Hôm nay,  

Đám Tang Hồn Ma

11/11/201200:00:00(Xem: 253143)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả là một Linh mục dòng truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago, đang ở Alice Springs, Northern Territory, lo cho thổ dân vùng sa mạc đất đỏ Úc Châu. Với nhiều bài viết giá trị, ông là tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười, 2010. Bài viết mới nhất của nhà văn linh mục là một truyện ngắn, được tác giả giới thiệu như sau:

“...Người vừa nằm xuống, thiên hạ mới chuẩn bị việc hậu sự tang chế lo chôn cất. Nhưng Đám Tang Hồn Ma lại bàn về hai đám tang cho những người đã chết và được chôn cất từ lâu trong quá khứ… Những nhập nhằng giữa quá khứ và hiện tại có những lúc rối như tơ vò, làm nhiều người không còn nhận ra đâu mới là sự thật và ánh sáng. Bởi thế, có người cầm đèn tắt sáng đi trong đêm đen mà vẫn cứ tưởng là mình đang đi giữa thanh thiên bạch nhật. Nhưng nếu được giúp đỡ bởi Trời và bởi người, tơ rối rồi cũng được gỡ cởi… Truyện ngắn Đám Tang Hồn Ma do đó xoáy mạnh vào khoa tâm lý cùng khả năng hóa giải những hệ lụy quá khứ của Trời cao...”

Từ Trung Tâm Y Tế về tới nhà, Tâm mệt mỏi, bụng ê ẩm nhói đau. Mất máu nhưng vô nước biển liên tục, cộng thêm tuổi ba mươi tràn đầy sinh lực, Tâm chỉ nằm dưỡng bệnh mấy ngày, rồi đi làm lại, bình thường. Chiều, Tâm vẫn đi học. Hơn tháng nữa, lớp Toán Điện chương trình Master sẽ chấm dứt. Ngày từng ngày trôi qua. Gần một tháng.

Tối hôm đó, Chúa Nhật, hài nhi hiện ra. Đứa bé khóc. Tiếng khóc đói sữa trẻ sơ sinh bật sáng đêm đen. Tiếng khóc nỉ non gọi mẹ xé rách toang bóng tối dầy đặc đêm tối tháng Mười Một. Tiếng khóc vang vọng xô đẩy vành tai, xoáy tròn đâm thốc màng nhĩ. Tâm ngồi bật dậy, hốt hoảng nhìn quanh!

Đầu giường, khuôn mặt đứa bé nhập nhòe độ sâu bóng tối. Nàng ngại ngùng bước tới. Nàng cầm bình sữa nóng ngập ngừng trao đứa nhỏ. Đứa bé cầm lấy, ngơ ngác nhìn, ném thẳng bình sữa vào mặt nàng. Nàng nghiêng mình né. Bình sữa xoáy tròn không trung, đập mạnh bức tường, vụn tan từng mảnh thủy tinh nho nhỏ sắc sắc nhọn. Sữa trắng đổ mồ hôi loang lổ lăn dài những dòng máu đỏ. Máu đỏ tươi chảy xuống ngập tràn màu thảm xanh rêu. Máu đỏ đậm thè lưỡi liếm mép vải trải giường trắng toát. Máu đỏ đặc dâng cao, dâng cao, dâng cao ngất! Tâm nằm trên giường ngập biển máu. Máu đỏ ối ngập miệng. Tâm hét lên!

Nàng choàng dậy, mồ hôi ướt đẫm, bụng dưới đau nhoi nhói. Nàng trằn trọc cả đêm.

Sáng, 9 giờ, Tâm bước vô văn phòng sau một đêm chập chờn ác mộng. Nàng dí dỏm trả lời điện thoại, sắc giọng đưa ra những nhận xét trong buổi họp đầu tuần. Nhưng, tới giờ ăn trưa, nàng kiếu, nói no, không đi ăn với đồng nghiệp. Chui ra xe, nàng ngủ một giấc. Tỉnh dậy, Tâm khỏe hơn. Trước khi bước ra khỏi xe, nàng soi gương; nàng lấy giấy napkin lau khô hai dòng nước chảy dài bên khóe miệng; nàng tô lại đôi môi nhợt nhạt màu son; nàng xoa phấn hồng chung quanh quầng mắt thâm đen. Nhìn lại khuôn mặt lần nữa, nàng yên tâm bước vào văn phòng. Chiều, 6 giờ, Tâm về tới nhà, mệt nhoài, nhưng vẫn lái xe tới trường. Lớp học khá dài với mạch điện chằng chịt rối tung. Tối, 10 giờ, Tâm về tới nhà, ăn tô mì cay Nongshim. Ăn xong, không đánh răng, không xúc miệng, không bôi kem dưỡng da, nàng ngã người xuống mặt giường, chìm vào giấc ngủ, giấc ngủ cọ xát thớ thịt cần cổ, mở rộng đôi môi, đóng chặt mi mắt. Nàng nghe tiếng ngáy ròn tan, tiếng thở ồ ề nặng nề nơi cuống họng.

Tối hôm sau, tối thứ Ba, ác mộng lại đến. Đứa bé lần này ngồi khóc ở đầu giường lâu hơn, hình như bé trai. Đứa nhỏ đứng dậy lần bước về phía nàng. Từng bước, từng bước đứa nhỏ bám mép giường lẫm chẫm đi tới, cánh tay ngắn ngủi mập mạp no căng sữa đập vào đùi, miệng cười toe toét thích thú. Bất ngờ đứa bé nhảy tới, phóng thẳng vào bụng Tâm.

Tâm hốt hoảng ngồi bật dậy nhìn xung quanh! Lưỡi nàng khô ran, cổ đắng nghét. Bóng đêm bao phủ căn phòng. Nàng sờ soạng tìm kiếm ngọn đèn ngủ. Nàng nặng nhọc lê gót tới nhà bếp. Mở tủ lạnh tìm chai nước, ngồi xuống bàn ăn, nhìn về phía đầu giường, Tâm nhớ lại từng chi tiết cơn ác mộng. Nàng nhìn ra ngoài, trời tối đen, đêm đen dầy đặc, đêm đen mịt mờ, đêm đen ma quái, đêm đen đe dọa. Bỏ ly nước trên bàn, nàng chui vào mền. Thò tay ra vặn tắt ngọn đèn, nàng đếm từ một. Giấc ngủ nặng nề kéo đến.

Tối hôm sau, tối thứ Tư, Tâm nhận ra hình dạng hài nhi, bé trai, mái tóc cắt ngắn sát gáy, mặt xương xương, mắt một mí, miệng cười móm xọm ngước nhìn Tâm u ơ hóng chuyện.

Tâm mở mắt ra. Mặt cô đẫm nước mắt! Tâm khóc trong cơn mơ...

Cứ thế, liên tục mấy ngày liền, đêm đen nặng nề bao phủ với hài nhi hiện ra đều đặn trong giấc ngủ.

Chiều thứ Sáu từ văn phòng Tâm lái xe về thẳng nhà chị gái. Nhìn Tâm, Hoa nhíu mày quan sát,

— Sao mặt mày xanh lè như người sẩy thai vậy?

Tâm buông mình rớt xuống ghế, thở dài sườn sượt kể chuyện. Hoa cự nự,

— Mày thấy chưa… Tao đã nói với mày bao nhiêu lần rồi! Thằng Nhiên ti hí mắt lươn! Hạng người đó làm sao mà tin cho được...

Tâm cúi mặt kiên nhẫn chịu đựng. Hoa dịu giọng,

— Bây giờ mày tính sao?

Tâm chép miệng, thở dài,

— Em…em cũng không biết nữa...

Hoa dừng lại một phút, giọng thì thào,

— Hay là ngày mai mình lên chùa…

Tâm cau mày, ngắt ngang,

— Để làm gì?

Hoa mắng em,

— Còn để làm gì? Thế mà cũng hỏi. Lên chùa xin mấy thầy làm lễ cầu siêu chứ còn để làm gì… Dám chết giờ trùng, giờ nó hóa oan hồn đi theo phá mày rồi đó… Mày thấy chưa? Mấy đêm rồi, nó hiện ra…

Tâm nhăn mặt,

— Chị, vớ vẩn. Thời buổi này mà còn tin chuyện tào lao, nhảm nhí…

Hoa cự nự,

— Mày báng bổ thần thánh có bữa ông bà vật cho đáng đời...

Tâm cúi mặt nhìn xuống đất. Hoa nhìn ra khung cửa. Bên ngoài màn đêm buông mình chập chờn bao phủ không gian. Cột điện gỗ đứng khẳng khiu trơ trọi bên vệ đường hiu hắt buông tỏa ánh điện vàng vọt bệnh hoạn. Bên ngoài phòng khách, bà Thế đang ngồi coi phim ma, giọng nữ chuyển âm phim Hàn Quốc bỗng dưng hét to như ma đuổi. Bên trong căn phòng, bóng tối tiếp tục bao phủ. Hoa thở dài,

— Thôi! Ở lại đây đi… Tối nay ngủ lại đây với chị.

Nửa đêm về sáng, Hoa lay gọi Tâm,

— Tâm! Tâm!

Vẫn như tuần trước, đứa bé hiện ra, vẫn ngồi ở đầu giường khóc tỉ tê, vẫn với tiếng khóc của đứa con nít khát sữa, đứa nhỏ má đỏ au, nhạt nhòe nước mắt nước mũi. Nhận ra Tâm, đứa con trai giơ hai tay ra. Tâm cúi xuống, bế đứa nhỏ vào lòng. Đứa con dựa đầu vào vai Tâm tiếp tục khóc. Tâm bế con đi tới đi lui, tay vỗ nhè nhẹ vào lưng đứa bé. Tiếng khóc nhỏ dần nhỏ dần. Cúi xuống nhìn, nàng nhận ra mình ôm gọn trong lòng bộ xương đang rữa thịt. Mùi hôi thối xông thẳng vào mũi. Tâm nghẹt thở. Nàng hét lên…

— Tâm! Tâm! Mày làm sao vậy?

Tâm mở mắt ra, ngồi bật dậy. Cổ họng khô ran. Lưỡi đắng nghét.

Nàng bước xuống giường, lần bước đi xuống nhà bếp. Tâm nhìn qua khung cửa. Bên ngoài trời tối đen. Gió thổi khua động tàn lá cây bên khung cửa nghe xào xạc rờn rợn. Tâm nhớ lại khuôn mặt đứa bé trong giấc mơ. Tâm biết đó là khuôn mặt của Nhiên…

…Nhiên, năm 75, hai tuổi di tản sang Mỹ với bố mẹ. Nhiên mặt xương, mắt một mí, miệng móm. Mẹ mất sớm, Nhiên lớn lên với bố ở khu downtown ổ chuột Boston. Nhiên gặp Tâm trong chương trình văn nghệ Tết sinh viên Việt Nam đại học Massachusetts Institute of Technology tổ chức. Tâm không hiểu tại sao mình yêu Nhiên! Nhiên nhìn bình thường như bao nhiêu thanh niên khác, sợ nhiều khi còn tệ hơn. Tâm lại còn biết rõ Nhiên sống với chủ thuyết lè phè, bởi Nhiên ưa nhún vai nói kiểu bất cần đời,

— Mọi việc đều có thời, một thời sinh ra, một thời chết đi. Ai cũng sinh ra một lần, rồi chết ngỏm củ tỏi. Vậy thì tội chi phải hành hạ thân xác cho khổ cái thân! Nhìn đi, bố anh, Đại tá đó, năm 75 bỏ chạy một mạch, giờ trắng tay…

Tâm nhìn Nhiên muốn nói không tính toán lần sau kẹt tiền, đừng chạy tới mượn em. Nhưng nhìn nụ cười móm xọm của Nhiên, Tâm không hiểu sao mình lại mềm lòng như cọng bún.

Tâm nói,

— Em gặp bác sĩ ngày hôm qua. Bà ta nói em có thai…

Nhiên mặt xanh lét,

— Mấy tháng rồi?

— Hơn một tháng.

— Giờ tính sao?

Tâm cười, ngồi xuống cạnh Nhiên,

— Thì anh nói rồi đó. Mọi việc đều có thời. Một thời để bồ bịch và một thời để lấy nhau…

Nhiên ngơ ngác, nói ngay,

— Nhưng anh vẫn còn đang đi học …

Tâm tái mặt, gằn giọng,

— Em đã nói với anh bao nhiêu lần rồi. Tiền bạc đám cưới không phải vấn đề đối với em…

Tâm nuốt nước miếng, ngăn lại giọt nước mắt, đứng dậy bỏ đi,

— Em cho anh ba ngày. Anh về nhà suy nghĩ kỹ đi.

Ba ngày sau Tâm gọi lại lúc khuya. Giờ này Nhiên chắc đang ngồi coi TV, trận bóng rổ. Điện thoại reng ba tiếng. Không ai trả lời. Có lẽ Nhiên đang mắc kẹt trong nhà tắm.

Đợi thêm mười năm phút, Tâm hồi hộp gọi lại một lần nữa. bên kia đầu dây vẫn lặng câm.

Thêm ba mươi phút nữa, Tâm hờ hững gác điện thoại.

Nàng vô nhà tắm rửa mặt. Nhìn khuôn mặt trong gương, Tâm xoa nắn nét nhăn mờ mờ bắt đầu xuất hiện dưới khóe mắt. Tâm ứa nước mắt. Nàng khóc. Nước mắt ngắn dài chảy xuống gò má. Nàng trách mình dại khờ. Nàng thẫn thờ suy nghĩ về tương lai và bào thai trong bụng.

Tâm ra ngoài phòng khách nhấc điện thoại, nàng muốn gọi Nhiên thêm một lần nữa, nhưng cương quyết lắc đầu. Nghĩ tới chị Hoa, nàng muốn lái xe sang nhà mẹ. Nhớ tới bà Thế, Tâm ngần ngại...

Ông bà Thế sinh được hai người con. Ông Thế chết khi Hoa hơn bẩy, Tâm một tuổi. Khi lên sáu, Tâm vượt biên qua Mỹ với chú Hòa, em ruột ông Thế. Hai mươi năm sau, Tâm bảo lãnh bà Thế và chị Hoa qua Mỹ. Cùng thời gian đó, Tâm được đề cử làm Kỹ sư trưởng hãng Intel. Tâm khóc đỏ nước mắt khi gặp lại mẹ và chị tại phi trường. Nàng tưởng giờ này hạnh phúc… Nhưng không ngờ, tự nhiên Tâm mất ngủ, tối trằn trọc, tinh thần bất ổn, mất khả năng tập trung, ăn không ngon, đầu lưỡi nhàn nhạt như người cúm. Bác sĩ gia đình nói nàng bình thường, đề nghị Tâm gặp bác sĩ tâm lý.

— Cô Tâm lập gia đình chưa?

— Chưa, em chưa…

— Cô sinh ở Việt Nam?

— Dạ.

— Cô Tâm rời Việt Nam khi nào vậy?

Chỉ một câu hỏi đơn giản mà Tâm khựng lại như vấp phải tảng đá lớn. Nàng như ngã chổng gọng trên mặt đường, mắt mở lớn nhìn chòng chọc vào mặt bà bác sĩ tâm lý. Tâm ôm mặt bật khóc nức nở, nước mắt tuôn tràn, chảy len qua kẻ tay, rớt xuống sàn từng giọt.

Tâm nói hồi đó bố con Thúy sún mua cho nó con búp-bê mắt nhắm mắt mở. Bé Tâm chạy về nhà giật áo mẹ hỏi,

— Mẹ ơi, bố đâu rồi?

Bà Thế ngạc nhiên,

— Để làm gì?

— Con muốn bố mua búp bê cho con.

Bà Thế lấy con búp bê Hoa vứt bỏ trong tủ đưa cho bé Tâm. Bé Tâm cầm búp bê ném thẳng vào góc nhà, ngồi khóc, đòi bố. Bà Thế ôm bé Tâm vào lòng dỗ con,

— Bé Tâm ngoan, nghe lời mẹ, mẹ cho bé Tâm về quê chơi với chú Hòa nhé.

Bé Tâm lắc đầu, đòi ở nhà với mẹ. Bà Thế nói,

— Ở dưới quê có búp bê mắt nhắm mắt mở, tóc vàng như tơ, tha hồ cho bé Tâm chơi búp bê…

Ngày hôm sau bà Thế mang bé Tâm giao cho chú Hòa. Sau một tuần lễ lang thang, thuyền tỵ nạn đặt chân tới trại tỵ nạn Bidong. Một năm sau, bé Tâm và gia đình chú Hòa đặt chân tới phi trường LA.

Hồi đó những lúc bé Tâm khóc đòi về nhà với mẹ với chị Hoa, chú Hòa hay dẫn bé Tâm ra thương xá mua những con búp bê mắt nhắm mắt mở thật to. Thím Hòa nhiều lần cằn nhằn, “Anh thương cháu còn hơn thương con!”.

Mười năm sau, xe vận tải cán nát chú Hòa trên xa lộ 101. Hôm đám tang, Tâm khóc gào khản đặc. Từ hôm đó, Tâm hay nhốt mình trong phòng. Càng lớn Tâm càng lầm lì ít nói. Càng lớn Tâm càng vùi đầu vào sách vở, dấu mình trong thư viện. Cuối năm trung học, Tâm nhận được học bổng trường đại học kỹ thuật lừng danh MIT. Tâm rời nhà thím Hòa, mang theo tấm hình chú Hòa mặt xương xuơng, mắt một mí, miệng móm xọm, cười tươi…

Bác sĩ đặt vấn đề,

— Tại sao cô Tâm lại nhớ tới khuôn mặt xương xương, đôi mắt một mí và cái miệng móm của chú Hòa vậy nhỉ?

Tâm dừng ngang những hàng nước mắt. Nàng ngỡ ngàng tự hỏi tại sao?

Bác sĩ đề nghị Tâm viết hồi ký…

Tâm về nhà, tối tối ngồi viết…

Hồi đó con Thúy sún cứ hay lêu lêu con Tâm ghẻ không có bố cho nên không có búp bê… Hồi đó mẹ đẩy ra khỏi vòng tay… Hồi đó chú Hòa chết đi bỏ lại một mình bơ vơ…

Càng viết, Tâm càng bồi hồi thổn thức, khóc to. Càng khóc, Tâm càng vơi bớt muộn phiền chôn sâu mộ tối. Cuối cùng nàng nổi lửa đốt cháy tất cả. Trong ngọn lửa tro tàn những trang hồi ký, Tâm nhận ra chú Hòa miệng cười với Tâm, tay chú đưa ra con búp bê tóc vàng óng. Trong ngọn lửa, Tâm cũng thấy hình ảnh cô bé Tâm gầy còm đen thui ngồi khóc một mình bên bờ biển Bidong. Ngọn lửa cháy bùng thiêu đốt thổi khô những giọt nước mắt của người con gái…

Một tháng sau, đầu óc Tâm trở lại sắc bén linh hoạt như xưa.

Bác sĩ tâm lý nói,

— Xong một đám tang hồn ma.

Sáng hôm sau, bình minh chiếu xiên xiên khung cửa đẩy bước chân Tâm vào nhà bếp kiếm tìm. Tâm thấy Hoa đang lui cui pha cà-phê.

— Mày tối hôm qua ngủ mớ, la hét om xòm à!

Tâm nhìn quanh, nói khe khẽ,

— Chị ăn sáng xong, hai chị em mình đi lên chùa nhé. Chùa tên gì nhỉ? Em quên rồi…

Hoa dừng tay, quay một vòng, trợn mắt nhìn Tâm. Tâm cúi xuống, mặt ngượng ngùng. Hoa bước tới, đưa ly cà-phê cho Tâm,

— Chùa Quan Thế Âm. Uống cà-phê đi. Chị vô phòng thay áo dài...

Tâm nói với theo,

— Chị, chị có miếng vải trắng không?

— Vải trắng? Có… Nhưng để làm gì?

Trên chùa Quan Thế Âm, Tâm xin sư trụ trì một lễ giải oan cho đứa con chưa chào đời. Từng tiếng mõ êm dịu gõ xuống, từng âm kinh bay lên cao quyện với hương trầm biến thành nước Cam Lồ Phật Bà tưới xuống trần gian mát dịu lòng người,

Trong cõi nhân sinh,
Hệ lụy chập chùng,
Hồn thác hồn sinh,
Thôi những muộn phiền,
Bay lên Phật điện.

Quỳ trước điện Phật thơm ngát hương trầm, Tâm đầu quấn khăn tang trắng nhạt nhòa nước mắt để tang đứa con chưa bao giờ thấy mặt.

Tâm nói không phải mẹ muốn bỏ con, con trai của mẹ. Mẹ muốn gồng mình chịu đau mang con ra đời. Mẹ muốn con đỏ hoe khóc oe oe trong vòng tay mẹ. Mẹ muốn bế con trong tay. Mẹ nựng. Mẹ hôn. Mẹ bẹo đôi má mập mạp ửng đỏ sữa thơm. Mẹ muốn con khóc đòi mẹ những khi tròn miệng ngáp ngắn ngáp dài sau giấc ngủ say. Mẹ muốn con khóc đòi thay tã mới. Mẹ muốn con mọc răng, ấm đầu nóng sốt; mẹ bồng con lên, mẹ bế trong lòng, đầu con gục vào vai mẹ, nước mắt con vương vãi trên cổ trên lưng áo mẹ. Mẹ muốn con cười móm mém hở lợi u ơ nói chuyện. Mẹ muốn con bám ghế, bám giường lẫm chẫm đi, vừa đi con vừa toét miệng cười, bàn tay mập mạp ngắn ngủn đập đập đôi chân cong vòng mừng vui thích thú. Mẹ muốn con khoác áo vét thắt nơ khi con lên mười, mẹ chở con tới nhà hàng ăn tiệc cưới. Mẹ muốn nhìn thấy con vươn cao từng phân. Mẹ muốn ngắm nhìn con râu mọc lưa thưa trên mép bước vào đời. Mẹ muốn trong nhà nhộn nhịp tiếng chuông điện thoại của bạn con. Mẹ muốn tất cả. Mẹ muốn được làm mẹ của con. Mẹ muốn con là con trai của mẹ. Bởi bố từ chối sự hiện diện của con. Mẹ thất vọng. Mẹ hụt một hơi thở. Mẹ đau nhói trái tim. Mẹ giận. Mẹ sợ dư luận. Mẹ trở thành ích kỷ. Mẹ quên đi con trai của mẹ. Và mẹ bỏ con như hồi xưa bà ngoại đẩy mẹ ra khỏi vòng tay, như ông Hòa chết đi bỏ lại mẹ mồ côi một mình. Lỗi tại mẹ! Tất cả tại mẹ!

Nhang thơm bay lên lung linh trước điện Phật. Trong làn nước mắt, Tâm thấy Đức Phật mở miệng cười với nàng, nụ cười từ bi, khoan dung, và độ lượng.

Boong! Boong! Boong!

Thứ Sáu cuối tuần, Tâm bước vào quán Apple Bees với mấy người bạn.

— Hello, Tâm?

Tâm nhoẻn miệng cười, nhìn,

— Hello, Nhiên.

— Tâm lúc nào cũng đẹp rực rỡ như công chúa Diana.

Vừa nói Nhiên vừa ghé sát miệng vào tai của Tâm. Tâm nhìn Nhiên, khuôn mặt đó vẫn xương xương, đôi mắt đó vẫn một mí, cái miệng đó vẫn móm xọm. Tâm nhìn kỹ khuôn mặt một thời hớp hồn nàng, một thời nàng say rượu. Tâm lắc đầu. Tâm nghiêng người né tránh.

…Hết rồi Nhiên ơi. Hết rồi một thời đắm say. Hết rồi một khoảng thời gian mê mệt. Nhiên ơi! Cám ơn Nhiên cho những ngọt ngào một thuở. Cám ơn đã từ chối không cho em choàng khăn voan mặc áo dài trắng. Cám ơn đã cho em cơ hội để cuối cùng em khám phá ra em không yêu như em đã từng tưởng rằng em yêu anh tha thiết. Cám ơn Nhiên đã tới quán tối nay để em gặp lại anh, để em biết rằng anh thôi làm bóng ma ám ảnh tâm hồn.

Nhiên ơi! Thôi hết rồi một thời đám tang hồn ma.

Nguyễn Trung Tây

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 69,972,457
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA. Bài mới của tác giả kể về một cô giáo cũ.
Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Thanh Mai cho biết cô qua Mỹ từ năm 1993, hiện là Electronic Technician của Honeywell Minnesota. Bài mới nhất của cô là một truyện ngắn về đời sống Mỹ, với đủ loại bảo hiểm và chuyện “đầu tư” cho con cái.
Tác giả sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, đang làm việc trong phân xưởng in của một nhà máy tại địa phương. Sau đây là bài Viết Về Nước Mỹ thứ tư của cô.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả từng nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù, ông cùng gia đình đến Mỹ từ tháng 11/1994 theo diện HO, định cư tại Boston. Công việc từng làm: thông dịch cho Welfare, social worker, phụ giáo, tutor toán ở Middle School của Boston Public Schools. Bài mới nhất của ông là một du ký vui về chuyến đi Âu châu.
Tác giả là một huynh trưởng hướng đạo, đồng thời cũng là một nhà giáo, hiệu trưởng trường trung học St Ignatius College Prep tại Fort Worth, Texas. Nguyễn Đức Thắng là tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài đặc biệt kể về "Người Vợ Bắc Kỳ" -hiện đã có trên 60,000 lượt người đọc. Bài viết mới của ông là chuyện về một đêm Halloween, và “mặc cảm phạm tội” của chàng với bà vợ bắc kỳ mà tác giả gọi đúng kiểu bắc kỳ xưa là “nhà tôi”.
Với kiểu “viết như nói”, tác giả đã góp nhiều bài viết và nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2005. Cô tên thật là Trần Thị Ngọc Trâm, sinh năm 1965 tại Saigon, thứ nữ một gia đình H.O. Công việc đang làm: nhân viên xã hội tại Salem Oregon. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả định cư tại Mỹ năm 2000, hiện là cư dân Boston và làm việc trong một bệnh viện của tập đoàn Partners. Với bài “Đoá Hồng Bạch” tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012 và đã từ miền Đông bay về Little Saigon dự họp mặt năm thứ 12 của giải thưởng Việt Báo. Bài viết mới nhất của cô kể về trận siêu bão Sandy vừa tàn phá miền Đông, nhìn từ Boston.
Tác giả đang sống tại Saigon, thường viết chuyện về Việt kiều và quê nhà, đã nhận giải thưởng đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2005. Năm 2007, bài "Gả Con Cho Mỹ" của ông vào danh sách 10 bài được đọc nhiều nhất trên Việt Báo Online. Bài viết mới của ông là một du ký kể chuyện đưa bà con Việt kiều đi từ Nam ra Bắc.
LTS. Năm (5) ngày trước khi bầu Tổng Thống Mỹ 2008, Việt Báo Daily News số đề ngày Thứ Sáu 31-11-2008, có đăng bài của tác giả Quân Nguyễn, "Xem Số Obama."
Tác giả là một kỹ sư điện toán cho một công ty tại Arizona. Là con một gia đình H.O., từng trải qua nhiều năm khốn khó khi miền Nam đổi đời, Nguyễn Khánh Vũ đã góp nhiều bài viết xúc động khi tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Bài mới của ông là chuyện bầu cử, nhân ngày tổng tuyển cử 6-11 sắp tới.