ĐỜI VẪN DỄ THƯƠNG
Người viết: Thùy Dương
Bài số 1203-1815-5120vb7240207
*
Tác giả định cư tại Hoa Kỳ từ 1987, hiện là một bác sĩ hành nghề tại quận Cam, đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2006. . Bài viết đầu tiên của bà là "Hạnh phúc rất đơn giản" kể chuyện về cách nhìn, cách nhận chân hạnh phúc của người phụ nữ Việt tại Hoa Kỳ qua ba hoàn cảnh sống khác nhau. Tiếp theo, là các bài "Đoàn Nữ Binh Của Mẹ Tôi"; "Tôi Học Văn Chương Mỹ...". Sau đây là bài viết thứ bẩy của bà.
*
Dân vượt biên trước khi qua Mỹ đến trại chuyển tiếp ở Bataan, Philippines đều được học qua lớp CO (Cutural Orientation), để chuẩn bị tinh thần trước khi hội nhập cuộc sống bên Mỹ. Học cho có lệ vậy thôi chứ ít khi chúng tôi quan tâm đến các bài giảng dạy này lắm, chỉ mong ngày tháng trôi qua thật nhanh để còn đặt chân vào cõi thiên đường.
Đến khi đụng chạm với thực tế thì mới thấy thấm thía những bài học vỡ lòng về văn hóa Mỹ trên đất Phi, chả là ở lớp CO này, họ dạy cho chúng tôi nước Mỹ là nước tư bản, người Mỹ đánh giá con người qua vẽ bề ngoài: nhà cửa, xe cộ, và bằng cấp.
Vây mà có những người dù sống khá lâu trong xã hội Âu Mỹ vẫn không bị vật chất lôi cuốn. Họ vẫn sống vẫn làm việc với tấm lòng nhân ái, giúp người giúp đời chứ không vì lợi danh như luật sư Trịnh Hội, luật sư Nguyễn Quốc Lân, nhạc sĩ Nam Lộc và các thân hữu của các ông.
Những lo toan về cuộc sống vật chất bên Mỹ, bên Úc vẫn không làm họ quên đi những người tị nạn sống đời vất vưỡng bên Philippines chẳng biết tương lai về đâu. Cuối cùng việc làm không công của họ và những sự bảo trợ của hội thánh Tin Lành đã có kết qủa với hàng ngàn người tị nạn đã đặt chân lên miền đất hứa.
Xin mở ngoặc ở đây, riêng tôi xin được gởi lời cám ơn đặc biệt đến họ, cũng nhờ vậy mà tôi trở thành bác sĩ gia đình của một số đồng bào đến từ Phi, trong đó đặc biệt với hai chị em sinh đôi Ngân Truyền- Kim Truyền với ánh mắt trẻ thơ sau hàng rào kẽm gai làm xúc động lòng người do nhiếp ảnh gia Brian Đoàn chụp tại trại tị nạn, sau đó là tấm hình hai bé với khuôn mặt rạng rỡ thông minh trên sân cỏ nhà trường bên Mỹ của nhạc sĩ Nam Lộc với tựa đề Happy Ending.
Tôi định thưa với nhạc sĩ Nam Lộc để đổi lại là Happy Beginning, vì chỉ vài năm nữa thôi tôi sẽ có dịp chụp tấm hình của Ngân Truyền và Kim Truyền cười toe toét trong mũ áo choàng đen của ngày lễ ra trường hay áo dài trắng cô dâu trong ngày vu quy, rồi sẽ gửi Việt Báo trong mục hình ảnh đẹp của gia đình với tựa đề Happy Ending.
Tuy nhiên, trong bài viết hôm nay tôi xin được kể đến những người với những việc làm nhân đạo mà tên của họ vẫn còn xa lạ với cộng đồng chúng ta. Cuộc đời tị nạn của tôi bắt đầu bằng những ngày tháng bên Phi nên người trước nhất tôi xin được nhắc đến cũng là người tôi được quen biết từ bên đất nước này.
PHƯỢNG
Chẳng hiểu vì sao tôi lại mê cải lương như vậy. Cha mẹ là người Bắc, tôi lại học Trưng Vương, trường trung học của dân Bắc Kỳ di cư, có lẽ chịu ảnh hưởng của chị Côi, người giúp việc của mẹ. Những buổi trưa hè, sau khi cơm nước xong xuôi là chị Côi bế tôi qua đình Tân An để coi tập diễn tuồng cho tới khi trời sập tối mới vôi vã bế tôi về để lo bữa cơm chiều. Cứ như thế dần theo năm tháng, tật mê cải lương đã thấm vào huyết quản của tôi tự bao giờ. Chả thế mà khi các bạn trẻ học Y Dược có tổ chức buổi picnic ngoài trời tại một công viên tại Orange County với các thân hữu, trong đó có người nhạc sĩ trẻ tuổi Hoàng Thi. Thi có hỏi tôi cảm tưởng của tôi vể các bản nhạc mà anh đã phổ theo thơ của Nguyễn Tất Nhiên, tôi thành thật trả lời nhạc của Thi chân thành, đầy cảm xúc, còn của Phạm Duy thì điêu luyện hơn. Tôi còn nói thêm:
- "Nhưng có một đoạn trong bài thơ Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ hay lắm mà không thấy Phạm Duy hay ông em Hoàng Thi của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên phổ nhạc"
- "Đoạn nào vậy chị mà sao Thi không biết""
Tôi còn nhớ khuôn mặt ngạc nhiên của Thi khi tôi đọc đoạn thơ ấy:
"Anh vái trời cô thích cải lương
Thích kẻ hùng anh diệt bạo tàn
Để mai mốt vùi quanh cuộc sống
Cô vẫn còn đôi chút lạc quan"
Chiều hôm nay sau khi nói chuyện với người bạn mới từ Việt Nam trở về, tôi lại vui vẻ ngâm đi ngâm lại đoạn thơ này. Bạn tôi cho biết trong phái đoàn về quê làm công tác thiện nguyện có người thanh niên mang tên con gái- Phượng. Tôi có linh cảm là người thanh niên này và anh chàng Phượng tôi gặp ở trại tị nạn chỉ là một.
Trời mùa hạ tại trại tị nạn nóng như thiêu như đốt. Dưới mái nhà tôn hừng hực nóng, tôi với mồ hôi nhễ nhại đang ngồi lau sàn nhà mà than thở "Ba mẹ cứ bảo sang Mỹ để đoàn tụ, để sống sung sướng. Đoàn tụ, sung sướng đâu chả thấy, chỉ thấy như đang sống ở vùng kinh tế mới thôi", bỗng thấy có người thanh niên mặt mày sáng sủa, quần áo gọn gàng trong đám thanh niên mặt mũi lem luốc của chúng tôi xuất hiện ở trước cửa:
- "Các anh chị mới đến trại phải không" Tôi tên là Phượng, làm thông dịch viên trên bệnh viện. Nếu các anh chị cần gì thì nói cho tôi hay nhé."
Và rồi Phượng giúp đỡ cho chúng tôi thật nhiều. Chị Quyết, mẹ bé Ti nói với tôi:
- "Em nhé, nói dùm cậu Phượng, mai lên Cao uỷ nói giúp chị về vụ giấy tờ bảo lãnh nhé."
Bác Lưu kế bên thì bảo:
- "Cô T. này, hôm nay tôi nhức đầu quá, lên nhà thương gặp cậu gì ấy từ bên Mỹ về nói giúp tôi, được thuốc tăng xông này cô ạ."
Dù nắng hay mưa, sáng trưa hay chiều tối, nếu chúng tôi cần là Phượng sẵn lòng giúp đỡ. Ngoài việc làm thông dịch viên, Phượng còn giao du, kết bạn bè với đám thanh niên cùng tuổi trong trại, giúp đỡ họ về cả vấn đề tài chánh nữa. Tôi còn nhớ, Phượng xin cha mẹ gởi thêm tiền qua trại tị nạn không phải cho mình mà để giúp đỡ những bạn bè không có thân nhân bên ngoại quốc.
Cơn nóng nhiệt đới đã dịu lại. Mùa hè đã qua đi. Rồi Phượng cũng phải thu xếp hành lý để về lại Hoa Kỳ, chuẩn bị vào học Y Khoa. Chúng tôi chia tay với Phượng trong nỗi bùi ngùi , cám ơn người bạn mới quen vài tháng mà như chừng rất đỗi thân thương.
Rồi đến lượt chúng tôi cũng rời trại tị nạn để định cư tại Hoa Kỳ.
Cuộc sống mới đầy những bận rộn và lo toan, chúng tôi mới thấy thấm thiá những bài học đầu tiên tại lớp CO bên trại Bataan. Chúng tôi cũng quay cuồng với những vật chất bon chen. Cùng lúc ấy, người thanh niên mang tên con gái kết bạn với chúng tôi ở trại tị nạn ấy đã trở thành người thầy giảng dạy tại một trường Y Khoa tại tiểu bang Ohio. Đang sống trong danh vọng vậy mà Phượng đã bỏ hết, bỏ lại chức tước, nhà của, xe đẹp bên Mỹ, để về lại Việt Nam, lái chiếc xe đạp mong manh để thăm khám các bệnh nhân nghèo không tiền bạc tại quê hương.
Cám ơn Phượng, cám ơn bạn đã lại cho tôi ý nghĩa của cuộc sống, không phải chỉ là vật chất bề ngoài.
NÀNG DÂU MỸ VỚI TẤM LÒNG VIỆT NAM
Hôm phát giải thưởng Viết Về Nước Mỹ vừa qua tại nhà hàng Sea Food World, tôi tình cờ gặp (nói đúng hơn là thấy) lại chị Anh Phưong, vợ của anh Thành. Định sẽ đến chào chị, hỏi thăm nhưng rồi thì đứa con nhỏ quấy ngủ, nên tôi cũng quên khuấy. Vài hôm sau, đọc bài chị viết trên nhật báo Viễn Đông về chuyến đi VN cùng với chồng con, tôi có ý định viết vài hàng về chị.
Cách đây sáu bảy năm, lúc ấy tôi đang làm trong một tổ hợp Y tế, gồm nhiều bác sĩ Việt Nam tại Bolsa, có một phụ nữ Mỹ, cao lớn dẫn đứa con trai khoảng bảy tám tuổi đến khám bệnh. Thấy bà ta là người Mỹ 100%, tôi bèn hỏi bệnh cháu bằng tiếng Mỹ, ngạc nhiên làm sao người phụ nữ ấy trả lời cho tôi bằng tiếng Việt thành thạo. Hình như đoán được ý nghĩ của tôi, bà ấy tươi cười giải thích "Chồng tôi, anh Thành là người Việt."
Lúc ấy tôi mới đến quận Cam để "lập nghiệp" nên không được biết vợ chồng anh chị khá nổi tiếng ở cộng đồng chúng ta. Họ không nổi tiếng về tiền bạc, giàu sang phú quý, mà về những công việc thiện nguyện. Hai ông bà cùng đến những trại tị nạn để giúp đỡ những người vượt biển, thoát chết để sống nơi trại tị nạn thiếu thốn về mọi mặt. Trại tị nạn giờ đã đóng cửa, hai ông bà vẫn tiếp tục những việc làm từ tâm của họ, họ là những thành viên của hội SAP, quyên góp giúp đỡ cho những trẻ em tàn tật, bị bỏ quên tại Việt Nam. Không những thế, ông bà Thành cũng truyền lại cho con cái tấm lòng tử tế ấy, những chuyến công tác thiện nguyện tại Việt Nam giờ còn có thêm sự cộng tác của cô con gái lớn của họ.
Dù xây chín bậc phù đồ, không bắng làm phúc cứu cho một người.
Bà Anh Phương không chỉ cứu một người, bà đã cứu nhiều người. Bà không kể ơn, nhưng tôi có lời cám ơn lòng nhân hậu của bà đến những người dân cực khổ cùng quê hương Việt Nam của ông nhà, của chúng tôi. Xin cám ơn!
TÌNH THƯƠNG KHÔNG BIÊN GIỚI
Anh Phượng lớn lên ở Mỹ nhưng vẫn không quên nguồn cội Việt Nam, chị Anh Phương người Mỹ nhưng thương yêu quê hương Việt Nam của chồng như chính quê hương của mình đã là những người đáng kính phục. Dưới đây, tôi xin được kể chuyện của một ông Mỹ da trắng mắt xanh mũi lỏ chẳng có dính dáng chút xíu gì đến Việt Nam mà vẫn có tấm lòng đến những người dân tàn phế, đau khổ ở trên quê hương tôi.
Thực tập nội trú bên Mỹ như có lần tôi đã than rất là cực, nhất là ở một nhà thương thí như Los Angeles General Hospital thì khỏi nói. Chúng tôi trực hai lần một tuần, mỗi lần kéo dài trên 35 tiếng không một phút chợp mắt, có khi đến bệnh viện lúc 6 giờ sáng, nhận bệnh, làm việc mãi đến 9 giờ tối hôm sau mới được về. Sau những ca trực, lái xe về ban đêm, tôi giật mình tỉnh thức thấy mình lái xe giữa hai lanes may chưa đụng và chưa bị đụng xe.
Nhà thương này thuộc loại lớn nhất trên thế giới, không phải về những nghiên cứu research, không phải về cơ sở building đồ sộ mà về số lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện mỗi ngày vì đây là nhà thương thí ở ngay thành phố lớn nhất nhì của Mỹ, chữa bệnh cho tất cả những ai, kể cả dân nhập cư lậu, không có bảo hiểm y tế.
Qua cửa ải nội trú (internship), tôi thở dài sung sướng, dù sao bước qua năm thứ hai là thường trú (resident) làm việc cũng dễ thở hơn một chút, và cảm thông với lớp đàn em mới tập làm bác sĩ.
Như đã nói nhà thương này khá lớn nên mỗi năm nhận thêm vài trăm sinh viên mới ra trường vào nội trú, trong số đó cũng có vài người Việt Nam. Những bữa ăn trưa, chúng tôi thường kiếm một bàn, ngồi chung với nhau, tha hồ tán dóc bằng tiếng Việt. Tụi bạn Mỹ thỉnh thoảng kéo đến ngồi chung, chẳng hiểu tụi tôi nói gì cả bèn bỏ đi. Thật lạ, có một anh Nội Trú người Mỹ, Douglas Brown, vẫn cứ ngồi chung với chúng tôi. Một hôm anh ta rủ chúng tôi đi xin xe lăn tay phế thải của bệnh viện. Tôi hỏi anh ta lấy xe đó về làm chi.
- "À, tôi xin về để sửa lại. Năm nay tôi định gởi về VN 100 cái, còn sang năm sẽ gởi cho Venezuela 100 cái. Mình vừa làm để giải trí mà người khác có xe lăn dùng cũng đỡ khổ."
Tôi bỗng thấy mắc cỡ làm sao.
Năm ngoái khi đang làm nội trú, tôi chỉ biết than van, trong khi bây giờ anh ta cũng làm nội trú, nhưng vẫn vui vẻ, tươi cười,có giờ rãnh lại lo kiếm việc giúp những người tàn tật, những người không cùng màu da, giòng máu với mình. Tôi bỗng nghiệm ra rằng, giá trị của con người không đong bằng tiền bạc, bằng cấp, nhà cao, cửa rộng, nó được đánh giá bằng những việc làm hữu ích mà họ đã mang lại cho người, cho đời.