Hôm nay,  

Tôi Của Ngày Xưa

05/11/200200:00:00(Xem: 133044)
Người viết: TRỌNG DO

Bài tham dự số: 331-679-vb81103

Tác giả tên thật là Trần Đình Hòa, thuộc thế hệ sinh sau 1975 và chỉ mới tới Hoa Kỳ năm 2002. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông do đó phản ánh những tình cảm và ưu tư của lớp trẻ hậu chiến ở quê nhà. Ông Hoà sanh năm 1977, cử nhân kinh tế ở Việt Nam, qua Mỹ năm 2002, hiện cư trú tại Renton, tiểu bang Washington.

+

"Người yêu hỡi, xin giấu lệ sầu khi chia tay tình đầu…", câu hát này đã ghi dấu trong tôi một cuộc tình dang dở. Tôi đã giấu đi những dòng lệ cho tình đầu này từ lâu, nhưng vẫn không sao quên được cái thế giới lãng mạn của tình yêu ấy. Tôi đã tự khuyên mình nên đi tìm một tình yêu thay thế, nhưng vẫn chưa tìm thấy suốt những năm tháng nơi xứ người.

Tôi đã rời xa quê hương để bước chân vào một xã hội khác rộng lớn hơn: Hoa Kỳ, vùng đất hứa của chúng tôi, những người khát khao có được một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cuộc sống nơi đây đã dần dần thay đổi cách nhìn nhận xã hội của tôi. Xã hội vốn hay biến đổi. Con người ta chỉ có thể hòa nhập vào xã hội chứ không thể quyết định sự vận động của nó. Điều này làm tôi liên tưởng đến cái thời "bao cấp" trong nước mà tôi thường nghe người lớn kể lại. Thời đó, nhà nước quản lý xã hội rất chặt chẽ. Những người quản lý xã hội "biết" đến nhu cầu của mọi thành viên trong xã hội, nào là mỗi người cần bao nhiêu nhu yếu phẩm hay tiện nghi sinh hoạt .v.v.. Hình như người ta gọi đó là "xã hội chủ nghĩa" thì phải. Tôi không biết nhiều về cái chủ nghĩa này, chỉ biết rằng: đối với những người đã trải qua cái thời "tem phiếu" ấy, cuộc sống đầy đủ về vật chất giờ đây đã trở thành cái đích đến của cuộc đời họ.

Tôi cũng biết thêm rằng: chỉ có hòa nhập vào xã hội mới giúp con người ta hiểu về cuộc sống. Những ngày đầu mới qua Mỹ, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước bao điều mới mẻ. Không những tôi bỡ ngỡ trước cái vẻ hiện đại và sự hùng cường của một quốc gia đệ nhất, mà tôi còn ngạc nhiên đến không tin nổi ở mắt mình khi chứng kiến sự tự do của người dân Mỹ trong phát biểu. Những chương trình giải trí và những cuộc phỏng vấn trên truyền hình đã đưa tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Có lần, tôi thấy họ giễu cả vị tổng thống đương nhiệm. "Thật khó tin, nhưng cũng thật thuyết phục khi nói Hoa Kỳ là một xứ tự do," tôi tự nhủ.

Cũng như bao di dân khác, tôi lao vào cuộc sống bằng bất cứ công việc nào, miễn sao có đủ thu nhập để trang trải chi phí cho đời sống. Cái sĩ diện trí thức được hình thành trong những năm học đại học ở Việt Nam đã phai dần đi khi tôi thấy mình thua kém mọi người về nhiều mặt. Ngôn ngữ, kiến thức xã hội và tính năng động, cả ba thứ này tôi đều không bằng người ta. Tôi không còn là con ếch ngồi ở đáy giếng lúc nào cũng lo bồi luyện cái giọng của mình để tiếng kêu được vang xa. Vì khi đã lên khỏi miệng giếng, con ếch kia thấy mình nhỏ nhoi và tầm thường nơi cái xứ sở rộng lớn bao la này. Chỉ có việc học hành mới giúp tôi vơi đi cái mặc cảm tự ti đó. Tôi tự nhủ mình: "không thành danh thì cũng thành nhân", và cố gắng theo đuổi ước mơ làm người trí thức nơi xứ lạ. Rốt cuộc, tôi đã vào được đại học.

Và cứ thế, năm tháng sống ở Mỹ của tôi trôi qua êm đềm, không có nhiều biến động. Tất cả đều được hoạch định. Chỉ thiếu vắng một thứ: tình yêu. Tôi vẫn không thắng được chính mình. Cách nhìn nhận về tình yêu lãng mạn cổ điển cộng với mặc cảm tự ti đã thành một vật cản không thể vượt qua đối với tôi. Tôi trở nên nhút nhát hơn khi gặp những cô gái Việt ở đây. Đối với tôi, họ sang trọng quá, kiêu sa quá và cũng quá tân tiến so với nếp nghĩ của tôi về tình yêu và quan hệ nam nữ. Tôi chờ đợi trong nỗi tuyệt vọng một tình yêu trong mộng ước. Chỉ có hồi ức về tuổi trẻ ở quê nhà mới nuôi sống hi vọng trong tôi….

Vô vọng về một tình yêu lãng mạn nơi đất khách, tôi an ủi lòng mình nơi quê nhà. Tôi biết quê hương sẽ không phụ tôi, sẽ ban cho tôi một tình yêu mà tôi hằng khao khát có được. Tôi mong ngày trở về đất mẹ. Và tôi đã về.

Đón tôi ở sân bay là Huy, em của một người bạn học cũ. Huy vừa mới tốt nghiệp đại học và đang chờ việc làm. Khi tôi đi, Huy mới tốt nghiệp tú tài và đang ôn thi vào đại học. Khi đó, với tư cách là sinh viên đàn anh, tôi đã động viên Huy học tập rất nhiều, và cũng không quên truyền bá cái lý tưởng yêu nước, xây dựng quê hương của sinh viên cho cậu bé. Tôi đã từng là tấm gương cho cậu sinh viên này.

Giờ đây, khi đối diện với một sinh viên trưởng thành như Huy, tôi không khỏi cảm thấy xấu hổ với chính mình, bởi lẽ cái lý tưởng sống "cách mạng" ấy đã chết trong tôi từ lâu. Hồi đó, tôi hăng say hoạt động đoàn đội lắm, bởi tôi cũng từng làm bí thư chi đoàn suốt ba năm trung học. Lý tưởng sống của tôi lúc đó rất cao quí, nào là phấn đấu làm một công chức nhà nước cần kiệm liêm chính, thăng tiến sự nghiệp chính trị để làm rạng rỡ tổ tông tôi vốn không có thành tích cách mạng nào. Tôi phải thay đổi cái lý lịch gia đình mình bằng sự thăng tiến cá nhân, với mong muốn hỗ trợ cho thế hệ kế tiếp trong gia đình sau này về sự nghiệp.

Nhưng rồi mọi thứ đều tan vỡ. Khi cầm trên tay giấy gọi phỏng vấn đoàn tụ gia đình, khi mà mọi người trong nhà tôi đều hân hoan mừng rỡ, tôi lại thấy đường đi của mình đã đến ngõ cụt. Thế là chấm dứt cái ước mơ thăng quan tiến chức mà tôi âm thầm nuôi giữ. Và đớn đau hơn nữa, tôi phải cắt đứt mối tình đầu với Thúy, người mà tôi yêu thương suốt những năm đại học. Thúy là con của một cán bộ cấp quận ở Sài Gòn. Cô có tất cả ưu điểm của một cô gái trẻ đẹp, có học thức và tương lai. Và hình như cô không thích sống ở Mỹ thì phải. Có lẽ gia đình cô cũng vậy. Khi biết tin tôi sắp xuất ngoại, Thúy tránh mặt tôi. Dường như nàng đang chờ nghe quyết định đi hay ở lại của tôi.

Những ngày tiếp theo đó là những ngày tôi sống trong sầu muộn. Vừa mới tốt nghiệp đại học, hoài bão về sự nghiệp sắp được thực hiện, tình yêu đang vào độ chín, tôi phải từ bỏ tất cả để làm lại từ đầu nơi xứ người. Hơn nữa, cái xứ đó lại có một dấu ấn không tốt trong lịch sử nước tôi như là một kẻ thù xâm lược. Tôi đau đớn khi nhận ra sự yếu đuối của mình. Tôi không đủ cam đảm để nói lên những suy nghĩ của mình với ba mẹ, không nỡ làm cho ba mẹ và các anh chị tôi thất vọng. Tôi phải theo họ qua xứ người. Tôi đã viết cho Thúy dòng này: "Tình đầu hay tan vỡ, anh nghĩ tình ta cũng thế thôi."

Mới đó mà hơn năm năm rồi. Cuộc đời có những đổi thay và tôi cũng đã thay đổi. Cái gì là lý tưởng của tuổi trẻ, cái gì là cống hiến cho tổ quốc… tôi đã quên ! Tổ quốc đã không còn là của tôi để mà cống hiến nữa. Tôi đã trở thành một Việt Kiều, một danh xưng mang nhiều ý nghĩa, vừa mỉa mai lại vừa tâng bốc ở quê nhà. "Dù gì đi nữa thì con đường vinh tông họ hàng của mình đã chấm dứt," tôi tự nhủ. Tôi chỉ là một di dân bé nhỏ trong cái xã hội rộng lớn của nước Mỹ. Đã bao lần tôi phải đấu tranh với chính mình để xoá bỏ cái mặc cảm đi ở nhờ nước khác. Và rốt cuộc, thời gian đã giúp tôi nguôi ngoai.

Nhưng giờ đây, tôi vẫn không sao xóa được cái mặc cảm là người vô dụng đối với quê hương khi đứng trước Huy, người mà tôi đã từng giáo điều khuyên bảo về lý tưởng sống của tuổi trẻ. Tôi e ngại không muốn nhắc đến điều này mỗi khi ngồi tán dóc với Huy cũng như với bạn bè khác của tôi. Thế nhưng, chuyện không đến nỗi nghiêm trọng như tôi nghĩ.

Sau những lần chuyện trò, tôi nhận thấy Huy không đến nỗi "lý tưởng hóa" như tôi tưởng. Dường như những tháng ngày rong duỗi kiếm việc làm đã dạy cho cậu ta nhiều về thực tế cuộc đời thì phải. Đó là chưa kể những va chạm với đời trong suốt những năm ở đại học.

Những lần tâm sự với tôi, Huy ao ước được đi du học. Ngoài dự đoán của tôi về ước mơ thăng quan tiến chức của cậu, Huy muốn có được bằng cấp ngoại quốc để kiếm được việc làm lương cao ở các hãng liên doanh với nước ngoài, hay ở các công ty ngoại quốc. Thử hỏi Huy về con đường sự nghiệp của một công chức, cậu ta lắc đầu ngao ngán khi kể ra những kinh nghiệm mà cậu nghe thấy được về sự đấu đá, bon chen nơi công quyền trong khi lương bổng công chức vẫn không đủ sống. Cậu còn hùng hồn tuyên bố : "Tuổi trẻ ngày nay không có ai thích làm công chức nhà nước, trừ những con ông cháu cha và bọn cơ hội." Tôi chợt tỉnh ra. Tôi không phải là con ông cháu cha hay cơ hội chủ nghĩa, thế mà tôi đã từng ôm ấp mộng làm công chức mới lạ!

Thoát khỏi dằn vặt về sự xa rời lý tưởng sống của mình, tôi trở lại với nỗi khao khát về tình yêu. Những lúc ngồi tán dóc với bạn bè, tôi thú thật là vẫn chưa có bạn gái ở Mỹ. Và như là một hệ quả của nền kinh tế thị trường, lập tức tôi nhận được ngay những "đơn chào hàng" tình yêu. Mấy cô bạn học cũ đua nhau giới thiệu cho tôi những bạn bè của họ, những người bà con và thậm chí ngay cả… chính họ! Choáng ngợp! "Sao bỗng dưng mình lại lên giá nhanh như vậy"", tôi nhủ thầm. Dù lời giải thích cho sự "lên giá" bất thường này rất dễ hiểu nhưng tôi vẫn không ngờ trước được. Chỉ mới thay đổi môi trường sống có vài ngày, thế mà tôi đã thành một người khác, một người có đầy đủ tự tin để chinh phục một trái tim, cái mà tôi không có ở Mỹ.

Qua đôi lần tiếp xúc với những cô gái mới quen, tôi dần dần nhận ra khoảng cách khá xa giữa tưởng tượng và thực tế về một tình yêu trong sáng. Và cũng thật chua chát khi tôi cảm nhận được sự lệch nhịp giữa mình và các cô gái trẻ đẹp. Dường như họ quan tâm đến tương lai của họ ở nước ngoài hơn là những gì tôi nghĩ về họ. Chỉ ngoại trừ Hiền, cô bạn gái của Huy. Hiền là một cô gái thông minh, dễ thương và đặc biệt rất cầu tiến. Hiền đã gieo vào lòng tôi những dấu vết khó phai.

Đêm trước khi về lại Mỹ, tôi tập họp tất cả bạn bè đi hát karaoke. Buổi liên hoan chia tay trong căn phòng mười mấy mét vuông cho gần hai chục người thật là ấm cúng. Chúng tôi vừa hát vừa nhâm nhi vài ngụm bia. Đêm đó, tôi mãi vui "chén chú chén anh" đến nỗi gần như quên đi sự hiện diện của Hiền, mãi cho đến khi Hiền xin mọi người im lặng để cô hát tặng tôi một bài trước khi chia tay.

Lúc đó tôi thực sự không để tâm lắm đến chuyện hát tặng nhau này cho đến lúc nghe Hiền nói: "Bài hát này Hiền xin hát tặng anh Hùng trước khi lên đường. Hiền chọn bài hát này vì có lẽ đây là bài mà anh Hùng đã từng yêu thích. Không biết bây chừ anh còn thích nữa hay không, nhưng Hiền vẫn cứ hát. Cứ coi như Hiền hát giùm cho một cô gái khác…."

Tôi bàng hoàng như vừa tỉnh mộng khi khúc nhạc dạo của bài hát quen thuộc cất lên: "Chiều xưa có một người con gái nhớ quê xa vời vợi. Dòng sông giấc mơ xưa một thời thiếu nữ ngừng trôi…." "Không, không thể nào !", tôi nhủ thầm, "làm sao Hiền lại biết được nỗi đau này của tôi"" Phải rồi, sao Hiền lại nói: "Cứ coi như Hiền hát giùm cho một cô gái khác""

Đầu óc tôi cứ quay cuồng theo tiếng nhạc. Tôi như bị cuốn theo dòng sông đang chảy về quá khứ, nơi tôi và mối tình đầu thơ mộng đang cùng nhau ngồi hát ca khúc này. "Thuyền xưa xuôi dòng, người xưa đã có chồng", câu hát gợi lại luyến tiếc trong tôi về một mất mát mà tôi tưởng đã nguôi ngoai theo năm tháng.

Đêm đó tôi đã say, lần say đầu tiên trong đời. Tôi cũng không còn nhớ là mình đã nói gì sau khi Hiền hát xong. "Không biết mình có nói cám ơn với Hiền hay không "", tôi tự hỏi mình. Tôi chỉ biết là mình được thức dậy vào sáng hôm sau, trước khi máy bay cất cánh vài giờ đồng hồø. Buổi chia ly hôm ấy không có cảnh rơi lệ hay quyến luyến, bởi không có bóng hồng nào đến tiễn đưa. Lẳng lặng chào bạn bè, tôi lên đường trong sự trống rỗng cô đơn.

Về lại Mỹ, tôi phải tốn hết mấy ngày để thích ứng. Dường như những ngày rong chơi ở Sài Gòn bây giờ mới thấm, và tôi đã thấy thế nào là rã rời. Nằm lỳ trên gường, tôi lại sống trong ký ức và hoài niệm. Có điều, ký ức thơ mộng xa xưa giờ đây đã được thay bằng cái kỷ niệm mới tinh trong chuyến về thăm quê vừa rồi. Những lần đi bát phố trên chiếc Honda, những lần đi ăn uống nhậu nhẹt, hát karaoke cứ hiện về chập chờn trong giấc ngủ, để rồi hình bóng cô bé Hiền gầy gò dễ thương lại hiện lên trong từng giấc mơ. Nơi đó, Hiền như muốn nói với tôi điều gì, nhưng rồi lại thôi. Và cứ thế, cái tuần đầu tiên trở lại Mỹ của tôi là những chuỗi ngày sống trong mộng ảo.

Cái gì rồi cũng qua đi. Tôi trở lại cuộc sống thường nhật, vẫn đi học và làm việc bán thời gian.

Mọi thứ trở về với thứ tự của nó, cho đến một ngày tôi nhận được lá thư của Hiền. Tình yêu sao thật trớ trêu. Tình chỉ đến khi ta không còn khả năng nắm giữ. Trong đoạn cuối lá thư, Hiền viết: "Chắc anh ngạc nhiên lắm về cái đêm chia tay phải không" Anh biết tại sao em lại nói như vậy không" Tại vì em đã gặp chị Thúy, mối tình đầu của anh. Nhờ đó, em biết được anh là một người có lý tưởng cao cả, có óc cầu tiến về sự nghiệp. Em càng phục anh hơn khi biết anh đã hi sinh mối tình đầu tươi đẹp của mình để ra đi phát triển sự nghiệp của mình. Ước gì em có thể chia sẻ cùng anh nỗi đau khổ và sự thiếu thốn về tình cảm. Nhưng em biết rằng, một ngày nào đó anh sẽ quay về phục vụ quê hương, và em đang chờ ngày đó.

T.B. Em và Huy chỉ là bạn thân mà thôi. Hi vọng anh đừng hiểu lầm!."

Lá thư như làm sống lại nỗi dằn vặt về lý tưởng sống của tôi. Hóa ra, trong mắt mọi người, nhất là Hiền, tôi vẫn là tôi của ngày xưa, một thanh niên tràn trề lý tưởng sống cao đẹp.

"Không, tôi không còn là tôi của ngày xưa nữa, không còn là tuổi trẻ xung phong như bao người trí thức trẻ đã từng xếp bút nghiên lên đường làm thanh niên xung phong của ngày xưa. Và tôi cũng không còn nghĩ mình là nhân tài xây dựng đất nước nữa. Tôi sẽ chỉ là một kỹ sư bình thường, cống hiến cho xã hội bằng công việc nhỏ bé và trách nhiệm đóng thuế của mình mà thôi. Những lời kêu gọi thanh niên hùng hồn ngày xưa không còn thúc giục được tôi nữa, bởi có biết bao nhiêu tuổi trẻ đã nghe theo tiếng gọi đó mà lên đường, để rồi xây dựng nên một đất nước nghèo nàn, lạc hậu như Việt Nam ngày nay.

Tôi của ngày nay đã khác, đã thực dụng hơn, và đã hiểu được mình", lá thư hồi âm cho quê hương của tôi đã kết thúc như thế!

Hoa Kỳ, tháng 10 năm 2002

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 59,490,887
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến