Hôm nay,  

Con Đi Trường Học …

16/01/200600:00:00(Xem: 101183)
*

Người viết: Hồng-Ngọc Vương

Bài số 921-1521-245-vb6011306

*

Tác giả là một nhân viên ngân hàng, cư trú và làm việc tại Seattle, tiểu bang Washington. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là thư của một bà mẹ độc thân viết cho con gái đi thực tập tại một nước châu Phi, với lời đề tặng: Cho hai con yêu dấu. Và mến tặng các bà mẹ độc thân và những cánh chim non đang rời tổ.

*

Seattle, ngày... tháng... Năm...

Con gái yêu của mẹ,

Thế là đã qua một tuần lễ con xa nhà. Đúng ra thì con đã không sống chung dưới mái nhà của mẹ từ gần bốn năm nay kể từ khi con đi vào đại học. Trường con học ở một thành phố khác, cách nhà mình khoảng ba trăm dậm mà mẹ đã thấy quá xa. Nhưng với khoảng cách này mẹ con mình vẫn còn dễ dàng gọi thăm nhau, hoặc con có thể về thăm nhà mỗi khi cần. Nhưng lần này thì khác. Con đang ở cách xa mẹ đến gần 10,000 dậm đường chim bay, một nơi chốn nào đó xa lắc tận xứ Phi Châu mà mẹ rất xa lạ khi tưởng tượng đến.

Nhớ đêm trước ngày con đi, mẹ nằm thao thức mãi đến gần sáng. Những tiếng động trên phòng con, cho mẹ biết con cũng đã thức rất khuya để thu xếp hành trang cho chuyến đi xa. Chuyến đi xa nào cũng làm người ta mất nhiều sự chuẩn bị, mang tâm trạng nôn nao, hồi hộp, đợi chờ; ..huống chi, với con, lần đi xa nầy lại là một chuyến đi như sự đánh dấu một chặng đường, một khởi điểm cho một cuộc sống trưởng thành, tự lập.

Đầu niên học này, khi nghe con nói sẽ chọn vùng đất Phi Châu để làm nơi thực tập cho chương trình học của mình, mẹ vừa nghe vui trong lòng cùng lúc cũng nghe nặng những lo âu. Niềm vui thấy con sắp hoàn tất một giai đoạn học vấn sau nhiều năm dùi mài đèn sách, vẫn không lấn được nỗi lo khi nghĩ đến con, sẽ một mình, sống giữa những người không cùng màu da, ngôn ngữ, tập quán.

Nhớ mới ngày nào đến xứ sở này, con hãy còn là một đứa bé đang tập nói. Con học rất nhanh trong những tối mẹ kèm dạy. Lần đầu khi nghe con đọc thông được một câu tiếng Việt, mẹ nghe lòng ngập tràn niềm vui. Niềm vui của một người nối được mạch sóng giao lưu giữa quê hương mù xa đến một tâm hồn non trẻ sống nơi quê hương mới. Ngày đầu tiên đưa con đến trường, mẹ rất hãnh diện về con. Ngay khi được đưa vào chỗ ngồi trong lớp học, hôn từ giã, con đã buông tay mẹ ra, dạn dĩ ngồi vào bàn với các học sinh khác. Mẹ thấy được sự tự tin, tinh thần tự lập và tính dạn dĩ của con ngay trong lần tiếp xúc đầu tiên với xã hội bên ngoài.

Đưa con đi đến trường, lòng mẹ cũng hòa theo giòng điệu ầu ơ của mấy câu ca dao quê mình mà mẹ thường ru con ngủ trong những ngày nằm nôi:

Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học mẹ đi trường đời

Ở xứ người, không có những cây cầu ván gập ghềnh nghèo khó, hay những chiếc cầu tre lắt lẻo khó đi, nhưng có biết bao những đoạn đường dốc cheo leo đá sỏi, đã lấy đi biết bao sinh lực và những giòng nước mắt thầm của bà mẹ độc thân, bắt đầu cuộc sống nơi đất lạ, với những khả năng giới hạn của mình. Mẹ rời lớp học với hình ảnh ngày nhập học đầu tiên của con trong đầu. Hơi ấm của bàn tay con, bàn tay bé xíu, níu giữ tay mẹ trong suốt đoạn đường từ nhà đến trường, làm ấm lòng mẹ giữa cái khí hậu lạnh lẽo và cảm giác bơ vơ nơi xứ lạ. Bàn tay con nhỏ bé, đặt trong tay mẹ, ấm và trọn vẹn như sự nối liền mạch sống của cuống nhau chưa cắt.

Ngày tháng dần đưa, những bước đi của hai con cũng dài thêm, nhanh hơn để hội nhập và thích nghi với cuộc sống mới. Mẹ vui mừng và cảm thấy hạnh phúc vì anh con đã tốt nghiệp đại học ngay trong thành phố mình sinh sống. Vì vậy mẹ có cái “may mắn” là không phải đưa tiển anh con đi vào đại học như đã đưa con. Ngày nghe con chọn sẽ theo học một trường đại học ở khác thành phố mình, dù đã chuẩn bị tinh thần, mẹ vẫn không cầm giữ được niềm xúc động. Mẹ cứ còn mãi nhớ hình ảnh và cảm giác trong lần đưa con đi hoc đó. Ngày đưa con đến trường, sau khi cùng con chuyển đồ đạc vào phòng nội trú, mẹ chỉ muốn ngồi lại mãi trong phòng với con. Đến lúc màn đêm đã rủ xuống bên ngoài, mẹ đành phải đi vì đường trở về sẽ dài hơn trong bóng đêm. Trên đường về, anh con lái xe trong im lặng. Anh con và mẹ, mỗi người đều tự thả mình miên man theo ý nghĩ riêng tư. Hai mẹ con cứ thỉnh thoảng đưa tay gạt nước mắt. Cái xe chỉ còn lại hai người như nhẹ hẫng đi và sự im lặng nặng nề bao phủ. Con đường xa lộ trong đêm tối như cứ dài ra hơn và mênh mông!. Cái cảm giác mênh mông và sợ hãi như những lần mẹ lái chiếc xe củ kỷ với các cửa kính mù hơi nước, trong những ngày mùa đông mưa dầm tuyết phủ, đi làm về trên khoảng xa lộ không đèn. Cái bóng tối mênh mông và sợ hãi gợi nhớ lại những đêm tối mà con thuyền vượt biển nhỏ nhoi của chúng ta lênh đênh trên biển cả bao la năm nào. Trong những thời khắc định mệnh của cuộc sống, từ bên quê nhà sau cuộc đổi đời, đến những tháng ngày đầu khó khăn trên quê hương mới này, hai con vẫn luôn trong vòng tay bảo bọc của mẹ. Lần đưa con đi học nầy, dường như con đang đi dần xa khỏi tầm tay của mẹ. Đêm đó trở về nhà, và nhiều đêm nữa, mẹ không ngủ được. Căn nhà chỉ còn lại mẹ và anh, như rộng hơn, thênh thang hơn. Giữa đêm khuya, căn nhà nghe im vắng và quạnh quẽ hơn. Ngủ không được, mẹ đi ra đi vào. Rồi lại mở phòng con, nhìn vào. Căn phòng trống vắng, mẹ đến ôm chiếc gối của con để tìm một chút hơi ấm và hơi hướm của đứa con đã từng sống bên mẹ mười tám năm, vui buồn trong chiếc tổ của ba mẹ con mình.

Hôm đưa con ra phi trường, mẹ lại trở về với cảm giác ngày đầu đưa con đi học năm nào. Dù bàn tay con không còn nhỏ bé níu giử tay mẹ như ngày xưa, nhưng mẹ vẫn nghe được mạch sống của cuống nhau vẫn còn ấm nồng, qua vòng tay ôm của con và cái vẫy chào tạm biệt. Nhìn dáng con, một mình đi vào sân phi trường, như thấy con đang đi vào một đời sống thật với những nhiêu khê của nó; một đời sống trưởng thành với những lo toan cơm áo, với những bổn phận trách nhiệm, với những phức tạp của tình người. Ôi! mẹ chỉ thấy con mẹ còn quá bé bỏng!. Uớc chi mẹ được cùng đi để có thể chia xẻ với con mọi khó khăn của cuộc sống.

Trong đời mẹ, một thành tựu đã khích lệ tinh thần mẹ nhiều nhất, đó là đã mang được hai con đến đất nước này, nơi mà nhân quyền, tự do cá nhân, được tôn trọng và bảo vệ. Các con có quyền đến trường học mà không cần tờ khai báo lý lịch đến ba đời, hay bị xếp hạng gia đình của nguỵ quân nguỵ quyền như trên quê hương mình nữa. Đất nước này sẽ cho các con những cơ hội để học hỏi và thăng tiến. Các con sẽ được tự do đến trường và đạt thành công trên khả năng có thật của mình.

Đất nước giàu có và tự do này là miền đất hứa, là thiên đàng cho biết bao nhiêu người mơ ước và san bằng mọi khó khăn để tìm đến. Nhưng gây dựng một đời sống mới là việc không đơn giản cho thế hệ tiên phong, những người đi gây dựng buổi ban đầu. Sự khác biệt văn hoá, ngôn ngữ, phong tục tập quán đã làm rạn nứt, tan vỡ biết bao gia đình mới đến. Những người này đã vượt qua được bao gian khổ, trải qua được sự sống chết trên biển cả, đói khát hiểm nguy trong rừng sâu, nhưng đời sống họ lại bị tan rã, đổ vỡ khi có được tự do, đầy đủ vật chất trên xứ người. Nhìn người, mẹ lại lo cho mình. Mẹ nghe vai mình oằn nặng hơn khi nghĩ đến bổn phận và trách nhiệm. Trong khi phải tự học tập nhiều mặt để thích nghi với hoàn cảnh mới, lòng mẹ lại cứ trĩu nặng những lo âu. Làm sao mẹ không lo nghĩ, khi mà nhìn thấy trong trường học ở xã hội này, thầy giáo chỉ được giữ vai trò của người giảng bài trên bục giảng. Các môn học chỉ chú trọng vào khoa-hoc kỹ-thuật mà không có những giờ học đạo đức, luân lý, hay công dân giáo dục. Mẹ không lo sợ sao được, khi mà trên trang báo mỗi ngày, cứ nhan nhản những tin các thanh thiếu niên, tới tuổi 18, đã kiện cáo cha mẹ vì đã không được tự do sống theo ý muốn. Các con mẹ như những nhánh cây con bị bứng đi trồng nơi đất lạ. Dưới sự ảnh hưởng của phong thổ, thời tiết, phân bón trên đất người, làm sao mẹ có thể mong đợi những cây trái này có được hương vị đặt biệt của nó như ở quê nhà. Mẹ lo sợ mẹ bị “lạc mất” các con trong một xã hội quá tự do và đầy vật chất cám dỗ này. Có những lúc chúng ta đã cùng phải đối đầu với những nan đề về sự khác biệt giữa hai nền văn hoá Đông Tây, về nếp suy nghĩ và tư tưởng giữa hai thế hệ. Những xung đột đã có lúc làm chúng ta khó xử và lấy đi ít nhiều nước mắt của mẹ con mình. Mẹ mong ước con mẹ, vừa hấp thụ được những điều tốt đẹp nơi đất nước văn minh tiên tiến mà chúng ta đang sống, đồng thời cũng gìn giữ lại được những mỹ tục, những truyền thống tốt đẹp, những sắc nét đặc thù của nền văn hoá Việt tộc. Dẫn đưa hai con đi vào miền đất hứa, tâm tư và hơi thở của mẹ cũng hụt hẩng, dài ngắn theo những giao động từ nhịp chân bước của con mình.

Một nhà văn nào đó đã nói: “Mọi cuộc chiến đấu đều gian khổ, duy chỉ có chiến đấu trong cô đơn là khủng khiếp hơn cả”. Thật vậy, mẹ đã đi qua biết bao chặng đường khó khăn trong đờì với cái cảm giác cô đơn, sợ hãi, buồn tủi, khi không có người bạn đời để sẻ chia gánh nặng, nâng đở nhau những lúc ngã lòng. Nhưng bao giờ mẹ cũng thấy đời sống mẹ có ý nghĩa vì mẹ có các con, những đứa con bé nhỏ còn lệ thuộc vào mẹ hoàn tòan. Hai anh em con là hai thiên thần nhỏ, là lẽ sống, là niềm vui, là động lực, đã cho mẹ cái sức chịu đựng dẻo dai, ý chí kiên trì, mạnh mẽ đôi cánh gà mẹ, để cưu mang hai con, trong sức yếu đuối của mình, đi qua được những tháng năm dài trên những con đường sỏi đá.

Cuộc đời không có gì tồn tại. Mỗi thời khắc trôi qua, mọi sự đều thay đổi. Đến lúc những cánh chim nhỏ lần lượt rời xa tổ ấm, nơi mà mẹ con mình đã có những tháng ngày đầm ấm hạnh phúc bên nhau; có tiếng hát, tiếng cười, có cả những giòng nước mắt, những lời nguyện cầu chung, và những lời nói đầy ân tình trao gửi. Dù không còn luôn có nhau trong cuộc sống, tình thương và lời cầu nguyện của mẹ sẽ luôn dõi theo các con trong từng nhịp đập của tim mình.

Con gái yêu của mẹ,

Ngày tháng qua nhanh, thâu ngắn đi tuổi đời của mẹ, nhưng cũng mang mộng ước của con lại gần hơn. Lòng mẹ nghe nhẹ đi nỗi âu lo khi thấy con đang có khả năng nối kết điểm khởi hành với con đường tương lai trước mặt. Mẹ tin rằng chuyến đi thực tập ở vùng đất Phi Châu lần này sẽ đem lại những kinh nghiệm quý báu cho đời sống riêng con. Có đi đến những đất nước nghèo khó, nhận ra được sự bất hạnh của thế giới quanh mình, những người trẻ sẽ biết quí trọng hơn đời sống mà họ đang thụ hưởng trong một đất nước văn minh tiến bộ. Hãy cám ơn đất nước này đã cưu mang chúng ta là những người phải rời bỏ quê hương trong giai đoạn khó khăn của lịch sử nước nhà. Cám ơn một đất nước tiên tiến trong mọi lãnh vực là nơi mà những người trẻ với đầy sức sống và hoài bão, có được cơ hội để học hỏi và dự phần trên con đường khám phá vũ trụ và phục vụ nhân sinh. Chúng ta thường có niềm vui khi có dịp dâng tặng lại những gì mình đã nhận lãnh được từ đời sống. Và thông thường thì khi dâng tặng, ta có niềm vui bội phần hơn là khi được nhận lãnh. Mẹ mong con tìm thấy hạnh phúc khi mang được niềm vui cho kẻ khác.

Mẹ cũng mong thấy tinh thần muốn khám phá và học hỏi của con sẽ không bao giờ ngừng nghĩ. Chúng ta đều có thể học hỏi được một điều gì đó, từ những người quanh ta, trong đời sống mỗi ngày. Kiến thức và kinh nghiệm sẽ như cái phao nổi cho ta trong mọi cảnh huống. Con đang bắt đầu giao tiếp với môi trường sống mới. Con sẽ có dịp để kinh nghiệm một “đời sống thật”. Trên đường con đi sẽ có những ngày nắng đẹp trời trong, nhưng cũng sẽ có những ngày mưa phùn gió lạnh. Có lúc con hân hoan vì đạt được những thành tựu, cũng có lúc chùng chân trước những trở ngại tưởng chừng như khó vượt qua. Và có lúc ngã lòng vì thấy đời sống có vẻ bất công với mình. Thật vậy, đời sống không luôn bình an theo mong ước. Hãy vui và khích lệ mình với những thành quả đạt được, nhưng cũng đừng ngả lòng vì những vấp ngã của thất bại. Đời sống có giá trị vì những khó khăn phức tạp của nó, và cũng nhờ vậy mà nó có màu sắc và thú vị hơn.

Tâm trạng của những bà mẹ đưa con vào đời bao giờ cũng phức tạp. Vừa có niềm vui khi nhìn thấy con đã khôn lớn, có khả năng tự lập, đang từng bước đi vào đời, cùng lúc cảm thấy như mất mát, lạc lõng, nuối tiếc, muốn níu giữ mãi những ngày tháng đầm ấm bên nhau. Có lẽ những bà mẹ góa như mẹ sẽ cảm thấy hụt hẫng trong tâm lý nhiều hơn vì điểm tựa tình cảm duy nhất của mẹ là các con. Dù sao niềm vui lớn của mẹ là nhìn thấy con, con chim non bé bỏng ngày nào của mẹ, đang dang đôi cánh bay vào khung trời cao rộng. Lần nữa hãy nhớ rằng, lời cầu nguyện và tâm tư của mẹ sẽ luôn dõi theo từng cánh đập của con, con chim nhỏ yêu dấu của mẹ!. Chúc con có được tinh thần vững vàng và đôi cánh mạnh mẽ để tung bay trong những ngày xuân ấm áp và cả những lúc gió mưa giông bảo.

Thương con,

Mẹ

HỒNG NGỌC VƯƠNG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 48,520,166
Trần Nguyên Đán là bút hiệu của một tác giả cư dân Virginia . Công việc của ông là phục vụ cộng đồng trong lãnh vực tư vấn. Ông đã góp cho Viết Về Nước Mỹ 4 bài viết: Buổi Chiều Rất Ngắn, Bình Hoa Tan Vỡ, Chân Dung Của Núi và Đôi Bạn Chân Tình. Mỗi bài một đề tài tiêu biểu: đồng tính, ngoại tình, tình dục, tình bạn
Huyền Thoại là bút hiệu khác của Thịnh Hương, một tác giả cư trú và làm việc tại San Jose, đã góp một số bài viết về nước Mỹ đặc biệt. Bài viết mới lần này của bà là truyện về phản ứng của một cô dâu với ông bố đã bỏ bê vợ con. “Ông ngoại không thương con,” Thảo khóc ngất. Cô úp mặt vào nệm ghế, vai cô rung
Khu shopping Senter có quán HO tuy nhỏ nhưng lúc nào cũng đông khách. Nhất là buổi sáng có nhiều khách uống cà phê phải kéo ghế ra hàng ba ngồi. Thường ở đây quy tụ các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, họ quây quần ở đây để uống ly cà phê “bạc xỉu” -bạch tiểu, có nghĩa nhiều
Đáng lý ra thì nó đã được gọi bằng một cái tên Việt-Nam cho khỏi “Mỹ hoá”! Nhưng là vì hai đứa anh lớn của nó “bàn ra tán vô”trước khi con bé được sinh ra. Đại-khái là dùng tên Mỹ để sau đi học cho dễ gọi, chứ như hai đứa anh lúc qua Mỹ đã sáu bảy tuổi, đi đến trường bằng tên Việt bình thường, mấy tháng đầu nhiều khi
Tác giả Anne Khánh-Vân, 33 tuổi, hiện đang sống tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn. Sau khi tốt nghiệp Kinh Tế Kế Toán ở Pháp, cô sang Mỹ, vừa làm vừa học thêm về Management Information System. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của cô là chuyện về một cựu chiến binh Mỹ gặp gỡ trên chuyến bay đi Việt Nam .
Tác giả Trương Tấn Thành, cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục năm 2000, hiện trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA. Ông là một tác giả rất nhiệt thành đóng góp bài vở cho giải thưởng Viết Về Nước Mỹ và đã được trao tặng
Năm 2000, sau gần 25 năm cày bừa chăm chỉ trên đất Mỹ, hai vợ chồng già đã làm một chuyến qui cố hương đáng giá, đi từ bắc vô nam. Sau chuyến đi này, tôi vẫn thường ra rả bên tai chồng rằng: nì, Ôn ơi, kể từ nay mỗi năm tụi mình chỉ nên kéo cày 11 tháng, còn một tháng thì kiếm chỗ đi chơi, kẻo già rồi cố quá có ngày
Tác giả cho biết ông sinh năm 1934 tại Cần Thơ, hiện là cư dân Austin , Texas . Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Những Người Tuổi Sửu”, kể chiuyện “đi cầy tại Mỹ” cho thấy tấm lòng của các bậc cha anh với thế hệ con em. Bài mới lần này là câu chuyện về một bà mẹ thuyền nhân phấn đấu với hoàn cảnh, một mình
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến