Hôm nay,  

Du Ký Xuyên Bang: Tới Vùng Bình Nguyên

10/07/200700:00:00(Xem: 266152)

Nguyễn Viết Tân
Bài số 2039-1902-606vb3100707

Tác giả Nguyễn Viết Tân  sinh năm 1950 tại Dầu Tiếng Bình Dương.  Quê quán: Rạch Giá, Kiên Giang. Trước 1975, phục vụ tại Phi Đoàn 253 Sói Thần, Đà Nẵng. Công việc của ông ở Mỹ là cùng với các bạn thầu landscaping cho freeway tại vùng Nam Cali, nhận job trải dài qua ba quận hạt Los Angeles, San Bernadino và Orange County. Năm 2001, với bút hiệu Tân Ngố, và bài “Bên Bờ Freeway” ông là tác giả đã nhận một trong 4 giải thưởng chính Viết Về Nước Mỹ năm thứ hai. Sau đây là bài thứ hai trong loạt du ký xuyên bang nước Mỹ ông mới viết.

2. Tới Vùng Bình Nguyên

Chúng tôi xuyên ngang một góc của Texas và vào vùng Cán Chảo của tiểu bang Oklahoma (Pan handle). Sở dĩ nó mang tên này là vì nhìn trên bản đồ, nó có hình dáng y như cái cán chảo mà toàn tiểu bang là cái chảo vậy. Đi có chừng hơn 50 miles mà đã qua phần đất của hai tiểu bang thật lớn của Mỹ.

Từ khi tới địa giới Texas và Oklahoma thì chân trời mở ra mênh mông với đồng lúa mì và ruộng ngô xanh mướt, thỉnh thoảng cũng có nơi trồng cỏ alfafa để nuôi bò, loại cỏ này có bông như hột mè và trông giống cây rau dền cơm hơn là giống cỏ. Mỗi lần thâu hoạch cỏ, họ đóng thành bành vuông vắn xếp ngay hàng thẳng lối trên ruộng. Đối với loại lúa mạch cây dài, rơm rạ lại đóng thành bánh tròn to bằng hai cái bánh xe hủ lô.

Mỗi khi nhìn thấy cánh đồng bắp, tự nhiên tôi thấy lòng mình chùng xuống, thanh thản như thuở còn thơ. Từ màu xanh của lá, cho đến màu trắng vàng của hoa bắp rung rinh trong gió, trái bắp bụ sữa, hạt đều như hàm răng người con gái đều làm tôi mê đắm.

Cứ mỗi độ Hè về là siêu thị lại sale bắp, có khi 8 trái một đồng, tôi mua về luộc và có thể ăn cả gần chục trái một lần, nước bắp lại còn dồn vô chai để dành mang đi làm uống dần. Có nhiều người nói nước luộc bắp rất tốt cho sức khoẻ, mà tôi nghiệm ra rất đúng, nhờ uống nước này thường xuyên mà năm nay tuy đã 57 tuổi rồi nhưng tôi còn rất khoẻ mạnh, trông trẻ như một người mới ... bảy lăm!

Khi gần tới biên giới tiểu bang Kansas, tôi thấy có một thành phố tên là Hooker, theo tôi biết thì người Mỹ họ gọi những cô gái ăn sương là hooker. Nghĩ cũng lạ, một người mà đạo đức hiện ra lồ lộ trên mặt như tôi (just kidding) mà tối hôm trước thì ngủ tại thành phố Tú Bà, bữa nay lại ăn trưa ở thị trấn Gái Ăn Sương thì có đáng ngại hay không"

Những ai đã từng đi trên Freeway 5 đều đã thấy những khu nuôi bò rộng lớn, nhưng so với ở Kansas thì quả thật chưa thấm vào đâu, vì cứ khoảng vài dặm lại thấy một khu đề là Commercial Feeder. Nơi đây cứ 5 con đường đất thì lại có một đường nhựa chia khu nuôi bò thành từng ô dài tít tắp cả mấy cây số. Không phải họ nuôi con bò từ khi mới sanh, mà là mua gom của những nông trại nhỏ loại bò đã lớn rồi. Về đây họ nuôi thúc bằng bắp trong vài tháng để chúng tăng trọng tối đa.

Khi con bò còn được thả rông gặm cỏ, nếu mình có đồng cỏ thì tốt, còn nếu không thì trả cho người ta năm mười đồng mỗi tháng tính theo từng đầu bò, đàn bò của mình tha hồ đi lang thang ăn cỏ trong đồng của họ, đợi đúng lứa thì bán. Mỗi trại Feeder đều có đề "Population: ...heads", nên ta có thể biết được số bò trong trại đó là bao nhiêu.

Từ khi con bò đã bị lùa lên xe tải cho đến khi vào lò sát sinh, không khi nào họ để quá 24g, vì mỗi con sẽ mất đi chừng vài pound thịt mỗi ngày, tính ra số nhiều thì thiệt hại lắm.

Người Việt làm nghề thịt bò ở đây khá đông, lương khởi đầu khá cao (khoảng 15 đô la một giờ) nhưng cực lắm, bởi vậy sau một thời gian để dành được một số tiền kha khá, hay con cái họ lớn lên học hành xong và có việc làm, là phần đông chuyển về các thành phố lớn khác sinh sống.

Chuyến đi tiểu bang này cách đây mấy năm thì chú cháu tôi đã được bạn dân tặng cho 3 cái speeding ticket, nên lần này cẩn thận lắm, luôn luôn chạy đúng tốc độ, bởi vậy đến xế chiều mới tới nhà anh tôi.

Chà, căn nhà mới xây to ghê, hoa lá thắm tươi, nó lại quay hai mặt vào cánh đồng minh mông không thấy đâu là cùng tận, rải rác đó đây những “con lừa” nhẫn nại bơm dầu. Người địa phương gọi dàn bơm dầu là donkey kể cũng phải, vì trông nó giống hệt con lừa đang quì và có hai cái tai dỏng lên.

Anh chị tôi đều bận việc, lại thêm cái vụ đám cưới càng bận hơn nữa nên không nấu ăn tại nhà, mà đãi người phương xa bằng một bữa bí tết tại nhà hàng Apple Bee. Lúc xếp hàng phía trước, thấy ông bà Mỹ nào đi ăn tối cũng quen biết hỏi chuyện anh Toàn rất ân cần, tôi cũng vui lây. "Ông anh mình chắc rất nổi tiếng ở đây nên ai cũng biết mặt".

Bữa ăn hôm nay khá hơn cái quán ven đường rất nhiều, miếng thịt bò làm đúng gu của tôi mà giá chỉ dưới 20$.

Vừa ăn tôi vừa kể chuyện, hôm nọ ông anh cột chèo của tôi có dẫn cả nhà đi ăn bí tết ở một nhà hàng khá nổi tiếng tại Las Vegas, phần ăn mỗi người cũng chỉ trên dưới 30 đồng mà thôi, nhưng con nhỏ bồ của thằng con thứ hai kêu ngay món thịt bò Kobe. Chỉ có 3 miếng thịt mỏng lét, dài dài như hai ngón tay, mà họ tính giá 178$ làm cả nhà lè lưỡi. Mẹ, cái con nhỏ đó phần ăn của nó mắc hơn của cả nhà mình cộng lại!


Thôi từ nay đừng có ai ngứa ngáy đòi thử cái món thịt bò Nhựt Bổn nhé. Tôi nghe đồn rằng con bò ở bên Kobe được ăn bắp non, được tắm nước ấm và massage hàng ngày nên thịt nó mềm và ngon lắm, ngon thế nào đi nữa mà giá đến gần hai trăm một dĩa là không có tôi rồi đó!

Anh tôi bảo trong một con bò, chỉ có một miếng thịt nặng độ 1 cân, nó trắng ngà như cục mỡ, nhưng khi chiên xào lên thì lại là một miếng thịt rất ngon, vừa dòn vừa mềm mà người Mỹ gọi là sweet bread.

Để bữa nào rảnh rang tôi ráng đi tìm mua một miếng về ăn xem sao.

Garden City là nơi anh tôi định cư từ hồi 1981. Nghe anh kể lịch sử thì thành phố này có tên đó là vì ngày xa xưa, đường xe lửa đang được xây dựng cần rất nhiều công nhân, họ muốn mua rau trái tươi mà không có nên có một gia đình kia mở một trang trại nhỏ trồng rau mà bán. Đường hoả xa càng lúc càng tiến về phía tây, nhưng xe lửa thường phải ngừng tại đây mua thực phẩm để tiếp tế cho công nhân. Từ đó ai cũng gọi nơi này là Garden.

Đây là một thành phố nhỏ nhưng có những toà nhà rất cổ kính, nó rêu phong như những căn nhà ở Huế vậy. Dân số trên dưới 30 ngàn người, đa số là người da trắng (70%) và dân Á Châu cũng lên tới 3%. Mấy năm trước đây, một hãng thịt bò rất lớn đã bị cháy, rồi sau đó họ chuyển đi thành phố khác nên thợ làm thịt bò người Việt rời thành phố này khá đông.

Năm vừa qua, có một công ty về đây xây một nhà máy làm Ethanol rất lớn. Để làm ra loại xăng này, người ta dùng ngũ cốc (đa phần là bắp) cho lên men và chưng cất ra.

Chúng ta ai cũng biết là Mỹ đâu cần đem dân chủ tự do đến vùng Trung Đông làm chi, cái cần là xăng dầu của vùng đó mà thôi!

Người Mỹ đã đem máu của thanh niên mình mà đổi xăng đem về, bởi vậy chúng ta đừng tiêu thụ xăng một cách bừa bãi, xách xe chạy vòng vòng không mục đích hoặc mua xe to lớn uống xăng như uống nước, rồ ga một phát là hết cả lít xăng, máu của người lính chiến cả đó. Người quê tôi cũng có Thượng Sĩ Long đã ngã xuống ở chiến trường vùng Vịnh xa xôi cách nửa vòng trái đất. Bây giờ muốn tiết kiệm xương máu, nước Mỹ cần kiếm ra nguồn nhiên liệu khác, đó là xăng Ethanol.

Thực phẩm, nhất là ngũ cốc thừa thãi ở xứ Huê Kỳ này, nhưng vì sự tiêu thụ của các nhà máy chế biến Ethanol rất lớn, rồi đây chúng ta sẽ thấy thực phẩm nhất là các loại sữa và thịt sẽ tăng giá rất nhiều, hệ quả dây chuyền vì lúa mì và bắp tăng giá cao hơn.

Như bài hát "Đi dăm phút đã về chốn cũ ..." chúng tôi chạy từ đông sang tây không đến 20 phút thì hết thành phố. Anh tôi có một dẫy nhà song lập chiếm hết nguyên bên phải của một con đường, những nhà này mới xây và căn nào cũng có hai cây điệp đã lên cao khỏi nóc nhà trông rất mát và đẹp.

Anh nói sau hai mươi năm, nhìn lại, nhớ lại khoảng đời đã qua mà tự hào trong nỗi xót xa. Ngày anh mới vào làm hãng Mỹ, họ giao cho cái xẻng xúc tuyết để đi đào ống cống dưới trời giá lạnh với cặp môi thâm tím.

Bữa đầu tiên, ông Cai bảo:

-De cái xe ra chỗ khác mà đào.

Anh nói:

-Tôi không biết lái xe.

-Ủa, sao sáng nay ông chủ nói trước đây ông là pilot"

-Tôi đã từng qua đây học lái máy bay, chứ chưa có ai tập lái xe cho tôi cả, vả lại nước tôi rất hiếm xe hơi, chúng tôi thường đi xe đạp hay xe gắn máy mà thôi.

Kể xong anh bùi ngùi tâm sự:

-Bây giờ bốn đứa nhỏ đã học xong, tao sẽ bán bớt nhà cửa đất đai, có thể bán luôn cái hãng BT này, thâu nhỏ lại chừng vài ba người thợ, kể như về hưu một nửa, có đi làm chút đỉnh cho đỡ buồn vậy thôi, chứ mới gần 60 tuổi mà coi mòi đã gần hết dây thiều rồi.

Nhìn mặt anh có khá nhiều nếp nhăn, nhất là khi cười, tôi thấy quả là già hơn tôi thật, có lẽ là vì anh sinh ra trước chăng! 

Khu vực qunh Garden City có rất nhiều nai, bữa trước tôi đã có lần kể chuyện về vụ đi săn chim trĩ và nai rồi, nay chỉ kể về khô nai mà thôi.

Chúng tôi dớt được hai con nai bèn đem đến tiệm làm nai khô của Mỹ. Họ hỏi ông muốn làm thành ra tùng miếng dẹp hay tròn, có cay hay không. Chúng tôi nghĩ, miếng bò khô hay nai khô mà làm tròn thì trông không bắt mắt, nên yêu cầu làm thành từng thanh và ướp nhiều ớt cho cay.

Mỗi pound thành phẩm mình phải trả cho họ 2$, giá cũng phải chăng.

Hai hôm sau lại lấy thì họ đã đóng thành gói và xếp vô từng thùng coi rất lịch sự, phía ngoài giấy gói có in hàng chữ DEER JERKY thật to coi bắt ham, cả bọn bợm nhậu hí hửng bưng về nhà mở ra nhậu liền với bia lạnh cho đã một bữa, bõ công đêm tối lặn lội rình mò đi săn.

Trời ơi, chẳng ra cái thống chế gì! Thì ra là nó lột da con nai xong rồi, lóc thịt, bỏ vô máy xay như xay hamburger, ép dẹp lép rồi xấy. Gia vị theo mùi Mỹ nên không thể tưởng tượng ra đây là miếng nai khô, ăn vào y hệt miếng sausage. Đúng là phí của giời, giá mà tay tôi làm, lạng ra từng lớp theo thớ thịt dọc, ướp ngũ vị hương các cái rồi phơi khô hay xấy trong lò thì  ... ngon phải biết, hơn cả tiệm Vua Khô Bò ở khu phố Bolsa là cái chắc.

Tuy thất vọng tràn trề, nhưng sau cùng tôi cũng ráng mang về Cali một chút quà thịt rừng cho bạn hữu.

Chị tôi đã đi lên nhà gái để lo việc, anh tôi thì còn công việc hãng rất bề bôn, nên chúng tôi đi trước vài ngày để ghé thành phố Wichita thăm một số bà con.

Ngày mai chúng tôi sẽ đi ngang thành thố Greens Burg, nơi mà cách đây mấy tháng đã bị tonerdo san thành bình địa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 67,225,817
Mỗi lần tôi đến thăm Dì Năm; Dì cứ lặp đi lặp lại câu nói: " Cho tới bây giờ đã hơn ba mươi năm sống tại Mỹ mà ngồi nghĩ lại những ngày trước
Sau những gay go chật vật, cơm, áo, tiền ...; rồi cũng đến Seattle năm 1993 với danh nghĩa HO. (HO, (Humanitarian Operation)
Đầu tiên là bé gái Út lấy chồng. Lấy chồng thì phải theo chồng, bé Út khăn gói theo chồng về Florida. Sau đó đến em Ty lấy vợ
Tôi thích viết văn, làm thơ từ thuở còn bé xíu. Những bài thơ, câu chuyện tôi viết không mang màu sắc tươi vui của cuộc sống đẹp như trong mơ
Xuân đã đến rồi! Minnesota vừa mới lột đi được chiếc áo choàng trắng của nàng Tuyết và chuẩn bị mặc lên chiếc áo rực rỡ của nàng Xuân
Nếu con còn muốn sống với gia đình thì phải sửa đổi, học hành đàng hoàng. Dì nhất định không chấp nhận cảnh đi đi về về xem nhà như cái chợ của con
Hai năm gần đây, sắp tới tuổi về hưu, tôi bớt lo công việc đi bán bảo hiểm như gọi điện thoại cho bà con, để đến từng nhà họ
Về đâu" Đó là một câu hỏi trong mỗi một con người chúng ta. Nhất là những khi chúng ta gặp điều không may trong cuộc sống.
Dưới thung lũng tuyết trắng xóa, có ba anh em nhà “mộc tồn” người Esquimo. Mộc tồn có nghĩa là cây còn, nói lái là con cầy
Bãi Cát ở Mersing, nơi chúng tôi đặt chân lên bờ và dựng chiếc lều bằng thùng giấy và vải nhựa sống những ngày tị nạn đầu tiên. Hình nhỏ góc phải: Refugee Camp
Nhạc sĩ Cung Tiến