Hôm nay,  

Nhớ Mãi Nụ Cười

25/08/201200:00:00(Xem: 175861)
Nguyễn Trần Phương Dung là tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011.
vb7-25-8_vvnm_dung-nha
Họp mặt năm thứ XI, ngày 31 tháng Bẩy 2011, từ trái: Kiều Chinh, Trần Dạ Từ, Phương Dung, Nhã Ca, Bồ Đại Kỳ và Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh. Tang lễ vị niên trưởng của Việt Báo đã được cử hành trọng thể tại San Jose ngày Thứ Tư, 22-8-2012. Sau đây là bài của Phương Dung tưởng nhớ Ông.

“Đáng lẽ ra người anh cả của chúng tôi, nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, phải đứng ở đây. Nhưng năm nay anh không về được…”

Toàn thể quan khách và tác giả dõi mắt về hướng sân khấu lắng nghe Cô Nhã Ca phát biểu khai mạc buổi họp mặt mừng 20 năm Việt Báo và 12 năm Viết Về Nước Mỹ. Cô nói đến đó bỗng ngừng lại, chớp mắt, rồi lướt qua phần cảm tạ các quan khách và thân hữu.

“Đây chưa phải là lúc…” tôi nghĩ thầm và ngậm ngùi nhớ đến cuộc điện đàm với chị Hòa Bình mấy tiếng trước đó khi đang sửa soạn chuẩn bị đi dự đại hội.

“Em ơi, Bác Khánh mất rồi…”

Tôi buông vội thỏi son ra dấu cho Thy vặn nhỏ âm thanh đài truyền hình đang tường trình về cuộc chạy bộ đường trường ở Thế Vận Hội London. Tôi hỏi lại với hy vọng mình vừa nghe lầm:

“Chị nói Bác Sơn Điền của Việt Báo mình hả? Sao kỳ vậy, tối thứ sáu chú Từ nói Bác chỉ không được khỏe thôi mà?”

“Ừ. Bác đi sáng nay rồi em...”

Giọng chị nghẹn ngào. Tôi bùi ngùi nhớ đến vị chủ biên sáng lập Việt Báo và cũng là vị chánh chủ khảo đầu tiên của giải thưởng Viết Về Nước Mỹ. Tôi gặp ông lần đầu năm 2008 khi tôi từ Florida về Nam Cali nhận giải “Á Hậu”. Khi giới thiệu ông lên sân khấu, Chú Từ đã ưu ái gọi ông là “lực sĩ”. Với danh tiếng và sự nghiệp kéo dọc chiều dài lịch sử, ông quả thực là người thầy, là lực sĩ, của làng báo Việt Nam. Tôi nhớ đã nheo mắt ngắm lực sĩ và thầm nghĩ ông cụ nhìn phong độ và dễ mến quá. Sau đó trong buổi tiệc tôi đã đi kiếm cho bằng đươc ông để xin chữ ký. Từ đó tôi bắt chước các anh chị trong gia đình Cô Chú Từ Nhã gọi ông là “Bác” mặc dù theo tuổi tác vai vế tôi phải gọi bằng “Cụ” mới phải. Mỗi mùa hè về dự lễ phát giải tôi đều cầm cuốn sách Viết Về Nước Mỹ mới nhất đến bên ông và thưa, “Xin Bác ký cho con.” Và lần nào cũng vậy, khi trao lại cuốn sách cho tôi ông đều kèm theo nụ cười hiền lành. Trao đổi giữa ông và tôi chỉ vỏn vẹn thế thôi nhưng không hiểu sao tôi luôn có cái cảm giác gần gũi ấm áp khi nghĩ về ông.

“Cả ngày nay nhà buồn quá. Chiều nay sau lễ phát giải Việt Báo sẽ tưởng niệm Bác. Em giúp chị lo phần giúp vui trong bữa ăn nha.”

Hàng năm Việt Báo tổ chức buổi họp mặt rất chu đáo và trang trọng. Xen kẽ với lễ phát giải là những tiết mục văn nghệ đặc sắc. Năm nay có đoàn vũ Lạc Hồng, có giọng ca Khánh Ly, Bích Liên, Phạm Đăng Khoa, Đạt Nguyễn… Nhóm Việt Bút ham vui thỉnh thoảng được giao cho phần giúp vui trong bữa ăn. Năm nay chúng tôi dự định làm hò lơ, đố vui, rút thăm và đấu giá… Tôi cố trấn an chị Hoà Bình dù trong lòng chẳng thiết tha làm gì nữa:

“Chị đừng lo. Tụi em sẽ cố gắng hết mình.”

Khi vợ chồng tôi đến nhà hàng Royal Seafood thì chị Hòa Bình đang tất tả chạy tới chạy lui sắp đặt công việc. Trông chị phờ phạc đến tội nghiệp. Là tổng quản trị của hệ thống Việt Báo, chị mang nặng trách nhiệm trên vai nhất là vào thời điểm kinh tế khó khăn. Hôm nay đại gia đình Việt Báo mang tang, nhưng chị vẫn phải tỏ ra tươi tỉnh để lo cho ngày hội được chu đáo. Tôi từng nghe chị kể về những năm tháng đầu làm báo, hằng ngày phải lái xe đi bỏ báo khắp nơi, bác luôn đi theo ngồi bên cạnh chị. Đôi mắt chị mọng đỏ. Cả ngày nay chắc hẳn chị đã khóc nhiều. Tôi đến ôm chị một cái, chẳng biết làm gì hơn.

“Một lát nữa Chú sẽ thông báo cho mọi người biết.”

Cô Nhã Ca thở dài nói nhỏ khi tôi đến ôm Cô chia buồn. Chú Từ thì không nói gì, chỉ vỗ nhẹ cánh tay tôi. Một lát sau chú Nguyễn Xuân Nghĩa và anh Phạm Quyến đến. Gặp các quan khách và tác giả, họ tay bắt miệng cười nhưng ánh mắt thì buồn hiu.

Khi buổi lễ phát thưởng chấm dứt, toàn bộ ban điều hành Việt Báo mới lên sân khấu chính thức công bố tin nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh từ trần. Nhìn lên, tôi thấy chị Hòa Bình ôm vai cô Kiều Chinh khóc ngất, anh Quyến, cô Nhã Ca, chú Nghĩa, chú Phan Tấn Hải chắp tay cúi đầu. Tất cả quan khách Việt Mỹ và tác giả trang trọng đứng lên tưởng niệm nhà báo lão thành.


“Với 92 năm sống và 74 năm cầm bút, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh là tấm gương tiêu biểu phẩm giá của người làm báo. Khi thanh thản ra đi, ông gửi lại cho tương lai niềm tin vào con người và lý tưởng tự do, dân chủ. Báo chí Việt Nam và thời đại chúng ta hãnh diện có Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh…”

Không khí trầm hẳn xuống sau phần tưởng niệm. Nhà hàng dọn thức ăn ra nhưng không mấy ai buồn cầm đũa. Đã đến lúc nhóm Việt Bút lên sân khấu điều hợp mấy tiết mục giúp vui nhưng tôi cảm thấy làm như vậy e có gì không phải. Tôi ra ngoài sân định tìm ông xã hỏi ý thì thấy chàng đang đứng nói chuyện với Chú Từ. Như đoán được nỗi lòng của tôi, Chú nói:

“Chú hy vọng mọi người không vì sự ra đi của Bác mà mất vui. Trong buổi điện đàm từ San Jose hôm thứ sáu, bác gửi lời kính chào qúi vị quan khách, thăm hỏi các tác giả Viết Về Nước Mỹ và chúc tất cả một buổi chiều thật vui. Bác muốn chúng ta vui.” 

Nghe Chú nói vợ chồng tôi an tâm đi trở vào bắt đầu mục văn nghệ bỏ túi. Màn hò lơ với sự hưởng ứng của đông đảo quan khách làm không khí nhộn nhịp trở lại. Qua phần đấu giá, trong các món đã được chọn từ trước có hai quyển “Cay Đắng Ngọt Bùi”.Đây là bộ sách bìa dầy duy nhất được in năm 2007 mà bây giờ chỉ còn lại vài cuốn. Đặc biệt hơn nữa hai cuốn sách này có chữ ký của các tác giả, ban giám khảo năm đó và ban điều hành Việt Báo.Tôi nói với anh Thy và chị Khôi An trước khi họ lên sân khấu:

“Sách hết thì còn có thể in lại. Người mất rồi thì làm sao ký tặng được nữa. Sách này có chữ ký của Bác Khánh và vài tác giả đã qua đời. Anh chị nói dùm em đây thật sự là những quyển sách vô giá.”

Buổi tiệc kéo dài với nhiều tiếng cười, nhất là khi nhỏ Thụy Nhã đi từng bàn dụ mọi người mua vé số rút thăm. Gần 11 giờ đêm nhóm quan khách cuối cùng và gia đình Việt Báo mới lục đục kéo nhau ra cửa, quyến luyến hẹn gặp lại vào năm sau.

Đúng là một buổi chiều thật vui, như lời chúc cuối cùng của Bác.

“Em à.Việt Báo đăng Cáo Phó Bác Khánh rồi nè.”

Trở về lại Bắc Cali vào tối thứ hai, việc đầu tiên chàng làm là vào trang Việt Báo tìm tin. Tôi chạy vội lại chúi đầu vào laptop:

“Thứ Hai Phát Tang, Thứ Ba Thăm Viếng, Thứ Tư Đám Tang… Ủa, sao nhanh vậy?”

“Nhanh thật. Mình sắp xếp đến chào Bác lần cuối nha em.”

Tôi xem lại thời khóa biểu làm việc rồi gật đầu:

“Ngày mai em bận cả ngày. Thứ tư có thể dời vài buổi họp để đi đưa Bác…”

Trưa thứ tư chúng tôi đến nhà quàn Oak Hill thì thấy vài người đang đứng ngoài cửa nhà nguyện Chapel of Roses. Thy đậu xe xong thấy tôi còn đang bận họp trên điện thoại nên ra dấu đi vào trước. Chưa đầy năm phút sau thấy chàng đi ngược trở ra, miệng cười cười quê độ. Thì ra đám tang của Bác là vào thứ tư tuần sau mà chúng tôi xớn xác đọc không kỹ đi lộn ngày. Ở trên kia chắc Bác cũng đang cười hai đứa ngố!

Chiều thứ ba tuần sau vừa quẹo xe vào cổng là chúng tôi biết chắc đã đi đúng ngày. Bãi đậu xe, khoảng sân phía ngoài, phòng khách phòng đợi và hành lang lố ngố toàn đầu đen. Chúng tôi bắt gặp rất nhiều khuôn mặt quen thuộc trong cộng đồng. Cô chú Từ Nhã và anh Minh từ Nam Cali lên từ lúc xế trưa. Việt Bút Bắc Cali có cô Iris, chị Donna và anh Thái NC. Sổ ký tên tràn ngập những chữ ký. Ai cũng đến để kính viếng nhà báo lão thành lần cuối.

Đốt hai nén nhang, xá ba lần, thấy Bác cười hiền hòa từ di ảnh. Lại gần linh cữu, thấy Bác nằm như đang ngủ. Chắc hẳn Bác đã về đến cõi bình yên.

Ra ngoài nói chuyện với gia đình ít phút. Chị dâu trưởng nhỏ nhẹ kể về những năm tháng sống chung với Bác. Anh con trai út hỏi thăm làm sao chúng tôi quen được Bác. Cô cháu gái đem nước lọc đến mời từng người. Lời nói và cử chỉ của họ nhẹ nhàng, ân cần. Tôi nghĩ đến nụ cười của Bác, và thấy lòng ấm áp.

Sau ba phần tư thế kỷ miệt mài nghiệp làm báo, Bác đã thanh thản ra đi ngày 12 tháng 8, đúng vào ngày Việt Báo mà Bác là chủ biên sáng lập tròn 20 tuổi, và ngày giải thưởng Viết Về Nước Mỹ mà Bác làm chánh chủ khảo đầu tiên tròn một giáp. Đây cũng là ngày bế mạc của Thế Vận Hội 2012.

Trùng hợp ngẫu nhiên hay có sự sắp đặt nào đó từ Bề Trên mà lực sĩ của chúng ta về cõi vĩnh hằng đúng vào ngày hết sức đặc biệt này?

Chúc vui Bác và xin được nhớ mãi nụ cười.

Nguyễn Trần Phương Dung

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 70,665,163
Tác giả là một nhà văn, nhà báo, đồng thời cũng từng là nhà giáo, nhà hoạt động xã hội quen thuộc với sinh hoạt văn hóa truyền thông tại quận Cam. Ông đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ giá trị và sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả tên thật Trần Thị Hậu. trước 75 học ở Trưng Vương, Văn Khoa, từng tham gia viết bài cho các Đặc San của trường, các báo Thiếu Nhi, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc. Sau 75 làm ở Trường Kinh Tế Kế Hoạch và Công ty Thủ Công Mỹ Nghệ.
Tác giả đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ đặc biệt. Ông là cựu sĩ quan VNCH, khoá 8/68 Sỹ Quan Trừ Bị Thủ Đức, phục vụ tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, bị bắt tại Ban Mê Thuột ngày 14 tháng 3 năm 1975; Đến Mỹ tháng 4/2005, hiện cư ngụ tại Carlsbad, California. Sau đây là bài mới của ông.
Tác giả sinh năm 1957, cư dân Santa Ana, nghề nghiệp: làm nail. Loạt bài viết về nước Mỹ gần đây của tác giả gồm: Bỏ Gì Thì Bỏ; Ước Vọng Của Tin, thể hiện tình thương yêu và ý chí của một gia đình Việt Nam trên đất Mỹ. Bài gần nhất : Đời Em. Sau đây là bài viết mới nhất. Bài viết mới là chuyện về một trường hợp lấy chồng việt kiều.
Tác giả tên thật: Nông Phiên; Sinh năm 1965 tại Sài gòn. Giáo viên Sư phạm Kỹ Thuật. Công việc hiện tại: Electro-mechanic Technician. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Phi Yên là một tự sự vui vẻ, linh hoạt về công việc lưu trữ ngũ cốc tại Mỹ, lần đầu được đề cập bởi người gốc Việt. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả là một cựu du học sinh Nhựt Bổn, từng nhập Nhựt tịch, và có tên Nhựt là Yasushi Takasaki. Trước 30 Tháng Tư 1975, ông là chuyên viên Văn phòng Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia VNCH, hiện cùng gia đình tái định cư tại Vancouver, Canada, từng làm Telemarketer của 4 Hảng Điện thoại (2 Mỹ, 2 Canada).
Tác giả tên thật là Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. 1, hiện làm việc tại học khu Ocean View. Ông đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ, bài nào cũng cho thấy tấm lòng, tình đồng đội và sự lạc quan, yêu đời. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả cho biết ông đã tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên với một số bài viết về đề tài Du Lịch Nước Mỹ hoặc Trại Hè. Sau hơn 10 năm, ông trở lại với giải VVNM, với bút hiệu mới là Phạm Thái. Sau đây là bài viết thứ tư của ông trong năm.
Tác giả sinh tháng 10/1939. Hiện là cư dân Houston, Texas.Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang. Ra tù 1984.Vượt biên 1986. Bị băt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh.
Bốn chữ QPQH trong tựa đề là viết tắt của “Quang Phục Quê Hương”, từng được nhiềungười Việt hải ngoại nhắc đến. Bài viết của Christin Nguyễn lần này là một truyện giả tưởng dựa trên ước mơ ấy. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Nhạc sĩ Cung Tiến