Hôm nay,  

Cô Giáo

27/02/201300:00:00(Xem: 301272)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả sinh năm 1956. Qua Mỹ tháng 10 năm 1994 cùng gia đình theo diện HO. Hiện sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington. Đang làm việc cho một công ty thuộc ngành lâm nghiệp tại tiểu bang Washington. Sau đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà.

Tôi thường hay ngẫm nghĩ những gì xảy ra trong đời mình dường như đã được sắp đặt sẵn, và những cuộc tao ngộ cũng là do một mối duyên nào đó mang đến. Tôi thành cô giáo dạy tiếng Việt cho Trường Phaolô Lê Bảo Tịnh ở thành phố Tacoma thuộc tiểu bang Washington cũng là một cái duyên. Cái duyên này đã gắn bó tôi với ngôi trường bé nhỏ này trong hơn mười năm qua và có lẽ sẽ còn gắn bó thêm một thời gian nữa, nếu mọi việc cứ xuôi chèo mát mái như hiện nay.

Ngày xửa ngày xưa, thuở còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, không bao giờ tôi nghĩ là mình sẽ đi dạy học hay sẽ là cô giáo. Tại Việt Nam, vào đầu thập niên 1980, bạn bè tôi ra trường trước tôi một năm đã phải ngậm ngùi đi nhận nhiệm sở ở những vùng đất xa lạ mà trong đời mình chưa hề được đặt chân đến. Đứa thì lên mãi tận trên vùng cao nguyên đất đỏ. Đứa lại đi về vùng biển xa xôi… Có đứa phải đến ở những vùng đất lạ hoắc mà chúng tôi hay gọi đùa là vùng khỉ ho cò gáy. Và hình như hầu hết bạn của tôi đều đi dạy học dù ngành học của chúng tôi không phải là ngành sư phạm. Còn tôi, cũng đã vài lần tôi nói với mạ của tôi:

- Khi con ra trường, nếu bị phân công đi về tỉnh hay là phân công con đi dạy học thì chắc là con bỏ việc. Con không muốn đi xa mà cũng không muốn đi dạy học.

Tuy nói vậy nhưng tôi cũng chưa tưởng tượng ra được là trong trường hợp mình bỏ nhiệm sở, thì không biết mình sẽ làm được cái gì khi ở lại Sài Gòn? Đi ra chợ trời buôn bán hay là mở một hàng quán chạp phô nho nhỏ bán tiêu, muối, nước mắm, bột ngọt… hoặc là làm một gánh bún bò Huế trước cửa nhà kiếm sống qua ngày?

Thuở nhỏ, chừng 13, 14 tuổi, tôi đã phải chăn một đàn em nhỏ khoảng ba bốn đứa. Ngoài việc tắm rửa cho em, tôi còn kiêm luôn việc dò bài và dạy các em làm toán. Mỗi tối, mấy chị em tôi bày bài vở trên cái bàn dài ở góc nhà cùng nhau học. Chờ khi các em tôi làm bài tập hay trả bài xong xuôi rồi thì mới tới phiên tôi học bài của mình.

Tôi cũng tự biết là mình không đủ kiên nhẫn và cũng không có đủ đức tính dịu dàng để làm cô giáo, vì nhiều khi bực mình quá tôi cũng lấy tay cốc lên đầu em tôi. Nhất là khi thấy nó cứ lơ là không chịu học bài để tôi phải tốn công dò đi dò lại cả buổi. Chỉ nghĩ đến dạy có mấy đứa em mà tôi đã thấy hết hơi rồi thì làm sao có đủ sức để dạy học trò! Cốc đầu em mình thì không sao, chứ đi cốc đầu con thiên hạ thì chắc là chỉ có nước từ chết tới bị thương mà thôi! Cũng vì nghĩ như vậy nên việc làm “cô giáo” không bao giờ có trong trí của tôi.

Vậy mà mấy chục năm sau tôi lại trở thành cô giáo ở xứ người! Tôi trở thành cô giáo dạy tiếng Việt cho các em nhỏ người Mỹ gốc Việt thật tình cờ. Có lẽ khi xa quê hương, tiếng Việt trở thành một báu vật đối với tôi và tôi không muốn mất đi, nên việc muốn đóng góp một tí công sức của mình để gìn giữ tiếng Việt ở xứ người trỗi dậy thật mạnh mẽ trong lòng tôi.

Tất cả đều là một dịp thật tình cờ. Năm 1996, tôi qua Cali thăm bạn. Họ ở cách khu Little Saigon khoảng 20 phút lái xe. Hai vợ chồng là bạn học của tôi và họ đi vượt biên vào năm 1979. Định cư ở Cali, họ đi học lại. Họ có hai đứa con gái. Cháu lớn khoảng 10 tuổi và cháu nhỏ khoảng 5 tuổi. Hai cô bé này rất ngoan và nói tiếng Việt khá rành rõi. Thấy con nít sanh ra ở bên này mà nói tiếng Việt giỏi như vậy, tôi rất ngạc nhiên. Bạn tôi giải thích là nhờ ở gần ông bà và các cậu dì nên hai đứa nhỏ nghe và hiểu được tiếng Việt. Mỗi lần hai đứa nhỏ nói chuyện với nhau, vừa xổ tiếng Mỹ ra là mẹ của cháu quay phắt lại, cao giọng nói:

- Nói tiếng Việt. Mẹ không thích nghe các con nói tiếng Mỹ trong nhà.

Thỉnh thoảng hai cháu nhỏ quên lời mẹ dặn thì bà mẹ nghiêm giọng nói:

- Mẹ muốn các con nói tiếng Việt. Tiếng Mỹ để dành nói ở trường học.

Hoặc là giả vờ nói:

- Nói tiếng Việt đi. Nói tiếng Mỹ mẹ không hiểu.

Khi nghe mẹ mình nhắc nhở, các cháu riu ríu nghe lời đổi sang nói tiếng Việt sau khi lễ phép nói:

- Dạ, mẹ.

Mấy ngày ở nhà bạn, tôi nghe các cháu nói toàn là tiếng Việt mà quên đi mất là các cháu sinh và lớn lên ở đây. Nhớ lại buổi chiều đầu tiên ở Cali, bạn tôi đưa cả nhà đi ăn. Khi ngồi vào bàn, cô bạn của tôi đưa cho con hai tờ thực đơn và bảo:

- Hai đứa con muốn ăn gì thì kêu nhé. Nhớ chọn món ăn nào ngon để đãi cô Nghĩa nhen.

Hai đứa nhỏ hí hửng cầm tờ thực đơn. Cô gái nhỏ rà ngón tay dò từng món rồi cô bé dừng tay ở một hàng chữ và quay sang hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, mình ăn cơm với canh chua cá kho tộ nghe mẹ.

Cô chị nói:

- Con ăn cơm tấm sườn bì nghe mẹ.

Vừa nói cháu vừa chỉ tay vào tờ thực đơn. Tôi tò mò ghé mắt nhìn vào thì rõ ràng cháu đọc được tiếng Việt.

Sáng hôm sau, sáng thứ Bảy, hai vợ chồng bạn tôi lại đưa cả nhà đi ăn sáng ở tiệm cơm tấm Thuận Kiều. Hai cháu nhỏ lại tiếp tục “đi chợ” chọn món ăn và còn giới thiệu cho tôi thêm những món ăn trong tấm thực đơn dài ngoằng. Lần này không dằn được tò mò, tôi hỏi cô bạn của tôi:

- Hai đứa nhỏ biết đọc tiếng Việt hả Quỳnh?

Bạn tôi hãnh diện gật đầu:

- Biết chứ, cháu là người Việt mà cô Nghĩa.

Nói xong bạn tôi cười khà khà nháy mắt trêu tôi. Tôi hỏi tiếp:

- Mà sao hai đứa nhỏ biết được vậy?

- Thì đi học.

- Đi học?

- Ừ, phải đi học thì mới biết chứ. Ở bên đây có những trường dạy tiếng Việt vào những ngày cuối tuần. Mình chịu khó chở con đi học để nó biết tiếng Việt, chứ ở nhà mình dạy không được. Bụt nhà không thiêng nên phải đưa cho các thầy cô giáo dạy, phải đưa đến trường thì tụi nó mới lo học.

- Học có đóng tiền không?

Anh chồng cười:

- Có chứ. Nhưng mà không bao nhiêu, chỉ tượng trưng thôi. Phải công nhận các thầy cô giáo dạy tiếng Việt ở đây họ có lòng lắm. Trong tuần thì đi làm, cuối tuần lại tình nguyện dạy tiếng Việt. Tui phục họ thiệt. Nhìn lại mình thấy mắc cở! Cuối tuần đưa con tới trường rồi đi ra quán cà phê ngồi tán dóc với bạn, chờ tới giờ tan học chạy tới rước con về. Nhiệm vụ của tui là mỗi sáng Chủ Nhật làm sao thì làm, có hẹn với ai thì cũng phải chở hai đứa con tới trường rồi sau đó muốn đi đâu thì đi.

Nói tới đây anh chàng ngó sang cô vợ làm ra vẻ sợ sệt:

- À, mà chưa xong, bả có uy lắm đó! Tui mà ham vui quên rước con là bả nhằn khủng khiếp lắm.

Nghe ông chồng tả oán cho bạn mình nghe, cô vợ lườm yêu chồng rồi nháy mắt cười khúc khích với tôi.

Sáng Chủ Nhật, tôi đi cùng với vợ chồng bạn đưa hai đứa nhỏ đến Trường Việt Ngữ. Sau khi ăn sáng và đi chợ mua thức ăn, chúng tôi ghé thăm vài người bạn học cũ gần đó. Tới giờ đi rước con, cô bạn chợt nghĩ ra:

- Anh ơi, mình ghé trường đón con rồi đi ăn trưa luôn đi anh. Chắc con cũng đói bụng rồi, mười hai giờ rồi đó.

Thế là thêm một lần tôi chứng kiến hai cô gái nhỏ trổ tài đọc tiếng Việt trên tấm thực đơn của nhà hàng. Tôi thử chỉ vào các món ăn khác và hỏi thì các cháu đọc vanh vách. Thấy tôi xuýt xoa khen ngợi, mẹ cháu khoe tiếp:

- Cháu còn đọc được báo Việt Nam nữa đấy. Một tí nữa về nhà con lấy báo ra đọc cho cô nghe nhen.

- Dạ mẹ.

Hai đứa bé dạ thật ngoan rồi nhìn tôi cười thật tươi.

Những ngày ở cạnh hai cô bé sanh ra ở Mỹ nhưng nói tiếng Việt thật rành rẽ cũng như đọc tiếng Việt trôi chảy đã để lại trong lòng tôi một ấn tượng khó quên. Khi trở lại nhà, tôi đã kể lại cho mạ và các em tôi nghe với một niềm vui và hãnh diện vì không ngờ ở xứ người, tiếng Việt của mình vẫn được duy trì và phát triển cho thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở đây. Tôi cứ ao ước phải chi có một trường dạy tiếng Việt cho các em ở vùng Tacoma này.

Trong bữa cơm chiều, cô em dâu của tôi như chợt nhớ ra điều gì đó, quay lại nhìn tôi nói:

- Chị ơi, Thiên nói với em là nhà thờ đang muốn tìm người dạy tiếng Việt cho các lớp Việt Ngữ của Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể của nhà thờ. Thiên nói với em rủ mấy chị đi dạy cho vui. Em muốn đi dạy quá. Chị có đi với em cho vui không?

- Ừ, chị cũng có nghe nói nhưng mà thôi đi em, chắc không vui nổi đâu em ơi! Hồi ở Việt Nam em là cô giáo thì em còn biết dạy học trò, còn chị có đi dạy học bao giờ đâu mà biết đứng lớp dạy học trò chứ!


- Em nghĩ không sao đâu chị. Dạy đại đi, miễn là học trò biết đọc là được rồi.

Tôi ngần ngừ:

- Để chị coi lại nhen.

Cô em lại nài nỉ tôi, chắc là cô em đang nhớ đến cái bảng đen, nhớ đến học trò ngày xưa? Hôm sau cô lại nhắc tôi một lần nữa. Tôi biết cũng khó lòng từ chối nên gật đầu đại cho rồi:

- Chị không biết dạy dỗ gì hết đâu nhen. Chị đi với em để phụ cho em thôi. Mà nhớ xin cho hai chị em mình dạy chung một lớp nhen.

Nghe hai chị em tôi nói chuyện chuẩn bị làm cô giáo, cô em kế của tôi cũng hứng chí xin được cùng tham gia. Cô em dâu mừng quá cười tươi thật là tươi:

- Dạ được. Để em nói cho Thiên biết. Chắc nó mừng lắm đó vì tự nhiên đang đi lùng kiếm giáo viên thì lại vớ được tới ba cô giáo một lượt.

Thế là tôi trở thành cô giáo dạy tiếng Việt một cách thật tình cờ. Sáng Chủ Nhật ba chị em tôi chở nhau tới nhà thờ để trình diện. Thì ra toàn là những gương mặt quen mà chúng tôi đã từng gặp, đã từng quen khi cùng học ESL lúc mới sang Mỹ cũng như sau này cùng học chung ở Tacoma Community College trước đây. Các em huynh trưởng đều rất trẻ. Một số em tôi đã được biết khi các em còn bé tí xíu khi mới qua Mỹ mà bây giờ đã trưởng thành, giữ những vai trò quan trọng trong các đoàn thể của nhà thờ. Đặc biệt là tôi đã gặp Phúc, một người bạn trẻ khá thân khi còn đi học với nhau. Gặp tôi, em vui vẻ mời gọi chúng tôi vào làm việc với các em.

Với những tình cảm và sự nhiệt tình của các em huynh trưởng Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể dành cho chúng tôi, chúng tôi thấy yên lòng và không còn do dự đắn đo gì nữa. Vậy là chúng tôi trở thành những cô giáo đầu tiên của lớp Việt Ngữ ở đây, những cô giáo dạy tiếng Việt trên xứ người.

Nhớ lại những ngày đầu tiên tham gia dạy tiếng Việt, tôi và cô em đâu được giao cho lớp vỡ lòng. Cô em tôi có giọng nói thật tốt, rõ ràng trong trẻo. Tôi ngồi ở một góc lớp để xem cô em mình dạy học. Tôi bắt đầu học tập để làm cô giáo. Lâu lắm rồi tôi không được nghe trẻ ê a đánh vần. Tôi đã quên mất tiêu cách đánh vần từ hồi nào rồi nên giờ đây tôi ngồi chăm chú học như một em học trò nhỏ. Tôi cũng tập đánh vần như các em học sinh. Lớp học lúc đó thật là đông vì sau khi sinh hoạt xong thì hết tất cả các em Thiếu Nhi Thánh Thể của nhà thờ đều vào lớp học tiếng Việt. Lớp vỡ lòng là đông học sinh nhất so với các lớp khác. Lúc ấy trường chỉ mở có ba, bốn lớp mà thôi. Đa số các em chưa biết đọc chưa biết viết. Một số em thì nghe và hiểu tiếng Việt nhờ nói chuyện với cha mẹ hay ông bà ở nhà. Một số em thì đã được học tiếng Việt ở Việt Nam trước khi qua đây.

Cứ mỗi trưa Chủ Nhật ba chị em tôi chở nhau đến nhà thờ thật sớm để dạy học. Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể đã dành một giờ cuối trong ngày sinh hoạt để các em thiếu nhi đều được học tiếng Việt. Sau đó các em sẽ đi qua nhà thờ dự lễ vào lúc 3 giờ chiều.

Dạy được hơn nửa năm thì cô em dâu của tôi có bầu! Nhìn cô em bị thai hành, ói mữa thấy mà thương! Cô em tôi đành phải tạm ngưng không đi dạy học nữa. Cô hứa là sau khi có em bé, mẹ tròn con vuông rồi, lấy lại sức rồi thì cô sẽ trở lại trường. Hứa là thế nhưng mà cho đến hôm nay, cô đã có hai cháu trai kháu khỉnh và cũng là học sinh của trường Việt Ngữ Lê Bảo Tịnh mà cô vẫn chưa trở lại trường. Có lần tôi hỏi đùa:

- Sao, có tính trở lại dạy học không vậy?

Thì cô cười ngỏn nghẻn:

- Dạ, để em coi lại đã nhen. Bận rộn với mấy đứa nhỏ suốt ngày!

Kể từ dạo ấy một mình tôi chiến đấu với một lớp học vỡ lòng hơn 30 em học sinh. Tôi loay hoay trong mấy tuần lễ đầu để tìm ra cách dạy các em hữu hiệu hơn. Ngược với cô em dâu có giọng nói vang to thì giọng của tôi vừa nhỏ lại vừa trầm nên phải rán gân cổ lên nói thật to. Kết quả là cổ họng của tôi bị rát nên khi vào nhà thờ tôi không tài nào đọc kinh hay hát hò gì được. Buồn cười nhất là mỗi lần trước thánh lễ, anh ca đoàn trưởng xuống giọng năn nỉ mọi người:

- Xin mời các tín hữu hãy hát to lên, hát thật nhiệt tình với tất cả tấm lòng để dâng lên Chúa.

Thôi thì tôi đành phải hát thầm trong lòng, chắc Chúa cũng thương tình mà bỏ qua.

Cũng nhờ dạy các em lớp vỡ lòng mà tôi mới có dịp ôn lại sách vở, đọc thêm tài liệu để dạy học. Sau một thời gian, không phải là mèo khen mèo dài đuôi, chứ thật tình tôi cũng đã tìm ra cách dạy học riêng của mình cũng khá hữu hiệu.

Tôi ôn lại thời gian mình còn ngồi học ê a dưới mái trường tiểu học ở Việt Nam, tôi rán nhớ lại những điều cô giáo tôi đã dạy cho tôi và nhất là rán nhớ cách dạy của cô giáo. Tôi áp dụng những gì tôi đã trải qua từ thuở bé và nghĩ ra những gì mình thích, những gì mình không thích khi đi học. Từ đó tôi đã rút ra kinh nghiệm để có thể tiếp tục dạy trẻ con vì tôi nghĩ đứa trẻ con nào mới đi học cũng đều có những cảm nhận và cũng có cùng một tâm trạng như nhau. Mình cũng đã từng là trẻ con thuở nào...

Cho đến nay thật tình là tôi không thể nào tưởng tượng ra được là mình đã đi dạy tiếng Việt được hơn 10 năm. Thật là một kỷ lục khó tin đối với bản thân tôi. Cuối tuần bạn bè tôi ở nhiều nơi gọi điện thoại tìm tôi nói chuyện hay hỏi thăm thì lại gặp lúc tôi đi dạy học hay gặp lúc tôi chuẩn bị đi dạy nên tôi nói qua loa hối hả một lát rồi xin lỗi ra đi. Bạn tôi không gặp được tôi nên họ cũng hơi bực mình vì họ lại nghĩ là tôi lại đi shopping hay lại đi chơi ở đâu rồi. Đã vậy khi tìm được tôi thì tôi lại say sưa kể cho bạn mình nghe những chuyện vui chuyện lạ khi mình đi dạy. Tôi kể về học trò, kể về trường, kể về bạn dạy học chung trường… Những lần được tôi tra tấn bằng những câu chuyện trường, chuyện lớp, chuyện học trò bạn tôi đều chọc ghẹo tôi vì họ đều biết là tôi vốn không thích chuyện làm cô giáo, vậy mà giờ này tự dưng con bạn của mình lại thay đổi đến như vậy.

Tôi vui khi thấy học trò mình học giỏi. Tôi mừng khi nghe học trò mình đọc trôi chảy những bài tập đọc hay thuộc vanh vách những bài học thuộc lòng. Giờ đây lứa học trò của tôi đang dạy có thể viết được những đoạn văn ngắn bằng tiếng Việt. Những đoạn văn ngắn với những ý tưởng thật đơn sơ, giản dị ở lứa tuổi của các em nhưng đó là tất cả những cố gắng của các em cũng như sự quan tâm của các người cha, người mẹ, dù những hôm trời mưa lạnh lẽo hay những ngày nắng gắt vẫn bền bĩ đưa con đến trường học tiếng Việt. Nhìn những mái đầu cắm cụi nắn nót viết những dòng văn non nớt bằng tiếng Việt, tôi thấy quả là mình đã không phí phạm thời giờ để đi dạy tiếng Việt. Thật không có gi vui bằng khi gần hết năm học, học sinh của tôi hỏi:

- Cô ơi, năm sau cô có dạy con nữa không?

- Cô ơi, con muốn học với cô năm tới…

Khi nghe những lời thật dễ thương của các em, tôi đã ước một điều là có lẽ tôi sẽ xin được dạy các em hoài cho đến khi các em chán cô giáo này mới thôi. Có như thế tôi mới thấy thấm thía tại sao ngày xưa các thầy cô của mình lại tận tụy với nghề như vậy. Thì ra bây giờ tôi mới biết “đó là tình cảm của học trò đã dành cho thầy cô giáo của mình”. Giờ đây trường của chúng tôi đang phát triển thành trường dạy tiếng Việt với danh xưng “Trường Việt Ngữ Phaolô Lê Bảo Tịnh”. Tên trường cũng đã được các thầy cô suy nghĩ tìm tòi và chọn lựa từ nhiều đề nghị. Tên của trường tôi có được là nhờ sự suy nghĩ và đề nghị của cô Oanh, một trong những cô giáo đầu tiên của trường.

Bao nhiêu thầy cô giáo đã đến và đi, nhưng đến nay trường Trường Việt Ngữ Phaolô Lê Bảo Tịnh đã có được một lực lượng thầy cô giáo đầy nhiệt tâm giúp trường thêm vững mạnh. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng nói đùa với nhau:

- Các thầy cô giáo trẻ cứ đến rồi đi, chỉ có mấy “giáo già” là còn ở lại mà thôi.

Chúng tôi đã không nhịn được cười khi nghe một cô giáo trẻ tiếp lời:

- Vì đâu còn đường nào để đi nữa, phải không chị?

Tuy là than thở cho có vậy thôi chứ chúng tôi, những người giáo già của trường, cũng phải nhìn nhận nhờ có những thầy cô giáo trẻ, cho dù có đến rồi đi chăng nữa, cũng đã mang lại một bầu sinh khí mới, sôi động và tươi trẻ cho Trường Việt Ngữ Phaolô Lê Bảo Tịnh. Chứ nếu cứ nhìn mặt mấy người giáo già như chúng tôi thì chắc là “chán chết đi thôi”!

Minh Nghĩa

Ý kiến bạn đọc
28/02/201322:03:11
Khách
OK
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 92,394,298
Tác giả tên thật Hùng Túy Trước, tuổi Giáp Ngọ, cư trú tại Austin, Texas, đã góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ đặc biệt. Giải thưởng Việt Báo năm thứ ba, cùng lúc với giải danh dự, Chúc Chân còn nhận thêm giải "Writing on America" cho bài viết bằng Anh ngữ. Bài mới nhất của cô là một chuyện viết trong mùa Valentine.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, từng nhận giải bán kết và giải Việt Bút, hiện là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Tác phẩm đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả là một dương cầm thủ đồng thời là nhà văn, có nhiều CD và sách đã xuất bản, từng nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ. Bài mới của Phương Lan là một truyện ngắn gia đình.
Tác giả nguyên là một sĩ quan hải quân VNCH, một nhà thơ quân đội. Sau tháng Tư 1975, ông là người tù chính trị, định cư tại Mỹ theo diện H.O., hiện là cư dân San Diego. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu tiên, Phạm Hồng Ân đã nhận giải danh dự 2012. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Với bút hiệu Xuân Đỗ, tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008 với bài "Hắn và cuốn Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm..." Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O. và hiện là cư dân Riverside, nam California, làm Guest Teacher cho Colton Joint Unified School District.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA.
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011. Bà là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, sinh năm 1940 tại Cần Thơ. Hai bài viết đầu tiên của bà là tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Ky. Cưới nhau: 1972. Tới Mỹ năm 1975. Từ 1985, hai vợ chồng mở v/p Di Trú và Thuế Vụ tại Long Beach. Bài viết mới nhất là một hồi ức về mảnh đất tạm dung và quê hương yêu dấu.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, 25 năm ở Mỹ, hiện cư ngụ tại Irvine cùng gia đình. Bài viết về nước Mỹ thứ ba của ông là chuyện hậu valentine Day, ngắn nhưng ý nghĩa. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, 25 năm ở Mỹ, hiện cư ngụ tại Irvine cùng gia đình. Bài viết về nước Mỹ thứ ba của ông là chuyện hậu valentine Day, ngắn nhưng ý nghĩa. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết.
Tác giả tên thật Linda Hoa Nguyễn, sinh năm 1950, đến Mỹ năm 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, vừa làm vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp đại học ngành Early Childhood Education tại Chapman University California khi 62 tuổi. Hiện đang volunteer tại một trường tiểu học ở Marysville, Bắc Cali, trong khi chờ đi dạy.” Bài viết mới của tác giả cho mùa Valentine là một truyện tình Việt-Mỹ bắt đầu từ thời chiến, với ghi chú: