Hôm nay,  

Chuyện Tết Tân Mão

15/02/201100:00:00(Xem: 281149)

Bon co hang banhChuyện Tết Tân Mão

Tác giả: Nguyễn Trần Phương Dung

Bài số 3121-28421 vb2021411

Tác giả sinh năm 1972. Rời Việt Nam năm 10 tuổi, tốt nghiệp Management Infor-mation System. Hiện là cư dân Florida nhưng làm việc cho Cisco System Inc., công ty có bản doanh tại San Jose. Với nhiều bài viết đặc biệt, Nguyễn Trần Phương Dung đã nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008. Bài viết mới nhất của cô kể chuyện Tết Tân Mão tại Florida.


***

“Năm nay mấy chị em tính bán gian hàng gì ở Hội Chợ Tết nào"” Chú thông gia của ông bà Nội xấp nhỏ (con gái chú lấy em trai của ông xã người viết) hỏi đám con gái đang lao xao trong bếp. 

Giao thừa Tết dương lịch, bà con bạn bè tụ về nhà cô chú ăn mừng. Ăn uống xong, phe đàn bà con gái xúm nhau dọn dẹp và làm món tráng miệng, phe đàn ông con trai ngồi tán dóc ở phòng ăn bên cạnh, chờ giờ count-down. Cô chú thông gia ở trong Hội Đồng Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, mỗi lần giáo xứ có việc, cô chú đều kêu gọi con cháu tham gia. Nhân dịp mọi người đông đủ, chú đem chuyện chương trình Mừng Xuân Tân Mão sắp đến của giáo xứ ra bàn.

“Mới Tân Niên mà đã lo chuyện Tất Niên rồi hả Ba"” Cô con út của chú ngừng tay đổ bánh kẹp hỏi vọng ra.

“Năm nay Tết rơi vào ngày thứ năm mùng ba tháng hai dương lịch, Hội Chợ tổ chức vào cuối tuần trước đó, vị chi chỉ còn đúng một tháng.

“Sao không bán phở nữa Ba"” chồng cô út thắc mắc.

Mấy cái đầu không hẹn mà cùng gật. Hội chợ Tết Canh Dần, trời se lạnh, nồi phở đuôi bò khổng lồ của cô thông gia được bà con chiếu cố quá xá, mới xế trưa đã hết sạch, buổi chiều nhiều người hỏi mua mà không có để bán.

“Thì sẽ vẫn có nồi phở, nhưng mấy chị em làm thêm món đồ ngọt đi.”

Chú vừa dứt lời thì mấy cái miệng cùng nhao nhao:

“Đồ ngọt ít người mua lắm.”

“Làm gì thì làm nhưng đừng nấu chè khoai môn nha, vừa tốn công vừa tốn lửa mà chẳng mấy người ăn.”

“Còn phải nói, năm đó mỗi đứa góp mười đồng giúp giáo xứ còn nhiều hơn số tiền lời bán chè.”

Số là Tết Đinh Sửu, mấy cô nhỏ trong nhà đưa ra ý kiến bán chè khoai môn. Người ta thường nấu chè khoai môn bằng cách sắt khoai ra từng miếng nhỏ, đem hấp chín rồi bỏ vào nấu chung với nếp đã nhừ, nước cốt dừa và đường. Mấy cô nhà này lại thích cầu kỳ làm thành từng viên theo kiểu chè trôi nước. Mà đâu phải ít gì cho cam, dự định bán ba trăm ly chè, mỗi ly hai viên, vị chi là sáu trăm viên, chưa kể làm thêm một ít để ăn.. thử. Buổi tối trước ngày Hội Chợ, bảy đứa con gái đưa khoai, bột nếp, bột báng, đường, nước dừa... ra gọt, hấp, nhồi, vo, lăn, luộc, nấu… hì hục đến gần nửa đêm vẫn chưa xong, phải năn nỉ cánh đàn ông đang chơi xì phé qua giúp. Hôm sau ở Hội Chợ, mấy bà bán, mấy ông rao, đám con nít đem đổi lấy mấy món ăn khác ở những gian hàng bạn, số lượng chè còn… gần nửa. Cả bọn đem chè ế về ăn cố kẻo phí của giời, bây giờ nghĩ lại vẫn còn sợ. 

Chú thông gia trấn an:

“Hồi trước giáo xứ tổ chức Hội Chợ ở sân nhà thờ nắng nôi chật chội, ít người đi nên ít người mua. Năm vừa rồi tổ chức ở cái hội trường bên Pinellas đông nghẹt người, gian hàng nào cũng đắc khách, tụi con không nhớ sao" Năm nay dự định sẽ còn đông hơn nữa.” 

Ông xã tôi gật gù:

“Tết là ngày hội lớn, giáo dân đi lễ đầu năm rồi ở lại vui xuân không nói rồi, bà con thuộc các tôn giáo bạn thế nào cũng đến chung vui. Năm ngoái giáo xứ tổ chức rất vui và chu đáo, hy vọng tiếng lành đồn xa…”

“Ở bên đây năm thì mười thuở mới có các ca sĩ ở xa về trình diễn, bảo đảm thiên hạ sẽ đi đông.” Em trai của chàng, cũng là con rể lớn của chú thông gia, lên tiếng rồi đỡ tờ poster từ tay ông bố vợ, đọc lớn cho mọi người cùng nghe:

“Buổi sáng sau Thánh Lễ Mừng Xuân là Đại Nhạc Hội và Hội Chợ. Buổi tối Dạ Vũ và Trình Diễn Thời Trang, Ban nhạc Trung Cang đến từ Atlanta. Các ca sĩ Lâm Thúy Vân, Nguyễn Hồng Nhung, Y Phương, Đặng Minh Thông, Lê Anh Quân… Hội trường coliseum St. Petersburg… Ủa, sao không làm ở cái hội trường năm ngoái vậy Ba"”

“Chỗ đó không có available vào ngày mình muốn tổ chức. Vả lại, chỗ mới rộng và chứa được nhiều người hơn…”

“… và cũng mắc hơn mười lăm lần.” Chồng cô út tiếp lời ông bố vợ.

Chàng trầm ngâm:

“Năm ngoái Hội Ái Hữu Cộng Đồng Việt Nam Tampa Bay tổ chức Hội Chợ và Dạ Vũ Mừng Xuân Canh Dần ở St. Petersburg coliseum, cũng rầm rộ các ca sĩ ở xa về, nhưng vẫn ế độ, nghe nói lỗ mấy chục xấp đó chú.”

Tôi lắc đầu:

“Tại họ lên giá vé vào cửa, chương trình mấy năm trước lại không có gì đặc sắc nên người ta nản, không đi nữa. Nhớ cái năm anh làm MC, em ngồi ở duới thấy chuơng trình luộm thuộm, các tiết mục trì trệ đứt đoạn, đổi tới đổi lui, phát sốt cả ruột.”

“Cũng phải thông cảm, họ ít nhân lực quá, ban tổ chức ai cũng bận chuyện công chuyện tư, gồng thêm chuyện cộng đồng là đáng khen lắm rồi.” Quay sang chú thông gia chàng tiếp:

“Năm nay họ tổ chức ở Philippines Cultural Center để giảm bớt chi phí, giáo xứ mình lại đi tổ chức ở chỗ cũ của họ, cháu thấy hơi phiêu lưu đó chú.”

“Chương trình được một số cơ sở thương mại trong vùng bảo trợ, vé cho buổi tối đã bán được kha khá, buổi sáng vào cửa miễn phí nhưng tiền lời từ các gian hàng sẽ được tặng cho giáo xứ, chắc không sao đâu…”

Hai vợ chồng nhìn nhau, thầm hy vọng chuyện sẽ được xuông sẻ như chú thông gia nói. Giáo xứ nhỏ, ít giáo dân, tiền dâng cúng và dự trữ không bao nhiêu, lỡ như bị lỗ không biết lấy đâu bù vào" 

Nơi thờ phượng hiện tại của giáo xứ nằm ở thành phố Largo, cạnh vùng Tampa-St. Petersburg-Clearwater nổi tiếng với những bãi biển cát trắng, và cách Orlando, nhà của công viên giải trí Disney World, chừng 90 phút lái xe. Mấy năm trước, Đức Giám Mục của Giáo Phận cho giáo dân Việt Nam năm mẫu tây đất bên cạnh ngôi nhà thờ St. Matthew của địa phương. Rồi nhờ sự góp công, góp của của giáo dân và thân hữu, cùng sự hăng say làm việc không ngừng nghỉ của các cha và Hội Đồng Giáo Xứ mà ngôi nhà nguyện Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo được hình thành. Với sức chứa bốn trăm người, cuối tuần cha xứ làm nhiều Thánh Lễ để giáo dân chia nhau đi dự. Vào những ngày lễ lớn như Giáng Sinh và Phục Sinh, để đủ chỗ ngồi, Hội Đồng Giáo Xứ phải căng bạt và xếp thêm ghế ngoài sân. Vào dịp Tết Nguyên Đán thì một sân khấu lộ thiên được dựng tạm trên khoảng sân trống để cử hành Thánh Lễ và trình diễn văn nghệ sau đó. Những dịp này nếu trời nắng và khí hậu tốt thì không đến nổi, hôm nào mưa gió hay lạnh thì cha con cùng chịu. Mọi người ôm ấp nguyện vọng xây thêm một cái hội trường kha khá lớn, để dùng làm nơi sinh hoạt, dạy Giáo Lý, tiếng Việt cho các em thiếu nhi, và tổ chức các buổi lễ đông người tham dự. 

Năm ngoái một số thành viên trong giáo xứ đứng ra mướn một hội trường khá lớn bên thành phố Pinellas và tổ chức Hội Chợ Tết khá xôm tụ. Với sự hổ trợ của các hội đoàn và thân hữu, “Xuân Hy Vọng” thành công và qũy xây hội trường có được bốn chục ngàn. Năm nay bổn cũ soạn lại, nhưng dời qua hội trường coliseum của thành phố St. Petersburg, chi phí chưa gì đã thấy cao gấp nhiều lần năm ngoái, không biết “Xuân Hy Vọng 2” rồi sẽ ra sao đây"

“Úi cha! Ai mà nhìn ngầu dữ vậy nè"” Tôi la lên khi nhìn thấy trên tấm poster, bên cạnh những tấm hình rực rỡ của các ca sĩ và người mẫu, một ông mặc áo chùng thâm, mang mắt kính râm, tóc cắt flat top, hai tay khoanh trước ngực. Tôi quay sang hỏi ông xã:

“Linh Mục Nhạc Sĩ Hải Đăng, nghe quen quen hả anh"”

“Ông cha này tháng tám vừa rồi về đây làm MC buổi văn nghệ gây qũy cho Bút Nhóm Lửa Việt của cha Chương đó.”

“À, em nhớ rồi. Nghe nói ổng nói và hát hay lắm, hy vọng có ổng giáo xứ mình thêm được cái sườn cho hội trường mới. Hihihi.”

Do sinh hoạt giới trẻ nhiều năm, vợ chồng tôi có cơ duyên quen biết với một số linh mục và đoàn thể. Hè vừa rồi chúng tôi nhận được lời kêu gọi giúp sức cho buổi văn nghệ gây qũy “Cho Em Ngày Mai”, tổ chức ngay tại thành phố Tampa nơi chúng tôi đang sống. Tiếc là đúng cuối tuần đó gia đình tôi đang ở Cali để dự buổi tiệc “10 Năm Viết Về Nước Mỹ” của Việt Báo nên đành từ chối. Khi về lại Florida, chúng tôi được biết buổi gây qũy thành công với số tiền quyên được trên 100 ngàn, một con số đáng kể so với dân số người Việt trong vùng. Rất cảm phục tấm lòng quảng đại của các mạnh thường quân và công sức, tài năng của ban tổ chức.

Theo kiểm tra dân số năm 2000 thì cộng đồng người Việt tại Tampa/ St. Petersburg/ Clearwater đông thứ 20 trên nước Mỹ với 9,318 người, một con số khiêm nhường so với các cộng đồng ở Cali, Texas, Virginia... Thông tin của cuộc kiểm tra dân số năm 2010 chưa được phổ biến nhưng chắc hẳn con số hiện tại lớn hơn 10 năm trước. Dù vậy, người Việt ở đây sống rãi rác chứ không tụ lại một số vùng như thường thấy bên Cali hoặc Texas. Điển hình là học trò Việt ở hai trường tiểu học và trung học gần nhà người viết đếm không quá đầu ngón tay. Sinh hoạt văn hóa vì vậy không nhiều, nếu không tính những sinh hoạt ở các chùa và nhà thờ. Mỗi lần có những chương trình ca nhạc lớn, bà con ùn ùn kéo nhau đi dự. Ba năm trước, trung tâm ca nhạc Vân Sơn về đây trình diễn live show và thu hình. Lần đầu có một đại nhạc hội tầm cỡ, đi đâu cũng nghe mọi người bàn tán xôn xao rủ nhau đi dự. Sau đó các ca sĩ của trung tâm Thúy Nga cũng kéo về tổ chức một buổi ca nhạc vào tuần lễ Mẹ, nhưng vì tình hình kinh tế suy thoái, chỉ show buổi tối là đông khách, còn show ban ngày ghế trống khá nhiều. Mấy năm sau này kinh tế bết bát, các chương trình ca nhạc thường bị ế độ, ít người đi. Riêng các chương trình do chùa hoặc nhà thờ tổ chức thì chưa đến nỗi vì phật tử và giáo dân vẫn cố gắng tham dự để “trước mua vui, sau làm việc nghĩa.” 

Mùi mè rang và lá dứa của bánh kẹp nuớng bay thơm lừng, tôi vào bếp nhón một miếng dòn rụm. Một cô ra ý kiến:

“Hay mấy chị em mình bán bánh kẹp nướng" Chỉ cần quậy vài thùng bột vào tối hôm trước, rồi mang ra hội chợ bán tới đâu nướng tới đó. Bột dư có thể đem về cất tủ lạnh nướng ăn dần.”

“Được đó. Em bảo đảm bà con ngửi thấy mùi bánh nướng thơm phức sẽ kéo đến mua. Nội bán cho gia đình mình không cũng được một mớ rồi. Không sợ ế.” Thằng rể út vừa nói vừa chia mấy cái bánh mới ra lò cho lũ nhóc đang quây quanh.

***

Ngày “hội lớn”, mắt tôi mở không lên khi đồng hồ báo thức reng lúc 6 giờ 30 sáng, cũng tại cái tội chờ đến khuya hôm trước mới chịu sửa áo dài cho hai đứa con gái. Vợ chồng con cái hò hét nhau thức dậy, ăn sáng, sửa soạn ra khỏi nhà. Đến nơi trước giờ bắt đầu 5 phút, thấy bà con đang nườm nượp đi vào hội trường. Ngoài sân, dưới mấy tấm bạt lớn, khu nấu ăn lộ thiên được dàn dựng theo kiểu dã chiến cạnh cửa bên hông để tiện việc chuyển đồ ăn vừa nấu vào các gian hàng phía trong. Vào hội trường, thấy tất cả đã sẳn sàng. Phía trên sân khấu được trang trí trang nghiêm đẹp đẽ. Phiá dưới hai dẫy ghế xếp ngay ngắn cho giáo dân ngồi tham dự Thánh Lễ và xem Đại Nhạc Hội sau đó. Bên trái là các gian hàng ẩm thực, bên phải các gian hàng giải khát và trò chơi cho trẻ con. Giữa các gian hàng và 2 dẫy ghế là các bàn tròn trải khăn trắng để khách có thể vừa ăn vừa xem chương trình ca nhạc trên sân khấu. Phía cuối hội trường gồm các gian hàng của các cơ sở thương mại bảo trợ cho chương trình.

Thánh Lễ mừng Xuân bắt đầu lúc 9:15 sáng, trễ hơn giờ ấn định 15 phút (hình như một cha bị.. đậu phọng). Ngoài cha chính xứ Thái và cha cựu chính xứ Chính, có thêm một cha khách người Việt và hai cha người Mỹ. Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Việt, nhưng phần phụng vụ Thánh Thể được xen kẽ với tiếng Anh để hai cha ngoại quốc đồng tế.

Phần giảng huấn trong Thánh Lễ được đảm trách bởi cha khách người Việt (mà người viết nhận ra là ông cha tóc.. flat top trên tờ poster Tết). Cha Hải Đăng sáng nay mặc áo lễ trắng và mang cặp kính cận nhìn… đạo mạo hơn trong hình. Với gịong ấm và bắt micro, cha tạo nhiều trận cười trong hội trường với bài giảng ngắn gọn, vui tươi và nhiều ý nghĩa. Nghe cha giảng hai vợ chồng nháy nhau, ngầm khen ông cha ăn nói duyên dáng thu hút. Sở dĩ người viết bạo gan viết những lời bình này là vì đã từng được (hay bị) nghe những bài giảng “ru người vào mộng” (nhưng không dám ngủ) trong nhà thờ. Mà đây không phải chỉ là ý kiến (ý voi) của những giáo dân (khíu chọ), mà chính nhiều cha đang “làm dâu trăm họ” cũng đồng ý là “ăn nói là khiếu trời cho” mà không phải ai cũng có. Thì mới đây thôi, gia đình đi lễ nhà thờ Mỹ, gặp một ông cha già rất vui tính, cha nói rằng, “Nếu tôi được một đồng cho mỗi bài giảng dở từng nghe trong đời, thì bây giờ tôi đã là… triệu phú.” Cha Hải Đăng giảng lời Chúa đã hay như vậy thì phần giới thiệu ca nhạc chắc là nhiều hứa hẹn.

Sau Thánh Lễ, chương trình Đại Nhạc Hội bắt đầu với phần chúc Tết và lì xì cho trẻ nhỏ. Khi đoàn lân bắt đầu biểu diễn thì mấy chị em kéo nhau vào “hàng Bánh”. Bánh kẹp của chúng tôi được sắp chung gian hàng với bánh Chưng, bánh Tét của hai cô trong giáo xứ. 

Nhìn bàn người ta xếp đầy bánh trong khi bàn mình còn trống trơn, tôi nói với cô em bạn dâu:

“Phải chi mình làm thêm món gì đó ở nhà, như bánh khoai mì và chè rau câu, để bán trong lúc nướng bánh kẹp.”

“Thì đây cũng nghĩ vậy, nhưng ông ngoại tụi nhỏ nói có người khác thầu chè và đồ ngọt rồi, sợ đụng hàng.” 

“Đụng cũng đâu có sao, vì tiền lời vô qũy chung hết mà. Có món này món kia bán cho vui...”

Bốn chị em miệng nói tay lôi bốn cái máy waffle maker ra tìm chỗ cắm điện, và bắt đầu náo loạn với những “trục trặc kỹ thuật”. Chết rồi, bức tường nơi kê cái bàn dài không có ổ điện. Không sao, kê thêm cái bàn vuông nhỏ ở góc phòng để nướng bánh rồi đem ra bàn dài bán. Oh no, cái bàn sơ cua đem theo từ nhà dựng trong góc phòng bây giờ không cánh mà bay, ngó lòng vòng xem có ai… mượn không" Dùng tạm cái bàn ăn tròn ngoài hội trường vậy. Không được, cái bàn đó lớn quá, sẽ choán lối đi, hay là kéo cái bàn dài đến gần ổ điện" A, kiếm được một bàn nhỏ khác rồi, mau đem máy làm bánh lại đây cắm vào ổ điện. Ô hay, sao đèn không nổi lên" Chết cha, ổ điện không đủ lực cho cả bốn máy làm bánh, cắm hai máy thôi. Lấy sợi giây power extension cắm vào ổ điện bên kia tường cho hai máy còn lại. Kiếm miếng băng keo dán sợi giây điện xuống sàn kẻo người ta đi qua đi lại vấp té. Lên đèn hết rồi hả" Whew! Rồi, bắt đầu đổ bột nướng bánh nha…

Đợt bánh đầu ra lò, khách hàng lố ngố đứng đợi sẳn là… đám con cháu trong nhà.

“Hôm nay bánh bán gây qũy cho nhà thờ, tụi con chờ chiều về nhà ăn nha.”

“Con mua mà.” Thằng nhỏ chìa ra tờ một đồng mới tinh. Mấy đứa còn lại cũng bắt chước moi tiền ra từ bao lì xì mới nhận được từ các cha.

“Để mẹ và các cô làm một khay để bán đã. Tụi con ra ngoài nói bố mua cho bánh mì hay phở ăn trưa, lát nữa hãy trở lại đây mua bánh.”

Lũ nhóc bỏ đi nhưng chẳng thấy ai nào vào mua bánh. Bàn bánh kẹp nằm khuất trong góc, khó thấy. Hội trường rộng, lại có quá nhiều mùi đồ ăn cạnh tranh, mùi bánh nướng bị loãng đi đâu, chẳng ngửi thấy. 

Bước ra ngoài nhìn, thấy những gian hàng đồ mặn phiá ngoài đông nghẹt người, tôi trở vào cầm khay bánh lên nói với ba cô em:

“Khách không tới mình thì mình tới khách. Chị đi bán rong. Mấy cô cứ tiếp tục nướng bánh.”

Rồi tôi đến các bàn ăn, dẫy ghế, “tía lia” chào hàng: Mời cô, mời bác, mời anh chị mua bánh. Bánh kẹp nóng hổi mới ra lò. Dạ, một đồng một cái. Mua năm tặng một, năm đồng sáu cái. Một cái đưa năm đồng cũng được luôn. Bác sợ tiểu đường hở" Đừng lo, bánh này không ngọt lắm đâu bác. Anh không thích bánh hả" Hổng sao, anh mua cho chị ăn là được rồi. Bé ơi, con ăn bánh kẹp không" What, never tried a Vietnamese waffle" Mình là người Việt phải biết ăn bánh kẹp Việt chứ! Chị mua cho bé ăn thử đi, ăn rồi em bảo đảm bé nhớ Vietnamese waffle hoài hoài…

Không biết vì bánh nhìn ngon (ăn cũng ngon), vì khách “không nỡ” từ chối (tội nghiệp cô bán hàng) hay “không dám” từ chối (sợ kỳ), hay vì tôi chào hàng giỏi (mèo khen mèo) và… chai mặt (không mua đứng đó nói hoài) mà khay bánh bán hết cái vèo. Hết bánh nhưng còn người muốn mua, tôi bèn lấy đơn đặt hàng (pre-order) và… thâu tiền trước (vì sợ họ sẽ đổi ý) với lời hẹn mang bánh lại sau.

Trở lại quầy hàng, thấy khách đang đứng chờ nhưng không có cái bánh nào trong khay trên bàn. Thì ra thương vụ đã lên hương, và lò nướng đang bị chậm trễ (back-order) gần ba mươi cái bánh. Chúng tôi ghi tên những người đã trả tiền, lấy order những người mới đến, rồi bảo họ ra ngoài xem văn nghệ, lát sau hãy trở lại lấy bánh. 

Cô út phân bua:

“Lúc thì không có ai, lúc thì đến từng đợt làm không kịp. Hay là kêu mấy ông chạy đi mua thêm vài cái máy nữa"” 

“Thôi, mất công. Bánh làm nhiều bán không kịp sẽ bị yểu. Cứ tiếp tục làm với bốn máy. Khách đông thì bảo họ chờ, khách vắng thì mình đem đi mời, và bỏ luôn vụ mua năm tặng một.”

Làm được thêm mấy đợt bánh thì lũ nhóc trong nhà trở lại đòi mua. Tôi xua tay:

“Còn nhiều người đang chờ, tụi con ghi tên vào giấy chờ đến phiên.”

Mẹ thằng bé đang phụ nướng bánh, năn nỉ:

“Người ta mua nhiều, còn lâu mới có đủ, bác cho cháu trước đi mà.”

“Không có bác cháu gì ở đây hết,” tôi làm bộ nạt nhưng nhìn cái mặt nghệt của thằng bé phải phì cười:

“Được rồi, cho tụi con lấy trước đó. À, mà sao bác thấy gian hàng thẩy bóng rổ toàn là tụi con chơi không vậy"”

Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể có gian hàng trò chơi thẩy bóng rổ cho trẻ con. Chồng của cô út sợ lũ nhóc lao nhao làm rộn mấy bà mẹ đang bán bánh, giao cho chúng phận sự thâu tiền và đưa phần thưởng cho những đứa bé vào chơi. Gian hàng bóng rổ nằm phía bên kia hội trường, chiếu tướng với gian hàng bánh. Mấy bà mẹ bên này thỉnh thoảng ngó sang bên kia, thấy lố nhố toàn con cháu mình đứng chơi nên thắc mắc với nhau.

“Không phải đâu Mẹ,” đứa con gái người viết thưa, “Mình play lúc không có other kids thôi.”

“Rồi ‘mình” có trả tiền để chơi không"”

“Ummm… mình hết tiền rồi,” con bé đưa mắt nhìn mấy thằng anh rồi cười giả lả, “mình chơi nhưng không có lấy prizes.”

“Được rồi, dắt nhau qua bên đó trông gian hàng cho chú tiếp đi. Nhớ khi nào có con nít khác vào thì để cho người ta chơi nha con.”

Lũ nhóc kéo nhau đi, mấy chị em tiếp tục đứng nhìn đèn trên máy waffle maker, mong cho nó mau đổi màu. Máy hiện đại (và cũng hại điện), lúc mới đổ bột vào thì hiện lên màu đỏ, khi bánh chín thì đổi sang xanh. Bình thường làm ở nhà, đèn đổi màu liên tục không kịp gắp bánh ra, hôm nay sao lâu thế không biết. Mấy cô sốt ruột cứ mở nắp ra xem bánh chín chưa dù đèn đang đỏ. Càng mở càng bị bốc hơi bánh càng lâu chín, đành nhắc nhau ráng kiên nhẫn. Phải hơn nửa tiếng sau chúng tôi mới thanh toán xong số bánh bán thiếu và có thêm một khay để đem đi bán rong.

Lúc này trên sân khấu, cha Hải Đăng trong bộ áo chùng đen, sau lưng là ban nhạc và dàn phụ họa, đang vừa lắc người vừa hát đi hát lại câu, “na na ná nà na, na na ná na nà…” Chỉ có vậy thôi mà khi hát xong bà con ở dưới cười và vỗ tay rầm trời, đúng là ngày Tết, mọi người dễ dãi và vui như Tết (easily amused)! Rồi cha tự giới thiệu bài kế, nói bài ca “sửa lời” này là lý do cha mặc áo chùng thâm mỗi khi lên sân khấu. Tò mò tôi ngưng bán bánh để nghe cha tố khổ, “Con gái bây giờ thích… thầy tu. Con gái bây giờ thích cà phê…” và còn nhiều nhiều nữa mà tôi không nhớ vì mãi lo ôm bụng cười. Thiệt là, “Tu sĩ bây giờ hết… nhà quê. Tu sĩ bây giờ… quậy khỏi chê!”

Tôi trở lại quầy lấy thêm bánh cùng lúc một cô ca sĩ trong chiếc áo dài nhiều màu (multi-colors) trang nhã bước ra sân khấu. Trước khi hát, cô kêu gọi bà con hổ trợ giáo xứ bằng giọng nói hết sức mềm mại và chân thành. Tôi quay sang cô út:

“Ca sĩ nào vậy em"” 

“Ca sĩ Mỹ Lan đó. Hồi nãy cổ phỏng vấn chị, chị không nhận ra cổ à"”

“Ủa vậy hả" Hồi nãy cổ mặc bộ đồ tây. Trên poster không có để hình và tên của cổ, nên chị nhận không ra. Chị tưởng cổ là phóng viên đài truyền hình VHN-TV thôi.”

Tôi đi bán rong, đụng ai cũng mời mua, luôn cả những người mang bản tên “ban tổ chức” (họ cũng phải ăn chớ), những người bảo trợ (họ vướng trông gian hàng không chạy đi mua được), luôn cả những gian hàng ẩm thực bạn (để thử thức ăn của nhau). Lúc mời ca sĩ Mỹ Lan, tôi có thấy chị mang cái bản tên trên áo nhưng không để ý, chị không mua nhưng ít phút sau trở lại với một anh mang máy quay phim, kéo tôi ra ngoài sân phỏng vấn (trong hội trường ồn quá). Trước khi bắt đầu chị dặn, “Em nhớ kêu gọi người ta hỗ trợ và giúp phương tiện cho giáo xứ xây hội trường.” Thì ra chị tuy không ở vùng này nhưng vẫn hết lòng với giáo xứ. Chị thật dễ thương!

Xen kẽ phần ca nhạc nhộn nhịp của các ca sĩ là màn múa của các em thiếu nhi và sổ số và đấu giá gây qũy. Các bé gái cỡ 10 tuổi trong bộ áo tứ thân màu sắc sặc sỡ với những vũ điệu dân tộc trông rất dễ thương. Trình diễn xong, các bé lật ngữa chiếc non quai thao, để vé số lên trên và đi lòng vòng bán cho quan khách. Người viết để ý thấy quan khách mua vé số từ các bé hình như nhiều hơn từ các… ca sĩ và hoa hậu, người mẫu. Tuy nhiên, lúc đang ở phía cuối hội trường, người viết bắt gặp một cô bé đứng yên ở một góc, mặt mũi phụng phịu trông thấy thương.

“Bé sao vậy, what’s wrong, con"”

“No one buys vé số from me.”

“Tội chưa,” tôi quì thấp xuống, ghé sát mặt cô bé, hỏi, “Con mời làm sao mà không ai mua"”

“I hold up the tickets in the air like this and walk around, but no one calls me over to buy.” Cô bé vừa nói vừa giơ thẳng cánh tay cầm vé số lên trời và đi một vòng xung quanh tôi để diễn tả cảnh đi bán hàng. 

“À, cô hiểu rồi. Chắc là con đi lẹ quá nên người ta không kịp kêu lại đó. Để cô chỉ cho con cách mời hàng nha.” Tôi để khay bánh lên cái bàn gần bên rồi nắm lấy tay bé kéo sát lại gần mình và nói thật chậm:

“Con đi đến từng bàn hay từng hàng ghế gì cũng được, rồi nhìn thẳng vô mắt người con muốn bán, như cô đang nhìn con vậy nè, rồi nói, ‘Ông ơi, bà ơi, cô ơi hay chú ơi’, tùy người đó là ai mà xưng hô, ‘mua vé số dùm con đi.’ Người ta thấy mặt mũi con xinh xắn, nói năng dễ thương thế nào cũng mua. Con hiểu cô nói không"”

“Dạ. Let me try it your way.” Mặt cô bé tươi tỉnh lên chút xíu.

“That’s my girl. Bán không được cũng không sao đâu con. Vui là được rồi. Nếu con thấy nervous thì con đi mời những người con quen trước, ba má hay chú bác của con chẳng hạn. Have fun and good luck!”

“Thanks cô. You too!” Cô bé tặng tôi nụ cười thật tươi trước khi quay lưng. Tôi đứng nhìn theo cô bé đi đến dẫy ghế trước sân khấu và dừng lại trước một ông cụ lớn tuổi. Cô bé đứng xoay ngang nên tôi không nhìn thấy mặt mũi bé lúc mời hàng ra sao, nhưng thấy ông cụ thò tay vào túi áo vest. Tôi mĩm cười bỏ đi bán hàng của mình và thầm nghĩ cô bé con cái nhà ai mà lanh lợi và nhiệt tình đến thế!

Phần đấu giá chỉ vỏn vẹn một món đồ, mà nếu người viết không lầm, là món đồ để lại từ năm trước. Số là Tết Canh Dần, giáo xứ nhận được một số quà từ các mạnh thường quân để làm quà thưởng cho các giải sổ số trong Hội Chợ Tết. Có một anh quan khách thắng cái máy lọc nước nhưng không lấy mà tặng lại cho giáo xứ để đấu giá gây qũy. MC cho giá bắt đầu là $100 (sau khi đã gợi ý máy lọc nước trị giá khoảng $150 ngoài thị trường) nhưng chẳng ai lên tiếng mua, anh quan khách thấy vậy tự mình đấu lên $150 làm bà con vỗ tay cười ầm ỉ. Đương nhiên không có ai khác tố thêm và anh chàng rút bóp nộp $150 cho… quan Philatô. Không biết sau đó anh có tha cái máy lọc nước về nhà không, nhưng tôi thấy cái máy năm nay nhìn hao hao giống cái máy năm ngoái, và nghi người tặng nó cho giáo xứ không ai ngoài anh chàng hào phóng nọ. 

Cha Hải Đăng và chị co-host Julie đi xuống phiá dưới khán giả để dể điều khiển cuộc đầu giá. Cái máy lọc nước bắt đầu với giá $100. Một khán giả giơ tay. Cha hô $150. Một người đi lại hướng cha Hải Đăng để… về ghế ngồi. Cha lập lại, $150. Vẫn không ai hưởng ứng. Chị Julie bỗng bất ngờ gọi $200 (làm khán giả đâm ra confused) Chiến thuật quá… bất ngờ (một cách hơi... kỳ cục) nên chẳng ai thèm nhúc nhích. Chị đành discount xuống $199.99, rồi $120. Im lặng vẫn hoàn toàn im lặng. Hết giờ, máy lọc nước về tay người đấu giá đầu tiên (và duy nhất).

Phần sổ số vui nhộn hơn với vé an ủi ($100) và hạng nhì ($500) cùng về tay một cô trẻ tuổi. Khi cô lên sân khấu nhận giải, nhìn xấp vé số dầy cộm cô cầm trên tay mọi người cùng “ồ”. Rõ ràng là mua nhiều thì cơ hội trúng nhiều hơn. Người trúng giải ba ($200) và giải nhất ($1000) không có mặt. Giải độc đắc ($2000) về tay một chị mua tổng cộng chỉ có hai vé số. Cuối cùng vẫn là “trời kêu ai nấy dạ”, có số trúng số mua một (hay hai) vé cũng trúng. Chị bỏ ra $20 vốn, lấy về $2000 tiền thưởng, đúng là “số đỏ”!

Cha Hải Đăng tuyên bố giải độc đắc kết thúc chương trình Đại Nhạc Hội và Hội Chợ Tết. Lúc đó đã bốn giờ chiều mà hội trường vẫn còn đông. Cha hẹn mọi người trở lại lúc sáu giờ ba mươi chiều để dự buổi Dạ Vũ và Trình Diễn Thời Trang để xem cha… nhẩy (chắc là nhẩy cò cò). Nhiều người ra về với vẻ mặt nuối tiếc. Tôi và mấy cô em cũng vội vàng dọn dẹp gian hàng để ra về. 

Sau hơn bảy tiếng đứng trên đôi giầy cao gót, tôi lê từng bước thảm não ra bãi đậu xe, mặc dù trong lòng thấy… vui như Tết!

***

Thứ bảy tuần sau vào mùng ba Tết, gia đình bạn bè lại tụ họp nhau tại nhà con gái cô chú thông gia ăn Tết tiếp. Vừa thấy mặt, cô út hỏi liền:

“Sao buổi tối không thấy anh chị trở lại"”

“Tụi chị về đến nhà hơn năm giờ rồi, lo cơm nước cho tụi nhỏ xong là mệt phờ người chẳng muốn đi đâu nữa. Hôm đó chị mang giầy cao gót cả ngày, đến chiều đi còn không nổi làm sao mà nhẩy đầm.”

“Em cũng vậy, vừa đau chân vừa đau tay vì quậy bột vào buổi tối hôm trước.”

“Ủa, sao em không nhờ ông xã tay mạnh quậy dùm"”

“Ảnh bận thái thịt đến hai giờ sáng, làm sao mà giúp em.”

“Ừ nhỉ, chị quên mất nồi phở bò. Năm nay nhà mình ăn Tết sau Hội Chợ của giáo xứ, chứ như mấy năm trước ăn Tết vào tối hôm trước, mọi người xúm vào làm chung, vừa nhanh vừa vui há em.”

Hai chị em đang nói chuyện thì cô chú thông gia đi vào. Tôi cưòi chào cô chú rồi hỏi:

“Kết quả ra sao hở chú"”

Chú cười tươi:

“Thâu vào được một trăm mười ngàn, chi phí hết sáu chục, còn lại năm chục xung vào qũy.”

Tôi thở phào:

“Thế thì may quá. Tụi cháu cứ lo lỗ.”

Cô em bạn dâu của người viết lên tiếng:

“Lời được là nhờ các cơ sở thương mại và nhiều ân nhân bảo trợ. Người ta mua vé đi Dạ Vũ buổi tối cũng đông, và buổi sáng các gian hàng ẩm thực và trò chơi cũng bán được khá.” 

“Không biết chi phí xây hội trường ước lượng là bao nhiêu"” Tôi hỏi.

“Nghe nói hơn một triệu, nhưng nếu có ba trăm ngàn là bắt đầu khởi công được rồi.” 

Nghe cô em nói, tôi than thầm trong bụng, vậy thì ít nhất bốn năm nữa mới có thể đặt viên gạch đầu tiên cho cái hội trường mới, nếu giáo xứ tiếp tục gây qũy một năm một lần vào dịp Tết, và nếu vẫn nhận được sự hỗ trợ từ mọi người trong cộng đồng như hai năm nay. Kinh tế vẫn chưa thấy hồi phục, vật giá vẫn leo thang, hầu bao của các mạnh thường quân ngày một eo hẹp trong khi chi phí tổ chức lại gia tăng quá nhiều, mô hình tổ chức văn nghệ để gây qũy không biết còn cầm cự được bao lâu"

Sau phần chúc Tết nhau và ăn tối, lũ nhóc sắp hàng để được người lớn lì xì. Phần người lớn, mỗi gia đình được chú em chồng c ủa người viết tặng một tấm vé số Powerball trị giá năm chục triệu, kèm lời chúc may mắn. Tôi nhận tấm vé số rồi cười nói:

“Ai trúng số phải chia cho những người khác nha, và cũng đừng quên dâng cúng cho giáo xứ cái hội trường.”

“Nếu trúng độc đắc Powerball thì cúng nguyên một ngôi nhà thờ mới còn được chứ sá gì cái hội trường.” 

Người nào đó nhanh miệng trả lời và mọi người cùng cười xòa. Hy vọng là nếu trúng số thiệt, lúc giàu sụm rồi, vẫn còn lòng nhiệt thành với những công việc xã hội và cộng đồng.

***

Một tuần đã trôi qua mà không nghe thấy gì, người viết nghi tất cả mọi người đều trúng.. gió. Thôi thì vẫn tạ ơn bề trên và vui với những gì mình đang có, và tiếp tục cầu nguyện cho những ước mơ riêng và những dự định chung. 

Cùng với bài viết kể lại chuyện cộng đồng Công Giáo địa phương ăn Tết, người viết xin gửi đến quí độc giả Viết Về Nước Mỹ lời chào mừng đầu năm.

Cầu chúc tất cả quí độc giả năm Tân Mão an khang và nhiều phúc lộc. 

Cầu chúc cộng đồng người Việt khắp nơi ngày càng lớn mạnh, đặc biết trong các lãnh vực tôn giáo, văn hóa và từ thiện. 

Riêng với cộng đồng người Việt vùng St. Petersburg-Tampa-Clearwater và phụ cận, là nơi không có nhiều sinh hoạt văn hóa, cầu mong quí vị tiếp tục hỗ trợ các buổi văn nghệ gây qũy của chùa, nhà thờ và các cơ quan từ thiện trong tinh thần “trước mua vui, sau làm việc nghĩa.” 

Riêng người viết, Hội Chợ Tết Nhâm Thìn 2012, nếu còn ở bên miền Đông Nam và… còn sống (ai biết được chuyện gì sẽ xẩy đến trong tương lai, nhất và với tin đồn “giật gân” trên mạng là thế giới lại sắp… tận thế), vẫn xin được làm người bán rong với hy vọng góp thêm vài cục gạch vào công trình xây dựng hội trường của Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo. Hôm đó nếu có tình cờ gặp, quí độc giả mà được (hay bị) mời mua, thì xin đừng từ chối (“quê xệ” lắm người ơi). Nếu ai ở xa mà vẫn có nhã ý… góp gạch (để xây dựng hội trường chứ không phải để… “chọi” người bán hàng), người viết tin rằng giáo xứ sẽ hoan hỉ đón nhận. Còn ai muốn ăn thử bánh kẹp… trừu tượng (virtual cake), người viết cũng tình nguyện gửi theo đơn đặt hàng (vẫn một đồng một cái. Hìhì.)

Cầu mong những điều chúc tốt lành mà chúng ta trao nhau trong mùa “Xuân Hy Vọng” sẽ xẩy đến với từng người, từng gia đình, và kết quả những điều tốt lành đó sẽ lan ra cộng đồng nơi chúng ta sinh hoạt và sinh sống, và còn xa hơn nữa.

Mong lắm thay!

Nguyễn Trần Phương Dung

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 65,730,644
Tác giả là một Linh mục dòng truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago, đang ở Alice Springs, Northern Territory, lo cho thổ dân vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu. Với nhiều bài viết giá trị, ông là tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười, 2010. Sau đây là lời giới thiệu truyện:
-Ê, Chương, rảnh không, sáng nay thứ bảy 11 giờ lái xe tới nhà con gái tôi ở Anaheim Hills ăn bánh căng
Tôi sắp kể cho bạn một câu chuyện về một người bạn mà chúng tôi thường gọi hắn là Sáu Vạng
Hơn 35 năm trên quê hương mới mà tôi chỉ quanh quẩn ở miền California với hai mùa mưa nắng
Hùng vừa nhận được thư của Bích-Đào từ VN gửi qua Mỹ
Bất cứ người con gái nào lớn lên, đến tuổi trưởng thành cũng đều mơ ước một ngày bước lên xe hoa để làm vợ.
Con xin cảm ơn ông, bà, chú, bác, cô, dì, anh, em và bạn bè đã đến đây để góp lời cầu nguyện
Kể từ ngày mang thai đứa con đầu lòng, vợ chồng tôi đã dọn xuống căn nhà dưới
Tôi mệt nhọc với cuộc đời, Tôi khò khè với cuộc sống! Tôi làm hãng cam, làm anh cai.
- Tôi đã lấy được bằng lái xe! Tôi đã lấy được bằng lái xe!... - Phúc ơi! Lộc ơi! Má lấy được bằng lái xe rồi! - Ba mẹ ơi! Con lấy được bằng lái xe rồi! - Các em ơi! Chị lấy được bằng lái xe rồi!