Hôm nay,  

Những Con Mèo Dũng Cảm

07/01/201100:00:00(Xem: 295232)

Những Con Mèo Dũng Cảm

Tác giả:
Nguyễn Trần Diệu Hương
Bài số 3086-28386 vb6010711

Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 û, hiện cư trú và làm việc tại vùng San Jose,. Than gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, Nguyễn Trần Diệu Hương đã hai lần nhận giải. Năm 2001, giải danh dự với bài "Chương Kết Của Cuộc Đời". Bốn năm sau, với bài về một cựu sĩ quan VNCH và bài về một quả phụ Mỹ thời chiến tranh Việt Nam, cô nhận thêm giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2005. Bài mới của cô là chuyện kể về hai bà mẹ một mình nuôi con.

*
Tôi gọi cả hai người là Cô, một Cô là em ruột của Ba, và một Cô là cô giáo ở trường Trung học. Cả hai người đều tuổi mèo, không biết là "mão nào" trong giáp, ất, bính , đinh....., chỉ biết năm nay cả hai Cô của tôi đều đã bước vào tuồi bảy mươi.

Chuyện Bà Cô

Cô Linh là em gái của Ba tôi trong một gia đình khá đông con cùa ông bà Nội nhưng Ba và Cô rất thân nhau vì có một thời hai anh em đều trọ học ở Huế. Ba học đệ nhị cấp ở trường Khải Định (sau này đổi thành Quốc Học). Cô Linh học đệ nhất cấp ở Đồng Khánh. Sống xa nhà nên phải tự lo lấy tất cả mọi thứ trong một cái nhà trọ cho "học sinh trong Quảng ra thi" và trọ học. Ở tuổi muời sáu, không biết vì cô Linh đảm đang, nấu ăn ngon hay vì Ba tôi dễ tính, hai anh em đều khỏe mạnh và lớn nhanh như thổi. Mỗi lần về nhà nghỉ hay Tết, dù đang đi học không có nhiều tiền, nhưng cô Linh và ba cũng thu xếp mua mè xửng, kẹo cau đem về nhà làm quà từ những đồng tiền đi dạy kèm ít ỏi kiếm được.
Khi Ba để ý Mẹ (lúc đó học cùng trường, trên cô Linh hai lớp), cô Linh nhận lời làm "chim xanh" rất có hiệu quả và tích cực. Đến phiên cô Linh được một anh sinh viên Y người Huế, anh của một người bạn học cùng lớp, theo đuổi, Ba đáp lễ bằng cách "làm lơ" để lâu lâu cô Linh được đi chơi với bạn trai khoảng một tiếng vào ban ngày, vào lúc Ba rảnh để Ba có thể đạp xe đạp đi theo từ xa "giám sát tình hình". Cứ như vậy, mọi chuyện rất là êm xuôi, ông bà Nội đang đi dạy ở Quảng Bình không hề hay biết, vẫn tưởng cả con trai lẫn con gái còn hồn nhiên, ngây thơ chưa vướng vào "đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn"
Rồi Ba nhập ngũ ở trường Võ khoa Thủ Đức, không còn ai "giám sát" cô Linh trong những ngày trọ học ở Huế. Ông bà Nội vẫn không biết "sự tình" nhưng không muốn con gái trọ học một mình mà không có người "giám sát" nên "triệu hồi" cô Linh về nhà, tạm nghỉ học một năm; chờ năm tới, chú Kiên đủ tuổi vô Quốc Học, hai chị em sẽ ra Huế trọ học với nhau. Quan niệm thời đó, đàn bà con gái được học lên Trung học là "đạt yêu cầu", học sớm hay muộn không phải là chuyện quan trọng.
Ông bà Nội rất phong kiến, dạy các con theo kiểu "quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung. Phu xử tử vong, tử bất vong bất hiếu" nên cô Linh buồn bã về lại Quảng Bình trong khi cả trái tim đã để lại ở Huế.
Một năm trời qua rất nhanh, chú Kiên đậu vô Quốc học, cô Linh vui vẻ trở lại Huế học tiếp, mặc dù vì nghỉ một năm nên bị học dưới bạn mình một lớp. Chu Kiên được ông bà Nội dặn dò và "huấn luyện" kỹ luỡng để luôn luôn là "tai mắt của ông bà Nội ở Huế" coi chừng cô Linh, nhưng chú còn nhỏ, ham chơi nên cô Linh thấy thoải mái hơn thời còn trọ học với Ba.
Cô và người bạn trai đã hò hẹn kiểu thập niên 50 của thế kỷ hai mươi, nghĩa là mỗi lần cô tan học, anh sinh viên Y khoa ở Huế ngồi trên chiếc velo solex bên kia đường như đang chờ đón ai, thật ra là chỉ để thấy cô Linh ra trường, bốn mắt chạm nhau từ một khoảng cách cả trăm thước, nhưng với thời đó ở Huế (một thành phố bảo thủ, ngay cả người gánh đậu hủ đi bán rong cũng mặc áo dài) là cả một cuộc hẹn hò, và đã được gọi là "can đảm". Không biết đó có phải là tình yêu không" Nhưng nhìn nhau hằng ngày mà hai người không dám nói với nhau một lời nào!
Rồi anh sinh viên Y khoa ra trường và đi thực tập chuyên môn ở bệnh viện Chợ Rẫy (Sài Gòn). Tưởng là "tình đã bay xa" nhưng không biết duyên nợ từ kiếp nào, hơn 5 năm sau, qua một người quen mai mối, ông bà Nội bằng lòng gã cô Linh cho con trai một người bạn ở Huế.
Đến ngày đám hỏi, cô Linh mới biết được mặt hôn phu của mình. Và "đời bỗng đẹp như mơ", khi người đó đúng là anh sinh viên y khoa ngày xưa vẫn đứng ở trước cổng trường Đồng Khánh. Chuyện tưởng như mơ, vậy mà hạnh phúc màu hồng có thật và nằm trong tầm tay với của hai vợ chồng cô Linh.
Lấy nhau không lâu, chú Đạt, chồng cô Linh, bị động viên, và trở thành Bác sĩ Quân y. Chú đổi về Nha Trang, làm việc ở Quân y viện Nguyễn Huệ, và ba đứa con lần lượt ra đời ở căn nhà gần biển có mùi vị của đại dương pha lẫn mùi vị của hạnh phúc. Ngoài công việc ở quân y viện, mỗi tối chú vẫn làm việc ở phòng khám tư đặt ngay ở một góc vườn của cô chú. Những bệnh nhân nghèo thường được chú khám miễn phí và đôi khi cho cả thuốc mà chú vẫn được các dược phòng gởi biếu.
Chiến tranh càng khốc liệt, mỗi ngày rất nhiều thương bệnh binh được đưa về quân y viện, chú càng bận rộn, thường về trễ hơn giờ giấc bình thường. Nên người đến khám bệnh ở phòng mạch tư, đôi lúc phải ngồi chờ chú cả tiếng đồng hồ ở một góc vườn nhà của cô chú.
Có lần, cô Linh đi chợ về, tay xách giỏ, đầu đội nón lá, ăn mặc rất giản dị. Một người ngồi chờ ở phòng đợi dành cho bệnh nhân đến hỏi cô:
- Chị ơi, khi nào Bác sĩ về vậy chị"
Cô trả lời:
- Dạ tôi không biết.
Ông bệnh nhân hỏi tiếp:
- Có bà Bác sĩ ở nhà không vậy chị"
Cô điềm tĩnh trả lời:
- Dạ có, ông cần chi không ạ"
- Chị có thể cho tôi gặp bà bác sỉ được không "
- Dạ được, ông chờ cho một phút.
Cô đi vào ngã sau, và cho người nhà ra mời ông ta vào phòng khách. Gặp cô, người khách rối rít xin lỗi vì thoạt đầu thấy cô với cung cách giản dị, ăn mặc xuềnh xoàng, không phấn son như là đa số những "bà bác sĩ" khác, người ta đã tưởng cô là nguời giúp việc trong nhà. Cô cười nhũn nhặn:
- Dạ không có chi. Lâu lâu vẫn có người lầm như vậy.
Ba người con của cô chú đều thông minh, sáng sủa. Hạnh phúc lấp lánh, rạng rỡ phản chiếu trong ánh mắt của cô chú. Nhưng hình như hạnh phúc càng toàn hảo thì càng mong manh nên có lần ngồi bên nhau, chú chỉ cho cô thấy một vết bầm đỏ ở đùi của chú và thì thầm với nét đăm chiêu:
- Vết này cứ nằm ở đây hoài, y học chưa chữa lành được đâu.
Tưởng chỉ là những chia xẻ của chú về những vui buồn trong công việc hằng ngày. Không ngờ chỉ một tháng sau đó, vào khoảng giữa năm 1971, chú vĩnh viễn bỏ ra đi rất đột ngột, bỏ lại vợ đẹp con ngoan, vì bệnh ung thư máu.
Nỗi đau bất chợt và lớn đến nỗi cô Linh mất cảm giác. Suốt những ngày tang lễ, cô không có một giọt nước mắt, mặt mày thất thần. Cả bên nội lẫn bên ngoại đều sợ Cô bị bệnh thần kinh khi thành góa phụ ở tuổi 32 hết sức bất ngờ. Ba người con của cô chú thì ngược lại, vì nhỏ qua, không hiểu được nỗi đau mất cha nên vẫn cười đùa trong tang phục. Hai con trai của cô còn ngây thơ dùng gậy chống làm kiếm đánh nhau, như trong truyện tranh, bên quan tài của cha.
Từ nhà cô chú đến nghĩa trang nơi chú yên nghỉ ngàn đời dài hơn mười lăm cây số nhưng có nhiều lần cô Linh đi bộ một mình từ nhà ra thăm mộ chú đang trong giai đoạn xây cất rồi đi bộ về, tổng cộng gần ba mươi cây số, dài bằng khoảng cách giữa Sài Gòn và Biên Hòa, vẫn trong y phục đơn sơ và chiếc nón lá. Điều duy nhất khác đi là cái quai nón nhung đỏ đã được thay bằng một dãi vải sô trắng.
Một lần, đi thăm mộ chú về, giữa trưa trời nắng chang chang, cô vẫn đi không mỏi mệt, người cùng đi với cô hôm đó là chị Thuần, một người giúp việc nhà cho cô chú từ khi cô chú mới lấy nhau, than mệt. Cô và chị Thuần đứng lại ở một quán nước bên đường . Cạnh bên quán có một ông thầy bói. Chị Thuần rủ cô Linh đặt quẻ coi bói. Ông thầy bói nhận tiền quẻ, nói năm điều ba chuyện, rồi nhìn thấy cô Linh còn trẻ đẹp, ông thầy bói đoán:
- Số bà được hưởng phúc lộc từ chồng.
Ngồi bên cạnh, chị Thuần buột miệng:
- Thầy của tui vừa mới qua đời. Còn đâu phúc lộc mà hưởng !
Ông thầy bói lại đoán tiếp:
- Bà sẽ lấy chồng lại một lần nữa.
Vẫn im lặng từ đầu, khi nghe đến đây, cô Linh buộc miệng:
- Nếu phải đi bước nữa, chắc là tôi lấy ông chứ không lấy ai khác!
Rồi kéo tay chị Thuần đứng lên đi về. Chuyện nghe kể như là chuyện tiếu lâm kiểu ca dao dân gian Việt Nam
"Chỉ tay xem bói cho người.
Số Thầy thì để cho ruồi nó bu..."
Nhưng đó là chuyện thật của cô Linh, em gái ba tôi, một người đàn bà đẹp chắc là đã bị "trời xanh quen thói má hồng đánh ghen"
Từ khi chú qua đời, cô xin vào dạy ở trung tâm giáo dục Hàn Thuyên ở Nha Trang, một trường có cả nam sinh lẫn nữ sinh, từ lớp một đến lớp mười hai. Cô xin đi dạy ở đó, để có thể để mắt đến cả ba đứa con trong suốt thời gian đi học. Mục đích là vậy, nhưng đôi khi "nhân định không thắng nổi thiên định", nên khi con út của cô vừa lên lớp một thì biến cố tháng 4 /75 xảy đến, trung tâm giáo dục Hàn Thuyên cũng không còn, và các con của cô học ở hai trường khác nhau, trong khi cô lại dạy ở một ngôi trường khác. 


Đầu thập niên 80s, cô Linh gởi các con của cô vượt biên cả bằng đường bộ lẫn đường biển. Nhiều long đong, vất vả, có lúc phải vào tù ra khám, cuối cùng các con cô đã đến được quê hương thứ hai, bỏ lại cô một mình ở căn nhà kỷ niệm, với phòng khám bệnh tư của chú nay đã trở thành một phòng chứa đồ đạc, những thứ đồ dùng đã có từ lúc cô chú mới lấy nhau, nhưng đã trở nên có giá trị khi mang ra chợ trời trong một xã hội chủ nghĩa mà mọi thứ đều quý!
Những ngày cô đơn đó, các con đã ở Mỹ, cô chỉ còn nguồn an ủi duy nhất là bà Nội. Bà về ở hẳn với cô từ khi chú mất. Lúc đó, lâu lâu ghé thăm bà Nội và cô, tôi vẫn thấy cô đứng lặng người trước bàn thờ chú, nhìn đăm đăm vào hình của chú, vẫn còn khá trẻ khi vĩnh viễn ra đi bỏ lại cuộc đời. Hình như cô thoát ra khỏi khoảnh khắc hiện tại để vọng tưởng về kỷ niệm. Những lúc như vậy, tôi thấy cô giống tượng "Hòn Vọng Phu" trong huyền thoại và thi ca Việt Nam.
*

Chuyện Cô Giáo

Cùng tuổi con mèo như cô Linh, cô Hân là cô giáo dạy môn Quốc Văn ở trường Trung học ngày xưa của tôi. Tôi chỉ được biết Cô vài năm ở Mỹ gần đây qua cô giáo dạy sử năm lớp 7 ngày xưa nhưng quý Cô như một người thuộc thế hệ các bậc sinh thành vì Cô luôn luôn cho tôi những lời khuyên quý báu khi cần thiết.
Chúng tôi ở cùng một thành phố nhỏ của miền Bắc California. Cô Hân ở phía Nam, tôi ở phía Bắc, nhưng như vậy là rất gần ở Mỹ. Lâu lâu có những buổi họp mặt hay tiệc tùng có liên quan đến ngôi trường Trung học ngày xưa, tôi thường đến chở cô đi vì cô vẫn ngại :
- Bây giờ cô lớn tuổi rồi, phản ứng không còn nhanh nữa, cô chỉ dám lái xe đi những nơi gần nhà.
Những lần "dong ruỗi đường xa" trên xa lộ với cô, cô kể cho tôi nghe nhiều chuyện. Chuyện tôi nhớ nhất là chuyện cô đã can đảm gồng gánh gia đình một mình với bốn con thơ.
Cùng tuổi với cô Linh, cô Hân cũng đẹp và có hoàn cảnh tương tự như cô ruột của tôi. Nhà cô Hân ở ngoại ô Biên Hòa. Lúc cô đến tuổi vô Trung học, tỉnh lỵ chưa có được một ngôi trường Trung học nên học sinh muốn học Trung học phải lên trọ học ở Sài Gòn.
Học xong Trung học, cô vào Sư phạm và ra trường dạy môn Quốc văn ở các lớp đệ nhất cấp. Cô có cả "tiểu đăng khoa" và "đại đăng khoa" cùng lúc. Đám cưới của cô với một ông Bác sĩ quân y trẻ mới ra trường có rất đông những nhà văn, nhà thơ của thập niên 60s thế kỷ hai mươi ở Sài Gòn vì ba chồng của cô là một nhà văn rất nổi tiếng. 
Cô cũng có những năm tháng hạnh phúc vẹn toàn. Những đứa con kháu khỉnh lần lượt chào đời khẳng định hạnh phúc toàn hảo có thật trên đời. Chồng cô được biệt phái qua làm việc ở một bệnh viện tỉnh. Ông Bác sĩ trẻ cũng mở một phòng khám tư, chắc là "mát tay" (theo lời cô) nên ngày nào cũng rất đông bệnh nhân, nhưng ngày thứ tư là ngày bệnh nhân đông nhất vì đó là ngày ông khám bệnh miễn phí hàng tuần.
Cô đi dạy ở ngôi trường Trung học tỉnh lỵ, vẫn dung dị, khiêm tốn như ngày còn trọ học ở Sài Gòn ờ trường Gia Long và trường Sư phạm. Năm đầu mới đi dạy, cô mặc áo dài trắng, đi dạy bằng xe lam công cộng chở khách, ngồi lẫn cùng các nữ sinh, người ngoài nhìn vào cứ tưởng đó là một nữ sinh lớp mười hai.
Hạnh phúc của cô đang toàn vẹn như một viên kim cương không tỳ vết thì bỗng biến thành một giọt lệ khi không may chồng cô bị bịnh ung thư máu (leukemia). Thời đó, y học chưa phát triển như bây giờ, nên ông bác sĩ trẻ cũng ra đi ở tuổi ngoài ba mươi bỏ lại vợ đẹp, con thơ.
Tinh thần cô hoảng loạn. Màu hồng dường như đã biến mất khỏi cuộc đời trong cái nhìn của cô Hân. Nhưng cô vẫn phải tự đứng lên, can đảm sống, sống để nuôi các con nên người.
Cô xin đổi về trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn ở Sài Gòn, một trường dạy từ lớp một đến lớp mười hai cho cả nữ sinh và nam sinh để có thể vừa đi làm nuôi con, vừa để mắt đến tất cả các con của mình.
Tưởng là định mệnh chỉ thử thách cô đến vậy, nhưng biến cố tháng 4/75 lại đặt cô trước thử thách lớn hơn bội phần khi cô một mình mang cả bốn con thơ dại vượt đại dương. 
Nói theo ngôn ngữ của truyện Kiều "trời xanh quen thói má hồng đánh ghen" nhưng vẫn chừa cho cô một lối thoát nên chỉ một lần mang con ra biển, cô và các con đã tới bờ bến tự do bình an.
Ở quê người, chỉ có mấy mẹ con, được sponsor về Michigan đầu thập niên 80s, một nơi mà cô đã kể là mỗi lần đi làm trong mùa đông, trời và đất đều phủ tuyết trắng, cô vẫn nhớ đến mấy câu thơ :
.."Mình em một màu mắt,
Mình em một màu da,
Mình em mắt lệ nhòa..."
Dĩ nhiên là cô rất nhớ bục giảng, nhớ học trò xưa, nhớ và nhớ cả một quảng đời hạnh phúc nhất đã phải bỏ lại cùng với quê nhà ở sau lưng. Nhưng bổn phận của cô vừa là cha, vừa là mẹ, -ở quê người với mọi thứ đều khác: ngôn ngữ màu da, tập quán, văn hóa...-, nặng nề bội phần. Nhiều lúc tưởng chừng như cô không đủ sức gánh gồng bổn phận nhưng cô vẫn tự khuyên nhủ chính mình bằng một truyện ngắn của nhà văn Khái Hưng "Anh phải sống".
Cô lặng lẽ nuôi con, lặng lẽ đi làm công việc tay chân nuôi các con còn ở bậc Tiểu học. Sống ở miền Đông Bắc được hai năm, cô chở bốn con nhỏ và cả tài sản trên một cái xe Wolswagen đã trên mười tuổi đi dọc theo chiều ngang nước Mỹ, từ Đông sang Tây, về định cư ở ven biển miền Tây nắng ấm, khí hậu tương tự Đà Lạt của Việt Nam. Ngày đi, đêm nghỉ ở motel 6, và ghé vào các văn phòng địa phương ở rải rác khắp nước Mỹ của AAA, một tổ chức bảo hiểm xe cộ lớn nhất ở Mỹ, chuyên cung cấp bản đồ và chỉ đường rất tường tận, cụ thể cho khách hàng mua bảo hiểm phải lái xe xuyên bang. Thời đó, đầu thập niên 80s của thế kỷ hai mươi, chưa có computer, dĩ nhiên là không có mapquest, không có GPS. Nhưng cách làm việc rất có hiệu quả, và lòng tử tế của nhân viên AAA (American Automobile Association) đã giúp một người phụ nữ Việt Nam tỵ nạn, lưu lạc xứ người đưa các con đi dọc theo chiều ngang nước Mỹ bằng xe hơi đến nơi đến chốn an toàn. Họ cũng chỉ đường cho cô đến những supermarket dọc đường để mua sữa, mua thức ăn cho các con của cô. Vừa đi, cô vừa cầu nguyện cho mấy mẹ con đi an toàn, cầu nguyện cho chiếc xe cũ đừng giở chứng, nằm vạ dọc đường. Cậu con trai lớn nhất của cô lúc đó vừa mười ba tuổi, đã là một phụ tá rất đắc lực của mẹ trong việc nhìn bản đồ, và lo cho ba đứa em dọc đường. Cứ thế ngày đi, đêm nghỉ, mấy mẹ con đến California bình yên sau gần một tuần băng ngang nước Mỹ bằng chiếc xe cũ kỷ.
Về California, với sự giúp đỡ của một người bạn, Cô Hân ổn định đời sống, đi học, thi vào làm công chức cho chính phủ tiểu bang. Cô đơn độc nuôi dạy, hướng dẫn các con đi lên từng bậc, tiểu học, trung học, rồi đại học. Cô kể lại:
- Hồi đó, ngày nào Cô cũng cho tụi nhỏ ăn thịt gà vì gà vừa dễ nấu , vừa rẻ. Ăn trưa, ăn tối, từ thứ hai đến chủ nhật , thực đơn có thay đổi mỗi ngày nhưng tất cả món ăn đều chế biến từ thịt gà. Đến nổi mãi đến bây giờ tụi nhỏ vẫn còn "sợ" thit gà. Nhưng chắc là thương Mẹ vất vả một mình nên không đứa nào nở nói ra !
Mỗi dịp Tết Việt Nam, từ mùa Đông trắng xóa ở Michigan xưa cũ đến cái lạnh se sắt có một chút nắng nhạt mỗi ngày ở California bây giờ, Cô Hân vẫn làm bằng tất cả khả năng của mình để có được mùi hương trầm ở bàn thờ ông bà tổ tiên, tập cho các con của Cô , mặc dù lớn lên ở Mỹ nhưng vẫn biết giữ được tục lệ truyền thống đón ông bà ngày ba mươi, và đưa ông bà ngày mùng ba Tết. Tụi nhỏ vui vì có được một không khí ấm cúng, những món ăn ngon lạ ngày Tết , nhưng đó là những ngày cô Hân buồn nhất khi nghĩ đến thân xác chồng ở một góc quê nhà không ai hương khói.
Vài năm gần đây, Cô về hưu, làm tròn bổn phận với cả đất nước lẫn gia đình. Không ai có thể đòi hỏi thêm sự đóng góp của Cô nhưng Cô vẫn làm việc thiện nguyện mỗi tuẩn bốn tiếng đồng hồ bằng kiến thức và kinh nghiệm cùa Cô trong hơn hai mươi năm làm việc ở Mỹ.
*
Tết này, cả hai "Cô" của tôi, "hai con mèo xinh xắn rất hiền lành nhưng dũng cảm" - vẫn sống lặng lẽ bên đời từ tuổi ba mươi- đều đã có mái tóc màu muối tiêu nhưng nét đẹp thời xuân sắc vẫn còn phảng phất.
Bầy con của hai Cô, những em bé ngây thơ không biết gì ngày ba mất, đã trở thành những người trung niên thành công ở Mỹ. Và vì có được hai bà mẹ nuôi con một mình rất chu toàn nên họ đều rất biết ơn và rất thương mẹ, một người phải gánh vác cả hai vai trò của cả cha lẫn mẹ..
Ờ miền Đông Bắc nước Mỹ, cô Linh đã qua đoàn tụ với các con từ gần hai mươi năm qua, không còn buồn như đầu thập niên 70s khi chú Đạt mới mất. Mỗi độ Xuân về, Cô vẫn dọn mâm cơm ngày Tết rất truyền thống với những món chú thích dù hôm đó lá cuối tuần, các con cháu về đông đủ; hay là ngày giữa tuần chì có mỗi một mình Cô lặng lẽ ra vào bên di ành chú..
Ở miền Tây Nam Hoa kỳ, Cô Hân vẫn dậy sớm mỗi ngày mùng một Tết âm lịch, tự nấu nước sôi pha trà sen đậm đặc như ý chồng ngày xưa. Cô vẫn đặt cái khay có hai tách nhỏ cùng một bình nước trà lên bộ bàn ghế nhỏ cho hai người ngồi, mặc dù cái ghế bên kia vẫn bỏ trống từ gần bốn mươi năm nay.
Trong tâm tưởng của cả hai Cô- "hai con mèo đã một thời ngái ngủ trên tay anh"- vẩn quay lại cuốn phim hạnh phúc rực rỡ như hoa lá mùa Xuân. Và thời tiết băng giá màu trắng cùa đất trời mùa Đông ở Mỹ cũng chợt phảng phất màu vàng cùa hoa mai, màu xanh lá cây của bánh chưng ngày Tết, và màu hồng của hạnh phúc
Nguyễn Trần Diệu Hương

Ý kiến bạn đọc
11/01/201119:05:44
Khách
Bai viet "Toi Lam Mong" cua chi Phan Ngoc Vinh chan thanh va duyen dang ! Xin duoc lam quen !
21/01/201121:13:32
Khách
Chuyen cam dong
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 66,335,722
Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Trước ở Việt Nam, là cô giáo dạy Việt văn tại một vài trường trung học Miền Nam, nhưng chưa từng viết văn.
Có một lúc nào đó Tuấn ngồi một mình lặng nhìn những tia nắng chiếu qua khe cửa
Tôi có duyên với đạo Phật từ lúc còn rất nhỏ
Ai có về Miền Trung nước Việt, ắt hẳn xe phải băng qua cái địa danh mang tên Xóm Dép Lốp
Chiều Chủ Nhật, tôi một mình đến nhà Quang, một thằng bạn thân nhưng ít gặp, ăn Sinh Nhật con gái đầu lòng của nó
Trước 1975, tác giả là một sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên từ 2009, Rau Muống Xào Dầu.
Em tên Lan. Quê em ở ngoài Trung
Đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên vừa được viết trong mùa Lễ Tạ Ơn. Tác giả tên thật là Đỗ Quyết Thắng, sinh năm 1959.
Tôi tin là tất cả mọi việc xẩy ra trên đời nầy đều có lý do và dù có “chạy trời cũng không khỏi nắng”
Nhạc sĩ Cung Tiến