Hôm nay,  

Duyên Chị Em

22/10/201200:00:00(Xem: 353793)
viet-ve-nuoc-my_190x135Với một loạt truyện tự sự khác thường về đề tài đồng tính và sức mạnh gia đình, Lê Thị đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2012. Tác giả, 35 tuổi, cho biết đã đến Mỹ khi còn là một cậu bé “tiếng Việt chưa đủ vốn, tiếng Anh dăm ba chữ chập choẹ,” hiện hoạt động trong ngành thiết kế thời trang tại New York và Chicago. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

***

Đang ngồi với đám bạn thân ở quán Cafeteria góc đường số 7 và Chelseas, bỗng chuông điện thoại reo trong túi áo. Mở điện thoại, tôi thấy tên chị Nga hiện lên. Suốt mấy tháng trời, mỗi cú điện thoại của chị đều là những cú điện thoại khẩn cấp cầu cứu, vì vậy, dù đang làm gì, đang ở đâu đi nữa, thấy tên chị là tôi vội vàng nhấc máy. Và cứ sau mỗi lần nói chuyện điện thoại với chị là người tôi nóng nảy không đè nén được những cơn tức giận.

- Hello chị Nga?

Chưa kịp dứt lời thì giọng nói quen thuộc của bà chị hốt hoảng nghẹn đầy nước mắt:

- Em ơi, cứu chị. Lão Bình say rượu đánh chị.

- Cái gì? Chị có sao không? Chờ em một chút để em ra ngoài nói chuyện với chị.

Câu chuyện quanh bàn cà phê đang vui vẻ, tôi cáo lỗi đám bạn cầm điện thoại ra ngoài.

Tôi nghiệp cho bà chị xấu số. Từ mấy tháng nay tôi đã nhận nhiều cú điện thoại, ban đầu là từ Victoria, đứa con gái lớn của chị, rồi sau đó chính chị gọi cầu cứu mỗi khi Bình, người bạn trai chung sống với chị nổi cơn thịnh nộ. Mỗi lần hắn thua cờ bạc, say rượu về nhà moi tiền, chị không đưa là bị hắn hành hung. Đôi khi cả mấy đứa bé cũng bị ăn đòn lây. Mặc dù tôi đã nhiều lần khuyên chị nên về nhà sống với bố mẹ ở San Jose, nhưng chị luôn luôn từ chối. Chị lấy cớ vì đang làm ăn chung chạ với Bình, vả lại, đã đến tuổi này, đã làm mẹ, lại quay về nhờ vả bố mẹ, mặt mũi đâu mà cất đầu về nhà. Rồi bây giờ...

- Chị có sao không?

- Hắn ta đâu? Tôi hỏi.

- Lão còn trong family room. Chị đang ở sau nhà...

Người tôi run lên vì tức giận, phải cố xuống giọng để bảo chị bình tĩnh. Đã tới lúc phải buộc chị dứt khoát.

Là con út và áp út trong nhà, từ nhỏ tôi và chị được bố mẹ sắp xếp ở chung trên tầng lầu thứ ba trong nhà. Chắc vì hai đứa nhỏ nhất, nên bố mẹ đưa hai chị em lên tầng cao nhất vì mấy anh chị lớn ai cũng lười leo mấy chục nấc cầu thang. Hai chị em như cặp bài trùng, đi đâu cũng có nhau. Chị tuổi con chó, tôi tuổi con mèo, cắn nhau, đánh nhau loạn xí ngầu.

Chị Nga có mái tóc vàng xoã ngang vai, mũi cao, cặp mắt to, tròn, sâu thẳm, nổi bật trên làn da trắng mịn, gò má chị lúc nào cũng ửng hồng. Mỗi khi chị cười, hai lúm đồng tiền lún sâu, trông chị đáng yêu vô cùng. Từ nhỏ ai cũng khen chị xinh đẹp, còn tôi, da ngăm đen, mũi tẹt, gầy dơ xương sườn, tóc lưa thưa mấy sợi, nhìn chả giống ai trong nhà.

Mỗi lần tôi và chị hỏi mẹ tại sao hai đứa chúng tôi khác hẳn mấy anh chị em trong nhà, mẹ thường cười trả lời: - Chị Nga mày giống anh Hai, mũi cao da trắng, còn mày, không biết giống ai, xấu quá, hẳn mày là con của bà bán gà đầu đường. Phải rồi, bà ấy toàn con gái, nên bà ấy gởi mày sang đây nhờ bu nuôi hộ. Nghe vậy, tôi ngồi im thin thít, còn chị Nga thì thích chí cười khanh khách.

Vì nhà đông anh em, lại tuổi cách nhau thật xa, mẹ tôi bận rộn buôn bán ở căn nhà kế bên cạnh, nên không ai để ý tới tôi. Đôi khi tôi nhìn bà bán gà và mấy đứa con gái của bà, tôi nghĩ trong bụng, “Bà ấy toàn là con gái không, nếu mình về nhà bà ấy ở, chỉ mỗi mình là con trai, chắc chắn sẽ được nuông chiều.” Một hôm vì giận bố mẹ, tôi quyết định mang giỏ quần áo dọn sang nhà bà bán gà và nói với bà "Bác Phải ơi, mẹ cháu nói cháu là con của bác, nên hôm nay cháu dọn quần áo về nhà bác ở.” Bác Phải cười phá lên, nhìn tôi tội nghiệp, mua cho một bọc nước mía uống đỡ rồi dắt tôi về nhà. Chị Nga biết chuyện lại cười phá lên riễu tôi ngố.

Tôi cũng biết chị Nga không phải là chị ruột của mình, vì tính tôi nhiều chuyện, ai nói chuyện gì tôi cũng hóng tai lên nghe. Một lần tôi giả vờ nằm ngủ trưa trên cái phản gỗ ở phòng khách nhưng dỏng tai nghe mẹ tôi và bà bạn nói chuyện. Mẹ kể, một hôm mẹ dậy thật sớm đi lễ, khi mẹ mở cái cửa sắt thì mẹ nghe có tiếng em bé khóc. Nhà tôi ở mặt đường, sát chợ, bên cạnh lại là một đống thùng rác khổng lồ. Khi mẹ nghe tiếng trẻ con khóc, mẹ lò dò lại gần đống rác, tìm thấy một đứa bé nhỏ xíu như một chai bia 33, không tông tích, không tên tuổi, mẹ đem chị về nhà nuôi cùng với 9 đứa con ruột.

Tôi nghe lỏm được chuyện này, trong lòng đắc chí. Dù tôi bị cả nhà trêu là con nuôi, nhưng sau khi bị bác Phải từ chối, tôi đã biết chắc mình là con ruột của mẹ. Có hôm tôi và chị cãi nhau, tôi bị chị cho cái bạt tai, tức quá tôi trả đũa gọi chị là con nuôi. Chị nghe xong tức giận chạy xuống nhà dưới sang nhà bên nơi Mẹ tôi đang bán phở, chị mách:

- Mẹ ơi thằng này nó dám trêu con là con nuôi. Mẹ nói cho nó nghe là không phải đi Mẹ.

Mẹ đang nấu phở, tay cầm cái đũa cả tét ngay vào mông tôi mấy cái đau nhói. Mẹ vừa quất vừa cấm tôi không bao giờ được quyền hỗn với chị như vậy nữa. Tôi còn nhỏ lòng không phục, hậm hực, tức tối không hiểu vì sao lúc nào đụng đến chị là mẹ và các anh chị lớn đều bênh chị chằm chặp.

Càng lớn lên hai chị em càng thân nhau. Mỗi sáng tôi luôn nối đuôi theo chị xuống nhà dưới. Chị lấy bã mía khô nấu nước pha trà, tiện bếp còn nóng, chị lấy cơm nguội thừa từ đêm hôm trước rán với chút nước mắm, tỏi, bột ngọt, hai chị em chia nhau ăn ngon lành. Ăn xong chị chở tôi đi học. Ban tối đến, chị lại chở tôi đi ăn chè đêm. Tuổi thơ của hai chị em dính liền nhau như thịt chó với củ riềng.

Lớn lên trong một xóm đạo khắt khe, là con lai, đi tới đâu chị bị mọi người dòm ngó, soi mói, xầm xì tới đó. Đám trẻ con thường hay bắt nạt chị, xông vào chọc ghẹo chị đủ kiểu, nhưng chị không bao giờ đầu hàng. Chị luôn có cách tránh khỏi các mưu mô trêu ghẹo của đám con nít trong xóm. Cứ mỗi lần hai chị em chở nhau đi ngang một xóm khác, thì đám con nít luôn luôn chạy theo xe trêu chọc "Mỹ lai mười hai lỗ đít, ăn đu đủ ỉa ra giun kim". Tôi tức tối gầm gừ, còn chị thì phớt lờ làm như không để ý đến, đạp xe thật nhanh tránh khỏi đám trẻ con láo lếu.

Chị ít nói hay cười. Còn tôi già mồm, nhà gần chợ, suốt ngày tôi đi la cà hóng chuyện hàng tôm, hàng cá, nên miệng lưỡi cũng không thua gì mấy bà bán hàng. Dù còn nhỏ nhưng tôi đã là một tay cãi mướn. Mỗi lần chị có chuyện xung đột, bị các bạn cùng lớp trêu chọc, cần có người lý sự, chị thường mang tôi đi cãi nhau giùm. Có tôi trợ thủ, khi nào chị cũng thắng. Các anh lớn trong nhà cũng luôn luôn để ý bênh vực chị, vì vậy tuy hay bị bắt nạt, chị luôn được cả gia đình che chở và thường hay đắc ý vì “phe ta” luôn đông hơn “phe địch”.

Lớn lên trong sự bảo bọc vô bờ của Bố Mẹ và 10 anh chị em, chị Nga như một đứa con nít trong cái xác đã bắt đầu trổ mã ngày càng xinh đẹp. Bằng chứng là những anh thanh niên luôn tìm đến chầu chực ở nhà tôi suốt ngày, làm bố mẹ tôi sốt cả ruột. Có những đêm chị đi xem văn nghệ với bạn bè về trễ, bị bố tôi khóa cửa trong không cho vào, tôi luôn luôn phải là người thức đêm chờ bố ngủ say rồi mở cửa hông đưa chị vào nhà.

Càng lớn, chị càng có nhiều bạn bè, lúc nào chị cũng diện đẹp. Tuần nào chị cũng có những bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất gởi đến tận nhà. Tuy chị không làm gì ra tiền, nhưng chị đi khắp mọi tiệm vải, tiệm may, may đủ kiểu quần áo mới thoả thích. May xong, chị đưa địa chỉ nhà tôi để thợ may mang hóa đơn đến đòi tiền. Chị Phương, người chị kế chị Nga, ngồi bán hàng phía trước, một phần vì sợ bị mất mặt gia đình, một phần tội nghiệp những người thợ may nghèo, đành phải thanh toán hết mọi hoá đơn quần áo. Tội nghiệp chị Phương, sống tằn tiện ít khi dám sắm quần áo mới, mỗi khi sắm được bộ quần áo mới bên Mỹ gởi về từ bà bạn hàng xóm, chị cất kỹ vào tủ, đợi đến ngày lễ lớn mới mặc. Ngày lễ chưa đến, chị Phương đã thấy chị Nga mang bộ quần áo mới để dành của mình lái xe honda khắp phố.

Tuy tủ quần áo của chị không thiếu một món nào, nào là áo cánh đôi, quần ali baba, áo gió, quần tây, quần ta, áo đầm xếp li, quần bố, quần sọc, v.v., nhưng chị không thích mặc lại quần áo cũ bao giờ. Ai có đồ mới nhất chị đều biết, bất cứ ở đâu chị cũng chạy đi mượn. Một hôm nghe bà chị dâu thứ năm mới sắm được bộ quần áo mới, chị chạy ngay đến mượn cho bằng được. Bà chị mới về làm dâu không dám làm phật lòng đứa em cưng trong nhà nên đành đưa bộ quần áo mới toanh cho cô em dâu. Chị Nga khoái chí mặc ngay bộ quần áo mới đi dự đám cưới của nhà hàng xóm mà chị không được mời.

Hồi đó tôi còn nhỏ, chỉ nhìn thấy chị xinh đẹp, được mọi người khen hết lời, tôi luôn thán phục tài ăn mặc và tài vẽ kiểu mới mẻ của chị. Lớn lên, chị luôn tham gia những phong trào mới nhất. Học võ cũng có chị, thể dục thẩm mỹ cũng có chị, nhảy đầm, dù bố mẹ ngăn cấm, chị cũng nhào vô, bài nào chị cũng nhảy, điệu nào chị cũng du dương, đi một mình sợ bị bố mẹ la, chị kéo tôi theo bắt tôi nhảy nhừ cả người. Rồi đến học thêu, học may, lớp nào chị cũng ghi danh, mẹ nghe chị học nữ công gia chánh rất mừng, vội vàng đóng tiền cho chị đi học, nhưng chị không bao giờ biết may, biết thêu một thứ gì.

Tuổi thơ của chị cũng từ từ qua đi. Một hôm chị mang về nhà một người bạn trai. Bố mẹ tôi khắt khe, cấm hết các con gái không được đi chơi với bạn trai. Nếu có bạn phải đưa bạn trai về nhà để Bố Mẹ biết mặt.

Qua các cuộc hóng chuyện từ bạn bè của chị, tôi biết chị đang quen với một anh bạn tên Dũng. Dũng là con lai của nhà bà hàng xóm. Không hiểu tại sao chung quanh chúng tôi bỗng dưng xuất hiện thật nhiều con lai. Bao nhiêu năm trước, có con lai là điều đố kỵ, còn bây giờ lại là một trào lưu mới. Sau khi giới thiệu Dũng với gia đình, chị Nga mang Dũng lên phòng đọc sách trên lầu hai trò chuyện. Tôi thì được các anh lớn cử việc canh chừng chị.

Tôi ở dưới nhà coi phim “Mika, Cô Bé Từ Trên Trời Rơi Xuống.” Chờ mãi không thấy chị, tôi quyết định đi tìm. Tôi pha một bình trà để lấy cớ đi vô phòng, tiện thể xem chị đang làm gì. Lên đến lầu hai, thấy từ trong phòng phát ra tiếng nhạc, cánh cửa phòng đọc sách luôn mở toang, hôm nay khép lại như thể không muốn ai nhìn vào. Tôi tò mò mở nhẹ cửa, tim tôi đập ráo riết, mắt mở to không tin mình đang thấy chị và tên hàng xóm đang ôm hôn nhau quấn quít.

Có lẽ tôi vừa sợ vừa giận chị, nên tôi quay đầu chạy một mạch xuống đến nhà dưới, chạy sang căn nhà mẹ tôi đang bán phở, không biết phải làm gì, tôi chạy xuống nồi phở múc một tô phở thật to và húp một mạch hết tô phở.

Tối hôm đó tôi nằm trên giường chờ chị về. Gần mười giờ rưỡi tối, chị bước lên lầu, vừa đi vừa hát, bước vào phòng, khuôn mặt chị tươi như mới trúng số. Tôi quay mặt vào tường làm bộ không thèm để ý đến chị. Chị biết tôi vẫn chưa ngủ vì tối nào hai chị em cũng cùng nhau đọc sách đến nửa đêm. Chị lay vai tôi, hỏi: Sao ngủ sớm thế? Tôi quay lại, nhìn chị giận dữ, tôi trả lời nhát gừng:

- Chị hỏi làm gì?

- Ơ hay, vô duyên nhỉ, ai làm gì mày mà mày nổi quạu với chị?

- Làm gì? Làm cái gì thì chị tự biết.

- Cái thằng dấm dớ, ai làm gì mà nổi cơn như kiến lửa vậy?

- Cần em phải nói hả? Chị làm gì trong phòng đọc sách em thấy hết rồi.

Chị chối ngay:

- Thấy cái gì? Tao có làm cái gì đâu?

- Chối nữa, em sẽ mách anh Phong cho chị biết.

Nghe nhắc đến tên anh Phong, mặt chị tái mét, chị lấy tay che cái miệng của tôi lại.

- Im, không được nói cho ai hết, chị sẽ cho mày tiền đi ăn hàng.

- Bao nhiêu?

- Chị móc túi ra đưa tôi 20,000 đồng.

Tôi cất ngay tiền vào túi, rồi mới nói:

- Chỉ có $20,000 thôi à. Chỉ đủ để em im đến ngày mai, sau đó em sẽ mách anh Phong, rồi tiện thể mách Mẹ.
Tuy tức, nhưng chị cũng ráng xuống giọng:
- Đây này, $50,000 nữa, rồi mai chị chở em đi ăn chè, được chưa.

- Được, ăn chè một tuần, rồi chị phải thay em lau sàn nhà lầu ba mỗi tuần. Chịu không?

Chị gật đầu liền, không dám trả giá sợ thằng em đổi ý. Sau này cứ mỗi lần chị hì hà hì hục thay tôi lau sàn nhà là tôi lấy làm đắc ý chạy qua nhà hàng xóm coi đá gà.

Khi tôi lên 12 tuổi, hai chị em và bố mẹ được đi xuất cảnh. Bố mẹ tôi vì đau lòng bỏ lại một đàn con nên nước mắt ngắn dài, mọi người ai cũng khóc lóc đưa tiễn bốn người chúng tôi đi, còn tôi và chị thì vênh mặt lên cười. Chị khoái chí vì từ đây không còn phải lau nhà nữa, và thích nhất là sẽ không còn phải sợ bất cứ một anh chị nào, chỉ còn hai chị em, tha hồ quậy phá.

Khi đặt chân đến Phi Luật tân, tôi và chị đã tưởng mình sắp được lên thiên đường, nhưng sau khi xe bus đưa gia đình tôi từ sân bay đến một căn nhà gọi là transit, thì hai chị em mới sáng mắt.

Bốn người chúng tôi vừa đến nơi thì được phát cho một cái ca múc nước và được chỉ đến một cái giường gỗ cứng ngắc, nơi cả gia đình tôi sẽ ăn ở. Lần đầu tiên chị em tôi và bố mẹ ngủ chung một phòng. Sau khi chúng tôi tắm rửa chung với mấy chục người khác, bụng đói ran, chúng tôi tìm xuống phòng ăn. Cả nhà chúng tôi mỗi người được được phát một cái khay, và họ múc cho mỗi người một muỗng cơm gạo vàng hoe như cám heo. Bố mẹ tôi ăn tỉnh bơ, còn hai chị em tôi nhất định không ăn, nhịn đói đến sáng.

Không bao lâu, gia đình tôi cũng ổn định ở trại Bataan. Chị Nga bây giờ cũng đã gần 18 tuổi, là gái đẹp mới sang, nên thật nhiều các anh thanh niên trai trẻ đến gánh nước hộ. Chum nước nhà tôi không người gánh mà luôn luôn đầy ắp. Vườn rau của mẹ đủ nước tưới nên lúc nào cũng xanh tươi. Mỗi khi tối đến, các chàng tấp nập đến nhà mời chị đi ăn chè, lúc nào tôi cũng được đi theo. Cái miệng tôi thích ăn vặt, nên mỗi tuần chị bán một món nữ trang mà trước khi đi mẹ tôi và các anh chị sắm cho để hai chị em đi ăn hàng. Sau 3 tháng, chị chả còn thứ gì trên người. Thế mà hai chị em chúng tôi cũng sống qua được hết 6 tháng cực khổ bên Phi mà không cần phải làm phiền bố mẹ.

Khi đến Mỹ, gia đình tôi được nhà thờ tin lành bảo trợ về một thành phố hẻo lánh ở Illinois. Những ngày tháng đầu thật cực khổ, xe cộ không có, hai chị em quen tự do ở Việt Nam, bây giờ không quen đường quen nước, chả biết lái xe, tiếng Anh bập bẹ, Bố Mẹ tôi thì hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tiếng Anh của hai chị em. Tuy nhiên, bố mẹ tôi không bao giờ bỏ một buổi lễ nào, cứ mỗi Chủ Nhật, cả nhà 4 người luôn dắt nhau đi bộ đến nhà thờ dù trời bão tuyết lạnh lẽo đến thế nào đi nữa.

Urbana là một thành phố nhỏ, nhiều thanh niên, ít thiếu nữ, vì vậy dù bố mẹ khắt khe đến đâu đi nữa, các chàng vẫn rình mò tìm đến nhà chúng tôi lia lịa. Ở Việt Nam, chị được các anh chị lớn nuông chiều, sang đến Mỹ, chị lại được các chàng thay nhau o bế. Ở đâu, tôi cũng được hưởng ké, đi đâu chị cũng đem tôi đi theo, và anh chàng nào muốn được lòng chị thì đầu tiên phải lấy lòng ông em trước đã.

Có lần dấu bố mẹ, chị nghe lời dụ dỗ của ông hàng xóm theo ông đi tập lái xe. Tôi lấy làm hứng thú vô cùng khi thấy ông lái chiếc xe Oldmobil màu đỏ sẫm, rỉ sét, to kềnh. Ông bước ra khỏi xe, nhìn xa, trông ông có vẻ bảnh trai, ông mặc cái quần sọoc thật ngắn màu trắng, với cái áo polo đóng thùng, trên vai khoác thêm một cái áo len cột ngang trông có vẻ điệu nghệ. Nhưng khi lại gần, hai chị em mới nhận ra ông cũng đã gần 50 với một hàm răng vàng khè đầy bã thức ăn dính trên các kẽ răng. Hai chị em rụt rè. Cuối cùng, chị trèo lên xe, tôi cũng trèo lên theo. Ông hàng xóm nhìn tôi nói:

- Cháu đi theo làm gì, ở nhà đi, đi tập lái xe không chở theo người khác được.

Tôi sụ mặt leo xuống. Chị cũng nhanh nhẹn theo tôi leo xuống đóng cửa xe lại. Ông hàng xóm lại mở cửa xe dụ hai chị em lên xe.

Ông hàng xóm chở hai chị em chúng tôi đến một cái parking thật lớn trống không và bảo chị lên ghế trên cầm tay lái bắt đầu lái. Tôi cũng trèo lên ghế trên theo chị. Ông chui vào ngồi giữa hai chị em, ngồi gần sát bên cạnh chị. Tôi mở cửa sổ xe thò đầu ra ngoài hóng gió, khoái chí như một con chó con được đi dạo phố.

Đang hứng khởi, bỗng nghe tiếng chị cười phá lên. Tôi quay đầu sang nhìn chị, thấy chị một tay cầm tay lái, một tay bịt miệng cười. Tôi hỏi chuyện gì, chị đưa mắt ra ý bảo tôi nhìn xuống đùi ông hàng xóm. Vì cái quần sọt của ông ngắn củn, cả bộ đồ nghề của ông lộ hết ra ngoài. Tôi phá lên cười. Chúng tôi cười ngặt nghẽo. Chị Nga cười không nín được nước mắt ràn rụa không thấy đường. Chị thả tay bịt miệng, và rầm, cái xe tông thẳng vào cột điện. Tôi thì đâm đầu vào cái windshield giả bộ bất tỉnh. Ông hàng xóm không đếm xỉa gì đến hai chị em, trèo qua người tôi, bước ra khỏi xe nhìn xem chiếc xe của ổng có hư hại gì không, mặc kệ tôi giả vờ bất tỉnh, Ông đăm đăm nhìn chiếc xe miệng xuýt xoa tiếc xe bị trầy trụa. Còn chị thì cứ ôm bụng cười ngặt nghẽo.

Thấy tôi mở mắt ra chị bảo:

- Dậy thôi, còn làm bộ làm tịch gì nữa.

Tôi trách:

- Thấy em bất tỉnh mà chả ai thèm lo. Sao chú không lo chở cháu đi nhà thương mà cứ tiếc cái xe.

Ông hàng xóm gắt:

- Mày có sao đâu. Cái xe của tao mới có vấn đề. Thôi đi về, nhích qua, để tao chở hai chị em mày về.

Ông vào nhà tìm mẹ tôi mắng vốn, bắt mẹ tôi phải đền tiền sửa xe. Tuy Mẹ không hề cho phép ông dạy lái cho chị Nga, và bố mẹ hiện không có việc làm, nhưng mẹ vẫn phải tìm bằng được $700 đền cho ông và còn xin lỗi hai chị em tôi đã làm phiền ông nữa. Sau đó hai chị em tôi bị Bố Mẹ mắng cho một trận, tiu nghỉu.

Cuộc sống trôi qua. Hai chị em đi học. Mẹ đi làm. Gia đình tôi cũng đã từ từ quen với đời sống mới. Bỗng một hôm, sau khi tôi đi học về, trong một bữa cơm đầy đủ cả nhà, chị nói chị có chuyện quan trọng cần nói cho bố mẹ biết. Chị quyết định theo vợ chồng hàng xóm dọn sang New Orleans sinh sống. Mẹ nghe chị nói lúc đầu tưởng chị nói đùa. Đứa con gái mới hơn 20 tuổi, còn non dại, ngây ngô, làm sao có thể dọn ra ngoài sống một mình. Khi biết là chị quyết định đi thật, bố mẹ tôi lúc đầu la cấm, ngăn cản, rồi đến khuyên nhủ, năn nỉ... nhưng chị cứng đầu một mực nhất định ra đi. Ngày chị rời nhà, bố mẹ tôi giận không nhìn mặt chị, còn tôi khóc lóc thảm thiết đòi đi theo chị. Tôi bỏ ăn bỏ ngủ nhớ chị đến mấy ngày trời.

Hơn một năm sau, vừa tròn 21 tuổi, chị thông báo lấy chồng. Sau khi Bố Mẹ tìm hiểu tông tích lý lịch của T, một kỹ sư điện, đạo công giáo gộc, Mẹ an tâm gọi chị về tổ chức đám cưới cho chị. Ngày cưới của chị, tôi sung sướng lăng xăng, mê mẩn đi sát bên cạnh chị, với tôi, chị luôn luôn là cô dâu đẹp nhất trên đời. Khi chị sinh đứa con gái đầu lòng, ánh mắt của chị ngời lên một tia sámg kỳ lạ khiến cả mẹ và tôi cảm thấy lòng ấm áp, hạnh phúc lạ lùng.

Tôi luôn ao ước được về lại Việt Nam thăm gia đình, chị chìu ý đưa tôi về Việt Nam trước khi tôi bước vào năm cuối trung học. Về thăm nhà, chị dốc lòng, dốc dạ, dốc hết túi tiền giúp tất cả mọi người. Ai nói gì chị cũng tin. Gặp ai nghèo chị cũng thương. Nhìn gia đình chị Mến nghèo khó, chị xót dạ không chịu rời chị Mến một bước, sau này về lại Mỹ, chị gởi tiền đều đặn về nhà.

Chuyến đi của hai chị em thật nhiều kỷ niệm, nhưng một điều làm tôi không thể quên xảy ra vào buổi chiều cuối cùng trước khi hai chị em chuẩn bị về lại Mỹ. Mấy chị em đang ngồi trước cửa nhà, bỗng có một người đàn bà trạc ngoài 40, đến ôm chầm lấy chị khóc sướt mướt. Bà ta nhận là mẹ ruột của chị. Chị Nga bất ngờ không một phản ứng. Chị Mến hỏi bà mọi chi tiết, ngày sanh tháng đẻ, nơi bà bỏ rơi chị Nga, quần áo, vải quấn như thế nào.

Chị Nga ngồi im không nói một lời, ngồi nghe cuộc đối thoại giữa chị Mến và người đàn bà xa lạ, chị nhìn bà chăm chăm, một lúc sau, chị nói: “Dì ơi, xin dì đừng có khóc nữa. Và cũng xin dì đừng đến làm phiền gia đình cháu nữa. Mẹ của cháu đang ở bên Mỹ. Cháu chỉ có một người mẹ, một gia đình mà thôi.”

Trên chuyến bay về lại Mỹ, tôi thỉnh thoảng liếc xem chị đang nghĩ gì, chỉ thấy chị trầm ngâm ít nói ít cười, trong lòng chị hẳn đang bối rối. Gia đình tôi sau đó lo lắng, sợ chị lo buồn, cũng may, chị tính ngây thơ, mau quên, về lại Mỹ chị không bao giờ đả động đến người đàn bà xa lạ đó nhưng lại quan tâm, lo lắng và giúp đỡ cho gia đình chị Mến thật nhiều.

Cuộc sống hạnh phúc làm vợ, làm mẹ của chị không tồn tại vĩnh cửu. Một ngày kia, chị gọi điện thoại về thông báo chị quyết định ly dị người chồng sau hơn 10 năm chung sống. Mặc kệ gia đình can ngăn, khuyên nhủ, chị quyết định dọn ra ở riêng với 3 đứa con, Victoria, đứa con gái lớn nhất mới hơn 6 tuổi, Danny 4 tuổi, và Yến, chưa đầy 1 tuổi. Mẹ xót cháu gọi chị về San Jose, nhưng chị nhất định ở lại New Orleans.

Ngày cơn bão Katrina tràn vào thành phố, chị và ba đứa nhỏ đang ở nhà. Dù ngoài trời giông bão, chị dửng dưng dọn bàn ăn. Ở New Orleans, bão tố là chuyện bình thường. Ăn uống xong xuôi chị mở phim cho tụi nhỏ xem để chúng bớt sợ. Bên ngoài, gió bão càng lúc càng lớn, nước tràn ngập thành phố. Nước từ từ dâng lên trong nhà, đèn điện tắt bất chợt, chị mở cửa ra ngoài, nước ào vào nhà như thác vỡ. Người ướt như chuột lột, ôm chặt bé Yến trong tay, chị hoảng hốt bấm điện thoại cho tôi, đầu giây, giọng chị đứt quãng, tiếng đám nhỏ rú lên sợ hãi, rồi điện thoại cắt ngang...

Tôi vội vàng bật tivi lên, mới hay tin cả thành phố New Orleans đang chìm trong nước lũ, hoàn toàn tê liệt, mọi phương tiện liên lạc đều tắt nghẽn. Nước dâng càng lúc càng cao, tôi sốt ruột cứ bấm điện thoại liên tục, gọi chị, gọi cho ông anh hiện đang làm linh mục ở một xứ đạo bên đó, không liên lạc được với ai.

Chúng tôi hoàn toàn bặt tin. Tôi cứ tưởng tượng trong đầu cảnh chị một mình đang cố gắng giữ chặt ba đứa nhỏ, lòng tôi như bị lửa đốt.

Hơn một ngày không có tăm hơi của chị. Ba Mẹ tôi gọi bắt tôi phải tìm cách xuống New Orleans tìm chị. Thành phố hoàn toàn bất động. Sân bay đóng cửa. New Orleans đã trở thành “ground zero”, mọi đi lại đều bị cấm ngặt. Đến ngày thứ Ba, anh Sai gọi cho gia đình báo tin anh và gia đình chị Nga đều bình an, hiện đang được hội Hồng Thập Tự đưa đến ở một khu tạm trú an toàn.

Khi nước rút xuống, tôi bay sang đưa chị quành lại nhà. Bước vào nhà, mọi thứ đều mốc meo, bùn dính đầy từ trên trần xuống đất. Không một món đồ gì không bị huỷ diệt. Nhìn những khung ảnh gia đình tan tành, chị quyết định rời New Orleans. Chị dọn sang New Jersey sinh sống, chị hồn nhiên, vô tư không biết rằng khi lánh nạn cơn bão Katrina này, một cơn bão khốc liệt hơn đang chuẩn bị đổ xuống đời sống bình yên của mẹ con chị.

Dọn về thành phố mới, chị hăng hái bắt đầu đời sống mới. Mẹ tôi sau cơn hoảng sợ từ mấy ngày bặt tăm hơi mẹ con chị, dồn sức giúp đỡ chị. Mẹ dồn tiền cho chị mua nhà, mẹ gởi tiền cho chị mở tiệm nail. Chị làm ăn khá giả, tinh thần phấn chấn vui vẻ hơn. Một hôm, chị hẹn tôi ăn tối để giới thiệu người bạn trai mới quen.

Khi bắt tay của Bình, tôi không khỏi bàng hoàng vì bàn tay ướt nhép đây mồ hôi của gã làm tôi thất rợn rợn. Mặt hắn xanh lè, cặp mắt láo liên trông rất khả nghi. Tôi nhìn chị, chị như hiểu ý ngay, trả lời, “Anh Bình thương ba đứa nhỏ và chìu chị lắm. Bây giờ chị già rồi, kiếm được người thương mình và thương tụi nhỏ là đủ rồi.” Tôi không nói gì, nhưng trong bụng lo lắng, Mẹ thường hay nói trông mặt mà bắt hình dong, bàn tay ướt nhẹp của gã mềm nhũn không có một nghị lực nào, cặp mắt không bao giờ nhìn thẳng mặt người đối diện là thiếu thắng thắn. Tôi cố tự nhủ, thôi miễn chị vui là được.

Chỉ được vài tháng đầu, rồi bộ mặt thật của hắn từ từ lộ diện. Hắn bám vào ăn ở trong nhà chị, xài tiền của chị, làm ông chủ nhưng không làm việc, chỉ bắt chị làm kiếm tiền đưa cho hắn đi ăn đi xài, đi uống rượu, đánh bài. Chị làm bao nhiêu cũng không bao giờ đủ. Kiếm không đủ tiền đưa hắn là chị bị hắn hành hung.

Chị không dám cho tôi biết, nhưng Victoria thấy hắn đánh Mẹ, gọi mách cậu, và từ đó chị không dấu diếm nữa. Sau mỗi lần đánh chị, hắn lại ngọt ngào xin lỗi, hứa hẹn, chị nhẹ dạ lại tha thứ cho hắn. Tôi khuyên can cỡ nào chị cũng không chịu bỏ hắn. Không có cách nào khác, tôi đành phải dặn Victoria có chuyện gì thì phải gọi liền cho tôi.

Sau khi nghe điện thoại của chị, tôi gọi ngay cho cảnh sát và cho họ địa chỉ nhờ họ giúp. Tôi biết khoảng cách giữa chị và gia đình tôi càng ngày càng cách xa vì chị cứng đầu, tính tình bất chợt, mặc cảm làm mất tiền của Mẹ, mặc cảm làm buồn lòng gia đình. Nhưng hôm nay, tôi quyết định dứt khoát cho chị.

Sau khi gọi cảnh sát, tôi gọi cho Mẹ báo cho mẹ biết tôi sẽ đưa chị và các cháu về San Jose. Tôi đến nhà thu dọn đồ đạc, mua vé máy bay nhất quyết không cho chị lần lữa.

Chị trở về nhà, sống gần gia đình, đoàn tụ với anh chị em sau bao năm lang bạt. Chị em tôi nói chuyện với nhau mỗi tuần, chuyện vui, chuyện buồn, chuyện con nít, chuyện người lớn. Hình ảnh hai chị em hơn 20 năm trước cùng bố mẹ rời Việt Nam đặt chân xuống Urbana rõ như mới hôm qua. Tôi mong những ngày đen tối trong đời chị đã qua. Bắt đầu lại từ đầu.

Khi nghe tin tôi được một giải thưởng Viết Về Nước Mỹ, chị lái xe 8 tiếng đồng hồ cùng bà chị dâu xuống với tôi. Ngồi bên cạnh chị trong buổi lễ trao giải thưởng Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo, tôi cảm ơn số phận đã an bài cho gia đình tôi có duyên với chị. Duyên phận hai chị em tôi, duyên phận của chị và gia đình tôi, duyên phận của cả gia đình lớn trong đó có chị và tôi cũng như duyên phận với nước Mỹ. Nếu không phải từ tiếng khóc sơ sinh của chị vào buổi sáng hôm đó, chúng tôi làm gì có cơ hội ngồi bên nhau trên xứ sở này.

Sau hơn chục năm gia đình đoàn tụ, chị vẫn là một người con, người chị, người em ngây thơ, tử tế, vẫn đẹp, vẫn thích diện, vẫn hay khóc, vẫn hay mách mẹ... chỉ có một điều hai chị em lớn lên đã nhận ra, chị và tôi bây giờ càng nhìn ngày càng giống nhau, và giống cả các anh chị em khác trong nhà nữa.

Duyên số chị em còn đi xa hơn. Tôi yêu chị, thần tượng chị, cuộc đời tôi gắn liền với những ước vọng của chị. Đơn giản như chị thích ăn diện đẹp, tôi trở thành một tay thiết kế thời trang. Chị thích đọc truyện, hồi nhỏ thường nhịn ăn sáng để dành tiền mua sách cho hai chị em đêm đêm cùng đọc, tôi bày đặt tập tành viết lách, rồi có duyên được hân hạnh nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ. Giả như hồi nhỏ chị thích kim cương hột xoàn, chắc bây giờ tôi cũng đang luẩn quẩn bên châu Phi đào mỏ kim cương đâu đó...

Lê Thị

Ý kiến bạn đọc
01/12/201215:27:33
Khách
Những bài của LT viết có phải từ tác giả không? Tôi có đọc qua những bài LT viết về đồng tính rất giống vài bài tôi đọc từ ... có thể nào LT đã dịch từ những bài đó? Xin lổi cô/cậu nhé.
22/10/201215:12:21
Khách
Cách hành văn rất hay! Xúc tích, cảm động, ý nghĩa, và rất thật- rất chân tình. Cảm ơn tác giả nhiều lắm! Những bài viết của tác giả tôi đều phải đọc liền :)
23/10/201221:36:34
Khách
Bai viet nay qua de thuong, noi len tinh thuong yeu chan that cua mot nguoi em va ca mot gia dinh voi mot nguoi phu nu that may man la con trong gia dinh ay. Cam on tac gia Le Thi cho chung toi niem tin vao tinh nguoi o thoi buoi lat leo tinh cam , sac mui kim tien nay.
23/10/201217:57:23
Khách
Gặp Tác Giả ở Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ, trông "chàng" có vẻ sôi nổi, náo nhiệt, hèn chi câu chuyện nào cũng rất cá tính, tươi vui, tinh nghịch, nhưng cũng đầy tình cảm nhân hậu. Hầu như mọi câu chuyện Lê Thị kể nghe đều có vẻ rất thật, từ kinh nghiệm và đời sống bản thân. Cảm ơn tác giả đã chia xẻ.
23/10/201201:53:49
Khách
Chuyện vui, nhẹ nhàng, cũng rất thật. Những mảnh ký ức của tác giả về cuộc đời hai chị em cũng chính là một phần lịch sử tị nạn của người Việt mình. Câu chuyện đứa con lai, hay cái duyên hai chị em cũng chính là cái duyên nối liền hàng triệu người Việt với nước Mỹ đó tác giả ơi. Thumb up!
23/10/201201:48:00
Khách
Truyện rất nhẹ nhàng, dí dỏm, cũng rất lôi cuốn. Nhân vật chị Nga trong truyện rất thật, làm tôi nhớ đến một bà bạn còn ở lại Việt Nam. Love it!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 93,269,341
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả từng nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù, ông cùng gia đình đến Mỹ từ tháng 11/1994 theo diện HO, định cư tại Boston. Công việc từng làm: thông dịch cho Welfare, social worker, phụ giáo, tutor toán ở Middle School của Boston Public Schools.
Tác giả là cư dân San Jose, cơng việc: Income Tax Services. Ông góp nhiều bài viết và đã nhận giải thưởng đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2007, với bài "Từ Vùng Kinh Tế Mới Tới Nước Mỹ". Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA.
Tác giả hiện định cư tại Philadelphia. đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2008. Đến Mỹ năm 1975, tốt nghiệp Kỹ Sư Điện và MBA. Đã giữ chức vụ Engineering Director tại BEI ở Little Rock, AS. Các công ty phục vụ: Exxon, McDonnell Douglas, Boeing, Physical Optics. Tác phẩm: Trùng Khơi Sóng Vỗ (thi tập, 2002). Bài viết mới của ông là một tự truyện, nhiều hồi tưởng về gia đình, quê hương.
Theo bài viết, đây là tự sự một người con lai Mỹ đen, bị mẹ bỏ rơi ngay từ khi mới sinh, được “ghép hộ” để định cư tại Mỹ, và rồi cũng bị cha mẹ nuôi đuổi ra khỏi nhà. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông được chuyển đến bằng email. Mong ông tiếp tục viết.
Tác giả sinh năm 1956. Qua Mỹ tháng 10 năm 1994 cùng với gia đình theo diện HO. Hiện đang sống tại thành phố Tacoma, tiểu bang Washington. Đang làm việc cho một công ty thuộc ngành lâm nghiệp tại tiểu bang Washington. Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ hai của Minh Nghĩa.
Tác giả là cư dân Bắc California, đã nhận giải đặc biệt viết về nước Mỹ 2008 với nhiều bài viết giá trị về nhà trường và gia đình. Bà hiện là một Facilitator -giúp hướng dẫn những buổi học thảo nói về hệ thống học đường tại California. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả là cư dân hưu trí tạ tiểu bang Oklahoma, đã tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2007. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là "Cha Con Mỹ Hoá." Bài mới lần này là một truyện vui gia đình. Mong bà tiếp tục viết.
Tác giả định cư tại Mỹ từ 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, tiểu bang New Jersy. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Song Lam là một tự sự. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết.
Tác giả là cư dân Boston, làm việc trong một bệnh viện của tập đoàn Partners, đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài viết mới của cô là một tuỳ bút về mùa mưa tuyết tại miền Đông.
Nhạc sĩ Cung Tiến