Hôm nay,  

Chuyện Tình Kết Bạn Thư Tín

19/06/200300:00:00(Xem: 193348)
Người viết: NGUYỄN THỊ NỮ
Bài tham dự số 3230-829-vb30617

Tác giả Nguyễn Thị Nữ, 55 tuổi, hiện cư trú tại Garden Grove, Nam Cali, có bằng Cosmetology, ngành thẩm mỹ. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của bà là hồi ký về vượt biên, kể lại chặng đường gian khổ từ quê nhà tới trại tị nạn rồi tới Mỹ. Bài viết lần này là một chuyện tình vui
*

Ông Thanh trước đây là sĩ quan cấp tá trong quân đội VNCH. Sau ngày 30/4/75 cũng như bao người con yêu của Tổ quốc VN có cấp bậc đã phải đi trình diện nhà nước Việt cộng để được "đi học tập cải tạo" ông đã trải qua 10 năm tù tội với 4 lần dời trại và 1 lần ra tận đất Bắc 2 năm trước khi được thả về.
Bà Tâm, vợ ông là con gái duy nhất của một gia đình khá giả, sau khi học hết bậc trung học được người mai mối nên đã chọn ông làm người để nâng khăn sửa túi, gia đình vợ ông đã bắt rể và ở chung trong một biệt thự khang trang, hai ông bà có với nhau 4 người con, 2 trai, 2 gái sau khi cha mẹ qua đời đã để lại một gia tài khá lớn cho vợ chồng ông.
Cuộc sống của bà Tâm không phải vất vả lam lũ để kiếm miếng cơm manh áo, trong nhà có kẻ ăn người làm cho nên bà cũng nhàn hạ, chỉ quanh quẩn chăm sóc con cái trông nom nhà cửa. Tuy vậy, nhưng bà là người có tánh tình đoan hậu nhu mì và rất khéo léo trong cách cư xử với những người chung quanh nên bà dành được cảm tình của nhiều người.
Ông Thanh là cấp tá làm việc trong ngành công binh và được phục vụ gần nhà, chỉ khi nào đi công tác mới phải xa vợ con ít ngày. Sau khi ông đi cải tạo rồi bà chờ đợi cho 20 ngày chóng qua như nhà nước đã thông báo cho cấp tá đi học tập. Nhưng nay đã gần hai tháng mà không thấy tăm hơi ngày về của chồng, bà bắt đầu lo lắng thực sự và tìm cách đem tiền, vàng đi gởi bà con thân quyến mỗi người một ít.
Bốn tháng sau 5 mẹ con có lệnh buộc phải nhường căn nhà 3 tầng đang ở cho nhà nước làm trụ sở của phường, họ chỉ định mẹ con bà đến ở trong một căn nhà tôn vách ván ở mãi tận bến cảng Nhà Bè.
Thôi thì cơ khổ đã đến, mẹ con bà đành phải dắt díu bồng bế nhau đến nơi chốn cư ngụ mới như nhà nước đã quy định, biết làm sao hơn bây giờ. Lúc bấy giờ các con bà cũng đã lớn, đứa lớn nhất cũng gần 10 tuổi và bé út vừa tròn 7 tuổi đã biết tạm lo cho nhau, nên bà tìm đến những người trước kia bà đã gởi tiền vàng để lấy lại tiền làm vốn buôn bán nuôi các con. Trong số những người đó có người trả lại bà hết, một vài người kẹt tiền mượn lại bà một ít và cũng có những người tray bứa không đưa lại bà cũng đành chịu. Có vốn trong tay bà đi theo những chị em bạn buôn bán thuốc tây, vải vóc..đủ thứ linh tinh, có khi cũng lời nhiều và đôi khi thì lỗ nặng buôn bán khi may lúc rủi, nhưng cũng đủ kiếm cơm hàng ngày cho con và dành dụm chút đỉnh để có dịp đi thăm nuôi chồng và các con cũng được thay phiên nhau cắp sách đến trường, đứa lớp sáng, đứa lớp chiều, không phải thất học dỡ dang.
Ngày ông được chính phủ "khoan hồng" cho về với gia đình, cả nhà vui mừng và ông đi theo bà buôn bán …cho đến khi có chương trình nhân đạo H.O của chính phủ Mỹ đề ra cho những người đã đi cải tạo trên 3 năm được đi định cư ở Mỹ. Hai ông bà đã nộp đơn từ, chờ ngày họ gọi, hôm đi phỏng vấn người con trai lớn vừa tròn 21 tuổi, phái đoàn phỏng vấn của Mỹ định gạch sổ không cho đi, hai ông bà khóc lóc năn nỉ, nhân viên phỏng vấn thấy cũng mũi lòng nên nói ông bà ngồi chờ, họ vào thảo luận với cấp trên, sau nữa tiếng họ ra báo tin mừng là hồ sơ của cậu con ông bà đã được chấp thuận, cả nhà ôm nhau vui mừng và cám ơn người đã giúp họ, thế là cả nhà cùng được ra đi với nhau mà không ai bị bỏ lại.
Sang đến đất nước Hoa Kỳ, hai ông bà cùng 3 người con, vừa đi học Anh văn vừa đi làm, riêng cô Út mới 17 tuổi nên còn đang theo học lớp 12, cậu trai lớn sau khi có bằng kỹ sư cơ khí xin được vào một hãng lớn được sở tuyển dụng đi làm ở tiểu bang khác, cô gái kế cũng lấy chồng tại một tiểu bang xa, hai ông bà ở căn nhà đã mua cách nay 3 năm, cậu trai thứ 3 cũng sắp ra trường ngành y tá 4 năm.
Cuộc sống gia đình ông bà Thanh Tâm những tưởng cứ êm đềm hạnh phúc mãi. Nhưng nào ngờ, ông lại thay tâm đổi tánh hay gắt, cáu kỉnh với vợ con, cái gì ông cũng bắt bẻ, chê ổng, chê ôi. Bà Tâm lấy làm buồn lắm nhưng cố nhịn cho yên nhà yên cửa. Rồi một hôm ông đi làm về, thấy bà chưa về, mọi khi bà vẫn về trước ông 2 tiếng, ông đi ra đi vào bực tức đứng ngồi không yên…Một lát sau vừa thấy bà bước vào cửa nhà, ông liền túm áo hỏi dồn ….bà đi đâu giờ này mới về…nói cho tôi biết" Bà đi với ai"
Bà Tâm từ từ gỡ tay ông ra và giải thich vì kẹt xe, ông nói "Kẹt xe gì tới 2 tiếng lận…có kẹt cũng nữa tiếng tới 1 tiếng là cùng, bà đừng có nói dối quanh lý do đó rẻ tiền quá ai mà tin được…"
Vì bị ông nắm áo hỏi dồn quá nên bà Tâm quên mất, trước khi bị kẹt xe, bà đã ghé vào chợ và bỏ đồ lên xe xong đi được 5 phút bà mới sực nhớ còn sót 2 bịch nữa để ở ngăn dưới của xe chợ, thế là và quay ngược xe trở lại chợ xem còn hay mất, nhưng khi trở lại thì có người "cầm hộ" mất rồi, vừa tiếc của (2 bịch đồ ăn đó bà mua ít nhất cũng $30) lại bực mình vì kẹt xe lâu (xe bị đụng dồn đóng trên freeway) cảnh sát phong tỏa hết 3 lane nên phải đi cà nhích từng chút một mất gần một tiếng mới ra khỏi con đường đó, bây giờ về nhà lại bị đức ông chồng hạch hỏi, tra nã, bà mệt mỏi quá tức điên lên, chồng không chịu hiểu cho mình, bà không nói thêm một tiếng nào nữa chạy vào phòng khóa trái cửa lại nằm khóc, mặc kệ chồng con muốn làm gì thì làm, con gái con trai mời ra ăn cơm bà cũng không ăn, tối hôm đó ông Thanh phải ôm mền ra ngủ ngoài phòng khách…
Từ ngày đó chiến tranh lạnh xảy ra giữa hai ông bà, ông có mặt ở đâu là bà tránh ra chỗ khác, ông cũng vậy. Thấy bà ra nhà bếp, thì ông trở vào phòng tắm, các con thấy không khí gia đình như vậy thì buồn lắm.
Trung là người con trai kế út hỏi cha: "Sao cha mẹ giận nhau lâu vậy, khiến tụi con buồn lắm, chẳng còn muốn học hành làm lụng gì nữa". Ông Thanh trả lời cậu con: "Mẹ con làm nư giận dỗi trước, chứ ba có làm gì đâu"" Trung nói: "Nhưng tại ba đã làm cho mẹ xấu hổ, vì nghi ngờ không đúng …sao ba không làm hòa với mẹ đi"" Ông nói: "Mẹ con năm nay bao nhiêu tuổi rồi mà còn phải dỗ dành như con nít 3 tuổi nữa sao" Và nhất định ông không chịu nhường bước…
Về phần Hoài Thu cô con gái út cũng theo hỏi mẹ: "Sao mẹ không chịu nói chuyện với ba để cho trong nhà vui vẻ"“ Bà Tâm giẫy nãy lên: "Trời ơi, ông ấy có lỗi với mẹ mà con còn bắt mẹ phải làm hòa trước à, nói chuyện với ông ấy ngang như "cua nhện" thêm tức mình, mà con có thấy ba con lây nay càng quá lắm không" Nghi ghen bóng ghen gió bằng tuổi này đầu rồi mà mẹ còn đang tâm làm chuyện bậy bạ để con cháu và thiên hạ cười cho thúi đầu ra sao con" Thôi con đừng bắt mẹ phải nói chuyện với cái ông họ "ngang" của con nữa nha!".
Giảng hòa cha mẹ không xong, hai anh em Trung, Thu đành chào thua.
Thường ngày ông Thanh vẫn mua tờ Việt Báo và một vài tờ khác để xem tin tức, thời sự… ông có bao giờ lẩm cẩm đọc những mẫu truyện ngắn, truyện dài hay những trang mục kết bạn thư tín, tâm tình…mà ông vẫn cho là chuyện tào lao vớ vẫn của những người nhàn rỗi, đàn bà, trẻ con. Nhưng bây giờ vợ giận nên ông cảm thấy buồn, giở tờ báo ra ông đọc hết mục này đến trang khác để giết thời giờ. Mở trang "Kết bạn thư tín" của tờ Việt Báo ông tò mò đọc thử xem những người "rỗi hơi" này họ viết gì trong đó, ông cũng vui vui bèn có ý cũng thử đăng báo một chuyến để tìm người "đồng bệnh" tâm sự cho vơi bớùt buồn bực trong lòng… Nghĩ xong ông thực hiện liền, lấy giấy bút viết và định gởi đăng nhưng ông nghĩ bụng: mình lấy địa chỉ nhà thì bể mánh liền "bà vợ chằng" mà bắt gặp thư từ là có màn ra ba tòa quan lớn để rồi "đường đời chia đôi ngả". Sau khi thu xếp mướn một mail box riêng, khỏi sợ lọt ra ngoài vòng "bí mật quân sự" lo xong mọi việc,ông gửi lá thư đi và ngồi chờ "những cánh nhạn lạc hồi đường".
Phần bà Tâm, vì giận chồng đã gây sự trước lại còn không thèm dỗ ngọt mình như trước kia, nên gần nữa năm nay không ai nói với ai lời nào cả, bà buồn lắm nhưng vì tự ái nên bà cũng chẳng làm lành với ông…những tờ báo ông coi xong bỏ đó, bà đi làm vẫn về trước ngồi nghỉ xả hơi và lấy xem, bà hay coi những truyện tiểu thuyết và những chuyện lặt vặt trước còn tin tức bà cũng chỉ coi sơ qua vì tính bà hay lo, coi những tin tức làm bà lo thêm, bây giờ bà buồn cũng như ông, bà xem đủ hết mọi mục, đến trang "Kết bạn thư tín" có những dòng thơ kia đập vào mắt bà:
Người đàn ông tuy ngoài "sáu bó"
Nhưng trông ngoài "bộ vó" còn xuân
Nay vì gia cảnh "độc thân"
Nên tìm "tri kỷ" kết phần tâm giao
Ai thương cho cảnh "cơm chao"
Thư trông bạn lẻ tâm hao mỏi mòn
Bên dưới là ám số của người đăng.
Bà Tâm nghĩ bụng "ông già lựu đạn" của mình có gia đình không biết sướng còn trở chứng khó khăn để rồi cô đơn như những người này mới biết thân, rồi đăng báo, đăng hùm, tìm bạn "bốn phương, tứ hướng" cuống quýt cả lên.
Nghĩ cũng tội cho những người chiếc bóng này, bà phân vân suy nghĩ: Hay là thử tìm hiểu xem cái người làm bài thơ "con cóc cụ" này có những tâm sự gì đặc biệt không" Nay ông chồng mình đã không coi mình ra gì nữa thì mình cũng thư từ qua lại cho vui, chứ mình chẳng hẹn hò thì cũng không có gì là tội lỗi hết.
Bà không viết thư tay, nhưng vào sở trong giờ nghỉ bà tranh thủ đánh máy gởi đi, ban đầu bà định mượn địa chỉ người bạn, nhưng sợ bạn cười cho là mình lang tâm trắc nết…nên bà đi mướn mail box.
Ông Trung nhận được khá nhiều thư, người thì bốn mấy, kẻ ngoài năm mươi. Có người còn tình nguyện "nâng khăn sửa tráp" cho ông đến khi "răng long đầu rụng". Tuy đã nhận nhiều thư nhưng ông không cảm thấy thích hợp với người nào nên ông chẳng hồi âm cho họ.


Một ngày kia ông nhận được một lá thư viết đơn giản nhưng dí dỏm, duyên dáng và nhẹ nhàng trong từng câu, từng lời thăm hỏi. Đọc lá thư đó xong trong người ông cảm thấy như có một sự thôi thúc khiến ông phải suy nghĩ nhiều và quyết định trả lời cho riêng mình chủ nhân của lá thư nọ thôi.
Có lần ra bưu điện lấy thư ông đã chạm trán với bà ở đó, hai ông bà cùng quay mặt đi . Cũng may cho ông, lá thư vừa lấy từ mail box ra, ông đã thận trọng dấu vào túi áo từ trước.
Phần bà Tâm nhận thư của người đàn ông nọ, thư đánh trong computer và in ra gởi cho bà.
Căn nhà hai ông bà mua có 3 phòng, con gái và con trai mỗi người một phòng, hai ông bà một phòng. Từ khi có chiến tranh lạnh ông ra phòng khách ngủ mấy đêm, sau bà thấy tội nghiệp cho ông nên qua phòng con gái ngủ, có ý nhường phòng để ông ngủ, ngủ một mình cũng cảm thấy lạnh lẽo, nên ông đã xách mền gối sang phòng con trai ngủ cho ấm áp. Lắm đêm thao thức, nhớ đến lời lẽ trong những lá thư kia sao mà tha thiết ngọt ngào quá đi thôi. Có lúc đang ngồi, nhớ mấy lá thư, ông bật cười vì lời pha trò ngộ nghĩnh, dễ thương khiến con trai ông phải hỏi: "Sao lúc này con thấy ba vui vẻ ra lắm đấy."
Thật ra từ khi ông thư từ trao đổi với "người đẹp bí mật" kia, ông đâm ra lại yêu đời, yêu mình, tự nhiên thấy muốn chải chuốt áo quần hơn lên. Nhưng còn "bà chằng" nhà này thì ông nhất định "bế môn tỏa cảng."
Bà Tâm cũng vui vẻ phần nào, không còn ủ dột mày chau, bực bội vì ông chồng không thèm đoái hoài tới "tấm thân bồ liễu" của mình, bà đi shop mua sắm đủ loại chưng diện tưng bừng….
Hoài Thu thấy mẹ thay đổi thì lấy làm ngạc nhiên hỏi: "Bộ mẹ giận ba rồi ăn diện lên để chọc tức ba à"" Bà Tâm nói "Bao nhiêu năm không ăn diện, bây giờ già rồi tàn tạ quá, ba con coi thường mẹ mà con có thấy không" Lúc này ba con cũng đổi khác lắm đấy" Hay là ba con ổng có "mèo" rồi"" Thu nói: "Con không tin ba có bồ đâu mẹ" bà Tâm nói: "Ai biết đâu được ma ăn cỗ chỗ nào""
Thư đi tín lại khoảng 2 tháng, ông Thanh nóng lòng muốn biết xem "người tình không chân dung" của mình "mặt ngang, mũi tẹt" tuổi đời ra sao" Nên đánh liều xin nàng một cái hẹn cho bõhững ngày hồi hộp mong thư, vì "người đẹp" của lòng chàng nhất định không cho số phone, hình ảnh, chỉ liên lạc bằng thư thôi…
Được sự ưng thuận của nàng, chàng sung sướng chọn đặt nhà hàng trên một ngọn đồi thơ mộng của thành phố Orange và trao đổi dấu hiệu làm tin nhận ra nhau…
*
Hôm nay bà Tâm đi làm về, tắm rửa sửa soạn kỹ lưỡng, xong xuôi đâu đấy bà đứng tần ngần trước tủ quần áo, đáng lý ra bà định mặc đồ đầm màu thiên thanh nhưng lại đổi ý mặc cái áo sơ mi bằng vải nhẹ màu tím hoa cà với cái quần tây trắng, tóc bà chải và quấn thành những lọn dài buông xõa xuống hai bờ vai, trông thấy trẻ trung khác lạ ra…trước khi ra khỏi nhà, bà viết mảnh giấy dặn các con bà có hẹn đi dự tiệc với bạn đừng chờ cơm bà, bà dặm thêm tí phấn hồng lên đôi má rồi ra xe.
Ông Thanh trước khi về nhà còn tạt vội qua cửa hàng bán đồ quần áo đàn ông, chọn mua một áo sơ mi màu kem và một chiếc cà vạt rồi về nhà tắm rửa cho kịp giờ…ông ít khi dùng tới cà vạt, nhưng hôm nay là ngày "đặc biệt" nên ông thắt thêm cái "cà ra oách" mới mua mà sao nó tiệp màu với cái áo thế (ông nghĩ bụng) ngắm nghía trong gương ông chợt nhận ra bộ râu (Sadam Hussein) của ông coi bộ trông già nua và là người vừa mới bị Liên quân Anh Mỹ đánh cho rời khỏi cái ghế độc tài khát máu từ mấy tháng nay, và cho chừa cái tội huênh hoang khoác lác là đánh Mỹ Anh tan tành và sẽ tử thủ tới giọt máu cuối cùng… (xạo hết chỗ chê). Thế rồi ông đành "đau khổ" lấy dao cạo phăng ngay bộ râu mà bấy lâu nay ông đã nuôi dưỡng o bế…ngắm lại mình trong gương, ông thấy ông còn phong độ và xuân tình phơi phới, ông huýt sáo bản nhạc "cười lên đi em ơi! Xem răng còn hay hết" và phóng nhanh ra xe, ông còn muốn làm một màn gọi là Romantic ghé vào chợ Costco mua một bó hồng to đùng, ông nghĩ: Khi tỏ tình chỉ tặng một bông thôi, mua cả bó cho nó xum xê hoa lá cành "cho tình mình lai láng lúc xuân sắp tàn" mua xong, ông ra đề máu phon phon đến nơi …" hẹn mà sao em không đến…để mình anh bỡ ngỡ gặp "bà chằng" nơi đây""
Nhà hàng này khá rộng, trang trí rất mỹ thuật, những ánh đèn mờ mờ, ảo áo và có những khu chỉ thắp bằng những ngọn nến lung linh huyền ảo, ai muốn dành khi nào đều phải đặt chỗ trước khá lâu, chung quanh mỗi khi đều có những tấm phông vẽ toàn phong cảnh đẹp và nổi tiếng khắp thế giới và những chậu kiểng đắt tiền bao bọc chung quanh, ngăn cách những ánh mắt tò mò của bàng dân thiên hạ, muốn "xâm nhập" vào chốn riêng tư thầm kín của những đôi tình nhân.
Vào giờ này mới 6 giờ nên thực khách còn lưa thưa, ông Thanh chọn bàn và đảo mắt qua một lượt quanh nhà hàng, thì thấy trong một khu nọ hơi tối người thiếu phụ mang kính đen ngồi đó tự bao giờ, nhưng không phải là người ông đã hẹn, ông ngồi xuống và ngó mong ra cửa…chỉ còn 10 phút nữa là 6 giờ 30 mà chưa thấy "nàng" xuất đầu lộ diện, thôi ta đợi thêm một lát nữa, biết đâu nàng kẹt xe, biết đâu nàng có ý đến trễ làm cho ta hồi hộp…bao nhiêu cái biết đâu để ông tự an ủi mình" Vì khi người đẹp được hẹn thường hay làm cao giá lắm!
Thiếu phụ nọ đeo kính đen cũng nhấp nhỏm không yên …lâu lâu lại coi giờ 6 giờ 30 sao "người tình cô đơn" đến trễ thế. Hẹn 6 giờ mà chưa thấy "giá lâm"…mình đi sớm và ghé vào nhà hàng Ban Mai ăn một tô bún bò Huế để dằn bụng rồi, vì sợ một lát nữa gặp chàng thì phải 'e lệ làm duyên" không dám ăn nhiều…sợ "chàng" chê "nữ thực như hổ đói" ôi thôi, còn gì là danh tiếng một bậc nữ lưu mới gặp lần đầu, xấu hổ chết đi được, mình vào đây có hơn nữa tiếng mà đã uống hai ly cam vắt (vì khi nãy ăn bún bò lỡ tay cho nhiều mắm tôm hơi mặm nên khát nước quá chừng, nhưng ráng ăn hết kẻo bỏ uổng) mà sao giờ này "chàng" còn chưa tới. Thiệt tức chết đi được, uổng công ta chờ đợi, người đàn ông ôm bó hoa hồng kia sao không phải là chàng nhỉ" Vì chàng hẹn với mình là sẽ mặc bộ đồ vét màu đen để sau đó còn làm một màn "dancing" cho thêm phần tình tứ….
Lúc này thực khách đã đông, chiếm gần hết mọi bàn, mọi khu, họ ăn uống và thì thầm to nhỏ…Ông Thanh từ lúc đi làm về lo sửa soạn để đi, định bụng sẽ đãi nàng món gì thật đặc biệt nên nhịn bụng để ăn (nếu nàng không ăn hết) nhưng giờ này 7 giờ 30 đói quá mà "nàng" thì chưa chịu "dời gót ngọc" tới ông gọi đỡ một dĩa mì xào ăn lót dạ. Nhà hàng 10 giờ mới đóng cửa, chắc có lẽ giờ chót "nàng" mới "xuất hiện" không chừng"
Thôi thì đợi được thì ta ráng đợi chứ sao" Trong bàn nọ thiếu phụ đeo kiếng đen cũng thấy kêu phần ăn, thực khách thưa dần. Thế rồi không hẹn mà gặp, ông Thanh bên phía toilet phái nam đi ra, thiếu phụ nọ cũng đồng thời vừa trong restroom bên nữ trở ra, ông Thanh thấy dáng người quen quen, thì dừng lại nhìn bà đeo kính nọ cũng đứng lại, gỡ cặp kính đen ra để nhìn cho rõ hơn, bà "ồ" lên một tiếng…thì ra "ông chồng cay nghiệt" của mình đây! Mà sao hôm nay "mày râu nhẵn nhụi" nên mình nhìn không ra, lại còn ôm bó hoa to tướng kia vào nhà hàng này làm gì thế. Bà hỏi ông: "Ông đi đâu mà ra đây"", ông ấp úng trả lời: "Tôi…tôi chờ người bạn" và hỏi ngược lại bà: "Vậy tại sao bà cũng ở nhà hàng này, mà còn lại đeo kiếng đen, tóc để dài nữa chứ…sao hôm nay tóc bà mọc nhanh thế"". Bà ngượng ngùng đáp lời ông: "Tôi cũng chờ người bạn…" ông hỏi "bạn bà là ai"" bà cũng hỏi lại ông: "vậy bạn bà là ai"" ông nói trước đi, bà nói trước đi… nói qua cãi lại không ai chịu nói trước. Sau hai ông bà thấy đứng lâu không tiện bèn trở lại bàn của bà ngồi, bà gỡ đầu tóc giả của mình ra và cả hai ông bà cùng lấy thư ra để cho nhau xem…
Thì hỡi ôi! Người "trong mộng" của mình là đây sao" Cùng thay tên đổi họ…thay hình đổi dáng nên mới ngỡ ngàng gặp nhau…ở chốn này! Hai người cùng im lặng. Hồi lâu sau ông đề nghị: Duyên số của mình chưa dút, xưa kia vợ chồng mình lấy nhau do người mai mối, không có dịp tìm hiểu nhau trước đó anh lại vắng nhà liên miên vì đi công tác và đi tù có hơn 10 năm, ra tù lại bon chen vì cuộc sống, qua đây lại "đi cày" và đi học không mở mắt ra được. Chưa bao giờ mình quan tâm đến nhau cho đúng mức, nay tuổi già đã kề bên, anh lại hay có lúc bực bội vô cớ, nên đã làm em buồn và rồi tự ái đã không làm hòa với em, em lại không thông cảm cho anh, buồn quá nên đăng báo giải sầu…gương của mình chưa võ, chỉ mới sắp nứt thôi, vậy cho anh hàn gắn lại tình mình em nhé…qua thư em anh mới cảm thấy sâu xa được tấm lòng của em, dù em viết thư cho người đàn ông "vô danh" nhưng cũng thể hiện được bản tính dịu dàng của em…chút nữa anh đã để mất em…bây giờ anh đã tìm lại được một nửa linh hồn của mình mà bấy lâu nay anh không biết trân quý….
Ông nói một hơi dài không ngừng nghỉ…bà im lặng ngồi nghe…giọt nước mắt hạnh phúc, sung sướng từ từ rơi trên má, ông đã lau cho bà…và như sực nhớ ra chạy lại bàn mình ôm bó hồng trao cho bà.
Bà nói: "Thực ra em cũng có lỗi với anh, đã không thông cảm khi anh bực bội "chồng giận thì vợ làm lành" nhưng nhiều khi anh cũng quá đáng, khiến em chịu hết nổi…anh không giận khi em cũng thư từ cho "người tình không chân dung" của em sao" Vậy là cả hai chúng mình huề nhé…nghéo tay đi nào".
Ông dìu bà ra xe, nhưng hai người đã đi 2 chiếc nên chàng và nàng phải hai xe nối đuôi nhau, cùng trở về tổ ấm.
Hai tuần sau những người con ở tiểu bang xa mang cả gia đình cùng về sum họp với cha mẹ và các em….Một mùa xuân 2003 thật êm đềm, hạnh phúc chan hòa.

Cali, Xuân Quý Mùi 2003

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 59,523,173
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến