Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Bóng Hạnh Phúc

08/12/200600:00:00(Xem: 194636)

Bóng Hạnh Phúc

Người viết: HỒ THỊ TRIỀU LAM

Bài số 1146-1755-467-vb4061206

*

Hồ Thị Triều-Lam là tác giả “Bà Mẹ Độc Thân” bài viết đứng đầu trong số 10 bài được đọc nhiều nhất của giải thưởng Viết Về Nước Mỹ năm thứ ba. Tác giả ghi dướ bút hiệu về nơi cư trú Westminster - Colorado.

Sau đây là bài viết mới nhất của bà, có thể coi là bổ túc chi tiết cho bài viết bà mẹ độc thân năm nào.

*

Anh!  Biết nói gì khi cánh cửa hạnh phúc của chúng ta đã đóng lại!  Mãi mãi và vĩnh viễn ta mất nhau vì anh đã có những cánh cửa khác đang mở rộng chào đón anh!

Mùa Thu đã trở lại, từng cơn gió nhẹ đem những chiếc lá vàng từng chiếc từng chiếc lìa cành rơi xuống đất, ánh nắng chan hoà nhưng vẫn có chút gì lành lạnh đem đến cho người nỗi cô đơn và nhớ nhung dâng tràn. 

Nhớ nhung nơi đây, với Hiền, là nhớ nhung quá khứ, tiếc nuối dĩ vãng của những chuỗi ngày sống êm đẹp trong một mái ấm gia đình của hai vợ chồng với hai người con gái xinh đẹp dễ thương trong lứa tuổi yêu đời, và một đứa con trai thông minh nhiều hứa hẹn cho tương lai. 

Đã hơn hai mươi năm qua trong xứ Mỹ thần tiên nhiều cám dỗ mà Hiền đã cố gắng hết sức mình để nắm giữ mà không được!

*

Sau khi trải qua bao nhiêu gian nan trên đường vượt biên, 22 ngày lênh đênh trên biển cả mênh mông, chống chọi với tử thần và cướp biển.  Cuối cùng vợ chồng Hiền đã đến bến bờ tự do.  Từ Subic Bay, Phi Luật Tân, đến đảo Guam rồi trại tị nạn Fort Chaffee, Arkansas, với bao nhiêu vất vả di chuyển từng trại trong vòng 4 tháng, vợ chồng Hiền đã được đại diện nhà bank của một làng nhỏ ở tiểu bang Kansas bảo trợ. 

Thời đó, hơn 31 năm trưóc, khi ra được khỏi trại tị nạn là một điều may mắn vì những ngày nằm trong trại, người nào cũng lo âu cho số phận và tương lai của mình không biết đi về đâu!  Vợ chồng Hiền vui mừng đón nhận cuộc sống mới vì nơi đây sẽ mang đến sự yên vui, no ấm, hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ nhiều nhiệt huyết. 

Với sự lo lắng săn sóc chu đáo của người bảo trợ, vợ chồng ông chủ nhà bank, Darrel Franklin rất tử tế và thân mật và với chương trình huấn nghệ của chính phủ, Hiền được học kế toán trong 8 tháng, riêng Trân, chồng Hiền học Anh văn để chuẩn bị thi lấy bằng tương đương đại học Mỹ. 

Hiền sanh trưởng trong gia đình khá giả, không đụng đến bếp nút cho đến khi vượt biên qua Mỹ thì nàng tập tành nấu ăn.  Ngay sau khi ra khỏi trại tỵ nạn, Trân thèm ăn cơm, Hiền mua gạo về nấu cơm lần đầu tiên…bị khét nên Trân chỉ có cách theo Hiền ra tiệm ăn “Hamburger” cho lẹ! Lúc đó làng Hiền ở rất nhỏ, khoảng 1,000 dân, thành phố có một con đường Main duy nhất là đường chánh, chỉ vài khúc đường là đã đi xong thành phố, có 2 chợ nhỏ, hên lắm mới có gạo và nàng phải chế biến đủ kiểu để có những món ăn Việt Nam thuần túy mà Trân thèm nhớ. 

Hiền còn nhớ lúc đó muốn mua bánh tráng, nước mắm phải lái xe qua làng kế bên, cách chỗ nàng ở 30 miles, năn nỉ một chị có chồng Mỹ để mua lại những thức ăn khô Việt Nam của chị với giá mắc “cắt cổ” vì chị phải đi đến thành phố Kansas City, cách làng Hiền (Seneca) 135 miles hay cách làng của chị (Marysville) 165 mlies! 

Những người Mỹ bảo trợ vợ chồng nàng thiệt nhà quê nên rất sợ lên thành phố, có người cả đời không biết thành phố là gì!  Họ thường cảnh giác vợ chồng Hiền khi hai người có ý định tự lái xe lên Kansas City “cho biết sự tình”. “Tụi bây lên thành phố nhớ kéo kiếng xe lên, khóa cửa xe cẩn thận, dân ở đó rất nguy hiểm, không hiền lành giống như ở đây nên tao ít thích đi”.

Năm năm sau Trân xin được việc làm ở California nên vợ chồng nàng khăn gói về vùng nắng ấm. 

Với những cố gắng không ngừng và trải qua nhiều khó khăn, vợ chồng Hiền đã dần dần ổn định cuộc sống, hai người đã dành dụm được một số tiền mua nhà rồi mua apartments cho mướn.  Những đứa con xinh đẹp dễ thương lần lượt ra đời. 

Trân đã xin được việc làm trong một bệnh viện với lương cao đủ nuôi sống cho một vợ ba con nên Hiền không cần đi làm mà ở nhà săn sóc ba đứa con và lo sổ sách, sửa chửa những căn nhà đang cho mướn.  Công việc họ rất bận rộn, mỗi ngày ai lo phần nấy, đêm về kể lể cho nhau những chuyện buồn vui trong ngày. 

Làm chủ nhà, cho mướn nhà coi vậy mà không phải dễ!  Lúc đầu vợ chồng Hiền rất lo lắng vì phải đối diện với những người mướn nhà gồm đủ mọi thành phần, mọi sắc dân, … Nếu gặp người mướn nhà khó tánh, Hiền phải biết cách xử sự, phải biết cách ăn nói làm sao để đôi bên đều hài hòa...  Để tiết kiệm ngân quỹ gia đình, vợ chồng nàng mua sách tự học sửa chữa nhà cửa nếu không thì phải trả tiền mướn người sửa nhà rất cao thì họ sẽ bị thâm thủng ngân quỹ dự trù. 

Kỷ niệm vui nhất là bài học đầu tiên khi Trân tự sửa lấy vòi nước rửa tay bị nhiểu giọt.  Đứng nhìn anh thư sinh yếu đuối ngày nào, chỉ biết cầm bút chưa bao giờ đụng đến cái kềm, cái búa mà giờ đây nhìn anh vụng về xử dụng mà Hiền bồi hồi cảm động thấy yêu anh hơn bao giờ hết, nhưng ý nghĩ chợt tắt ngay vì từng vòi nước đã phun vào mặt Hiền làm nàng bừng tỉnh, còn Trân thì lính quýnh lấy tay chận vòi nước đang ào ào tuôn chảy, miệng thì nói:

“Làm sao đây hở"  Làm sao đây hở em"”

…Thì ra Trân đã quên tắt nước trưóc khi sửa vòi nước đó! 

Có một lần khác, Trân đi làm thêm, không về kịp để cùng Hiền đi thâu tiền nhà như giờ hẹn với người mướn, Hiền đành đi một mình mà bụng đánh “lô tô.”  Đứng trước mặt anh bạn Mỹ đen cao lớn hơn nàng cả cái đầu, đôi mắt anh chàng trắng nhách đang nhe răng nhìn nàng chào làm Hiền hơi “khớp” nhưng nàng cũng làm tỉnh chào hỏi thân thiện theo kiểu “Mỹ”, nàng vừa viết biên nhận vừa nói chuyện thời tiết, chuyện mưa nắng trong ngày cho hết ngày giờ rồi … vọt lẹ!  Sau đó Hiền kể lại cho bạn nàng nghe, nó hoảng hồn la lên:

“Trời đất quỷ thần ơi!  Sao mầy gan vậy"  Sao mầy không mở một hộp thơ để tụi mướn nhà gởi trả tiền, nhớ đừng để tụi nó biết mầy là chủ nhà!..”.

“Ông làng ơi!  Bận sao ông làm ơn làm phước nhớ nghe lời tui nói không thì cũng có ngày tui đứng tim theo ông luôn!”. 

Có khi nửa đêm vợ chồng Hiền đang ngon giấc thì bị người mướn nhà đi chơi khuya về kêu réo vì bỏ quên chìa khoá trong nhà làm Trân phải chạy đến khu apartments mở cửa hoặc có khi ống nước trong nhà người mướn bị bể, vợ chồng Hiền đến nơi thì nước lụt mênh mông cả một phòng, người trong nhà đang lăng xăng dọn dẹp.  Mùa mưa bão là mùa cực nhất có khi Hiền đứng hàng giờ dưới cơn mưa gió lạnh run để sửa lại hàng rào bị ngã hay trông chừng những người thợ cưa những nhánh cây bị gãy…

Hiền còn nhớ lúc đến sửa nhà Bác Phúc, bác nhìn vợ chồng nàng, chồng cặm cụi lấp ổ khóa cửa, vợ sửa tấm màn không kéo được mà thán phục:

“Anh chị có đôi trông thật hạnh phúc”

Bác gái vui vẻ kéo nàng ra thăm vườn rau của Bác.  Tuy là nhà mướn nhưng phía sau nhà có một mảnh đất nhỏ đủ để bác trồng ớt, xả, rau tía tô, vấp cá… đủ cho Bác an vui tuổi già…Vợ chồng nàng cũng không quên chở các con đi chơi biển, ngắm phố Bolsa và ăn hàng cuối tuần.

Thế rồi cuộc đời không êm đềm như Hiền mơ ước!  Lúc nàng vừa sanh thằng bé thứ ba thì má chồng và các em chồng Trân tất cả 7 người báo tin đến Mỹ.  Má Trân và cô em “Út Nữa” sống chung với vợ chồng nàng, còn các chị em thì chia nhau sống với các em chồng khác. 

Mỗi sáng thức dậy Hiền đã thấy bà má chồng ngồi sẵn đợi nàng dọn ăn sáng. Bà lạnh lùng, dửng dưng khi thấy nàng loay hoay với 3 đứa nhỏ, nàng ngu ngơ làm tròn bổn phận con dâu, người con dâu bà đã chọn lúc còn ở Việt Nam và bắt buộc con trai bà chấp nhận. Hiền đã hối hận nhiều về việc chấp nhận cách chọn lựa nầy, vì chữ hiếu, nàng đã an phận vâng lời “Cha Mẹ đặt đâu, con ngồi đó”. 

Có lẽ vì bà bá chồng nghĩ bà có ơn với Hiền (bà đã cho nàng một tấm chồng xứng đáng, đem lại cho nàng sự giàu sang no ấm hôm nay trong khi bà kẹt lại Việt Nam hơn 10 năm với nhiều khổ cực, vất vả lo từng miếng ăn cho các con còn lại).  Nên khi vừa bước chân lên đất Mỹ, vào nhà vợ chồng Hiền, hàng ngày nhìn vợ chồng nàng âu yếm, bà đã mang niềm ghen ghét ngấm ngầm nên bà bắt đầu tạo cho Trân những ý nghĩ không tốt về Hiền.

Hiền khéo léo đủ thứ, việc gì cũng làm được và học rất nhanh, nhưng những món ăn do sự chế biến theo “kiểu của nàng” có thể không hợp khẩu vị của bà má chồng, như Hiền ăn hơi mằn mặn, bà ăn hơi ngọt.  Khi ăn bánh bao thì bà nói bánh bao khô quá!  Khi ăn xôi thì bà chê dở…

“Khi thương trái ấu cũng tròn,”  bà thường tìm mọi cách chê Hiền ngay trước mặt Trân. 

“Tại sao mầy không tự nấu lấy mà mua tiệm cho tốn tiền… nhà người ta sáng nào cũng ăn phở, hủ tiếu, còn nhà nầy chỉ có mấy cái bánh ăn khô khốc…”. 

Trân nhìn nàng:  “Em coi đó, nếu anh là đàn bà, anh sẽ nấu ăn ngon gấp trăm lần em…” 

Hiền im lặng, chồng nàng đâu có hiểu, nàng mới sanh, thằng bé có hơn tháng, khuya nào nàng cũng thức cho con bú, cứ 2, 3 giờ thì nó đòi sửa, đến sáng thì nàng ngất ngư, chưa kể đến hai đứa con gái nhỏ tự lo ăn uống, thay quần áo chuẩn bị đi học. 

Trân không biết rằng từ khi có mẹ anh xuất hiện, anh chỉ quanh quẩn bên mẹ mà không còn phụ Hiền trông con, nấu ăn, giặt giũ… Mọi chuyện trong nhà nàng đều làm hết, có thể anh sợ bà trông thấy anh làm những việc lặt vặt trong nhà, anh sẽ mất thể diện của người đàn ông Việt Nam chăng"  

Khi nàng nấu món cà dồn thịt, bà chê nước nhiều, khi ăn chè, bà nói chè gì mặn quá làm Hiền cảm thấy xấu hổ về tài nấu ăn của mình.  Nàng thường tâm sự với người bạn thân và hỏi bạn nàng làm thế nào để vừa lòng bà má chồng"  “Cho tiền"” “Tặng hột xoàn"”.  Bạn nàng nói:

“Bả ghen mầy đó mầy ơi!  Khi không con trai cưng của bả bây giờ nằm trong tay mầy bả không ghét không được.  Bả hy sinh cả cuộc đời nuôi con ăn học, rồi con cưới vợ, bị vợ phỏng tay trên thì chỉ còn nước… phá cho bả hả dạ đó mầy.  Cho dù mầy mua mấy cái hột xoàn tặng bả, bả cầm trên tay, bả vẫn “trù” mầy như thường”.  Trước mặt Trân, bà ra vẻ hiền lành, hãi hùng nhất là bà đợi chồng nàng đi làm, bả liền nói với nàng:

“Tao ở lại Việt Nam hơn 10 năm quá cực khổ, tụi bây bên nầy sung sướng, bước ra đường là có xe, bây giờ đến phiên tao hưởng, mầy không được hưởng nữa, mầy có hiểu không"”.

“Trân rất có hiếu với tao, tao cưới mầy cho nó thì tao cũng có thể bắt nó bỏ mầy.

“Con dâu nào phá hại tình mẫu tử của tao, tao sẽ chẻ đầu nó ra làm hai”.

Hiền lặng lẽ chịu đau khổ một mình,  nàng buồn quá ẫm con đi ra biển Santa Monica chơi. Nhìn ra biển khơi, bên kia bờ đại dương, nàng thầm nghĩ không biết giờ nầy bà má nàng đang làm gì, cuộc sống ra sao"  Những đợt sóng biển cuồn cuộn xô đẩy lẫn nhau, Hiền thật muốn lái xe lên đồi núi rồi chạy điên cuồng xuống biển để cùng dòng nước trôi về bên kia bờ đại dương:

“Ba Má ơi con khổ quá! Con muốn chết đi cho rồi!”. 

Ý nghĩ chợt tắt lịm khi nàng nghe tiếng con trai khóc vì đói…thằng bé thật dễ thương, giương đôi mắt to tròn nhìn nàng cười với đôi má lúm đồng tiền.  Ôi! con tôi thật vô tội!…rồi Hiền lủi thủi trở về nhà, ngôi nhà không còn là thiên đường hạnh phúc nữa!

Mỗi cuối tuần Trân chở mẹ chàng đi thăm các em thay vì chở cả gia đình Hiền đi chơi.  Thôi thì cũng xong, cho anh làm tròn chữ hiếu. Càng lúc Trân càng tìm cách xa lánh nàng.  Mỗi đêm chàng lạnh lùng ôm mền gối ra phòng khách ngủ lấy cớ phòng ngủ hai người lạnh quá!  Vì tự ái nên Hiền không nói lời nào. Cuộc chiến tranh lạnh kéo dài cho đến ngày nàng ý thức được chồng nàng đã bắt đầu vắng nhà nhiếu hơn trước, Trân dành thời gian “sửa nhà cho mướn” nhiều hơn thời gian chàng ở nhà với gia đình.  Các con Hiền lúc đầu còn hỏi:

“Ba đâu rồi Má"”

“Ba con đi sửa nhà cho người ta”.

“Ba con bận đi làm thêm”…,

Rồi chúng lần lần quên đi sự hiện diện của cha chúng.  Trân đã đi làm trước khi các con chàng thức dậy và trở về nhà khi chúng đã đi ngủ!  Đi đâu anh đều nói anh đã “ly dị vợ”, đang sống độc thân, “không tin em cứ hỏi vợ anh” cùng lời nói nhẫn tâm, đắc ý nhất của Anh: “Trai năm thê, bảy thiếp, em nên làm ngơ nuôi con, cho anh đi chơi đến 60 tuổi, mệt mõi anh sẽ trở về với em và các con”.  Có lúc con gái lớn Hiền đem bịnh cảm từ trường về nhà nên cả 3 đứa con đều bị nóng sốt trong khi Trân vẫn vô tình tiếp tục hẹn hò với các cô tình nhân.  Hiền gọi điện thoại chờ Trân về nhà nhưng chàng vẫn không trả lời, cuối cùng Hiền đành nhắn trong điện thoại:

“Nếu anh không về nhà để săn sóc bịnh tình của 3 đứa con, tụi nó đang lên cơn suyễn và đang sốt nặng thì sáng về anh làm ơn mua dùm 3 cái hòm để chôn tụi nó!”

Quả nhiên Trân trở về nhà ngay với bộ mặt bất mãn;

“Tụi nhỏ có gì đâu mà làm gì dữ vậy"”

Thiên đàng ở Mỹ là đâu"  Gia đình Hiền đã dần dần đi vào địa ngục!  Nàng đã tự đánh mất hạnh phúc vì phận làm vợ không tròn, vì có một nhân vật thứ ba xuất hiện hay vì lòng người thay đổi"  Vì xứ Mỹ văn minh nầy đầy đủ vật chất hay vì Hiền cứ khư khư giữ bản tánh cổ hũ của nàng"

Trân đã tìm ra chân lý, chân lý của mẹ anh: “Sống ở đời, làm việc cực thì phải biết hưởng thụ”,  “Tao thấy mầy đi làm việc cực, tao …xót xa quá, trong khi có đứa chỉ biết ăn ở không hưởng thụ…”.  Mỗi khi về nhà Trân thường nói với mẹ chàng:

“Mẹ à!  Vợ con lúc nầy hay ghen quá!  Con làm việc cực khổ, đầu tắt mặt tối, mệt phủ đầu mà nó cứ ghen bóng ghen gió”.

“Hiền à!  Chồng mầy do tao nuôi lớn lên, tao biết tánh tình của nó, mầy phải để cho nó thở chớ"  Cứ ghen tầm bậy thì là sao nó sống nổi!  Tao bảo đảm với mầy nó không có gì hết.  Mầy muốn nói thì phải có bằng chứng, không bằng chứng thì tốt hơn câm miệng mầy lại, tụi bây cứ gây lộn trước mặt mấy đứa con hoài thì tụi nhỏ làm sao học hành đàng hoàng được!”.

Hiền cảm thấy tức tức trong bụng, vì đôi khi có những cú phone gọi đến nhà nàng thì Hiền lật đật biến đi.  Đêm khuya thanh vắng, các con đã ngủ yên.  Hiền ngồi một mình làm việc, nàng cầm hóa đơn điện thoại dự định viết check trả tiền, bỗng dưng có một linh tính nào thúc đẩy nàng nhìn hàng loạt những số phone chi chít trên hóa đơn mà chọn đại một số đáng nghi để gọi.  Bên kia đầu dây có tiếng một người đàn bà trả lời:

“Hello”

Chắc là đúng rồi…  Hiền nói thầm và run rẩy:

“Cô có biết cô là tình nhân thứ mấy của ông Trân nhà tôi không"”.

Rồi Hiền cúp phone thật lẹ, việc quyết định gọi điện thoại cho một người vô danh xảy ra đột ngột nên nàng không biết phải nói thế nào!  Hiền tiếp tục làm việc thì khoảng 2 phút sau có tiếng điện thoại reo vang.  Hiền vội bắt lên vì sợ các con nàng thức dậy.  Bên kia có tiếng người đàn bà khi nãy nói:

“Hello!  Đây nè!  Chị nói chuyện với anh Trân ở đầu dây bên kia”.

“Anh nói đi!  Sao không lên tiếng"  Anh nói em trẻ hay vợ anh trẻ hơn"  Em đẹp hay vợ anh đẹp hơn, ai đẹp hơn ai"”.

“Dĩ nhiên em đẹp hơn vợ anh…"”

Bên kia đầu dây có những tiếng cười đắc thắng.  Hiền run rẩy nói trong sự uất nghẹn:

“Anh nghe cho rõ.  Đây là chứng cớ để tôi trả lời với mẹ anh.  Ngày mai anh về nhà ký giấy tờ chuẩn bị ly dị…”.

Hôm sau Trân trở về nhà, khi nhìn thấy tờ giấy ly dị trước mặt thì chàng biết là Hiền không dọa như chàng tưởng thì chàng vội vàng nói:

“Em làm như vậy là em đem gia đình mình xuống hố sâu không cách nào kéo lên nổi.  Anh hứa từ đây anh sẽ bỏ hết mấy cô tình nhân để mình làm lại từ đầu nghe em!”.

Nghe những lời ngọt ngào của Trân và nghĩ đến 3 đứa con sẽ không cha, Hiền không biết làm sao, nàng đành tha thứ Trân, cho chàng cơ hội cuối cùng.  Trước mặt các con, Trân hứa sẽ ở nhà chơi với chúng thường hơn. 

Một buổi sáng Hiền đi shopping, thấy tờ quảng cáo giới thiệu điện thoại có thâu lời nhắn đang hạ giá nên nàng mua về nhà thay thế điện thoại cũ mà chưa kịp nói với Trân rồi nàng tiếp tục đi chợ.  Khi trở về nhà, Hiền thấy trong nhà bề bộn thì biết Trân đã về nhà nhưng không thấy chàng đâu.  Hiền nhìn điện thoại mới của nàng đang chớp chớp, có nghĩa là điện thoại đã có người để lời nhắn.  Hiền thích thú vì bây giờ khỏi sợ Trân cằn nhằn sao nàng không ở nhà giữ điện thoại, rủi những người mướn nhà cần Trân thì sao"  Nàng tò mò mở lời nhắn xem ai đã gọi.  Trời hỡi!…  Rõ ràng là tiếng của Trân đang tâm sự với người bạn thân nhất:

“Tao đang sống chung với con bồ được vài tháng, nếu tao bỏ con nầy thì tội nghiệp mà giữ nó lại thì vợ tao biết sẽ bỏ tao…”.

Chuyện không đến cũng phải đến, Hiền làm giấy tờ ly dị, Trân ra riêng với cô tình nhân trẻ. Thời gian sau đó Trân bị mất việc và anh đã bị một chứng bịnh quái ác mà các bác sĩ Mỹ cũng chào thua, “bịnh ALS” (Amyotrophy Lateral Sclerosis). 

Theo Hiền hiểu thì bịnh nầy do những con virus tấn công vào vòng bao bọc của gân làm cho gân không còn sự bảo vệ nên bị teo lần, người bịnh sẽ bị tê liệt lần lần nơi nào chúng tấn công đến.  Bắt đầu là chân trái, rồi tay trái đến chân mặt rồi tay mặt, đến bụng, ngực, lên đến răng thì răng rụng, sau cùng lên đến óc thì sẽ chết!  Nhưng điều lạ là trong thời gian bị tê liệt, người bịnh không cử động, nhúc nhích và không còn cảm giác được mà đầu óc người bịnh vẫn sáng suốt bình thường. 

Thoạt đầu Trân giấu không cho các con biết nhưng sau đó Hiền nghe thằng bé đi chơi với ba về kể cho nàng nghe thì Hiền cảm thấy rụng rời:

“Má ơi!  Con với chị Đoan-Mai đi ăn phở với Ba, đang ăn thì bỗng dưng tay của Ba không điều khiển được rớt xuống tô phở nóng mà Ba không biết!”

“Má ơí!  Hôm nay con phụ Ba lái xe, khi Ba quẹo mặt, con phụ Ba kéo tay lái về phía mặt…”.

Trân bị bịnh đã được 3 năm, chàng bây giờ không còn đi đứng bình thường, nhìn Trân ngồi trên chiếc xe lăn tiều tụy, tay chân rút nhỏ như những người ốm đói Phi Châu, Hiền không thể tưởng tượng được người đàn ông uy quyền năm nào vừa rời khỏi mẹ con nàng thì bị mất việc rồi đến bịnh nan y… 

Sang đến năm thứ 5 thì Trân không còn ngồi vững, năm thứ 6 thì Trân không nói được, muốn hỏi Trân điều gì thì Trân ra dấu bằng ánh mắt và nhìn vào tấm bảng ABC để ráp vần khi chàng muốn nói. 

Một buổi sang mùa Thu năm thứ 7, cớ gì trời hômg nay thật u buồn, ảm đạm, Hiền đang đứng nhìn một đám tang đi ngang, đoàn người mặc toàn trắng lạnh lẽo cầm cờ trắng bay phất phới, người đưa đám có vẻ thân quen, Hiền vội tìm một chiếc áo đen hoặc trắng để tháp tùng đưa tang dù không biết người nằm trong quan tài là ai nhưng Hiền tìm hoài vẫn không thấy, chỉ có những chiếc áo sặc sỡ khêu gợi trong tủ áo, đoàn người vẫn lặng lẽ  tiếp tục đi, không chờ… nàng vội vàng nói với theo “chờ tôi với, chờ  tôi với…”.

Hiền giật mình thức giấc vì tiếng điện thoại reo vang, đầu óc nàng quay cuồng vì cơn mơ còn ẩn hiện thì nghe tiếng con gái khóc bên đầu dây bên kia:

“Má ơi!  Ba đã mất rồi, lúc 3 giờ sáng nay.  Má ơi! Tụi con cần có Má ở bên cạnh…”.

Westminster, Colorado

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 48,277,777
Tôi đọc lại bài thơ đó bằng hồi ức, không thể nhớ tên tác giả. Sergey Tkachenko là ai, đứa trẻ Nga nào có đôi mắt xanh như tuyết đứng bên bờ Volga, như một ly rượu vang đầy ắp, như điệu dân ca
Lúc còn sống ở đời, Ba tôi ước mơ một lần được đặt chân đến đất Mỹ. Ước mơ của Ba tôi thực ra có thể thực hiện được nếu như người không ra đi sớm như vậy. Số là lúc tôi hội đủ điều kiện
Mấy chục năm trước, khi mình quen nhau em đâu có nghĩ có ngày mình sẽ trở thành "người xưa" và phải viết thơ thăm nhau. Cứ tưởng sẽ ở gần nhau và cùng nhau chia xẻ ngọt bùi
Em phải cho anh thời gian để suy nghĩ chứ. Em chỉ mới mười bảy tuổi, còn anh mười chín, bây giờ mà có con thì lấy gì mà sống. Hơn nữa anh còn phải hỏi ý kiến của ba mẹ anh. Vậy anh về lại thành phố
Bố tôi người Nam Định. Mẹ tôi từ Thái Bình. Năm 1954, hai người gặp nhau trên một chuyến phà trên đường di cư từ Bắc ra Nam. Chưa đầy một năm sau lần hội ngộ ấy, bố mẹ tôi lấy nhau
Bà Lệ Hằng đang trang điểm trên gác bỗng ngưng lại, chồm người qua lan can nói gióng xuống dưới nhà: - Nè Mận à! Mầy có chịu tắt TV đi rồi vào thay quần áo để cùng tao lên phi trường
Đưa hai vợ chồng người khách hàng ra cửa rồi, tôi trở lại bàn giấy ngồi. Lật cái hồ sơ của hai người ra đọc lại từng trang xong tôi cũng không biết phải bắt đầu từ đâu. Hai cái hồ sơ này
Cuối cùng thì chị Cả cũng ra đi…Tôi không tin đó là sự thật cho tới ngày đưa chị ra sân bay Tân Sơn Nhất, nhìn bóng chị cao dần cùng chiếc thang cuốn, cao dần, mất hút. Tôi trở về nhà
Trên đường lái xe về nhà, trên một góc phố chờ đèn xanh đèn đỏ, góc phố này thường kẹt xe lắm hình như phải chờ đến 5 phút mới tới lượt đèn xanh và chỉ được vài cái xe di chuyển
Máy chụp hình được đặt trong một hộp trắng, đi kèm với một hệ thống đèn flash, được dựng ở bốn góc