăm năm hành nghề “ông Tây nhà đèn,” tôi trở thành “kỹ sư giấy” xây nhà máy điện trên... giấy in điện toán. Lúc này các nghiên cứu kỹ thuật đã thành nếp, và những điều cần học hỏi ngày một ít đi; đã đến lúc tôi trở lại trường để mở mang kiến thức thêm.

Tôi ghi danh học lớp đêm lấy bằng Cao học Quản trị Xí nghiệp hay MBA; công ty trả học phí và tiền mua sách. Chịu khó cày khóa hè, tôi hoàn tất các lớp cần thiết trong một năm rưỡi. Đến kỳ soạn luận án, tôi xin nghỉ phép một tuần, đóng cửa văn phòng viết một mạch xong ba trăm trang gửi cho giáo sư cố vấn duyệt xét. Thông thường, nhà quản trị xí nghiệp chú tâm vào quyền lợi của cổ đông qua giá cả cổ phần và sự lời lỗ của xí nghiệp; và để giảm bới chi tiêu khi bị lỗ lã, giải pháp dễ dàng và tiện lợi nhất là sa thải nhân viên – tình người để sang một bên!

Trong một dịp gặp ông khoa trưởng, tôi nói với ông điều này; ông gật gù, “Sao anh không thử chương trình Cao học Quản trị Công Quyền xem sao? Anh học giỏi, trường cho học bổng...” Vì cái học bổng một ngàn đồng để “lấy le” với vợ con, tôi theo học chương trình cao học thứ ba.

Tôi say sưa học hỏi cách thiết lập và thi hành chính sách chính phủ. Mọi chính sách đều có hai mặt tốt xấu, nhà quản trị công quyền cần dung hòa để tìm giải pháp tối hảo cho xã hội. Điều trần trước các Ủy ban Tiện ích khi công ty nộp đơn xin xây nhà máy, tăng giá điện, v.v. và các Tiểu ban Năng Lượng quốc hội tiểu bang khi đệ trình các dự án điện năng, tôi thường được tiếp đãi ân cần niềm nở vì nhiều viên chức chính phủ là bạn học cũ.

Trông coi nhóm toán học gia tiên đoán sự tiêu thụ điện của khảch hàng bằng phương pháp xác suất và các kiểu mẫu toán học mô phỏng điều kiện kinh tế và thời tiết cho hai mươi năm tới, tôi có nhiệm vụ ước tính số lượng điện công ty bán được trong tương lai. Kết quả dựa trên thời tiết “trung bình” của ba thập niên trước, nhưng mùa hè trong những năm 1990 nóng như lửa đốt nên nhà “thằy bói sáng” thường bị dè bỉu,

“Tiên đoán của ông sai nữa rồi!”

“Không phải đâu, ước tính của tôi khi nào cũng đúng; có sai là thời tiết sai,” tôi trả lời tỉnh bơ.

Nói vậy nhưng tôi biết vốn liếng kinh tế học của mình còn thiếu sót và để thêm ba năm học lấy bằng Cao học Kinh tế chuyên về kinh tế vĩ mô, hoàn tất chặng cuối con đường học hỏi lập thân của người xưa – tu thân (kỹ sư), tề gia (quản trị xí nghiệp), trị quốc (quản trị công quyền), và bình thiên hạ (kinh tế). Tôi không còn e ngại khi phải tường trình dự đoán khách hàng sẽ bớt dùng điện và số thu nhập của công ty thấp hơn mức mong muốn.

Cuối năm 1998, cuộc đời nghề nghiệp của tôi hướng về một chân trời mới khi Vùng Điện lực Trung-Lục địa đề cử tôi làm đại diện trong Tiểu ban Thẩm định Sự Đáng Tin cậy hệ thống điện Bắc Mỹ. Gồm đại diện của mười vùng điện lực, Tiểu ban thẩm định mạng lưới liên kết và phúc trình những khuyết điểm có thể đưa tới các vụ cúp điện rộng lớn như đã xảy ra ở vùng Đông Bắc năm 1965 và gần đây năm 2003. Chúng tôi họp hàng tháng ở khắp Hoa Kỳ và Gia Nã Đại, làm việc hăng say nhưng âm thầm, xa cách báo chí, và chỉ xuất hiện khi phúc trình đã hoàn tất. Phúc trình kỹ thuật của Tiểu ban là khuôn vàng thước ngọc của kỹ nghệ điện lực thế giới.

Tôi giúp Tiểu ban phân tích và giải quyết nhiều vấn đề khó khăn liên quan đến chính sách năng lượng, ngăn ngừa một số vụ cúp điện lớn có khả năng xảy ra. Các bạn đồng sự mến phục gọi đùa là “tay đồ tể” vì các bản phúc trình, một khi qua tay tôi duyệt, bị chặt chém nát bấy với những dấu kẻ xanh đỏ đề nghị sửa đổi. Tôi có tài viết Anh ngữ chính xác, gọn gàng, và chỉnh văn phạm ít ai bằng. Câu nói thường nghe trong các buổi họp là, “Ông Nguyễn bình phẩm thì ắt phải đúng, đừng cãi vô ích.”

Cái tên gọi đùa còn bắt nguồn từ sự “tàn ác” nhất quyết chất vấn cho tới cùng khi thấy một hệ thống điện địa phương có vấn đề đáng quan tâm. Nhưng vừa ý nhất là khi thấy các bạn đồng sự tròn xoe đôi mắt ngạc nhiên, “Sao họp ở đâu ông Nguyễn cũng có bạn?” Thân nhân, bạn bè, và đồng bào tôi có mặt khắp nơi trên hành tinh.

Phục vụ trong Tiểu ban Thẩm định là vinh dự nghề nghiệp nhưng cũng là gánh nặng cá nhân. Công ty đóng góp nhân công và trả chi phí di chuyển ăn ở khi đi họp, nhưng công việc ở nhà (nơi trả lương hàng tháng) vẫn là bổn phận của tôi. Tôi bận rộn ngập đầu và mải mê làm việc quên ăn quên ngủ. Châu thường phải gọi điện thoại nhắc tôi về nhà trước khi mâm cơm nguội lạnh; trên bàn ăn chiếc máy điện toán mở lên thường trực.

Làm việc vất vả nhưng tôi hãnh diện vì đã làm nên sự khác biệt cho xứ sở này – góp phần giữ điện chạy liên tục đến mọi nhà – trong mười ba năm.

Năm 2012, từ cô sinh viên văn khoa e lệ năm xưa Châu trở thành nhà văn và nhà biên kịch. Đứa con trai lớn của chúng tôi, Bích Mạc (là Bismarck viết theo tiếng Việt) sinh năm 1976, là nhà sinh vật học; đầu năm nay Mạc về Việt nam để săn lùng nghiên cứu các thú lạ trên rặng Trường Sơn. Đứa thứ hai, Thiên Ân, theo gót cha học một mạch lấy hai bằng Cao học rồi sang Tàu dạy Anh văn tại Đại học Bắc Kinh. Đứa con gái út, Diễm Lệ, ở gần nhà nhất; con bé học xong MBA rồi làm việc cho một công ty nghiên cứu phương tiện truyền thông ở Nữu Ước.

Châu dục tôi về hưu vì các con đã thành đạt, không cần giúp đỡ về mặt tài chánh. Chúng tôi mua căn condo ở Austin, thủ phủ tiểu bang Texas, gần nhà mẹ tôi, Bình, và em trai kế tôi là Sang. Mẹ dọn về Austin năm 1984 sau khi cha mất vì bị liệt tim, Bình làm giám đốc điều dưỡng trong một bệnh viện lớn, và Sang kém tôi ba tuổi mà đã về hưu mấy năm nay. Tôi chọn 30 tháng Tư là ngày cuối cùng ở Công ty Tiện ích.

Trước đó một tuần, khi chúng tôi đang thu xếp đồ đạc cho chuyến đi Austin sắp tới, Mạc gọi điện thoại về, phấn khởi với một tin vui. Vừa khám phá ra một loại thú ở vùng rừng núi Quảng Trị trước đây ngỡ là tuyệt chủng, Mạc dự định công bố kết quả nghiên cứu tại Sài gòn và sau đó là Hà nội.

Tại Sài gòn, Mạc sẽ trình bày bài khảo luận tại giảng đường đại học mà năm xưa tôi đã đứng trên bục giảng dạy môn lý thuyết sở trường. Để “mượn” giảng đường, Mạc cấp năm học bổng 100 đồng cho sinh viên và “biếu” các viên chức đại học một món tiền tương đương.

Biết là không thể thuyết phục cha về Việt nam, Mạc mời mẹ về tham dự. Dĩ nhiên là Châu sung sướng nhận lời; tôi đồng ý để nàng về Việt nam mười ngày và dời ngày đi Austin hai tuần lễ. Nàng vẽ ra các buổi họp báo, tiếp tân, và tiệc tùng mừng sự thành công của con, một chương trỉnh đủ giữ nàng thức trắng trong mấy ngày đêm ngắn ngủi.

Vì đã cận ngày đi, khó khăn lắm mới mua được vé máy bay cho Châu, vé đi ba ngày mới tới Sài gòn, kể cả mười hai tiếng đồng hồ chuyển tiếp ở phi trường OHare (Chicago) và mười bốn tiếng ở phi trường Narita (Tokyo); chuyến về mất hai ngày rưỡi. Dự buổi tiệc về hưu của tôi ở công ty hôm trước, sáng sớm hôm sau Châu lên đường.

Mùa xuân đã qua quá nửa nhưng sáng sớm còn hơi lạnh. Sau một đêm ngủ đầy giấc, háo hức với chuyến đi nghỉ hưu đầu tiên, và đầu óc không vướng một chút lo âu, tôi lái xe đi dưới bầu trời mây bạc giăng ngang.

Chiếc xe van chở nhiều vật dụng cho căn condo mới chạy êm trên xa lộ vắng xe với bốn chiếc vỏ bánh xe mới tinh vừa thay hai hôm trước.

Chúng tôi ghé ăn trưa ở Fargo, thành phố lớn nhất North Dakota cách nhà chừng hai trăm dặm Anh, rồi rẽ sang I-29 đi về hướng nam. Từ khi vào địa phận South Dakota, tôi thấy đôi mắt càng lúc càng mỏi và cơn buồn ngủ kéo ập tới. Tôi ngừng xe ở vùng nghỉ, nhường tay lái cho Châu và sang ghế hành khách ngồi ngủ.

Trong giấc ngủ mê man, nghe tiếng gọi mơ hồ, “Dậy đi, đừng ngủ nữa!” tôi rán mở mắt nhưng không tỉnh. Châu đang chạy 85 dặm một giờ (trên xa lộ giới hạn vận tốc 75 dặm một giờ) và đôi mắt nàng lờ đờ. Lo âu thành tiếng, “Em chạy nhanh quá, chậm lại đi,” tôi tiếp tục thiếp đi.

Không biết bao lâu sau, tiếng gọi kia trở lại giục giã, “Dậy ngay đi; mục sư Peterson cùng tuối Tý với mi.” Lâu rồi tôi không nghĩ tới mục sư Peterson và bà Rachel vì ông bà đã về hưu và qua đời hơn năm năm trước. Hai người bị xe vận tải hạng nặng tông chết trong một chuyến du hành sang tiểu bang Montana kế cận mà bà cầm lái. Vợ chồng tôi đã đến thăm di hài ở nhà quàn và dự đám tang ông bà ở Nhà thờ Ba ngôi Lutheran.

Trong lúc bị mãnh lực vô hình kéo vào ngủ mê mệt, tâm thức tôi chợt thấy hình ảnh ông bà nằm trong hòm hiện ra liên tục trước mắt như một cuộn phim. Tôi giật mình choàng tỉnh dậy thì thấy Châu đang vật lộn với tay lái, xe sàng qua sàng lại và chạy xéo qua hai “lên” (đường vạch rõ cho xe chạy) ngược chiều lên hướng bắc. (Về sau tôi đoán Châu đã bất thần lạc tay lái khiến xe chạy băng qua dải đất cỏ mọc ở giữa, bị một vật cản chém đứt hai vỏ bánh sau rồi tiếp tục vọt qua phía bên kia xa lộ.)

Hoảng hốt la lên, “Cái gì vậy, cái gì vậy?” tôi dùng cả hai tay giúp nàng giữ tay lái trong khi hai chiếc vận tải chở hàng từ xa chạy trờ tới. Tiếng la hoảng khiến Châu quýnh hơn; nàng nhấn “ga” mạnh hơn và chiếc xe van vượt khỏi hai “lên” rồi tiếp tục lao tới. Thấy cột thành cầu bê-tông cốt sắt trước mặt, tôi thầm từ biệt ba con. Trong một phần ngàn giây cuối cùng đó, nhà kỹ sư trong tôi tính toán với vận tốc 75 dặm một giờ, năng lượng do sự va chạm sẽ giết chúng tôi tức khắc.

Một tiếng “ầm” vang lên; chiếc xe van không vượt qua thành cầu lọt xuống con xa lộ bên dưới, cũng không lật hay lộn vòng, mà quay ngược một vòng 180 độ (có lẽ nhờ xe chở nặng có khối lượng cao). Không biết và không cảm thấy túi không khí đã bung ra, sợ xe nổ và phát cháy như trong phim ảnh, tôi vội vàng ngã người tuột ra ngoài theo lỗ hổng dưới chân trước đó là buồng máy.

Ngoại trừ bàn chân phải bây giờ thẳng hàng với ống chân, tôi không thấy trong người có gì khác lạ. Cặp kính đeo mắt đã vỡ tan và rớt trong xe, tôi đờ đẫn nhìn mà không thấy rõ cảnh vật chung quanh. Hai người tài xế xe vận tải tiến lại gần; một người bảo và giúp tôi nằm ngay tại chỗ, và người kia dùng điện thoại di động gọi cứu cấp. Châu mở cửa xe bước ra, không quản đến thân mình, nàng chỉ tay van lơn, “Chồng tôi, xin hãy giúp chồng tôi!”

Không tới mười phút sau, xe cảnh sát, xe cứu hỏa, xe cần trục cứu nạn, và xe cứu thương chớp đèn và hụ còi lục tục chạy tới; lưu thông trên xa lộ bị chận lại. Hai nhân viên cứu thương khiêng băng-ca đến bên tôi, trước tiên là đặt vòng cổ giữ cho cột xương không di chuyển, sau đó mới khám khắp người và mắc ống chuyền nước biển. Trước khi được khiêng vào xe cứu thương, tôi hỏi,

“Đây là ở đâu?”

“Cách Watertown bảy dặm về hướng đông,” người ở đằng chân trả lời.

Theo lời khuyên của cô em gái, tôi yêu cầu được chuyển về bệnh viện lớn ở Fargo. Xe cứu thương chở chúng tôi ngược I-29 về hướng bắc, đi 160 dặm đường tới nơi ghi tên nhập viện thì đã mười một giờ đêm. Hôm sau, bác sĩ chỉnh cốt giải phẩu bàn chân phải và bó bột từ đầu gối trở xuống. Châu luôn luôn ở bên cạnh chồng, ngay cả lúc tôi bị đánh thuốc mê nằm trên bàn mổ.

Từ Fargo tôi gọi một đồng nghiệp cũ, Patrick hay gọi tắt là Pat, nhờ mang xe vận tải nhẹ đến đón. Pat khởi hành từ Bismarck sáng sớm, đến bệnh viện Fargo đón Châu rồi hai người cùng xuống sân xe phế thải ở Watertown lấy đồ đạc trong xe van nay là đống sắt vụn. Xong, Châu và Pat trở lại Fargo giúp tôi xuất viện. Tháng Năm ngày dài, nhưng trời tối mịt khi tôi lúng túng chống đôi nạng mới toanh khập khiễng vào nhà. Rời nhà chưa tới ba ngày mà tưởng như lâu lắm!

Tôi hẹn và đến văn phòng bác sĩ trắc quang để đo thị lực và mua kính mới. Như thường lệ, ông lấy cặp kính tôi đang dùng mang đi thử độ ở phòng ngoài. Tôi cản lại,

“Đó là cặp kính cũ năm kia. Bác sĩ đừng đo làm gì cho mất công.”

“Tôi đo thử coi, không hại gì,” ông nói từ tốn.

Bác sĩ trở lại với nụ cười chúm chím,

“Ông tin được không, đây là cặp kính mới nhất của ông!”

Tôi giật mình nhớ lại. Hai hôm trước khi đi, tôi lấy hộp kính cũ ra đóng thùng mang theo phòng hờ. Kính được dán nhãn ghi ngày cẩn thận, tại sao hai cặp kính cũ mới lại đổi chỗ lẫn nhau?

Tôi sẽ không bao giờ nghĩ ra.

Nguyễn Ngọc Hoa

Ý kiến bạn đọc
07/04/201313:50:12
Khách
Cả hai vợ chồng đều hỗng muốn khoe chi 2 cái nghề đầy gian nguy nầy.
Mời bạn nào quỡn ghé đây xem film nầy của mụ vợ viết, trg đó chị Kiều Chinh có đóng 1 vai.
http://www.vietfilmfest.com/april-13---saturday.html

SET 19: PEARLS OF THE FAR EAST
4:00 pm - 5:50 pm | UC Irvine, HIB 100
Director Cuong Ngo, actresses Kieu Chinh and Nguyen Thi Minh Ngoc in attendance
03/04/201322:00:01
Khách
Nhà văn, nhà biên kịch ai làm hổng được mà cũng khoe, gì gì đi nữa cũng lo chạy qua mấy nước Á châu cho khoẻ hén, còn tiếp..
04/04/201313:01:42
Khách
Rat thich bai nay viet rat la chi tiet
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 92,396,145
Tác giả là cư dân San Jose, cơng việc: Income Tax Services. Ông góp nhiều bài viết và đã nhận giải thưởng đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2007, với bài "Từ Vùng Kinh Tế Mới Tới Nước Mỹ". Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA.
Tác giả hiện định cư tại Philadelphia. đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2008. Đến Mỹ năm 1975, tốt nghiệp Kỹ Sư Điện và MBA. Đã giữ chức vụ Engineering Director tại BEI ở Little Rock, AS. Các công ty phục vụ: Exxon, McDonnell Douglas, Boeing, Physical Optics. Tác phẩm: Trùng Khơi Sóng Vỗ (thi tập, 2002). Bài viết mới của ông là một tự truyện, nhiều hồi tưởng về gia đình, quê hương.
Theo bài viết, đây là tự sự một người con lai Mỹ đen, bị mẹ bỏ rơi ngay từ khi mới sinh, được “ghép hộ” để định cư tại Mỹ, và rồi cũng bị cha mẹ nuôi đuổi ra khỏi nhà. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông được chuyển đến bằng email. Mong ông tiếp tục viết.
Tác giả sinh năm 1956. Qua Mỹ tháng 10 năm 1994 cùng với gia đình theo diện HO. Hiện đang sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington. Đang làm việc cho một công ty thuộc ngành lâm nghiệp tại tiểu bang Washington. Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ hai của Minh Nghĩa.
Tác giả là cư dân Bắc California, đã nhận giải đặc biệt viết về nước Mỹ 2008 với nhiều bài viết giá trị về nhà trường và gia đình. Bà hiện là một Facilitator -giúp hướng dẫn những buổi học thảo nói về hệ thống học đường tại California. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả là cư dân hưu trí tạ tiểu bang Oklahoma, đã tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2007. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là "Cha Con Mỹ Hoá." Bài mới lần này là một truyện vui gia đình. Mong bà tiếp tục viết.
Tác giả định cư tại Mỹ từ 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, tiểu bang New Jersy. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Song Lam là một tự sự. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết.
Tác giả là cư dân Boston, làm việc trong một bệnh viện của tập đoàn Partners, đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài viết mới của cô là một tuỳ bút về mùa mưa tuyết tại miền Đông.
Tác giả, một kỹ sư điện tử tại công ty Intel, Bắc California, đã hai lần nhận giải Viết Về Nước Mỹ: giải danh dự 2009, và Giải Vinh Danh Tác Phẩm 2010. Bài viết mới của Khôi An kể về Chú Sáu Steve Brown, một người Mỹ viết văn làm thơ bằng Việt ngữ.