Hôm nay,  

Đoạn Cuối Một Cuộc Tình

03/07/201200:00:00(Xem: 181187)
Tác giả tên thật Hùng Túy Trước, tuổi Giáp Ngọ, cư trú tại Austin, Texas, đã góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ đặc biệt. Giải thưởng Việt Báo năm thứ ba, cùng lúc với giải danh dự, Chúc Chân còn nhận thêm giải "Writing on America" cho bài viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.

image001_vb3_02-07
Chàng và nàng khắng khít như bức ảnh đôi lứa đính kèm.
Chuyện tình nào mà không đến đoạn cuối. Những chuyện tình nổi tiếng thế giới, cũng như những chuyện tình nổi tiếng Việt Nam, lúc nào cũng éo le với đoạn cuối chia ly sầu thảm.

Câu chuyện tình nổi tiếng thế giới qua mấy thế kỷ có lẽ là Chuyện “Romeo và Julliet.” Tôi biết đến câu chuyện tình nầy qua phim “màn ảnh đại vĩ tuyến” trình chiếu ở Sài Gòn năm 1972. Romeo and Juliet là một vở bi kịch được tạo dựng bởi văn hào lừng danh William Shakespears, viết trong khoảng năm 1591 và 1595. Cốt chuyện được đưa lên phim ảnh Mỹ năm 1968, nhưng mãi 4 năm sau mới đến được Việt Nam.

Ở Việt Nam chuyện tình nổi tiếng nhất qua nhiều thập niên có lẽ là Chuyện Tình Lan và Điệp. Hầu hết chúng ta đều biết chuyện tình nầy qua bản nhạc mang cùng tên của Mạc Phong Linh & Mai Thiết Lĩnh, tức nhạc sĩ Lê Minh Bằng, rất phổ biến trong thập niên 60s trên dĩa nhựa do Sóng Nhạc phát hành. Nhưng một số có thể không ít, trong đó có cả tôi, chưa từng đọc qua tác phẩm “Tắt Lửa Lòng” của Nguyễn Công Hoan phát hành năm 1933. Tác phẩm “Tắt Lửa Lòng” viết về hai nhân vật chính Lan và Điệp, đã trở thành cốt truyện cho rất nhiều sáng tác tân nhạc, vọng cổ, tuồng cải lương và phim ảnh Việt Nam.

Cả hai cuộc tình Romeo-Julliet và Lan-Điệp đều là loại chuyện tình lãng mạn trong một bối cảnh xã hội thủ cựu, khắc khe. Nhưng chàng và nàng đã yêu nhau bất kể hoàn cảnh cách trở trái ngang. Cả hai cuộc tình đều kết thúc bằng cái chết bi thảm. Cũng may những cuộc tình nầy chỉ là kết quả hư cấu của người viết. Nếu hầu hết những cuộc tình thật sự trên cõi đời nầy đều có đoạn cuối như thế cả, thì nhân loại bây giờ chắc đã ghi tên trong danh sách sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Trở về thực tại, có rất nhiều cuộc tình thuận thảo và đã dẫn đến kết quả là hôn nhân và gia đình. Ở Mỹ theo thống kê của National Center for Health Statistics, năm 2009 có 2,077,000 uyên ương kết hôn, với tỉ số hôn nhân là 6.8 trên 1,000 tổng số dân, và những căp kết hôn xong ly dị với tỉ số 3.4 trên 1,000 tổng số dân. Con số cho thấy hậu vận của phân nửa số chú rể cô dâu tại Mỹ là đưa nhau ra toà ly hôn.

Thường những cuộc tình đã đưa đến hôn nhân rồi ly dị thì đoạn cuối cũng khá thê thảm. Đây là lúc phải nhờ đến luật pháp, và đương nhiên cần đến luật sư và tòa án để giải quyết những dị biệt mà khi lấy nhau cả hai đều không dè. Nàng có thể than ai mà dè chàng trác táng tới vậy. Còn chàng thì kể, ai hay nàng có thể điêu ngoa tới vậy.

Tôi xin kể với các bạn đoạn cuối một cuộc tình Việt Nam có thật trên đất Mỹ chứ không phải hư cấu. Đây là một cuộc tình đã đưa đến hôn nhân mỹ mản. Một cuộc tình không kết thúc ở tòa án, cho nên không có luật sư và không có ly dị. Cuộc tình này tuy không lâm ly bi đát, nhưng đến đoạn cuối thì cũng khá khá bi lụy.

Chàng và nàng lấy nhau từ thuở còn son. Nàng xinh gái, là tiểu thư nhà giàu miền nam, được cho học gia chánh, nữ công đầy đủ, nên thêu thùa bếp núc nấu ăn là nghề của nàng. Chàng đẹp trai, cũng từ gia đình giàu có, môn đăng hộ đối. Chàng học trường Tây, vô nhà binh từ hồi mới thành lập Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Vì không chịu theo đảng Cần Lao Nhân Vị thời Đệ Nhứt Cộng Hoà, nên chàng không được thăng cấp lên tướng. Tuy nhiên chàng vẫn là một sĩ quan cao cấp nên cuộc đời chàng và nàng khá thoải mái.

Đương nhiên sau khi lấy nhau, nàng nấu cho chàng ăn đủ hết các món khoái khẩu miền nam, cũng như các món ăn Tây Tàu nàng học được ở các trường gia chánh. Nghe đến đây các đấng nam nhi ở Mỹ thời nay chắc đã bắt đầu ao ước phải chi vợ tui được vậy! Thấy ham thiệt, lý tưởng quá, đi làm mệt về nhà có người nấu cơm ngon cho ăn, còn gì hạnh phúc hơn trên đời. Keep dreaming, cứ tiếp tục ước mơ đi các đấng nam nhi ơi! Vì giấc mơ đó hiếm khi thành sự thật, hoặc đôi khi có thành sự thật thì cũng hơi phũ phàng.

Rồi thế là chàng và nàng sống bên nhau, cuộc tình kéo từ Việt Nam thời ông Diệm cho tới khi qua Mỹ thời Obama. Chàng và Nàng không nặng nhẹ hơn thua, vì chàng lúc nào cũng biết định đề chịu thua trước đỡ hơn thua sau.

Qua Mỹ chàng và nàng sống cũng khá thoải mái. Ở Mỹ, mặc dầu đi làm full time bận rộn nhưng nàng vẫn tiếp tục nấu cho chàng ăn như khi ở Việt Nam. Đất Mỹ hồi thời mới khai thiên lập địa đâu có rau thơm, mồng tơi, lá lốt (làm thịt bò lá lốt), vân vân, để chờ đón dân tị nạn Việt qua. Nên chàng ra công xúc đất trồng rau để cung cấp rau cải Việt Nam cho nàng. Sau ngày làm việc, nàng nấu, chàng ăn, chàng rửa bát, một cuộc sống bình đẳng thái hòa, một cuộc tình hạnh phúc tuyệt vời. Bên nhau được hơn 50 năm, bây giờ cuộc tình mới bắt đầu lâm ly bi lụy.


Nàng mang chứng bệnh đường cao, nhưng vẫn thích làm bánh ngọt, nấu chè điều chi.Mặc dầu được chàng săn sóc thuốc men cho nàng kỹ lưỡng, nhưng căn bệnh trường kỳ từ từ tác hại nàng. Bệnh nặng dần, lấy bớt đi thị giác của nàng, nên nàng phải nghỉ việc.Tuy nhiên còn hơi sức, nàng vẫn tiếp tục nấu nướng đều đặn hàng ngày.

Thế rồi chàng tới tuổi hưu trí và nghỉ hưu, chàng và nàng bắt đầu cuộc sống nhàn tản. Chàng trồng rau chăm chỉ hơn, và nàng nấu nướng cũng chăm chỉ hơn. Mỗi ngày chàng chăm lo cho nàng, chích thuốc cho nàng không thiếu sót. Chàng và nàng khắng khít như bức ảnh đôi lứa (đính kèm.)

Theo năm tháng bệnh tình nàng tác hại thêm. Đến khi thận suy không chịu hoạt động nữa, nàng phải đi lọc máu mỗi tuần ba lần. Và mỗi tuần ba lần chàng thức từ lúc gà chưa gáy, tức khoảng ba bốn giờ sáng, ở Mỹ phải coi đồng hồ mới biết giờ gà gáy, chuẩn bị cho nàng chu đáo. Khăn gói quả mướp chàng lái xe đưa nàng lên nhà thương, xong chàng trở về nhà nghỉ vài tiếng, sau đó trở lên nhà thương đón nàng về.

Ngày khỏe nàng rán nấu để dành cho chàng ăn ngày nàng đi lọc máu không khỏe. Cho đến khi không còn ngày nào trong tuần nàng còn khoẻ. Nhưng cũng không sao, nàng vẫn tiếp tục nấu ăn hàm thụ cho chàng, có nghĩa là chàng vô bếp làm theo lời nàng chỉ dẫn. Nếu các bạn ăn bánh mì chiên tôm món ruột của nàng, các bạn sẽ không biết là do tay chàng làm. Thiệt tình là vậy.

Cuộc sống hàng ngày với các món ăn hàm thụ tuy vậy vẫn êm ấm ngọt bùi, thỉnh thoảng hơi bị gián đoạn đôi chút khi emergency nàng phải lên nhà thương nằm ít hôm. Hai năm nay nàng nằm nhà thương đều đặn hơn. Chàng bây giờ đã hơn 80 tuổi, tuy yếu nhưng vẫn còn lái xe được và lên xuống nhà thương theo nàng cũng đều đặn. Còn nàng, nàng cố quên đi những đớn đau thể xác để sống bên chàng.

Tuy không còn sức khoẻ tốt, nhưng nàng vẫn không buông xuôi, vẫn luôn ước mong, hy vọng được sống tới đứa cháu nầy ra trường, đứa nọ đám cưới. Hope brings life. Hy vọng mang sức sống. Cho đến khi, một hôm chàng thấy hơi khó chịu bụng dưới nên đi bác sĩ. Sau một đợt thử nghiệm, bác sĩ phán chàng bị ung thư.

Hôm chúng tôi nghe chàng bị ung thư mổ sơ khảo nghiệm có tới thăm. Thường thì tới thăm chốc lát thôi rồi về. Nhưng hôm đó chúng tôi ngồi lại hơi lâu. Khác hẳn những lần tới thăm trước, lần đó chàng và nàng tâm sự hơi nhiều, nhứt là nàng kể đủ chuyện. Đương nhiên những mẩu đối thoại bây giờ đã vượt ngoài khuôn khổ lãng mạn.

Nàng kể cây chanh ngoài patio chàng mua ở Home Depot tuần rồi ba mươi mấy đồng cho được sáu trái. Cười cười nàng nói, tính ra chanh một trái năm sáu đồng nhưng thấy trái trên cây cũng ham. Từ khi nàng không còn khỏe, chàng và nàng đã bán căn nhà lớn, dọn về một condo nhỏ với cái patio và một mảnh đất sau chật hẹp. Cây trái chỉ còn vài cây chọn lựa trồng trong chậu.

Nàng nhắc căn nhà cũ, trong vườn sau chàng có trồng cho nàng mấy cây mãng cầu xiêm có trái thơm ngọt, mấy cây thanh long trái ra nặng trỉu oằn cả cành cây, nhớ lại còn ham. Chàng có trồng mấy cây cóc cho trái chua lè, nàng hay bẻ lá cóc non vào gói bánh xèo ăn chua chua như đọt lụa Việt Nam. Mấy cây đu đủ chàng trồng để bẻ lá gởi bưu điện cho bạn đồng liêu xưa dùng trị liệu chứng ung thư đang làm khổ ông bạn lúc đó. Nàng nhớ mấy cây ngọc lan cho bông thơm nưc; ngọc lan rất khó trồng nhưng chàng vẫn trồng được, mỗi năm chàng chịu khó khuân cây vào green house che giá lạnh mùa đông. Mấy cây quỳnh hoa chàng trồng cho cả chục cái bông nở về đêm, từng cái to như cái tô với những cánh bông mỏng manh tỏa hương thơm ngát. Nàng nhớ cái bồn bông súng, mớ rau càng cua, rau đắng, rau ngổ lá lốt chàng trồng.

Nàng kể, và kể thật nhiều những kỷ niệm. Ngày chàng và nàng từ Việt Nam, ngày chàng và nàng mới đặt chân lên đất Mỹ, đến chuyện vui buồn khúc quanh cuộc đời làm việc trong hãng xưởng Mỹ. Sau cùng cũng đến chuyện hiện tại. Nàng kể chàng bây giờ phải lo theo trị liệu thì không có thể theo chăm sóc nàng được, nhưng cũng bảo bây giờ nàng sống đủ rồi không còn tiếc nuối chi, nàng muốn ra đi cho rồi. Chúng tôi giả lả khuyên nàng đừng lo nhiều. Nhưng thiệt tình mà nghĩ, tình cảnh chàng và nàng cũng khó khăn. Trời hơi khuya chúng tôi cáo lui để cho chàng và nàng nghỉ ngơi. Nàng bảo không sao đâu, già không ngủ nhiều.

Hôm sau tôi được điện thoại về nàng. Trên đường chàng lái xe đưa nàng đi lọc máu sáng hôm đó, nàng đã ra đi không trở về. Đó là đoạn cuối một cuộc tình Việt trên đất Mỹ.

Chúc Chân

Ý kiến bạn đọc
30/07/201201:01:24
Khách
Gởi Thiện Ý - Tác giả viết với giọng chân thành chất phát Nam Kỳ "thiệt tình là như vậy" (matter of fact). Thiện Ý có thể nghe qua giọng đọc của Hoàng Tín dưới đây, vừa vui và vừa buồn, chuyện đời... Chúc Chân
http://saigonradio890am.com/?q=content/d%E1%BB%8Dc-truy%E1%BB%87n-do%E1%BA%A1n-cu%E1%BB%91i-m%E1%BB%99t-cu%E1%BB%99c-tinh
10/07/201200:46:10
Khách
Một chuyện tình rất cảm động với 1 đoạn kết buồn. Chỉ có điều câu truyện buồn như vậy mà tác giả viết theo lối văn hài hước tôi thấy không hợp chút nào. Xin mạn phép bầy tỏ chút ý kiến như vậy!
03/07/201214:16:41
Khách
Câu chuyện rất là hay và lâm ly bi đát nhưng có điều là khi đọc xong thì tui không dám ăn ngọt như bây giờ nửa, phãi hạn chế thói quen ăn ngọt lại.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 93,258,739
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Cô định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. đầu thập niên 90, hiện là cư dân Berry Hill, Tennessee, làm việc trong Artist room của một công ty Mỹ. "Cha và Con" là chuyện về một "tổ ấm thời chiến" ở Hồng Hoa Thôn, Đà Lạt, nơi một cô bé lai Mỹ bị cả cha lẫn mẹ bỏ rơi, đang sống trong một buôn Thượng, trong khi người cha là một kỹ sư thành đạt, giầu có tại nước Mỹ. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Quý Tỵ 2013.
Với “Hồi Ức Tháng Tư Của Long Mỹ,” cùng viết với người cháu là Hải Quân Trung Tá Paul LongMy Choate, Trương Kim Hoàng Thư đã nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ 2011. Là một kỹ sư điện, cô hiện làm việc tại DPW-LACO. 
Trương Ngọc Anh (hình bên) đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002. Bài và hình ảnh được thực hiện theo lời kêu gọi của chương trình Foodbank tại Quận Cam: "Nếu biết ai đó cần sự giúp đỡ, xin vui lòng hướng dẫn vào chương trình trợ giúp của chúng tôi." Vào những ngày cuối năm, tác giả đã có dịp trở lại khu phát thực phẩm trợ cấp tại một nhà thờ, thấy rau quả tươi, thực phẩm phong phú,các thiện nguyện viên tiếp đãi ân cần.
Tác giả tên thật Linda Hoa Nguyễn, sinh năm 1950, đến Mỹ năm 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, hiện sống ở Bắc Cali. Thư kèm bài viết về nước Mỹ đầu tiên, bà cho biết "Tôi tốt nghiệp đại học ngành Early Childhood Education tại Chapman University California hồi tháng 5, 2012 khi tôi vừa tròn 62 tuổi.
Tác giả Lê Thị, người nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2012 chính là Calvin Trần, nhà thiết kế thời trang gốc Việt nổi tiếng trong dòng chính.
Tác giả ba mươi tuổi, sinh năm 1982 tại Việt Nam, du học Australia từ 2007. Sau khi học xong từ đầu năm 2012, hiện sống tại Flemington, Victoria. "Một chị bạn từng sống một thời gian ở Mỹ khích lệ tôi viết văn trong lúc nhàn cư vi.
Chú Sáu Steve Brown chính là "người Mỹ yêu tiếng Việt" mà tác giả Donna Nguyễn đã kể trong bài "Việt Bút, Việt Báo và Chú Sáu." Báo xuân năm Thìn, khi nhắc tới tài làm thơ Việt của ông, Khôi An viết: "Tôi gọi ông là chú Sáu thay vì Mr. Steve Brown. Chú Sáu đã từng đóng quân ở Việt Nam, nơi đó chú đã gặp thím Sáu."
Tác giả sinh năm 1980, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu 2000, đã nhận giải Chung Kết 2008 với bài “Chuyện Của Cây Vông”. Thụy Nhã (hình bên) hiện làm việc trong một bệnh viện tại Nam Cali. Sau đây là bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Quý Tỵ, hiện đã phát hành khắp nơi.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, 2000, nhận giải bán kết năm 2001, thêm giải Việt Bút 2010, và đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả là cư dân vùng Little Saigon, liên tục góp bài cho giải thưởng Việt Báo từ nhiều năm qua, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Bài gần đây nhất của Tịnh Tâm là “Cu Đất”, kể chuyện đi dự đám cưới cô bạn tên Nhã, tình cờ nhận ra chú rể tên Jonathan chính là đứa em nuôi ngày xưa tên Cu Đất, biệt tích từ nhiều năm, sau một chuyến vượt biển. Sau đây là hồi hai câu chuyện.
Nhạc sĩ Cung Tiến