Hôm nay,  

Tây Du: Từ Mount Rushmore Tới Yallowstone

07/11/201000:00:00(Xem: 173130)

Tây Du: Từ Mount Rushmore Tới Yallowstone

Tác giả: Hoàng Trần-Thanh Mai
Bài số 3035-28335-vb8110710


Hình bên: Đoàn du lịch trước công vào Mount Rushmore, khu di tích với công trình điều khắc khuôn mặt 4 Tổng Thống Hoa Kỳ  trên núi đá. Tiếp theo, ngọn núi sẽ thành tượng một chiến binh da đỏ đang phi ngựa tay chỉ thẳng về phía trướcù. Đó là bức tượng mô tả thủ lãnh Crazy Horse của bộ tộc Lakota vào thời người da đỏ chống lại người da trắng châu Âu trên đất này. Tượng chưa hoàn thành, chỉ mới xong khuôn mặt.

Ông bà Hoàng Trần-Thanh Mai, cư dân Minnesota, từng góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008. Bài mới nhất ký tên chung của chàng và nàng là một du ký đường bộ, từ Minnesota đi thăm Mount Rushmore và Yellowstone.

***

Dù đã cuối tháng 9, mùa du lịch đã chấm dứt đối với nhiều gia đình, nhưng chuyến đi thăm Mount Rushmore và Yellowstone của ba gia đình chúng tôi được quyết định và thực hiện một cách nhanh chóng trong một buổi ăn tối cuối tuần với nhau.
Anh chị Bích kể xong về chuyến đi Oregon của anh chị, rồi chép miệng:
- Năm nào cũng đi vài nơi, vậy mà Mt. Rushmore ở gần đây anh chị lại chưa đi được.
Chúng tôi cư ngụ ở Minnesota, cách tượng của 4 vị tổng thống này chừng 10 tiếng lái xe, vậy mà chưa ai trong chúng tôi đến đó bao giờ. Cả bốn người chúng tôi: anh Trân, chị Lan, ông xã tôi và tôi không hẹn nhau mà cùng nói một lúc:
- Em cũng vậy.
Anh Bích rủ:
- Vậy kỳ này mình cùng đi nghen.
Cả bốn cái đầu cùng gật, vậy là chuyến đi đã được quyết định. Anh Trân hỏi:
- Chừng nào mình đi"
 Anh Bích trả lời chắc nụi:
- Nếu mọi người đồng ý thì ngày 5 tháng 10. Hai tuần nữa.
Tôi bỗng cảm thấy hứng thú, lên tiếng:
- Nhân tiện mình đi thăm Yellowstone luôn nhen!
Nói xong tôi đưa mắt nhìn về phía ông xã. Mỗi lần nghe "nhân tiện" sau khi tôi nhờ một chuyện gì là khuôn mặt anh chàng trông khó coi hơn bình thường, nghe thêm vái cái nhân tiện nữa thì lại càng khó coi hơn! Nhưng lần này là một ngoại lệ, anh chàng thuyết với hai ông anh:
- Phải đó, lái xe 10 tiếng chỉ để nhìn 4 cái tượng không thôi thì hơi phí, mình tìm thêm vài điểm du lịch nữa. Yellowstone hình như là cách Mt. Rushmore chừng 8, 9 tiếng lái xe nữa mà thôi, nhưng em chỉ còn một tuần phép, không biết có đủ thì giờ để đi hay không"
Anh Trân lên tiếng :
- Đi chừng đó vừa rồi.
Anh Bích nhanh chóng phân công:
- Giao cho Hoàng lo tìm những điểm cần ghé thăm dọc theo đường đi đến Mount Rushmore và Yellowstone. Anh lo thuê xe.
Vậy là phân công lo cho chuyến đi được các quý ông bàn xong. Ba quí bà chúng tôi bắt đầu bàn đến chuyện ăn uống dọc đường. Chị Lan - vợ anh Trân nói với tôi và chị Oanh - vợ anh Bích:
- Chị Oanh và Thanh bàn thêm chuyện này, cần em làm gì thì gọi cho em biết. Bây giờ cũng đã trễ rồi, mình chấm dứt ở đây thôi.
Chúng tôi tạm chấm dứt câu chuyện để anh chị Trân còn lái xe một quãng khá xa về nhà.
 Mấy hôm sau, khi ông xã tôi bàn lộ trình đi với anh Bích, tôi và chị Oanh cũng thảo luận về chuyện của chúng tôi.
Tôi có cô em họ, mỗi lần gia đình đi nghỉ, cô đóng thùng nồi niêu gởi theo máy bay, mỗi khi đi chơi về lại nhà trọ, gia đình có cơm sốt canh dẻo như ở nhà, vừa đỡ tốn kém, vừa ngon miệng. Nhớ lại những chuyến đi trước đây, cứ sau mỗi lần bước từ tiệm ăn ra, ông xã tôi lại chép miệng, ước ao:
- Có được tô cơm nóng hổi ăn với nước mắm cũng hơn xa mấy cái Hamberger vừa rồi nhiều! 
Tôi biết, ông xã tôi còn xa mới được như người ta mô tả:
Chồng em chẳng thích ăn quà,
Đi đâu cũng phải về nhà ăn cơm.
Giữa một tô phở và một tô cơm, đương nhiên là chàng ăn phở. Chỉ là chúng tôi đều chưa quen với đồ ăn Mỹ mà thôi. Trong những chuyến đi chơi, đâu phải lúc nào cũng tìm được tiệm ăn Việt hay Tàu. Kể những chuyện này với chị Oanh xong, tôi quyết định:
- Mình đem theo nồi nấu cơm, cái bếp điện và cái chảo. Đi tới đâu có cơm nóng ăn tới đó.
Chị Oanh thêm:
- Chị sẽ đem theo bộ chén dĩa, dao, nĩa. Cũng gọn lắm, tất cả đều xếp gọn trong một cái xách mà thôi.
Cứ như thế, chị em tôi mỗi người thêm vào một món. Nếu có chị Lan nữa, đồ đạc chúng tôi mang theo có lẽ sẽ xếp thành một hòn núi cao như ông bà ta cả quyết "ba cây chụm lại thành hòn núi cao".
 Anh Bích đang bàn chuyến đi với Hoàng, chồng tôi, nhưng hình như một tai vẫn để nghe lóng mấy bà bàn tính. Ảnh kêu trời:
    - Trời ơi! Ăn cái gì cho đơn giản đi, chứ xe làm sao chở hết được.
Nghe anh Bích phản đối chuyện mang đồ nhà bếp theo, tôi và chị Bích hạ giọng thì thầm bàn nhau không cho ảnh nghe nữa. Nhưng hai tai của ảnh hoạt động độc lập, ảnh cứ một tai nghe Hoàng nói và một tai nghe chúng tôi mà kêu trời lia lịa.
Tôi chép ra ba bản phân công mỗi gia đình giao cho mỗi người. Ngày hôm sau anh Bích gọi phone:
- Cô Thanh ơi! Anh đề nghị là đi chơi thì ăn uống là chuyện phụ, gặp đâu ăn đấy, chứ đi chơi về mệt mà còn lay hoay lo cơm nước thì khổ lắm.
 Tôi nghe cũng có lý nên thôi dẹp ý định đem theo đồ nhà bếp. Thế là gọi điện báo cho gia đình anh Trân biết để đừng chuẩn bị như danh sách tôi đã đưa. Anh Trân cũng nói:
 - Anh chị cũng nghĩ vậy. Ăn gì cho đơn giản đừng mất thì giờ nấu nướng. Để chuẩn bị cho bữa đầu tiên mình nấu xôi đem theo ăn đi đường thôi. Để anh chị nấu xôi ngọt đem theo.
Mỗi gia đình đem một món, thêm một cái vali đồ đạc cho mỗi người, vậy là cái xe minivan cũng chật cứng. Anh Bích chọc tôi:
- Có thêm cái nhà bếp của mấy chị em đem theo thì để đâu nhỉ"

*
Từ nhà anh Trân, chúng tôi theo highway 169 South vào Freeway 90 West để đến điểm dừng chân đầu tiên là Falls Park thuộc thành phố Sioux Falls, tiểu bang South Dakota, cách điểm khởi hành chừng 4 giờ lái xe, vừa đúng giờ ăn trưa theo tính toán của Hoàng. Anh Bích cầm lái chặng đầu tiên này. Đi được một lúc, anh quay sang Hoàng:
- Tuần rồi mưa lớn, anh nghe nói đường 169 phải đóng 2 đoạn vì ngập lụt, em có kiểm tra xem đoạn mình đi qua có bị đóng hay không"
- Chưa, em nghĩ cứ theo dấu chỉ dẫn detour mà đi nếu bị đóng đường.
Tôi đang nghĩ tới một chuyện khá thú vị là vợ chồng tôi chơi với bạn vong niên nhiều hơn là bạn cùng lứa. Kỳ đi Florida hai năm trước, hai đứa tôi có đám bạn trẻ tuổi hơn nhiều nên mỗi khi động tay động chân định cùng làm một việc gì, liền được nhắc nhở ngay:
- Anh chị cứ để đó cho tụi em.
Rồi tới bữa ăn, khi đã dọn lên xong xuôi lại được mấy em mời mọc trước, cảm thấy mình "ngon" giữa đám bạn trẻ.
Lần này thì khác, bốn người bạn của chúng tôi lớn tuổi hơn hai đứa tôi, nếu lấy thời điểm anh Trân và chị Lan cưới nhau để làm chuẩn, anh Bích có thể xác nhận:
Ngày nhà em pháo nổ
Anh tay bế tay bồng.
Còn hai đứa tôi nếu có mặt tại thời điểm đó chắc là đang tranh nhau nhặt pháo lép của đám cưới. Cả bốn anh chị lại còn khỏe khoắn và xông xáo cho nên chúng tôi cũng được "cưng" ngay từ lúc mới bước chân lên xe, lại cũng thấy mình cũng "ngon" không kém gì lần trước. Biết Hoàng làm ca đêm, giờ này chắc là buồn ngủ theo quán tính hàng ngày, chị Lan quay ra sau:
- Em buồn ngủ thì ngủ một giấc cho khỏe.
Chúng tôi đang mê mải với lá vàng lá đỏ của mùa thu bên ngoài, còn trong lòng lại đang phấn khởi về chuyến đi thì làm sao mà ngủ cho được. Xe đi được nửa tiếng, anh Bích thông báo:
- Đường đóng rồi.
Theo chỉ dẫn Detour, chúng tôi rẽ vào một con đường nhỏ, chung quanh toàn là những cánh đồng bắp bạt ngàn đến cuối chân trời. Có lẽ mải mê ngắm, chúng tôi đã lạc mất dấu hiệu detour. Máy chỉ đường GPS được mở lên. Tôi vốn là người xác định phương hướng rất tệ, đi lạc là chuyện thường tình nên từ ngày có máy GPS chỉ đường, nó là vật bất ly thân của tôi, và tôi cũng tin tuyệt đối vào máy. Nhưng lần này tôi hơi hoảng khi máy chỉ từ con đường nhỏ này vào con đường khác nhỏ hơn, từ đường trải nhựa đến đường đất, rồi cuối cùng là trực chỉ vào một cánh rừng. Hoàng than:
- Trời đất! Toàn là đường không tên. Sao các vị thảo chương cho máy không bắc chước nhạc sĩ Vũ Thành An đạt tên Unknown road 1, Unknown road 2... để dễ theo dõi!
Nhưng đàng sau cánh rừng rậm rạp lại là lối vào highway 169 south. Bấy giờ thì ai nấy cũng thán phục cái máy GPS chớ không phải chỉ mình tôi.
Bắt đầu vào địa phận South Dakota, tôi chăm chú nhìn cảnh vật kỹ hơn, để coi thử có gì khác với Minnesota của chúng tôi. Ở đây đất đai có vẻ không được màu mỡ bằng vì có nhiều sỏi đá hơn chớ không phải toàn một màu đất đen mịn như những cánh đồng ở Minnesota. Nhiều vùng rộng lớn không trồng trọt gì, chỉ toàn là cỏ với những đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ. Chạy xe cả tiếng đồng hồ vẫn chẳng thấy một khu dân cư nào cả. Minnesota chúng tôi tuy là dân cư thưa thớt nhưng thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy  những thành phố nhỏ khi chạy xe trên đường. Coi lại sách vở mới biết  South Dakota với một diện tích khoảng bằng 2/3 diện tích Việt Nam mà chỉ có khoảng 800 ngàn dân, nghĩa là chưa bằng một thành phố Đà Nẵng thì làm sao mà không thưa thớt cho được. Minnesota có diện tích lớn hơn Dakota chút đỉnh nhưng có đến 5.2 triệu dân thì rõ ràng là đông vui hơn nhiều!
Chúng tôi đến Falls Park đúng giờ ăn trưa như dự tính. Đây là cái Park nổi tiếng nhất trong số 50 park của thành phố Sioux Falls. Park nằm ngay phía Bắc của trung tâm thành phố, cho nên khi chạy ngang qua các đường phố chúng tôi có nhìn thấy một chợ thực phẩm Á Châu và một tiệm ăn Việt Nam. Xôi, chè mang theo cần được thanh toán bớt cho rộng xe, chúng tôi đến ngay Falls Park để ăn uống.
No bụng xong, chúng tôi được ngắm no mắt những thác nước mềm mại và duyên dáng lại có tuổi đến...14 ngàn năm, được thành lập từ cuối thời đại băng hà. Những khối đá lớn bị nước bào mòn nhẵn nhụi và được sắp xếp rất đẹp như là có bàn tay của con người can thiệp vào. Cảnh đẹp, người...đẹp... Chúng tôi chụp nhiều hình và còn quay phim để làm kỷ niệm.
Sau hai giờ ở Falls Park, chúng tôi tiếp tục freeway 90 West. Địa điểm dừng chân thứ nhì theo dự định là Badlands National park - cách Falls Park 4 giờ lái xe- vừa đúng bữa ăn chiều.

*
Ngay khi anh Trân dừng xe ở cổng để mua vé vào cửa, chúng tôi đã mê mẩn với cảnh trí của Badlands.
Từ xa xa, tầng tầng lớp lớp những núi đá đủ hình dạng đập vào mắt chúng tôi, tha hồ mà để trí tưởng tượng làm việc. Nếu như tôi là người đầu tiên đặt chân tới đây, có lẽ vùng này sẽ mang tên Beautifullands. Tiếc thay những người thổ dân xa xưa đã không trồng trọt được gì trên vùng đất giống như đất mặt trăng này nên họ mới đặt tên như vậy, và những người Pháp đầu tiên đến đây, do đi lại khó khăn cũng đặt tên như thế. Hai tư tưởng tiêu cực gặp nhau nên kẻ sinh sau đẻ muộn như tôi đành chấp nhận cái tên đã có!
Các dãy núi ở đây là một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại được tạo hóa tạo nên có lịch sử hơn 35 triệu năm và vẫn còn đang trong tiến trình bào mòn bằng gió và cát. Khung cảnh thiên nhiên thật tráng lệ, hùng vĩ và hoang sơ... Nghe nói nếu được chiêm ngưỡng vào lúc bình minh hay hoàng hôn thì các màu sắc ánh sáng tím, đỏ, hồng sẽ càng làm tăng thêm vẻ đẹp của nó. Dĩ nhiên mọi người đua nhau chụp hình.  Anh Bích có máy chụp hình tốt và thích chụp nên chị Bích và tôi được dịp làm người mẫu, cứ mỗi lần ảnh đưa máy lên nhá là hai chị em...nhe răng cười.
Cảnh đẹp mê hồn nên sau khi chụp hình và ngắm nghía chán chê mới nhớ ra là cần restroom để giải quyết bầu tâm sự và khách sạn để nghỉ. Tìm đến được Information center thì đã đóng cửa vì quá 5 giờ chiều rồi. Mọi người quyết định lái xe đi tiếp để tìm chỗ nghỉ và ăn uống. Tôi tiếc quá, cứ thích ngủ đêm ở đây để được chiêm ngưỡng khung cảnh đầy vẻ hoang liêu, cô tịch và hùng vĩ này. Mọi người an ủi:
- Khi nào về nếu trở lại bằng con đường này thì sẽ nghỉ đêm ở đây.
Biết là đi rồi khó có dịp trở lại nên thấy bâng khuâng.
Mount Rushmore thuộc thành phố Keystone, còn cách Badlands không xa. Trời vẫn còn sớm nên chúng tôi quyết định chạy thẳng đến Keystone tìm khách sạn rồi ăn chiều luôn. Trên đường đi, những cảm nghĩ về Badlands vẫn được nhắc đến:
- Trông giống những lâu đài, thành quách thời Trung Cổ quá!
- Có vẻ giống như những thành phố bị hóa đá trong chuyện cổ tích vì một lời nguyền.
- Có thể là một đáy biển được một sức mạnh thần bí nâng lên cao một cách từ từ, vì có dấu tích của mực nước biển trên các vách núi ghi dấu mỗi lầân nâng.
- Yên tĩnh và thần bí quá, một khung cảnh thích hợp để mà suy gẫm và tu hành. Giá mà vùng này nằm bên xứ mình chắc thế nào mỗi hốc núi, mỗi hang động cũng có một ông đạo chớ chẳng chơi.
Những bình luận như vậy cứ tiếp tục cho đến khi chúng tôi rẽ vào Keystone, lúc này phải yên lặng để tài xế nghe chỉ dẫn của máy chỉ đường. Mọi người bắt đầu thấy mệt mỏi và đói bụng.

*
Chúng tôi không đặt chỗ khách sạn trước vì nghĩ không biết mình sẽ la cà ở đâu lâu hơn, cứ chỗ nào ưng ý thì ở lâu, không thích thì dzọt lẹ.  Mùa này không phải là mùa du lịch, hy vọng sẽ tìm được chỗ nghỉ dễ dàng.
Đúng như dự đoán, tại downtown thành phố Keyston chúng tôi tìm được phòng dễ dàng với giá rẻ, phòng 2 giường full size với giá $60 một đêm. Hơi  phí ba cái giường trống!
Tắm táp xong, tôi chuẩn bị bữa tối, mời các anh chị sang phòng cùng ăn.
Chị Bích thấy chị Trân và tôi mệt mỏi nên tặng mỗi nàng một viên...linh chi mà chị cho là thần dược. Chị bảo uống thuốc này là bà uống thì ông...mê. Để thử coi.
Buổi tối đó lạ giường, tôi  chỉ ngủ được vài ba tiếng. Còn Hoàng thì quen làm đêm nên mới 3 giờ sáng đã thức dậy. Hai đứa nằm tán dóc một lúc rồi lục đục dậy pha cà phê, lo bữa ăn sáng cho mọi người. Vẫn còn sớm, copy hình chụp hôm qua vào máy tính, chúng tôi cùng coi lại.
Trong bữa sáng, anh  Bích chọc:
- Cô chú làm gì mà nghe tiếng lịch kịch suốt đêm vậy"
Hoàng cười cười:
- Đêm xuân một khắc ngàn vàng! Tụi em đào vàng đó!
Trời vào thu đã hơn hai tuần nay rồi! Tuổi của chúng tôi cũng không còn được coi là tuổi xuân từ lâu, kiếm được một chỉ cũng đã là quí rồi, hai chỉ là một ngoại lệ hiếm hoi, lấy đâu ra ngàn vàng.
Mọi người ăn sáng qua loa thanh toán cho xong mớ xôi ế rồi lên xe trực chỉ đi thăm tượng mấy ông tổng thống. Quán trọ chỉ cách nơi đó hai dặm. Thời tiết mát mẻ. Đường đi hai bên cây xanh rất đẹp. Gần đến nơi đã thấy thấp thoáng ngọn núi với 4 khuôn mặt của các vị tổng thống. Có một bãi đậu xe nhỏ dọc đường nơi có thể nhìn thấy rõ ngọn núi để du khách có thể dừng xe tạm mà chiêm ngưỡng và chụp hình nhưng vì xe chạy lố nên chúng tôi chạy tiếp đến hẳn cổng vào Mount Rushmore National Memorial.
Sáu người chúng tôi mua vé $15 cho cả xe rồi chạy xe vào khu parking bên trong. Chỉ đi bộ ra một tí là có thể chụp hình cổng chào của khu du lịch nổi tiếng này. Lại chụp hình đủ kiểu, mỗi gia đình một máy ảnh chụp cho nhau nên cuối cùng có đến 3 bộ ảnh giống nhau.
Mount Rushmore National Memorial là một tác phẩm điêu khắc vào núi ở South Dakota do ông Gutzon Borglum và con trai là Lincoln Borglum xây dựng. Tác phẩm được điêu khắc trên núi đá là chân dung của 4 vị tổng thống Mỹ - Tổng thống George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt và Abraham Lincoln. Cảnh trí hùng vĩ này thu hút khoảng 2 triệu khách du lịch mỗi năm.
Hôm qua được chiêm ngưỡng những công trình tuyệt mỹ của thiên nhiên qua hàng vạn, hàng triệu năm tôi chợt thấy thân phận con người sao mà tạm bợ, nhỏ nhoi và yếu đuối quá. Tối về khách sạn nhận được tin một người bạn thân từ thời học sinh theo thiền mấy năm nay, bây giờ có dự định xuất gia, tôi đã không khỏi có nhiều suy gẫm về cuộc đời. Sáng nay, nhìn chân dung bốn vị tổng thống uy nghi trên đỉnh núi tôi chợt thấy lòng hãnh diện về sức mạnh ý chí và trí tuệ của con người. Cuộc đời trăm năm của ta tuy có ngắn ngủi thật nhưng đâu phải là vô nghĩa. Lòng tham của ta cũng không phải là một cái gì hoàn toàn tệ hại cần phải triệt tiêu, chẳng hạn như là cái công trình tuyệt mỹ đứng sừng sững trên đĩnh núi kia là một tham vọng muốn thách đố với thiên nhiên. Rồi đây, với thời gian tồn tại lâu hơn, những công trình to lớn và hoàn chỉnh hơn sẽ vượt hẳn sức mạnh của thiên nhiên. Tôi chợt thấy mình yêu đời, thỏa mãn được làm người với đầy đủ sướng, khổ, vui, buồn.
Chúng tôi hỏi thăm nghe nói ban đêm ở đây sẽ đốt đèn từ 8 giờ cho đến 10 giờ tối nên hẹn nhau tới tối sẽ trở lại vì nghe bạn bè nói ban đêm các bức tượng có vẻ đẹp khác hẳn dưới ánh đèn. Vé mua vào cửa có thể dùng cho suốt cả ngày.

*
Theo chương trình, chúng tôi sẽ đến thăm Custer State Park theo đường Iron Mountain Road. Đó là đoạn đường dài 17 dậm nối liền Mt. Rushmore và Custer State Park đi qua những điểm đẹp nhất của vùng này. Trên đường chúng tôi cũng sẽ được ngắm những động vật hoang dã như hươu, nai, dê núi, gà rừng, bò rừng...
Theo lý thuyết thì đoạn đường rất đẹp nếu đi vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối và đó cũng là thời điểm gặp được nhiều động vật hoang dã hơn. Chúng tôi đi vào lúc gần trưa nên không gặp được thú vật nhưng cảnh trí hai bên đường đi cũng rất hấp dẫn. Một bên là triền núi với những rừng thông cao vút, phía bên kia là vực sâu nổi lên những đồi đá xen kẽ trong rừng thông bạt ngàn. Màu xanh cây cối nhìn đến mút tầm mắt, nên phía xa trông giống như  biển. Có một khoảng rừng bỗng như bị cắt rời và ở chỗ này có thể nhìn được bốn bức tượng tổng thống ở Mount Rushmore. Con đường hai chiều nhưng hẹp, mỗi bên chỉ có một lane đường và nhiều đoạn quẹo rất gắt. Nhưng ở những chỗ đáng dừng lại để ngắm cảnh đều có đường rẽ để có thể đậu xe lại. Ông xã tôi đang cầm lái đoạn đường này, có lẽ phải chú ý quan sát đường đi nên không được ngắm cảnh, tôi nghe anh đề nghị:
- Quí vị có muốn dừng xe lại đây ngắm một tí không"
Từ sáng đến giờ đã dạo nhiều ở Mt. Rushmore nên mọi người có vẻ thấm mệt, không thấy ai hưởng ứng. Chị Lan nói:
- Xuống lỡ gặp một con bò rừng thì hết đường chạy.
Tôi nói:
- Nếu gặp con bò rừng, đừng để cho nó rượt mình, phải rượt nó trước. Nó cũng sợ mình chớ bộ, mình hùng hổ lên có khi nó hoảng vía mà bỏ chạy trước.
Nghe tiếng cười rộ của anh Trân phía trước, có vẻ như ảnh không tin cái lý thuyết "tiên hạ thủ vi cường" của tôi. Tôi giải thích liền:
- Kinh nghiệm đó anh. Hồi nhỏ, con gái ai mà không sợ những con sâu, con bọ. Nhưng em không để cho tụi bạn biết mình cũng sợ sâu. Em dùng que gắp những con vật này để hù tụi nó trước làm tụi nó sợ chạy có cờ. Vậy là chẳng còn ai hù nhát em được.
- Không phải, anh cười là cười chị Bích cho em uống linh chi tối qua làm gì không biết, để giờ này sung sức đến độ đòi rượt cả bò rừng.
Anh Bích quay sang chọc tiếp ông xã tôi:
- Làm chú bò nhà sợ xanh mặt rồi đây, coi chừng lạc tay lái!
Anh chàng nhà tôi chống đỡ:
- "...Nhưng không chết chàng trai khói lửa, mà chết người gái nhỏ miền xuôi".
Nhưng đi gần hết đọn đường mà chẳng thấy con thú hoang nào, có lẽ giờ này chúng cũng trốn vào bóng râm mà tâm tình với nhau cả rồi. Anh Bích đề nghị:
- Có lẽ cũng không có gì thêm ở Custer State Park, mình nên đi Rapid City ăn trưa rồi chiều đi tiếp Crazy Horse Memorial.
Mọi người đồng ý, tuy vậy khi xe chạy ngang cổng vào Custer State Park chúng tôi cũng dừng lại chụp vài tấm hình.
Anh Bích rủ đi Rapid City là để chúng tôi gặp một anh bạn người Việt của anh là anh Nguyễn văn An đã thành công vì mở nhiều tiệm ăn... Mongorian Drills ở nhiều thành phố khác nhau. Tuần trước ông chủ tiệm này đến Minnesota để lo cho cái tiệm ở thành phố Makanto, giờ này anh đang trên đường từ Makanto đến một tiệm khác ở Rapid City thộc tiểu bang South Dakota, cách khách sạn chúng tôi ở khoảng 1 giờ lái xe. Tôi đã đọc một bài viết về những quán ăn đặc biệt này và sự thành công của anh An trong mục Viết về Nước Mỹ của Việt báo từ năm 2009 nên rất tò mò muốn biết về chuyện của nhân vật này. Tôi đã tìm và in ra bài viết về anh đọc trên xe cho mọi người nghe để biết thêm về anh trước khi tao ngộ. Đó là bài "13 tiệm Mongorian, chủ Việt" của tác giả Đỗ Tiến Bình Minh.


Đường sá vắng vẻ, xe cộ thưa thớt. Không biết có phải vì vậy mà tốc độ giới hạn trên đường rất cao, ngay cả trên những đoạn ngoằn nghoèo cũng cho chạy đến 65 dặm một giờ. Cách xây dựng của một vài phố nhỏ trên đường đi làm tôi liên tưởng tới những cảnh trong phim ảnh cao bồi. Không còn những anh chàng cao bồi phi ngựa bắn súng, không còn những toán quân da đỏ mình đầy cung tên trong những cánh rừng, mà chỉ còn lại những đàn bò yên bình gặm cỏù.
Xe ra khỏi Freway 90, bắt đầu vào thành phố Rapid City. Hơn 1 giờ trưa chúng tôi mới đến tiệm Mongorian Drill. Anh An chưa kịp tới, nhưng anh đã dặn các nhân viên ở đây đón tiếp chúng tôi. Tiệm ăn rất rộng và khang trang, có thể chứa đến 300 khách. Vì là ngày thường và không phải mùa du lịch nên tiệm hơi vắng. Chúng tôi lấy tô, tự đi lấy thức ăn bỏ vào tô đưa đến người đầu bếp xào nấu trên một vỉ lớn trông giống như một cái bàn tròn, đầu bếp dùng một cái que dài đảo thức ăn trên đó cho đến khi chín rồi đùa vào tô đưa lại cho khách. Khi đông khách, bốn người đầu bếp nấu trên cái vỉ này cùng lúc. Cái vỉ xoay tròn, họ xoay theo và lùa phần thức ăn đang nấu đi theo, có lẽ vẫn còn đủ chỗ thêm cho vài đầu bếp nữa cùng nấu nếu đông khách nên khách ăn không phải chờ lâu. Chúng tôi ai cũng lần đầu ăn món này nên hơi "lúa", lấy không đúng mì và bỏ nước sauce hơi mặn.  Đến khi anh An đến, thấy chúng tôi ăn uống uể oải nên bảo chúng tôi đi đổi tô khác, chọn đúng loại mì ngon và bỏ cho đúng nước sauce.
Chủ khách giới thiệu nhau xong vừa ăn uống vừa nói chuyện rôm rả. Anh An rất nhiệt tình và ăn nói có duyên. Anh kể sơ về cuộc đời ngày xưa còn trong nước sau ngày đổi chế độ. Rồi anh kể về cơ hội làm sao gây dựng tiệm ăn này. Giọng nói Qui Nhơn của anh rất mộc mạc, chân thật và đáng mến.
Không để khách trả tiền, anh còn nhiệt tình mời chúng tôi buổi chiều trở lại tiệm ăn gặp gỡ lần nữa. Nhưng lộ trình của chúng tôi dự định sẽ tiếp tục đi thăm khu du lịch Crazy Horse không tiện quay lại nên bắt tay từ biệt anh luôn.
*
Xe chạy hơn nửa tiếng thì đến khu du lịch Crazy Horse Memorial. Đây là khu di tích của người da đỏ gồm có bức tượng một chiến binh da đỏ đang phi ngựa tay chỉ thẳng về phía trước được khắc vào núi đá. Đó là bức tượng mô tả thủ lãnh Crazy Horse của bộ tộc Lakota vào thời người da đỏ chống lại người da trắng châu Âu trên đất này. Tượng chưa hoàn thành, chỉ mới xong khuôn mặt. Khi hoàn thành bức tượng này sẽ còn to hơn bốn bức tượng tổng thống ở Mount Rushmore cách đó 17 dặm. Ngoài ra trong khu này còn có Indian Museum of North America, và Native American Cultural Center.
Bộ tộc này không muốn dùng kinh phí giúp đỡ từ chính phủ mà tự đi quyên góp, kinh doanh, bán vé tham quan và quà lưu niệm để xây dựng cho tượng vị thủ lĩnh da đỏ này, cho nên vé vào cổng ở đây hơi mắc hơn những nơi khác - $ 27 cho một xe.
Anh Trân nhận xét:
- Mới thấy người da đỏ còn chia rẽ, chưa thống nhất. Chứ các casino ở những vùng đất da đỏ như Mystic Lake ở Minnesota mà chi tiền ra thì công trình đã xong từ lâu.
Tôi ngắm nghía bức tượng bằng thạch cao trắng của Crazy Horse mô phỏng mà ngọn núi sẽ được khắc theo, công nhận quá đẹp. Người da đỏ có khác - mũi khoằm chim ưng, tướng khỏe mạnh ngạo nghễ, ngang tàng và man dại trên lưng ngựa. Ngọn núi này mà được hoàn thành chắc phải đẹp vô cùng.
Chúng tôi lại thay nhau chụp hình lưu niệm, quay phim và mua kỷ vật ở Museum và Cultural Center. Về lại nhà trọ thì trời đã nhá nhem tối. Lần này thanh toán cho xong xôi lạp xưởng và xôi sầu riêng, mọi người tắm rửa nghỉ ngơi rồi đi đến Mount Rushmore một lần nữa để thăm mấy ông tổng thống.
Đèn đã thắp sáng mấy chân dung trên núi. Khách du lịch không bao nhiêu. Chị Bích tìm được cột cờ của Minnesota rồi cả bọn thay nhau kéo tới chụp hình với cái...cột có khắc tiểu bang Minnesota là tiểu bang thứ 32 của Hoa Kỳ đã gia nhập vào liên bang từ năm 1883. Đi tới nơi xa mà gặp người từ Minnesota hoặc gặp cái cột này cứ thấy như gặp được người thân, mừng và cảm động lắm.
Chúng tôi về phòng đi ngủ sớm để mai còn đi một chuyến dài tới Yellow Stones.

*
Ăn sáng qua quít xong xuôi, trả phòng rồi chất hành lý lên xe, chúng tôi theo máy chỉ đường đi Yellowstone, lại trở ra Rapid City, theo Freeway 90 west chạy một mạch đến trưa thì tới một vùng  vắng vẻ. Máy chỉ đường bảo ra exit,  đường này nhỏ, chỉ có một lane đường lại đi thẳng vào núi làm ai cũng tưởng lạc đường, nhưng nhìn lại thì đúng là Highway 14 vậy là đúng đường đi Wyoming. Chạy độ nửa giờ, xe bắt đầu lên đèo, càng lúc càng cao, càng lúc càng khó đi. Khung cảnh hùng vĩ và đẹp lạ lùng nhưng thấy cứ lên hoài tôi đâm ra ngao ngán, than:
- Lâu quá mà chưa hết đoạn lên đèo, còn đoạn xuống nữa không biết chừng nào mới qua khỏi cái đèo này.
Hoàng trả lời tôi:
- Có lẽ sẽ không có đoạn xuống đâu!
Tôi triết lý:
- Cái gì có lên lại chẳng có xuống cơ chứ.
Hình như đã chuẩn bị bài cho chuyến đi khá kỹ, anh chàng giải thích:
- Hai phần ba tiểu bang Wyoming là phần phía đông của dãy núi Rocky Moutain, một phần ba còn lại là vùng cao nguyên gồm toàn đồng cỏ, như vậy là mình chỉ có lên mà thôi. Wyoming là tiểu bang có diện tích lớn thứ 10 trong 50 tiểu bang, lớn hơn South Dakota và Minnesota nhưng chỉ có 550 ngàn dân, còn ít hơn South Dakota. Như vậy không biết mình có nhanh chóng tìm được một tiệm ăn kha khá có món soup trong vùng dân cư thưa thớt này hay không, đói quá rồi.
Khi lên gần hết đèo, có một đoạn rất đẹp. Một bên là vách núi đá dựng đứng, bên kia là vực sâu hun hút được bao phủ với lá vàng mùa thu chen lẫn với màu lá thông xanh. Xa nữa là vùng đồng cỏ của miền đồng bằng mà chúng tôi vừa mới đi qua. Anh Bích cũng cho xe dừng lại, chúng tôi ra ngắm cảnh và chụp hình rồi mới đi tiếp.
Lúc này đổi qua anh Trân cầm lái, anh hăng hái cất giọng:
- Đèo cao, dzô ta...cứ mặc đèo cao, dzô ta...
Chúng tôi cũng thấy hăng theo, cùng hòa giọng. Cảm thấy trẻ ra như thời còn đi học được đi cắm trại.
Hết đèo, chạy vài chục dậm nữa trên đường vắng vẻ, cuối cùng chúng tôi cũng đến một thành phố, đó là thành phố Greybull. Ghé vào cây xăng ăn trưa tạm rồi tiếp tục theo highway 14 đi tới Cody.
Thành phố Cody chỉ còn cách cổng phía đông của Yellowstone National park khoảng 50 dặm. Ở Cody chúng tôi mừng quá cỡ khi bắt gặp một tiệm Walmart nằm bên lề của Highway 14. Hoàng hí hửng bê ngay hai thùng mì như là được nhận phần thưởng cuối năm hồi đi học.
*
Đến cổng phía đông của Yellowstone khoảng 4 giờ chiều, cả xe mua vé vào cửa chỉ có 10 đô dành cho senior citizen nhờ thẻ của anh Bích. Đây lại là vé xài vĩnh viễn, tôi nghĩ thầm:
- Người trẻ chắc gì đã leo đèo trèo núi lần thứ hai để đi thăm lại Yellowstone thì nói gì đến người già. Chắc cái vé này có tác dụng như một lời chúc sức khỏe cho các vị cao niên - Còn khỏe xin các vị cứ đến đây chơi, chúng tôi luôn luôn hoan nghênh và miễn phí cho quí vị!
Tưởng rằng đến đây là đã tới nơi vì tôi không hình dung cái park có diện tích gần 9 ngàn km2 này là rộng đến cỡ nào, đến khi nhìn vào bản đồ chỉ đường mới thấy khớp.
Yellowstone ngoài phần lớn thuộc Wyoming còn kéo dài đến một phần của tiểu bang Montana và Idaho nữa. Từ cổng vào này đến khu Old Faithful là khu vực mà chúng tôi định viếng thăm trước tiên cũng phải đến gần 50 dặm. Khi được biết nó còn rộng hơn tiểu bang Rhode Island tôi thật sự khớp.
Đoạn đường 50 dặm đầu tiên của Yellowstone mà chúng tôi đi qua ngoài rừng thông xanh tốt còn có hồ Yellowstone trải rộng bên dưới. Hồ rất rộng, nhìn trong bản đồ thấy nó ở độ cao khoảng 2,400mm so với mặt nước biển. Cảnh non xanh nước biếc với ánh nắng rạng ngời lấp lánh trên mặt nước thật quá tuyệt vời. Xa xa là hơi nước trắng xóa từ các suối ngầm phun lên quyện vào cây cối của rừng núi. Xa nữa là các đỉnh núi cao tuyết phủ làm cảnh trí như là cảnh thần tiên trong chuyện cổ tích.
Qua khỏi cảnh đẹp là đến đoạn rừng bị cháy do các trận cháy rừng trước đây. Tôi cảm thấy ghê ghê, lỡ như có hỏa hoạn nữa không biết chạy đi đâu. Những thú hoang mà chúng tôi mất công chạy lòng vòng ở Custer State Park vẫn không nhìn thấy bây giờ lại thấy ngay trên đường đi. Đầu tiên là một đàn bò rừng, lát sau là một con thú lớn mang trên đầu cái sừng có nhiều nhánh giống như những cành cây đã rụng hết lá vào cuối mùa thu. Nhiều du khách dừng xe lại để chụp hình những thú vật hoang dã này. Ba ông tướng của chúng tôi cũng xuống xe để chụp. Tôi dí mắt vào cửa kính xe tò mò hỏi:
- Con gì mà họ chụp hình dữ vậy"
Chị Lan nhanh nhẩu:
- Chắc là con dê núi chúa.
Chị Oanh phá ra cười:
- Trên xe mình cũng có mấy con dê chúa rồi mà còn đi đâu chụp vậy không biết.
Tôi nói:
- Chắc họ đến chào sư phụ!
Khi đến được Old Faithful thì trời đã chạng vạng tối. Nhưng ở đây khách du lịch vẫn còn đông nghẹt, ra vô tấp nập. Parking đầy xe. Anh Bích và Hoàng vào hỏi thuê phòng nhưng mới một tí sau anh Bích ỉu xìu đi ra thông báo:
- Họ bảo chỉ còn 1 phòng 2 giường ngủ. Đang còn lưỡng lự chưa quyết định thì có tay bên cạnh dành mất.
 Chúng tôi tính toán:
- Mình đi chỗ khác kiếm nữa. Nếu kẹt quá thì thuê một phòng 3 cặp ở chung cũng được.
 Chạy xe đi vòng vòng khu gần đó tìm chỗ nhưng có nhiều chỗ đã bị season closed vì hết mùa du lịch.
Chúng tôi chạy xe qua hướng khác, dọc đường gặp một đám bò rừng đang gặm cỏ. Thế là dừng xe lại, quay phim, bấm máy ảnh lia lịa. Đám bò cứ thong dong tà tà gặm cỏ, có vẻ đã quen lắm với cảnh con người xí xọn tò mò này.
Cuối cùng cũng tìm được một khách sạn khác và thuê được một cabin sót lại với 2 giường ngủ cho 3 cặp. Như vậy là đi chơi Yellowstone nên đặt trước khách sạn vì du khách ở đây luôn luôn đông. Nghe nói từ năm 1960 đến nay, chẳng năm nào ít hơn 2 triệu du khách. Tháng 7 vừa rồi con số khách kỷ lục là 975 ngàn người, không chuẩn bị trước là không ổn. Chúng tôi kiếm được một phòng cũng là hên rồi.
Có lẽ ở chung phòng, một người thức dậy sớm lục đục là tất cả lần lượt dậy theo nên trời bình minh vẫn còn mờ mịt mà tất cả chúng tôi đã có mặt ở suối phun nổi tiếng Old Faithful rồi.
Old Faithful nổi tiếng vì nó phun nước rất đúng hẹn, trung bình 90 phút là phun nước một lần, sai số không đến 10 phút. Các suối khác vô chừng, có cái mỗi năm trung bình chỉ phun hai lần. Chúng tôi gặp hên, vừa đến nơi đã được Old Faithful chào đón liền. Tất cả mọi người đều có ảnh tươi cười trước cột nước đang phun cao đến 60 thước, tuy là ảnh hơi tối vì thiếu ánh sáng. Trời u ám và lạnh chớ không nắng ấm như những ngày trước ở South Dakota nên xem xong Old Faithful chúng tôi vào cửa hàng lưu niệm mua sắm và nghỉ ngơi cho ấm áp trước khi đi xem tiếp các suối phun khác trong vùng.
Thấy các suối phun và các vũng nước sôi sục, tôi bỗng dưng thèm có trứng luộc chấm muối tiêu. Kỳ sau nếu đi thăm chỗ này lần nữa, tôi sẽ nhớ đem theo một cây vợt cán dài và vài vỉ trứng gà. Sỡ dĩ phải đem vợt cán dài để nhúng trứng vào hố nước nóng vì du khách bị cấm không được đến gần các suối phun có thể bị sụp xuống hố thình lình. Nghe nói trước đây đã có 1 du khách bị chết vì sụp xuống sình lầy.
Xem được hơn chục suối phun, chúng tôi về lại khách sạn ăn trưa và trả phòng. Không biết nếu xem hết cả 300 suối phun lớn nhỏ của Yellowstone phải mất bao lâu!
Chúng tôi trực chỉ cổng phía bắc để đi thăm Mammoth Hot Springs. Đường đi một bên là rừng thông, một bên là con sông Yellowstone. Hết rừng lại đến những đồng cỏ vàng rực, những núi đá lởm chởm như những trận đồ mô tả trong truyện kiếm hiệp. Hơn một giờ thì đến nơi. Rút kinh nghiệm về chuyện chỗ ở, chúng tôi đến ngay khách sạn Mammoth, còn được 2 phòng nhưng giá mắc quá, hỏi thăm mới biết là đi thêm 5 dặm nữa, ra khỏi cổng vào phía bắc là thành phố nhỏ Gardiner thuộc tiểu bang Montana có rất nhiều nhà trọ giá rẻ. Ở đấy, chúng tôi dễ dàng thuê được 3 phòng rồi quay lại Mammoth hot springs. Khi quay vào, chúng tôi có dừng lại chụp hình kỷ niệm Roosevelt Arch là cổng vào phía bắc của Yellowstone được tổng thống Theodore Roosevelt khánh thành ngày 24/4/1903.
Ngọn đồi lớn gọi là Mammoth có được là do những dòng nước nóng từ trong lòng đất tạo thành các suối nước nóng. Nước suối nguội dần và Carbonat calci tích tụ qua hàng ngàn năm tạo nên đồi Mammoth. Chính vì vậy mà ngọn đồi đá này trông sinh động như những thác nước đang chảy, những hồ nước đang gợn sóng lăn tăn, lại có đủ màu sắc từ trắng, xám, vàng, hồng, nâu... Đi từ bãi đậu xe đến đỉnh đồi cũng phải vài dặm. Từ trên đồi nhìn xuống thành phố Gardiner nhỏ xíu như một mô hình. Mãi mê đến nỗi quên cả trời đất nên chúng tôi bị mắc mưa lúc đi xuống.
Sáng hôm sau, chúng tôi dự định đi thăm hai nơi nữa là Grand Canyon of Yellowstone và Mud Vocano. Tại Grand Canyon of Yellowstone chúng tôi đến điểm ngắm đầu tiên là Artist point. Nội cái tên hấp dẫn này cũng đủ gây tò mò. Không biết nhìn từ điểm này cảnh trí có đẹp hơn nơi khác hay không mà du khách khá đông. Ở cái bệ xi măng xây lồi ra ngoài, cả hàng máy chụp hình đặt sẵn trên giá, các chủ nhân đứng sau quay hết góc này đến góc khác ngắm nghía, chắc họ là nghệ sĩ đi săn ảnh nghệ thuật.
Điểm ngắm thứ nhì là Upper falls Viewpoint tôi thấy cảnh trí cũng đẹp và hùng vĩ đâu có thua gì Artist viewpoint. Cũng một thác nước cao từ lưng chừng của độ cao 900 feet đổ ào ào xuống, hai vách núi dựng đứng cách nhau khoảng nửa dậm. Nhìn thấy Grand Canyon tự nhiên tôi nghĩ ngay đến các nhân vật trong truyện kiếm hiệp trong lúc cùng đường bị rớt xuống vực rồi gặp bí kiếp võ công thượng thừa được chôn dấu trong hang sâu và luyện thành tuyệt kỹ. Trong truyện thì vậy chứ bây giờ mà lỡ rớt xuống tan xương nát thịt là cái chắc.
Từ Grand Canyon of Yellowstone đi tiếp 10 dặm về phía nam, chúng tôi đến Mud Vocano. Được biết là từ này không chính xác theo định nghĩa của nó vì bùn ở đây được tạo thành từ các suối nước nóng chớ không phải từ núi lửa. Từ xa chúng tôi đã thấy nhiều cột khói trắng của hơi nước bốc lên trong không khí. Nhiều khoảng rừng bị cháy từ các lần cháy rừng trước đây nên nhìn cảnh này trông như là cảnh người ta đốt than trong rừng. Đến gần thì ngửi được mùi khí lưu huỳnh nồng nặc. Trước mặt bãi đậu xe là một cái ao bùn đang bốc hơi nước nóng, sình trong đó đang sôi lên trông giống như một nồi cơm gần cạn nước, vậy mà lác đác những bụi cỏ trong đó có màu xanh rì đầy sức sống, ngay bên cạnh lại có những bụi cỏ khác vàng óng hoặc nâu sậm mới là lạ!
Cái hang bùn đầu tiên chúng tôi đến có tên là Dragon mouth, có lẽ do một du khách Á Châu nào đó đặt tên. Bùn đang sôi sùng sục trong hang, hơi nước bay ra đậm đặc mùi lưu huỳnh và chung quanh miệng hang viền những rêu xanh. Chắc người đặt tên cho hang này tưởng tượng đến râu rồng nên mới đặt tên hang như vậy. Chúng tôi tiếp tục đi lên đồi theo một cầu gỗ dài được xây dọc theo các hố bùn để du khách an toàn đi trên đó khỏi bị sụp xuống vùng đất không được ổn định bên dưới. Ở Old Faithful và Mammoth Hot Springs chúng tôi cũng chỉ được phép đi trên những cầu gỗ như vậy mà thôi. Có một hố bùn tròn trịa, sôi nhè nhẹ giống như một bồn tắm bùn ở Tháp Bà Nha Trang mà cô em tôi dẫn đi tắm cho biết hồi đầu năm nay khi tôi về thăm quê. Những hố khác có cái chỉ lớn bằng miệng cái chén ăn cơm, phun hơi nhè nhẹ, lại có cái lớn như mặt hồ. Có nơi chỉ sôi nhẹ vài chỗ lại có nơi sôi sùng sục như đang giận giữ. Tất cả mà gộp lại một chỗ có lẽ giống như những cái xoong lớn nhỏ được đặt trên lò nấu với những cường độ lửa lớn nhỏ khác nhau tùy món ăn.

*
Từ Mud Vocano nếu tiếp tục đi về hướng nam rồi rẽ trái sẽ đến cổng phía đông của Yellowstone, nơi mà mấy hôm trước chúng tôi đến đây. Từ đó theo đường cũ quay về thì gần hơn, nhưng anh Trân nói:
- Mình đi ngược lại về hướng bắc, ra cổng đông bắc của Yellostone. Anh nghe nói đây là cổng đẹp nhất trong các cổng vào Yellow stone. Từ cổng này mình theo highway 212 từ Montana về North Dakota rồi về lại Minnesota. Đường đi tuy có xa hơn nhưng được biết thêm một số thắng cảnh nữa trên đường đi, cũng đáng.
Chúng tôi ra về theo đường anh Trân đề nghị. Vậy là tôi không được ghé lại Badlands như dự định lúc từ giã nó nhưng có dịp biết thêm vài nơi mới trên đường về. Tôi nghĩ bụng sang năm chỉ cần một hai ngày lễ kèm vào ngày nghỉ cuối tuần sẽ rủ ông xã đi Badlands ở lại đêm để ngắm phong cảnh của nó lúc hoàng hôn và bình minh cho thỏa lòng.
Ngược về hướng bắc theo đường đi hồi sáng rồi rẽ phải để ra cổng đông bắc, cảnh trí đường đi tuy cũng đẹp và có những đặc thù riêng nhưng cũng không quá xuất sắc như tôi mong đợi. Tóm lại là đâu đâu ở Yellowstone cũng có thể nhại một câu Kiều để diễn tả "mỗi nơi một vẻ, mười phân vẹn mười", thích nơi nào hơn trong số những thắng cảnh nơi đây là "tùy người đối diện" mà thôi.
Ra khỏi cổng là thành phố nhỏ Red Lodge của tiểu bang Montana. Ngay trên đường vào phố, một đàn nai băng qua đường vào giữa ban ngày làm tôi hình dung chữ "vùng sâu, vùng xa" được dùng trong nước hiện nay thay cho mấy chữ "khỉ ho cò gáy" mà tôi nghe trước đây. Chúng tôi dừng lại ăn uống ở một tiệm ăn nhỏ. Anh Trân lấy điện thoại gọi về nhà, không có tín hiệu. Tất cả 6 cái điện thoại của chúng tôi đều không có tín hiệu. Tôi hỏi cậu bồi bàn:
- Các bạn không dùng điện thoại cầm tay ở đây à"
- Không, chúng tôi chỉ dùng điện thoại bàn. Nếu quí vị cần gọi, có thể dùng điện thoại của quán.
Trên đường đi chúng tôi có thấy thông báo đường 212 đóng. Tôi nghĩ thế nào cũng có chỉ dẫn detour trên đường nên không lo gì lắm nhưng anh Bích và anh Trân cẩn thận vào quán hỏi thăm. Chúng tôi được chỉ dẫn đi đường khác, tuy có xa hơn chút ít nhưng lại dễ đi hơn, cũng là đường đèo như lúc chúng tôi từ South Dakota đi Wyoming nhưng đường này ít nguy hiểm hơn. Chỉ có điều đáng ngại là đường càng về chiều càng vắng, không có xe cộ nào qua lại mà tín hiệu điện thoại vẫn không có, không biết nếu như xe hư bất ngờ chúng tôi sẽ ra sao! May quá, hết đèo là nhập vào Freeway 94 East. Vậy là từ đây chỉ theo một con đường duy nhất này về nhà, không phải rẽ ngang rẽ dọc gì nữa.
Hơn hai giờ sau, đến thành phố lớn Billings cũng thuộc Montana, chúng tôi dừng lại nghỉ đêm. Tìm được một tiệm ăn Thái như nắng hạn gặp mưa, 5 ngày nay mới được ăn cơm canh chua, ngon miệng nên ai cũng ăn uống tận tình.
Rời Billing sáng sớm, tiếp tục đường 94 East chúng tôi vào tiểu bang North Dakota. Tối qua Hoàng tra internet và chọn một điểm dừng ở thành phố Bismarck. Ở đây có mấy lộ trình lái xe đi ngắm chim rừng dọc theo sông Missouri, nghe nói có đủ loại chim chóc khác nhau tùy theo mùa. Vậy mà khi tới nơi, lái lòng vòng cũng chẳng thấy chim chóc gì cả. Trong khi đó hồi sáng dừng lại nghỉ ở một Rest area không tên trên đường 94, chúng tôi lại được chứng kiến một cảnh đẹp mà tôi gọi tên là Badlands of North Dakota để miễn phải mô tả nhiều.
Năm giờ chiều, đến Fargo là thành phố cuối cùng của North Dakota trong lộ trình của chúng tôi, sau thành phố này là vào địa phận Minnesota, tuy vậy cũng phải 5 giờ nữa mới về đến nhà. Tôi chợt nhớ lại có một đứa cháu họ đã từng đi học ở đây, tôi nhờ Hoàng gọi cho nó để hỏi đường đến một tiệm phở ăn chiều vì hai hôm nay tôi bị mất tiếng. Tiếng Hoàng nói lớn trong điện thoại như để mọi người cùng hiểu tình hình:
- Có một tiệm phở ở Fargo nhưng dở lắm không nên ăn hở" Thôi kệ, cứ chỉ đường cho chú để ăn đỡ thèm đi. Mấy hôm nay ai cũng thèm phở hết. Có còn hơn không.
Thế là theo hướng dẫn của đứa cháu, chúng tôi tìm vào quán phở đang vắng teo. Trừ ông xã tôi làm luôn tô rưỡi một cách ngon lành, không ai ăn hết tô phở dở nhất hạng này cả.
Về đến Minnesota đã 11 giờ đêm, chúng tôi còn ghé ăn tối trước khi chia tay.
HOÀNG TRẦN-THANH MAI

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 72,940,402
Lệ Hằng thương nhớ, Thế là đã 17 năm, tao vẫn  chưa một lần về thăm quê hương xứ sở. Cũng đã đúng 17 năm rồi, kể từ ngày tao đến  thăm mầy vì chỉ còn 2 ngày nữa, tao và chú của mầy
Hàng năm, cứ vào cuối thu, lá trên cành rụng nhiều
Trong thành phố Westminster, quận Cam,  nước Mỹ,  có một nhà thờ của người Hoa  
Trong số Xuân Việt Báo Tết Canh Dần vừa qua, tác giả Đoàn Hưng có bài viết về em Tăng Bích Hằng con gái của GS Tăng Bảo Can bị hải tặc Thái Lan bắt khi em cùng gia đình vượt biên năm 1983 lúc 14 tuổi.
Năm nay, chị Trung được 56 tuổi ta nhưng trông chị vẫn hồng hào tốt tướng
Lời khen tiếng chê về xứ Cờ Hoa bà Tư đã nghe rất nhiều
Vừa ngồi chờ lên máy bay tôi vừa nghĩ tới má.  Hôm nay, Má đã phải dậy từ 3 giờ rưỡi sáng để pha cafe,
Thế là sau một thời gian dài, dễ thường cũng đã hơn 30 năm
Một ngày mùa xuân tại San Jose, California
Vài năm trước, tôi có nhận được cú điện thoại thống thiết của thằng cháu ruột, từ Việt Nam. - Chú ơi! Hồ sơ của Ba cháu, chú đã mang theo qua Mỹ gần 15 năm rồi. Chú có nộp vào các
Nhạc sĩ Cung Tiến