Hôm nay,  

Cuộc Chiến với Ung Thư

07/03/201200:00:00(Xem: 129283)
  • Tác giả :

Bài số 3503-12-289553vb4030712

Tác giả là một bà mẹ trẻ, cư dân San Diego, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, với bài viết kể về một người thân đã ra đi sau nhiều ngày chiến đấu với bệnh ung thư. Mong MLT sẽ tiếp tục viết thêm.

***

Đức là người em trai duy nhất của ông xã tôi. Năm 1981 khi gia đình tôi dời nhà từ vùng đất lạnh Minnesota về miền nắng ấm Cali, tôi đi học và quen với ông xã tôi và Đức tại một trường phổ thông trong quận hạt San Diego. 

Một thời gian ngắn sau, khi có dịp gặp gỡ thêm các đồng hương, tình cờ chúng tôi được biết cha mẹ hai phía đã thân quen từ trước năm 1975, khi còn ở Sài Gòn. Vì chúng tôi đi học cùng trường, gia đình hai bên giao thiệp với nhau ngày càng thân thiết và vài năm sau lại trở thành sui gia, tôi đã coi Đức không chỉ như một bạn cùng trường, một người em chồng, mà như một đứa em ruột của chính mình. 

Cuối năm 2011 khi gia đình tôi ăn mừng tiễn đưa năm cũ và chuẩn bị đón Tết Tân Mão, chúng tôi được hung tin là Đức bị ung thư thận. Tôi đã từng nghe qua nhiều lần những câu chuyện kinh hoàng về ung thư, nhưng không thể ngờ có ngày một người thân trong gia đình mình lại vướng cơn bệnh này, thứ bệnh hiểm nghèo mà người đời thường ví như “bản án tử hình”. 

Vào khoảng Lễ Tạ Ơn năm 2011 Đức bị bệnh nặng và đã đi bác sĩ gia đình nhiều lần nhưng lần nào bác sĩ cũng nói là Đức chỉ bị cúm thường thôi. Tôi nhớ thời Đức mới bắt đầu trở bệnh, có lẽ vì Đức quá lo lắng khi bị mất việc làm và phải sống nhờ vào tiền trợ cấp thất nghiệp của chính phủ. Đó là thời nước Mỹ lao đao vì “bể bóng địa ốc”, căn nhà của Đức bị xuống giá quá nhiều, vợ chồng Đức không trả nổi tiền nhà và đã bị nhà băng tịch thâu. Hoàn cảnh của Đức cũng tương tợ như rất nhiều người dân kém may mắn khác tại đất Mỹ trong mấy năm nay, khi kinh tế nước nhà bị khủng hoảng trầm trọng. Vì muốn tạo cơ hội giúp đỡ các cơ sở thương mãi hoạt động mạnh hơn và cứu vãn phần nào nền kinh tế đang lụn bại, hãng của tôi có bán vé Universal Studios cho nhân viên với giá khuyến mãi rất rẻ. Biết vợ con Đức chưa bao giờ được dịp đi tham quan trung tâm giải trí nổi tiếng này ở Hollywood, tôi rủ Đức đi chơi cho khuây khỏa, nhưng tôi rất ngạc nhiên khi Đức từ chối:

- Để em coi lại chị ơi, mấy hôm nay em bị cảm không biết đi nổi không.

Lạ thật, mọi khi nghe nói đi chơi thì anh chàng này thích lắm có bao giờ từ chối đâu, nay lại được giá khuyến mãi đặc biệt hiếm có lắm, nếu không đi được thì thật uổng quá!

- Còn vài tuần nữa mấy đứa nhỏ nghỉ Lễ Tạ Ơn anh chị mới đi, lúc đó chắc Đức cũng phải hết bệnh chứ, phải không?

Đức do dự, nói để suy nghĩ lại, nhưng chỉ vài hôm sau thì gọi điện lại trả lời chắc chắn là không đi:

- Sao em sợ lạnh quá chị ơi, đi không nổi đâu. Anh chị đi đi, khi khác tụi em đi.

Thấy bệnh Đức càng ngày càng tệ, ho hen liên miên, vợ chồng tôi khuyên Đức nên xin bác sĩ đi chụp hình phổi kẻo bị bệnh lao thì nguy hiểm lắm! Trong những buổi tiệc cuối năm mừng Giáng Sinh và Tết Tây, Đức còn đến nhà chúng tôi chơi vài lần. Vài người bạn đã khá lâu không gặp Đức, tận tình hỏi thăm sao Đức lại ốm vậy. Đức vừa cười vừa nói giỡn:

- Anh chị thử vừa bị mất việc vừa bị mất nhà như em coi có sút cân không há!

Lúc ấy, tuy gầy nhiều nhưng Đức vẫn còn tươi tắn, nói cười, đùa giỡn và hát hò bài “Phiến Đá Sầu” mà Đức rất yêu thích. Nhưng chỉ vài hôm sau, Đức điện thoại báo tin là kết quả chụp hình quang tuyến phổi về rồi, rằng bác sĩ đã nhìn thấy vài cục bướu lớn nhỏ đủ cỡ nằm dưới lá phổi bên trên thận của Đức, cái bướu lớn nhất dài hơn 8 cm! 

Sau khi Đức gấp rút nhập viện, bác sĩ làm thêm nhiều khám nghiệm khác và khẳng định rằng Đức bị ung thư thận thời kỳ thứ tư cũng là giai đoạn cuối, đã di căn từ thận đến vài bộ phận lân cận khác trong cơ thể. Nghe bảo rằng Đức chỉ còn sống được một hoặc hai tháng nữa thôi, tất cả chúng tôi đều điếng người, bàng hoàng sửng sốt.

Thương đứa em tuổi đời còn trẻ mà phải đương đầu với chứng bệnh ác nghiệt này, vợ chồng chúng tôi đã hết lòng cùng nhau lo cho Đức. Rất tiếc gia đình chồng tôi thật nhỏ bé chỉ có vài người thân, cha mẹ nay đã lớn tuổi lại bệnh hoạn không thể giúp nhiều gì cho con ngoài phương diện tinh thần. Vợ Đức thì mới đến Mỹ được vài năm và không biết tiếng Anh rành rẽ, hơn nữa cô ấy vừa nhận việc làm đầu tiên tại một hãng Mỹ mới được vài tuần nên phải gắng sức tiếp tục đi làm, hầu mong kéo dài bảo hiểm y tế cho hai vợ chồng cùng đứa bé trai 6 tuổi. Vậy là chỉ còn vợ chồng chúng tôi cùng người chú nuôi và ông anh họ là có thể dẹp bỏ mọi việc để lui tới bệnh viện chăm sóc cho Đức.

Hơn ba tháng trời chống chọi với ung thư, Đức đã phải ra vào nhà thương nhiều lần, đến nổi chúng tôi quen thuộc từng ngõ ngách của bệnh viện và hay gọi đùa đó là nơi chúng tôi “ăn cơm tháng”! Những lúc Đức nhập viện để điều trị, mỗi ngày vợ chồng tôi thay phiên vào túc trực để tiếp chuyện cùng nhiều y tá và bác sĩ chuyên khoa khác nhau, chạy ra chạy vào ít nhất là ba lần - sáng sớm trước khi đi làm, trong giờ nghỉ trưa, và sau giờ làm việc. 

Cả mấy tháng liền chúng tôi bỏ bê con cái ở nhà thiếu người chăm nom, ăn cơm tạp nhạp ngoài tiệm vì không còn thời giờ đi chợ, nấu nướng, giặt giũ, làm vườn, hay dọn dẹp nhà cửa. Dù vậy, các con tôi không một lần than van, còn thấy thương chú chúng nó hơn và hiểu rằng mọi người trong gia đình đang cùng nhau hợp sức cố gắng vượt qua một đoạn đời khó khăn.

Ngoài việc tìm kiếm, liên lạc bác sĩ chuyên môn giỏi nổi tiếng trong vùng về ung thư thận và gấp gáp chuyển đổi hồ sơ đưa Đức đến trị bệnh, chúng tôi còn thay phiên nhau thức trắng đêm này qua đêm khác để lên mạng tìm tòi học hỏi về chứng bệnh oái oăm này, thu thập nhiều từ ngữ y học mới lạ, tạo cho mình chút ít kiến thức căn bản để dễ dàng thảo luận với các bác sĩ và nhân viên bệnh viện. Chúng tôi ráng nhớ và hiểu rõ các loại thuốc chuyên khoa, những phương thức trị liệu và mức hiệu quả, nên chọn lựa cách chữa trị nào thích hợp, làm sao phòng ngừa các phản ứng phụ có thể xảy ra, nên hỏi những câu hỏi gì và làm những gì để đạt kết quả hữu hiệu nhất cho em chúng tôi. 

Qua mạng lưới internet, chúng tôi cũng tìm được nguồn hỗ trợ to lớn từ nhiều người xa lạ, đọc được nhiều lời an ủi cảm thông, những câu chuyện thật thương tâm được chia sẻ từ các bệnh nhân khắp nơi với cảnh ngộ éo le tương tự. Cũng nhiều khi trang mạng của họ bị dứt đoạn, vì người viết đã bỏ cuộc dở dang và chịu thua số mệnh, nhưng cũng có nhiều câu chuyện thành công thật cảm động của những người bị ung thư rất nặng vào thời kỳ cuối giống như Đức, vậy mà họ vẫn đã và đang chiến đấu hơn 5 năm dài! Tôi vui mừng kể lại cho Đức nghe hầu mong đem đến cho em ít nhiều nghị lực, niềm tin và hy vọng.

Với sự hướng dẫn và điều trị tận tâm của các bác sĩ chuyên môn cùng những thông tin hữu ích liên quan đến bệnh trạng từ trên mạng, chúng tôi đã tìm được nhiều cách giúp Đức xoa dịu phần nào nỗi lo âu sợ hãi trong tiến trình điều trị ung thư. 

Ngày 10 tháng 1 năm 2011, bác sĩ gấp rút làm xạ trị cho Đức bằng cách sử dụng chất phóng xạ để hủy các tế bào ung thư đã lan vào gần tim. Ba tuần lễ sau, bác sĩ bắt đầu áp dụng cách hóa trị, truyền những hóa chất theo máu luân lưu khắp cơ thể để cố diệt tất cả những mầm mống ung thư. Tuy bị sự tàn phá khốc liệt của ung thư cùng những biến chứng của xạ trị và hóa trị, Đức vẫn ôn tồn cắn răng chịu đựng chứ không hề lớn tiếng thở than. Trước tình cảnh ấy, chúng tôi chỉ biết giúp đỡ Đức bằng cách tiếp tục liên lạc bác sĩ và vào mạng tìm các phương cách hay để giúp Đức khắc phục những cơn đau này. Chúng tôi đã thu nhặt thật nhiều kinh nghiệm hữu ích, phần lớn là từ các nhà chuyên viên, nhưng đồng thời cũng từ chính các bệnh nhân đã từng trải. Ngoài việc học được cách biến chế nước “magic mouthwash” rất hữu hiệu trị lở miệng, chúng tôi còn tìm mua hoặc học cách thức để làm các món ăn nhẹ thích hợp với bệnh nhân ung thư. Chúng tôi mượn của người bạn một cái máy đặc biệt xay sinh tố cỏ lúa mì, và mua thêm một bộ máy xay sinh tố trái cây làm nước cho Đức uống để bồi bổ dinh dưỡng những lúc miệng bị lở loét không thể ăn gì được. 

Cũng may là sau 5, 6 tuần lễ làm trị xạ và hóa trị liệu, Đức đã có những tiến triển khả quan thấy rõ. Những triệu chứng ung thư của thận đã dần dần biến mất, chứng tỏ là phương pháp điều trị và loại thuốc sử dụng rất thích hợp, ít nhiều kiềm chế được các tế bào ung thư. Khi bác sĩ cho biết rằng nếu kết quả cứ tiến triển như vậy thì Đức có hy vọng kéo dài sinh mạng ít nhất là vài năm, chúng tôi vui mừng ứa nước mắt và mong mỏi tin vui sẽ tiếp tục đến với em chúng tôi. Không ngờ chỉ vài tuần sau đó, nhiều biến chứng mới liên tục xảy cho Đức. 

Sau khi tìm thấy nước đọng trong phổi, bác sĩ vừa vội vã làm thủ thuật lấy dịch ra xong thì chỉ vài hôm sau, họ lại tìm thấy nước đọng chung quanh tim của Đức. Vào đầu tháng 3 năm 2011, các tế bào ung thư đã lan truyền vào da, trong hạch bạch huyết ở cổ, rồi thì nước lại đọng trong bụng, lượng calcium trong máu lên quá cao, v.v. Bác sĩ phải tạm dừng hóa học trị liệu cho Đức, áp dụng thủ thuật hút dịch trong bụng và trị hẵn các biến chứng mới này. 

Trong những giai đoạn căng thẳng như vậy, gia đình tôi như ngồi trên bàn chông. Mỗi biến cố đến với Đức đều là một nỗi lo lắng sợ hãi mới cho tất cả mọi người chúng tôi. Thấy Đức bị hóa chất dằn vặt cơ thể đau lòng quá, có lần chúng tôi đề nghị chấm dứt hẵn hóa trị với hy vọng ít ra Đức có thể kéo dài và vui hưởng những giờ phút êm đềm còn lại trong đời bên vợ con và người thân. Nhưng bác sĩ đã không đồng ý, và Đức cũng bác bỏ ý kiến vì em tôi vẫn cứng rắn nghĩ rằng còn nước thì còn tát…

Khi mẹ tôi đến nhà Đức thăm bệnh, bà giựt mình khi thấy Đức tiều tụy ngoài sự tưởng tượng của bà. Bà ôm hôn Đức rồi hỏi:

- Sao rồi, nhõng nhẽo phải hôn con trai?

Mẹ tôi nói những lời an ủi và khuyến khích hy vọng Đức còn trẻ sẽ đủ nghị lực để chiến đấu cho sự sống. Đức chỉ yếu ớt cười, vâng vâng dạ dạ và ứa nước mắt chứ không nói gì. 

Hai bà sui ngồi nói chuyện rù rì về bệnh của Đức một chút rồi mẹ tôi ra về cho Đức nghỉ ngơi. Đó cũng là lần cuối cùng bà nhìn thấy mặt Đức.

Càng ngày Đức càng mệt mỏi, đau nhức, ngứa ngáy, ói mửa, thân thể tàn tạ hốc hác chỉ còn da bọc xương. Nước dịch lại tiếp tục đóng hoài trong bụng rất khó chịu, chúng tôi phải làm hẹn dẫn Đức đi bác sĩ nhiều lần, mỗi lần số lượng lấy ra được càng ít, nhưng cường độ đau đớn thì lại càng mãnh liệt hơn. Ăn uống thì mỗi lần ăn xong lại ói ra gần hết. 

Giữa tháng 4 năm 2011, khi Đức hồi phục sức khoẻ chút ít để làm hóa trị và tiếp tục cuộc chiến với ung thư, bác sĩ cũng cho biết là các tế bào ung thư lại một lần nữa lan truyền và bộc xuất dữ dội qua nhiều vị trí khác trong cơ thể. Bệnh Đức ngày càng trầm trọng, nhưng em tôi không chỉ chiến đấu đơn độc một mình. Đây là một cuộc chiến gay go mà cả đại gia đình chúng tôi cùng hợp sức chống chọi. 

Suốt ba tháng dài đương đầu mọi thử thách, Đức cố gắng giữ bình tĩnh chấp nhận mọi sự và âm thầm chịu đựng không một lần than van hay trách móc số phận, khiến cho tôi càng cảm phục, thương mến. Tôi còn nhớ có một hôm khi tôi rời hãng ghé nhà thăm Đức, Đức thều thào “thú thật”: 

- Em yếu quá rồi chị ơi…

Chưa kịp an ủi gì thì người chú nuôi đang đi công chuyện ở Việt Nam gọi điện thoại hỏi thăm tôi về tình trạng của Đức. Tôi đưa điện thoại cho Đức nói chuyện trực tiếp với chú, nhưng có lẽ bao cảm xúc đè nén trong lòng bao nhiêu lâu nay cuối cùng lại vỡ tung ra, Đức cầm điện thoại thì bật khóc nức nở, nghẹn ngào tức tưởi như con nít lên ba làm chú không hiểu gì cả…Tôi phải đỡ lời giùm Đức và xoa vai Đức an ủi. Tôi bảo Đức thôi ráng nằm ngủ đi cho khoẻ, Đức nói Đức không dám ngủ nữa vì mỗi lần nhắm mắt lại thì thấy toàn là ma quỷ bậy bạ gì không thôi. Tôi cũng biết những ảo giác đó là phản ứng phụ của việc dùng thuốc Morphine để giảm đau, nhưng không lẽ lại xin bác sĩ cho Đức thêm thuốc an thần nữa thì cũng không tốt cho tình trạng hiện tại của Đức. Tôi chỉ đành im lặng và cảm thấy bất lực hơn vì không giúp được gì cho em mình lúc bấy giờ.

Tôi không sao quên được ngày cuối cùng củaĐức. Bụng Đức căng thêm vì nước lại mau chóng đọng lại, dù Đức mới vừa vào bệnh viện lấy dịch ra hôm trước đó. Đức gọi điện thoại cho tôi với giọng yếu ớt:

- Chị ơi gọi bác sĩ giùm em đi lấy nước ra, em chịu hết nổi rồi. 

Tôi vội vàng bỏ ngang mọi việc trong hãng, gấp rút làm hẹn rồi cùng với người anh họ chở Đức vào bệnh viện. Vì hẹn cấp bách nên chúng tôi phải ngồi chờ rất lâu mới được gặp bác sĩ, Đức mệt mỏi rã rời và mặt tái xanh hơn nữa. Đến khi được gọi tên vào phòng với đầy đủ dụng cụ chuẩn bị sẵn sàng để rút nước, bác sĩ khám sơ khởi cho Đức và không chịu tiến hành, dù chỉ mất thêm chút ít thời giờ nữa thôi để lấy nước ra. Thấy cách làm việc thiếu chút bình tĩnh của họ, tôi cấp tốc gọi điện thoại hết bác sĩ chuyên khoa này đến bác sĩ khác thì tôi nghĩ chắc là tin không lành rồi. 

Cuối cùng họ nói rằng phải gởi trả Đức về vì áp suất của em tôi đã xuống quá thấp rất nguy hiểm trong việc lấy nước ra. Tôi năn nỉ bác sĩ có thể nào lấy chút ít thôi để dịu bớt cơn đau xé hiện tại của em tôi, nhưng họ từ chối! Tôi xin cho Đức ở nán lại thêm chút, chờ áp suất hồi phục lại mới làm, họ vẫn lắc đầu từ chối và xin lỗi là không làm gì khác để giúp đỡ cho Đức được. Câu cuối cùng là họ bảo tôi dẫn em tôi về nhập viện vào nhà thương Hospice ngay, nhân viên nơi đó sẽ giúp cho chúng tôi. Đức vừa nghe chữ Hospice thì lo âu sợ sệt, yếu ớt ngước mắt lên nhìn tôi chờ đợi, chờ đợi, và chờ đợi…Có lẽ suốt đời tôi sẽ không thể nào quên được ánh mắt của Đức nhìn tôi lúc đó. Đôi mắt quầng đen trên khuôn mặt tiều tụy hốc hác nhìn tôi như tìm một chiếc ván trôi giữa biển để cố gắng bám víu vào…“Chị hỏi giùm em đi, chị nghĩ giúp em đi chị, mình làm gì nữa bây giờ…” Tôi nghẹn ngào trong lòng nhưng không dám rơi nước mắt trước mặt Đức:

- Họ nói vào bệnh viện Hospice đi, nhân viên ở đó sẽ chích thuốc làm giảm đau cái bụng. Khi nào Đức khoẻ hơn áp suất cao trở lại họ mới rút nước ra được, chứ bây giờ áp suất thấp quá rất nguy hiểm.

Bệnh viện Hospice là nơi an dưỡng để xoa dịu những cơn đau cho bệnh nhân trong những ngày cuối cùng trước khi lìa đời, chứ họ có trị được bệnh gì đâu! Đức vào nhà thương Hospice thì cũng đã 5 giờ 30 chiều rồi, bác sĩ của Hospice khám nghiệm và cho biết rằng thời gian của Đức không còn bao lâu nữa, chỉ chừng một hai tiếng thôi và có thể đi bất cứ lúc nào! Chúng tôi quýnh quáng điện thoại truyền tin cho người thân và bạn bè. Vợ Đức lúc ấy đang bệnh nặng nằm ở nhà nhưng cũng hớt hải cố gắng dẫn con đến bệnh viện. Vợ chồng tôi vội vã liên lạc người thân để đưa ba đứa con của chúng tôi vào tiễn đưa chú, vì biết rằng chú sẽ không qua khỏi được lần này.

Rồi thì thân nhân và bạn bè cùng quây quần quanh giường bệnh, tất cả chỉ biết cầu nguyện cho Đức thôi chứ không nỡ nói lời từ giã, trong khi đứa bé trai của Đức vẫn ngây thơ chẳng hiểu gì, cứ vô tư chạy vui chơi cười giỡn vòng quanh các phòng bệnh. 

Trong suốt thời gian nằm ở bệnh viện Hospice, Đức rất yếu ớt, chỉ nhắm mắt, mở mắt, thỉnh thoảng chậm rãi gật đầu lắc đầu ra dấu chứ không còn nói được lời nào. Tôi lấy tờ giấy trắng xếp thành chiếc quạt để quạt cho Đức, hầu mong đem những luồng gió nhẹ làm thoải mái và xoa dịu phần nào những cơn đau đớn của em. 

Sau hơn 12 tiếng đồng hồ cuối cùng của đời người trên giường bệnh tại Hospice, em tôi đã qua đời lúc 6 giờ sáng ngày 16 tháng 4 năm 2011, trong vòng tay vợ hiền, anh chị, ba đứa cháu và một người bạn thân. Mệt nhoài cả đêm thiếu ngủ nhưng tôi và ông xã tôi vẫn ở lại bệnh viện đến gần trưa loay hoay lo thủ tục giấy tờ. Khi nhân viên bệnh viện đến di chuyển thi hài em tôi về nhà quàn, vợ chồng tôi bịn rịn nắm tay Đức lần cuối. 

Đám tang của Đức được vội vã tiến hành vài hôm sau đó tại một nhà thờ Thiên Chúa giáo trong vùng. Trong ngày thăm viếng, đứa bé trai của Đức vừa được ông bà nội chở đến nhà thờ đã vui mừng cười toe toét chạy xông đến người cha đang nằm trong linh cữu. Nó nghịch ngợm bóp mũi và vò rối tóc cha như thường hay đùa giỡn, bỗng khựng lại và quay lại ngơ ngáo hỏi chúng tôi: “Sao mặt bố lạnh quá vậy?” Thật tội nghiệp thằng bé ngây thơ hoàn toàn chưa hiểu gì là sinh ly tử biệt…

Vào cuối buổi thăm viếng, nhân viên quản lý nhà quàn sửa soạn niêm phong quan tài của Đức. Trước giờ ly biệt, tôi gởi theo trong chiếc áo quan của em tôi tấm hình vợ con em và cái quạt giấy nho nhỏ mà tôi đã vội vã xếp và dùng để xoa dịu những giờ phút cuối cùng của em. 

Trong ngày lễ di quan và an táng, tôi và con gái tôi được cô hướng dẫn tang lễ sắp xếp ngồi trên xe hòm đen đưa linh cữu của Đức vào nghĩa trang El Camino Memorial. Cô dặn dò chúng tôi là nhang đèn mang theo xe phải ráng giữ cháy suốt đoạn đường không nên để tắt. Tôi không hiểu rõ tại sao, nhưng không hỏi gì và chỉ biết vâng theo. Suốt quãng trường dài dẫn đoàn xe tang vòng quanh phố, con gái tôi ôm trong lòng bức chân dung của chú. Tôi ngồi bên cạnh cầm lư hương và nhang đèn, phần thì mãi phập phòng sợ bị tắt, phần thì xao xuyến trong lòng vì cứ thầm nghĩ đây là đoạn đường cuối tôi đi cùng xe với Đức, trên con đường tiễn đưa em tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng.

*

Một mùa xuân nữa lại về nơi xứ người. Xuân Nhâm Thìn năm nay là xuân đầu tiên không còn Đức nữa. Tôi hồi tưởng lại mới Tết Tân Mão năm ngoái đây, mặc dù cơ thể đã yếu đi nhiều vì vừa tiến hành hóa trị liệu được vài tuần, Đức vẫn nhớ phong tục ngày Tết và cố gắng chở vợ con đem quà cáp đến nhà biếu anh chị. Tôi cũng còn nhớ ngày mồng một Tết các con tôi quay quần chúc chú mau sớm lành bệnh và thương tặng chú các thẻ gift cards cho các tiệm ăn mà chú rất thích. Thế nhưng các thẻ tặng vẫn còn đó, chưa có cơ hội bình phục để xài thì chú đã đi rồi. 

Sinh nhật của Đức tháng 10 năm 2011 vừa qua, gia đình tôi đến viếng thăm Đức tại nghĩa trang. Nhìn nấm mồ đã xanh cỏ, tôi thì thầm với Đức là chúng tôi sẽ không bao giờ quên em. Em không còn nữa, nhưng hình ảnh em sẽ sống mãi trong lòng của chúng tôi.

MLT

Ý kiến bạn đọc
10/03/201206:13:52
Khách
Xin chia buồn với người thân của người bịnh. Khoảng hơn 7 năm trước tôi cũng bị ung thư vòm họng và cả bao tử, độ 3, 2 loại khác nhau.Lúc đầu bác sĩ báo tử chỉ sống khoảng 6 tháng. May "phước chủ, may thầy" như người xưa có nói nên sau gần 4 năm chữa trị nay có thể tạm gọi là qua khỏi?! Hay nợ trần chưa trả xong nên chưa chết được.
09/03/201215:25:59
Khách
Cám ơn các bạn đã chia buồn cùng gia đình MLT. Riêng cám ơn bạn TH đã hiểu rõ, thông cảm, và chia sẻ về cuộc chiến với ung thư của riêng mình. "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay..", TH nói đúng nói, nếu ung thư được phát hiện sớm, điều trị nhanh chóng, khám nghiệm đều đặn thì vẫn còn hy vọng cứu trị, nhất là trong nền khoa học tân tiến hiện tại. Thân ái mến chúc TH nhiều may mắn và đầy nghị lực để giành phần thắng cho TH nói riêng và cho nhân loại nói chung. -MLT
10/03/201216:19:26
Khách
Xin được chia buồn!
11/03/201219:42:17
Khách
Xin chia buồn cùng gia đình chị và vợ con anh Đức! Cũng xin cảm ơn anh Thuận Hải và Hai Hoàng đã chia sẻ câu truyện của mình để cho những bệnh nhân ung thư khác có thêm tia hy vọng.
13/03/201218:29:58
Khách
Gia đình MLT lấy kinh nghiệm này làm bài học tốt và quý giá cho những người còn ở lại. Mong bạn TH và HH sẽ mãi giữ vững niềm tin và hãy luôn nhớ rằng trong những tuyệt vọng vẫn có thể tồn tại những hy vọng, dù chỉ là hy vọng nho nhỏ, mong manh… Trust me on this. :) Thành thật cám ơn các bạn đã chia buồn và đóng góp ý kiến. -MLT
09/03/201204:46:09
Khách
Thật tuyệt vời! Trong một bài ngắn ngủi tác giả đã nói lên được nỗi đau khổ, tha thiết của thân nhân người quá cố. Thực ra, ngoài sự đau đớn về thân xác người bệnh ung thư còn nhận một bản án: Biết chết, nhưng không sao tránh khỏi. Ung thư là một hiểm hoạ cho đời người, không biết đâu mà tránh được. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, điều trị ngay, thì vẫn còn cứu kịp. Như tôi bị ung thư thực quản thời kỳ đầu: Đi xạ trị+ hoá trị 7 tuần liên tục thì khối u thu nhỏ lại; nên không cần phẩu thuật. Rồi lại phát hiện thêm 5 khối u trong gan. Lại phải đốt điện, rồi embolization...Tóm lại ung thư không phải là bịnh nan y, đối với khoa học ngày nay.
07/03/201223:34:23
Khách
Xin chia buôn` cùng MLT & đai gia đinh hai bên noi ngoai . Xin nguyên. câu`cho linh hôn` Đưc' sơm' sieu thoat coi? vĩnh hăng`.
Kim Hô` @ MN
07/03/201220:09:09
Khách
chia buồn với gia đình, đời người mong manh , có đó rồi mất đó.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 70,695,055
Tác giả cho biết ông họ Vũ, Martin Vu, hiện là cư dân California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Giấc Mơ Thiên Đường”, truyện ngắn về một thảm cảnh gia đình Việt tị nạn, online từ 05/30/2012, đã gần 6,000 lượt người đọc. Bài thứ hai của Tuyết Phong là truyện ông gia trưởng gốc Việt học phép làm chồng từ ông Mỹ hàng xóm.
Tác giả sinh năm 1940, cựu sĩ quan VNCH, khoá 12 SVSQ Thủ Đức, Giảng Viên Anh ngữ trường Sinh Ngữ Quân Đội, cựu tù chính trị, đến Mỹ năm 1991 theo diện HO9, hiện định cư tại Greenville South Carolina. Từ năm 2002, tác giả đã tham gia Viết Về Nước Mỹ với nhiều bài viết giá trị. Sách đã xuất bản: "Hành Trình Về Phương Đông." Sau đây là bài viết mới của ông.
Nhân ngày Fathers Day 2012, xin mời đọc chuyện kể của người con lai Mỹ-Việt, về một ông bố nuôi cựu chiến binh Mỹ và người Mẹ từ Việt Nam sang Mỹ tìm con. Tác giả hiện là một bác sĩ gia đình làm việc ở San Bernadino count, CA., cho biết ông rời Vietnam năm 1992. Sau 7 tháng tại Phillipines, đến California vào năm 1993. "Mồ Côi" là bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả là một Linh mục dòng truyền giáo Ngôi Lời thuộc tỉnh dòng Chicago, đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười, 2010. Vì không thể rời nhiệm sở tại Alice Springs, Northern Territory, Úc Châu, tác giả đã không thể trực tiếp dự buổi họp mặt nhận giải. Mãi tới, ba năm sau, 2011 lần đầu tiên, vị Linh mục nhà văn và Việt Báo mới có dịp gặp gỡ lần đầu. Sau đây là bài viết mới nhất của nhà văn linh mục nhân mùa Fathers Day: Chuyện một ông bố từng có ý nghĩ giết bà vợ phụ bạc.
Tác giả đã góp cho Viết Về Nước Mỹ năm thứ 12 nhiều bài viết đặc biệt. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biên đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông nhân dịp Fathers Day.
Tác giả là cư dân vùng Little Saigon, liên tục góp bài cho giải thưởng Việt Báo từ nhiều năm qua, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Bài viết mới của Tịnh Tâm là một truyện ngắn nhân ngày Fathers Day sắp tới.
Tác giả sinh năm 1944, định-cư ở Mỹ năm 1979, sống ở California 25 năm với nghề điêu khắc gỗ. Một số tượng điêu khắc gỗ cỡ lớn hiện đang toạ lạc trên đường phố và nơi công công của các thành-phố Seaside, Monterey, và Los Gatos tại California là công trình của ông Tú.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009 và đây là bài viết thứ ba của ông, tự sự của một cựu chiến sĩ về quê cũ tìm thăm mộ đồng đội cũ. Tác giả cho biết ông sinh tháng 10/1939. hiện là cư dân Houston, Texas. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan-rang.Ra tù 1984. Vượt biên 1986. Bị băt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh. Năm 1987 trốn trại về Saigon. 1989 tái vượt biên đến Malaysia tháng 07/1989. Tháng 05/1993 định cư ở Mỹ.
Tác giả cho biết ông sinh năm 1938, cựu sĩ quan an ninh quân đội, sang Mỹ theo diện H.O. vào năm 1990, hiện đã về hưu và an cư tại Westminster. Ông tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2008 và đã góp nhiều bài viết giá trị. Mừng tác giả trở lại trường học và mong ông viết thêm.
Ngày này, tuần tới sẽ là Fathers Day. Nhân dịp này, mời đọc bài viết mới nhất của Cam Li. Trước 1975, tác giả từng viết nhiều truyện ngắn trên bán nguyệt san Tuổi Hoa, và các truyện dài xuất bản bởi Tủ Sách Tuổi Hoạ - hiện có trên trang mạng: http//tuoihoahatnang.com. Sau 30/4/1975, Cam Li không viết nữa, chỉ chuyên làm công việc nghiên cứu khoa học. Định cư tại San Jose từ 2003, sáu năm sau cô góp cho giải thưởng Việt Báo nhiều bài viết giá trị và nhận giải vinh danh Tác Phẩm Xuất Sắc, Viết Về Nước Mỹ 2010.
Nhạc sĩ Cung Tiến