Hôm nay,  

17 Ngày Âu Du: Hẹn Tại Paris

28/09/201200:00:00(Xem: 375604)
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài viết mới của ông là một du ký về nhiều nước Âu Châu, với nơi hẹn chính là Paris.

Năm nay cả ba hạn (đạị hạn, tiểu hạn, lưu đại hạn) tôi đều có Lộc tồn + Thiên mã và Lưu thiên mã trùng phùng, đụng nhau rầm rầm, nên tôi được bay vù một chuyến thật xa, qua Pháp coi Paris, Lyon, còn lang thang thêm bên London, Hòa lan, Đức, Bỉ, Lục xâm Bảo và Ý, chơi đã đời hơn 3 tuần lễ.

Tour du lịch này do nhóm “Thụ nhân”, cựu sinh viên chính trị kinh doanh Đalạt (khóa 1 năm 1964 dến khóa 11 năm 74) nhân đại hội mà tổ chức, cứ 2 năm một lần, dành cho các gia đình cựu sinh viên khoa Chính trị Kinh doanh sống tản mác khắp nơi trên thế giới và thân hữu họp mặt. Năm nay nơi họp là tại PARIS. Hầu hết khách tham dự đều book vé trước tại mấy hotels quây quần ở Roissy, gần phi trường Charles de Gaulle, để bus bốc cho dễ.

Land tour Paris bắt đầu trưa mồng 1 tháng 6. Hai xe bus tới đón khách ngủ dậy từ các hotels, chở thăm Paris, tối về ăn reception diner chung. Qua hôm sau lại lên bus “cưỡi ngựa xem hoa”, rồi về họp mặt ăn dạ tiệc “đêm văn nghệ GALA” ở hotel Mariott, có bồi bàn Pháp service. Chơi Paris tiếp 2 ngày nữa, kế xe chở lên Gare du Nord, lên tàu lửa siêu tốc chui biển Manche qua London chơi 1 ngày, tối về lại Paris, sau đó đi Bỉ, Hòa lan, Đức, Luxembourg 4 ngày, mỗi ngày một nước. Sau cùng có 2 chọn lựa: hoặc landtour Ý 8 ngày, hoặc Đông Âu 9 ngày. Tôi chọn tour Ý, vì mê Ý từ lâu, biết Ý đẹp, có nhiều kỳ quan tuyệt vời từ văn minh La mã để lại.. Từ Ý vòng theo bờ biển Nam nước Pháp xem Monaco, Nice, Cannes, trở lại Paris, Quí sẽ đón về nhà tư ở Montreuil, ngoại ô Paris, cùng Thái, bạn hướng đạo hồi nhỏ, đưa đi chơi thêm 6 ngày nữa.
img_0380
Một cạnh của khu Museum de Louvre.
Du lịch Pháp vẫn là một giấc mơ thời thanh xuân đối với một cựu sinh viên Sư phạm Pháp văn như tôi những ngày còn ở Vietnam trước 75, bây giờ qua Mỹ, đến giai đoạn tuổi già mới thành hiện thực. Giá cả tour này “tượng trưng”, vé bay 1400$ vì bước vào mùa du lịch, chi phí hotel và chuyên chở khoảng 1600$ (còn ăn thì tự túc) mà lại đi được nhiều nước Âu châu suốt 17 ngày, đã thế còn có em trai và em gái từ Úc và Suisse cũng qua tham dự, nên tôi hăng hái nhờ người book hotel, đóng tour deposit từ tháng 3 ,trả off giữa tháng 4 và 30/5 lên máy bay rời Los Angeles.

Trưa 30/5, ở phi trường LAX, lên máy bay hãng British Airways, mới ngồi vài tiếng đã thấy đáp xuống Chicago. Ngồi nghỉ 2 tiếng ngay Gate, lên chuyến bay kế tới phi trường Charles de Gaulles, Paris 10 giờ sáng hôm sau, có Thái và Quí ra đón theo như email qua lại thỏa thuận trước đó nhiều ngày. Ban tổ chức chu đáo đưa người ra đón về hotel, nhưng được bạn cũ tới airport “pick up” bằng xe hơi thì vui hơn. Trong 3 bạn Tân, Thái, Quí cùng ở ngoại ô Paris thì nhà Quí gần airport và hotel nhất, Quí lạị đã về hưu, nên nhận lãnh lái xe đón tôi về hotel Roissy đã booked sẵn qua internet. Vợ chồng Chung em tôi từ Úc tới hôm qua, ở cách 2 phòng, nghe tiếng, chạy ra mừng rỡ chào hỏi rối rít. Tôi share phòng với Trang, em gái út từ Suisse qua, nhưng Trang chưa thấy tới, nên dùng thẻ American Express trả tiền phòng trước 6 ngày, rồi bỏ hành lý, lên xe Quí cùngThái đi ăn trưa ở Paris.

Quí năm ngoái qua tu thiền ở Perris tôi đã gặp, hiền hòa vui vẻ, còn Thái thì đã 50 năm đi lính không quân, giờ mới gặp lại, mặt không khác mấy, chỉ già đi, tóc bạc trắng xóa, mặc đồ veste, đi đứng đủng đỉnh bệ vệ. Trong tất cả các bạn thời thơ ấu, Thái nổi tiếng ăn ở có tình với bạn bè nhất, thường xuyên giúp đỡ các bạn nghèo ở VN, cũng như thường gọi thăm bạn cũ ở khắp thế giới.
img_0385
Lâu đài quý tộc Chambord, gần sông Loire.
Paris khí hậu mát lạnh, không khí trong sạch, khắp nơi chỗ nào cũng xanh rờn cây cối um tùm, ở ngoại ô đường hẹp độc đạo, nhưng vô trung tâm thủ đô thì đường xá chằng chịt, hai bên toàn các rặng apartment buildings cũ xưa, cao năm bảy tầng, mặt tiền chạm trỗ điêu khắc tinh vi, cửa sổ balcon hàng hàng lớp lớp đều đặn, dài trên dưới nửa cây sô khiến lòng đường thu lại nhỏ hẹp dài hun hút, ô tô con nối đuôi đậu sát dài một bên đường, có khi cả 2 bên, chỉ chừa vừa đủ cho xe buýt chạy giữa. Các vỉa hè đông đen khách Tây rảo bước tấp nập, xen lẫn các tour groups dân Á châu, Trung đông, Bắc Âu…. trên dưới 20 người đi thành đoàn lẫn lộn với dân địa phương,tay cầm máy ảnh, mắt ngó dáo dác. Người đâu mà ùn ùn, hấp tấp xô đẩy chen lấn tấp nập trên vỉa hè, hai bên đường chỗ nào cũng đầy rẫy các quán café, tiệm ăn, đưa bàn ghế lấn ra nửa vỉa hè đông đen khách ngồi.

Ăn cơm trưa ở khu VN, 3 dĩa cơm sườn không ngon gì mấy mà những 50 euros, ly nước trà đá cũng “charge” 3 euros làm tôi le lưỡi. Quí đưa đi coi khu Latin, 3 đứa thay nhau chụp hình.Tôi ngỏ ý muốn đổi thêm tiền euro,Thái đưa tới khu phố Tàu có chỗ đổi tiền ra “euro“ giá cao, tôi đổi 2000 dollars đuợc 1560 euros, lợi hơn hôm trước ở nhà bank Mỹ chỉ được 151 euros cho 200 đô.

Quí rề rề lái dọc bờ sông Seine, tôi mở to mắt chiêm ngưỡng làn nước xanh veo lố nhố các thuyền trắng của nhà giàu đậu hai bên bờ, Thái chỉ cho coi Notre Dame de Paris sừng sững 2 tháp chuông cao đồ sộ. Thì ra nhà thờ nổi tiếng này nằm trên hòn đảo nhỏ giữa sông, nối với đất liền bằng 2 cây cầu, sông gặp đảo tẻ ra 2 nhánh rồi nhập trở lại làm 1 sau đó.
img_0419
Parliament Palace, bên sông Thames, London.
Quí tìm chỗ đậu xe, cả ba đi bộ dọc đại lộ Champs - Elysee cho tới Khải hoàn môn (Arc de Triomphe). Mỗi bên vỉa hè có 2 hàng cây cao xanh tươi, 2 bên thành bốn hàng, thẳng tắp chạy song song cho tít tới Khải hoàn môn, oai vệ trấn thủ ở cuối đường, trên nóc lố nhố tượng các chiến sĩ cỡi ngựa đánh trận ngả nghiêng. Thái nói đây là Khải hoàn môn “lớn”, còn một Khải hoàn môn nhỏ nữa đối xứng ở đầu kia con đường.

Quanh tôi, trai gái Pháp dập dìu, nam thanh nữ tú nắm tay xuôi ngược trên vỉa hè, thân hình dong dỏng, quần jean xanh bó sát hai cẳng dài chắc nịch, váy đầm ngắn cũn cỡn sexy, nhớ lại các thanh niên Mỹ Mễ béo phị đi đứng phục phịch ở Cali mà biết ngay lí do tại sao. Vật giá thức ăn đắt đỏ nên thiên hạ ở đây không đủ tiền ăn thỏa thích, lại đi bộ nhiều, nên thân hình trẻ trung, thanh tú, nhìn ai cũng thấy đẹp.

Bẩy giờ tối, Quí dẫn tới một restaurant Lào ăn diner. Thái bấm phone gọi Tân tới gặp tôi. Tân là bác sĩ, đã li dị 2 vợ, còn làm việc, ở xa Paris nhất, nên đi metro tới cho nhanh thay vì lái xe. Hơn 50 năm mới gặp lại, trông Tân già và còm cõi hơn Quí, Thái, miệng vẫn móm, ăn nói vẫn tía lia như hồi còn nhỏ. Thái kể bị bác sĩ cấm lái xe, cũng phải dùng metro và bus như Tân, vì cánh tay mặt (ngày xưa đi lính bị đạn cắt đứt gân) bây giờ tuổi già, nên sinh tật, lâu lâu mất cảm giác, đang cầm tay lái, tay rớt phịch xuông đùi mà không hay. Quí nói:
img_0704
Tác giả, nhìn xuống nước Ý từ San Marino.
- Ở Paris, kiếm chỗ đậu rất gay, mà đậu 2 tiếng là phải dời, hay phải trở lại bỏ thêm tiền vô máy, nên dân đi làm toàn dùng metro hay bus, đổi vài ba chuyến mới tới chỗ làm. Khi nào ông đi tour Ý về, tôi dẫn ông đi metro cho biết.

Tôi dành trả tiền, Thái nói:

- Ở đây, ông là khách, tụi này là chủ, phải để tụi tôi trả.

- Đừng lo, mới qua còn nhiều tiền lắm, để tôi trả. Mấy ông có lòng tốt đưa đón tôi, dẫn đi coi chỗ này chỗ nọ là quí lắm rồi.

Quí nói:

- Sáng mai 1/6, tụi này để ông nghỉ ngơi ở hotel chuẩn bị trưa đi tour Paris. Ngày 17 khi ông ở Ý về lại, ngủ luôn hotel đêm đó, sáng 18 tôi sẽ tới đưa ông về nhà, cùng Thái đưa ông đi chơi, rồi tối ông đi coi opera với vợ chồng tôi, book sẵn vé rồi. Tour Paris 4 ngày này coi như chỉ “cỡi ngựa xem hoa” thôi, làm sao mà biết hết Paris được.. Nội cái Musee de Louvre không, phải coi 3 ngày mới hết.

Thái nói:

- Tôi có lịch trình tour Paris của ông, nên bắt đầu ngày 2 tây, mỗi sáng sẽ đi metro tới gặp ông ở các nơi xe tour bus đổ khách, leo lên ngồi với ông, cắt nghĩa tất cả mọi thứ.

Tân cũng nói góp:

- Qua 5 tây, tôi cũng lên Gare du Nord, đi tour Londres một ngày với anh em ông… Đừng lo.
Chiều tối, Quí lái chở tất cả về lại hotel Premiere classe de Roissy cho tôi xuống, gặp Trang đã tới. Hai anh em ở share cái phòng thiệt chật 2 giường, bathroom chỉ độ 1 mét rưỡi vuông, vừa tắm vừa đánh răng, vừa toilet, vì giá rẻ chỉ 65 euros một đêm, thay vì 90$ hay 100$ trở lên ở các hotels khác sang hơn quanh đó.
img_0643
Venice, thành phố trên biển.
Ngày 1:

Sáng dậy, tôi và Trang xuống ăn “petit dejeuner” do hotel dọn ở dining-room,có sữa tươi, café, bánh croissant, mứt, bơ, orange juice. Xong tản bộ dạo loanh quanh coi các hotel khác gần đó ra sao.

Trưa, xe bus tới chở đi Paris, đổ khách xuống Place de Concorde rộng mênh mông chụp hình, rồi tới một chỗ khác ngừng cho khách chụp hình tháp Eiffel, thả đi bộ dọc Champs- Elysee tới gần Khải hoàn môn mới mời lên xe lại, ghé Điện Les Invalides, trong đó có để xác Napoleon. Đât Paris rộng bao la nên các nơi đi xem đều tọa lạc rộng rãi khoáng đãng, xây cất mỹ thuật, trông rất bề thế, oai nghi, gợi nhớ lại các thời đại vua chúa lẫy lừng ngày xưa.


Ngày 2:

Sáng, xe bus thả khách xuông Vườn Tuileries. Quả nhiên gặp Thái đứng sẵn đó chờ. Vườn rộng mênh mông, các tượng đá điêu khắc đàn ông đàn bà thời La mã lớn như người thật mặc áo choàng hở vai đứng trên bệ cao, những bụi cây xanh cắt xén gọn ghẽ thành hình vuông vức chạy dài tới cuối vườn, ở đó sừng sững một dinh thự hình vòm. Hai bên là 2 vườn cỏ xanh cây cao bóng mát. Một lát Thái cùng anh em tôi theo khách tới chỗ mua vé xuống du thuyền trên sông Seine. Trời nắng đẹp, dòng sông êm xanh mát, chui qua nhiều cầu bắc ngang xinh đẹp đủ kiểu. Chốc chốc lại nghe tiếng suýt xoa trầm trồ:”Trời…Đẹp quá, đẹp quá..”, tiếng bấm máy hình tic tic..

Rồi xe thả khách xuống khu Museum de Louvres, 4 dãy building cổ xưa, cao sáu tầng vây kín cái khuôn viên rộng bao la ở giữa, có Kim tự tháp nhỏ bằng kiếng mới xây thêm gần đây dọi ánh sáng xuống chỗ trưng bày tranh duới basement. Lại chụp hình, quay phim. Khách du lịch thế giới đông đen, xì xồ các thứ ngôn ngữ xa lạ. Không có thì giờ ở lại lâu, và phải mua vé mới được vô trong coi nên hai xe bus lại hối hả chở khách kéo đi. Tài xế không rành đường nên đi lạc, lại không kiếm ra chỗ parking, nên chỉ đi ngang qua khu Monmartre, chỉ cho khách ngó nhà thờ Sacre-Coeur trên ngọn đồi cao, lấp ló giữa các tòa nhà cao hai bên đường phố.Xe bus thả khách ăn trưa, phát bánh mì sandwich kẹp “ham” và chai nước lọc ngâm đá lạnh dưới các lùm cây xanh mát.

Chiều về tắm rửa, mặc đồ lớn chuẩn bị đi dự dạ tiệc đêm GALA ở hotel Marriott, đứng chào cờ VNCH và nghe bản quốc ca Pháp. Quốc ca Pháp nét nhạc lạ tai, âm điệu dễ thương. Ban tổ chức giới thiệu vinh danh các thày cô ngày xưa, rồi ca sĩ cây nhà lá vườn lên hát, đơn ca, song ca, các màn vũ. Tôi khoái nhất màn vũ “PARIS có gì lạ không em” thơ Nguyên Sa, Ngô Thụy Miên phổ nhạc, với giọng ca trầm thiết tha của Elvis Phương.


Ngày 3:

Hôm nay thăm cung điện Versailles ở gần Paris, nơi dòng họ vua Louis thế kỷ 18 cư ngụ, huy hoàng vĩ đại bao la bát ngát. Tha hồ chụp hình, nhưng dài cao rộng quá không chụp toàn bộ được. Ăn lunch xong đi coi Chateau Fontainebleu, các tháp nhọn lố nhố đâm lên bầu trời xanh, tuyệt vời như trong truyện cổ tích, lâu đài nguy nga chính giữa, xung quanh bao la các vườn cây hoa lá vuông vức. Kế chạy thăm Chateau de Vicomte. Hai hàng cây xanh chạy thẳng tắp, cành lá giao nhau bên trên thành vòm che mát con đường dẫn đến lâu đài, có 2 tượng đá đứng trên 2 trụ cao ngoài cổng lâu đài đón chào. Chiều thả xuống bãi đất rộng trước Notre dame de Paris, đông đen khách du lịch áo quần xanh đỏ tím vàng đứng ngồi, đi lại, chụp ảnh, tạo nên một quang cảnh sống động tưng bừng..Thiên hạ sắp hàng dài vô nhà thờ bên trong coi. Bên hông cũng có một hàng người dài khác (phải mua vé ) nối đuôi để lên nóc nhà thờ coi. Không có thì giờ “get line” chờ đợi coi bên trong nên đám “thụ nhân” quanh quẩn bên ngoài một tiêng chiêm ngưỡng rồi lên xe về.Tài xế chở tới khu Latin ăn tối ở quán Taverne de la Huchette, quán quá đông khách nên ai thấy bàn trống cứ nhào vô, năm ba nguời một bàn, “order đồ Pháp Ý theo menu bồi đưa, Ban tổ chức trả tiền. Ở Pháp không có lệ cho tiền “tip” như ở Mỹ, và biết ở Paris giá cả đời sông đắt đỏ, nên thấy ai cũng order các món tương đối nhẹ nhàng.

Ngày 4:

Sáng đi thăm Chateaux de la Loire, cách Paris mấy chục cây số, gồm 2 lâu đài: Chambord và Chenonceau. Mỗi lâu đài có một nét đặc biệt riêng. Không khí cảnh vật miền thôn dã xanh tươi, mát mẻ, la liệt các kênh rạch, hồ nước, vườn cỏ xanh, chiếc cầu gạch vòng bán nguyệt bắc ngang qua kênh kiến trúc đẹp mắt. Tối về ăn diner ở tiệm Leon de Bruxelles trên đại lộ Champs de Elysse, khá ngon, đúng là danh bất hư truyền.

Ngày 5:

Mới 6:30 am ai nấy đã tề tựu sẵn trước cửa hotel, cầm passport theo, lên bus đi Gare du Nord. Ở đây phải qua 2 cửa kiểm soát của Pháp, rồi của Anh, bị checked passport, hỏi qua Anh làm gì, chừng nào về lại Pháp. Gặp Tân. Tân nói phía Bắc Paris có 5 cái gares tất cả. Lên xe lửa siêu tốc chui đường hầm duới nước qua London.

Ở ga London, đã có sẵn 1 tour guide đứng đón, một nguời đàn ông Anh ngoài 50,vui vẻ, đẹp trai, thân thiện, nói chuyện hoạt bát, nét mặt ân cần dễ mến, tươi cười sốt sắng dẫn đi các nơi. Ông nói giờ ở London phải vặn xuống 1 tiếng so với Paris. Ông đứng cạnh tài xế, nói thao thao bất tuyệt vì thời gìờ có hạn, giảng giải với accent Mỹ dễ hiểu, tỏ ra có óc khôi hài, kiến thức lịch sử và địa dư rất phong phú, y như giáo sư đại học, ai cũng quí mến. Lần lượt coi các buildings lịch sử, tháp chuông Big Ben kế bên Tòa nhà Quốc hội, nhà thờ Saint Paul, sông Thames….

Nhà cửa London cũng cao dài đồ sộ như ở Paris, nhưng nghiêm trang, kiêu kỳ, thiếu không gian bát ngát, ít tượng đá, thiếu công viên vườn hoa xanh cỏ và không lãng mạn bằng Paris. Ăn trưa ở tiệm Taverne, rất ngon. Chiều ông đưa khách về lại ga Pancras, ga rộng mênh mông, còn sớm chưa tới giờ lên tàu, nhưng ai nấy lo lắng không biết sẽ phải tới đâu để lên tàu, phải qua những trạm kiểm soát nào, lên tàu số mấy về lại Pháp, ở đâu…. Ông bèn nán lại, kiên nhẫn trả lời tất cả các câu hỏi, ân cần dặn dò mọi thứ tỉ mỉ. Ai nấy tranh nhau hai tay bắt tay ông cám ơn, tỏ vẻ quyến luyến. Tôi thầm ước có được một nguời bạn tuyệt vời như vậy trong cuộc đời, nghĩ rằng từ đây sẽ không bao giờ gặp lại một nguời như vậy. Tư cách, thái độ, và kiến thức của ông, vô hình trung, đã làm mọi người có một ấn tượng rất tốt về đất nước và dân tộc văn minh của ANH, vốn xa lạ với nguời VN xưa nay.
img_0729
Một góc khu nhà thờ thánh Phero, Rome.
Sau đó là 4 ngày xe bus chạy qua Belgium, Hollande, Đức,và Luxemburg.

Ở Bỉ, coi điện Waterloo, chùa Tàu, tháp Nhật. Phong cảnh Âu châu ở nước nào cũng na ná giống nhau, thanh bình êm ả, cây xanh, cao ốc, không khí trong trẻo, đường sá sạch sẽ.

Ghé thủ đô Hòa lan là Amsterdam, thiên hạ đi xe đạp đầy đường, vùn vụt chạy chen với xe hơi, gắn máy, buses, tramways, có xe đàn bà đạp đèo cả 2 đứa babies ngồi đàng trước chạy ào ào. Xe tramway ở đây dài gấp rưỡi xe bus thường, ít ai đi ô tô vì đường xá chật. Té ra bia Heineken chế tạo tại đây, xưởng chế tạo bia tọa lạc bên đường, nhìn không lớn lắm, vậy mà tiếng tăm lan khắp thế giới, đa số dân nhậu ai cũng thích uống Heineken.

Xuống bus, đi thuyền trên sông, trong lòng thanh thản, thấy đời sông ở đây quá sức thanh bình êm ả. Không coi hoa vì hoa tulip chưa tới mùa nở nhưng khách được đưa tới khu đất có 3 cối xay (đặc điểm của Hòa lan) tọa lạc trên mấy mẫu đất cỏ xanh với các mương nước chảy len lỏi, vịt lội nhởn nhơ. Đây là cơ ngơi của một giòng họ lâu đời, xây mấy cơ sở tiệm ăn,tiệm bán quà kỉ niệm, xưởng máy, xưởng thợ đẽo guốc gỗ, sơn phết đủ màu tỉ mỉ để thu hút khách du lịch. Giá rất đắt, vì chẳng những bán lẻ cho du khách ở xa tới, lại làm hàng sĩ để xuất cảng bán qua nước khác. Một toán học trò da trắng, mắt xanh, đẹp như thiên thần, đạp xe vùn vụt băng qua cánh đồng cỏ xanh, tiếng cười ríu rít.

Qua Đức, coi nhà thờ Kola, đại học Bonn, nhà ở thời thơ ấu của nhạc sĩ trứ danh Beethoven, nhà của cha mẹ Karl Marx (ông tổ chủ nghĩa Cộng sản). Đức có phong cảnh tuyệt đẹp, những cụm nhà ngói đỏ xinh xắn nằm giữa các cánh đồng xanh, những chiếc cầu đẹp, nước sông êm đềm, khí hậu mát mẻ, không hề mang vẻ gì tàn ác dã man của người lính quốc xã tàn sát Do thái duới thời Hitler. Chiều ghé Trier, coi thành lũy khổng lồ kiên cố 1800 năm tuổi đen xì, mua sắm ở các tiệm rồi qua Luxemburg, cũng vẫn phong cảnh đó, đồng cỏ xanh, đền đài cổ, ăn tối và ngủ ở hotel rất sang do ban tổ chức lo sẵn. Sáng ngày 9, đi thăm xứ sở nhỏ bé Lục xâm bảo, các thung lũng xanh với làng mạc nóc nhà ngói đỏ xinh xắn.Coi thành phố Rheims, nhà thờ cổ, chợ trời bán đủ thứ: hoa tươi, đồ sành sứ, thủy tinh, vàng bạc, vật kỉ niệm nho nhỏ, nữ trang đá quý, đồ chưng bày phòng khách....Trưa, ăn món súp nấm rât ngon, coi Palace de Grand dukes, Place de Constitution, các tòa nhà hành chánh của chánh phủ. Chiều về lại hotel Roissy ở Paris.

Ngày 10 đến 17/6:
Chủ yếu bài này viết về Paris nên tôi chỉ kể lướt qua về tour Ý, mặc dù Ý đẹp không thua gì Pháp, là nước giàu mạnh thứ ba sau Đức và Pháp trong liên hiệp Âu châu. Trước hết xe bon bon xuống phía nam Pháp, ghé Lyon, thành phố lớn hạng nhì của Pháp. Trên cao nhìn xuống, vô số nhà cửa đường xá chi chit đỏ hồng trắng xóa.

Ngủ hotel nhỏ ở làng quê, sáng ra tour guide, theo luật, đi thu góp mỗi khách 65$ thuế du lịch cho chính phủ Ý. Đầu tiên là coi Milan (Milano) thành phố lớn thứ nhì sau ROME. Lâu đài, cung điện, tượng đá, nhà thờ khắp nơi. Bus thả khách thăm lâu đài Storza, nhà thờ Milan, điện Square, tượng Leonard de Vinci. Ghé Verona coi nhà của Romeo và Juliette, thợ đang trùng tu sữa chữa lại. Mỗi chiều cuối ngày, xe tắp vô một hotel khác nhau cho khách ngủ trên các tầng lầu, đa sô là ở miền quê giá rẽ, sáng dậy xuông phòng ăn điểm tâm bánh mì, café, bơ, sữa,”ham”, mứt, và trứng gà luộc.

Ngày kế đi Venice, ngồi du thuyền đi một khúc sông (biển?), chụp hình đền đài dinh thự xây cất cả ngàn năm nay trải dài 2 bên, dưới nước biếc, trên trời xanh bồng bềnh mây trắng. Lên “pier” dạo chơi công trường Saint Marc nằm ven sông, dưới nắng vàng rực rỡ ngắm các tiệm ăn và quán bán đồ kỉ niệm sặc sỡ. Đây là thắng cảnh độc nhất vô nhị trên thế giới, vẻ đẹp thiên nhiên sông nước kết hợp với công trình sáng tạo độc đáo của con người. Chụp hình khắp nơi chỗ nào cũng thấy đẹp, cũng thấy chưa đủ, muốn thu hết mọi thứ vào ống kính để dành, nào các nhà cao mặt tiền chạm trỗ tinh vi, các cầu đá, các con mương nước róc rách giữa 2 dãy nhà đá dài hun hút, đã hơn ngàn năm vẫn ấp ủ bên nhau như vậy. Cảnh đẹp, khách du lịch cũng đẹp, tràn lan đông đúc ăn mặc sặc sỡ hở hang da thịt tươi cười trong nắng vàng ấm áp. Mười năm trước tôi đã tới đây một lần, bây giờ Venice vẫn thế, vẫn đẹp, vẫn sông động tươi vui, nhộn nhịp. Ghé coi một xưởng lớn thổi crystal lỏng ra chai lọ, ly tách, khay cốc, dĩa, tượng…. các đồ thủy tinh mỹ thuật cho du khách coi, chủ thợ biểu diễn một màn đốt nấu chảy thủy tinh chế ra các hình thù thú vật con người đẹp mắt chưng bày tủ kiếng phòng khách nội thất.

Kỳ thú nhất là xe chạy lên một hòn núi theo con đường hẹp ngoằn ngoèo, càng leo dốc lên cao, càng vừa thích thú, vừa lo sợ xe lọt hố, nhìn xuống thấy vô số thành phố làng mạc trải dài ra biển dưới đồng bằng phía Bắc nước Ý.

Tour guide cho biết đây là San Marino, một nước nhỏ độc lập nằm trên đất Ý, khí hậu như Đà lạt, tọa thủ trên ngọn núi thấp với các tiệm buôn thời trang xinh xắn, quán café, hotels, nhà thờ, gác chuông, vườn hoa, tượng đá. Cái gì ở đây cũng xinh đẹp, sạch sẽ,sang trọng. Dạo chơi đi lần tới một cái lâu đài đá nhỏ chênh vênh đơn độc ở cuối ghềnh núi, đường ra đó cheo leo có tường đá 2 bên che chở như ở Vạn lý trường thành, nhìn xuông biển xanh bao la bên dưới gió mát phe phẩy. Len lỏi theo khách thám hiểm thành phố núi, coi các tiệm bán áo quần, túi da thời trang. Đang ớn bơ sữa bánh mì bắt ăn hoài nhiều ngày nay, may sao tìm ra một chợ có bán thực phẩm Á đông giá rẽ gần đó, mừng gần chết, vội vàng mua một mớ mì gói,salami, trái cây để dành cho ngày mai ngày mốt. Tối, theo mấy anh bạn vô một nhà hàng bán đồ Ý, order món cá nướng, uống rượu vang đỏ say mèm, phải nhờ anh bạn dìu về hotel. Ngủ một đêm ngon lành trên đất nước tí xíu thần tiên ở đỉnh núi này, đẹp như trên cõi thiên đàng, sẽ nhớ mãi San Marino không bao giờ quên.

Từ Marino chúng tôi tới ROME, hai bên thấy toàn các ruộng nho, bắp, lúa mì xanh rì,với rặng đồi thấp xa xa, lâu lâu ẩn hiện những cụm nhà ngói đỏ, trên trời xanh lửng lơ mây trắng nắng vàng. Tới Rome, có tour guide địa phương gốc Ý nói tiếng Anh accent khó nghe, phát walkie-talkies cho mọi nguời áp vào lỗ tai nghe tại công trường Thánh Phero. Quang cảnh đền đài dinh thự hoành tráng bao vây công trường ngập nắng vàng tươi. Những cột trắng to cao khổng lồ nối dài liên tục, những pho tượng thánh mặc áo choàng thời La mã xưa đứng hàng dài la liệt trên 2 bên nóc đền đài nhìn xuống hàng ngàn khách du lịch thập phương lúc nhúc bên dưới.

Vô điện Pantheon, giống như cái nhà thờ lớn, ở đây có một sô Giáo hoàng xưa được chôn dưới đất, thấy những tượng đứng ngồi trên bệ cao ở mỗi góc tường, các bức tranh lớn đủ màu vẽ trên trần nhà diễn tả cảnh thiên đàng tiên thánh, những pho tượng và murals đức Mẹ ẵm chúa Jesus, Chúa bị đóng đinh, thiên thần bay lượn …Ra ngoài đi dạo quanh co 1 lúc, lại thấy có nhà thờ khác gần đó, có lối kiến trúc hình vòm độc đáo của Ba tư.

Xe lại đưa tới một chỗ nổi tiếng khác, Fontaines des Anges, một kiệt tác điêu khắc bằng đá hoa để đời của Michel Ange, trắng sáng dưới nắng tươi, các vị thần Hy lạp trần truồng tay chân vai bụng cuồn cuộn bắp thịt, xoải chân vươn tay trong nắng vàng rực rỡ như đang tức giận, chiêm ngưỡng bởi hàng trăm du khách đứng, ngồi, chen chúc, qua lại chiêm ngưỡng chụp hình. Ăn lunch ở mấy quán nhỏ kế bên xong, lại lên xe rảo coi phố phường của Rome, các vườn cỏ xanh lốm đốm bụi hoa đỏ rực, đường xá dài hun hút giữa 2 hàng tầng lầu cao, dinh thự, cây cao, tượng đá…cái gì cũng đẹp đẽ, oai nghi, ngăn nắp. Kìa tượng vinh danh nhớ ơn vua Emmanuel của Ý, đứng ngất ngưỡng chễm chệ trên bục cao, ngày xưa đã ban tặng Đức giáo hoàng đât này để xây dựng xứ Rome ngày nay.

Từ Rome xuống Florence, thành phố Ý thơ mộng, coi tượng David xanh màu cẩm thạch lộ thiên ở giữa công trường.Chui qua cổng đá khồng lồ, coi tháp nghiêng PISA cao 7 tầng, quét vôi trắng. Vô sô quán bán đồ kỉ niệm chạy dài gần nửa cây sô. Rồi xe lại dọc theo bờ biển trở về miền Nam nước Pháp, chui qua mấy chục cái hầm dài, dưới kia bên trái là biển xanh lấp ló, chốc chốc một cụm nhà ngói đỏ hiện ra giữa 2 đồi cây xanh, một bên là các vườn nho xanh,lúa bắp chạy dài lên các sườn núi có lâu đài ẩn hiện bên lùm cây xanh.

Sau cùng cũng tới MONACO, đât nước sang trọng cạnh bờ biển Địa trung hải, nước xanh ấm áp, giàu có nhờ các sòng bạc của vua Rainier và bà hoàng Kelly. Tôi ngơ ngẩn ngắm biển xanh bao la dưới vực đá,những villas, hotels sang trọng cao ngất san sát dọc theo bờ biển cong, coi tòa lầu chôn cất ông bà hoàng, casino, dinh hành chánh,vườn cây xanh rợp dưới vực sâu che phủ bới các rặng cây cao um tùm, lác đác mấy chiếc xe đắt tiền của khách tỷ phú đậu có bồi đứng gác.


Rồi xe men theo bờ bể, tới Nice, thành phố biển thơ mộng nổi tiếng với 2 dải núi thấp chạy đâm ra biển tạo thành một bãi tắm cát trắng dài cong cong lí tưởng, bên dưới đông đen thiên hạ lõa lồ nằm ngồi phơi nắng, lố nhố gần đó san sát những thuyền buồm trắng của dân triệu phú, các cây dừa cọ cổ thụ cao mấy trăm năm khoe hình thù độc đáo, con đường dài sát biển xe cộ sang trọng chạy qua, như cảnh ở bờ bể Santa Monica, nhưng không khí trong trẻo mát mẻ và đẹp lãng mạn hơn. Giá cả ăn uống ở đây rất đắt vì là thành phố du lịch quốc tế.

Đi ngang qua Cannes, ghé Valence.

Ngủ đêm cuối ở hotel Roissy, sáng ra gọi Thái, Tân, Quí. Quí bận không trả lời nhưng Tân, Thái gọi cho hay QUí sẽ lái xe tới đón lúc 10 giờ. Đúng giờ, quả nhiên Quí tới, phụ xách hành lý lên xe, chở về nhà ở Montreuil ngoại ô Paris. Quí trước làm trưởng ban ngọai giao của Bộ giáo dục Pháp, hai lần dẫn phái đoàn về VN, nay đã về hưu. Vợ còn làm ở tòa án. Hai con Quí đã ra ở riêng, tự lập mấy năm nay, chỉ còn 2 vợ chồng già ở đây.

Nhà Quí cao 3 tầng, bề ngang 5 mét, 4 cửa sổ trồng hoa đỏ trên lầu nhìn xuống, nhưng cửa lớn vô nhà hẹp,đi lên mấy bậc thang thấy bên phải cái cửa vô phòng có sẵn giường và mền gối, bên trái là restroom. Quí xách cái “sắc” tôi bước vô, nói đây vốn là phòng khách, tạm bật sofa ra thành giừờng cho tôi ngủ, có tủ sách, đàn piano, và mấy bàn ghế nhỏ. Đi thẳng ra sau là nhà bếp, có cửa sổ nhỏ trông ra sân thượng, mở cửa xuống phòng ăn dài hẹp có bàn 4 ghế, nhìn ra một khu vườn nhỏ xanh tươi hoa lá mơn mởn qua các cửa kính rộng. QUí mở cửa ra vườn, bước hai steps lên sân thượng tập thể dục rộng chừng 8 m2, có các chậu hoa và lò nướng barbecue .QUí đưa lên lầu coi master bedroom 2 vợ chồng ngủ, hơi nhỏ, có bathroom, và một phòng kế bên, trước kia con gái ở. Tôi hỏi:

- Còn con trai, hồi đó ngủ đâu?

- Ở trên attic…

Quí mở 1 cánh cửa như cửa closet, bên trong có mấy bậc cầu thang xoắn ốc dẫn lên attic, tôi ngước cổ nhìn lên nhưng không chui vô leo lên coi làm gì. Quí lại đưa tôi theo mươi bậc thang hẹp xuống dưới basement, chỉ cái phòng bỏ trống nói là “studio” của vợ, ít khi dùng, trong có bathroom cho tôi xử dụng. Kế bên là phòng để máy giặt và các dây phơi quần áo. Quí nói ở Pháp không có máy sấy, chỉ phơi đồ trên dây cho khô.

Tôi rửa mặt thay quần áo, cầm camera theo bạn ra phố, mua vé subway xuống hầm xe điện đi Paris gặp Thái, hẹn nhau đâu đó, liên lạc bằng cell phone. Hai người dẫn tôi đi lunch ở quận 13 đầy các tiệm ăn Tàu, có món soup cá nóng ngon. Xong đi bộ ra khu Notre dame de Paris chụp ảnh, coi Tòa thị chính, lên cầu ngắm sông Seine. Các cầu đều khác nhau. Đặc biệt nhất có cầu lưới sắt, dính la liệt các ống khóa đủ loại khắc tên chàng và nàng của các cặp tinh nhân mang tới đây thề thốt, bấm khóa dính chặt vô thành cầu rồi quăng chìa xuống sông, hi vọng trung thành ở đời bên nhau mãi mãi. Chiều 3 giờ, ghé quán café ngồi ngắm khách du lịch tập họp coi ca nhạc làm xiếc trên một khoảng đất nọ, Thái đưa cell phone cho tôi tự do gọi về Mỹ thăm vợ con, bè bạn, nguời này nguời nọ, nói, “đừng lo, gọi bao lâu cũng được, free không tốn tiền”.

6:30 pm cả ba đứng dậy tới một tiệm ăn gặp vợ Quí đi làm về đã ngồi chờ sẵn. Quí giới thiệu “bà đầm” tên Annie, tóc bạch kim dày cắt ngắn, đeo kính cận, nét mặt nhỏ nhắn vui vẻ. Tôi cười chào bắt tay, “Enchanté”. Nghe Thái trò chuyện với Annie, chốc chốc cũng xen vô ít câu tiếng Pháp ngập ngừng. Bốn mươi năm mới dùng lại Francais, nghe Annie líu lo như gió mà “quíu” trả lời không xuông, vừa nghĩ ngợi tìm chữ, vừa xen tiêng Anh, cảm thấy xấu hổ.

Thái từ giã về, vợ chồng Quí đưa tôi tới rạp hát coi kịch opera đông đen khách ăn mặc lịch sự, vé Quí đã mua sẵn từ 3 tuần trước. Có 4 tầng balcon vây 3 phía nhìn xuống sân khấu màn nhung đỏ rực, ghế ngồi chật quá và rạp không có máy lạnh nên tôi bức quá, cởi áo coat ra cầm tay. Họ diễn kịch drama, trang phục theo lối xưa, đọc thơ, hò hét, nhảy nhót, ôm ấp, khóc la, té lên té xuống diễn tả cảm xúc… Trang phục diễn viên thời cổ, màn hạ luôn để thay backgrounds liền liền, đã nói Francais lại có phụ đề tiếng Pháp phía trên sân khấu cho những ai lãng tai không nghe kịp. Nghỉ giải lao 15 phút, chúng tôi theo khán giả kéo ra ngoài giải khát, rồi vô ngồi lại coi nốt phần sau.

Khuya 10:30 tan, cả ba thủng thỉnh đi bộ về nhà, khí trời mát lạnh. Quí dọn ra 3 cái dĩa, muỗng nĩa, ăn tối sơ sài, có dịp nói tiếng Pháp với Annie nhiều hơn. Tặng Annie lọ nước hoa nhỏ mùi hoa violet mua ở Ý, tỏ lòng biết ơn bà chủ đã có nhã ý “host” mình mấy ngày.

17 Ngày Âu Du: Sống Với Paris

Ngày 19 tháng 6, hai bạn “plan” cho tôi leo lên 3 tầng tháp Eiffel chơi. Tội nghiệp Thái dậy sớm tới chân tháp từ sớm, đứng “faire la queue” giữ chỗ cho tôi, vì thiên hạ xếp hàng rồng rắn dài lắm, toàn du khách ở các nơi xa đổ về. Khi tôi nhảy hàng rào trám vô chỗ Thái, đám đông la ó âm ỹ, tưởng tôi “cut off”. Tôi la,”I take his place,OK?”.Thái chờ tôi trám vào, bước khỏi ra ngoài hàng, quay lại ngoắc tay la to:

-Il me remplace…Il prend ma place…

Hai bạn bỏ ra công viên gần đó chơi chờ tôi, bảo cứ thoải mái coi, khi nào xong, leo xuống đất thì gọi họ, coi lâu mấy giờ cũng được. Mua vé 13$, lên thang máy coi tầng một, thấy 2 tiệm bán đồ kỉ niệm sơ sài, ngẩn ngơ nhìn các thanh sắt thép khổng lồ chằng chịt đen nghịt kết thành khung tháp 4 chân đồ sộ chắc chắn, các giàn đèn pha to tướng, thang máy thang chân 4 góc la liệt mà lắc đầu phục cho trí óc con nguời tạo được một kỳ quan độc đáo có một không hai để đời cho hậu thế. Eiffel đuợc khởi công xây từ 1888 đến 1990 mới hoàn tất và triển lãm cho quốc tế xem.

Lên tầng hai, tôi ngơ ngẩn nhìn xuống toàn thể Paris chi chit bên dưới. Đọc bảng so sánh độ cao, Eiffel 324 m là thấp nhất so với các tháp cao sinh sau đẻ muộn khác trên thê giới, như Sear Tower 527m ở Chicago, Empire State Building 449m ở NY, Petronas Towers 542m ở Malaysia và cao nhất hiện nay là Dubai của Ấn độ tới 800m, nhưng Eiffel vẫn có cái độc đáo riêng của nó, nổi tiếng nhất, mỹ miều nhất với sô lượng mấy chục triệu người tới xem 1 năm.Thiên hạ đông quá, sắp hàng chầu chực vô thang máy lên xuống, máy lại trục trặc sao đó bắt khách bên ngoài sốt ruột đợi, gần đó cả chục công nhân lại đang hì hục làm việc sữa chữa, cản trở lối đi nên tôi nản bỏ ý định lên tầng 3 coi, kiếm thang máy đi chân xuống. Đi cầu thang chân, bước nhảy cả mấy trăm bậc thang mới xuống tới ground floor. Exit ra ngoài thấy Quí và Thái lảng vảng gần đó, thây tôi, ngạc nhiên hỏi:

- Ủa, sao coi mau vậy?

Hai bạn hội ý nhau, dẫn tôi đi “lunch” thịnh soạn ở trên gác một tiệm ăn Tây ban nha. Sau đó cả ba đủng đỉnh tản bộ lên khu Monmartre chơi, coi nhà thờ Sacre-Coeur nổi tiếng tọa lạc trên ngọn đồi cao nhìn xuống 1/3 toàn thể Paris, nhà cửa dinh thự nhỏ chi chit bên dưới. Vô sô du khách đứng ngồi, đi lại, chụp hình, rải rác khắp nơi trên 2 ba cái sân vuông lần lượt hạ thấp dần dần trước nhà thờ. Kế tản bộ qua khu họa sĩ vẽ và bán tranh duới các bóng cây xanh, nhìn các bức tranh vẽ đủ kiểu, ngắm những ngôi nhà đơn sơ mà lập dị của họ.

Đi bộ về bến metro, chia tay Thái. Quí đưa tôi vô một siêu thị, mua thức ăn tối. Annie nấu món Pháp đặc biệt, kho đậu hủ và luộc rau tươi đãi tôi. Cô hỏi tôi thích tranh của họa sĩ nào. Tôi nói: Monet, Renoir, Van Gogh, Gauguin, thuộc phái Impressionisme (ấn tượng). Annie gật gù thích thú, kể huyên thuyên về tiểu sử mỗi ông. Tiếng Pháp mình đôi lúc bí, phải hỏi Quí. Quí đôi lúc cũng “bí”, quay sang hỏi vợ. Tôi ấp úng xin lỗi nói francais dở quá. Annie nhún vai nói, “pas mal”, không đến nỗi tệ lắm.
img_1100
Xếp hàng rồng rắn dưới chân tháp Eiffel.
Ngày 20 tháng 6.

Hẹn Thái gặp nhau ở điện Louvre. Quí đã mua sẵn 3 vé cho 3 đứa coi các công trình danh tiếng ở Paris trong 2 ngày, tới được vô ngay khỏi phải xếp hàng. Musee de Louvre rộng mênh mông, ba bốn buildings cao 4 tầng vây kín cái sân rộng đông nghẹt khách chính giữa. Giữa sân có cái kim tự tháp bằng kíếng. Thái nói do ông Tổng thống Pháp nào mới đây ra lệnh xây, làm mất hết vẻ đẹp cổ kính của toàn bộ Viện bảo tàng.

Vào tầng trệt thấy trưng bày nhiều pho tượng, các công trình điêu khắc cổ của Hy lạp, La mã, của Phi châu, Á châu và Mỹ châu. Của Pháp,Ý, Spain, Bắc âu… Lên tầng 1 thấy các cổ vật sưu tầm của văn minh Ai cập, Hy lạp, La mã, các bức danh họa như La Joconde của Leonard. Tầng 2 là các bức danh họa của Pháp, Đức, Bỉ, Hòa lan,Thụy sĩ, Nga và Bắc Âu. Nhưng đi được mấy chục phòng xem danh họa thì đã mỏi rục chân, tôi ngỏ ý muốn trở ra. Quí dẫn qua Musee de Lorangerie (trước là vựa chứa cam tươi của vua) coi tranh Monet. Lại qua Musee dOrsay coi tác phẩm điêu khắc của Rodin, hôm nay đặc biệt có triển lãm collection các bức tranh “NU” khỏa thân của Dega. Quanh các phòng, la liệt nhiều tấm tranh phụ nữ lẫn thiếu niên trần truồng. Tôi sửng sốt trước một bức tranh táo bạo tựa đề “Origine du monde”(nguồn gốc của loài nguời) vẽ to tướng cửa mình một người đàn bà lông rậm đen rì. Một toán sinh viên có giáo sư hướng dẫn đứng há hốc mồm, các nữ sinh thẹn thùng quay mặt đi, một nam sinh đeo kính cận chọc quê, tới sát gần kê mắt nhìn vào chỗ bí hiểm nhất, làm cả toán cười khúc khích.

Ở viện bảo tàng ra, Quí dẫn tôi và Thái đi ăn mì Nhật nổi tiếng 20 năm nay ở phố nọ gần điện Louvre, rất ngon, chủ nhân có 2 tiệm kế bên nhau, tiệm chuyên bán sushi, tiệm chuyên bán mì nước. No bụng ba đứa vô vườn Tuileries, gần công trường La Concorde. Tôi chỉ Tháp bút Obelisk mạ vàng ở chỏm hỏi sự tích, Quí nói ngày xưa Napoleon thắng trận, mang nó về từ Ai cập đặt ở đây. Hai đứa kiếm một băng ghế đá dài có chỗ ngồi 2 bên, ngả mình nằm xuống, lim dim ngủ dưới các bóng cây xanh gió thổi hây hây, bên tai loáng thoáng tiếng Thái ngồi trò chuyện cell phone với các bạn cũ ở Úc, VN, và Mỹ.
img_1130
Trong Museum de Louvres, Paris.
Chợp mắt một lúc, Quí và tôi khỏe khoắn ngồi dậy, cùng Thái kéo đi thăm vườn Luxemburg, có ao nước lớn tròn to bên dưới thả hoa súng, bên trên là cây cao, bóng mát, rải rác nhiều ghế ngồi cho khách vào đây nghỉ ngơi thư dãn. Một lát lại kéo tới khu Latin coi các phố xá, tiệm buôn, các di tích đền đài La mã đổ nát chính phủ cố tình để yên làm kỉ niệm. Năm giờ chiều, Quí nói:

- Sắp tới giờ tan sở, để tôi đưa ông xuống subway coi cảnh dân Pháp đi làm về…

Thái cắt nghĩa trước khi từ giã về:

- Hiện metro Paris có 5 tầng hầm dưới đất cho các đường xe điện ngầm… 100 năm trước chỉ có 1 tầng hầm, càng ngày dân sô tăng, công tư sở mọc ra thêm, họ càng đào sâu xuống đất, xây thêm đường hầm, hầm mới nhất là cách đây 20 năm. Giữa các đường hầm là các trạm thang máy lên hoặc xuống cho khách đổi bus. Có các bản đồ to chỉ vẽ phương hướng và số trạm trên các vách tường ở platform cho khách coi…

Tôi lắc đầu le lưỡi, nguời như cái máy để mặc cho Quí dẫn đi xuống hầm có đèn vàng leo lét, có băng ghế dài cho khách ngồi đợi bus, thấy lớp thì xe siêu tốc, lớp thì xe regular, lớp thì xe không người lái vùn vụt chạy tới, chạy đi, nguời ở đâu đi làm về đua nhau lũ lượt chạy rần rật, tranh dành nhau lên bus, kẻ ngồi, người đứng vịn cột sắt, thân mình lắc lư mỗi lần xe chuyển bánh. Có kẻ lên xe vừa ngồi đã nhắm mắt ngủ vì mệt mỏi, có kẻ đứng ngủ thản nhiên, hai mắt nhắm nghiền, chả ai thèm để ý ai. Xe chốc chốc stop, cửa bật tung ra, một đám lật đật bước xuống, lại một đám mới vội vàng kéo lên. Mỗi khi tới platform để dùng thang máy lên hay xuống đổi bus, thiên hạ đông đen chạy đôn đáo đông tây nam bắc làm tôi hoảng hốt sợ lạc Quí thì không biết làm sao về nhà. Đứng yên trên thang máy di chuyển chậm, tay vịn ramp, cũng bị thiên hạ ở dưới đùng đùng chạy lên, thiên hạ ở trên đùng đùng chạy xuống, hất tay đụng vai, skip 2 ba bậc cho mau tới chỗ đổi chuyên bus khác cho kịp giờ. Lại thấy vài ba ăn mày ngồi xin duới hầm subway, có kẻ đàn violon tùy lòng hảo tâm,tôi dừng lại móc túi có tiền thì liệng vào nón, không thì đi luôn. Thương cho công nhân thợ thuyền Pháp ngày ngày phải dùng subway, tất bật vội vàng sáng chiều vì miếng ăn, cuộc sống, đồng lương ít ỏi, vật giá nhà thuê lại đắt đỏ, khác hẳn ở Mỹ ai nấy phom phom lái xe riêng chạy xa lộ, bãi đậu bao la, nhà cửa rộng rãi, thức ăn rẻ mạt. Thảo nào giới trẻ yêu nhau chỉ sông chung, ít ai muốn lập gia đình.
img_1189
Vườn Luxemburg , Paris.
Chia xẻ tâm ái ngại thương nguời Pháp quá khổ so với dân Mỹ cùng Quí, Quí gật gù, vì cũng đã từng sông ở Mỹ lấy bằng tiến sỹ nhiều năm trước khi qua Pháp. Qúi buồn rầu kể nhiều người không có nổi chỗ ở, phải cắm lều trong rừng, vì các trung tâm cho homeless ngủ đậu, cũng chỉ cưu mang tạm vài ngày. Quí kể hồi đang làm cho Liên hiệp quốc ở New York, bỏ Mỹ qua Pháp năm 72, may được một bà Tàu quen ở Mỹ cho ở nhờ căn nhà bỏ không tại Paris, nhưng thất nghiệp đói meo triền miên không biết làm gì sống. Sau xảy ra vụ gì đó, bị cảnh sát đuổi ra khỏi nhà, tắp vô ở nhờ chỗ quen. Những ngày cơ cực đó, Quí nói không bao giờ quên… Sau đó, từ từ Quí cố ngoi lên, có việc làm, bảo lãnh cha mẹ anh em qua, cưới Annie lúc ấy còn đi học, vẫn ở thuê apartment. Sau ba chết, anh em qua Mỹ, nghe lời mẹ khuyên, mua được nhà này không cần phải “down” vì có job tốt, ở cho tới giờ.

Tối, Annie có bạn gái Danielle tới chơi, hai bà đầm làm món bánh tráng nhúng nước, cuốn rau tôm thịt, dọn ra bàn ngoài vườn mát đãi tôi ăn. Nói tiềng tây với 2 bà đầm đôi lúc cũng còn “quíu”.

Ngày 21 tháng 6.

Sáng 10 giờ, Quí lại đưa tôi ra metro lên Paris gặp Thái, coi nhà thờ Sainte Chapelle 2 tầng, xây theo gothic style bắt nguồn từ kiến trúc thời La mã và Islam, với cầu thang chật xoắn ốc đi lên lầu trên. Tôi chóa mắt trước vô số cửa kính cao, đỉnh nhọn, khắp nơi lấp lánh đủ các màu sắc lộng lẫy do mặt trời bên ngoài chiếu vào. Rời nhà thờ, Quí chỉ tôi coi Opera Garnier Building là rạp hát mới nhất ở Paris,chứa tới 3000 người, ở đó hay diễn hài kịch, khác với rạp cũ hôm nọ coi opera, chuyên loại drama cổ điển. QUí chỉ cư xá nơi sinh viên VN du học ngày trước 75 ở, nơi sinh viên chống Cọng và thân Cọng đấu đá chửi nhau sau 75.Thái gọi Tân tới chơi, bốn đứa ra khu phố Tàu, vô một tiệm VN nổi tiếng ăn cơm cá tộ canh chua kiểu VN, gặp một cặp vợ chồng qua Pháp ngay từ tháng 4/75 ngồi bàn kế, chưa từng biết mùi CSVN là gì, thấy đồng hương, hai bên hỏi han kể lể, làm quen nhau dễ dàng, trao đổi số phone, Thái nhờ họ chụp hình 4 đứa lia lịa. Cơm rất ngon, cả đám ai cũng vui vẻ cười nói tía lia. Tân 2 đời vợ, hiện cô đơn, hay thất hứa, nênThái và Quí xúm lại chọc quê, nói già gần 70 mà còn ham làm, 3 cái nhà, tiền saving, docteur tiền nhiều để đâu cho hết, là đứa giàu sướng nhất bọn. Tân dẫy nẩy, chỉ tôi, nói tôi mới là người sướng nhất, được ở Mỹ, có nhà cao cửa rộng, vợ con đề huề, ăn tiền hưu gần bằng đồng lương bác sĩ ít oi của hắn. Rồi lại chép miệng khen tôi giỏi, giáo sư mà chịu khổ đạp xích lô 2 năm dưới thời CS, can đảm coi thường cái chết, dám vượt biên qua Mỹ, nuôi con cái thành đạt, trong khi “tụi mình” qua Pháp diện du học, làm việc, hay ODP. Tôi toan cãi, nhưng chợt nghĩ lại, thấy mình quả có phước thật, được sống ở Mỹ ăn uống rẽ, nhà cửa rộng, con cái thành công, vợ chồng đủ cặp, đi đâu cũng khỏi xin vísa, cái gì cũng không thiếu.
img_0483
Homeless ở Paris: "của nguời và chó."
Thấy trời ui ui, Tân lo lắng từ giã về vì nhà xa, phải đổi 3 bốn chuyên xe. Ba đứa còn lại qua khu Champs - Elysees ngồi uống café trên vỉa hè, duới các parasol màu đỏ “bordeaux”. Bỗng sấm chớp đùng đùng, gió thổi mạnh như có bão ở đâu tới,rồi trời đổ mưa ào ào, cả ba lật đật xách chai ly chạy vô tiệm ngồi. Một lát mưa tạnh gió im, kéo nhau ra phố shopping. Tôi chợt thấy một tiệm bán DVD phim Pháp và Âu châu, mừng rỡ bước vô say mê lựa mua một mớ, trong có Madame Bovary (phỏng theo tác phẩm lừng danh của G. Flaubert) và Le dernier tango à Paris (do Marlon Brando đóng lúc lớn tuổi). Đi thêm vài chục bước lại thấy một tiệm khác, lại tò mò vào lựa mua thêm 5 dĩa nữa.Thái, Quí đưa tôi tới Arc de Triomphe, leo cầu thang mấy trăm bậc lên trên đình, mệt ngất, thở muốn đứt hơi. Thái chân yếu lểnh mểnh theo sau tôi và Quí, chốc chốc đứng lại thở. Quí nói hồi xây Khải hoàn môn, họ chưa biết làm thang máy, nên làm cầu thang cổ lỗ sĩ như vậy để luôn tới giờ. Đứng trên đỉnh Khải hòan môn, gió mát phơi phới, hớn hở sảng khoái thấy toàn thể Paris với 11 con đại lộ, xe cộ li ti nối nhau chạy từ xa đâm vào “bùng binh” tròn xung quanh Khải hoàn môn, tha hồ chụp hình. QUí chỉ một tòa nhà xa xa, nói đó là ngục Bastille ngày xưa nhốt tù dưới hầm. Xuống đất lại,Thái xin phép về sớm để đưa gia đình đi nghe hoà nhạc ngòai trời.

Quí đưa tôi tới chỗ hẹn với Annie ,vừa di làm về. Hai vợ chồng đưa tôi thăm khu Do thái ở cho biết. Đường phố ở đây sạch sẽ, không khí yên lặng, gặp vài thanh niên Do thái mặt mày khác hẳn dân Tây. Tôi nhớ tới Anne Frank đã sống núp lén trong các căn nhà như vầy trước khi bị quân Đức lôi ra giết ngày xưa. Quí nói cộng đồng Do thái ở đây bị Pháp kỳ thị, Annie lại khen họ rất thông minh, học giỏi, và đoàn kết.

Ghé khu Place de Vosques, 4 dãy tòa nhà cao mặt tiền lát đá đỏ, chính giữa có khu vườn vuông cây cối xanh tươi, tính vô coi nhà của văn hào Victor Hugo 4 tầng 4 cửa sổ, nhưng quá giờ làm việc nên họ đóng cửa. Hôm nay là Music Day (do một bị Bộ trưởng Văn hóa Pháp đặt ra), nên có nhiều toán đàn địch ca hát tụ họp khắp nơi, dưới bóng cây, mái nhà, hay lộ thiên ngoài nắng ấm, cho công chúng xem free. Tôi dừng lại chăm chú nghe một anh ca sĩ đội mũ, tay dơ ra làm điệu, cất giọng hát một bài ca Ý ai oán tuyệt vời, không hiểu lời ca nói gì nhưng cảm thấy rất hay, trái tim bồi hồi xúc động. Annie nói đó là giọng “contralto” hiếm có của đàn ông, lên rất cao rồi đột nhiên hạ xuống rất trầm, không phải giọng kim “tenor”, chỉ lên cao thánh thót. Lại có một đám Tây đầm vừa trai vừa gái tụ tập rất đông, có tới gần trăm người, treo biểu ngữ, tới gần mới hay là nhóm dân “gay” và “ lesbian” tụ họp. Đường phố đông vui nhộn nhịp, dân Do thái tụ tập trước các tiệm ăn, chen chúc ở một ngã ba, có nhiều người râu rậm, khuôn mặt rất đẹp.

Ba đứa vào 1 tiệm, order đồ ăn Do thái. Menu toàn những tên lạ hoắc, tôi nhắm mắt goị đại, ăn trúng bọc bánh bột gạo mềm đựng legumes cắt hột lựu đủ màu bên trong. Trời mát, tản bộ về nhà, ba đứa ngồi ăn cơm tối nhẹ nhàng. Annie hỏi tôi ngày mốt lên airport có biết terminal nào xuống “check in” chưa. Tôi ngẩn người ra lắc đầu, chỉ biết tới hãng British Airways, 9 pm bay. Annie thương hại, nói CDG có tới 7 terminals lận. Bèn lấy flight number tôi, tới computer ngồi check Internet, mấy phút sau đứng dậy cho biết đó là terminal 2 A.

Ngày 22 tháng 6.

Quí đưa tôi ra chợ trời gần nhà mua cá, olives, rau, trái cây. Chợ bày đủ thứ thực phẩm trên phản cao tới bụng, hải sản rau trái, khoai củ, đồ khô đồ tươi, màu sắc sặc sỡ,vui mắt. Trái olive đỏ, xanh, tím,ngâm có tới 8 loại khác nhau. Vậy mà cứ tưởng Paris khan hiếm rau cỏ cá tôm. Giá cả thấy rẻ hẳn so với các nơi tại Paris, hay ở các tiệm trạm xăng xe bus tour “Thụ nhân” thả khách xuống mua sandwich, chai nước, trái cây trước đây. Một euro được 5 trái chuối thay vì 4 euros 3 trái chuối mua ở Venice hôm nào. Bánh mì baguette chỉ hơn 1 euro so với một khúc nhỏ nhét 3 lát “ham” mà tới hơn 4.99 $ ở Paris. Một euro ở đây được 2 trái cam thay vì 3 $ 2 trái hôm nào mua ở Lyon. Quí nói vật giá đời sông ở ngoại ô như chố Quí ở, thật ra cũng dễ thở, nếu mình không có nhiều nhu cầu, biết “tri túc”.

Về nhà Quí lại hối hả dẫn tôi đi ăn trưa, thấy tôi không thích thịt, order món pasta toàn rau, tôi ăn thấy mùi phó mát nồng nặc trong cổ, ớn tới óc. Sau đó QUí đưa đi subway tới khu Do thái gặp vợ đứng chờ trước nhà apartment 4 tầng của Victor Hugo. Annie mua vé (3$50 each) cho cả ba lên coi các tranh vẽ, thư từ viết tay, bản thảo, hình chân dung của Hugo ngày còn sinh tiền. Coi cả studio, phòng giường ngủ của ông, phòng trang trí toàn đồ sứ Trung hoa của tình nhân ông lúc trẻ là đào hát Juliette Drouet. Sau khi vợ chết, rồi con ông chết, khiến ông mắc bệnh trầm cảm, bà này tới chung sống săn sóc ông ở đây lúc tuổi già.

Ba đứa sau đó tới Musee, tuần này đặc biệt triển lãm các tranh họa dưới đề tài “Beauté des animaux”, Annie mua sẵn vé từ trước (13$ each). Ba đứa lên bus về nhà, dọc đường ghé Chateau de Vincennes coi lâu đài thành luỹ, các “donjons” ngày xưa (các đồn lũy trên thành cao quan sát giặc từ xa tới xâm lăng) trông hùng tráng mà thanh lịch, nổi bật trên nền trời.

Ngày 23 tháng 6.

Hôm nay ngày chót ở Pháp, 6 pm phải lên airport CDG. Sáng, Thái tới dẫn đi coi Jardin des plantes (Vườn thảo mộc) vì vợ chồng Quí phải lái xe đi ăn mừng sinh nhật bà dì Annie già 90 tuổi ở thành phố xa, cách Paris 100km. Annie choàng cổ chiếc khăn voile xanh lơ dài tới bụng, rất đẹp, nói tôi đừng lo, vợ chồng sẽ cố gắng về kịp để đưa tôi ra airport.

Cùng Thái xem đủ thứ loại cây cỏ thảo mộc nhiệt đới, sửng sốt trước phiến đá cẩm thạch láng bóng dày 2 tấc, to bằng cái mâm, do một gốc cây hóa thạch 10 mấy ngàn năm. Trở lại khu phố Tàu ăn trưa. Thái hỏi muốn ăn đồ Tàu hay “cơm tay cầm”.Tôi nói chưa ăn “cơm tay cầm” bao giờ, Thái bèn đưa lại 1 tiệm VN quen rất đông khách, order “tay cầm” cho tôi thử, xong đưa đi shopping. Tôi thấy một cô đầm còn rất trẻ, ngồi ăn xin ở vỉa hè ngoài phố đông đúc, nhưng sờ túi không còn tiền để cho.

5 giờ chiều đi metro về nhà Quí, có bà đầm Danielle bạn Annie (Quí nhờ tới trông nhà) ra mở cửa. Thu xếp hành lý xong, ra bàn ăn ngồi uống nước với Thái, nói đủ thứ chuyện, buồn vì sắp xa người bạn quá tốt. Thái nói tôi là người đầu tiên ở xa tới Pháp được hai đứa dẫn đi chơi nhiều nhất trong số tất cả các bạn bè cũ.

5:30 giờ hai vợ chồng Quí về. Tôi 2 tay ôm Annie chào cảm ơn, mời 2 vợ chồng khi nào qua Cali chơi, tới nhà tôi ở, sẽ lo hết mọi sự. Annie choàng tay ôm lưng tôi, hôn lên 2 má, thoáng cảm động, chúc đi đường bình yên.

Tôi quay lại ôm chặt Quí và Thái lần cuối, nghẹn ngào nói lời từ giã và cám ơn:

- Có lẽ đây là lần đầu, mà cũng là lần cuối tôi qua Pháp… lớn tuổi rồi không biết có còn dịp nào qua lại, còn gặp lại mấy ông không.

Thái gạt đi:

- Đừng nói bậy, ráng thu xếp qua Pháp lần nữa, về dưới quê phía tây nam nước Pháp ở với tôi bao lâu cũng được.

Khi lên lầu cao, coi đồng hồ thấy 7:30 pm, ngoái cổ nhìn xuống, tôi thật cảm động khi thấy sau đám hành khách lố nhố, Quí và Thái vẫn đứng lại đăm đăm nhìn theo.

Về lại Cali, mãi một tuần sau mới tạm lại sức. Nhìn lại các photos, nhớ lại những ngày vui đi tour, coi như “giấc mộng đẹp” đã qua.

Âu châu đẹp như chốn thần tiên, nhưng nhớ lại vật giá đắt đỏ ở Pháp, Ý, ly café nhỏ xíu 9 euros, 4 đồng 3 trái chuối, đi toilet phải trả 50 xu, những lần chen chúc dưới metro với trăm người hấp tấp xuôi ngược trong hầm, chợt thấy mình rất “lucky” được ở Mỹ, mà lại ở ngay Cali nắng ấm.

Phải đi Pháp, đi Âu châu coi, mới biết Cali của Mỹ chính là thiên đàng hạ giới, mới biết quí cái hạnh phúc tuyệt vời mình đang hưởng mà nhiều người không có cơ hội nhận ra.

Phạm Hoàng Chương

Ý kiến bạn đọc
29/01/201902:57:44
Khách
CÁM ƠN ANH CHƯƠNG
BÀI VIẾT CHI TIẾT NHIỀU...HẤP DẪN, SỐNG ĐỘNG VÀ HAY HƠN MẤY CATALOGUES CỦA HẢNG DU LỊCH.
NHÀ GÕ NGUYỄN THƯỢNG CHÁNH, CANADA
chúc mùng năm mới KỶ HỢI .
JANV 28, 2019
03/10/201803:50:52
Khách
Toi google thay Eiffel Tower:
Construction started: January 28, 1887
Completed: March 15, 1889
Typo error I guessed
05/10/201212:54:37
Khách
Bài viết thật chi tiết, nhiều hình ảnh đẹp, chọn lọc của các địa danh nổi tiếng cùng những cảm nhận về cuộc sống ở Ãu châu , ở Mỹ và kinh nghiệm du lịch, xin cảm ơn TG.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 93,267,754
Tác giả nguyên là một sĩ quan hải quân VNCH, một nhà thơ quân đội. Sau tháng Tư 1975, ông là người tù chính trị, định cư tại Mỹ theo diện H.O., hiện là cư dân San Diego. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu tiên, Phạm Hồng Ân đã nhận giải danh dự 2012. Sau đây là bài viết mới nhất của ông, nhân ngày tưởng niệm Hoàng Sa, 19 tháng Giêng, 2013.
Trước 30/4/1975, tác giả từng viết nhiều truyện ngắn, truyện dài cho bán nguyệt san Tuổi Hoa, và Tủ Sách Tuổi Hoa - hiện có trên trang mạng: http://tuoihoa.hatnang.com/ và http://www.camlinguyenthimythanh.com Sau ngày 30/4/1975,
Tác giả là cư dân Houston, Texas, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Mong bà sẽ tiếp tục góp thêm những bài viết mới và bổ túc dùm địa chỉ liên lạc.
Với cách viết tinh tế, Nguyễn Văn đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2012. Ông sinh năm 1965, quê ở Phú Yên; Vượt biên năm 1988, hiện sống cùng gia đình tại Chicago. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả là cư dân vùng Little Saigon.Đây là bài Viết Về Nước Mỹ thứ hai của bà, với lời ghi “Tặng thế hệ thứ 2, thứ 3 rất xuất sắc trên nước Mỹ và trên khắp Năm Châu. “Mong bà sẽ tiếp tục viết bằng những chuyện sống thật của người Việt tại Mỹ.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ. Ông là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục và trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA.
Tác giả tên thật là Tô vĩnh Phúc. Trước 1975, tốt nghiệp cử nhân Luật Khoa và Văn Khoa tại Sài Gòn. Định cư tại Sacramento, California từ 1986, học và làm nhiều ngành khác nhau. Hai tập thơ đã xuất bản: "Bên Bến Sông Buồn" (2011) và "Nắng Chiều Còn Vương" (2012). Tác giả hiện là cư dân ở Sacramento, Cali và tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 5, 2011. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ và được bạn viết bạn đọc rất quý mến. Ông và gia đình hiện là cư dân San Jose. Mời đọc bài mới.
Karen N. Nguyễn, sinh năm 1962, trưởng nữ trong một gia đình H.O. định cư tại Mỹ năm 1991, hiện là một dược sĩ, làm việc và cư trú tại Virginia. Cô đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải vinh danh tác giả, một trong 4 giải chính Viết Về Nước Mỹ 2004. Bài viết mới của Karen là chuyện tuyết giáở Virginia.
Mr. Bond là bút hiệu của David Huỳnh, cư dân Los Angeles, từng nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012 với loạt bài kể chuyện câu cá đủ loại, câu từ Nam đến Bắc Cali, qua Alaska, sang Mễ, câu về tới VN hay qua tận Thái lan... rồi chuyện đi lặn bắt bào ngư, bắt tôm hùm, và đi săn “hàng khủng” cá Tầm (Sturgeon) trên Delta Bắc Cali. Sau đây là bài mới của ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến