Hôm nay,  

Cần Ốm Nặng, Ít Nhất Một Lần

02/11/201200:00:00(Xem: 194871)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả sống ở Canada trước khi qua Mỹ vào năm 2005, hiện là cư dân Riverside và làm việc trong ngành ngân hàng. Bài viết đầu tiên của cô mang tựa đề “Chuyện Thằng Bin Con Bush” đã được trao Giải Đặc Biệt VVNM 2009. Tựa đề bài viết thứ hai của cô trích từ một tiểu thuyết của nhà văn Nodar Dumbatze, có dẫn giải trong bài.

Đời sống bận rộn, nhiều áp lực tại Mỹ khiến có khi người ta tự hỏi ở Mỹ có gì sướng. Việt kiều Mỹ mà về Sài Gòn sống thì chẳng khó khăn gì để có người cơm bưng nước rót. “Thành quả” lãnh đạo của Đảng và Nhà Nước là sự phân hóa giàu nghèo lên đến mức cực đoan. Chỉ cần chi chừng $100/1 tháng là có ngay một chị giúp việc. mà cách gọi phổ biến là Oshin làm hết việc nhà. Việc làm với các công ty nước ngoài ở Việt Nam cũng không đòi hỏi cao và nhiều căng thẳng như ở Mỹ, nên thỉnh thoảng An vẫn nghe có người than: “Ở Mỹ cực quá, về Việt Nam sống sướng hơn.”

Ai có nằm bệnh viện mới cảm nhận được ở Mỹ sướng thật.

Ngày đầu tiên nhập viện, một người bạn chở An đến lúc 5 giờ sáng rồi về. An chỉ có một mình khi nằm chờ bác sĩ ở Phòng Tiền Phẫu. Đã chuẩn bị tâm lý cho chính mình là người bạn thân sẽ chờ An ngoài phòng mổ để bác sĩ liên lạc khi cần không thể nào đến trước 7 giờ sáng mà An vẫn thấy côi cút, tủi thân. Không muốn khóc mà nước mắt cứ chảy. “Đừng lo. Rồi chị sẽ ổn thôi,” tiếng an ủi của cô y tá đang tạo đường truyền dịch IV (IntraVenous) trên tay An. Cô tưởng An sợ gây mê hay sợ mổ. Cô chia sẻ hiểu biết của mình về khả năng xuất sắc của người bác sĩ sẽ mổ cho An. Đã trải qua 3 lần phẫu thuật có gây mê, An không sợ rủi ro của thuốc mê. An tủi thân mình vẫn lẻ loi để đến những lúc như vầy trong đời không có một bàn tay rắn rỏi của ai đó để nắm.

Xong việc, cô y tá ân cần đưa cho An dụng cụ điều khiển ti-vi và nhẹ nhàng gợi ý An có thể xem tin tức hay nghe nhạc cổ điển để thư giãn.

Bệnh viện của trường Đại Học Loma Linda là của người theo đạo Cơ Đốc Phục Lâm. Không lâu sau khi cô y tá đi khỏi, Christine làm công tác Chaplin bước vào hỏi chuyện An. Cô hỏi xem An có muốn cô cùng cầu nguyện hay đọc đoạn kinh thánh nào đó cho An không. Lần đầu tiên An nằm bệnh viện ở Mỹ, và đây cũng là lần đầu tiên trong đời An biết có một dịch vụ cầu an như Chaplin ở bệnh viện. Cả phần hồn và phần xác đều được chăm sóc kỹ lưỡng ở Bệnh Viện Loma Linda. Sự có mặt của Christine giúp An cầm được nước mắt và thời gian chờ đợi qua nhanh hơn.

Cả hai bác sĩ gây mê và bác sĩ phẫu thuật đến cùng một lượt. An thỏ thẻ yêu cầu với bác sĩ Munson cố gắng cho vết mổ ngăn ngắn thôi. Bác sĩ dịu dàng hứa đường cắt sẽ ngắn hơn mức trung bình của loại ca mổ này vì An nhỏ người lắm. Nhớ lại lần mổ ruột thừa ở bệnh viện Bình Dân, nơi chị An làm ở Khoa Xét Nghiệm và quen biết nhiều bác sĩ, An cũng đâu có dám hé hó yêu cầu gì đâu. Đúng như người ta nói, được voi đòi tiên.

Dù là một bác sĩ tài ba danh tiếng, Laura Munson vẫn không quên nắm tay An chân thành cầu nguyện cho bà được Chúa ban cho sự sáng suốt cao nhất để thực hiện ca mổ thành công và cho An được mau bình phục. Chẳng phải ông bà vẫn nói “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên” đó sao.

Chính tay bác sĩ Munson đẩy An vào phòng mổ khiến An thấy oai vô cùng và không buồn phiền như một giờ trước đó. An tin vào cả lòng nhân ái và tài năng của bác sĩ Munson. Ý nghĩ cuối cùng trước khi ngấm thuốc mê và An không còn biết gì nữa là: “Ở Mỹ có khác!”

Khi tỉnh lại lần đầu sau ca mổ dài hơn 5 giờ đồng hồ, An hỏi ngay vài người y tá đứng ngay cạnh giường: “Is my uterus still there?” Nghe được tiếng “Yes” rồi, An thở phào, nước mắt ứa ra. Bốn mươi tuổi, không chồng, không con, vắt vai chỉ có những mảnh tình dang dở, An chẳng biết rồi có ngày xài tới cái tử cung không nữa nhưng vẫn cứ muốn giữ lấy nó dù biết là mình đang ôm lấy một rủi ro cho sinh mạng. An cảm thấy mệt mỏi chuyện chồng con, nhưng vẫn không muốn từ bỏ ước mơ làm mẹ - sinh một đứa con của chính mình.

An nhắm mắt nằm nghe mấy cô y tá trong phòng nói với nhau về ca mổ của mình. Người Mỹ gọi là một trường hợp để nghiên cứu “case study” vì bác sĩ đã lấy ra rất nhiều lạc nội mạc tử cung (endometriosis), 21 u xơ (fibroid) và 1 u nang (cyst); tất cả tổng cộng cân nặng 1 pound và nhiều hơn kết quả chẩn đoán qua siêu âm và MRI (Magnetic Rosonance Imaging).

Không cần lời bình của mấy cô y tá, An cũng biết mình chịu ơn của bác sĩ Munson vô cùng. Bà đã làm hơn những gì người ta có thể mong đợi trong trường hợp của An vì nhân ái và cảm thông ý nguyện của An. Người khác có thể sẽ lấy hết tử cung ra bỏ, thay vì phải mất công đứng hơn 5 giờ đồng hồ lấy 22 “của đáng tội” kích cỡ lớn bé khác nhau ra khỏi người An và còn phải tránh không để An mất nhiều máu quá.

Biết tử cung vẫn còn đó rồi An mới cảm nhận được cái đau ở bụng và thắt lưng. Một cô y tá đến lấy máu trên tay An. Mỗi đụng chạm đến người mình An đều cảm thấy rất đau dù lời nói và cử chỉ của cô y tá đều rất dịu dàng. Không rên la nhưng cái đau vẫn lồ lộ trên mặt. Khác với Việt Nam, bệnh viện ở Mỹ không để cho bệnh nhân đau nhiều và họ quan niệm phải dùng thuốc kiềm chế cơn đau cho dù là thuốc phiện (morphin) bệnh nhân mới mau bình phục.

Vài ngày trước khi mổ lúc thực hiện các thủ tục tiền phẫu thuật, người y tá có đưa cho An một tờ giấy vẽ mười khuôn mặt mô tả mười cấp độ đau khác nhau gọi là Pain Management Reference và dặn là y tá sẽ yêu cầu An xác định mức độ đau theo hình mô tả đó. An chẳng biết mặt mình có méo mó cỡ cấp đau cao nhất trong tờ giấy Pain Management Reference hay không nhưng cô y tá hỏi: “Level 10?” và An gật đầu. An nghe tiếng ai đó ra chỉ định tiêm liều morphin cao nhất có thể cho bệnh nhân như An. Giấc ngủ đến thật nhanh.

An tỉnh dậy lần thứ hai là 2 giờ chiều. An được đưa ra khỏi Phòng Hồi Sức (ICU). Nằm mơ An cũng chưa bao giờ nghĩ là một phòng lớn với 2 giường và đầy đủ các tiện nghi cho 2 bệnh nhân chỉ dành cho một mình An. Phòng bệnh mà còn có ghế bành recliner bên cửa sổ để bệnh nhân có thể nằm duỗi người đọc sách dưới ánh sáng mặt trời. Vẫn còn ảnh hưởng của thuốc, An chỉ muốn ngủ. Cảm ơn người bạn gái tốt bụng đáng tuổi mẹ mình rồi An giục bạn về nghỉ vì Fiona đã chờ đợi nhiều giờ liện tục bên ngoài phòng mổ trong khi ở nhà Fiona còn có người chồng mới mổ ung thư tụy tạng không lâu. An tiếp tục ngủ như chưa từng được ngủ.

Thức dậy lần nữa lúc 5 giờ chiều, An cảm thấy thật tỉnh táo và khoan khoái. Chưa bao giờ từ khi bước vào thế giới người lớn, An lại được ngủ nhiều như vậy. Áp lực công việc, bài vở học online hàng đêm để nâng cao trình độ và những lo lắng tình - tiền của đời thường khiến An trằn trọng chẳng mấy khi ngon giấc. Khi nghỉ phép hàng năm, An lại xếp lịch du ngoạn khá dày đặc nên mở mang đầu óc được nhiều nhưng thân xác không được ngơi nghỉ gì mấy. Đến lúc này nằm bệnh viện, An mới có thể thật sự nghỉ ngơi, ngủ lâu và sâu như vậy. An biết bạn bè sẽ nói: “Khùng quá, An ơi, ngủ vì thuốc đó, chẳng tốt lành gì.” Cảm giác sảng khoái là thật. An không nhớ nổi lần cuối cùng mình có cảm giác tỉnh táo nhẹ nhàng nhờ ngủ đủ là khi nào nữa.


Nhớ khi tỉnh dậy sau ca mổ ruột thừa hồi còn ở Việt Nam, An không cảm thấy đau nơi da thịt bị cắt mà chỉ biết bao tử An đau rát bỏng vì thuốc gây mê mà không có y tá nào trong phòng hồi sức cho An kêu giúp. Cuối cùng thì chị An từ phòng xét nghiệm của bệnh viện xuống đem thuốc cho An uống chứ chẳng phải y tá nào hết. Mười năm đã qua mà An vẫn không quên được cơn đau hãi hùng đó và cảm giác bất lực khi tay chân còn bị cột vào bàn mổ mà không có ai để kêu giúp.

Khi làm thủ tục tiền phẩu thuật, An luôn nhắc bác sĩ của mình giúp An tránh đau bao tử sau khi mổ. Bác sĩ Munson đã giải thích là bác sĩ gây mê sẽ cho cả bao tử của An ngủ luôn khi mổ và khi An tỉnh lại thì trong dịch truyền có thuốc làm bao tử giảm tiết acid. Quả nhiên sau khi mổ, An chẳng cần phải dùng đến thuốc trị đau bao tử bác sĩ gia đình ra toa mà An đem theo khi nhập viện.

Nếu không phải là nằm bệnh viện ở Mỹ, An hẳn phải lao đao lắm khi chỉ có một thân một mình. Nếu giao tiếp được bằng tiếng Mỹ, thật sự người ta không cần người nhà đi nuôi người bệnh như ở Việt Nam. Ngay khi xuống phòng hậu phẫu, người y tá phụ trách đã vào tự giới thiệu mình với An và hướng dẫn cách bấm nút gọi cô khi cần. Trên người An lúc đó có bao nhiêu là thiết bị y học để theo dõi tình trạng của An và bảo đảm y tá sẽ hành động kịp thời khi cần. Lạnh cần thêm mền lúc nữa đêm, điện thoại reo nhưng không với tới, muốn điều chỉnh ánh sáng đèn trong phòng, cần đi vệ sinh sau khi đã lấy ống dẫn tiểu ra… người bệnh chỉ cần bấm nút y tá phụ trách sẽ vào giúp. Khi giúp bệnh nhân trở lại giường nằm, người y tá bao giờ cũng cẩn thận đắp mền, sửa gối, chỉnh giường cho An và hỏi han để chắc rằng An không cần gì thêm nữa rồi mới đi ra. An cảm thấy mình được chăm sóc như trẻ con được mẹ chăm sóc khi bệnh. An không biết cảm ơn những người y tá giúp mình bao nhiêu cho đủ. Họ luôn đáp họ chỉ làm phận sự của mình.

Có nằm bệnh viện hay đi nuôi bệnh ở Việt Nam mới hiểu trọn vẹn câu nói “lấy tiền bọc thân” và biết trân trọng những gì được hưởng từ hệ thống y tế của Mỹ. Tiền bỏ bao thư cho bác sĩ trước khi mổ, tiền dúi vào tay y công để được thay ra giường hay giúp đi vệ sinh, tiền biếu y tá trước khi tiêm thuốc cho người nhà để họ đừng bơm thuốc quá nhanh gây đau cho người thân còn đang yếu… An không muốn nghĩ theo kiểu “quơ đũa cả nắm” rằng tất cả bác sĩ và y tá An đã gặp ở Việt Nam đều không có lòng nhân ái; nhưng cơ chế quản lý lương tiền kém hiệu quả của chế độ khiến câu “lương y như từ mẫu” trở thành mỉa mai. Hải Thượng Lãn Ông nào có biết cơ chế vận hành theo kiểu “nhất thân nhì thế” và “thủ tục đầu tiên – tiền đâu”. Ông chẳng dạy mà đệ tử vẫn giỏi.

Đúng là chi phí y tế ở Mỹ cao rất nhiều so với tiền Việt Nam, nhưng sống ở đâu thì theo giá sinh hoạt ở đó. Hồi còn đi làm ở Việt Nam, An cũng đóng tiền bảo hiểm y tế nhưng chưa bao giờ hưởng được lợi ích đích thực từ hệ thống y tế như An và nhiều người Việt khác đang được hưởng ở Mỹ. Cậu An ở South Carolina gọi hỏi thăm. Cậu cũng nói nếu còn ở Việt Nam thì Cậu đã chết lâu rồi vì làm gì có điều kiện mổ tim, điều trị nhiều di chứng và bệnh tật Cậu mắc phải trong 15 năm ở trại tù cải tạo Bù Gia Mập sau tháng 4/1975. Bao nhiêu người già không tiền nong hay cống hiến gì trước kia cho nước Mỹ, nhưng nhờ hệ thống Medicare nhân ái của Mỹ mà họ được chăm sóc sức khỏe chu đáo.

Ngày thứ hai nằm viện là một trải nghiệm đáng nhớ. Sáu giờ cô y tá người Mỹ gốc Phi Luật Tân đánh thức An dậy, giúp An đánh răng, rửa mặt và cả thay quần áo. Chưa bao giờ từ khi lớn được ai giúp những việc cá nhân như vậy nên An cảm thấy áy náy vô cùng khi cô y tá cúi xuống thay quần lót cho An. Kế đến cô trợ lý y tá đến tập cho An đi bộ trong hành lang bệnh viện. Bảy giờ sáng, Dietician là người phụ trách về chế độ ăn uống của bệnh nhân đến báo An có thể ăn được rồi và ghi xuống yêu cầu của An. Đồ ăn của bệnh viện tuy không ngon nhưng ngày ba bữa có người đến tận giường hỏi muốn ăn gì rồi đem đến thì thật là sướng và thuận tiện. Phụ tá bác sĩ gây mê đến kiểm tra tình trạng sau mổ của An. Rồi chuyên viên Hô Hấp Trị Liệu (Respiratory Therapist) đến giúp An tập hít thở sâu để An không cần được gắn thiết bị hỗ trợ hô hấp nữa.

Bác sĩ Munson đến thăm bệnh. An hăm hở khoe mình khỏe và phấn chấn lắm. Cuối ngày khi người ta lấy ống morphin đi rồi An mới biết tại sao ban sáng An không thấy đau khi đi lại, còn có thể đi thẳng lưng nữa chứ và trong lòng thì thơ thới không buồn lo. Trước khi mổ bạn người Châu Á thì khuyên rằng An đừng lạm dụng thuốc giảm đau, còn bạn Mỹ thì nhắc phải xài thuốc giảm đau mới mau bình phục. An không nghĩ mình đã lạm dụng morphin. An chỉ tự bơm cho mình đúng 2 lần. Vài lần còn lại y tá bơm cho An. Không xài nhiều nhưng khi y tá lấy ống morphin còn hơn 2/3 đi An cảm thấy tiếc tiếc. Đó là lần đầu biết morphin, và An hy vọng cũng là lần cuối cùng.

Khi xuất viện về nhà vào ngày thứ ba sau phẫu thuật, An mới thật sự hiểu giá trị của morphin. Hồi còn ở bệnh viện chưa bao giờ An đau nhiều như vậy và cũng không thấy buồn như lúc về nhà. Ở nhà, An làm gì có cái giường có nút bấm giúp ngồi dậy và nằm xuống dễ dàng, cũng không có công tắc kỳ diệu chạm vào là y tá xuất hiện phục vụ. An cảm thấy nhớ người y tá đã dời ghế reliner đến trước ti-vi, giúp An nằm xuống ghế rồi đắp mền ngay ngắn cho An xem phim. An nhớ tiếng cười nắc nẻ của cô y tá Lanie khi An bàn tại sao trong những ca phẫu thuật như của An bác sĩ không nhân tiện lấy dùm ít mở bụng ra luôn. An cảm kích sự chăm sóc chu đáo của bao người y tá, bác sĩ An chưa từng quen biết trước khi nhập viện hay biếu xén quà cáp gì cho họ khi đang nằm viện.

Trong tiểu thuyết tự truyện Quy Luật Của Muôn Đời của nhà văn Nodar Dumbatze*, nhân vật Batsana viết khi nằm bệnh viện: “Con người ta cần ốm nặng ít nhất một lần trong đời. Như vậy sẽ có dịp phân tích và đánh giá lại toàn bộ quãng đường đã qua……”

Đường An tới nước Mỹ không dễ. Cuộc sống của An ở Mỹ cũng không nhàn hạ; nhưng An vẫn biết mình may mắn hơn rất nhiều người.

Chẳng còn bao lâu nữa là đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ, chương trình cải tổ y tế của tổng thống Obama (gọi tắt là Obama Care) được bàn đến khá nhiều. Có người ủng hộ, có người chống đối. Chuyện ai sẽ là vị tân tổng thống cũng như sự thành bại của Obama Care chắc sẽ chẳng thay đổi bản chất ưu việt của hệ thống y tế Mỹ, tính nhân văn của nước Mỹ và lòng nhân ái của người Mỹ.

Lê Hoàng Bá Diệp

* Nodar Dumbatze (1928-1984) là tác giả nổi tiếng của văn học Nga. Tiểu thuyết “Qui Luật Của Muôn Đời” -tựa đề Anh ngữ “The Law of Eternity”- ấn hành năm 1978, khi tác giả đúng 50 tuổi.

Nodar Dumbatze sinh tại “Nước Cộng hoà Sô Viết Georgia”, dưới ách thống trị của Liên Sô. Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, từ 1991, Georgia dành lại được độc lập. Năm 2003, sau cuộc cách mạng hoa hồng, chế độ dân chủ được thiết lập, nhưng một phần lãnh thổ Georgia lại bị quân Nga đánh chiếm từ 2008.

Ý kiến bạn đọc
05/11/201220:30:19
Khách
Co the nguoi viet qua voi nen viet nham chaplain thanh chaplin chang?
04/11/201214:11:39
Khách
Chuyện gần gũi với thực tế nhưng hơi dài giòng...
06/11/201222:46:56
Khách
Nếu tại VN người dân phải trả Bảo Hiểm Sức Khoẻ đắc đỏ như bên này thì chắc dịch vụ cho ngành Y Tế cũng sẽ cải thiện thôi. Bài viết hay. Chúc sức khoẻ tác giả.
03/11/201214:55:38
Khách
Hay lắm! Rất đầy đủ chi tiết! Xin chúc nhiều sức khoẻ và bình an!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 70,663,773
Giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ bắt đầu năm Canh Thìn 2000. Ngay năm đầu, có tác giả Nguyễn Văn ở Chicago tham dự với bài “Dưới Mái Trường Senn.”
Trở về cuộc sống thường nhật sau 3 ngày đến Washington D.C. hòa vào dòng người vào Tòa Bạch Ốc và Quốc Hội Hoa Kỳ để đưa thỉnh nguyện thư đòi hỏi Nhân Quyền cho Việt Nam, trong lòng tôi hòa lẫn nhiều cảm xúc.
Tác giả là cư dân Vancouver. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Bóng Quê Hương,” viết về mảnh vườn rau Việt trong căn nhà ở mướn, đậm đà. Bài viết thứ hai của tác giả là những kỷ niệm vui về nơi làm việc đầu tiên trên đất Mỹ tại Valassis, Colorado.
Ly dị vợ rồi, ở một mình ên chịu sao thấu, đàn ông tuổi nào cũng cần phải được nâng khăn sửa túi. Lại có người hù dọa, già mà sống đơn độc, tuổi thọ sẽ teo lại ngắn ngủn.
Tôi đã định cư ở Mỹ được 12 năm, trong suốt khoảng thời gian đó nhiều lần tôi đã nuốt nước mắt vì những bửa cơm thui thủi một mình với cái bàn trống khi chồng tôi phải đi làm và các con tôi đi học.
Ngày xưa tôi thường mộng lớn lên sẽ được làm cô giáo
Tiếng chuông cửa reo vang, tôi chưa kịp đứng lên, chợt thấy bóng người đàn ông dán sát bên tấm cửa sắt từ lúc nào
Tác giả đã góp cho Viết Về Nước Mỹ năm thứ 12 nhiều bài viết đặc biệt
Nhìn lá thư gởi cho Yên Thi bị trả về, Hồng Mai lẩm bẩm
Tác giả là một bà mẹ trẻ, cư dân San Diego, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ
Nhạc sĩ Cung Tiến