Hôm nay,  

Chuyện Đời Thường

07/03/200600:00:00(Xem: 136962)
Người viết: TỐ TÂM

Bài số 957-1557-280-vb4080306

*

Tác giả đã được trao tặng giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2005. Cô là thứ nữ một gia đình H.O., hiện là một dược sĩ, làm việc tại Carmarillo, California.

*

Ông nội tôi làm nghề cày ruộng. Ba tôi tiếp tục nghề cày ruộng được nửa chừng thì bỏ ngang. Ngay biến cố năm 75, ba tôi lanh lẹ vọt sang Mỹ, bỏ quên hai cha mẹ già, một vợ, và ba đứa con lít nhít mũi giãi còn chảy lèm nhèm ở nhà.

Tôi học đến lớp 8 thì quẳng sách vở về nhà cày ruộng. Chưa đến tuổi thanh niên nhưng xác tôi bắt đầu kềnh càng. Ngực nở, vai bắt đầu vồng lên hứa hẹn những bắp thịt. Tay tôi to, hợp với việc cầm cày hơn là cầm viết. Tôi nghĩ ai ai cũng bác sĩ, kỹ sư,. thầy giáo hết thì lấy gạo đâu mà ăn. Tôi chấp nhận đi cày ruộng. Nghề cày ruộng chỉ đơn giản lấy đuôi con trâu làm thước ngắm.

Ruộng nhà tôi không nhiều. Chỉ dăm ba sào được hợp tác xã chia cho mỗi đầu người trong gia đình. Tôi cày một loáng là xong. Cày ruộng nhà xong, tôi đánh trâu sang cày ruộng người khác, đến mùa, họ tới gặt lúa lại cho nhà tôi. Đó cũng là một cách đổi chác sức lao động của nhà nông.

Vào vụ mùa, con trâu đi trước, cái cày đi sau còn tôi đi sau rốt, la hét há ví cày hết đám ruộng này tới ruộng khác. Nửa buổi mẹ tôi bưng một cái thúng con con trong đó có đồ cho tôi ăn nửa buổi. Thường thì mẹ nấu xôi, rồi xéo khoai lang vào. Khoai lúc nào cũng nhiều hơn xôi. Nhưng đối với tôi, miễn có cái cho vào bụng là được rồi, không cần phải ngon.

Trong lúc tôi ăn, mẹ dắt trâu loanh quanh trên những bờ ruộng cho nó gặm cỏ, nghỉ ngơi. Khi tôi ăn xong, mắc trâu vào cày thì mẹ dọn dẹp thúng mủng bưng về. Gió đồng mát rượi. Đồng ruộng làng tôi không có bóng cây, chỉ có một dòng kênh nhỏ vắt ngang qua cánh đồng như cọng chỉ. Nhưng được cái nước mát và xanh. Giữa buổi cày nắng nóng có thể dừng trâu lại vục mặt xuống mương kênh để nghe cái mát lành lạnh của nước thấm vào da thịt rồi lại cày tiếp. Người dân cày như tôi thì chỉ cần mát. Thỉnh thoảng trong những luống cày, vài chú cá rô khờ khạo quẫy lên, tôi liền dừng cày, xọc tay vào bùn tóm lấy xâu vào cọng lạt. Trưa đánh trâu về, xâu lạt cũng nhung nhúc cá.

Cày xong là bừa, ban cho mặt ruộng bằng phẳng rồi mới sạ (gieo những hạt lúa đã được ươm mầm). Suốt ngày phơi mình dưới nắng gió ngoài đồng, da tôi đen bóng nhảy. Mẹ tôi hay phàn nàn: "mày đen thui như vậy con gái nào nó ưng". Đã là dân cày mà còn mong cho da trắng trẻo. Con gái làng tôi ra đồng là trùm kín mít chỉ chừa lại đôi mắt. Nghe nói cái nước gì đó mà Mỹ đem quân qua đánh họ cũng trùm đầu kín mít y hệt con gái làng tôi.

Việc đồng áng bắt đầu rảnh rổi từ lúc lúa đang thì con gái. Gánh phân u rê ra đồng bón thêm cho lúa, đi ngang qua quán Karaoke, thằng Lữ trong quán thò đầu ra ngoắc ngoắc: "Vô chơi một bản rồi ra vãi phân, mày!“

Tôi để gánh phân tựa gốc cây tràm trước quán rồi bước vào. Thằng Nghĩa đang dán mắt vào màn hình tivi, miệng ư ử: "đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn, đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành... “ Nhìn bộ dạng thằng Nghĩa tưởng nó đang thất tình thiệt. Nhưng nó đã có vợ và hai con. Nó lớn hơn tôi 2 tuổi.

Khi tôi hát xong bản ruột "Sao em nỡ vội lấy chồng" thì trời cũng bắt đầu chạng vạng. Tôi đành quảy gánh phân trở về vì trời nhá nhem thấy đường đâu mà vãi. Mẹ tôi cằn nhằn: "Vãi phân không lo đi vãi mà đi hát với hò". Ơ hay, lúc nào mẹ nói: "Sao không thấy đi chơi, cứ xó ró ở nhà sau đít con trâu chừng nào mới có dzơ." Giờ tôi đi chơi, à, đi hát karaoke, thì mẹ lại mắng .

Ba tôi bên Mỹ gởi giấy tờ về bảo lãnh tôi đi Mỹ. Hai đứa em gái đã lấy chồng, chỉ còn tôi độc thân vui tính cho nên lọt sổ. Bên Mỹ biết có ruộng có trâu để tôi cày không. Lữ, thằng bạn cày của tôi mắng: “Mày ngu bỏ mẹ. Nước Mỹ văn minh như vậy thì có cày ruộng cũng cày bằng máy, làm gì có trâu“.

Hồ sơ giấy tờ của tôi gởi đi đã lâu mà không thấy trả lời. Sốt ruột, bà dì, tức vợ của ba tôi bên Mỹ gọi điện thoại về: "Nhớ quẳng cho chúng it' tiền con ạ. Không có tiền chúng ném hồ sơ mày vào sọt rác thôi".

Quẳng thì quẳng bằng cách nào bây giờ. Tôi chỉ thạo việc cầm cày đi sau đít con trâu, vãi phân, gánh lúa. Nhớ có lần bà chị họ ở Mỹ về kể. Lúc tới phi trường, qua cửa hải quan thì hành lý của chị bị chặn lại. Một bà đi cùng thầm thì vào tai chị: "dúi cho nó vài đồng để nó cho qua". Bà chị vội vàng một tay nắm passport, một tay nắm 5 đô la giơ lên vẫy vẫy chú công an, cái người đã ách vali chị lại: “chú ơi chú, cho chú nè, chú cho hành lý của con qua nghen chú”. Mọi con mắt đổ dồn lại. Mặt chú công an tím ngắt lơ đi chỗ khác, bà chị tưởng chú công an đã đồng ý cho nên xoẹt một cái kéo vali đi tuốt . Còn chú công an thì nở nào lấy 5 đô trong tay chị giữa mọi con mắt đổ dồn vào. Bà chị mừng hớn hở vì gặp được chú công an tốt bụng. Chị đâu biết rằng lúc chị kéo vali xoẹt qua trước mặt, chú công an đang lầm bầm trong bụng: "Cái con ranh mày ngu bỏ mẹ. Có cho thì mày phải cho dấm dấm dút dút chứ mày nói như la làng lên như vậy bố ông còn chả dám nói gì đến ông”.

Đang lúc tính tới tính lui không biết "quẳng tiền cho chúng “bằng cách nào thì ông chồng của bà chị họ (họ hàng nối cỡ chừng vài cây sào mới tới) kiếm tôi: "Mày ôm hết hồ sơ giấy tờ đi với anh”.

Đúng một tháng sau cái ngày tôi ôm hết giấy tờ hồ sơ đi theo ông anh họ, tôi được gọi đi phỏng vấn rồi cấp hộ chiếu đi Mỹ.

Chia tay kẻ ở người đi cứ rưng rưng. Mẹ sụt sùi: "Qua ở với ba với dì mà thấy khổ thì về đây ở, cày ruộng với mẹ”. Thằng Lữ dặn dò: "Qua Mỹ nếu có tiền thì mày gởi cho tao dàn máy karaoke để đi cày về tao hát”.

Những ngày đầu háo hức ở Mỹ rồi cũng vơi dần. Phải kiếm việc làm thôi.

Tôi đã lầm. Ở Mỹ làm gì có ruộng cho tôi cày. Bà dì kiếm được cho tôi một chân rửa chén ở nhà hàng. Chủ nhà hàng là một người tàu nói tiếng Việt lơ lớ. Đầu bếp cũng là người nói lớ lớ tiếng Việt. Việc rửa chén coi vậy mà không nhàn nhã chút nào. Tôi hùng hục rửa từ trưa cho tới khuya lơ khuya lắc mới về nhà. Ở quê tôi, việc rửa chén bát chỉ dành cho đàn bà con gái. Đàn ông đàn ang như tôi mà vô bếp rửa bát có mà mạt. Nhưng so với đống chén bát ở nhà hàng như vậy, sức lực dân cày như tôi mà còn oải huống hồ gì mấy bà mấy cô.

Lão đầu bếp là một người vui tính và tốt bụng. Thấy tôi nhìn trân trối vào bàn tay điệu nghệ lắc chảo trên bếp, lão ngoắc tôi lại: "Lại đây ngộ pày cho nị lấu hớ, dể lắm hớ”.

Lão hỏi tôi có muốn lấy giấy ghi xuống cho dể nhớ không. Tôi khoát tay. Khỏi. Tôi nhìn cho vui vậy thôi chớ học ba cái lăng nhăng nấu nướng này làm gì cho mệt.

Lão dặn tôi Kung pao Chicken thì bỏ nước sốt nào, Orange chicken, hay fish tail thì xài thứ nước nào. Lắng tai nghe lão nói cho lão vui chớ sức mấy mà tôi nhớ nổi. Hồi còn đi học, tôi nổi tiếng ngu. Học đâu quên đó, học đằng trước quên đằng sau. Bữa đó có bài giảng văn, cô giáo kêu tên tôi lên dò bài. "Tác giả của bài thơ "Từ Ấy“ là ai" “Mẹ kiếp!” Tối hôm trước tôi đã ra rả đọc như ve ve kêu, tưởng đâu thuộc rồi, giờ quên tuốt luốt. Cô giáo gằn giọng: “Không học bài phải không" Là ai"” Tôi chỉ nhớ mang máng là Tố .... Tố .... gì gì đó. Tự nhiên tôi bỗng nhớ cái câu hát chị Hoà đầu xóm hay hát ru con: “Đầu lòng hai ả Tố Nga. Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân”. Tôi trả lời: “Thưa cô, là ... là ....Tố Nga”. Cả lớp cười rần. Cô giáo ném xoẹt cuốn vở của tôi xuống đất: “Ngu, ngu quá chừng ngu! Về đi cày ruộng đi là vừa“. Tôi lượm vở, nghe lời cô giáo về nhà đi cày ruộng.

Đang xào xào nấu nấu lão đầu bếp bỗng dưng lăn đùng ra ngất xỉu. Xe cứu thương hụ còi đến chở lão đi bịnh viện. Chẳng ai biết lão bị gì. Đám bồi bàn chạy ra chạy vô dớn dác. Khách khứa vào ăn nhưng không có người nấu. Ông chủ dắt vợ con đi ăn tiệc ở đâu đâu gọi hoài không được. Tôi lại bếp, cầm chảo. Thằng Mễ dừng tay xắt thịt trợn mắt dòm tôi: “You cook"”. Tôi run run: “Ừ, tao ...... me cook”. Thằng Mễ quẳng dao, chùi vội bàn tay dính đầy thịt vào tạp dề chạy lại phân thịt, phân rau giúp tôi. Hai con nhỏ bồi bàn thấy vậy một đứa xắn tay áo rửa đống chén dĩa tôi còn đang rửa dở, một đứa chặt nốt thau thịt còn lở dở của thằng Mễ. Những điều lão đầu bếp chỉ cho tôi chỉ ừ oà cho qua chuyện tự dưng giờ tôi lại nhớ cặn kẽ. Tôi lẹ tay lắc chảo. Khách khứa ăn xong chẳng nghe phàn nàn mặn lạt gì cả làm tôi cũng yên tâm. Thằng Mễ dứ dứ ngón tay cái trước mặt tôi. "You good, you good”.

Tiệm sắp đóng cửa ông chủ mới lò dò về. Chắc nghe mấy đứa ở ngoài kể lại, ổng chạy thẳng vào bếp ôm lấy vai tôi lắc lắc: “Ni. hảo a, ni. Hảo a. Ni. Cứu ngộ bữa ni hớ”.

Lão đầu bếp bây giờ không đứng lắc chảo nữa. Thay vào vị trí của lão là tôi. Lão được ông chủ trả tiền để dạy thêm cho tôi những ngón nghề lắc chảo mà lão có được. Tôi gọi lão là sư phụ. Lão cười hềnh hệch: “Nị là người tốt pụng hớ. Ngộ chỉ hết nghề cho nị hớ. Nị ráng thuộc hớ”.

Gọi điện thoại về Việt Nam, tôi nói mẹ muốn gì con mua cho, con đi làm kiếm ra tiền rồi. Mẹ sụt sịt (đàn bà có tính hay khóc): “Con làm gì" Có đi cày ruộng không”. Không lẽ nói với mẹ là tôi đi nấu ăn. Có mà điên. Mẹ tôi sẽ khóc ngất lên được. Bếp núc là nơi chốn của đàn bà con gái. Tôi là đàn ông đàn ang mà lại chui vào xó bếp tranh việc của đàn bà. Nhục. Ở quê người ta nghĩ vậy. Tôi không biết phải nói thế nào để mẹ hiểu.

Đàn ông và bếp núc ở xứ văn minh nó khác. Như ba tôi, việc chợ búa bếp núc ba làm thuần thục như một người đàn bà thực thụ. Thỉnh thoảng tôi còn nghe giọng dì ỏn ẻn: “Bố đoảng thật, nấu canh cho một biển muối ma nào nó ăn”. Còn việc lắc chảo như tôi thì đâu phải ai ai cũng làm được. Cái chảo vừa to, vừa nặng. Bàn tay quen cầm cày, bưng nặng như tôi mà nhiều đêm cứ như rã rời huống gì mấy người đàn bà con gái. Khó mà kiếm cho ra một người lắc chảo là đàn bà ở nhà hàng. Nhưng sợ nói mẹ không hiểu mà lại buồn cho nên tôi giấu tịt. Tôi nói con đi làm ở nhà hàng.

Giọng mẹ tôi vui: “Mẹ thấy trong tivi người ta chiếu mấy cái nhà hàng ở Sài Gòn họ ăn mặc sang lắm, con gái mặc áo dài, con trai mặt vét tông có thắt cái nơ chổ cổ. Ở Mỹ chắc con mặc sang hơn”. Mẹ thủ thỉ: “Mẹ mới bán lứa heo, còn đủ tiền. Con đừng gởi tiền về cho mẹ, lo để dành mà cưới vợ. Bên Mỹ khó kiếm vợ thì ở nhà mẹ dấm sẵn cho một đám rồi về mà cưới”. Giọng mẹ bỗng nhỏ xuống: “Con bà Cúc bên làng Vân Hà mới gởi về cho mẹ nó cái vòng cẩm thạch, đẹp lắm. Nếu tiện thì con mua cho mẹ một cái”. (Đàn bà có tính hay bắt chước).

Nghề cày ruộng chỉ nhắm đuôi trâu làm thước ngắm. Nghề lắc chảo cũng chỉ ngắm vào đít chảo để vặn lửa to, lửa nhỏ.

Tôi đã mua cái vòng cẩm thạch cho mẹ và cũng để dành được món tiền kha khá để cưới vơ. Vợ chưa cưới của tôi không phải là người mà mẹ dấm sẵn ở Việt Nam. Cô ấy là người hằng ngày bưng bê những món ăn do tôi nấu ra cho khách. Cô ấy là bồi bàn.

TỐ TÂM


Ý kiến bạn đọc
12/11/201816:12:56
Khách
Đọc mà cười lăn lộn. Khó mà có được tác giả nữ viết truyện vui như vậy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 48,488,148
Từ Little Saigon lâu nay vẫn có những chuyến xe bus đón khách đi "Tour Casino." Trước đây, xe đón tại khu chợ ABC và chợ Bến Thành, trên đường Bolsa. Nay thì hàng ngày ở ngã ba đường Bishop và Moran, thuộc thành phố Westminster. Xe này cũng rước các người đi Casino (đánh bạc) từ Los Angeles đa số là đồng bào người Việt
Chiều nay, Đính vừa mở computer thì nhận được điện thư của Thăng, người em họ cho biết tin vắn tắt "Chú Tư bị ung thư gan thời kỳ thứ ba chắc khó qua khỏi, anh làm ơn nhắn cho chị Hoàng và anh Hân biết dùm em, số điện thoại của chú ấy là. ." Đính tự nhiên thấy một niềm bồi hồi lo âu xâm chiếm lấy tâm hồn anh vốn đang
Cali đi dễ khó về Trai đi có vợ, gái về có con Khi phổ biến hai câu thơ trên, chắc người ta chỉ có ý rằng (") Cali là đất tốt để dừng chân, sinh sống, lập nghiệp. Không nơi nào trên đất Mỹ có khí hậu dễ chịu như ở Cali, rất thích hợp cho người lớn tuổi. Hơn thế nữa, Cali còn có những khu thương mại được mệnh danh là Saigon Nhỏ
Đang lang thang "ngắm tủ kính" trong khu Phước Lộc Thọ như một người "Di Tản Buồn", Linh giật bắn người khi bị một người vỗ mạnh vào vai. Linh quay lại nhìn với khuôn mặt đằng đằng sát khí thì nhìn thấy ngay một khuôn mặt nham nhở vừa cười vừa nói: - Chị Linh! Nhớ em hông" Hoàng nè! Hoàng hồi xưa ở bên Baton Rouge
Xin thưa với bạn có hai cái "sai" ở tựa đề. Thứ nhất, Ông Mandino không phải là một thương nhân mà là tác giả của quyển sách có tựa đề trên. Thứ hai, "lắm của" ở trong quyển sách self-help này (ta thường gọi là loại sách tu thân), "The Greatest Salesman in the World", không chỉ có nghĩa là của cải
Từ đêm đưa thuyền rời quê đã hơn 30 năm, nay dù muốn hay không, tôi vẫn phải về thăm lại, cha mất mới đây, mẹ còn khỏe, cả hai đều đã gần 100 tuổi. Trên cùng chuyến bay sang VN, may tôi lại gặp ông bà Nguyễn Quang Liên, một ông bạn cũ từ xưa ở Saigon, Tôi được biết thêm chuyện và kể lại: Quen lâu năm, biết ông là
Nàng nghe có tiếng cửa mở, nhưng không để ý. Nàng nhìn đồng hồ đeo tay thấy năm rưỡi thì biết ngay là lão đã về. Nàng vừa cười vừa nói chuyện điện thoại, rồi nhìn lão hất hàm ra dấu cho lão biết có thức ăn trên bếp. Lại món gà kho, ngán quá. Lão đi vào phòng ngủ thay đồ, nghe loáng thoáng tiếng nàng trên điện thoại: "...vậy à"
Ngày còn nhỏ, tôi trông thật gầy gò, ốm yếu, tính tình lại nhút nhát lắm. Mẹ tôi sanh tôi thiếu tháng, chẳng biết sao mà hồi đó tôi lại sống được cũng lạ! Lớn lên một chút, chừng năm sáu tuổi, tôi đã biết thế nào là ăn đòn, vì bố tôi rất dữ đòn đối với con cái, một phần vì thích hàng xóm thấy mình dữ với vợ con, còn phần nữa thì tôi
Mẹ tôi năm nay 86, bắt đầu trở bệnh lãng trí nặng. Khi thì cụ thống trách đôi tay đôi chân vụng về, lẩy bẩy, vô dụng của mình. Khi thì cụ lộ vẻ hoảng hốt hoặc tự dằn vặt về những đổ vỡ, hư hại do sự "hoá đần độn" của mình gây ra. Khi thì cụ uất ức vật vã kêu khóc vì nhận ra giai đoạn tang thương cuối đời đã thực sự đến với mình rồi.
Tôi hỏi người bán vé: Từ đây đi Washington DC giá bao nhiêu và xe chạy mất mấy giờ và nếu tôi là người có tuổi thì bớt được bao nhiêu" Ngửng lên nhìn tôi, ông ta vừa bấm máy bán vé vừa trả lời: Ông được bớt còn 145.37 xu, còn nếu ông mua trước 7 ngày thì giá vé trong khoảng từ 80 đến 119 dollars tùy theo xa gần.
Nhạc sĩ Cung Tiến