Hôm nay,  

Ngày Ấy Mai Rừng

16/04/201200:00:00(Xem: 196670)
Trương Kim Hoàng Thư,một kỹ sư, hiện làm việc tại DPW-LACO, đã dự Viết Về Nước Mỹ từ 11 năm trước với bài "Phốp - Chuyện Một Phần Tư Thế Kỷ". Bài sau đây là một chuyện tình mùa xuân, đã phổ biến trong Báo Tết Việt Báo 2012.

001-large-content
Tác giả một mùa mai rừng cũ, thủa mới bước chân vào đại học. Tấm hình lạc từ lâu, mới tìm thấy lại.
tkht_-_freshman_-_uncc-large-content
Tác giả, ngồi bên tường tại University of North Carolina at Charlotte ngày ấy.
tkht_-_csla_1993-large-content
Tác giả ngày ra trường, “Sau mười năm dài tôi mới lấy được cái bằng Bachelor of Science-Electrical Engineering.”

Năm mới sắp đến, tôi bắt đầu thấm hiểu được thành ngữ mà người Mỹ gọi là "holiday blues". Tết là một lễ vui, là những ngày gia đình sum hợp ăn uống dù ở xa cách mấy, cũng phải ráng tụ về nhà, thăm gia đình, thăm bạn bè... mua hoa về cúng, hái hoa về chưng.

Ba đứa tôi bắt đầu trò lên núi hái mai rừng về chưng là do anh bày ra. Bởi vì anh rất thích hoa mai, nên có chuyện để tụi tôi ghẹo "con trai gì mà thích hoa mai, gớm cái anh này!"

Có lần anh giải thích cho tụi tôi "mai ở Việt Nam có 5 cánh, cánh hoa tròn và dày, còn mai rừng ở đây có nhiều cánh hơn, từ 5 đến 9 cánh, cánh hoa thì mỏng và dài hơn." Tôi thì thấy nụ hoa mai ở Việt Nam trông giống như mickey's ears. Anh hỏi "Mickey là ai?"

Là chuột nhắt đó, nhìn hình thì biết, cái đầu ở giữa, hai cái nụ đen là đôi tai hai bên……thấy hông?

Anh lắc đầu, nói: "Đầu óc mấy cô phong phú thiệt, đó là hột hoa mai tứ quí chứ không phải nụ, nè mấy cô nhớ đừng có hái hết hoa nha!"

Anh cười rồi lấy giấy và bút chì ra vẽ ngoằn ngoèo đám mai rừng.

Nhìn hình vẽ bằng bút chì trên tờ giấy trắng, nhỏ Phụng la chí chóe:

"Anh vẽ gì tùm lum vậy? Bộ anh vẽ bùa để ếm tụi em hả? Hay anh lầm với bụi cỏ dại? Em thấy nó giống hệt bụi tumbleweed, khi khô bị gió tốc lên lăn vòng vòng trên xa lộ thấy ghê."

Nhỏ Mai châm thêm: 

"Anh vẽ mai không có màu, xấu hoắc!" 

Anh nói:

"Đầu óc mấy cô quá lãng mạn, vậy mà chưa tưởng tượng ra được mai rừng như thế nào sao."

Tôi thừa dịp nói luôn:

"Vậy mai rừng của anh đâu? Có đẹp hơn Mickey của em hông?

Thế là cuối tuần ấy, anh đưa chúng tôi lên nơi đó, không nhớ là đâu, cũng không cần biết rõ, miễn được đi chơi là thích thấy mồ rồi, lái xe lâu lắm và lên rất cao mới tới nơi. Vừa nhìn thấy khoảnh màu vàng hươm trước mặt thì anh tấp xe vô lề đất trống. Anh chưa kịp tắt máy, ba đứa đã mở cửa xe nhào ra rồi đứng sững sờ.

Cả một rừng mai vàng rực rở. Những bụi mai cao hơn chúng tôi cả cái đầu. Chúng mọc thành nhóm thành buị, cành cây nhỏ nhắn nhưng vững chắc từ dưới vươn lên, cành nào cũng đầy hoa đầy nụ chẳng thấy lá. Như anh đã nói, cánh hoa mỏng tanh, hơi dài dài nhọn nhọn chứ không thanh thoát như cánh mai bên nhà. Thế nhưng, cũng vì màu vàng ấy đã làm ba đứa ngợp choáng. Màu vàng chen giữa màu xanh sậm của lá cây rừng, không nổi bật sao được?

Anh khoát tay kêu từng đứa tới gần bụi mai làm dáng cho anh chụp hình. Nhờ vậy mà ba đứa tôi có tấm hình chụp chung với mấy bụi mai rừng của anh. Trên tay vẫn còn cầm cái que để đuổi rắn hổ mang mà anh hù tụi tôi.

Trong những tấm hình ấy, tôi nhìn lại những nụ cười thơ ngây chưa đau thương. Điều đáng tiếc, vì anh là người cầm cái máy ảnh mượn của ai đó, chỉ chụp cho ba đứa, còn tụi tôi thì bận hái mai quên bẵng anh nên không có một tấm ảnh nào của anh.

Bao năm đã qua, phải kể về anh như thế nào? Chắcphải bắt đầu từ ngày đầu tiên khi mới bước chân vào đại học

Ngày ấy, Mai và Phụng, hai đứa bạn tôi quen lúc đứng xếp hàng để ghi danh vào lớp hóa học. Tới phiên tụi tôi, gặp ông Professor Killinger, đứng bên cạnh ông là một thanh niên Á-Đông rất cao, trông cũng dễ nhìn. Ông hỏi ba đứa: "Ya'll freshwomen?" Tụi tôi thấy hơi kỳ, nhưng đã nghe mấy anh chị Việt Nam gọi như vậy từ sáng, có lẽ là biệt danh để ghẹo ma mới. Phụng trả lời "No! We're freshmen." Ông hỏi tiếp: "Ya'll night-person or day-person?" Nhỏ Phụng xoay qua nói với hai đứa tôi: "Ông này hỏi kỳ thiệt nha!" Anh thanh niên bật tiếng:

"Oh, mấy cô VN".

Nhỏ Phụng hổng thèm trả lời anh, xoay lại ông, nói, "thì ban đêm tụi tôi ngủ, còn ban ngày thì tụi tôi thức", ông gật gù "ya'll day-person". Trời đất ơi, tụi tôi ghi lớp Hóa chớ đâu phải Triết. Thấy tụi tôi có vẻ không vui, anh thanh niên nói thêm "Ổng hỏi vậy là để giúp các cô lấy lớp sáng hay lớp đêm ấy mà."

Thầy trò này làm tốn thì giờ của tụi tôi quá! Chỉ còn có một lớp 8 giờ sáng là trống thôi, mà ổng dạy nữa chứ, cứ hỏi tới hỏi lui, phiền thì thôi! Vừa đi nhỏ Phụng vừa cằn nhằn.

Ghi danh xong gần 8 giờ tối, phòng ăn đã đóng cửa, ba đứa đói bụng rã người. Hồi sáng có mấy anh, chị VN tới để ghi tên tụi tôi vô hội VN, nhưng giờ này không còn ai trong trường để hỏi. Tụi tôi ra ngoài đang nghĩ, kiếm đâu ra đồ ăn, điệu này chắc phải ăn kẹo cầm đói, thì thấy anh thanh niên đi cùng ông Prof. K. hồi nãy, anh nói với tụi tôi là đem thẻ ăn xuống "Pub" đổi lấy pizza, rồi hai người tiếp tục đi. Cả đám theo hướng anh chỉ, xuống "Pub", gần khu tụi tôi ở, mới biết đó là chỗ đánh bida, bán bia, nhưng tối om nên tụi tôi không dám vô. Rất giận anh chàng VN này, dám chỉ tụi tôi vô quán bia! Anh này có vẻ Mỹ lắm, thấy ghét, không ưa! Chợt nhớ tới chị KL, chị tôi mới lấy chồng dọn ở gần trường khoảng 20 phút lái xe, tôi gọi điện thoại cho chị, dẫn luôn hai đứa bạn mới. Anh rể đến đón tụi tôi, về tới nhà chị, chị đã dọn đồ ăn sẵn trên bàn, thấy tụi tôi ăn "quá tận tâm", chị xuống bếp nấu thêm nồi cơm và nói với lại, "mấy đứa đừng mắc cỡ nhen, cứ việc ăn, còn nhiều đồ ăn lắm". Chị còn cho tụi tôi đồ ăn đem theo về trường, làm hai đứa bạn thích chị quá trời, chị tôi cứu mạng ba đứa hôm đó, đa tạ bà chị.

Anh chàng VN đó tên Hiễn, đang học bằng Master ngành hóa học, là đệ tử của ông Prof. K. Ông dạy chúng tôi phần lecture, anh Hiễn dạy chúng tôi trong giờ thí nghiệm của lớp này, thấy ba đứa tôi học cà tửng quá nên anh xung phong dạy kèm thêm. Chúng tôi trở thành bạn và sau đó biến thành tình bạn rất thân từ lúc nào tôi cũng không hay.

Trường tôi học, University of North Carolina at Charlotte, nằm phía ngoại ô thành phố Charlotte. Năm tôi vô thì trường chỉ mới hơn 9,000 sinh viên. Tôi nhớ rất rõ vì ngay giữa sân trường có một bảng "billboard" rất cao, để "Mục Tiêu Của Trường Là Vượt Qua Số 10,000 Sinh Viên". Lúc đó trường chưa có đội "football" nên không thu hút được sinh viên như những đại học khác, nhưng đội bóng rổ thì rất hùng mạnh. Trường tôi không có những cây phượng vĩ đầy hoa màu đỏ rực rỡ, nhưng lại có những cây "dogwood" cành khẳng khiu và hoa màu trắng ẩn phơn phớt hồng, dịu dàng nhưng rất kiêu sa. Dân bản xứ gọi đó là hoa do máu thịt của đức Chúa tạo nên. Thành phố này có rất nhiều nhà thờ, gần như khúc đường nào cũng có nhà thờ. Hồi nhỏ tôi thích hoa phượng đỏ bao nhiêu thì lúc ấy tôi mê hoa trắng bấy nhiêu.

Trường lúc đó chưa có nhiều sinh viên Việt, khoảng 15 anh chị cấp trên tụi tôi. Có một nhóm sinh viên khoảng 30 đứa, du học đến từ xứ Nam Dương, theo đạo Hồi giáo vì tụi con gái lúc nào cũng quấn khăn tùm lum tùm la, nhưng rất hiền, không giống như nhóm Hồi giáo khủng bố bậy bạ. Nhóm này là dân kỳ cựu du học theo học bổng nên học rất giỏi. Ai mà lỡ học chung lớp với nhóm này thì kể như tiêu, phải học sống chết vì điểm trung bình trong lớp lúc nào cũng rất cao. Giống người Việt, cùng là Á Đông, mấy bạn rất dễ thương. Mai và tôi xui nên khóa đó học lớp toán Calculus chung với đám này, phải công nhận không biết mấy bạn đó ăn giống gì mà học khủng khiếp thiệt, bài thi nào cũng lấy 110/100 điểm. Mai và tôi may mắn có thầy dạy kèm nên tụi tôi không sợ, phương trình nào ra đều được anh Hiễn dợt mấy trận nên toán hai đứa rất vững. Đa tạ anh Hiễn chuyện này.

Thầy dạy lớp Toán là người gốc Hoa, Hoa gì thì tôi không biết, chỉ biết ông là Hoa từ Hồng Kông sang. Tôi nhớ một hôm, Mai và tôi vô lớp thì thấy chỉ có khoảng nửa lớp, còn nửa lớp nhất định không vô, đình công, đòi trường sa thải ông, với lý do ông nói tiếng Anh tụi nó hổng hiểu. Tôi công nhận ông nói rất nặng giọng bản xứ, nhưng, có thể vì tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ, nên tụi tôi hiểu ông một cách dễ dàng, còn những bạn Mỹ nghe giọng không quen, hay chưa tiếp xúc với người ngoại quốc nhiều, hay có chút kỳ thị trong đó (???) thì nhất định sẽ không cố mà hiểu. Trường coi chuyện này rất nghiêm trọng bởi vì nó có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của ông. Ông tốt nghiệp từ một trường đại học rất uy tín và nổi tiếng bên Massachusetts và có một hồ sơ giảng dạy thật xuất sắc. Sau cuộc điều tra mới biết lý do, vì số điểm trung bình trong lớp học quá cao, một số không theo kịp nên phản đối ông, còn số còn lại thì rất thích ông. Do đó, ông thầy gốc Hoa vẫn tiếp tục giảng và điểm trung bình trong lớp học vẫn tiếp tục cao.

Tụi tôi ở nội trú bên đám con gái, anh Hiễn ở một mình trong khu cuối trường, khu dành cho mấy anh chị lớn cỡ như anh, hoặc những anh chị đã có cặp có đôi cần chỗ yên tịnh, ngược lại với khu tụi tôi lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt và rất sống động. Tụi tôi hay rảo qua đó chơi, bàn với nhau là khi nào đủ năm đủ tháng tụi tôi sẽ chuyển qua đây ở vì phòng bên này có bếp. Khu này rất vắng, xung quanh toàn những cây thông cao vời vợi cùng với đám cây cổ thụ um tùm tưởng chừng như lúc nào cũng có thể vồ ra để hù chúng tôi. Nhất là về khuya, mùa đông, tuyết phủ trắng, những đám cây đứng trơ vơ lạnh lẽo, có lẽ chúng đang than khóc cho cái lạnh buốt da cắt thịt.

Mỗi lần kiếm anh để nhờ vả chuyện gì đó thì cả ba tụi tôi cùng đi vì cả đám sợ ma, tụi tôi gọi là ma trường. Hổng hiểu sao hồi đó tụi tôi cứ moi ra đủ chuyện để cả đám sợ chơi? Có lần anh nói với tụi tôi: "ma nào xui lắm mới gặp ba cô!" Nhỏ Phụng không bao giờ nhịn, lanh miệng trả đũa "thì tụi em xui gặp anh nè! Anh Thầy rảnh hông? Ngày mai chở tụi em đi lấy mắt kiếng nha."

Tôi nhớ hôm đó có nhóm Red Cross đến trường để gây quỷ hiến máu, sáng sớm ba đứa rủ nhau đi làm việc nghĩa. Đến nơi thì bị họ từ chối thẳng thừng, nói là tụi tôi không đủ cân nặng, và hẹn kỳ sau. Đó là lần đầu tiên trong đời của tụi tôi là cho mà không được nhận. Buồn quá, đang lững thững trên đường về thì không may gặp anh Hiễn, anh hỏi:

"Mới thi ra hay sao mà mặt mày mấy cô bí xị vậy?" Chắc đang bận buồn nên nhỏ Phụng không để ý, không thôi có chuyện lớn!!! Tôi nói:

"Anh Hiễn ơi, sao người Mỹ kỳ quá, tụi em hiến máu mà họ không cho."

Anh nói liền:

"Thiếu cân chứ gì, ốm đói mà bày đặt hiến máu."

Ái da! cái anh này nói một câu nghe sóc hông thiệt! Anh nói tiếp:

"Mấy cô ráng ăn đồ Mỹ đi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng mới có sức học, cứ ăn cơm với cá kho riết không đủ chất bổ có ngày xỉu thì hết học."

Nhắc tới cá kho, nhỏ Mai lên tiếng:

"Anh nhớ đừng khoá cửa chiều nay tụi em qua ăn cho hết nồi cá kho nha."

Anh ta bỏ đi một nước. Tôi nhìn thấy trên túi sách của anh có nhãn dán chữ Red Cross!!!

Tôi nhớ rồi, chuyện gì cũng có đầu có đuôi, lý do vì sao có nồi cá kho và vì sao anh bắt đầu đi câu. Hôm đó nhỏ Mai tự dưng nói thèm ăn cá, nó nhờ anh chở đi chợ. Thời đó chợ Mỹ chỉ bán cá lát sẵn (fillet), trắng bệch, không biết đông lạnh từ kiếp nào, rất mắc, tụi tôi là đám sinh viên nghèo, tiết kiệm tối đa, đâu được xài phung phí, nên nhất định thà thèm chứ không mua, với lại cá mà không có đầu có đuôi có xương gì hết sao mà ăn được. Thấy vậy anh nói:

"Để anh đi câu cá cho mấy cô ăn nha, cá có xương cho nhỏ Mai nhai, có đầu có đuôi cho nhỏ Phụng gặm, còn hai con mắt thì để dành cho nhỏ này ăn bổ mắt để mắt bớt lên độ."

Lần đầu tiên anh nói một câu nhẹ nhàng nghe sao êm tai và thật ấm lòng.

Xung quanh trường có rất nhiều hồ, mỗi lần câu cá về là anh gọi tụi tôi qua bên anh để nhỏ Mai kho, nó kho cá là số dách, vậy mà bây giờ dám nói xấu cái món cá kho truyền thống của tụi tôi mà còn nói đừng ăn cá kho, có phải đáng ghét hông? Ghét thiệt! Công nhận hồi đó cá trong sông, hồ rất nhiều, thả cần xuống là bảo đảm có cá đem về, có lúc không cần mồi cũng câu được. Hồi đó tụi tôi chưa biết "cat fish" là cá bông lau, nhìn cái mặt con cá này thấy hơi sợ nhất là mỗi lần anh Hiễn kéo nó lên khỏi mặt nước tôi thấy hình như nó nhoáy mắt nhìn nhỏ Mai và tôi, làm cho hai đứa ngủ bị ác mộng hết mấy đêm, nên mỗi lần câu được thì biểu anh đem đi cho mấy gia đình VN ở gần trường. Con nào con nấy cũng bự cỡ … cái đùi nhỏ Mai. Hồi đó tụi tôi chỉ thích ăn cá nhỏ thôi. Nhớ mỗi lần đi câu với anh, lúc anh kéo cần lên thì trên bờ ba đứa ôm cổ la oai oái:

"Đau cổ quá anh Hiễn ơi!" "Tội nghiệp mấy con cá quá anh Hiễn ơi."

Nhiều lúc chắc anh bực mình nên la:

"Mấy cô làm tôi mất hứng!" Mất hứng vậy mà cứ qua rủ tụi tôi đi câu hoài, xạo gì đâu.

* Cái đồng tiền.

Dạo đó, để kiếm thêm tiền tôi làm 20 tiếng một tuần trong phòng thí nghiệm hóa học. Nhiệm vụ chính của tôi là rửa tất cả các chai, lọ, lau khô, sau đó cất vào tủ theo ngăn nắp cho các ông thầy sử dụng trong giờ thí nghiệm. Hết lọ, chai để rửa thì chạy lon ton cho mấy ông thầy, sai gì làm nấy, nên tôi cứ phải đụng độ anh. Lúc thì anh đem một cái lọ cho tôi rửa, vừa rửa xong thì anh đem thêm một cái khác, có lúc thì một cái chai cho tôi lau. Rửa chén là bổn phận của tôi lúc ở nhà nên kinh nghiệm đầy mình, rửa rất sạch và nhanh chớp nhoáng.

Hôm đó tôi đang dọn dẹp các thứ trong phòng thí nghiệm, hổng biết mắc chứng gì mà chừng vài phút là thấy anh đem sang một lọ bảo tôi rửa mà còn đứng đợi nữa chứ. Rửa một hồi, tôi đưa cái lọ lên trước ánh đèn để kiểm soát, nó sạch đến nỗi không có đến một hạt bụi, tôi mới nói:

"Anh Hiễn ơi, hình như mấy cái này sạch, sao phải rửa?"

Anh nói:

"Sạch thì rửa cho sạch thêm."

Xoay qua thấy anh nhìn tôi cười rất tươi, làm tôi nổi sùng, và lần đó để ý tôi mới thấy anh có một cái đồng tiền rất sâu bên phải. Giận quá không biết nói sao, tôi nói một câu nghe chớt quớt:

"Nè cái anh kia, thường thường người ta có đồng tiền thì dễ thương, còn cái đồng tiền của anh nó không hạp trên mặt anh chút nào!"

Tưởng nói như vậy chắc anh sẽ quê cơ và không đem mấy lọ sạch bắt tôi rửa, ai dè, anh cười, đưa thêm rồi nói:

"Cái cô bé này.. thiệt tình.."

Tôi tức lắm, ừ anh đì tôi, lát nữa về tôi méc với hai đứa kia cho tụi nó ghét cái bản mặt khó ưa của anh, nghỉ chơi với anh luôn. Thấy anh bỏ đi, mừng quá, tôi tiếp tục làm việc, không đầy nửa tiếng, anh trở lại, trên tay cầm một miếng vải hơi ngã vàng, trong đó có một đống, in như đậu hủ loại cứng đã bị rớt xuống đất được nhặt lên. Anh nhoẻn cười:

"Thử hông, phô mai anh mới làm, ngon lắm."

Tôi nói:

"Ahhh…chắc biết lỗi nên bi giờ muốn làm hoà hay anh muốn đầu độc tôi, phô mai gì mà thấy gớm vậy?"

Chưa kịp trả lời thì mấy anh bạn cùng lớp với anh bay lại đòi thử. Anh bẻ cho mỗi người một cục, chớp nhoáng là bay hết đống phô mai anh làm. Ai cũng khen xối xả, nói kỳ này thành công rồi, ngon lắm! Anh cười khoái trí, cái đồng tiền hủng càng sâu như cái hố.

Tôi nghĩ mấy anh này học cùng ngành, chắc "genes" cũng giống nhau, kết luận, họ không bình thường, còn tôi thì thoát nạn.

Xong việc lúc 9 giờ đêm, tôi chạy bay lên thư viện tìm hai đứa bạn, kể chuyện bị anh đì, còn thêm gia vị cho mặn mà bi đát hơn. Tụi nó binh vực tôi, bạn mà, nên tức lắm. Đang bàn cách để báo thù anh chàng khó ưa này "ảnh ỷ dạy tụi mình nên phách lối, chỉ lớn hơn tụi mình có 3, 4 tuổi thôi mà ....." WHAM! "Trời đất ơi, mày làm cái gì vậy Phụng? Ngồi kế mày có ngày tụi tao đứng tim". Hoá ra nhỏ Phụng lấy quyển sách đập con ruồi chết tuơi, nhỏ Mai tánh hiền, nói "nhỏ này ác." Con Phụng tỉnh bơ, lấy tờ giấy ra xếp một cái hộp nhỏ, bỏ con ruồi vô, xong thấy nó viết cái gì đó lên tờ giấy khác, rồi lẩm bẩm, "không được, phải viết bằng tiếng Anh, nếu viết tiếng Việt anh sẽ biết ngay là tụi mình làm." Nó cặm cụi viết, xong, nó đưa cho tụi tôi đọc, đại khái là hăm doạ anh không được quậy phá đám con gái trong trường, không được nói chuyện phách lối, không được ...., không được… và cuối cùng là không được mời một đứa nào đi chơi riêng, nếu không thì anh sẽ giống như con ruồi này. Chấm hết!

Hai đứa tôi khâm phục nhỏ Phụng quá trời, nó suy nghĩ đâu ra cái trò này hay hết sức tưởng tượng. Bàn đi tính lại, nhỏ Mai nói phải đợi đúng nửa đêm đi giao lá thơ thì mới hiệu nghiệm, vì đó là giờ linh thiêng.

Ba đứa rời thư viện, về phòng cất sách vở, đợi gần đến giờ linh đi qua khu anh ở. Lum khum núp bên ngoài, đèn vẫn còn sáng, ít khi nào anh đóng màn phòng khách nên nhìn vào thấy hết cử động bên trong. Thấy anh vô bếp lấy ly nước, rồi trở ra phòng khách, vừa đi vừa đọc, hình như là quyển truyện chớ không phải sách học. Nhỏ Phụng để lá thơ và cái hộp ngay phía dưới cửa. Canh đúng 12 giờ, nó bấm chuông rồi chạy lại chỗ nhỏ Mai và tôi đang đứng núp phía sau cây cổ thụ.

Trời ơi sao run dữ vậy nè!

Thấy anh ra mở cửa, cả ba đứa lo, sợ anh không thấy cái hộp, nhưng rồi thấy anh cúi xuống lượm cái hộp và lá thơ, nhìn qua nhìn lại, không thấy ai, anh trở vô nhà đóng cửa lại, còn đóng màn nữa chớ…. Cả ba đứa thở phào, vui vẻ trở về phòng, cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu, chưa bao giờ tụi tôi ngủ ngon như tối đêm đó.

Sáng hôm sau ba đứa dậy rất sớm, đi ăn sáng xong, lên thư viện chỗ tụi tôi đóng đô, bàn cách để đối phó anh chàng khó ưa này. Chưa kịp suy nghĩ thì thấy anh từ thang máy bước ra, đến bàn ngồi đối diện với nhỏ Mai và tôi. Chưa biết phải đương đầu với anh thế nào nên cả ba giữ im lặng. Anh mở sách ra đọc, tôi liếc thấy mặt anh có vẻ bơ phờ, nhưng lại có vẻ vui tươi hơn mọi khi, nhưng sao tôi lại thấy cái đồng tiền không ở đúng chỗ kia chứ?

Không khí đang yên lặng, rất nặng nề thì anh đứng lên, nói khơi khơi không nhìn tụi tôi:

"Chà! Tối thức khuya vậy mà sáng nay dậy sớm, siêng quá ta, đang học bài hay đang bàn tính chuyện mờ ám đây?"

Nhỏ Mai quíu quá, lí nhí:

"Tụi em học bài."

Anh nhìn ba đứa rồi nói tiếp:

"Vậy hả? Giỏi lắm. Tối qua anh bị khủng bố!"

Nhỏ Mai nói liền:

"Vậy sao? Ai chơi kỳ vậy?"

"Ừ, chơi kỳ!"

Anh trả lời, rồi lôi trong túi sách ra cái hộp nhỏ để lên bàn:

"Cô nào xếp cái hộp này xinh lắm, cái hộp và lá thơ anh giữ làm kỷ niệm, còn con ruồi anh bỏ rồi."

Tôi xoay mặt chỗ khác làm bộ giận để tránh trả lời và tránh cái nhìn sao cảm thấy như xoáy trong óc đâm vào tim. Anh cất mấy thứ vô túi sách rồi nói:

"Mấy cô này thiệt tình."

Anh đi xong tụi tôi thở phào, không khí nhẹ hẳn đi, tụi tôi khoái trí, vậy là anh sợ tụi tôi rồi, hết dám quậy phá tụi tôi nữa.Khoẻ ru!

Nhớ lại thấy mắc cười, đúng là một lũ ngây thơ khờ dại, vậy mà dám tưởng anh sợ thiệt, khoái quá chừng.

Sau vụ khủng bố ấy tôi học được bài học đó là không nên ghét ai hết, bởi vì khi ghét ai thì mình cứ hay nhớ tới người mình ghét, ghét những lời người đó nói, ghét những chuyện người đó làm, và ghét nhất đôi mắt khi nói chuyện nhìn thẳng vào mắt tôi như một luồng điện xoáy tận tim.

Ghét đến nỗi mình làm gì cũng thấy cái mặt người mình ghét, cứ lởn vởn trước mặt mình.

Ghét đến nỗi ngồi trong lớp lại thấy cái đồng tiền trên cái mặt đáng ghét.

Ghét đến nỗi lúc ngủ lại nhớ đến người mình ghét.

Ghét nhiều quá làm đầu óc lộn xộn, thế mới chết!

Anh ít nói, có lẽ vì thích sự yên tĩnh nên suốt ngày anh ở trong phòng thí nghiệm, cho tới lúc quen ba đứa tôi, ồn ào như ba con vịt trời, thì anh mất đi sự yên tĩnh đó. Có lần tôi hỏi:

"Anh Hiễn ơi, chắc ước mơ của anh là trở thành một bác sĩ?"

Anh nói với tôi:

"Anh chưa bao giờ có ước mơ đó."

Tôi thắc mắc:

"Vậy sao anh chọn theo ngành hóa?"

Anh nói rằng:

"Anh thích làm trong phòng thí nghiệm hơn, ước mơ của anh là sẽ tìm được một công thức nào đó để diệt chủng những con vi khuẩn của những chứng bệnh đã tàn phá con người, làm cho mình phải luôn sống trong nỗi sợ hãi."

Anh kể tôi nghe về một vị Bác sĩ tên Jonas Salk, nhờ ông và những người như ông nên con người không còn sợ bệnh dịch polio, đã bao năm hoành hành, nó không thể gây tê liệt hoặc tử vong cho con người được nữa.

"Chỉ cần tìm được một công thức nào đó thì không những chỉ trị cho vài chục ngàn bệnh nhân mà là hàng triệu triệu người ở các nước trên thế giới."

Thật ra tánh anh rất dễ thương, chỉ có nhiều lúc nói chuyện không theo như ý tụi tôi thôi, nhưng mỗi lần cần gì thì anh đều giúp. Đối với tụi tôi, thì đó là một người anh để tụi tôi làm nũng. Anh Hiễn có chiếc Fiat nhỏ anh lái đi New York mỗi tháng một lần để thăm gia đình bà dì và mua thức ăn Việt. Xung quanh trường không có chợ Việt Nam và đám con gái chúng tôi thì thèm đồ ăn quanh năm. Có lần anh nói:

"Bao tử mấy cô giống như máy hút bụi, bao nhiêu đồ ăn hút vô hết mà sao vẫn ốm nhom như cây tre".

Câu này làm tụi tôi giận anh hết ba hôm. Rồi sau đó ba đứa nghĩ lại thấy anh nói đúng, tụi tôi ăn rất nhiều nhưng không lên cân, bao nhiêu đồ ăn hút hết vô bụng, không chê món nào, lạ ghê! Trong lớp sinh vật, ông thầy nói con người vẫn tiếp tục phát triển tới 26 tuổi lận. Đúng rồi, tụi tôi đang lớn cần phải ăn nhiều. Thôi kệ, giống máy hút bụi cũng hông sao. Con gái ốm là đẹp!

Cứ mỗi đầu tháng, anh lái xe lên New York. Anh thường đi vào buổi sáng thứ sáu và trở lại vào đêm hôm sau, đem cho chúng tôi đồ ăn tiếp tế, nào kẹo me, ô mai, thịt bò khô, mì gói, nước mắm ... toàn đồ ngon, tất cả các thứ mà đối với những đứa con gái đang đói và thèm đồ ăn Việt thì đó là một hạnh phúc rất lớn và nhớ đời. Chúng tôi vừa học vừa nhâm nhi ngay trong thư viện. Nơi chúng tôi đóng đô là trên tầng lầu 11 của thư viện trường Đại học. Chúng tôi chọn tầng này vì nơi đó không có sách, chỉ có bàn và ghế. Cũng không có màn trên cửa sổ, nơi ba đứa tôi hay nhìn lên bầu trời và mơ những giấc mơ vĩ đại.

Anh Hiễn thỉnh thoảng nhắc nhở chúng tôi khi những giấc mơ đã được thả nổi quá cao:

"Mấy cô làm ơn làm phước leo xuống giùm, sắp sửa thi rồi kìa, hổng chịu lo học bài đứng đó mà mơ với mộng. Thường thường anh thấy con gái học siêng lắm mà? Còn mấy cô thì đợi nuớc tới rồi mới nhảy!"

Con Phụng đang mơ bị vỡ mộng nên nó nổi sùng nói một hơi:

"Anh Thầy này! Mơ cũng hà tiện! Miễn sao tụi em nhảy qua thôi chớ, … xí... xí … xí ......"

Rồi nó ngoe ngoảy lấy sách qua ngồi bên kia. Một hồi tôi nghe tiếng nó ngáy khò khò khò..... Anh Hiễn ngồi một hồi rồi đứng dậy lắc đầu:

"Tui thua mấy cô luôn. Thôi anh vô lớp đây!"

Con Mai lúc đó mới lên tiếng:

"Anh Thầy khó tánh quá, làm học trò mất hứng".... hihihihi... nhỏ Mai hay cười, rồi nó nói tiếp,

"hổng hiểu sao mỗi lần anh Hiễn gặp tụi mình một hồi là thấy anh nổi nóng rồi hầm hầm bỏ đi, vậy mà cứ lại bàn tụi mình ngồi hoài, quái thiệt!"

Anh đi xong thì nhỏ Mai và tôi mơ mộng tiếp....

Có lần lớp thí nghiệm một chất... lâu quá tôi quên tên, chất này không màu, không mùi, nếu ngửi sẽ làm mình ngất đi ngay lập tức. Cũng như thường lệ, trước khi bắt đầu thực tập thì anh Hiễn giảng sơ về bài tập hôm đó, đại khái những gì chúng tôi phải làm, và những gì không được làm. Anh nhấn mạnh cho cả lớp là bất cứ ai ngửi hóa chất này sẽ tự động lãnh một con "F" (là cái trứng vịt) cho bài thực tập hôm đó. Anh hỏi lại:

"Cả lớp hiểu chứ?"

Cả lớp cùng nhau tuân lệnh

"Dạ hiểu."

Chúng tôi bắt đầu thử nghiệm. Đang chăm chú đọc cách chỉ dẫn thì nghe một cái "RẦM!" kế đó là tiếng con Mai la, "Cha Mẹ ơi, con Phụng xỉu."

Anh Hiễn đang viết vài thứ lên bảng, xoay qua nói tỉnh bơ:

"Sao khoá nào cũng có một người xỉu!"

Còn tôi thì lo cho con Phụng, "Kỳ này nó lãnh con "F" là cái chắc!"

Đợi vài hôm sau cho hồn vía con Phụng ổn định, cả ba lên gặp anh Thầy để năn nỉ cho con Phụng làm lại bài thực tập. Anh thừa dịp giảng cho tụi tôi một mách, "mấy cô..... mấy cô .... "

* Nồi cháo vịt.

Tối hôm đó đang ngồi học trong thư viện, tự nhiên thấy mắt nhỏ Phụng đỏ hoe. Hỏi một hồi nó nói nhớ má. Tội nghiệp nhỏ. Nó qua đây với gia đình bà chị, còn bao nhiêu kẹt ở VN. Cũng như anh Hiễn, qua đây chỉ có một mình với gia đình bà dì, ba anh là bác sĩ trong quân đội, lúc đó học cải tạo tận ngoài Bắc, mẹ, ba đứa em trai và cô em gái mới hai tuổi lúc anh đi, còn kẹt ở Sài Gòn, anh an ủi nó, "Thế nào cũng có ngày gia đình đoàn tụ, ráng lên đi Phụng."

Rồi nó nói thèm đồ ăn má nấu, nhất là món gỏi và cháo vịt. Nhỏ Mai la:

"Con quỷ này, sao không thèm cháo gà, tao qua anh Hiễn nấu mày ăn, vịt tìm đâu ra?"

Nghe tụi tôi nói chuyện chắc thấy mủi lòng, anh bảo cuối tuần anh đưa tụi tôi đi chơi.

Sáng dậy sớm, quần áo chỉnh tề, tưởng anh đưa đi đâu chơi, ai dè anh chở tụi tôi đến một trang trại, có rất nhiều bò và đám vịt ngoài xa.Ông già Mỹ ra chào và nói muốn mua vịt thì tự mình bắt, $1 một con, bắt bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu.Anh vồ bắt được hai con, còn tụi tôi thì súm nhau rượt tụi vịt một hồi thì bị cả dòng họ nhà vịt rượt lại,làm cả đám chạy muốn sút váy (hôm đó diện vì tưởng anh chở đi bát phố).May là phóng vô xe kịp, không thôi bị vịt mổ vô hai cái giò để thẹo là hết mặc đầm. Thấy tụi tôi sợ thiệt, anh hối hận, hứa kỳ tới sẽ đưa tụi tôi đi hái dâu cho có vẻ thơ mộng hơn.Anh tưởng tụi tôi ở nhà quê nên mấy vụ này rành lắm.Anh quên tụi tôi một thời là gái "thành thị", đúng ra là những "công chúa bị đầy" xuống ở nhà quê thôi.Không bị thương tích, tởn tới giờ.

Tối về anh nấu nồi cháo vịt, anh múc cho công chúa Phụng tô đầu tiên, ăn một miếng, nó nói tỉnh bơ:

"Thịt cọp chắc dai cỡ này mà thôi", nhỏ Mai ngây thơ hỏi:

"Bộ mày ăn thịt cọp rồi hả?"

Phụng trả lời:

"Chưa! tao nghĩ vậy thôi."

Từ đó nhỏ Phụng hết dám thèm món cháo vịt "trời". Bây giờ mỗi lần ra công viên thấy vịt tôi hơi ớn…sợ họ hàng nhà vịt nhìn mặt tôi nhớ chuyện xưa.

* Ly cà phê ngọt.

Hôm đó vào mùa thu, trời đã bắt đầu thấm lạnh, lá đã đổi màu, có cây thì đã trơ trụi không còn đến một cái lá che cành. Anh mời tụi tôi đến thử cà phê anh pha. Như mọi thường, tụi tôi ở thư viện tới giờ đóng cửa là 11 giờ đêm mới về phòng, cất sách vở, đến nơi anh ở theo lời hẹn. Anh khoe mới mua hai cái phin. Anh đã pha xong hai ly và đang chờ thêm hai ly. Trời lạnh mà con Phụng nói muốn cà phê sữa đá, còn Mai và tôi thì sợ lạnh nên đòi cà phê sữa nóng. Anh đưa cho mỗi đứa một ly và cười, nói:

"Mấy cô chưa biết uống cà phê."

Chắc bị chạm tự ái, con Phụng nói nó biết uống từ khuya! Hồi còn ở VN lận, rồi nó làm một cái ực, hết ly cà phê. Trời! Nó làm như uống coke vậy. Hồi còn ở VN tôi có đi vô quán cà phê với mấy bà chị. Đó là vì má bắt mấy chị phải dẫn em theo để canh chừng, không cho đi một mình với bạn trai, lúc đó tôi chỉ uống sinh tố hay ăn kem ba màu thôi, nhưng có để ý, mới biết uống cà phê phải uống từ từ, nhâm nhi, con mắt phải mơ mơ màng màng ra vẻ đăm chiêu như mình đang suy nghĩ chuyện gì. Phiền toái thiệt.

Anh pha cho con Phụng thêm một ly.

Đêm đó tụi tôi thức suốt đêm, bắt anh nấu mì cho tụi tôi ăn, và nghe tụi tôi thay phiên nhau kể chuyện. Tôi kể về dạo tôi đi làm thêm sau giờ học năm lớp 11 và 12 ở một hãng gà. Một nơi mà tôi không muốn nhớ đến nhưng lại không muốn quên vì lúc nào cũng hy vọng rằng những năm sau này sẽ không có người Việt của chúng ta làm trong nơi đó. Tôi kể chuyện có lần đi làm về khuya, gặp "ma gà" nó khiến tôi chạy xe vô một cái nghĩa địa. Là dân thành phố, từ lúc sanh ra cho tới 17, 18 tuổi mới nghe qua "ma gà", bị tôi hù, hai con nhỏ bạn sợ điếng hồn. Còn anh, ngồi hý hoáy vẽ.

Hôm sau tôi viết lá thư cho một người chị lúc đó mới lấy chồng ở Texas , tôi khoe với chị NA, "Em đã biết uống cà phê." Mấy tuần sau nhận được thư chị hồi âm chỉ vài hàng "vậy là em tôi thành người lớn rồi đó." Và tôi bắt đầu mê cà phê từ hôm ấy…...

* Một ngày mùa thu.

Hôm đó thứ tư, là ngày thi cuối của tôi cho khoá mùa thu. Đang ngồi trong lớp, tôi thấy anh đi qua đi lại trước cửa lớp, hơi thắc mắc, hổng lẽ tự dưng mình lại nghĩ tới người mình ghét, nguy hiểm quá nên tôi không nhìn ra cửa để chú ý vô bài thi.Thi xong đi ra, thấy tôi anh hỏi:

"T làm bài tốt chứ?"

Tôi nói:

"Dĩ nhiên." Anh nói tiếp:

"Thi xong mà mặt tươi rói là biết làm bài được rồi."

"Xời ơi, em có sư phụ mà, với lại sư phụ đứng ở ngoài cửa canh thì làm sao mà không làm bài được." Anh mỉm cười.

Hôm nay cái đồng tiền bỗng dưng ở một vị trí rất hạp trên khuôn mặt anh.

"Sao anh đứng đây, bộ lát nữa anh thi trong phòng này à?"

"Không. Anh có quyển sách này, anh muốn T đọc."

Thấy tựa sách tự nhiên tôi bối rối, chân tay bủn rủn nặng trĩu không biết để đâu.Nhớ trong suốt lúc thi tôi không hồi hộp nhưng tại sao bây giờ đứng trước mặt anh tôi lại run rẩy, và tôi còn có thể cảm thấy cái ấm của máu chảy mạnh qua cơ thể của tôi, chảy xuyên qua lòng tôi, nó dừng lại, và xoay quấn quanh trái tim làm nó đập thình thịch như muốn rớt ra khỏi lồng ngực.Lạ thiệt.Có phải "tinh tú quay cuồng" mà mỗi tối tôi nghe Đức Huy ca là như vậy sao?

Tôi lấy lại bình tĩnh nói với anh:

"Quyển này hơi dày chắc em đọc cả năm mới xong."

Anh trả lời:

"Không sao, anh tặng cho T giữ luôn mà. Đọc đi, đọc để hiểu, đọc để biết. Anh có giờ thi, chiều nay gặp lại T, mình đi ăn chung nha."

May quá anh vừa nói vừa hối hả bước đi ngay, nếu không chắc tôi sụm tại chỗ!

Đang trên đường trở về phòng đầu óc còn rất căng thẳng thì gặp hai con quỷ. Nhỏ Phụng thấy quyển truyện thì giật lấy ngay:

"Trời ơi! Anh Hiễn tặng mày hả? Chuyện này là thế nào?"

"Chỉ là quyển truyện thôi làm gì mày la um sùm".

"Aahhh… chắc anh chàng định tỏ tình nhưng không dám nói nên bày đặt tặng truyện."

"Hổng phải đâu."

"Xời! Chữ YÊU của tác giả Chu Tử to tổ bố còn chối leo lẻo."

"Tao phải đọc trước" nói rồi nó bỏ chạy, nhỏ Mai lụi đụi theo sau.

May mà tôi giấu lá thơ anh kèm trong quyển truyện, không thôi tụi nó đọc được thì kể như tôi có nước trùm mền mà trốn thôi. Tôi la với theo:

"Trả lại đây, tụi bây còn phải học thi mà."

Hai đứa quỷ cùng la lên:

"Tụi tao học rồi, nhắn với anh Thầy tương tư khi nào đọc xong tụi tao sẽ trả lại cho mày nha."

Tụi bây là đồ ác, đồ quỷ, đồ khó ưa.... Thôi kỳ này là tiêu thiệt rồi. Tôi về phòng trùm mền.

* Xé lòng.

Tụi tôi quen anh Hiễn khoảng một năm thì anh bị xác định có khối u não (brain tumor). Bác sĩ nói anh chỉ còn sống 6 tháng mà thôi!

Tụi tôi nhất định không tin!

Trong hai tháng đầu, tôi đi với anh ra vào bệnh viện để chờ đưa anh về vì anh không thể lái xe. Sau đó bệnh anh trở nên nặng, nên phải nằm lại nhà thương. Lúc đó tôi như là một xác tàu lênh đênh trên biển dữ. Đôi khi tôi chỉ muốn ngủ cả ngày ... vì như vậy tôi sẽ không cảm thấy đau nhói, sẽ không suy nghĩ .... bây giờ nhớ, nghĩ lại mới thấy đó là chuyện ngớ ngẩn bởi vì tôi vẫn cảm nhận được cái đau sau khi tỉnh dậy, và nếu lúc ấy không ngủ thì tôi đã có thể tỉnh táo để nói chuyện với anh khi anh còn bên tôi, để nói lời tạm biệt khi anh vẫn còn đó để ôm và an ủi tôi. Tôi rất tiếc!

Có một thời gian, quá đau buồn, sau khi từ nhà thương trở về, tôi ghé qua nơi anh ở và khóa mình trong phòng của anh cả một tuần và đã làm gì? Tôi nghe đi nghe lại các băng nhạc do anh hát và thâu cho tôi. Văng vẳng bên tai lời anh nói hôm nào: "chắc anh yêu cô bé mất rồi!"

Sau một vài lần khám bệnh chúng tôi trở về và anh ôm tôi, anh khóc thật nhiều, nhưng đó không làm tôi ngã quỵ ... mà ngã quỵ là đây…

Anh nói với tôi:

"Hiện tại anh chỉ muốn đếm ngược thời gian… không phải cho bao nhiêu thời gian chúng ta sắp mất nhau, mà cho bao nhiêu thời gian anh sẽ trở lại với em."

Anh nói với tôi là sẽ tập trung mọi ý nghĩ vào cuộc đoàn tụ sắp tới. Anh hứa sẽ gặp lại tôi ở một nơi không có đau buồn!

Nghe anh nói, tôi như lạc lõng trong khối sương mù xám ngắt cùng với đám mây đen lạnh lẽo.

Điều làm tôi đau đớn nhứt là, tôi tự hỏi, làm sao tôi có thể thức dậy, tỉnh táo trong cơn mù sương và tiếp tục cuộc hành trình đến gặp anh trong khối sương mù trong đám mây đen ấy?

Một điều đáng buồn về ICU là họ đuổi tôi ra 4 giờ một ngày, 2 tiếng đồng hồ trong sự thay đổi chuyển ca buổi sáng và 2 tiếng đồng hồ vào ban đêm. Khi họ đuổi tôi ra khỏi ICU để đổi ca đêm, tôi về căn phòng trọ của anh. Tất cả sách vở anh xếp thứ tự vẫn nằm yên trên bàn. Bài thesis đang viết dở dang vẫn còn nằm trên bàn học chờ anh trở về hoàn tất, tấm hình anh vẽ tôi đêm nào ngồi uống cà phê, ly cà phê anh pha. Đột nhiên có điều gì đó quá sức nặng nề trấn đè tôi xuống tôi trở nên nghẹt thở đột quỵ với cảm xúc từ những kỷ niệm chúng tôi đã có với nhau trong năm qua ... căn phòng trở nên trống vắng và tôi cảm thấy thực sự cô đơn. Tôi khóc và dừng lại. Rồi tiếp tục khóc và sau đó lại dừng lại và khóc cho đến khi tôi thiếp đi…...

Đêm cuối cùng tôi trở lại bệnh viện, anh không còn nhìn thấy tôi nữa.Tôi nắm lấy tay anh và tôi cảm nhận được anh đang cố xiết lấy tay tôi trở lại. Như vậy là anh biết tôi đang ngồi kế bên anh. Đối với tôi như vậy là đủ rồi! Tôi không khóc, nhưng sao nuớc mắt lại cứ rơi làm ướt cả tấm mền phủ đấp lên thân thể anh đã không còn cảm giác? Vì thấy anh đang cố gắng để bứt dựt tay anh ra khỏi sợi dây kềm chế (y tá họ buộc tay anh vào thanh giường để ngăn anh kéo ống thở ra). Tôi vội vàng tháo lỏng sợi dây, anh kéo tôi lại gần với anh và vỗ nhẹ vào cánh tay của tôi.

Trời ơi. Anh an ủi tôi!

Anh vẫn còn nghĩ tới và chăm sóc tôi với những gì anh có thể... vẫn chăm sóc cho tôi ngay cả khi anh thở bằng một máy thở, một ống dẫn thức ăn, một EKG, một đường dây trung tâm, 2 dây periph IV, và một dây động mạch. Thân thể anh đã bị liệt từ ngực xuống, nhưng anh vẫn cố gắng để an ủi tôi với một bàn tay trong khi bàn tay bên kia vẫn còn bị trói chặt.

Giây phút ấy là tình yêu thương tôi muốn nhớ mãi mãi ... nó hơn cả khi nhận được ngàn vạn đóa hoa hồng trong ngày Valentines.

* Thắp một nén nhang.

Đã lâu lắm rồi tôi không nhìn thấy anh trong những giấc mơ của tôi. Mai và Phụng từng nói với tôi rằng khi nào tôi không nhìn thấy anh trong giấc mơ của tôi thì có nghĩa là anh đã tái sinh trong đời sống khác.

Trong vài năm đầu sau khi anh Hiễn qua đời, có những lúc tôi rất giận, không biết giận ai nên tôi giận anh. Anh bỏ đi đến một chân trời mới để tôi trơ trọi một mình như cái xác không hồn, trống rỗng!

Học xong năm thứ hai, cả ba đứa đổi trường, đến một nơi khác. Tưởng đến một nơi xa lạ tôi có thể quên tất cả để tiếp tục việc học, không dễ như tôi nghĩ đâu. Nhỏ Mai chuyển về trường gần gia đình nó ở Winston Salem, NC. Nhỏ Phụng rủ tôi về San Francisco, nơi nó ở trước khi quen tụi tôi, tôi không muốn theo nó nên dừng lại ở Westminster, CA. Vào trường mới, tiếp tục lấy lớp. Nhưng mỗi khi ngồi vô lớp hóa mới, không cách nào tôi học được nên tôi bỏ học đi làm trong một năm. Rồi tôi lại trở vào trường cố gắng học tiếp, rồi lại phải bỏ một lần nữa. Đã bao nhiêu lần tôi sắp gục ngã, tôi đều cảm nhận được anh nắm tay tôi và kéo tôi trở lên...

Tôi trở vào trường đổi qua ngành khác rồi lại ghi danh học tiếp. Vẫn đi làm ban ngày và lấy lớp ban đêm. Sau mười năm dài tôi mới lấy được cái bằng Bachelor of Science-Electrical Engineering. Tôi nghĩ ở đâu đó thế nào anh cũng nói "Cô học gì mà lâu dữ vậy?" Tôi cũng sẽ trả lời anh: "Thì lâu thiệt, nhưng miễn sao em học xong thôi chớ." Rồi anh ta xoay lại bỏ đi một nước.

Hôm nay là sinh nhật thứ 50 của anh.

Anh ơi, em muốn biết nơi anh đến có mai vàng hoang dã để anh ngắm, để anh lấy giấy bút ra vẽ ngoằn ngoèo đám mai rừng, để rồi sẽ cùng em lấy về chưng hay không?

Tôi không biết anh đang ở đâu, không biết anh có nghe tôi gọi không, nhưng sao tôi vẫn cảm nhận được tay anh nắm chặt lấy tay tôi, đêm cuối cùng ấy, rất ấm!

Trương Kim Hoàng Thư

Ý kiến bạn đọc
18/10/202004:55:13
Khách
Thân gởi anh Công Tâm,
Nếu anh đọc được tin nhắn này thì anh để lại email cho em qua Việt Báo nhen.
Thư
20/10/201801:57:23
Khách
poor credit loans <a href="https://creditloansguaranteedapproval.com/">bad credit loans</a> same day payday loans no credit check <a href=https://creditloansguaranteedapproval.com/>bad credit loans guaranteed approval</a>
17/10/201812:29:04
Khách
no credit loans <a href="https://creditloansguaranteedapproval.com/">credit loans guaranteed approval</a> credit loans guaranteed approval [url=https://creditloansguaranteedapproval.com/]poor credit loans[/url]
13/10/201811:09:48
Khách
no credit loans <a href="https://creditloansguaranteedapproval.com">best personal loans online</a> bad credit loans direct lenders [url=https://creditloansguaranteedapproval.com]bad credit loans direct lenders[/url]
10/10/201804:33:22
Khách
credit loans guaranteed approval <a href="https://creditloansguaranteedapproval.com">poor credit loans guaranteed approval</a> bad credit loans [url=https://creditloansguaranteedapproval.com]bad credit loans guaranteed approval[/url]
21/10/201422:13:05
Khách
O ban dao Cam Ranh cung co mai rung, khong biet Thu co biet khong? No o ve phia bac cua Dai Thu Hai Quan. No o khoang giua cua Dai Thu Hai Quan va nga 3 (Dai Phat o ve phia bac cua nga 3 nay.) Co ca mot rung mai o day va rung mai noi day rat dep, rat sach, va rat yen tinh. Minh tinh co biet duoc khu rung mai nay vao khoang gan tet nam 1973. Thu co den khu rung mai nay lan nao chua? (Toi xin loi vi may cua toi khong bo dau tieng Viet duoc.) Than men.
02/08/201203:00:13
Khách
Thân chào Nguyễn Văn với lời cám ơn.
Thư
19/06/201211:03:36
Khách
Truyện hay!
01/06/201223:52:33
Khách
Thân gửi MaiDung, Kakinina, MaiTrinh, HảiLinh, MH, ThuHà, PhươngDung, & HạtMe:
Những lời nhắn của các bạn đọc sao thật ấm lòng.
HạtMe - Chắc thích ăn me lắm hay sao mà lấy nickname HM? Hồi đó 3 đứa mê ăn me lắm, trong túi sách lúc nào cũng có me, thậm chí me sống cũng nuốt luôn. Anh H hay nói "sao mấy cô lớn rồi mà trong túi sách lúc nào cũng đầy đồ ăn!"
PhươngDung - Đã gặp PD lần đầu trong dịp họp mặt VVNM năm ngoái. Nhìn thấy PD đoạt giải Hoa Hậu VVNM 2011, rất khâm phục. PD là người đầu tiên xin chữ ký, mà kg phải ký check để trà nợ. Hân hạnh lắm đó nha! Khi nào có dịp đi họp mặt VVNM nhất định T sẽ tìm PD tặng chữ ký để coi cảm giác ra làm sao.
ThuHà nè, kỷ sư này củng biết viết chúc chúc, nhưng 10 năm mới xong 1 bài. Lâu lắm mới nghe hai chử "đỏng đảnh", thích ghê.
MH - thỉnh thoảng T vẫn nhớ những kỷ niệm đẹp của thời ấy, nhớ lắm.
HảiLinh - đọc 2 câu thơ của Nguyễn Du làm T phải hỏi mấy bà chị dịch giùm, chữ nào củng biết vậy mà ráp vô thơ T lại không hiểu nghỉa, hiểu rồi hay ghê đi. Kho tàng kỷ niệm tuyệt vời này đã cất giữ ở riêng một góc trời rồi.
MaiTrinh - T cũng cảm nhận mấy lời nhắn của Mai Trinh từ tấm lòng, T chắc chắc anh H đến nơi ấy.
Kakinina - 2 câu thơ của Kakinina gửi đọc sao thấy buồn ghê. cám ơn bạn đã đọc và bỏ thời giờ với những lời khen, thích lắm.
MaiDung - rất quí những lời chia sẽ.

Thân thương, Thư
12/06/201204:40:31
Khách
Thân mến chào các ACE - VVNM

Hôm nay Thư xin hân hạnh gởi vô đây audio đọc chuyện, qua giọng đọc của chị Trương Ngọc Bảo Xuân, giọng của Thư và vài người bạn

http://www.esnips.com/displayimage.php?album=4540868&pid=34105264#top_display_media

Mong đón nhận những góp ý từ bạn đọc bốn phương để có thể làm tốt hơn .

Cám ơn và xin chúc lành
Thư
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 70,603,954
Tác giả tên thật là Nguyễn Tân, tuổi 60', cựu sĩ quan hải quân, cư dân Glendale, CA. Ông tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận giải và hiện là thành viên "Ban Tuyển Chọn Chung Kết" của Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài mới góp vui của ông.
Tác giả tên thật: Nông Phiên; Sinh năm 1965 tại Sài gòn. Giáo viên Sư phạm Kỹ Thuật. Công việc hiện tại: Electro-mechanic Technician. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Phi Yên là một tự sự linh hoạt về công việc lưu trữ ngũ cốc tại Mỹ, lần đầu được đề cập bởi người gốc Việt. Sau đây là bài viết mới nhất. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả có ba tập thơ song ngữ Anh-Việt đã xuất bản. Cô sinh tại Việt Nam năm 1975, định cư tại Hoa Kỳ từ 1994, khi đã 19 tuổi. Năm 2004-05, cô được cấp học bổng Fulbright, bậc tối ưu, để thực hiện nghiên cứu về người Việt tại Thụy Điển. Sau khi tốt nghiệp cao học hai ngành: Lịch Sử Truyền Khẩu &amp; Cộng Đồng tại CSUF.; và Nhân Chủng Học tại Đại học Stanford, cô hiện đang hoàn tất chương trình tiến sĩ.
Tác giả sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, đang làm việc trong phân xưởng in của một nhà máy tại địa phương. Sau đây là bài Viết Về Nước Mỹ thứ ba của cô.
Tác giả sinh năm 1965, quê ở Phú Yên. Vượt biên năm 1988, hiện sống cùng gia đình tại Chicago. Công việc đang làm: inspector và programer trong một hãng tiện cơ khí. Ngay từ bài viết về nước Mỹ đầu tiên trong năm 2012, “Chuyện Của Bill” tác giả đã cho thấy cách viết tinh tế và sống động hiếm có. Được biết, tuy cùng bút hiệu và cùng gửi từ Chicago, nhưng Nguyễn Văn 2012 không liên hệ tới tác giả Nguyễn Văn của năm Canh Thìn 2000, người viết bài “Dưới Mái Trường Senn.”
Tác giả Lưu Nguyễn cư trú tại Davis, CA, đã góp nhiều bài đặc biệt và từng nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ, với nhiều bài viết kể chuyện đi học, đi làm, đi thực tập làm giảng viên trong ngành thẩm mỹ tại trường Sacramento City College. Bài viết mới nhất của Lưu Nguyễn là chuyện về đời sống tại Mỹ.
Tác giả đã 2 lần liên tiếp nhận giải Viết Về Nước Mỹ: Năm 2009, giải danh dự, với bài "Tình Nghĩa, Nghĩa Tình" và Giải Tác Phẩm Trong Năm 2010, với bài “Việc Làm Ơi, Mi Đi Đâu"” Đến Hoa Kỳ năm 1984, Khôi An hiện là cư dân Bắc California. Nghề nghiệp: kỹ sư điện tử tại công ty Intel. Bài viết mới là một tự sự xúc động về Tháng Tư với lời ghi: Tặng những người có cha mẹ đã chết trong trại tù sau 1975.
Tác giả có ba tập thơ song ngữ Anh-Việt đã xuất bản, và nhiều bài nghiên cứu đăng trong các tạp chí chuyên đề quốc tế. Cô sinh tại Việt Nam năm 1975, định cư tại Hoa Kỳ từ 1994, khi đã 19 tuổi.
Tác giả là cư dân San Jose, cơng việc: Income Tax Services. Ông góp nhiều bài viết và đã nhận giải thưởng đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2007, với bài "Từ Vùng Kinh Tế Mới Tới Nước Mỹ". Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng gia đình hiện sống tại quận Bình Thạnh, Saigon. Bài đầu tiên của K.H. là “Ngày Của Cha”, đã phổ biến trên Việt Báo ngày 19 Tháng Sáu 2011,
Nhạc sĩ Cung Tiến