Hôm nay,  

Chuyện Hai Người

09/11/200700:00:00(Xem: 140613)

Người viết: Lê Du Miên

Bài số 2144-1936-712vb6091107

*

Tác giả là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù chính trị, định cư tại Mỹ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Mặt Trời Sắp Tắt”. “Chuyện Hai Người” là bài thứ hai, vẫn cùng lối tự truyện nhiều chi tiết sống động.

*

Chúng tôi xuống phi trường LAX vào khoảng 7 giờ chiều một ngày đầu tháng sáu. Los Angeles bắt đầu vào hè, những sợi nắng vẫn còn vương mắc trên những ngọn cây và trên những ngôi nhà cao tầng. Thành phố ồn ào náo nhiệt với nhiều dòng xe cộ, khác hẳn với thành phố nơi tôi cư ngụ.

Chúng tôi tới Los với tâm trạng nôn nao cũng giống như gia đình Tư ếch dưới miệt tỉnh lên Sài Gòn và nhất là ý nghĩ sẽ được gặp lại một số bạn bè mà đã hơn ba chục năm chưa gặp đang đánh trống ầm ĩ trong lòng tôi. Ra đón chúng tôi tại phi trường là chồng của cô Lily. Cô là một người bạn, một cô láng giềng hay đúng hơn là một người em gái thời niên thiếu, "nhà tôi với nhà nàng chỉ cách nhau có một hàng rào dây kẽm". Cô rất thân với em gái tôi. Cô hay sang bên nhà tôi chơi kể cả những lúc biết rõ là em gái tôi vắng nhà. Cô vẫn thường ngồi nghe tôi đờn một cách say mê, dù tôi đờn, tôi hát chẳng hay ho gì, và dường như lâu dần, cô có phần thân với tôi hơn là với em gái tôi. Nhưng chuyện gì thì cũng chỉ ngừng lại như thế... Rồi tôi vào lính, và cô đi lấy chồng. Cô theo chồng về tỉnh khác. Chúng tôi mất liên lạc với nhau từ độ ấy, đến nay tính ra đã gần ba mươi lăm năm.

Tình cờ được tin nhau nơi xứ người. Cô mừng lắm, gọi phone liên tục, hỏi thăm nhiều chuyện và có lẽ cô nghĩ là tôi thiếu thốn mọi bề nên cô gởi sang cho tôi đủ thứ, từ những con cá khô, những chùm lạp xưởng, đến những bộ phim truyện để tôi xem giải trí cho đỡ buồn.... Nhân ngày đám cưới đứa con gái út của cô. Cô đã mời gia đình tôi về Huntington Beach để trước là dự lễ cưới của cháu sau là anh em gặp nhau "xem dung nhan đó bây giờ ra sao". Nói chuyện trong phone cô vẫn cứ mãi tự hào về cái nét trẻ trung, nó vẫn còn dai dẳng ở cùng cô. Cô hỏi tôi có thể mường tượng ra cô không"  Tôi trả lời "Có thể chứ". Tôi vẫn chỉ hình dung được hình ảnh cô lúc còn nhỏ, một cô gái khá xinh, dễ thương, dịu dàng, e ấp như một con mèo, thỉnh thoảng tôi trộm nhìn mỗi lúc cô ngồi tư lự bên khung cửa sổ. Như tôi nhiều lúc quên đi, cứ nghĩ mình còn là cậu thư sinh, chợt tỉnh cơn mê thì hỡi ôi, đầu đã bạc, răng đã rụng, má đã nhăn nheo.

Chồng của Lily, là ông Toàn bắt tay tôi:

- Chào Anh. Thật là vinh hạnh cho chúng tôi. Cám ơn Anh chị không quản xa xôi đã đến tham dự đám cưới của cháu.

Toàn già hơn tôi tưởng tượng rất nhiều, dù tôi đã biết chàng hơn nàng tới mười mấy tuổi. Toàn đưa chúng tôi về nhà. Căn nhà thiệt đồ sộ, nguy nga, so với nhà tôi thì đúng là một trời một vực. Sau nhà có hồ tắm, có vườn hoa, cây kiểng, đẹp như một công viên. Tôi và Lily gặp lại nhau, mừng mừng, tủi tủi, sau cái siết tay thật chặt, Lily ôm chầm lấy tôi như ôm một báu vật không muốn rời. Mắt Lily nhòa lệ. Cô thật là người mau nước mắt.

Buổi tối hôm đó ăn cơm xong, chúng tôi ra ngồi bên hồ với những ly cà phê pha kem đầy ắp thân tình, vợ chồng Lily ngồi kể chuyện cho chúng tôi nghe về những ngày tháng cũ đã qua. Tiếng của Lily nghe rổn rảng, nổ như bắp rang:

"Từ ngày Anh vào lính, Em đi lấy chồng. Chồng em đây, ông ấy là lính tàu bay, ổng đi bay suốt, bỏ bê em thui thủi một mình... "

Tôi cười:

"Thế mà cũng đã có tới ba mặt con... ".

Lily cười lắt lẻo:

"Thì... cũng tại mắn đẻ... Thế rồi, đùng một cái, cuối năm 1974, ổng đi du học Mỹ, ổng theo bà Mỹ đen nào đó mà năm 75, lúc nguy khốn nhất, mẹ con em cần có ổng mà ổng không thèm về... Khi miền Nam bị tràn ngập bởi những đôi dép vỏ xe và những cái mũ lúp xúp tai bèo, em sất bất xang bang, chạy đầu chợ cuối chợ kiếm bo bo nuôi con... Ôi thôi mệt lả... kể sao cho hết".

Tôi cắt ngang: "Những chuyện đó thì tôi hiểu...  Nói chung 20 triệu người miền Nam đều gặp khốn..."

Lily cúi thấp mặt xuống như bùi ngùi: "Cứ tưởng là đôi ngả chia ly, đời này sẽ không còn gặp nhau nữa... Nào ngờ đùng một cái nhận được tin của ông ấy và ông ấy muốn bảo lãnh mẹ con em qua Mỹ đoàn tụ... Em viết thơ trả lời thẳng thừng "thế còn bà Mỹ đen thì anh bỏ đi đâu"  Em không chịu ở chung với bà ta đâu nhé. Anh nghĩ coi đàn ông con trai tha phương, cô đơn, độc thân nơi xứ người mà, cái chuyện đó làm gì mà không có... ".

Tôi nhìn Toàn, nháy mắt. Toàn mỉm cười vu vơ.

Lily vẫn say sưa ca bài ca chiến thắng "rồi em bồng bế mấy đứa con qua Mỹ, các cháu còn quá nhỏ, thật vất vả, em lại bắt đầu một cuộc bon chen mới nơi đất khách quê người. Nhà em làm việc trong ngân hàng lương lậu có là bao. Lily ngước lên nhìn tôi, đôi mắt mở to long lanh, đôi mắt mộng mơ ngày nào:...

"Làm cho hãng xưởng không khá được đâu anh, nên em quyết tâm phải làm một cái gì đó. Mình đâu còn trẻ để trở lại trường, chạy theo khoa bảng nữa anh. Thế là sau ít ngày điều nghiên em quyết định xông vào nghề Nail. Em vừa đi học nail vừa đi học ESL... Lúc đầu mệt mỏi quá đôi lần đã tưởng là bỏ ngang rồi, nhưng nhờ ổng khuyến khích nên em lại cố gắng. Cao xanh không phụ lòng người, cho em có cơ ngơi ngày hôm nay. Các cháu học hành đỗ đạt, thành tài. Nói ra anh đừng cho là em khoe khoang nhá, chứ nhìn lên thì chả bằng ai, nhưng... nhìn ngang, nhìn dọc, thì cũng khó có ai hơn mình."

Toàn nhấp môi một chút cà phê rồi quay qua tôi, anh nói:

- Mọi cái có được là toàn một tay bả hết anh ạ.

Tôi nhìn thấy trên khuôn mặt của Lily một trời tự hào, mãn nguyện đắc ý.

Lily hiện có một tiệm nail với mười tám ghế, mười tám người thợ, khách đông tấp nập. Tôi nói với Lily "này, cho tôi theo nghề nail với". Lily nói như thật "sure, anh cứ xuống đây và làm cho em, em trả anh một ngàn đô một tuần, bao ăn ở". Nghe hấp dẫn quá đi thôi, "nhưng tôi già rồi... ", "Ấy... già làm theo già chứ...".

Thật ra tôi hiểu chuyện làm ăn không phải là dễ, trời phú cho ai người ấy hưởng. Cùng một việc, có người làm phất lên như diều gặp gió, nhưng cũng có người lại sạt nghiệp, trắng tay.

Lily đúng là vẫn còn giữ được nét trẻ đẹp ngày xưa, nếu đi chung với con gái chắc chẳng ai bảo là hai mẹ con và nhất là với tuổi ngoài năm mươi mà Lily vẫn còn hăng say, xông xáo và tháo vát, vẫn còn hăm hở trên bước đường kinh doanh cạnh tranh với đời. Tôi không thể ngờ cô láng giềng của tôi ngày xưa, trông nhu mì khờ khạo, có lẽ "chỉ biết yêu thôi chả biết gì", thế mà bây giờ đã trở thành bà chủ, ngồi đếm tiền mỏi tay.

Ngưng một lát như là để nghỉ mệt, Lily cầm ly cà phê lên, xoay xoay chiếc ly trong tay "thế còn anh thì sao"". Tôi hơi bị bất ngờ với câu hỏi đó và cũng không biết phải nói gì về mình khi mọi sự đều như bình thường. Tôi cười hề hề "về phần tôi thật không có gì để đáng nói. Sau khi đi tù về, bị bắt ép đi kinh tế mới lao động, rồi qua Mỹ theo diện HO, nửa thày, nửa thợ, chỉ còn biết chui vào hãng xưởng làm, lương ba cọc, ba đồng, cũng đủ sống qua ngày như cô thấy... ".

Lily thở dài dường như có một chút ái ngại cho tôi "Em đã nói mà, làm hãng xưởng không bao giờ khá được ở xứ này, anh tính lại đi, làm business đi anh. Hay là anh sang một cái tiệm Seven- Eleven đi, cái này chỉ huề vốn tới lời thôi không sợ lỗ. Nếu cần vốn, bọn này sẽ giúp anh. Ở đây có rất nhiều cơ hội nhưng đòi hỏi mình phải bền chí vươn lên".

Tôi cảm động với những lo lắng ân cần của cô bạn láng giềng năm xưa. Một chút hối tiếc vừa thoáng qua, phải chi ngày ấy tôi.... đừng bỏ đi lính... Phải chi ngày ấy tôi nhận ra một điều gì ẩn hiện trong đôi mắt Lily, thì ngày nay tôi đã... ngồi rung đùi, hưởng phước rồi.

Câu chuyện giữa chúng tôi đang rôm rả thì tiếng chuông điện thoại reo vang. Lily đứng lên nhấc điện thoại. Tôi nghe giọng Lily có vẻ khó chịu "Sao"  Xin nghỉ nữa hả. Sao mà cứ nghỉ hoài vậy em"  Trời ơi mình đông khách... em cứ nghỉ hoài thì chết chị... Thôi được... nghỉ một ngày thôi nha... Ráng đi làm đều giùm tôi cái đi bà nội ". Lily cúp máy, trở về chỗ ngồi thở ngắn thở dài "con Lan lại xin nghỉ... đi khám thai. Cái thai cứ rục rịch hoài... ". Tôi nhìn Lily nói lấp lửng: "Có thai mà... mà... tiếp xúc với hóa chất nhiều... hình như không được...". Lily cắt ngang: "Tiệm em có gắn máy hút, khử mùi... rất an toàn."

Lan mới từ Việt Nam qua được vài năm, trẻ đẹp, duyên dáng. Lan và Hữu gặp nhau trên net và thế giới ảo ấy đã xe duyên cho họ sau khi Hữu li dị người vợ Mỹ đã từng chung sống với nhau hơn 20 năm hạnh phúc. Hữu là lính cũ của Toàn nên vợ chồng Toàn rất thương yêu, coi Hữu như em ruột.

"Tội nghiệp con vợ Mỹ của thằng Hữu lắm anh ơi -Lily hạ thấp giọng- Nó yêu thằng Hữu vô cùng mà thằng Hữu phụ rẫy nó, bỏ nó về VN lấy con Lan... Anh biết không, nó thất tình, nó buồn, nó tự tử may mà người ta cứu được, bây giờ nó bị tâm thần dở khùng dở điên. Vợ Mỹ không đòi ly dị chồng Việt mà ngược lại, thật trớ trêu. Con Lan này.... ". Lily lắc đầu thở dài: "Ôi không biết rồi sẽ ra sao, cô ả ngúng nga, ngúng nguẩy và nhõng nhẽo, đầy đọa, bắt nạt thằng Hữu quá sức, thằng Hữu rồi sẽ gặp quả báo cho mà coi. Không biết nó sẽ cho thằng Hữu leo cây lúc nào. Đương không lại chuốc khổ vào thân.".

Toàn từ nãy tới giờ ngồi im lặng bây giờ mới lên tiếng:

- Thôi chuyện người ta nói đến làm gì.

Rồi quay qua tôi Toàn cười cười:

- Còn anh, thế nào"  Có khổ vì bà nhà không" Chứ tôi thì....

Lily trợn mắt nhìn chồng:

- Bộ ông khổ lắm hả...".

Toàn rụt cổ ngồi im, đưa tay vuốt hàng lông mép, hàng lông mép của Toàn hình như hơi cụp xuống.

 Nghe hỏi thế lòng tôi cũng chùng theo. Nhớ thời gian trước đây, khi mới tới nước Mỹ có biết bao là chuyện vui buồn. Nhớ những tháng ngày ở chung nhà với người sponsor. Ông ta già rồi và rất khó tánh, tính toán chi ly từng xu. Nhà có ba phòng, gia đình ổng chiếm hai, tôi một, mà tiền nhà, điện, nước, rác... thì chia hai. Vậy mà vẫn chưa yên, ổng cứ nói là ở chung chỉ có lợi cho tôi, còn ổng chả lợi lộc gì. Ổng còn dặn khi tắm thì xả nước ra thùng rồi múc từng ca để tắm, rửa chén đũa cũng vậy, xả nước ra chậu mà rửa... Chín giờ tối, ổng bắt tắt đèn, tắt TV đi ngủ... Có đêm tôi đi chơi vui bạn vui bè về quá chín giờ, cửa đóng không biết làm sao mà vào nhà. Tôi thì nhịn nhưng bà nhà tôi thỉnh thoảng phản đối nên đôi khi cũng lời qua tiếng lại, mất lòng nhau. Tôi lãnh đủ.

"Sao không ra riêng mà ở cho nó tự do"" Lily chăm chú hỏi. "Thì cũng tại muốn tiết kiệm ít tiền, hai bên đều có lợi nhưng chẳng may gặp ông thần trời đánh thánh đâm... "

Chúng tôi tới Mỹ vào những ngày mùa đông, trời lạnh cắt thịt. Sáng sáng hai vợ chồng co ro trong những chiếc jackets garage sale ra đứng đón bus tới Irco để học. Ở đó người ta dạy mình cách đi xe bus, cách xin việc làm... Tôi chợt nhớ lại một chuyện bực mình mà cười ra nước mắt. Thường thì chúng tôi xách cơm mang theo học, nhưng hôm đó ngủ dậy trễ, nên không kịp nấu cơm. Tới trưa đói bụng, hai vợ chồng đi tìm xem có quán ăn người Việt nào không"  Tìm không có. Vợ tôi chỉ ngay cái restaurant của Mỹ bảo tôi vào mua. Trời ạ, vốn liếng tiếng Anh của tôi là English for today cuốn 2, "ai gô tu cun", tôi nào dám bước vào, nhưng vợ tôi cứ nằng nặc "em đói bụng quá", tôi dỗ dành "thôi ráng nhịn đói đi em, chứ mình có biết tên món ăn nào của Mỹ đâu mà order. Vợ tôi phụng phịu. Hai vợ chồng cứ đứng nhìn từ ngoài cửa kính thèm thuồng, chồng thì gãi đầu, gãi tai vợ thì mãi nhùng nhằng níu kéo như một đứa trẻ vòi mẹ mua quà. Trong túi có tiền mà đành đoạn để bụng trống rỗng đến chiều... Hôm đó về, vợ tôi cằn nhằn mãi, bả giận tôi mấy ngày liền.

Học được chừng vài tháng thì người worker, ông này người Việt gốc Lào, dẫn chúng tôi đi xin việc. Lại một chuyện oái oăm. Ông ta xin cho vợ tôi vào làm ở hãng Aramark, hãng giặt ủi, lương bắt đầu là $6.50/hour, còn tôi ông ta dẫn vào làm cho hãng Lynden Farm, hãng mổ gà, lương chỉ có $5.15. Tôi bất mãn lắm nên phân bua với người worker là "ai đời tôi đường đường chính chính là một bậc nam nhi, khí phách ngang trời thế này... là chủ tịch của gia đình mà ông nỡ lòng nào xếp tôi làm việc lương thấp hơn vợ mình, còn thể thống đâu là gia phong, gia đạo, làm sao tôi bảo vợ tôi nó nghe nữa. Ông ta nghiêm mặt. "Ở Mỹ là như vậy, income của vợ cao hơn của chồng là chuyện thường". Tôi vẫn chưa vừa lòng "rõ là ông chơi tôi, tôi không làm". "Nếu không chịu làm ông sẽ bị cắt trợ cấp, cúp bảo hiểm". Tôi đành chịu thua.

Toàn chen vào:

- Thì đúng rồi, như tôi đây... bà nhà tôi kiếm tiền nhiều chứ tôi kiếm được bao nhiêu.

Tôi kể tiếp: "Lãnh cái check đầu tiên, vợ tôi nghe ai xúi dại đòi mở account nhà bank riêng. Ý chắc là tiền của bả nhiều hơn, bỏ chung thì bị thiệt thòi. Ở nước mình vợ làm kiếp cò, buôn gánh bán bưng nuôi chồng, nuôi con, rã rời thân ngọc, vậy mà miệng vẫn mỉm cười tươi như hoa, qua tới đây bà nhà tôi... đằng sau quay một cái rụp. Tôi bực mình lắm. Thế này thì còn gì là tôn ti trật tự của gia đình. Tiền chồng, chồng giữ, tiền vợ, vợ ôm. Cha chung không ai khóc, trong nhà chả sắm sửa được gì... ngoài những đồ second hand, người ta vứt cho, vì chẳng ai chịu bỏ tiền ra. Rồi giống như cái ông sponsor của tôi, bả chia tôi phải trả tiền nhà và một đống bill linh tinh khác, còn bả là nội trợ nên chỉ lo tiền ăn uống, thế là tôi càng ngày càng bị thiếu hụt, hết cả tiền hút thuốc, cà phê, cà pháo, bia bọt... dần dần tôi chia tay hết những thú tiêu khiển đó. Những lúc buồn chỉ biết nhìn trời mà ca "ôi ta khờ ta mang thân qua đây".

Vợ tôi ngồi xụ mặt từ nẫy tới giờ trong khi tôi cứ thao thao bất tuyệt, chắc là hết chịu nổi nữa rồi, nên bả đứng dậy, đưa tay bịt miệng tôi.

- Cứ vạch áo cho người xem lưng. Ai tra tấn ông đâu mà ông cứ kể lung tung.

Tôi cũng chợt nhận ra là mình quá trớn nên sì tốp cái chuyện trong nhà ngoài phố của gia đình mình. Tôi bậy thật. Tôi ngượng nghịu gỡ tay vợ ra:

"Em cứ bình tĩnh ngồi xuống đây. Anh nói chuyện cho vui vậy thôi mà. Chuyện những ngày xa xưa bọn mình mới di cư tới vùng đất lạ, cái gì cũng ngược lại bên quê nhà... như là bên mình thì nhà cao cửa rộng mới là sang, còn bên này thì nhà thấp cửa hẹp, bên mình ai mà mua chịu, mua thiếu mang nợ là dổm còn bên này, phải nợ, càng nợ nhiều càng có tín dụng nhiều... Là kỷ niệm dzui dzui thôi mà em, anh đâu có ý gì... ".

Vợ chồng Lily cười như nắc nẻ. Không biết là cười vui hay cười nhạo vợ chồng tôi. Lily ngưng cười, nhìn tôi ái ngại:

- Anh có vẻ thay đổi nhiều, lúc xưa anh trầm lặng hơn.

Câu nhận xét này như con dao nhọn đâm vào da thịt tôi. Trong mắt Lily tôi đọc được những nét ngạc nhiên, chắc là cô thất vọng về tôi lắm. Sau mấy chục năm gặp lại thần tượng mà thần tượng đã đổi thay phũ phàng. Đổ thừa cuộc đời chăng, biết nói sao đây, khi mà cái giá trị của sự trật tự bị đảo lộn, nhiều khi đàn ông bên này đổi thành là những người đàn bà nơi cố hương. Họ chỉ còn là cái bóng mờ nhạt trong gia đình.

Thú thật đến giờ ngồi ở nhà viết những dòng này tôi vẫn còn tự trách mình "đàn ông gì mà nhiều chuyện". Tôi vốn ít nói mà sao bữa đó ma đưa lối, quỉ dẫn đường thế nào, lại phát thanh tào lao như vậy.

Dự đám cưới xong chúng tôi chia tay nhau chả biết đến bao giờ gặp lại. Lily bắt tay tôi hờ hững, không siết chặt như vài ngày trước, lúc mới gặp.

Cô láng giềng xưa của tôi chắc vừa nhận ra người anh ngày cũ đã không còn, không còn nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 66,655,941
Người Việt Nam chúng ta đã quen thuộc với nếp sống thân quen chòm xóm, láng giềng, gắn bó với quê nhà, cây đa xóm cũ. Đó là một truyền thống tốt đẹp, một nét văn hoá đặc trưng
Ngày sung sướng nhất của mẹ là ngày được cha bảo lãnh cho sang Mỹ. Tội nghiệp mẹ, lấy cha tôi từ năm 18 tuổi, mẹ ở với cha dược có hai năm thì xảy ra biến cố lịch sử trọng dại. Tháng tư 1975
Cách đây khoảng hơn 10 năm, anh có đọc một bài viết ngắn của một người Bắc (Di Cư 54) từ Mỹ về thăm Hà Nội, ông ta nói rằng khi cho quà cáp hay tiền nong, người miền Bắc không hề nói câu cám ơn.
Bữa nay làm có nửa ngày… Về sớm nhìn qua đồng hồ thấy chưa tới 1 giờ, dòm xuống bàn tay móng ngắn, móng dài xấu ình, thôi thì tắp vô tiệm neo coi sao. Bước vô tiệm liếc sơ