Hôm nay,  

Hair Và Hair Show

21/02/200600:00:00(Xem: 135399)
Người viết: Đặng-Xuân-Hường

Bài số 944-1544-268-vb4022206

*

Tác giả 45 tuổi, hiện là cư dân Moreno Valley, Californis; Nghề-nghiệp: Hairdresser. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là kể chuyện hành nghề làm tóc dưỡng da cho các bạn ở quê nhà cùng biết.

*

Los Angeles tháng 2-2006

Thăm các anh Phong, Hạnh, Lan, Minh và tất cả anh em Tri-Tâm.

Mới đó mà mình đã xa quê hơn mười năm, bao nhiêu ân-tình, lưu-luyến quê-hương thật ra còn rất sâu-đậm trong lòng, nhất là các anh em đã cùng với mình một thời có những sinh-hoạt trong các đoàn thể Trẻ tại quê nhà.

Qua Mỹ tất cả thay đổi, chẳng ai có thể ngờ trước được những gì ở nơi mà mình chỉ nghe nói. Như mình trước khi tới Mỹ có nghĩ là một ngày nào đó lại cầm kéo cầm lược mà "chải tóc" cho Mỹ đâu! Vậy mà cũng gần chục năm nay ngày nào cũng "luơ-quơ" trên đầu mấy ả đầm!

Dịp Noel có nhận được card "Happy New Year" của anh em, mình có hứa sẽ kể chuyện "nghề- nghiệp" cho anh em biết. Hôm nay nhân lúc "trà dư tửu hậu" trong những ngày đầu năm mới Âm-lịch, bèn "khai-bút" gởi thư về, trước là thăm anh em, sau là "mua vui cũng được một vài phút chơi"!

Tuần qua có mấy ngày Hội-chợ "Tóc" tại Los Angeles Covention Center, mà ở đây thường gọi là "Hair Show", tháng Giêng là "tháng ăn chơi"! Các cụ đã bảo vậy, nên mình cũng nghỉ làm vài ngày để đi "thưởng-ngoạn"các người mẫu trình-bày các kiểu tóc mới, học các bậc thầy về tóc "múa kéo, vung lược" ra sao và cũng để mua một ít xà-bông gội đầu, dầu xả tóc...

Thực ra nếu không làm tóc thì cũng chẳng ai tới đó, vì phải mua vé và vé cũng chẳng rẻ gì. Thêm nữa tới một chỗ đông người tụ-tập, lại ở một thành phố lớn như Los Angeles thì cũng hơi sờ-sợ, lỡ may đám khủng-bố nó chiếu-cố nơi này thì "bỏ mẹ"! Sau biến cố 9-11 dân Mỹ nói chung và riêng mình vẫn ít nhiều bị ám-ảnh về chuyện khủng-bố.

Nghĩ thì nghĩ vậy thôi, nhưng vẫn an-tâm ra đi, vì sợ thì ít, mà nhớ "mấy em người mẫu" thì nhiều, thôi đành "liều chết" mà đi xem cho "mãn nhãn"! Hơn nữa ai mà cứ sợ hoài vậy, mình phải tự-tin là đang sống trên một đất nước hùng-mạnh, an-ninh và tự- do nhất trên địa-cầu mà!

Đây là một trong hai kỳ Hội chợ tổ chức rất lớn tại miền Nam California, một tại Los Angeles vào tháng Giêng và một tại Long Beach vào tháng Hai. Hầu hết các hãng mỹ-phẩm về tóc, nail, dưỡng da... các hãng sản-xuất "phụ tùng" cho nail tóc đều có mặt tại đây để trình làng các sản-phẩm mới của mình. Họ còn tổ chức các lớp hướng dẫn riêng ngay tại Hội chợ nữa. Các hãng Mỹ phẩm Matrix, Paul Mitchell, Redken, Wella, Joico, Goldwell, Hair Sexy.. đều chiếm những chỗ rộng-rãi để thiết-trí sân khấu trình-diễn, và với một dàn người mẫu "hết chỗ chê"!

Mỗi hãng họ đều đã tuyển lựa những tay nhà nghề chuyên-môn đi diễn "show", nên xem họ làm mới thấy rằng "cắt nail, tỉa tóc" thực sự là một "nghệ- thuật làm đẹp" cho con người, chứ không đơn-thuần như dân bên mình hồi trước, chủ yếu là "cho gọn-gàng" mà thôi!

Vào bên trong Hội chợ, phải nói là "quên hết mọi sự", là vì âm-thanh hỗn độn trong đó, tiếng thuyết- minh, tiếng nhạc, tiếng vỗ tay làm cho không-khí vui nhộn khác hẳn bên ngoài. Sau đó thì có lẽ do mấy em người mẫu "õng-ẹo" trên sân khấu, làm mình quên mất là đi "học vài chiêu" từ các bậc "sư-tổ" ngành tóc.

Nói "của đáng tội", đâu chỉ riêng mình cứ "lượn qua lượn lại" nơi mấy sân-khấu có các em người mẫu đâu, bà con Việt Mỹ Mễ gì cũng đứng "xùm-rum" xem người mẫu mà! Tiếc là không có đủ anh em Tri-Tâm của mình đây mà chấm điểm các em, một mình nên chấm em nào cũng "điểm mười" cả!

Mấy tay thợ chuyên-nghiệp biểu-diễn vừa cắt tóc vừa nhún-nhẩy theo điệu nhạc, có nhóm hai hay ba tay thợ cùng lúc sấy, "style" tóc cho một em người mẫu và cũng theo điệu nhạc nữa. Tội nghiệp cho em người mẫu, sau màn đó, chắc là phải vào trong uống vài viên Tylenol cho khỏi nhức đầu!

Đặc biệt lần này là lần đầu tiên mình thấy một hãng có màn biểu diễn rất hấp-dẫn, là cắt tóc cho một em người mẫu mà em chỉ bận có hai mảnh, chẳng biết tóc lung-tung như thế em có "ngứa- ngáy" gì không" Chứ còn mình cũng như "bà con" ở đây giương mắt ra nhìn mà chẳng ai thấy "ngứa mắt" cả!

Đa số các "nghệ sĩ tóc" đều biểu-diễn cắt những kiểu tóc mới, những kỹ-thuật cắt mới, nhưng tựu-trung là chỉ là để biểu-diễn cho hấp-dẫn, chứ đưa về mà áp dụng cho khách hàng thì chẳng được bao nhiêu.

Ở bên nhà bây giờ hình như thanh-niên thiếu- nữ cũng nhuộm tóc nhiều rồi phải không" Ở đây thôi thì đủ màu sắc, nhất là trong dịp Hair Show này. Các nhãn-hiệu mới, màu sắc mới được đưa ra cho thợ tóc "ngắm-nghía" lựa chọn, có hãng còn tặng một vài gói, lọ mẫu nhỏ cho thợ tóc về thử xem chơi nữa!

Mấy hãng trình-diễn cách nhuộm màu, highlight thu hút được nhiều tay thợ chịu khó ngồi hàng giờ để học hỏi chút kinh-nghiệm.

Một số người đi Hội chợ là để mua sắm các thứ "nhu yếu phẩm" tóc nail cho cá-nhân hay cho tiệm, vì trong dịp này đa số đều mua không phải trả thêm tiền thuế và giá cả có thấp hơn bình-thường. Như hãng Sally, hãng Maly's...dịp này họ bán ra những thứ tồn kho với giá rẻ, dân thợ sắp hàng để mua từ sáng đến chiều cứ nườm-nượp ra vào không ngớt. Hàng hóa cho thợ thì đủ loại, đủ giá, như kéo cắt tóc, giá từ hai mươi lăm đô cho đến tám trăm năm mươi đô cũng có. Một cái máy sấy tóc từ hai mươi đô đến hai trăm chín mươi lăm đô. Phải nói là đồ nail tóc từ "thượng vàng hạ cám" cái gì cũng có. Từ sợi thun để cột tóc, miếng xơ mướp để lau chùi đến những máy mài da hiện-đại dùng cho dịch-vụ dưỡng da.

Người ta đua nhau mua sắm vì chỉ có ba ngày hội chợ hàng năm tại đây. Cũng là dịp vừa nghỉ đi chơi, vừa mua sắm vừa có thể học hỏi thêm chút kinh-nghiệm làm nail làm tóc.

Đến chiều không-khí mua sắm lại càng "sôi-nổi" vì sắp đóng cửa. Ai ra về cũng gói cũng mang, có người phải kéo lê cùng một lúc hai ba cái giỏ lớn vì xách không nổi!

Tan hội rồi thì ai nấy lại trở về với "đời sống thường ngày" tại tiệm nail hay tiệm tóc. Rồi thì tụm lại bàn chuyện trên trời dưới đất! Rồi đắp bột, dũa móng, cắt, sấy, uốn, nhuộm... Rồi thì lại thấy những cái đầu xoăn tít, vàng óng hay "bạc phơ, muối tiêu"!

Người Mỹ đa-số đàn bà đều "ghét" tóc bạc, có lẽ đó là dấu hiệu tuổi già mà lại "show" ra trên "sọ" dễ phát-hiện nhất, ai cũng thấy nên mấy bà chịu khó hàng tháng tới tiệm tóc nhuộm để dấu đi cái "đáng ghét đó"! Nhiều bà còn làm thêm cái Highlight (tẩy vài nhúm tóc cho có màu vàng sáng) để tóc bạc lẫn lộn với tóc vàng ,"đánh lừa" con mắt người khác! Nhất là để "boyfriend" không thấy cái già của mình nó lồ-lộ ra giữa trời đất!

Bên mình mà ít tóc thì không biết có nối tóc không" Chứ ở đây có môn nối tóc cho dài thêm ra (hair extension), tốn không ít tiền đâu nhá! Lại còn làm tóc thẳng ra nữa chứ (straight perm), chẳng là dân Mỹ Hiệp-Chủng-Quốc mà, da thì từ trắng nõn như "trứng gà bóc" đến đen thủi đen thùi như "bôi lọ nghẹ.” Tóc từ thẳng như "ruột ngựa" đến xoắn tít như "râu bắp" đều có cả.

Ngược đời là người thì đến uốn cho xoắn lên và có người đến làm cho thẳng ra! Dân làm tóc hốt bạc là chỗ đó, tóc khách thẳng thì "khuyên" họ uốn lên chút cho dễ chải bới, còn tóc quăn thì lại nhủ "duỗi thẳng ra" cho dễ coi! Đàng nào cũng phải chi đô ra thôi! Được cái dân Mỹ xài tiền cho việc làm đẹp thoải- mái. Đi chợ thì cứ coi coupon bớt năm bảy cent cũng lần cho được, còn cái mục nail với tóc thì chẳng những làm mấy thứ "basic" rồi còn "ask" thêm, cuối cùng ưng ý cho "tip" năm bảy đồng nữa!

Hồi mới qua Mỹ, có dịp nhận được thư anh Phong hỏi về dịch-vụ làm móng tay bên Mỹ nghe nói phát-đạt lắm phải không"

Đúng rồi đó anh, năm đó mình có thư cho anh em biết là đã ghi tên đi học ngành Cosmetology, nói cho có vẻ "chữ nghĩa chuyên-nghiệp" một chút là như thế, còn dân mình thì cứ gọi gọn-gàng là "học tóc"!

Thật sự từ lúc mới đặt chân lên đất Mỹ cuối năm 1993, thì những người quen biết ở đây "khuyến-khích" nên đi học làm móng tay, dễ tìm việc, kiếm nhiều tiền. Mình lúc đó mới qua, nghe nói kiếm được nhiều tiền thấy ham liền. Lân-la tìm tới một tiệm móng tay cho biết sự tình, thấy các bà khệ-nệ bưng thau nước ra làm chân cho khách thì "dội" liền!

"Chết mẹ thiệt rồi"! Tiền đâu không thấy, chứ cứ mà bưng nước ra rửa chân cho mấy con Mỹ đen, Mỹ trắng như thế này thì chắc không nổi ba ngày đâu! Hồi đó chưa có dùng Spa Pedicure như bây giờ. Suy đi tính lại cuối cùng chọn giải-pháp dung hoà: học cả nail cả tóc, sau này thích cái gì thì làm, nên mới học Cosmetology, cái bằng tóc bao gồm hầu hết các dịch-vụ thẩm-mỹ.

Học lấy bằng tóc thật là hữu-dụng, hồi đó mình chỉ vì ngại "bưng nước" mà học tóc, chứ thực ra có bằng tóc thì có thể "service everything" rất tiện lợi. Thích làm tóc thì cắt tóc, muốn làm móng tay thì dũa móng tay, thích làm dưỡng da thì cứ việc...Dân mình nghĩ ngợi lung-tung, nghề nào mà xấu, chỉ có người xấu thôi chứ! Chẳng qua do cái suy-nghĩ cổ xưa, cứ cho là rửa chân rửa tay cho người khác thì như là "đầy-tớ" hầu-hạ, hoặc như "slave" ngày xửa ngày xưa ở Mỹ vậy!

Hồi đậu cái bằng tóc mình cũng có viết thư báo "tin vui" cho anh em, còn nhớ không" Hơn một năm "miệt-mài kinh-sử", vừa đi làm vừa đi học cuối cùng cũng "giật" được mảnh bằng "lận lưng" mà làm ăn.

Có cái bằng đi làm cũng rất "nhiêu-khê"! Chưa có kinh-nghiệm, đi xin việc khó được nhận. "Mẹ tổ nó!" Đi đâu cũng bị hỏi: "Làm được bao lâu" Kinh- nghiệm thế nào"" Mới ra trường đã làm ngày nào đâu mà kinh với nghiệm. Thế là xách bằng chạy lòng-vòng. Không mướn mà cứ đòi kinh-nghiệm, không kinh-nghiệm thì không mướn!

Làm nail thì dễ hơn, đẹp hay không đẹp thôi, có gì lấy acetone chùi đi, dễ sửa, cùng lắm gỡ móng giả ra làm lại. Còn làm tóc thì cắt ngắn mất rồi làm sao nối lại cho nó, hoặc "đẽo lem nhem" như gọt khoai mì thì coi sao được! Hay là nhuộm tóc, khách chọn màu này mà sau khi gội rửa lại thấy ra màu khác...Khổ hơn là uốn tóc, sau cả giờ cuốn cho đã, đổ thuốc lên, cuối cùng thì tóc gợn chẳng ra gợn, quăn chẳng ra quăn!

Cũng may mắn là sau đó mình tìm được một chỗ làm, chủ Mỹ bắt phải mang người mẫu tới cắt cho nó xem rồi mới tin vào khả-năng của mình. Thôi thì cũng được, "vạn sự khởi đầu nan!" Coi như qua được giai đoạn chập-chững vào nghề.

Hồi xưa mấy anh em tụi mình có những ngày rảnh-rỗi ngồi lại "làm vài xị", tán-gẫu về chuyện gái Tây, thấy da trắng tóc vàng mê thật! Biết "bao giờ" thì mới có dịp "sờ" vào mấy em! Trời ạ! Bây giờ mình ngày nào cũng "rờ-rẫm" gội đầu cho mấy em đó! Cứ tưởng-tượng một em "đôi tám, đôi mươi" nằm ngửa ra kê đầu vào bồn để gội đầu, gặp lúc mùa hè, em bận áo hở nửa ngực, thật là "tối-tăm" mặt mũi!

Qua cái mục waxing (nhổ lông mày...) mới hấp dẫn. Dân Mỹ săn-sóc thân-thể "tận-tình" lắm, từ lông mày, lông nách, lông tay chân...đều muốn có đường có nét hay nhẵn-nhụi, và thợ tóc cũng "hết lòng" chiều khách, nhổ đâu cũng sẵn-sàng! Cứ bôi keo vào, đắp vải lên kéo "xoạc" một cái là xong! Và nếu cái dịch-vụ này được thực-hiện ở bên ngoài thì không nói làm gì, nó phải được làm trong phòng riêng, và một cô thợ làm cho một bà khách thì cũng bình-thường, còn như mình là "đực rựa" chính cống, chứ không có "pê-đê pê-đót" gì, mà lại "bị" một em "asking làm giùm" cho cái waxing thì "lúng túng" vô cùng!

Nói vậy chứ cũng chỉ vài lần đầu thôi, chứ sau này thì rất là "hân hoan phục vụ" và còn mong em "nhổ" thêm nhiều chỗ nữa để làm luôn một thể cho tiện! Chỉ có điều là ban đầu wax lông mày thế rồi "lò-mò" xuống "lip", thế rồi đến cánh tay...c hẳng biết đến lúc có em nào "ask xuống nữa" thì biết ăn nói ra sao đây!

Sang đến cái "dưỡng da" (facial care) thì lại càng "dễ sa chước cám-dỗ" nữa! Cũng ít khi có đàn ông làm mục này, nhưng mình thì chủ nó thấy "dễ sai dễ khiến" bảo làm gì cũng OK, khách thì có lẽ nó thấy mình "dễ coi, mát tay", nên cũng có "lai-rai" vào phòng riêng để làm "dưỡng da" cho mấy em.

Thực là "khó xử", khi mà em thì nằm "tênh- hênh" trên giường, tất nhiên là có "hở lung-tung" rồi! Trong khi mình làm các "thao-tác" dưỡng da, mà em cứ nheo mắt cười cười, chẳng biết là "tín-hiệu" gì đây" Dại dột mà "rà không trúng đài" thì bỏ mạng! Mít-tờ Clinton "rà trúng đài" mà còn suýt mất ghế Tổng- thống, còn mình mà "trật đài" thì cầm chắc là mất bằng, lấy gì kiếm cơm. Thôi thì "no con mắt" cũng được rồi!

Nói thì hấp dẫn vậy, chứ chẳng "sơ múi" gì đâu! Luật lệ của Mỹ cứ dày cộm như là quyển "Kinh thánh" vậy, tốt hơn cứ theo nguyên-tắc mà làm là yên chuyện!

Hồi xưa anh Hạnh với mình đi cắt tóc nhớ không" Ông thợ ụi cái "rẹt", ngắn trụi mình buồn thật mà đành cười trừ. Bên này cũng vậy, có lúc "lầm lỡ" phải "làm lại" cho khách. Và chẳng phải lúc nào cũng được "cười trừ" đâu! Bởi vậy tiệm phải mua bảo- hiểm cho các dịch vụ, nếu có làm gì khách bị "thiệt hại" mà khách "hăng tiết vịt" kiện ra toà, thì có ông bảo-hiểm đỡ cho, chứ không thì biết lấy chi mà đền!

Chuyện "tóc tai" là chuyện dài không có hồi kết thúc. Mong là có ngày về thăm bà con quê-hương, tụi mình lại quây-quần "làm vài xị" như ngày xưa , lúc đó mình sẽ kể thêm nhiều điều rất thú-vị, của cái nghề chuyên môn "rờ-rẫm" thiên-hạ một cách hợp-pháp này. Nhưng nghe đâu bên nhà các anh còn được thưởng-thức nhiều món "hứng thú" hơn trong tiệm tóc phải không"

Được rồi, hãy đợi đấy tụi mình sẽ gặp lại mà! Mến chúc tất cả anh em và "bầu đàn thê-nhi" luôn an-mạnh trong năm mới này.

Đặng-Xuân-Hường


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 48,486,803
Lúc này bà con miệt Bolsa tha hồ được thưởng thức khá nhiều show ca nhạc vinh danh ca sĩ này, nhạc sĩ nọ, bà con mặc sức có dịp lên áo quần gặp gỡ giao lưu văn hóa hai miền nam bắc. Thấy bà con vinh danh dữ dội quá, bà già trầu này cũng táy máy, phen này ta vinh danh phe ta, ta tự bốc thơm phe ta, mà đã nói tới phe ta là
Hòa làm chủ tiệm nail này đã gần bảy năm với lượng khách hàng rất đều đặn, và thu nhập khá dồi dào. Gia đình nàng đến Mỹ trong đợt HO đầu tiên, thấm thoát đã mười sáu năm. Hướng, chồng Hòa, là cựu sĩ quan không quân. Sau ngày miền Nam đổi chủ, anh phải đi "cải tạo" hết sáu năm. Khi được thả, vợ chồng và hai đứa con nhỏ
Mỗi năm cứ đến cuối hè, những người từng theo dõi giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ đều nao nức chờ đợi đến ngày công bố danh sách những người trúng giải. Từ danh sách này, từng nhóm quen biết nhau sẽ "hồ hởi phấn khởi" bàn cãi và phỏng đoán xem ai sẽ chiếm giải nhất, giải đặc biệt v.v và v.v Đã sáu lần từ ngày giải
Chị Hạ-Giao là chị bà con của tôi. Từ khi kết quả siêu âm cho biết chị đang có một bé trai và một bé gái trong bụng, tin vui này bùng ra trong đại gia đình tôi chẳng khác pháo bông tưng bừng xẹt nở trên nền trời nhân ngày quốc khánh. Tính chung cả hai bên họ nội ngoại, nếu cách đây mười mấy năm tôi là đứa bé đầu tiên của
Để tôi kể cho ông nghe những giấc mơ của tôi, nó cứ lập đi lập lại trong nhiều năm, kể từ khi tôi biết mình là một người đàn ông cho tới bây giờ. Biết là một người đàn ông, ý ông là. Cứ hiểu theo nghĩa thông thường là một người không còn là một cậu con trai ngây thơ trong trắng nữa. OK, hiểu. Giấc mơ ấy luôn luôn bắt đầu
Tôi qua US lúc 14 tuổi. Cả gia đình còn kẹt lại VN vào lúc đó. Tôi bảo lãnh cha mẹ sau khi ổn định và chúng tôi đoàn tụ năm 1995." Là kỹ sư trong một hãng tele-communication tại San Diego, Lê Tường Vi tự sơ lược tiểu sử như trên,
Tác giả 36 tuổi, cho biết ông thuộc một gia đình HO, sang Mỹ cuối 1990, hiện là cư dân Barling, Arkansas, nghề nghiệp: accountant. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui vẻ gia đình Việt tại Mỹ  “Vợ làm Nail, chồng cắt cỏ”  rất được bạn đọc tán thưởng. Sau đây, thêm một bài viết mới của ông. Một chiều thứ sáu  đẹp trời nọ
Một buổi chiều nọ ba cha con tôi đang chơi trò vật lộn ì xèo trên sàn nhà. Bà xã đi đâu về mặt hầm hầm, bước vào nhà ngồi cái phịch xuống ghế sofa, chưa kịp nóng đít bả đã đứng dậy vổ tay bôm bốp ra hiệu yên lặng. Cha con tôi lập tức gỉa từ cuộc chơi kéo lại ngồi quây quần dưới chân mẹ nó, ngỏng cổ chuẩn bị nghe thông báo
Ngọc Anh là tác giả Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Sau vụ nước Mỹ bị khủng bố tấn công làm nổ tháp đôi ở New York, cô viết bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể chuyện sở làm, một công ty chủ nhân người Ả Rập Hồi Giáo, nhưng hàng trăm nhân viên đủ gốc Á gốc Âu, gốc Do Thái sống với nhau hoà thuận. Bài viết được trao tặng
Dzô...dzô...dzô ... mày phải uống cho hết, Birthday Boy mà uống không hết là quê lắm đó. Đó là tiếng của đám bạn "xôi thịt" đến nhà Tom lúc ba mẹ vắng nhà để chúc mừng sinh nhật cho Tom, gọi là "xôi thịt" vì chúng đi theo và tung hô Tom chỉ vì Tom là con trai một của một thương gia giàu có ở vùng Nam California này, nên mọi trang trải
Nhạc sĩ Cung Tiến