Hôm nay,  

Ước Mơ Của Mẹ

02/10/200600:00:00(Xem: 157091)

Bài số 1086-1695-408-vb3290806       

Tác giả là một bà mẹ lần đầu dự viết về nước Mỹ. Bài được chuyển bằng e-mail.  “Ước Mơ Của Mẹ” được kể bằng ba lá thư: Thư gửi "cu Nam" kể về tâm sự bà mẹ gốc Việt tại Mỹ khi nghe con trai báo tin sẽ kết hôn với cô bạn gái Mỹ trắng tóc vàng.  “Thư gửi Tí Nữ” kể về những chặng đường khổ lụy khi bồng con đi vượt biên. Và, sau cùng là lá thư bỏ ngỏ…

1. Thư gửi "cu Nam"

Con thương

Chiều nay, sau khi nói chuyện với con, buông phôn xuống, mẹ đã lặng người, ngồi trên sô pha cả tiếng đồng hồ không buồn nhúc nhích. Dù bố liên tiếp hỏi này hỏi nọ nhưng mẹ chẳng để ý vào câu chuyện để trả lời.  Mẹ cũng cố gắng tập trung tư tưởng vào những gì bố muốn nói, để bố mẹ có thể chia sẻ, để mẹ có thể khuây khỏa nhưng vô ích!  Hình ảnh con từ ngày mới lớn bám chặt lấy đầu óc, tâm hồn mẹ...

Mẹ biết làm bố buồn, làm bố cảm thấy lẻ loi, làm bố phải ái ngại vì thương cho người mẹ quá tình cảm, quá yếu đuối trong mẹ.  Nhưng mẹ không thể làm khác hơn là nhìn bố đến độ thảm hại:

-  “Sao em đau đầu hết sức, chắc ăn không nổi đâu, anh chịu khó dùng cơm một mình...  Uống 2 viên Tylenol rồi em đi ngủ sớm đây. Sorry!”

Rồi trên giường với tấm mền kéo cao tận cổ như một người bệnh, cuốn phim có con đóng vai chính, chiếu đi chiếu lại trong tâm tưởng mẹ, rõ ràng như một cuốn phim trên màn ảnh, thật sắc nét, vui có, buồn có...  Và thằng con trai yêu quí của mẹ, lúc nào cũng là tất cả của cuộc đời mẹ, dù mẹ luôn biết rằng, mẹ chỉ là một cái móc xích nhỏ nhoi khiêm nhượng trong đời của nó mà thôi.

Con vừa cho mẹ biết, con quyết định mùa xuân năm tới sẽ làm đám cưới với Melisa!

 Mẹ lo lắng đợi chờ chuyện này đã từ 6, 7 năm qua.  Nhưng mẹ vẫn chủ quan tự trấn tĩnh mình:

 -  “Chắc chẳng có chuyện đó đâu. Từ từ rồi cô cậu bỏ nhau ngay ấy mà.”

Và mẹ ước mơ hoài tới một cô gái Việt Nam nào đó, con sẽ có cơ may gặp gỡ, đưa về giới thiệu với mẹ.

Bắt đầu từ năm con lên trung học.  Mẹ thấy lác đác có vài cô gái nang gọi phôn đến nhà mình. Cái vẻ con vừa đi học về, nghe tiếng phôn reo, vội vàng chạy lại nhấc lên trả lời khe khẽ, cúp xuống, nhìn chung quanh rồi lủi nhanh lên lầu, vào phòng riêng, đóng cửa lại.  Là mẹ biết cô nào đó đang bên kia đầu giây chờ con để nhỏ to thủ thỉ.

Mẹ hơi lo, vì tuổi con chưa đủ trưởng thành để giao du hay tâm tình với người khác phái.  Nhưng phiếu học bạ con đem về vẫn luôn luôn được điểm xuất sắc nên mẹ tự nhủ và xác định lập trường cho mình:

     -  “Thôi cứ để con thoải mái. Ở đây, một xứ sở hết sức mới mẻ tự do, mình không có thể bắt con vào khuôn khổ như ngày xưa bên đất nước trong cái thời của mình được.”

Hoặc:

     -  “Mình khó khăn với con, con lại bung ra, làm quá đà thì còn mệt hơn.  Vả lại con vẫn cố gắng học hành.”

Nhiều buổi tối, bố mẹ trong phòng đã bàn luận, đã trách cứ nhau hoặc đồng ý với nhau về cách dạy dỗ, đối xử với các con đến khuya khoắt mới yên lòng đi vào giấc ngủ dù biết mai sớm phải dậy đi làm sẽ có nhiều mệt mỏi, sẽ phải ngáp ngắn ngáp dài nơi làm việc.  Lắm khi bố mẹ đã cãi nhau to tiếng vì các con, mỗi người một ý, dù ai cũng sợ rằng, nếu không khéo, các con sẽ hư đi.  Người này buộc lỗi người kia rồi mỗi người một mép giường.  Bố nằm co ro lạnh vì cái mền độc nhất đã được mẹ dùng để trùm kín đầu cho tiện việc thấm những giòng nước mắt cứ tuôn ra tràn trề trong hố mắt vừa cộm vừa nhức, mà thao thức suốt đêm đến sáng.  Và biết chắc chắn, bố cũng đang trằn trọc vì nghe được những tiếng thở dài thườn thượt của bố.

Những lần bố mẹ cãi nhau, nhiều khi không kiềm chế nổi, nên đã to tiếng để các con biết được, làm các con sợ hãi.  Và cũng có nhiều khi, bố mẹ cố tình cho các con nghe thấy những lời đối thoại gay gắt, để các con biết là bố mẹ đã phải bất hoà, phải mất vui, phải đau khổ vì lỗi lầm của các con.  Để các con có thể vì thương cho hai vị sanh thành mà đừng làm lỗi như vậy nữa.  Bố mẹ đã không dám trực tiếp la mắng các con, sợ các con tủi thân, sợ các con bất mãn.

Tựu trung thì mục đích của bố mẹ luôn luôn vẫn là nuôi dạy các con trở thành một người tốt, đàng hoàng trong gia đình, hữu ích ngoài xã hội.  Bao năm lo lắng, nghiền ngẫm và cầu xin Thượng Đế soi sáng cho bố mẹ biết cách xử sự cho đúng với các con.  Đến ngày hôm nay, hơi yên tâm được một chút về vấn đề học hành, thì đùng một cái, mẹ phải đối diện với quyết định hôn nhân của con là cưới một cô gái người bản xứ làm vợ. Thật bất ngờ cho mẹ!

Dẫu rằng suốt hai năm nay, mẹ hằng lưu tâm tới chuyện này.  Ra trường rồi, với số tuổi của con, đã gần đủ chín chắn và trách nhiệm để có một mái gia đình riêng, để sống cho có ý nghĩa và vươn lên với đời.  Mẹ phải ngấm nghé chỗ này chỗ nọ cho con dần đi là vừa.

Chẳng rõ mẹ có lầm lẫn không, khi những ngày tháng qua, mẹ đã để con được phép bồ bịch với mấy cô không phải là người Việt Nam.  Mẹ đang tự trách mẹ, đã chẳng cứng rắn răn đe con.  Nhưng khổ nỗi nếu được trở lại thời gian cũ, chắc mẹ cũng không nỡ làm như vậy.  Nhớ những lần con vắng nhà hay còn ngủ nướng, mẹ đã tình cờ nhấc phôn để được nghe bên kia đầu giây là những người bạn gái của con.  Có khi là một cô Mỹ.  Có khi là một cô Phi-Luật-Tân.  Có khi lại là một cô Tầu hay Ấn-Độ...  Cô nào mẹ cũng bằng một giọng nhẹ nhàng ngọt ngào để hỏi han thân mật hòng được biết tên tuổi, người xứ nào, có phải học cùng lớp với con không.  Và lắm khi mẹ đã bật cười vì đám bạn gái "Hiệp-Chủng-Quốc" của con.

Mẹ ghi những tên tuổi đó vào đầu để còn theo dõi xem sự quen biết của con sâu đậm đến độ nào, để tìm hiểu thêm ý thích và tính tình của con.  Tuy mẹ thường tỏ ra rằng, những giao thiệp trai gái đó không thành vấn đề đối với mẹ, nhưng trong lòng mẹ không khỏi hoang mang và ước ao đó chỉ là một chuyện nhất thời của lũ trẻ mới lớn trong xã hội này, dễ được dễ mất, mau có mau quên.  Đặc biệt mẹ không dám cấm cản, vì từ kinh nghiệm thuở còn con gái, mẹ biết chuyện tình yêu trai gái càng bị cấm đoán lại càng tha thiết, cuồng nhiệt.

Một hôm, có cô Việt Nam gọi lại, được nghe tiếng Việt từ người bạn gái của con, mẹ vui mừng như nhận được quà ai gửi tặng.  Mẹ nói chuyện với cô nhiều hơn, mẹ hỏi cô về gia thế, mẹ mời cô cứ tự nhiên đến nhà chơi.  Chẳng phải mẹ muốn cô làm ngay con dâu của mẹ, điều mẹ muốn là dù thuộc người nước nào, họ cũng có thể vui đùa, trò truyện với con trước mắt mẹ, trong phòng khách nhà mình và biết đâu mẹ lại chả được dịp nói cười, thông cảm với các con.  Nhưng rồi xem ra con lơ là với cô đồng bào này và được biết, cha mẹ cô ly dị, gia đình cô lỏng lẻo nên mẹ đã không đến nỗi phải tiếc rẻ.

Và rồi một chiều, sau buổi học, con đưa Melisa về giới thiệu với mẹ.  Cô bé tóc vàng đong dỏng, cao ngang ngửa với con.  Mặt mũi dễ thương xinh xắn.  Cái vẻ nhút nhát, ít nói của cô làm mẹ thấy có cảm tình dù thật sự mẹ vẫn không thích cái kiểu con gái mới mười lăm mười sáu tuổi đầu mà đã để bạn trai dẫn về nhà.  Ở Việt Nam không bao giờ có chuyện đó đâu con.  Nhưng "nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc"; sống trên đất nước người ta, dù muốn dù không, mẹ cũng phải vui vẻ chấp nhận để các con không mang mặc cảm bị kìm kẹp.

Dĩ nhiên là lúc ấy, mẹ không hề nghĩ rằng con sẽ lấy cô này, cho dù cô có ngoan ngoãn xinh đẹp cách mấy đi chăng nữa cũng chẳng bao giờ có thể trở thành một cô gái Việt Nam, một cô con dâu mẹ hằng mơ ước.

Rồi từ đấy, chỉ thấy con đi chơi với Melisa, các cô kia dần dà không còn gọi phôn đến nữa.  Và thỉnh thoảng Melisa gọi đến hỏi con có nhà không.  Một lần vì chẳng muốn con đứt đoạn giấc ngủ ngon, mẹ đã không chuyển phôn nàng cho con nói chuyện, để bị con trách cứ quá chừng chừng.

Mẹ vừa cố gắng vui vẻ dễ dãi vừa lo lắng ưu tư, không biết mối tình của "hai người bạn trẻ" sẽ đi tới đâu.  Mẹ chỉ muốn hai đứa rời nhau ra thôi nhưng tuyệt đối không dám để lộ tư tưởng thầm kín của mình.  Mẹ tường trình với bố mọi động tĩnh của con, từng cú phôn cô bé gọi lại mà mẹ được biết.  Hỏi bố ý kiến, muốn bố nói chuyện với con và thỉnh thoảng cũng nên nhắc nhở con rằng, con gái người ta còn nhỏ tuổi, đừng làm gì "bậy bạ" kẻo bị lôi ra tòa.  Những lúc ấy, con đã phì cười lắc đầu, cho là bố mẹ sao mà lẩm cẩm quá đi mất.

Trong những câu chuyện hằng ngày của gia đình, trong những lần cãi vã cũng như trong những niềm vui, nỗi buồn của bố mẹ, từng giây từng phút, giờ lại có thêm chuyện tình yêu của cậu con trai.  Nào là "Nam dợt Melisa chơi tennis", nào là "cô cậu đi movie", hay "đi nghe nhạc"... Hoặc anh chị đang giận nhau".  Và cũng có thể là "chàng đang tìm mua quà birthday cho nàng" v v và v v...  Để đáp lại sự chiếu cố tới con của gia đình bên ấy, đôi khi mình đi ăn nhà hàng VN, mẹ bảo con dẫn Melisa đi theo, mẹ thấy được sự lúng túng của cô bé.  Thường thì cứ ngồi mỉm cười vì cái gì cũng nói là ăn không dược, ăn không quen... mà mẹ tội nghiệp.  Và mẹ cũng chỉ biết cười lại với cô để tỏ tình ưu ái, vì hỏi vài ba câu thông thường là hết chuyện, chẳng biết nói gì hơn dù thật sự đã cố gắng.

Cho đến ngày con xong trung học, cô bé tóc vàng đó đương nhiên đóng vai trò "Người yêu dấu" của con trong buổi dạ tiệc ra trường.  Mẹ chẳng hiểu nên buồn hay nên vui.  Và mẹ đồng ý để bố lo cho con một bộ tắc-xi-đô thật bảnh, thuê xe limousine để con đưa đón người yêu cho đúng lệ bộ, không phải thua kém bạn bè.  Bố còn đích thân chụp hết mấy cuộn phim đủ kiểu, đủ cảnh cho con có hình kỷ niệm.  Lúc nào bố mẹ cũng muốn con được hạnh phúc, được hưởng trọn vẹn tuổi xuân của con.  Ngắm con mẹ tự nhủ:

     -  “Rồi con mình sẽ đi học ngoài tiểu bang, xa mặt cách lòng, sẽ quên nhau.  Mình sẽ lèo lái được con, mình sẽ có dâu Việt Nam.”

Năm đầu đại học, con người ta chỉ về thăm nhà hai lần; một vào ngày lễ Giáng Sinh cùng với đầu năm, và một vào ngày nghỉ hè.  Nhưng con, mẹ phải mua vé máy bay cho con đến năm, sáu lần - vì con nhớ người yêu nên long-weekend cũng về, Thanksgiving Day cũng về.  Mẹ thông cảm.  Mẹ chiều chuộng.  Có bao giờ mẹ nỡ "say no" với con đâu.  Mẹ sợ lắm khi mẹ trả lời "không", con buồn con giận.  Mẹ tội nghiệp rồi có muốn đổi ý nói "có" lại, thì con cũng chả thèm nữa, để mẹ phải ân hận áy náy không thôi.

Đón con từ phi trường thì trên đường về, mẹ phải tranh thủ thời gian hỏi han con cho hết những gì muốn biết, muốn nói, muốn tỏ ra mẹ luôn luôn quan tâm yêu thương con.  Và ngắm nhìn con cho kỹ, xem con có gì đổi khác, mập ra hay gầy đi.  Vì mẹ biết rằng, vừa bước chân vào nhà, là con sẽ lẹ làng tắm rửa, thay quần áo, bay thốc đến nhà người ta dù trời có đổ mưa tầm tã hay đã nửa đêm về sáng.  Chẳng kịp ăn uống.  Chẳng màng ngủ nghỉ.  Mẹ ái ngại cho con, xa cách người yêu, chắc con đã phải nhớ nhung khổ sở ghê lắm.  Thôi thì ít ra con còn biết đến sự nghiệp tương lai, nên con đã không lè phè học ở ngay thành phố này cho xong, mẹ hiểu cho sự hy sinh đó của con.  Mẹ nghĩ thế để tự an ủi.

Qua năm thứ hai, tình yêu của con bớt cuống cuồng bão táp.  Con không còn quá vội vàng chạy biến đi chầu ở nhà người ta suốt ngày suốt đêm nữa.

Đến năm thứ ba đại học của con, thì cô nàng tốt nghiệp trung học, cũng đi xa mãi tận Florida.  Dù rằng ngay năm ấy, trước khi về nghỉ hè, con xin phép được ghé lại miền biển xanh nắng ấm đó để vui vẻ với nàng một tuần.  Mẹ vui mừng vì con đã chín chắn, điềm đạm hơn.  Nói đến người yêu, mắt con không còn bừng bừng ánh lửa và giọng điệu đỡ say sưa tha thiết.  Con tâm sự là muốn "thả" cho cô nàng được tự do, thích đi với người bạn trai nào thì cứ việc tùy ý.  Và con cũng không còn tự ràng buộc con với cô ấy nữa.  Gặp ai hợp tính, con cứ việc tiến tới.  Tuy nhiên, hai con vẫn giữ mối giao hảo bằng hữu.  Con luôn luôn xác định:

     -  “Melisa lúc nào cũng là người bạn tốt của con.  Sau bố má, người hiểu con nhất vẫn là nàng.”

Con độc lập dần dần, mỗi lần về nhà nghỉ lễ, con không còn qua bên đó trình diện.  Con không đưa cô bé đi ăn, đi giải trí liên miên nữa, mà vẫn không cảm thấy rầu rĩ râu ria ra rậm rạp.   Đôi khi con cũng từ chối không nhận lời mời của cha mẹ nàng đến dự một buổi họp mặt gia đình hay đi ăn đi chơi đâu đó.  Mẹ dò hỏi tại sao thì con trả lời:

     -  “Con muốn tụi con có thì giờ nhìn chung quanh để biết đời, biết người hơn.”

Mẹ hỏi cố:

     -  “Nhưng con có buồn, có sợ mất hay có còn yêu không"”

Con thản nhiên:

     -  “Ồ không đâu má ơi, má tội nghiệp con hở.  Má thương con... "đến-thế-cơ-ấy-hở""”

Con toe toét nhái lại cách nói của mẹ, rồi ôm mẹ nhấc bổng lên xoay.  Mẹ phải la oai oái...  Mẹ cám ơn Chúa, mẹ đi vội vào phòng riêng, soi gương để nhìn giòng nước mắt âm ấm của chính mình lăn dài trên má xuống đôi môi mằm mặn sung sướng.  Mẹ những tưởng Chúa cho mẹ thành công.  Rồi đây thế nào mẹ cũng có một cô con dâu VN ngoan hiền.  Mẹ yên lòng chờ đợi.

Thời gian trôi nhanh, thấm thoát đã tới ngày con tốt nghiệp đại học.  Bố mẹ sửa soạn mọi thứ từ ba tháng trước để có một tuần dự lễ mãn khóa của con và hai tuần lái xe đi chơi vòng vòng vài tiểu bang với các con.  Nhìn thằng con trai "một" trong mũ áo đồng phục của sinh viên sĩ quan, mẹ phấn khởi nói đùa với bố:

     -  “Nhắm vợ cho cậu cả là vừa.”

Mẹ đã bàn chuyện với người bạn thân của mẹ từ hồi hai đứa còn học chung trường ngày xưa, nay ở một tiểu bang miền Bắc.  Hai bà mẹ đã trao đổi hình ảnh của hai đứa con và dự định sẽ tìm cách cho hai trẻ gặp nhau.  Lúc này là cơ hội để thực hiện toan tính sau bao lần gọi phôn qua lại chuyện trò.  Nhưng Trời ơi, chẳng hiểu vì mẹ vụng về hay tại con thông minh.  Con nhận ra rồi kịch liệt phản đối.  Mặt mũi con đỏ lên, phát cáu, nói như muốn khóc:

     -  “Má kỳ quá, con kiếm được vợ cho con mà.”

Nhìn thẳng vào mắt mẹ con tiếp:

     -  “Má làm như thế, không bao giờ được với con.  Má làm con mắc cở, mất tự nhiên.  Cho dù con có thích cô ấy đi chăng nữa, mà biết má phải lo lắng sắp đặt như vậy, con cũng bỏ đi, con cũng chẳng muốn.”

Mẹ sững sờ.  Lắc đầu cay đắng!  Nuốt cục nghẹn đóng nơi cuống họng, thở dài và mắt cay muốn khóc.  Mẹ thất bại hoàn toàn!  Thế là ba tuần lễ đi chơi với bao nhiêu viễn ảnh được xây đắp, tưởng vui vẻ, hào hứng nay đã ỉu như chiếc bánh tráng nhúng nước sôi.  Thỉnh thoảng mẹ lại thầm thĩ rên lên với Chúa:

     -  “Chúa ơi, con phải làm gì bây giờ cho con cái của con"”

Bố chia sẻ với mẹ và luôn luôn nhắc nhở:

     -  “Phải từ từ, từ từ...  Phải bình tĩnh, đâu rồi có đó.  Đừng sốt sắng, vội vàng quá.  Hỏng hết!”

Chuyện "vỡ mộng"- như bố vẫn  hay nói đùa để làm má vui - rồi cũng phôi phai.  Con trở về với thói quen là hay nghẹo cổ ngắm nghía mẹ, trêu chọc mẹ bằng lời lẽ dí dỏm nghịch ngợm để mẹ phải bật cười, mắng yêu con.  Mẹ lại cũng với thói quen cố hữu là không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào, tấn công con liên tiếp về những chuyện mẹ muốn cho con.  Mẹ biết chẳng ai chịu nổi cái tật "Trời hỡi" này của mẹ.  nhưng không hiều sao mẹ chừa không nổi.  Mẹ hay sốt ruột lắm, tính chuyện gì mẹ cứ muốn nó phải hiện ra ngay trước mắt.  Đôi khi, mẹ cũng hơi chủ quan, quá tin vào cái tài lèo lái chồng con của mẹ. 

Và hôm nay thì mẹ biết rồi, mẹ là người vụng về nhất thế giới.  Làm sao mẹ đủ can đảm trả lời "có" như mẹ vẫn thường trả lời với các con, khi con hỏi "Con lấy Melisa, OK không má"" trong lúc ruột gan mẹ đang quặn thắt lại thế này.  Cái mộng có con dâu VN... thôi vậy là tan tành.  Mẹ có mỗi một đứa con trai!  Hằng ngày nghe đài phát thanh cũng như đọc báo chí Việt Nam, thấy cộng đồng mình tổ chức những buồi họp mặt hay picnic giữa các hội đoàn.  Mẹ ao ước con có mặt ở nhà để cả gia đình mình cùng đi tham dự.  Con sẽ có dịp gặp gỡ đồng bào, hưởng cái không khí VN thân thương và biết đâu... biết đâu con chả gặp được một "nàng" nào đó dịu dàng khả ái.  Mẹ tiếc rẻ, sao con không lớn chậm khoảng chục năm hay cộng đồng có những sinh hoạt này sớm hơn từ mười năm về trước.  Thì có lẽ đêm nay, mẹ không phải thất vọng, phải ủ ê đến mức quá sức chịu đựng như thế này!

Vậy là vài tháng nữa, con trai mẹ có vợ, nhưng mẹ lại chẳng được có con dâu VN.  Mẹ không khóc nổi, mắt mũi cay sè.  Hết rồi!  Con sẽ làm đám cưới theo lối người ta.  Con sẽ đưa vợ con về chào bố mẹ đấy, nhưng chỉ "hai hô" vài ba tiếng là con dẫn vợ con đi.  Nếu may mắn trong một buổi họp mặt gia đình, có sự hiện diện của vợ con, thì cô ấy cũng ngồi sát bên con ngoài phòng khách, thỉnh thoảng cố nhe răng cười một chút cho phải phép.  Chẳng biết hay chẳng muốn nói và cũng chẳng hiểu chi cả những gì sảy ra chung quanh.  Cho dù cô ấy hiểu được đi chăng nữa khi bố mẹ nói tiếng Mỹ hoặc tiếng Mỹ pha tiếng Việt, thì một khi không chung một huyết thống, không cùng một nguồn gốc tổ tiên, khác cách rung động, khác niềm cảm xúc... cũng chẳng có chuyện gì nhiều để chia sẻ đâu con.  Sau đó dĩ nhiên, cô phải nói "bái bai" với mọi người càng sớm càng tốt.

Mẹ chẳng phiền hà trước thái độ ấy, mẹ tội nghiệp là đàng khác, vì mẹ biết cô cũng đâu có thoải mái vui vẻ gì.  Thằng con trai duy nhất của mẹ.  Gia tài của bố mẹ, rồi đây chỉ còn như chiếc bóng, thoáng hiện thoáng mất, chả lẽ vốn liếng tinh thần của bố mẹ dành dụm bao lâu nay, giờ còn lại đôi bàn tay trắng!

Mẹ cứ mong có một ngày đưa con về quê hương, cho con biết Saigon, nơi có ngôi trường cũ của mẹ.  Những buổi bình mình, sáng ngời với muôn tà áo trắng, dù bị gài vào chiếc dây thung chằng ngang sau yên xe, vẫn cố tung lên, bay phất phới, làm rực rỡ cả phố phường.  Hình ảnh những cô nữ sinh hay những nàng thiếu nữ Việt Nam, trong chiếc áo dài mảnh mai mềm mại, tưởng rằng yếu đuối ủy mị, nhưng lại là những tâm hồn vững vàng, những tấm lòng chung thủy, sẽ yêu chồng, thương con đến kỳ cùng, sẽ bảo vệ chồng con bằng mọi giá!

Mẹ cũng dẫn con lên Đà-Lạt, hai mẹ con mình sẽ dạo bước trên những con đường rợp bóng mát giữa hai hàng thông xanh ngát.  Những chùm hoa Mimosa trổ vàng rực rỡ trước sân của những ngôi biệt thự mái ngói đỏ au ẩn mình trong rừng cây, tô diểm thêm cho thành phố hiền hòa thơ mộng này cái vẻ kiêu sa kín đáo.  Qua hồ Xuân-Hương, qua dốc Đồi-Cù là khuôn viên trường đại học, ở đó biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp lãng mạn thời "tuổi tóc mây" của mẹ và bạn hữu.

Rồi mẹ con mình sẽ làm một chuyến xe lửa ra Huế, ra Hà-Nội - để với cảnh đẹp thiên nhiên đầy tình tự dân tộc, con sẽ vô hình chung gắn bó với giang sơn tổ quốc.  Con sẽ cảm thấy có trách nhiệm đối với quê hương mình.  Chắc chắn với tâm hồn giầu tình cảm và với bầu nhiệt huyết của tuổi thanh niên, con sẽ muốn làm gì đó cho đồng bào, cho bà con anh em còn lại.

Nhưng thôi - Mẹ đã sống cuộc đời của mẹ, thì cuộc đời của con, mẹ sẽ để tự con chọn lựa, tự con được sống với tất cả những hạnh phúc và đau khổ phải có.

Mẹ sẽ yêu Melisa như đã và sẽ mãi yêu con.

Từ hôm nay, mẹ rút lui ra khỏi đời sống của con.  Dứt khoát và ưu ái trao cái thằng con yêu quí của mẹ cho cô bé tóc vàng bản xứ, người vợ tưong lai của con.  Ước mơ của mẹ sẽ là những đứa cháu nội "Hiệp Chủng Quốc" dễ thương, kháu khỉnh - thỉnh thoảng được dẫn về thăm mẹ.  Mẹ sẽ ôm và hôn tới tấp lên đôi má phúng phính bầu bĩnh của chúng.

Ôi ước mơ của mẹ, chỉ là để cho đi nguồn yêu thương lúc nào cũng dạt dào, đầy ắp trong con tim nhỏ bé này.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 48,483,381
Tác giả Ai Cơ Hoàng Thịnh là một nhà giáo tại tiểu bang Victoria , Úc. Bà là người đã vận động đưa được tiếng Việt vào chính khoá và chương trình thi Tú Tài Úc, từ 1983 tới nay; Đã được Úc vinh danh Citizen of the Year 1994 (Thành phố Footscray) & Teacher of the Year 1997 (Tiểu bang Victoria). Bài viết về nước Mỹ
Tác giả Ai Cơ Hoàng Thịnh là một nhà giáo tại tiểu bang Victoria , Úc. Bà là người đã vận động đưa được tiếng Việt vào chính khoá và chương trình thi Tú Tài Úc, từ 1983 tới nay; Đã được Úc vinh danh Citizen of the Year 1994 (Thành phố Footscray) & Teacher of the Year 1997 (Tiểu bang Victoria). Sau đây là bài đầu tiên
Tác giả Nguyễn Viết Tân, cư dân Costa Mesa, đã được tặng giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2001 với bài viết “Bên Bờ Freway.” Từ nhiều năm qua, ông là người viết được bạn đọc Việt Báo đặc biệt trân trọng. Bài viết mới của ông kể chuyện đi săn trên đất Mỹ. Mấy hôm nay tôi thường nằm dài ra ghế coi Basketball game
Tác giả là cư dân Greenville, SC, đã góp một số bài viết về nước Mỹ, trong đó có loạt bài “Hành Trình về phương Đông” kể chuyện dọn nhà đường bộ từ Nam Cali. Sau đây là bài viết mới của ông. Sao cháu nhanh thế, mới thấy nàng trong ngày đầu tiên là sau khi tan sở, về đến nhà là gọi điện thoại lại làm quen liền,
Một người Mỹ thuộc Hội Thiện Nguyện USCC đứng chờ trong phòng đợi phi trường tiểu bang Virginia . Ông có nhiệm vụ tiếp đón một gia đình Việt Nam đến Hoa kỳ tỵ nạn theo diện Cựu Tù nhân Chính trị tái định cư. Trên tay ông cầm sẵn tấm bảng bằng cạt-tông có ghi hàng chữ: "Chào Mừng Gia Đình Ông Hồ Tấn Toàn
Trần Nguyên Đán là bút hiệu của một tác giả cư dân Virginia . Công việc của ông là phục vụ cộng đồng trong lãnh vực tư vấn. Bài viết đầu tiên của ông, “Buổi Chiều Rất Ngắn” là chuyện về mối tình đồng tính thầm lặng mà bi thảm giữa một người lớn tuổi với một kỹ sư trẻ. Tiếp theo, “Bình Hoa Tan Vỡ” là truyện ngoại tình
Nhà báo, đồng thời là nhà hoạt động cộng đồng Chu Tất Tiến, một tác giả rất quen của bạn đọc Viết Về Nước Mỹ vừa góp thêm bài mới, về đôi điều cần biết trong đời sống tại Hoa Kỳ. Đây là những cảnh báo rất thực tế và hữu ích, mong sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm được viết để chia sẻ. Trong đời sống thường ngày ở Mỹ
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến