Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Riêng Mình Một Tiệc Tạ Ơn

07/12/200300:00:00(Xem: 235453)
Người viết: Hồ Phi
Bài tham dự: 419-958-VB431203

Người viết: HỒPHI, 67 tuổi, cư dân Fountain Valley, Orange County, CA. Cựu giáo sư, cựu VGS. 12.4 D.A.O., Saigon. Thuyền nhân đến Mỹ tháng 10-1976. Cựu EW 2. DPSS., Los Angeles County. Ông là tác giả bài “Thình Lình Đui Mắt” một bài viết rất cẩn trọng, sâu sắc, đã được trao tặng giải thưởng Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất của ông, về quan hệ giữa bố mẹ già và con cái lớn tại Mỹ.

Trong dịp Lễ Tạ Ơn vừa qua, Tân một mình ghé quán phở đường Bolsa dùng trưa. Vì đông khách, chủ quán dùng một dãy bàn dài đặt ngay cửa vào, coi như bàn chung của những thực khách đi riêng rẽ. Cứ ghế nào trống thì một thực khách được xếp vào, bất kể là ai. Tình cờ, Tân được sắp ngồi đối diện với một bà khoảng ngoài sáu mươi đang ngồi ăn cơm. Tân lịch sự chào bà nầy trước khi ngồi xuống, xong kêu tô phở như thường lệ. Nhìn sang phía bà nầy, Tân lấy làm lạ, sao bà nầy ăn trưa chỉ có một mình, mà sao lại gọi lắm món thế, không giống ai cả. Vốn quen nghề thẩm vấn điều tra, Tân vui vẻ gợi chuyện: "Bà thường ăn trưa ở đây không"" Bà đáp: "Lâu lắm mới sang đây, nay ăn bữa cho vui rồi mai về." Nghe tiếng Huế cùng miền, Tân đã hiểu một phần lý do: Người Huế vẫn còn ảnh hưởng tục vua chúa, tuy không ăn uống nhiều hơn ai, nhưng lại thích có nhiều món trong một bữa ăn, dù nhiều ít. Tân hỏi tiếp: "Vậy bà không phải người ở đây sao"" Được lời như mở tấm lòng bà đáp: "Hồi trước tôi cũng có ở Cali, thỉnh thoảng cũng đến đây ăn. Kỳ thanksgiving nầy sang thăm Cali, sẵn đi lang thang, ghé vào đây ăn rồi mai về Texas."
À, thế tôi mới hiểu thêm lý do: Bữa ăn nầy coi như "Thanksgiving party" của bà. Từ từ, Tân tiếp: "Bà thấy vùng nầy bây giờ có vui không"" Nghe giọng Tân cũng là người miền Trung, hay hỏi và chịu nghe, cảm như thể người thân, bà mới vừa ăn, vừa lai rai nói chuyện như để giải tỏa nỗi lòng u uẩn khôn khuây của mình. Tân để ý nghe và thuật lại đại khái như sau:
*
Từng đã bị kinh hoàng qua trận Mậu Thân, nên khi Việt Cộng sắp tiến chiếm Huế vào mùa xuân 1975, vợ chồng bà bồng giắt bốn con chạy thí mạng xuống thuyền đói khát, may mắn thoát vô Vũng Tàu. Rồi tiếp đến, lại thuê thuyền ra hạm đội Mỹ, sang Guam, rồi định cư tại Nam Cali nầy từ hồi 1975. Con cái dần lớn khôn, ăn học thành tài và có công ăn việc làm tốt. Vợ chồng bà đều có học thức nên hội nhập vào đời sống Mỹ dễ dàng. Cả hai đều làm cho hãng xưởng kỹ nghệ. Chẳng may bà bị tai nạn thế nào đó và trở thành tàn phế, bà được bồi thường số tiền gần vài trăm ngàn, bà đã chia cho bốn con để chúng làm vốn, down mua nhà cửa ở vùng Nam Cali.
Sau chồng bà phải theo việc làm, dọn sang Texas, bà cũng theo sang đó định cư luôn. Lâu nhớ Cali bà cũng muốn quay sang chơi, thăm con cái và gặp lại người quen cũ, dạo nhìn lại những cảnh mà bà ưa thích, để gợi lại những kỷ niệm yên bình đầu tiên, khi gia đình bà mới đặt chân trên quê hương thứ hai nầy.
Cũng đã nhiều năm qua, nay nhân dịp lễ Tạ Ơn, ông nhà phải về thăm Viêtnam lo chuyện gia tiên mồ mả. Ở nhà một mình buồn, bà ra sân bay, standby chầu chực, đáp chuyến bay từ Texas về Cali chơi và ghé thăm mấy người con.
Đầu tiên bà đến nhà người con trai út. Cậu nầy chưa vợ. Nhà cậu thường có bạn gái đến chơi. Nay sợ có bà ở đó làm mất tự do, sợ bạn gái phiền, nên cậu ta không muốn tiếp bà. Cậu khéo léo khuyên bà đến ở với các anh chị, tiện hơn, lấy lý do cậu bận việc không tiếp và lo cho bà được.
Bàø đến người con trai áp út, nhà ở trên đồi sang trọng, nhưng cách trở Bolsa nơi bà muốn lui tới, vả lại bà không hiểu vợ chồng anh nầy nghĩ gì và làm gì, cứ lái xe đi cả ngày, về đến nhà thì ngủ, không nói gì đến bà, không màng lo chuyện cơm nước gì cả, cứ để mặc bà thui thủi một mình, không hề hỏi đến. Quán xá thì xa, không ai đưa đi, đường xe bus chưa rõ. Bà thấy nhà sang trọng nên cũng ngán, cái gì bà cũng không dám sờ vào vì sợ hư hỏng hay nhớp nhúa, con dâu sẽ phiền. Nhà cửa trên đồi nhìn xuống lũng rất đẹp, cuối thu trời gió lạnh, nhưng không mở sưởi điện, sưởi gas nào hết. Bà hỏi, thì được cho biết, lò sưởi hư. Bà thấy cảnh nầy vừa lạnh ngoài thể xác, vừa lạnh trong tâm tư nhiều hơn, và nghĩ đi thanksgiving sum họp mà cảnh nầy quá buồn. Cảm thấy con và dâu không muốn tiếp mình, nhưng chẳng lẽ chờ chúng đuổi đi. Một mình ở nhà, bà gọi taxi đến nhà người con gái lấy chồng Mỹ.
Đến đây, người con rể Mỹ thấy bà mang bị đến, chỉ nhìn bà và "Hi" một tiếng rồi tỉnh bơ coi như không có bà. Con gái bà biết ý chồng, không muốn khách khứ nhà quê quấy rầy. Nhà chỉ có ba phòng ngủ, cũng chỉ đủ cho vợ chồng cô ấy và hai con mỗi đứa một phòng. Để bà ở chung phòng với cháu, sợ bà già cả sùi sụt lây bịnh, nên cô tìm cách thoái thác, bảo bà rằng vợ chồng cô và hai đứa cháu sắp sửa đi Big-Bear vacation trượt tuyết và khuyên bà nên tạm sang ở với người anh trưởng. Xong lấy xe chở thả bà trước sân căn nhà lầu của người con trưởng, lớn rộng cả đôi ba lần căn nhà trung bình.
Lâu ngày gặp lại mẹ, thay vì vui mừng, mời mọc chở bà đi chơi hay hàn huyên tâm sự, hỏi thăm chuyện người nầy người khác, hoặc sắp đặt chỗ ăn ở một cách thân tình, nhưng chỉ sau một tuần trà nước với vài chuyện qua loa, vợ chồng người con trai cả trách bà: "Sao mạ muốn sang chơi không appointment hẹn trước để chuẩn bị. Nhà còn một phòng trống nhưng cô em vợ đã gọi reserve rồi, tối nay từ New York cô ấy bay sang. Vợ chồng con đã hứa dành sẵn cho cô ấy ở đây vacation trong dịp lễ thanksgiving này, vậy đâu còn phòng nào cho mạ ở. Vậy phiền mạ sang ở đỡ với mấy em con."
Nghe thế, bà bối rối vài giây. Lấy lại bình tĩnh, bà nói không sao để má chơi đây ít phút rồi má đi. Dạo thăm sơ, sau trước căn nhà, rồi bà nói đỡ gượng: " Ờ con gọi giùm cho mạ chiếc taxi mạ đi ". Thấy bốn người con đều không ai muốn welcome mình, bà bảo taxi đưa đến một motel ở vùng Little Saigon và bà được nơi đây welcome nồng ấm.
Rồi từ hôm đó bà đi lông bông dạo chơi shopping, ngắm cảnh trí, thăm vài bà bạn cũ rồi về motel nghỉ. Trưa nay đến quán nầy bà gọi bồi bàn dọn cho bà một "thanksgiving party"giữa những quán khách xa lạ ồn ào. Rồi mai bà sẽ sayonara California, giữa trời cuối thu tê tái, cũng có thể là lần cuối.
Nghe bà vừa ăn vừa kể, với một giọng Huế nhẹ nhẹ buồn buồn, khiến Tân cũng buồn lây và tìm lời an ủi bà ta, bằng cách nói: "Tỵ nạn sang ở xứ nầy, hầu hết là vậy, hơi đâu mà buồn, cũng do mình một phần là không appointment trước mà thôi, nhiều người còn gặp trường hợp trầm trọng hơn bà nữa, nhưng người ta không nói ra vì sợ xấu hổ mà thôi. Phần đông cũng có ít nhiều gặp hoàn cảnh như vậy, bà nên tỉnh bơ đi chơi cho vui rồi mai về." Bà nói "Ra đi là kể như chìm biển đông mà". Tân phụ hoạ "Sau bao năm chiến tranh, bom đạn, chạy giặc qua biển cả hiểm nguy, bà còn sống sót đến bây giờ tại Mỹ là vui rồi. Hơi nào mà buồn. Miễn sao bà được mạnh giỏi và minh mẫn là tốt rồi, còn mọi thứ khác, sao cũng được thôi." Nghĩ bà cũng rành chuyện xưa, Tân nhắc lại vài chữ trong câu đối của danh sĩ Ngô Thời Nhậm: "..Thời thế thế thế thời phải thế". Mỗi nơi đều có phong tục và văn hóa khác nhau, có khi hoàn toàn trái ngược là chuyện bình thường. Thanks mà bà đã giving rồi thì còn gì mà thanks nữa nên là no thanks, đừng nghĩ đến nữa. Người da đỏ đã welcome và giúp người da trắng, người da trắng đã quay lại đàn áp người da đỏ. Người đi nhờ đò chùa vượt sông biển, đến nơi không cảm ơn người lái đò, còn lấy ơn làm thù xài tiền Đức vung vãi trả công là chuyện thường có."
Nghe và nói đến đây, tô phở cũng đã ăn xong, Tân vội chào từ giã, lại quày trả tiền, và bước ra khỏi quán, rộng chỗ cho những khách đang chờ.
*
Trên đường lái xe về, suy nghĩ về chuyện bà nầy, Tân nhớ đến chuyện mình lúc trước, bỏ quê, tay trắng đến Saigon mưu sinh, kiếm một chỗ cư trú cho gia đình thật rất khó khăn. Nhưng sau nhiều năm, Tân đã có một căn nhà, nhỏ hơn garage để hai xe của Mỹ nầy. Nhưng bà con xa gần quen biết ở quê, mỗi lần đến Saigon vì bất cứ công việc gì, họ đều ghé trọ lại năm ba ngày. Có khi một lúc đến mười mấy người, mà vẫn có đủ chỗ ngủ nghê, cơm nước. Tân không lấy đó làm phiền mà còn lấy làm hân hạnh được dịp gặp lại và giúp đỡ cho họ khỏi phải tốn kém, và thường khi còn chở họ ra quán xá đãi đằng.
Tân còn biết một người đồng hương, chồng làm thợ hồ, vợ gánh nước mướn ở Saigon lúc trước, nhà cửa bằng cái garage, chật chội nhưng lúc nào khách từ quê đến cũng có thể tạm trú, cơm nước được mời mọc miễn phí.
Còn ở California nầy, những căn nhà mới thường rộng hơn cái đình làng quê ta, nhưng chỉ thêm một, hai người ở tạm vài hôm lại không được, đó cũng là một nét tương phản, nhất là ở giới chuyên môn và khá giả. Khiến Tân bâng khuâng suy nghĩ giữa hai thái cực. Một bên là chỗ nghèo chật, lại rộng lòng, còn ở xứ nầy lại trái ngược: chỗ ở giàu rộng, nhưng hẹp lòng. Âu cũng là một khía cạnh khác về nước Mỹ.


Giới tị nạn già hết khả dụng, thường bị con cháu bạc đãi.
Nhắc đến chữ hẹn trước (appointment), Tân nhớ lại chuyện ông giáoTrung nhà ở Cerritos, là một bạn thân, đã tâm sự về chuyện lỗi lầm của mình, vì đã ghé thăm nhà con mà không hẹn trước, và thái độ cứng rắn trong cư xử của giới chuyên môn trí thức trẻ Việt Tỵ Nạn ở Mỹ. Câu chuyện về giáo Trung Tân nhớ như sau.
Lão giáo Trung nhà ở Cerritos, sau khi mất việc lần cuối, tuổi cũng gần 60, sức khỏe cũng còn tốt, tinh thần còn minh mẫn, tiếng Anh nói viết cũng còn khá, vì lúc trẻ đã làm chuyên viên bên cạnh các sĩ quan hành chánh Mỹ cũng lâu. Sau vài năm tìm việc lại, khắp mọi nơi đều không được. Đến lúc thấy mình càng ngày càng lỗi thời, biết chắc không ai mướn nữa, ông bỏ cuộc và nghỉ luôn. Xong nghĩ ra cách khác, làm việc ở nhà, và vì thế thì giờ được tự do hơn. Lão biết làm đủ thứ lặt vặt, trí tuệ, lẫn chân tay rất handy. Nên lão thường được các ông bạn già khác mượn làm không công, sửa chữa và đủ thứ lặt vặt linh tinh, như lái xe đưa đón phi trường, chở đi chơi, chụp hình, quay video, làm đơn từ, leo mái nhà gắn antene, sửa cửa, sửa điện, .. tạp nhạp.. chùa. Lão Trung rút ra một nhận xét rất là ngộ, trong khi tiếp xúc vài nhân vật khoa bảng cũ, ăn nói ngon lành tự tin tự đại, thông thái chuyện cao xa, nhưng những việc lặt vặt thông thường trong đời sống hằng ngày họ lại không biết. Nên lão Trung trở thành một loại tay chân hay cố vấn vặt, tạp nhạp, dùng đỡ, nhờ chùa khỏi tốn tiền.
Một hôm Cụ giáo Đại, là một bạn quen, có business ở Little Saigon do vợ điều hành, có nhà ở Laguna đến thăm giáoTrung, mời chở Trung xuống nhà mình chơi cho biết, cốt nhờ Trung thay giùm hệ thống đèn hộp trong buồng tắm và nhà bếp. Xong việc, Đại chở Trung trở về, đang trên freeway, mui xe Đại long ra vì Đại sơ ý đóng không kỷ. Sợ mui xe bung trên freeway nguy hiểm, hai ông chạy ra exit để đậy kỹ lại.
Nhưng xui cho giáo Trung, tình cờ lại ra trúng exit dẫn vào đường nhà con gái lão. Sẵn tiện, Trung lại rủ Đại ghé vào nhà con mình chơi. Vốn thấy nhà con mình to lớn đẹp đẽ, sang trọng, Trung cũng muốn khoe sự thành công của lớp trẻ cho giáo Đại thấy chơi. Vì Trung lối giờ có tính ưa phát huy và trưng bày cái gì tốt đẹp. Hình như lão không có gì dấu cả, biết điều gì tốt, lạ lão đều loan truyền. Đáng đáng lẽ nên giấu giếm thì hay cho lão hơn, nhưng lão không làm thế, nên đã bị nhiều di lụy lâu dài. Nhưng "Dở hay âu cũng tính trời biết sao".
Sau tháng Tư, 1975, Trung ra làm nghề thuyền chài, đưa đám con nít vượt biển khá sớm. Sang đây bận rộn đưa đón, yểm trợ và thúc đẩy việc học hành của chúng rất tích cực, nên lão cũng chả làm ăn được gì khả quan. Hay cũng có thể lúc trước gian nan lăn lộn suy nghĩ nhiều quá, nên đầu óc đã cạn. Hay như người ta nói: "Đời người chỉ phát có một lần" mà lão đã phát rồi. Sang đây lão đã nhụt hết tinh thần. Lão trở lại hy vọng vào đám nhỏ, và xem như đã tới hồi "change de garde". Nghĩ rằng chúng thành công, coi như chính mình thành công. Nói vậy nhưng không phải vậy..
Lão có cô con gái sinh ra thể chất mạnh khỏe và tâm trí thông minh. Lúc nhỏ mới bắt đầu đi học vài bữa đã về viết lên bảng dạy lại cho em những chữ mới học như một thầy giáo. Hết tiểu học, chưa đủ tuổi để được thi đệ thất, lão lại chơi trội, xin hiệu trưởng một trường công lập có tiếng ở Saigon, cho thẳng vào lớp đệ lục, thêm lên một lớp. Vì nể nang lão, hiệu trưởng cũng phải phá lệ, chấp nhận, cô bé vào học chiếm hạng nhất, nhì. Cô bé còn học cổ nhạc, piano, thêu bông, cắt may quần áo, bếp bánh, tiếng Anh, tiếng Pháp, lung tung, học đâu giỏi đó, chỉ thiếu có môn võ thuật mà thôi vì bị cậu anh ngăn cản, sợ cô đánh bậy. Lúc cô còn tiểu học đâu đã có nhiều ý kiến và ngôn ngữ, nhưng lão đã thử dạy Đường thi và bảo thực tập làm thử. Cô làm được ngay, lão rất ngạc nhiên. Lời lẽ ăn nói rõ ràng, viết lách đâu ra đó, có thể nhân tài về sau.
Năm 16 tuổi dưới thuyền mới lên đất Mỹ, năm 24 tuổi đã tốt nghiệp chương trình cần hơn 8 năm tại một trường Đại học lớn, mà sinh viên Mỹ sinh trưởng học hành cỡ giỏi ở đây phải ít nhất 26 tuổi mới đạt tới được. Khi con lão tốt nghiệp, lão sắm một ống kính télé tốt, flash mạnh, ngồi dưới xa cũng chụp được một tấm hình rõ ràng, đúng lúc khoa trưởng trao bằng, về làm ra poster treo hù đám con nít trong nhà. Vì thời lão, lão được sinh ra và lớn lên gặp lúc, gặp nơi lắm bom đạn chiến trận, nên lão học hành cóc nhái, lóm đóm. Lão chán ghét, không theo CS cũng không theo QG, lão một mình một đảng, một chính phủ. Lão giỏi nhất có mỗi một nghề tránh giặc. Đối với lão, phía nào cũng không phải phe ta. Nếu bị bên nào chụp được, thì lão chỉ có từ chết tới bị cùm rục xương. Nhưng số lão may, đã ung dung trót lọt. Từ quê đến tỉnh thênh thang tự tại, từ Saigon vượt Nam Hải mang đủ gia đình sang đến Mỹ. Lão không có tài cán gì để nói, nên ráng tạo cho con mình có điều kiện tốt hơn và hy vọng chúng sẽ làm nên những chuyện ngoạn mục hơn, mà lão hằng mơ ước từ lúc thiếu thời.
Nay tiện xe chạy ngang, lão Trung dẫn giáo Đại vào nhà con lão chơi, hôm ấy là chiều ngày làm việc, không có con hay rể lão ở nhà. Thấy hai đứa cháu nhỏ mở cửa garage chạy chơi loanh quanh nhà với người quản gia. Hai người vào chơi, mời nhau ly nước và đưa giáo Đại đi loanh quanh ở tầng dưới và sân trước, vườn sau, ngắm nhìn vì nhà to đẹp sang trọng hơn nhà giáo Đại ở Laguna nhiều. Tất cả khoảng hơn 10 phút, xong chào tất cả ra về.
Linh tính thấy có điều gì không ổn. Tối đó con gái lão về nhà gọi phone, hạch hỏi lão về chuyện không có appointment và không được sự đồng ý trước, sao lại tự tiện ghé đến nhà. Lão phân trần gì cũng bị bác bẻ, không được bỏ qua. Bị lời lẽ tấn công tới tấp, như tát nước vào mặt, lão có cảm giác khủng khoảng như lúc còn ở dưới "vùng oanh kích tự do" là nơi bom thừa, đạn thử gì cũng có thể tuôn xuống đó, trong thời chiến tranh, hoặc giống lúc lão từng đã bị xỉ vả, mắng mỏ lung tung bởi đám đông khi CS chuẩn bị phát động cải cách ruộng đất. Nào là "rảnh rỗi đi lông nhông, vô tích sự, chỗ tư gia riêng biệt, dẫn bọn vô nghề rỗi nghiệp, đầu trộm đuôi cướp đến nhà, sẽ bảo người làm không mở cửa cho vào." Lão biết việc đã lở rồi không sao rút lại được, thanh minh, thanh nga gì cũng chẳng yên. Lão lắng nghe một hồi, tới lui cũng là khinh khi nặng lời, về lỗi lão đã đến nhà. Cuối cùng lão nói, lời "xin lỗi, chuyện cũ lỡ rồi có nói mấy cũng không làm sao được, chỉ một lần trong đời, sẽ không xảy ra nữa", rồi cúp phone. Chứ còn giữ nghe phone thì cũng toàn lời miệt thị xài xể nặng nề vậy thôi. Lão cũng hiểu là giới trẻ sang đây có cơ hội để thành công, dễ có việc, dễ giàu sang, nên chúng đâu có hiểu nổi hoàn cảnh thế hệ cha chú, cỡ năm sáu bảy mươi tuổi, tiếng Mỹ có giọng ngoại quốc, không dễ gì khi đã mất việc mà có thể trở lại thị trường lao động. Nên bị chúng khi dễ muốn nói gì thì nói, muốn giảng morale gì thì giảng. Tuy rằng cũng chẳng xin xỏ, nhờ vả, phiền hà gì chúng chuyện gì. Chúng không thể biết thế hệ cha chú đã chịu bao nhiêu gian khổ mới đưa chúng sang đây. Nhớ thuở trước trong vùng Việt minh, cán bộ thấy ai không phải là nông dân cày ruộng hoặc không a dua phục dịch họ, mà vẫn có sống, thì họ tổ chức phiên họp nhân dân, bình nghị sắp vào thành phần lưu manh, bắt đi khai khẩn núi rừng. Nên phải ráng hì hục hầu hạ họ trước thì mới yên...
Trong khi nhà riêng lãoTrung, con cái đứa nào cũng đã có chìa khóa muốn vào ra bất kỳ lúc nào cũng được. Sao nhà chúng, không appointment mới đến một lần mà dữ dội quá. Hình như đã thành thượng lưu trí thức, tâm tình đổi khác chăng.
Một lần bị vậy, khiến lão tởn đến già, lão không còn muốn đi đâu, và không muốn đến thăm bất kỳ nhà ai nữa hết. Và sau đó, lễ lộc, thanksgiving, Christmas, sinh nhật cá nhân, open house đổi nhà mới tốt hơn thêm, không mời hay có mời, lão cũng ngán sợ không tới dự nữa. Về sau bà con có ai hỏi nhà con lão ở chỗ nào, lão nói là không biết. Lão lại bị cho là vô lý, và nói lão không thành thật, làm lão lại thêm bực mình.
Và từ đó, thường năm giáo Trung cũng hay có những bữa tiệc Thanksgiving hay Christmas parties tổ chức theo lối "One-man party" nơi quán xá theo kiểu "One-woman party" của bà già Huế vừa được kể ở đoạn trên.
*
Sẵn hôm nay, ngày Thanksgiving vừa qua, nghe Tân kể vài chuyện nầy, nên người viết ghi lại vài nét đối xử trong gia đình người Việt tỵ nạn tại Mỹ đương thời. Thật không giống Mỹ mà cũng chẳng giống Việt. Một thứ văn hóa rất là bối rối.
Thôi thì:
"Trăm năm về trước không ta,
Trăm năm sau nữa trẻ già hư vô..."
HỒ PHI

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 59,242,516