Hôm nay,  

Nghe Chăng Mùa Thu

29/11/200700:00:00(Xem: 218698)

Người viết: Nguyên Phương

Bài số 2162-1954-730vb4281107

*

Tác giả vượt biển và định cư tại Mỹ từ 1982, hiện cư trú tại miền Đông và làm việc trong một cơ quan chính phủ. Với bài viết "Lời Cám Ơn của Mẹ Tôi", Nguyên Phương đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2007. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.

*

Sáng nay cùng một chuyến thang máy đi lên với một bạn đồng nghiệp, qua câu chuyện mưa nắng, về mùa thu đang dần tới. anh ta nói mùa thu là mùa anh ta thích nhất với những mầu sắc của chiếc lá đổi mầu...

Tôi lặng yên, mùa thu đến, mùa của những sự thay đổi lớn trong cuộc đời tôi, tôi biết đó là một mùa thật đẹp cho thi nhân, một mùa đã khiến nhạc sĩ Đoàn Chuẩn phải ca ngợi "anh mong chờ mùa thu &mùa thu quyến rũ anh rồi".

Buổi sáng ra xe, trời còn tối, ngày đã bắt đầu ngắn lại, đêm dài hơn cho những thao thúc đong đầy. Tôi lái xe trên con đường lúc hừng đông, con đường đẹp tuyệt vời mà tôi đặt tên là "đường lên thiên thai". Tôi chọn giờ làm sớm hơn một tiếng để được hưởng cái không khí trong lành của một ngày mới, khi sự di chuyển của những chiếc xe chưa làm vẩn đục bầu không khi trong lành, một mình đi trên con đường đó nhìn khung trời rực những tia nắng hồng trên đỉnh đồi, nơi tôi đang dần tới. Tôi ghiền cái cảm giác cô đơn, cái cảm giác một mình mình đi dần lên cõi thiên thai. Đôi khi tôi nghĩ rằng lên đển đỉnh đồi tôi có thể nhìn sang phía bên kía và có thể &. bước vào vườn địa đàng

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ thu về nhìn những chiếc lá đổi mầu tôi thường bâng khuâng thương những chiếc lá được tạo hóa cho mặc những chiếc áo đẹp nhất, rực rỡ nhất để rồi & lìa cành. Từ những chiếc lá lìa cành tôi lại liên tuởng tới người chồng đã ra đi và nhớ anh đến quay quắt, cùng nhớ đến những mùa thu đã đi qua đời tôi.

*

Có những kỷ niệm nằm mãi trong ký ức, mặc dù thuở ấy tôi chưa biết gì. Đó là mùa thu năm 1954, mẹ tôi đã mang cả gia đình di cư vào miền Nam. Tuy còn nhỏ, chưa hiểu được rõ lý do tại sao mẹ lại mang chúng tôi đi, và đi đâu, chỉ biết rằng đi xa lắm. Tôi còn nhớ tôi đã đi khắp nhà, thu vào trí hình ảnh của căn nhà vì tôi biết rằng tôi sẽ không bao giờ trở lại nữa, buổi sáng khi chúng tôi ra đi trời Hà Nội chim trong sương mù, và hàng cây lá đã vàng lác đác.

Lần đầu tiên tôi thấy cảnh mùa thu thật buồn,

Năm 1975, khi cùng với các "ngụy quân và ngụy quyền" khác, những anh trai, anh rể tôi đều ở trong trại cải tạo, tôi mới hiểu lý do tại sao mẹ tôi đã dắt chúng tôi vào Nam. 

Mùa thu năm 1980 tôi rời bỏ quê hương, xa mẹ, xa gia đình để đi tìm tự do. Buổi chia tay tôi bịn rịn không muốn rời mẹ. Anh hiểu tôi còn quyến luyến mẹ, chờ thêm một chút thấy tôi còn lưỡng lự anh lên tiếng giục

- Chào mẹ rồi đi... em.

Tôi hôn mẹ một lần cuối rồi vụt chạy ra cửa không dám quay lại nhìn mẹ, sợ rằng mình không đủ can đảm ra đi..

Mùa thu đầu tiên tôi biết thế nào là "sinh ly".

Ngòai trời mưa lớn như che đậy cho những giọt nước mắt của tôi, ngồi trên cyclo anh im lặng như chia sẻ nỗi buồn của tôi.

Đến bãi anh đưa tôi và cô em của anh vào một căn nhà, rồi anh mất biến vào một căn nhà khác với ban tổ chức, trong hai ngày ở đó tôi không buồn ăn uống cho đến ngày ra khơi.

Một buổi tờ mờ sáng anh đến dục tôi sửa sọan lên đường và dặn tôi đi cùng với Tuyết em gái của anh. Chưa một lần về quê, trời sáng trăng mờ mờ, con đê nhỏ xíu chỉ đi được hàng một mà thôi, Tuyết để tôi đi trước, em theo sau, chập chọang trên con đê, tôi hụt chân té xuống. Hốt hỏang Tuyết đưa tay cho tôi níu lấy, thế mới biết sức mạnh của sự ham sống còn, thót một cái tôi nhẩy lại được lên bờ đê, một việc làm mà tôi biết rằng tôi sẽ không làm được nếu không sợ bị bỏ lại dọc đường.

Ra đến bờ sông thì anh đã ở đó, anh đang chỉ huy cho đòan người leo lên ghe, chúng tôi có tất cả ba ghe nhỏ để đi ra ghe lớn. Theo thói quen tôi lững thững đứng xếp hàng, nhìn mọi người xô lấn nhau lên ghe, anh phóng lại bế phắt tôi đặt lên chiếc ghe thứ nhì, về sau mỗi khi nhắc lại anh vẫn trêu tôi "Anh chưa thấy ai như em, đi vượt biên còn đứng xếp hàng".

Cũng may cho tôi vì nhờ sự nhanh nhẹn của anh, tôi lên được tầu lớn. Chiếc ghe thứ ba vì lúng túng bị lật và nhóm người đó bị bỏ lại vì trời đã sáng rõ, chiếc thuyền lớn không chờ đươc phải nhổ neo.

Lênh đênh trên thuyền, ba ngày sau chúng tôi tới Indonesia. Sau mấy ngày ngồi bó gối đặt chân lên đất liền, tôi đi không vững, anh chạy đến bên tôi

- Em còn đi được em đi một mình nhé, có vài người gần xỉu rồi, để anh lại phụ đưa họ lên bờ.

Tôi lảo đảo lên bờ chỉ còn hai bộ quần áo, đôi dép đã trôi đâu mất. Tới một căn nhà lớn trống trải không có vách tường chỉ có mái che, tôi ngồi phệt xuống đất chờ anh. Sau khi phụ giúp những người già và người yếu lên bờ, anh đến bên tôi với một ly sữa nóng và một ánh mắt ngời sáng niềm hy vọng mặc dù trông anh rất mệt mỏi. Tôi rưng rưng cầm ly sữa trong tay, biết rằng mình vừa tìm được tự do, nhưng tôi cũng biết rằng từ đây tôi sẽ phải sống xa gia đình, xa quê hương nơi còn mẹ già, còn anh, chị em.

Tôi đã khóc nức nở khi được tầu của hội Hồng Thập Tự đưa từ đảo KuKu qua trại Galang, tôi biêt là mình đã thóat và tôi sẽ cách xa mẹ cả nửa vòng địa cầu. Bên tôi anh đã vỗ về, an ủi và hứa sẽ suốt đời bên nhau sẽ "không bao giờ bỏ em một mình".

Những ngày tháng ở đảo, anh tham gia vào những công tác xã hội, tôi vào nhà thương phụ trách việc phát thuốc. Sự dễ dàng nhận người đến định cư ở Úc và Canada đã làm cho chúng tôi một chút nao núng, nhưng anh tôi ở bên Mỹ viết thư nhắn nhủ "các em đừng vội vã xin đi những nước khác, Mỹ không phải là thiên đàng nhưng là một xứ đầy tình người, một vùng đất hứa cho những người đi tìm tự do, anh chỉ thấy những người ở nước khác muốn sang Mỹ mà chưa hề thấy ai từ Mỹ xin đi nước khác".

Cuối cùng chúng tôi đã tìm được tự do và được đặt chân lên đất Mỹ.

Trong những ngày đầu, anh thật vất vả, vừa đi làm, vừa đi học. Khi chưa bắt đầu niên khóa học, công việc đầu tiên của anh là đi quét vôi. Có hôm thấy anh trở về nhà mặt xanh như tầu lá, anh cho biết, quét vôi trên trần nhà là việc mệt nhất, cứ phải ngửa cổ lên, anh đã chóng mặt và ói một trận trứớc khi về.

Xin nhà thờ được chiếc xe đạp anh đèo tôi cọc cạch trên chiếc xe đến lớp học, và không hiểu có phải con đường đi đến lớp học quá gập ghềnh mà tôi đã hư thai. Mới qua Mỹ chưa biết gọi 911, cũng không biết dùng taxi và không thể dùng xe đạp chở tôi đi bệnh viện, chiếc xe hơi cũ kỹ mới mua nhưng anh chưa có thì giờ tập để lấy bằng lái, anh định liều lấy xe chạy đại nhưng tôi cản ngăn, anh quýnh quáng nhờ bạn đưa tôi đi bệnh viện, đâu cũng gặp sự chối từ. Cuối cùng anh bạn share nhà tình nguyện đưa tôi đi mặc dù anh vừa qua môt đêm làm việc mệt mỏi trở về nhà.

Trong bệnh viện, khi bác sĩ lấy ra đứa con chưa thành hình, tôi đau nỗi đau vì mất con, và đau hơn nữa nhìn vẻ mặt tuyệt vọng của anh. Trở về nhà một cảm giác mất mát lớn lao, tôi đã vừa đánh mất đi một thành phần nhỏ bé đang tạo hình trong tôi. Anh trịnh trọng mua hoa quả về đặt lên bàn thờ gọi là "đưa tiễn con của bố mẹ".

Đứa con đầu tiên chưa chào đời đã ra đi, cũng vào cuối thu, và cũng là lần đầu tiên tôi biết thế nào là mất mát.

Chúng tôi cùng nhau đi học và niềm mơ uớc có một đứa con rồi cũng thành, tôi cho ra đời một cô con gái vào đầu thu, vào mùa thu đó tôi được trở thành người mẹ.

Thể rồi "nhìn những mùa thu đi" tôi trải qua vài mùa thu êm ả, bên anh, bên con thật đầm ấm. Có những lúc từ khung cửa sổ chúng tôi ngồi nhìn lá vàng rơi, với một niềm hạnh phúc vô biên anh ôm cả vợ con vào lòng và thì thầm bên tai tôi: "tội nghiệp thay những ai phải chịu cô đơn trong mùa thu". Lời nói của anh thường được anh nhắc lại mỗi khi anh cảm thấy hạnh phúc.

Tôi nghĩ hạnh phúc gia đình của tôi sẽ kéo dài cho đến cuối cuộc đời

Nhưng lời hứa "sẽ không bao giờ bỏ em một mình" đã không được anh giữ đúng. Một buổi chiều vào cuối thu, chúng tôi đang cười nói vui vẻ trong một chuyến đi chơi xa thì tai nạn xầy ra, anh đã ra đi trong sự ngơ ngác của các con và trong sự đau đớn tột cùng của tôi.

Vào mùa thu đó lần đầu tiên tôi biết thế nào là tử biệt.

Sự khó khăn cho tôi bắt đầu từ đây, nơi đất khách quê người với ba đứa con còn quá nhỏ, anh chị tôi thì ở xa nơi tiểu bang khác, em chồng thì có việc riêng của các em.

Những đêm đầu tiên, con nhớ cha khóc lóc làm tôi nát lòng, tôi đã nói dối con là "bố ngủ" mỗi khi con hỏi đến bố chúng. Những thắc mắc của các con làm tôi bật khóc khi con hỏi về tấm ảnh "bố" trên bàn thờ hay hỏi tôi "Mẹ ơi sao bố ngủ lâu quá" hoặc khi nghe con thỏ thẻ "bố ơi dây chơi với con".

Một anh bạn làm social worker đã đề nghị tôi nên cho bớt con vì nuôi ba đứa trẻ rất là khó khăn. Tôi không muốn cho đi những kết quả của một mối tình đẹp của tôi.

Từ khi anh qua đời cuộc sống tôi hòan tòan khép kín, tôi không hề đi dự những buổi hội họp cũa những bạn cùng trường trung học, những bạn đồng nghiệp ngày xưa, tôi cố gắng đóng lại cánh cửa của quá khứ, cố quên đi những gì tôi đã mất.

Dù tôi tưởng rằng tôi không bao giờ có thể quên được anh nhưng trong sự nhọc nhằn, khó khăn vì nuôi ba đứa trẻ một người đàn ông xuất hiện, anh là vị cứu tinh trong cuộc đời tôi, anh đã giang tay ra bao bọc cả bốn mẹ con tôi, nếu không có tấm lòng nhân hậu, không có một tình yêu không suy tính khó có ai giám làm như anh.

Từ khi về với anh, anh chăm lo cho mẹ con tôi, tôi vượt qua được tình trạng khủng hỏang tinh thần, một bệnh mà tôi mới vướng phải từ sau khi chồng cũ tôi qua đời,

Ánh sáng bắt đầu mở ra một chân trời mới cho tôi, tôi bắt đầu học lại để thi lại bằng tương đương. Tôi học đứng, học ngồi, lúc nào bên mình tôi cũng có tài liệu để học, lái xe tôi nghe băng giảng bài, trên xe tôi có bài vở để khi đậu xe trước cổng trường chờ đón con, tôi học cả trong nhà tắm. Tôi bật cừời khi thấy bé Tú mới ba tuổi cầm truyện vào nhà tắm đọc cháu nói:

- Con giống mẹ mà, con thích đọc ở mọi nơi.

Cháu mới ba tuổi nhưng cháu đã biết đọc những truyện ngắn bằng tranh.

Thế rồi ngày thi cũng tới anh bồng bế con đưa tôi ra phi trường

- Chúc mẹ may mắn đi các con.

Thế là sáu bàn tay nhỏ bé vẫy vẫy và thi nhau nói "good luck mẹ". Anh hôn tôi và "chúc em may mắn". Thi đậu phần thi viết tiếp theo là phần thực tập, và thi state board. Tôi không lấy được license hành nghề vì thời kỳ này anh đi nhận việc ở tiểu bang khác, tôi không có nhiều thì giờ để học. Sự thất bại này kéo theo sự thất bại khác vì sau đó họ lại bắt thêm vài điều kiện khó khăn, tôi bỏ cuộc.

Sau khi anh ổn định việc làm mới, bốn mẹ con theo anh về tiểu bang khác, tại đây tôi xin được một việc làm cho một cơ quan thiện nguyện, công việc nhàn hạ nhưng bấp bênh.

Qua kinh nghiệm trong cuộc đời tôi không muốn lệ thuộc vào chồng tôi, tôi nộp đơn vào những cơ quan chính phủ, đơn nộp đi cũng nhiều, thư cám ơn trở lại cũng không ít.

Cuối cùng tôi thấy chỉ còn một con đường thi vào bưu điện, rồi sau đó sẽ có cơ hội chuyển sang làm computer programmer, một nghề tôi vẫn thích theo đuổi.

Một chuỗi ngày kinh hòang trong thời gian tôi làm cho bưu điện, ngay từ khi phỏng vấn, phỏng vấn viên nhìn tôi, một người đàn bà nhỏ thó ngay cả so vơi người Việt Nam, bà nghi ngờ tôi khó có thể nhấc nổi 70 pounds, nhưng bà nở một nụ cười hiền hòa và chúc tôi may mắn. Bưu điện là một nơi trả lương khá cao cho công nhân viên, một công việc tốt cho những người khỏe mạnh, với tôi có lẽ là một công việc vượt quá khá năng của mình nhưng tôi thầm nghĩ sẽ xin nghỉ nếu việc làm quá sức mình.

Ngày đầu tiên đi nhận việc, tôi chợt nhận ra mình đang là một thành phần lao động, mình phải đi vào một cổng khác với cổng của những người làm việc văn phòng. Tôi mỉm cười khi nhớ đến câu "châm ngôn" đã được treo nhiều nơi ở Việt Nam "lao động là vinh quang" và mình đang bước vào &&con đường "vinh quang".

Một nhân viên đưa chúng tôi, bốn người mới đến nhận việc, vào một căn phòng chờ bà manager, căn phòng chờ với những bàn ghế lỏng chỏng, những chiếc ghế chắc tuổi đời đã lớn hơn cả tuổi tôi, dón dén ngồi vào, tôi thầm nghĩ và lo sợ không biết mình có làm nổi không, chân yếu tay mềm, cả đời chưa hề làm việc nặng, ngay cả những năm sống dưới chế độ Cộng Sản. Thôi thì "trời sinh voi sinh cỏ" tôi tự trấn an. Bốn người đều im lặng với những vẻ lo âu riêng biệt.

Bà manager dặn dò về quy luật, không được đeo nữ trang, không được đi giầy cao gót, không được lầm lỗi gì trong thời hạn ba tháng probation và phải qua được tất cả những buổi training &.. Mình tôi ở lại trụ sở chính, ba người kia được đưa sang chi nhánh khác của bưu điên, Một người đưa tôi đi khắp building giới thiệu, tôi bắt đầu run, sau sự ra đi của chồng tôi, thần kinh tôi hơi yếu nên tôi rất sợ ồn ào, nhưng trong phòng máy chạy, người người nói chuyện, tiếng radio vang vang, tôi cảm thấy chóang váng. Tôi sợ cả những thùng chứa thư khổng lồ, những kệ cao hơn cả đầu tôi. Tôi càng run hơn nữa khi anh đồng nghiệp tương lai giới thiệu tủ thuốc chứa những thứ cần dùng khi bị thương tích.

Khi quay trở lại văn phòng bà manager, bà đã ghi tên cho tôi hôm sau phải dự một khóa training ở trung ương từ bốn giờ sáng và bà nhắc lại, tất cả những khóa huấn luyện phẩi trúng tuyển nếu muốn tiếp tục làm. Chưa từng lái xe ban đêm nay phải đi làm từ ba giờ sáng, từ lo sơ này tiếp theo mối lo khác, nhưng rồi cũng qua đi, tôi qua được kỳ huấn luyện với số điểm tối đa. Vài ngày sau một cô Đại Hàn nhận việc trước tôi bốn tuần bị đuổi vì không đủ điểm trong khóa huấn nghiệp chính. Tôi lại hổi hộp cho mình, thế rồi cũng đến lượt tôi phải dự khóa học đó. Tôi là một trong số rất ít phải qua ba kỳ huấn luyên trong thời hạn probation, công việc của tôi như sợi chỉ treo chuông. Tôi linh cảm một sự kỳ thị đang đổ lên đầu tôi, và tôi được một vài người Việt Nam ở trong sở cho hay nhiệm sở mà tôi chọn là một nơi rất kỳ thị.

Thêm một điều không may nữa cho tôi là tôi gặp một bà supervisor da đen nổi tiếng là ghét người Á Châu. Ngày đầu tiên khi gặp tôi bà đã cười một nụ cười khó hiểu khi biết tôi là dân mới vào làm, dân PTF (part time flexible), môt lọai công nhân viên mà quyền sinh sát ở trong tay supervisor. Mặc dù với số điểm trúng tuyển cao và họ mướn tôi với công việc đứng bán hàng nhưng bà ta đã cố tình hành hạ và giao cho tôi những công việc khác.

 Anh thường vỗ về, an ủi, trấn an tôi rằng anh đủ sức lo cho cả gia đình, tôi có thể nghỉ việc để chờ tìm một việc khác thích hợp hơn, nhưng tôi không muốn trở thành một gánh nặng cho anh, tôi cố làm với hy vọng rồi sẽ có ngày được chuyển sang làm việc văn phòng.

Năm 2002 thời điểm bị khủng bố bằng Anthrax, một vài nhân viên của bưu điện bị trúng độc và từ trần, những nơi nào hơi khả nghi toàn thể nhân viên đều được phát thuốc trụ sinh Cipro để phòng ngừa, bản tính tôi hay lo sợ, ngày nào vào sở nhìn những gói bưu phẩm, những phong bì thư tôi đêu cảm thấy hồi hộp, tôi la hỏang ngay khi nhìn thấy một gói bưu phẩm hơi lem nhem. Chúng tôi phải đeo bao tay và khẩu trang, tôi cảm thấy ngột ngạt khó thở vô cũng, khốn khổ cho tôi, tôi bị allergy với bao tay và cả với lớp bột ở trong bao tay. Tay tôi sưng phồng, ngứa ngáy tột cùng.

Một ngày đang đứng bán hàng, còi báo động vang lên mời tất cả khách hàng ra ngòai, nhân viên phải rời bỏ nhiệm sở ra đứng ngòai đường, dù trời hôm đó khá lạnh, chờ cảnh sát và chuyên viên đến kiểm nghiệm, hai người mặc quần áo chống chất độc như những người thám hiểm cung trăng mặt bịt kín, họ vào trong để lấy gói bưu phẩm khả nghi đó mang về khám nghiệm. Nhân viên được ra về chờ kết quả. May thay đó chỉ là một báo động lầm.

Thời tôi vào làm là lúc ngành computer bị khủng hỏang, tôi không cách gì xin được việc về computer, tôi vô cùng thất vọng, tuy nhiên bà supervisor mới tương đối dễ chịu hơn, bà cho tôi làm chỉ thuần đứng bán hàng, tôi tự an ủi "thôi thì mình không có số bán thuốc, thì bán tem cũng được". Tuy gọi là đứng bán tem, nhưng công việc không phải chỉ có thế, những khi gặp khách hàng gửi sách cho thư viện, hoặc gửi computer, thì thật mướt mồ hôi. Những đồng nghiệp của tôi họ thật tốt họ luôn luôn nhắc nhở tôi không nên nhấc những gì nặng hơn 20 pounds hãy gọi bất cứ người nào họ sẽ sẵn sàng giúp đỡ. Nhờ vậy tôi cũng sống được qua ngày.

Khi biết rằng mình không thể chuyển sang làm văn phòng trong bưu điện tôi lại tìm những job khác của chính phủ, tôi nộp đơn tứ tung, thấy bằng computer của mình đã quá lâu không còn dùng được nữa tôi chuyển sang xin job về xã hội.

Cuối cùng với bằng cấp cọc cạch sẵn có tôi cũng nhận được một job làm trong chính phủ như lòng tôi mong mỏi. Ngày bắt đầu đi làm, cũng lại là một mùa thu, trước cổng sở của tôi là hai hàng cây maple lá đang đỏ rực, tôi đi giữa hai hàng cây mà rưng rưng vì tôi đã được một việc làm tuy không phải là việc tôi ước mơ nhưng thích hợp với khả năng và sức khỏe của tôi, đó là một mùa thu thật đẹp trong đời tôi, tôi mơ màng như thấy anh đang mỉm cười "chúc mừng em".

Văn phòng tôi làm việc có cửa số nhìn ra ngòai trời, ở trên cao nên khi ngồi làm việc tôi không phải nhìn những xe chạy tấp nập mà tôi chỉ nhìn thấy bầu trời đôi khi có những cánh chim bay, và nhất là nhìn được trên đỉnh của những ngọn cây, thật đẹp cho mùa thu, cho những buổi sáng mờ sương mù, hoặc những ngày lá bắt đầu đổi mầu.

Tôi bắt đầu viết, và tôi cảm thấy say mê trong sự viết lách, tôi đã tìm được niềm vui, tôi như hòa mình trong những giòng chữ của mình, và rồi mùa thu năm nay sau bao ngần ngại lần đầu tiên tôi bước ra khỏi vỏ ốc mà tôi đã thu mình từ bao năm để đi dự buổi họp mặt của nhóm Viết Về Nước Mỹ. Sự thân mật ngay phút đầu gặp gỡ của các anh chị em ở miền đông Hoa Kỳ đã làm cho tôi như tìm thấy tôi ở một con người mới.

Những mùa thu đã đi qua đời tôi vui và buồn xen lẫn nhưng một điều trùng hợp lạ kỳ là những biến cố lớn trong đời tôi thường xẩy ra vào mùa thu.

Mùa thu đang tới, mùa thu sẽ đi qua và mùa thu khác sẽ tới theo sự luân chuyển của vũ trụ, tôi thường ví cuộc đời tôi với những chiếc lá, xanh khi còn thơ, trải qua những thăng trầm, sóng gió của cuộc đời, để bước dần vào mùa thu thay lá.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 67,254,088
Tác giả vượt biển, định cư tại Mỹ từ 1982, hiện cư trú tại miền Đông và làm việc trong một cơ quan chính phủ. Với bài viết "Lời Cám Ơn của Mẹ Tôi",
Tác giả là TCL. 54t, cựu quân nhân VNCH, vượt biển, vào trại tị nạn Songkhla Thái Lan 2/80, định cư ở Mỹ từ 6/80, ngụ tại Garland TX
Tác giả Lê Viết Quang là cư dân thành phố Papillion, NE.  Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông năm 2006, là “Hai Chị Em”, một truyện ngắn về lớp tuổi bé thơ
Tác giả vượt biển và định cư tại Mỹ từ 1982, hiện cư trú tại miền Đông và làm việc trong một cơ quan chính phủ. Với bài viết "Lời Cám Ơn của Mẹ Tôi",
Tác giả Nguyễn Thi, cư dân San Jose, là một nhà giáo dạy Việt ngữ, đồng thời lam công việc của người dẫn giải (facilitator) cho những buổi học thảo
Houston hôm nay nắng vẫn lung linh như khi Ba Má tiễn con vào tận trạm cuối cùng cho hành khách lên phi cơ hôm ấy.
Tác giả 66 tuổi, định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO, cư dân Riverside, hiện là Guest Teacher cho Colton Joint Unified School District (nam California).
Tác giả là một bà mẹ, làm việc trong một công ty truyền thông tại Westminster. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là một chuyện vui gia đình  gốc Việt ở Mỹ.
Tác giả Dương Quỳnh Khanh vừa từ Việt Nam sang du lịch Mỹ thăm con gái. Sau ba tháng thăm đất nước hợp chủng, bài viết ngắn sau đây
Tác giả là một nhà giáo từng có hơn 30 năm dạy học tại Việt Nam. Đến Mỹ theo diện ODP, hiện tiếp tục nghề cũ tại một trung tâm dạy kèm tại miền Nam Cali
Nhạc sĩ Cung Tiến