Hôm nay,  

Số Phận Con Lai, Một Kiếp Người

08/11/200600:00:00(Xem: 149359)

Số Phận Con Lai, Một Kiếp Người

Người viết: Trần Công Long
Bài số 1122-1731-444-vb3071106

Bút hiệu Trần Công Long lần đầu xuất hiện trong Viết Về Nước Mỹ. Bài của ông được chuyển đến bởi một thân hữu.
Mong tác giả sẽ có thêm bài mới và bổ túc dùm địa chỉ liên lạc.

*

Trước năm 1975 tôi không biết số phận của người con lai như thế nào vì lúc đó tôi còn nhỏ. Nhưng sau năm 1975 thì tôi biết và còn ấn tượng vì lúc đó tôi đã 7 tuổi rồi.
Chắc có lẽ các bạn không biết con lai phần đông lại mù chữ có phải vậy không"
Không phải họ làm biếng, mà bởi vì khi đến trường bị trêu ghẹo và bị ăn hiếp nên không dám đi học.  Có một số gia đình nghèo quá nên không có điều kiện, một số khác sợ mang tai tiếng cho gia đình nên mang những đứa con lai về quê. Ở quê nghèo quá không có cơ hội, nên đành phải đi chăn trâu, chăn bò, hay đi cắt lúa mướn, cuốc đất mướn.  Tất cả cũng chỉ vì miếng cơm manh áo. Thời gian qua nhanh, những đứa con lai đã trưởng thành, nhưng họ không hề biết một chữ và họ đã quen với cuộc sống quê mùa chất phát.
Rồi 10 năm sau, một biến động lớn đến với những đứa con lai. Chương trình ODP được ban hành.  Theo chương trình này, những ai có con lai sẽ có cơ hội đến được Mỹ.   Thế là những người giàu có ở thành phố  săn tìm đến những gia đình có con lai và dùng tiền để mua.  Có một số vì nghèo quá đành phải bán con.  Thế là những người con lai lại gặp một biến cố khác trong cuộc đời.   Họ bị coi như một món hàng, hay nói chính xác hơn, là một cái phao đưa người ta đến bến bờ của tự do.
Khi về đến thành phố những đứa con lai được thay hình đổi dạng, cởi bỏ lớp áo quê mùa để mặc vào những chiếc áo đắt tiền, ăn toàn sơn hào hải vị và ở nhà cao cửa rộng.  Nhưng những thứ đó không thể nào bù đắp được những trái ngang mà họ đã gặp phải trong cuộc đời. 
Tôi có quen được một vài đứa bạn lai bị người ta mua về, khi ngồi tâm sự tụi nó chỉ biết rửa mặt bằng nước mắt.  Tui nó trách đời sao lắm chuyện bể dâu, đã mang số kiếp con lai sao còn "gặp nhiều cay đắng". Tụi nó nói là tôi thật may mắn vì má tôi đã không bán tôi.   Tôi gượng cười và nói " Má tao không bán tao, bà ấy rất thương tao, nhưng 4 năm sau giải phóng, má tao cũng bỏ tao mà về bên kia thế giới ". Thế là cả đám ôm nhau khóc như những đứa con nít. Từ hôm đó tôi đã tự nhủ với lòng mình là phải cố gắng nhiều hơn không để người ta coi thường, và phải cho thiên hạ biết rằng chúng tôi có thể làm được những việc mà thiên hạ đang làm, vì chúng tôi là một con người, một con người có máu có thịt có tình thương tha nhân và đồng loại.
Khi đến được bến bờ tự do, số phận của người con lai lại còn đau khổ hơn.   Một số ít may mắn gặp được gia đình tốt thương yêu, lo lắng và coi như con cái trong gia đình. Phần đông những người không được may mắn thì bị người ta tìm cách tổng cổ ra khỏi nhà như một kẻ mang bệnh truyền nhiễm.  Những người con lai không còn lựa chọn nào, bước chân vào một xã hội mà họ chưa từng biết đến.  Họ sống tha hương không người thân, không bạn bè và chẳng quen biết một ai.  Họ không biết viết tiếng Việt, lại càng chẳng biết nói tiếng Anh.  Ở những thành phố nhỏ họ còn có thể xin được việc làm, nhưng ở những thành phố lớn thì hỡi ơi, sự thật phũ phàng! Đi xin việc phải có bằng cấp, đi rửa chén cắt cỏ phải có năng khiếu.
Một số khác vì chán nản với cuộc sống nên buông xuôi, đi vào con đương không thể quay đầu và trở thành tệ nạn của xã hội.  Họ vào tù ra khám như ăn cơm bữa.  Họ có số phận như ngày hôm nay là chính tại họ, nhưng một phần do những người đã dùng tiền để mua và mang họ qua đây, tới nơi rồi lại bỏ rơi họ, để ngày hôm nay họ có cuộc sống bi thảm như vậy.  Một số khác ráng ngoi lên để sống, lại bị thiên hạ mắng gió, chửi mưa. Số phận của những người con lai được người Việt Nam cư xử ra sao xin dành lai cho các bạn tìm hiểu. Xin hỏi các bạn, có ai sanh ra đời lại muốn làm con lai không"  Tự nhiên bị mang hai dòng máu Việt-Mỹ.  Người Việt không ưa, người Mỹ chẳng thích ! Nếu bạn là con lai bạn sẽ làm gì"
Mong rằng đời con, đời cháu của chúng tôi, chúng sẽ mở ra một bước ngoặt lớn cho cuộc đời của chúng, đừng như chúng tôi chẳng biết tương lai sẽ ra sao. Mong rằng thiên nhãn sẽ mở ra để nhìn thấy cuộc đời của những đứa con lai.
Trời già nhắm mắt ngủ yên
Con lai chẳng thấy hồn nhiên chút nào
Tuổi thơ sóng gió dạt dào
Tương lai xa thẳm như sao trên trời
Xin Trời mở mắt một thời
Nhìn đời con trẻ mịt mờ tương lai 
 Đó là số phận của những người con lai, còn Mẹ của họ thì sao"
 Những người Mẹ đó còn chua xót hơn, họ bị gán cho cái tên không lấy gì đẹp lắm:  Me Mỹ, chỉ vì họ đã lấy những người quân nhân Mỹ.  Mặc dù, một số lấy chồng Mỹ vì tiền, nhưng một số lớn còn lại,  họ lấy chồng ngoại quốc vì vì tình yêu thật sự.
Đau đớn thay, một thiểu số của những bà mẹ này, sau khi sanh con ra lại mang con bỏ vào cô nhi viện, hoặc nếu họ giữ lại nuôi, cũng cấm không cho con mình gọi là Mẹ mà phải gọi là Dì.   Co lẽ những đứa con đó là nỗi sĩ nhục của họ chăng" Hay là họ muốn quên đi cái dĩ vãng đau thương, cái quá khứ tủi nhục của họ mà đối với xã hội là những điều không thể chấp nhận được.


 Tôi có quen một người bạn con lai, và đã được nghe anh kể lại chuyện của chính mình.  Lúc còn ở Việt Nam, một hôm có người bạn của Mẹ anh đến nhà chơi, thấy anh lai nên tò mò hỏi mẹ của anh rằng anh là ai" Người Mẹ thản nhiên trả lời  "Đó là đứa con của chị tôi, chị ấy theo chồng đi rồi bỏ nó lại cho tôi nuôi."
Khi nói ra câu đó, người Mẹ đâu biết rằng những lời nói vô tình của bà đã làm tan nát trái tim của đứa con mình, vì nó bị tước đi quyền làm con.   Những đứa con lai khi ra đường đã bị xã hội khinh rẽ, về đến nhà họ chỉ mong được tình thương của Mẹ sưởi ấm để vơi đi phần nào hờn tủi.  Nhưng, bất hạnh thay, họ lại được nghe chính Mẹ mình nói những lời cay đắng như vậy.  Nỗi đau đớn, sự tủi nhục kia vì thế thêm chồng chất khiến họ trở nên ngang tàn bất cần đời.
Riêng đối với những người Mẹ hết mực thương những đứa con lai của mình thì lại bi thiên hạ chửi rủa, nói xiên nói xỏ đủ điều.  Tôi đã được nghe một người Mẹ của đứa con lai kể lại rằng khi bà sanh đứa bé được 1 tháng, bà phải ôm đứa bé từ Sài Gòn về Long Thành ở nhờ nhà một người quen.  Khi đứa bé được 4 tháng, Ba Mẹ của bà tức là ông bà ngoại của đứa bé, buộc bà phải bán con với giá 15 ngàn đồng.  Vì thương con, bà nhất định một mực từ chối.   Kết quả là bà đã bị tống cổ, đuổi ra khỏi nhà.  Nhưng trời còn thương khiến xui bà gặp lại người chồng và được bảo lãnh theo chồng sang Mỹ.   Bây giờ đứa bé đã lớn, được học hành đến nơi đến chốn, và có chức vị trong xã hội.   Giả như, nếu năm xưa người Mẹ đó chấp nhận bán con mình thì ngày nay số phận của nó sẽ ra sao"
Đó là hai chuyện thật trong trăm ngàn những chuyện thật đau lòng khác.  Các bạn thấy không"  Số phận của hai người con lai đó hoàn toàn trái ngược nhau. Cuộc đời sau này của người con lai ra sao đều do hành động của người Mẹ khi họ còn trong tuổi ấu thơ.   Sự quyết định của người mẹ ảnh hưởng thật sâu đậm đến tương lai của họ vì đối với người con lai, Mẹ của họ cũng chính là điểm tựa duy nhất để họ nương nhờ.  
 Nếu người Mẹ nhẫn tâm chạy trốn trách nhiệm của mình hay vì sĩ diện với gia đình, họ hàng mà vô tình tước đi cái quyền làm con của đứa con ruột thịt thì họ đã vô tình đẩy chúng con đường tội lỗi.  Hành động vô tình, không tính toán của người mẹ đã khiến những người con lai cảm thấy cuộc đời vô nghĩa, vì họ nghĩ rằng ngay cả Mẹ ruột của mình mà cũng không chấp nhận mình thì cuộc đời này chẳng còn chỗ nào cho họ nương thân.  Họ dễ dàng sa ngã và đi vào con đường tội lỗi, nghiện ngập, băng đảng, trộm cắp.
 Ngược lại, nếu như người Mẹ đó dùng tình thương yêu của mình để yêu thương giọt máu do mình tạo ra, thì những người con lai đó sẽ hanh phúc biết dường nào.  Dù ngoài xã hội họ có bị coi thường hay kinh rẻ, nhưng trong tâm cảm, họ  biết rằng khi về nhà họ sẽ được Mẹ thương yêu, bảo bọc.   Đó cũng chính là động lực lớn, giúp sức cho những người coi lai phấn đấu để vươn lên với đời.
Tôi nói đây không phải là nói suông, vì chính bản thân tôi cũng đã từng trải, đã mang tới cho tôi một kinh nghiêm đau thương trong cuộc đời.  Năm tôi lên 10 tuổi, Mẹ tôi gặp phải một tai nan giao thông và đã qua đời.   Lúc đó, Anh Hai tôi mới 15 tuổi.  Anh phải nghỉ học đi làm kiếm sống cho bản thân, cùng lúc nuôi hai đứa em nhỏ, lo cho chúng ăn học.   Anh tôi vừa làm Anh, vừa làm Cha, lại kiêm luôn chức làm Mẹ.   Tình thương bao la cao cả đó có thể so sánh và đặt ngang hàng với đấng sanh thành.  Sự chăm sóc và tình thương của Anh Hai tôi đã làm vơi đi trong tôi nỗi đau mất Mẹ.  Anh dạy dỗ tôi,  chỉ bảo cho tôi cách sống làm người như thế nào để không hổ thẹn với đời.   Bằng cuộc sống hàng ngày và sư hy sinh của Anh, Anh đã cho tôi thấy chân lý của cuộc đời.  Ngày hôm nay tôi được như thế này cũng là nhờ có Anh, công lao của Anh.   Giả như, nếu không có Anh, cuộc đời tôi bây giờ sẽ ra sao"  Tương lai tôi ngày nay sẽ như thế nào"
 Tình thương của Mẹ đối với nhũng người con lai rất quan trọng cho cuộc đời của họ.   Những đứa trẻ Việt Nam bình thường, nếu như không được Mẹ thương thì chúng vẫn còn có cha.  Nhưng đối với những người con lai, nếu Mẹ không thương là chúng mất hết.   Cha của họ là ai" Bây giờ đang ở đâu" Đó mãi mãi là một câu hỏi không có câu trả lời đối với riêng tôi và một số bạn lai khác.
 Tôi có hỏi một người bạn lai có trách hờn Mẹ mình không, vì Mẹ anh đã nhẫn tâm chối bỏ giọt máu của mình, thì anh ta cho biết rằng anh không hề trách hờn Mẹ anh vì bà không thương anh.  Anh chỉ buồn cho số phận của mình thôi.  Dù sao anh cũng cám ơn Mẹ, vì nhờ có Mẹ mà anh mới đến được cuộc đời này.
Theo tôi, ở đời bạn có thể chọn cho mình một hướng đi hay chọn làm người tốt hay người xấu, nhưng bạn sẽ không có quyền lựa chọn cho mình một người Mẹ,  vì đó là sự sắp xếp của tạo hóa.  Không bao giờ nên mang Mẹ mình ra so sánh với người khác.  Dù Mẹ có tốt hay xấu cũng vẫn là Mẹ mình và Mẹ sanh mình ra, trên đời này là độc nhất vô nhị.  Thế thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 47,947,614
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo