Hôm nay,  

Tiễn Con Đi Lấy Chồng

20/11/200700:00:00(Xem: 243796)

Tác giả: Phương Lan

Bài số 2154-1946-722vb3201107

*

Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 3 tác phẩm đã xuất bản: "Tiếng Dương Cầm," truyện dài; "Anh Mới Biết Yêu Lần Đầu", tập truyện; "Còn Chờ Một Kiếp Sau", tập truyện. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn đương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là bài viết mới nhất của bà.

*

Tôi là người con gái cao số nên mặc dù có nhan sắc nhưng mãi đến năm 30 tuổi mới có người đi hỏi, cha mẹ tôi mừng húm nên vội vã gật đầu liền sau khi hỏi qua ý kiến của tôi. Biến cố mới lạ này đã khơi đậy trong tôi những cảm giác xao xuyến khó tả, bởi vì từ trước tới nay, cuộc đời của tôi vẫn bình lặng, tình đầu, tình cuối gì cũng không có. Tôi chưa yêu ai mà cũng chẳng ai yêu tôi, hồ sơ tình ái trắng trơn như tờ giấy mới. Tôi sống hồn nhiên vô tư nhưng thấy các bạn bè lần luợt đi lấy chồng cả, lại cứ phải nghe mẹ thở ngắn than dài mãi cũng đâm sốt ruột, đêm nằm thường hay nghĩ ngợi vẩn vơ, những tưởng xuân qua hè tới, tiếp theo sẽ là những tháng ngày buồn tẻ của mùa thu ảm đạm và mùa đông băng giá, nào ngờ "hạ đỏ có chàng tới hỏi", tôi bỗng thấy lòng xôn xao. Nghe mẹ giục giã, tôi bèn để ý ngắm trộm, thấy chàng mặt mũi tuy có vẻ láu cá nhưng tướng tá cao ráo, sáng sủa thì trong bụng cũng ưng nên làm bộ "em chả, em cha" vài câu lấy lệ rồi mới gật đầu bằng lòng.

Chàng chính là ông hàng xóm mới dọn đến khu phố nhà tôi năm ngoái, nhà chàng ở cách nhà tôi có một con hẻm nhỏ. Chàng làm cho Air France nên việc gì cũng nhặm lẹ như phi cơ lướt gió. Được nhận lời, chàng mừng rỡ và xin phép tiến hành ngay những thủ tục, lễ nghi cần thiết. Thế là bốn tháng sau, đám hỏi và sáu tháng sau, đám cưới, nhanh tới nỗi tôi chưa hết bàng hoàng thì đã trở thành vợ chàng. Nhưng không phải vì không biết nhau từ trước mà chúng tôi không có hạnh phúc đâu nhé, chàng yêu tôi rất mực và tôi rất sung sướng trong vai trò mới: vai trò làm vợ chàng.

Cuộc sống của chúng tôi thật êm đềm, quanh năm bốn mùa hạnh phúc: mùa xuân xanh mầm hy vọng, mùa hè rực rỡ vui tươi, mưa phùn mùa thu không còn ảm đạm thê lương mà chỉ thấy cảnh vật thêm thơ mộng, giá rét mùa đông càng làm tăng thêm sự ấm cúng trong gia đình. Chàng đúng là một mẫu người đàn ông tôi hằng mơ ước: nồng nàn tình tứ, độ lượng bao dung, thương yêu che chở... Tuy nhiên cái tính láu cá của chàng đôi lúc làm tôi cảm thấy bị "quê một cục", chẳng hạn như một hôm trong lúc vui vẻ, tôi ngả đầu vào ngực chàng nhõng nhẽo hỏi:

- Tại sao anh cưới em"

Trong thâm tâm tôi muốn chàng trả lời rằng vì chàng bị tiếng sét ái tình, vì tôi rất đẹp và quyến rũ, vì tôi có thân hình hấp dẫn v...v..., nếu không ít nhất cũng được một câu khen tôi có mái tóc óng ả, khuôn mặt duyên dáng dễ thương, tính nết đoan trang, nết na đằm thắm... Ai ngờ chàng choang cho một câu làm tôi chưng hửng:

- Tại vì anh muốn làm phước, thấy em đã già...

Tôi nổi cáu ngắt lời:

- Anh già hơn em. Tại sao đàn ông 35 tuổi vẫn được coi là trẻ, còn đàn bà mới 30 đã bị kêu là già"

- Ai biết đâu! Chàng đáp tỉnh bơ, các cụ nói thế chứ anh có bịa đâu" Trai 30 tuổi còn soan, gái 30 tuổi đã toan về già, em xém chút nữa ế chồng, được anh rước đi không phải là có phước à"

Tôi tức cành hông, vùng ra khỏi đôi tay của chàng, hét lớn:

- - Trả phước cho anh đó, tôi không nhận đâu. Tối nay ra phòng khách mà nằm.

Chàng cười hề hề:

- Đùa có một tí thế mà giận thiệt.

Chàng kéo tôi lại gần, xoay cho tôi đối điện với chàng rồi cười nịnh:

- Em biết không" Lúc em giận trông em càng đẹp lắm!

Nước mắt tôi chảy vòng quanh:

- Còn lúc thường em rất xấu"

- Ai bảo thế" Lúc nào em cũng đẹp cả, anh mê nhất đôi mắt của em, nó trong suốt đẹp như mắt rồng, còn nước da của em...

- Thôi đủ rồi! Tôi ngắt lời, em không muốn nghe anh ví da của em giống đa con nhím.

Tôi hậm hực lườm chàng:

- Chưa ai nói đẹp như mắt rồng, vì mắt rồng giống cái gì anh biết không"

- Không! Chàng lúng túng...ờ mà có, thì giống như mắt em.

- Không đúng! Mắt rồng vừa to vừa lồi giống như con ốc bươu.

Chàng sặc lên cười:

- Em khó tính thế" cái gì cũng bắt bẻ, anh chỉ muốn nói mắt em rất đặc biệt, vừa dịu dàng vừa tình tứ, nhìn vào lúc nào anh cũng mê mẩn cả tâm hồn, chỉ trừ những lúc nó đang long lên sòng sọc như thế kia!

Tôi vơ lấy mấy cái gối ném chàng lia lịa, chàng vừa cười hăng hắc vừa chạy trốn, tôi rượt theo sát nút như mèo bắt chuột. Bất thình lình chàng không chạy nữa và quay lại, tôi lỡ trớn ngã nhào vào đôi tay đang đang rộng của chàng, chàng ôm tôi chặt cứng, phủ kín mặt tôi bằng những cái hôn nóng bỏng, người tôi mềm đi trong đôi tay của chàng. Cuối năm đó, chúng tôi cho ra đời một bé gái đặt tên là Nga và hai năm sau một bé trai đặt tên là Duy.

Có con rồi, chàng vẫn không đứng đắn thêm chút nào, cái tính nói ngang của chàng mấy phen làm tôi mất mặt. Ai đời đi đám ma mẹ vợ một người bạn, chàng nồng nhiệt tay bắt mặt mừng nói với chủ nhà:

- Chúng tôi xin chia vui với anh chị vì bác đã được về với Chúa.

Tôi hết hồn, mặt tái đi vì ngượng, trước những cặp mắt tròn xoe vì kinh ngạc của hai vợ chồng người bạn, tôi ấp úng khẽ nói:

- Xin lỗi anh chị, nhà tôi say rồi.

Rồi tôi vội vàng kéo chàng đi chỗ khác, chàng vùng vằng cưỡng lại:

- Anh uống rượu hồi nào mà em bảo là say" Và tại sao em lại phải xin lỗi khi anh không làm điều gì sai trái cả"

- Còn không à" Tôi rít lên, anh nói như thế có khác gì chửi người ta là đồ bất hiếu, bà cụ chết đi, con cái thoát nợ nên vui mừng...

- Anh nói thế hồi nào" Anh chỉ chia vui với bạn vì bà cụ được về với Chúa.

- Chia buồn chứ sao lại chia vui" Tôi nhìn chàng như nhìn một con quái vật, chẳng lẽ anh ngu tới nỗi không biết đùng danh từ"

- Em ngu thì có! Chàng cau mày nói một cách nghiêm trang, được về với Chúa mà là một tin buồn thì ai còn đi nhà thờ làm gì nữa" Người ta đến nhà thờ không phải để cầu nguyện sẽ được về với Chúa hay sao"

Tôi cứng họng không trả lời được, chỉ nhìn chàng bằng cặp mắt tức tối. Sau này nghĩ lại thấy chàng cũng hơi... có lý. Hàng ngày đọc báo, thỉnh thoảng thấy mục cáo phó có những câu như: "Chúng tôi lấy làm đau đớn báo tin buồn ông A đã được về với Chúa."

hoặc mục phân ưu có những câu như: "Chúng tôi vô cùng thương tiếc và xúc động trước hung tin bà B đã được Chúa gọi về " v...v... nghe cũng thấy kỳ kỳ thế nào ấy. Tuy công nhận chàng không phải hoàn toàn vô lý, nhưng cái lối phát biểu của chàng nghe rất chướng tai và không thời hợp cảnh, không phải lúc tí nào.

Ngoài cái tính nói ngang, chàng còn có một cá tính mà tôi không biết nên liệt kê vào loại nào: tốt hay xấu nhưng đó là cái tính "quá thực tế.” Ngày Valentine tôi nghĩ chàng sẽ tặng tôi một bó hoa thật đẹp nhưng chờ mãi gần hết ngày cũng không thấy chàng đả động gì tới, tôi nhắc thì chàng đáp:

- Hoa thiếu gì ngoài vườn sao em không ra hái mà lại bắt anh phải mua tặng chi cho rắc rối tốn thì giờ"

Tôi xụ mặt thì chàng dỗ:

- Anh có quên đâu, Valentine là ngày của tình yêu, anh định đêm nay sẽ yêu em thật sâu, yêu em dài lâu...

Và chàng làm những cử chỉ mơn trớn khiến tôi đỏ mặt chỉ sợ các con trông thấy.

Sắp đến sinh nhật của tôi, chàng hớn hở khoe:

- Anh sẽ tặng em một món quà anh cam đoan em sẽ rất thích.

Tôi nôn nóng chờ đợi, háo hức đoán mò đủ thứ: có lẽ là một cái áo đạ hội thật đep, một lọ nước hoa đắt tiền, một cái sắc tay, một sợi đây đeo cổ hay là một bộ đồ trang điểm" Sau cùng thì giây phút quan trọng cũng đã tới, sau mục cắt bánh, chàng âu yếm hôn tôi, rồi long trọng tuyên bố:

- Quà sinh nhật em anh đã mua rồi, để trong garage đó!

- Sao không mang vô nhà"

- Nặng lắm!

- Cái gì thế" Tôi hồi hộp hỏi.

- Thì em cứ ra xem khắc biết.

Chàng nắm tay tôi kéo ra garage chỉ vào bốn cái lốp xe hơi to tướng chằng giây đỏ hẳn hòi, trên cột một quả bóng bay có đề chữ " Happy birthdday " cũng to tướng. Chàng nhìn tôi mỉm cười đắc ý:

- Thích nhé, có phải em nói với anh rằng bánh xe của em mòn rồi và em muốn thay bánh mới"

Tôi không biết phải nói gì, nên vui hay nên hờn" Thấy tôi tiu nghỉu nhận quà, các con tôi phá lên cười, còn chàng thì hồn nhiên, vui vẻ, lăng xăng lấy kềm, vít thay luôn bốn bánh xe mới rồi chở cả nhà đi ăn cơm tiệm.

Hai đứa con của chúng tôi đều học nhạc, Nga học piano còn Duy học violin. Có lần nhà trường tổ chức một buổi nhạc do học trò trình diễn, chàng và tôi cùng đưa các con đi. Mặc dù không biết gì về nhạc cả, chàng vẫn hoa chân múa tay phê bình ỏm tỏi, Nga ngượng quá phải suỵt bố:

- Ba im lặng một chút được không, để mọi người thưởng thức.

- Không được! Chàng quát, mời tao đến đây để nghe, đã nghe thì phải cho tao nói chứ"

- Ba biết gì về nhạc mà dám phê bình" Duy bực mình cũng xen vào.

- Sao lại không, tao chơi đàn còn giỏi hơn mấy đứa lớn nhất ở đây, giỏi hơn cả thày giáo của mày nữa.

- Ba chơi hồi nào sao tụi con không thấy"

- Tụi bay thấy sao được" Tao chơi hay lắm, hỏi má mày coi.

- Ba chơi đàn gì"

- Tao chơi đàn... bà!

Thấy tôi trừng mắt, chàng chữa lại:

- Tao chơi đàn tỳ bà.

- Là đàn gì vậy ba"

- Tỳ bà là một loại đàn cổ, xưa lắm rồi, các con không biết đâu.

Tôi đáp thế và lừ mắt cấm chàng nói bậy, chàng cười cười rồi lảng ra ngoài.

Nga càng lớn lên càng giống tính cha nghĩa là ngang bướng không thể tả. Một cái ngang đã khổ rồi, đàng này hai cái ngang mà đụng nhau thì thế nào cũng toé lửa, hai cha con mà tranh luận thì thể nào cũng có chuyện, ý kiến của người già và người trẻ không bao giờ hạp nhau, ai cũng bảo thủ cho mình là đúng, không ai chịu nhường ai, chàng phùng mang trợn mắt, con nhỏ thì gân cổ lên cãi, ồn ào như họp chợ. Có lần vì muốn ngăn cản con nhỏ không cho tham gia vụ xuống đường ủng hộ Phật giáo (dạo đó là năm 1963 đưới trào Ngô Đình Diệm), chàng quát:

- Mày đừng có ngu! Xuống đường với xuống phố, mật vụ nó bắt cho cả đám.

- Ai cũng sợ ở tù như ba thì Phật tử tha hồ bị đàn áp.

- Ai đàn áp ai mặc kệ họ, không phải việc của mình, ngu gì đưa đầu ra cho họ tóm"

- Con đâu có nhát gan như ba"

- Vậy chứ mày ở phe nào, nhà mình đâu có theo đạo Phật"

- Đâu cần cứ phải là Phật tử thì mới xuống đường" Con thấy chướng thì biểu tình chơi vậy thôi.

- Biểu tình chơi" Chàng trợn mắt quát, mất mạng đó nghe con, không thấy người ta nổ súng vào đám biểu tình à"

- Con không sợ.

- Mày không sợ nhưng tao sợ, tao cấm nghe chưa"

- Ba cấm con sao được" Con lớn rồi đừng coi con như con nít.

Con nhỏ chưa đứt lời thì bốp một cái, một cái tát bay tới làm nó xiểng niểng, nó ôm mặt khóc ré lên. Chàng thì la, con nhỏ thì khóc lóc ầm ỹ nhà cửa, tôi bực quá phải can thiệp, tôi xông vào chiến trường quơ đôi đũa bếp hét lớn bắt hai đấu thủ phải ngưng chiến. Con nhỏ xưng xỉa bỏ vào phòng riêng khoá cửa lại, chàng hối hận vì đã quá tay nên nhìn theo nó với một vẻ ái ngại rồi cũng lỉnh mất. Hai cha con giận nhau tới mấy ngày rồi mới làm lành, chàng nhìn nó nhỏ nhẹ khuyên:

- Con còn nhỏ nên chưa biết nghĩ, bao giờ lớn lên mới thấy là ba nói đúng. Bây giờ con còn dại lắm...

- Con thấy con khôn hơn ba.

Con nhỏ thản nhiên nói xong nhe răng ra cười, nó hấp háy cặp mắt tinh quái nhìn cha như chế diễu, chàng thừ người ngồi im.

Đuy thì trầm tĩnh hơn và rất thương mẹ, một hôm đi học về, nó ghé tai tôi nói nhỏ:

- Con thấy ba chở một cô áo xanh.

Tôi tá hỏa tam tinh, thấy đất trời bỗng dưng tối xầm lại, tôi lảo đảo đứng không muốn vững. Trống ngực đánh thình thình, tôi nắm vai nó hỏi tới để biết thêm chi tiết, nhưng thằng nhỏ lắc đầu:

- Con thấy cô đó ôm eo ếch của ba, thế rồi xe vụt qua chạy đâu mất tiêu, con chỉ biết có thế.

Suốt ngày hôm đó, tôi đi ra đi vào, ruột nóng như lửa đốt. Buổi chiều chàng đi làm về, vừa ló đầu vào nhà đã bị tôi chụp ngay tại cửa, không nói không rằng, tôi ghé mũi vào áo chàng hít lấy hít để khắp nơi từ trước ra sau không chừa chỗ nào. Chàng để yên cho tôi làm xong việc đó rồi mới từ từ gỡ tay tôi, nhỏ nhẹ hỏi:

- Em làm gì vậy, đánh hơi à"

- Phải! Tôi òa lên khóc, áo anh có mùi nước hoa đàn bà... Thôi đúng rồi, anh có nhân tình, anh vừa đi với con đĩ ngựa nào"

- Em nói cái gì, anh có con đĩ ngựa nào đâu"

- Đừng chối! Thằng Đuy trông thấy rõ ràng anh chở con đĩ ngựa mặc áo màu xanh, nó ôm eo anh chặt cứng.

Chàng bật lên cười sặc sụa, cười chảy cả nước mắt, sau cùng chàng mới nói:

- Em đừng ghen ẩu, đó là bà giám đốc của sở anh, bà đã 60 tuổi rồi, xe của bà bị hỏng phải để ở tiệm sửa xe, bả nhờ anh chở đi lấy.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, nhưng vẫn nhìn chàng bán tín bán nghi:

- Anh có nói dối em không đấy"

- Anh nói thiệt, không tin mai em đến sở hỏi xem có đúng không. Anh mà nói dối cho xe mười bánh cán anh đi!

Tôi sợ hãi vội vã bịt miệng chàng:

- Đừng nói bậy xui xẻo.

Nhẹ nhàng gỡ tay tôi ra, chàng nhìn thẳng vào mắt tôi, nói một cách nghiêm chỉnh:

- Anh thề độc vì anh không có tội. Chàng kéo tôi lại gần ghé tai thì thầm, có người vợ xinh đẹp dễ thương như em, ngu gì lại đi mèo mỡ"

Nói xong, chàng nheo mắt nhìn tôi cười tủm tỉm:

- Còn em, có phải em yêu anh nhiều lắm nên em mới ghen"

Tôi mắc cở gật đầu:

- Còn phải hỏi, em tưởng trời sắp xập, sắp tận thế rồi, em rụng rời cả chân tay và tim em đau nhói.

- Tội nghiệp chưa! Mắt chàng ngời lên những tia lửa nồng ấm, chàng ôm tôi thật chặt, anh sẽ đền bù cho em gấp đôi, chịu chứ"

- Anh khôn thấy mồ! Tôi ngún nguẩy nói, chứ bộ anh không muốn sao hay chỉ vì em thôi"

Chàng cười ngỏn ngoẻn không đáp. Hai đứa nhỏ thấy tình hình chiến sự coi mòi êm dịu bèn lẳng lặng chuồn đi chỗ khác để cha mẹ chúng tha hồ tâm sự, chàng lườm theo tên chỉ điểm một phát rồi mới quay sang cười với tôi.

Thời gian thấm thoát trôi, biết bao nhiêu thăng trầm biến đổi. Năm 1975, gia đình tôi sang định cư ở Mỹ, chúng tôi chọn miền nam California nắng ấm làm nơi cư ngụ mới.

Chàng xin được việc làm ở sở bưu điện, tôi theo nghề cũ là nghề dạy học nhưng vì không có bằng cấp của Mỹ nên chỉ được làm teacher - aid, hy vọng sau này có thì giờ đi học lại tôi sẽ trở thành teacher thực thụ, bây giờ còn phải đi làm để nuôi hai đứa con học đại học, Nga học được còn Duy thì học kỹ sư điện toán, cả hai đều chăm học và học rất giỏi. Nga bây giờ đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp dịu đàng, không còn ngang bướng như hồi mới lớn. Hai mươi sáu tuổi, Nga có bạn trai, hôm nó hẹn sẽ đưa Tuấn, bạn trai của nó về ra mắt cha mẹ, tôi sửa soạn trang hoàng nhà cửa thật đẹp, mua cả hoa tươi về chưng nơi phòng khách, chưa hết, tôi còn làm một bữa cơm thịnh soạn để đãi cậu con rể tương lai. Chàng thấy tôi lăng xăng, bận rộn thì chỉ cười:

- Em khéo vẽ chuyện, sao không để tự nhiên"

Nói xong chàng đi thay quần áo thể thao bỏ đi chơi đá banh, quá giờ hẹn chàng mới lò dò trở về, đầu tóc bù xù tơi tả, quần áo nhàu nhè, người thì bụi bặm và nhễ nhại mồ

hôi, chàng thản nhiên vắt chân chữ ngũ ngồi trên xa lông tiếp khách. Khi bạn trai cũa Nga về, tôi trách:

- Sao anh ăn mặc cẩu thả thế" Đã biết trước rồi mà, sao không về sớm để sửa soạn"

- Sửa soạn cái gì" Chàng nhướng mày hỏi, mắt vẫn không rời tờ báo đang đọc dở, tại sao anh lại phải sửa soạn"

Tôi bực mình:

- Sửa soạn cho tề chỉnh, không thấy cậu ta mặc complet ca vát hẳn hòi, lại đem theo một bó hoa rất đẹp, như thế mới trịnh trọng.

- Nó ra mắt cha mẹ vợ thì trịnh trọng là phải rồi, còn anh đâu có ra mắt ai"

- Anh ẩu tả quá. Tôi cằn nhằn, ai đời ông bố vợ tương lai mà quần áo bèo nhèo như một đống giẻ rách"

Chàng không giận, chỉ cười hề hề:

- Bộ quần áo đâu có làm nên thầy tu" Nó muốn lấy con gái anh thì nó phải kính trọng anh dù anh có hay không mặc quần áo...

Thấy tôi cau mặt, chàng biết không phải là lúc nói nhảm, bèn sửa lại:

- Dù anh có mặc thế nào đi nữa.

Nói vậy nhưng chàng vẫn chiều tôi, khi cha mẹ Tuấn đến chơi, chàng ăn mặc thật tề chỉnh ra tiếp đón.

Năm sau, Nga lấy chồng, đám cưới tuy nhỏ thôi, nhưng thật trang trọng với đầy đủ lễ nghi. Nhìn con gái xinh đẹp trong áo đài cô dâu, đầu cài vương miện và khăn voan

trắng, e lệ khoác tay cha bước vào nhà thờ, lòng tôi rộn lên một niềm cảm xúc khó tả.

Chú rể Tuấn đứng chờ ngay dưới bục thờ. Đưa con gái trao vào tay cho chú rể và nói vài câu nhắn nhủ xong, chàng trở lại chỗ tôi đứng, nắm lấy tay tôi, chàng thì thầm giọng cảm động:

- Có con đi lấy chồng, chúng mình già rồi, em nhỉ" Anh cám ơn em đã đi bên anh suốt cuộc đời và cho anh một cuộc sống gia đình thật ấm êm hạnh phúc.

Tôi ngước nhìn chàng với ánh mắt thật dịu dàng:

- Em cũng vậy, cám ơn anh đã cho em biết thế nào là tình yêu, là hạnh phúc lứa đôi, em rất sung sướng được làm vợ anh.

Trên kia, cha xứ đang làm phép cưới và đôi tân hôn đang trao đổi nhẫn. Nhìn chú rể Tuấn rất trí thức và rất điển trai trong bộ quần áo tuxeddo màu đen cổ thắt nơ đỏ, đang lồng nhẫn cưới vào ngón tay cô đâu, tôi nhớ lại chuyện xưa, cảm động nhìn chàng, tôi nhắc lại câu nói của chàng lúc trước:

- Anh nhìn xem chúng nó đẹp đôi chưa" Con gái chúng ta thật có phước mới được anh chàng Tuấn rước đi, phải không mình"

Chàng đỏ mặt mỉm cười, âu yếm khoác tay tôi theo sau con gái và con rể cùng bước ra khỏi nhà thờ, bước vào cuộc sống lứa đôi đầy mật ngọt, yêu đương và hạnh phúc.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 67,196,415
Trời lập đông, mới 6 giờ chiều mà trời tối như khuya lắm rồi. Tại mới đổi giờ, lùi lại một tiếng đồng hồ. Spring forward, fall backward
Hắn đứng đó, hai tay khoanh trước ngực, khuôn mặt lạnh như tiền, cặp mắt luôn chăm chú nhìn các đội tù đang ngồi chôm hổm trước sân trại
Mùa hè năm nay, gia đình tôi đi "xả hơi" hai tuần tại một thành phố biển mang tên Ocean City thuộc tiểu bang Maryland. Ocean City thực ra chỉ là một giải đất nhỏ
Tình cờ, tôi gặp bà trên bãi biển Mission Bay. Bà ngồi lặng yên nhìn ra biển với đôi mắt buồn. Dáng bà ngồi làm tôi xúc động và tôi nghĩ rằng chắc bà có tâm sự
Kính thưa Má, Nhân Ngày Của Mẹ, con viết thư cho Má đây nè! Đọc thư con Má đừng cười nghen vì chữ Việt tiếng Việt của con có được bao nhiêu đâu.
Tôi nhận Email của Kim Ngân đã hơn tháng nay, báo tin cho biết là có một cô học trò ngày xưa ở Bến Tre sắp từ bên Đức qua Mỹ du lịch.
Nhà thờ lớn lắm, parking đậu xe cũng cỡ Wal-Mark, tuốt góc tiếp giáp với xóm nhà ở là góc parking không xài tới nên người ta đậu vài chiếc tàu câu cá
Tôi làm Nhà hàng đã lâu nên có thói quen ăn xong còn dư là đổ thẳng vô thùng rác vì làm Nhà hàng không nên tiếc rẻ bởi có thể rắc rối với luật pháp
Ông Tuấn bắt đầu hồi hộp khi chiếc máy bay 747 giãm vận tốc. Tiếng người phi công rè rè thông báo cho các tiếp viên chuẩn bị đáp xuống phi trường
Bích Giang là một cô gái có sức quyến rũ lạ lùng. Bảo cô ấy đẹp, tôi chắc là không vì mũi nàng tẹt, nhỏ xíu và cái miệng thì móm. Bảo cô ấy có duyên"
Nhạc sĩ Cung Tiến