Hôm nay,  

Mùa Xuân Trên Đỉnh Torkham

29/01/201200:00:00(Xem: 189127)

Mùa Xuân Trên Đỉnh Torkham 

Tác giả:
Minh-Đạo & Nguyễn Thạch-Hãn
Bài số 3469-12-28939vb7012812

Tác giả đã góp một số bài viết đặc biệt về chuyện đời tị nạn, và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Bút hiệu gồm 2 người: Minh-Đạo là một vị cao niên 86 tuối, viết lách cho... vui, trong khi Nguyễn Thạch Hãn, cư dân Houston, Texas sinh năm 1945, là một cựu sĩ quan Pháo Binh VNCH, hiện làm việc trong một công ty Energy tại thành phố Houston, Bài mới của ông là một chuyện sống động về tình bạn tình yêu trải dài từ chiến trường Afganishtan, Việt Nam và nước Mỹ

***

Tôi ngồi trong vọng gác của đài quan sát trên đỉnh Torkham, đưa viễn vọng kính từ trái qua phải nhìn xuống vùng đồi núi thấp phía trước. Xa xa dưới chân những rặng núi trùng điệp là vùng thung lũng Jalalabad, con sông Kameh chảy ngang qua êm đềm. Mùa xuân trời còn hơi lạnh, nắng vàng trải đều trên cả vùng thung lũng. Thấp thoáng những mái nhà ẩn hiện hai bên bờ sông, vài đàn thú vật gặm cỏ thong thả trên cánh đồng xanh mướt. Thật là một cảnh bình yên và đẹp mắt. Phía bên kia dãy núi trùng điệp là biên giới Pakistan. Từ đài quan sát có thể nhìn rõ và kiểm soát được quốc lộ số 1. Con đường nối liền hai quốc gia đã có từ hàng ngàn năm trước, với bao nhiêu diễn biến lịch sử tranh chấp. Từ con đường đó, hướng về phía Tây sẽ đến Kabul thủ đô của Afghanistan, về phía đông Vượt qua cửa ải Khyber Pass, biên giới Pakistan, nối liền với quốc lộ số 5 sẽ dẫn đến Peshawar rồi thẳng mãi đến Islamabad, thủ đô của Pakistan. Peshawar là một tỉnh phía tây của Pakistan đã một thời bị quân Taliban chiếm giữ. Vùng núi này phiến quân hoạt đông rất mạnh mẽ, chúng thường tấn công chớp nhoáng rồi rút về phía bên kia biên giới hoặc ẩn nấp trong các hang động chằng chịt của dãy núi đá trước mặt. Những bộ lạc người Pakistan hầu hết ủng hộ đám phiến quân cho nên chính phủ Pakistan cũng khó mà tiêu diệt chúng.
Lữ Đoàn 5 TQLC Hoa Kỳ có nhiệm vụ làm nút chặn để bảo vệ quốc lộ 1, tìm kiếm và tiêu diệt đám phiến quân Taliban xâm nhập từ bên kia biên giới. Đài quan sát này là một trong nhiều đài quan sát mà Lữ Đoàn thiết lập, do bộ chỉ huy tiểu đoàn 3 trấn giữ, được vây quanh bởi một bức tường bao cát với mấy lớp kẽm gai, hầm hố tương đối chắc chắn. Ngoài ra còn có một pháo đội yểm trợ cho tiểu đoàn. Vùng đồi núi bề ngoài rất yên bình, nhưng chúng có thể nổi cơn bão táp bất cứ lúc nào. Căn cứ được tiếp tế thực phẩm và đạn dược bằng trực thăng kể cả nước uống. Đám TQLC ở đây cũng chẳng khác nào những đội kỵ binh theo bảo vệ tuyến đường rày xe lửa viễn tây trong những năm 1800’s của Mỹ thời lập quốc mà chiến quân Da Đỏ luôn lẩn quẩn chung quanh, chờ cơ hội để tấn công với một quân số đông gấp bội.
Giữa hai ngọn núi bên kia là vùng đất của lãnh chúa Haqqani, ông ấy đã từng nhân võ khí của CIA để đánh đuổi người Nga trước kia. Các con của Haqqani bây giờ theo về phía phiến quân để chống lại quân đội Mỹ. Họ có các bộ lạc vùng biên giới ủng hộ và làm đủ thứ tội ác, từ trồng và buôn bán á phiện đến bắt cóc tống tiền, đặt bom khủng bố, hủy hoại đường xá, bắn giết người tùy tiện. Ngoài phiến quân Taliban, họ mướn thêm các tay súng đánh thuê từ Phi Châu, Pakistan và các nước Ả Rập, trả lương rất hậu hĩ. Đã nhiều lần đám phiến quân kéo về, pháo kích và tấn công vào căn cứ đài quan sát nhưng đều bị thất bại và bị thiệt hại nặng nề. Vũ khí và kỹ thuật chiến đấu đã khác rất xa thời chiến tranh VN, du kích chiến đã không còn hiệu nghiệm nữa. TQLC Mỹ biết Haqqani và các con của ông đang làm gì và ở đâu phía bên kia biên giới, nhưng chẳng làm gì được ông ta. Họ có căn cứ huấn luyện tân binh, làm bom và tàng trữ vũ khí, cả những nông trại trồng trọt và nuôi gia súc nữa hệt như đám Cộng Sản bên kia biên giới Lào Việt hay Miên Việt thời chiến tranh VietNam. TQLC cố gắng ngăn chặn đám phiến quân không cho xâm nhập vào vùng thung lũng và phải tìm cách tiêu diệt chúng cho đến khi nào chúng chịu từ bỏ võ khí và sống hòa bình dưới sự kiểm soát của chính phủ hợp pháp Afghanistan. Nhiệm vụ thật khó khăn trừ khi Pakistan chịu hợp tác càn quét đám phiến quân bên kia biên giới. Đôi khi máy bay không người lái Predator Drone lén lút vượt không phận tấn công căn cứ của chúng. Chính phủ Pakistan cũng chỉ phản đối lấy lệ để tiếp tục nhận viện trợ của Mỹ.
Mỗi ngày hai đại đội của tiểu đoàn 3 chia nhau đi hành quân lục xoát và phục kích, còn hai đại đội và trung đội súng cối ở lại bảo vệ bộ chỉ huy tiểu đoàn. Đôi khi cả tiểu đoàn được trực thăng vận hành quân lục soát sát vùng biên giới. Hôm nay đại đôi “Kilo” được lệnh di hành về bên trái của căn cứ, lục soát hai bên con đường mòn dẫn lên ngọn đồi trọc, từ con đường đó phiến quân có thể leo lên tấn công đài quan sát . Đại đội tập họp chuẩn bị di hành. Tôi đến bên Tom, thằng bạn nối khố từ thời trung học, vỗ vai dăn dò bạn:
- Mày nhớ giữ liên lạc đều với tao nhé, tao sẽ trực trong phòng hành quân đêm nay để theo dõi đại đội của mày. “Big Boy” cũng có vẻ quan tâm buổi di hành hôm nay lắm đó.
“Big Boy” biệt danh của vị Tiểu Đoàn Trưởng mà các anh em TQLC đặt cho, Tôi là hiệu thính viên của Tiểu Đoàn, thằng Tom là hiệu thính viên của đại đội. Hai đứa chúng tôi có nhiêm vụ giữ hệ thống liên lạc giữa Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn và Đại Đội “Kilo”. Hắn nhăn mặt:
- Mày làm gì mà rối lên thế, đêm nay thì cũng như bao đêm khác thôi, mất một đêm không ngủ, mai ngủ bù chứ có gì phải lo.
Tôi nghiêm mặt:
- Tao thấy “Big Boy” có vẻ đăm chiêu từ sáng tới giờ, chắc ông ấy nhận được tin tình báo gì đó mà chúng ta không biết.
Đại Úy Lê, Đại Đội Trưởng đại đội “Kilo” nhìn vào bản đồ hành quân rồi chỉ về phía con đường đất dốc bên trái dẫn ra khu rừng thưa, nói với đám sĩ quan đại đội:
- Robert, anh dẫn gia đình anh xuống làm ăn ở con đường mòn “Goat Trail”, con đường nhỏ xíu đâm nghiêng về bên trái khu đồi trọc đó, anh thấy không?
Robert trả lời khẳng định:
- Tôi thấy rõ, Đại Úy.
- Reggy, anh dẫn mấy thằng nhỏ phục kích xa về phía phải sườn đồi. Paul, anh và mấy đứa em của anh nằm sát hai bên con đường mòn dẫn lên đồi . Robert và Reggy sẽ bảo vệ cạnh sườn trái và phải cho anh. Tony, Anh và mấy thằng em của anh theo tôi canh chừng mặt sau và làm trừ bị cho đại đội. Lữ Đoàn được mật báo, một nhóm đông phiến quân đã vượt biên giới, đang lẩn quất đâu đây. Nội ngày mai sẽ có cuộc lục soát lớn của Lữ Đoàn. Tôi có linh tính tối nay chúng sẽ về khu rừng thưa và theo con đường mòn leo lên đây. Nếu 1 trong 3 toán có đụng độ nặng, tùy theo tình hình tôi sẽ ra lệnh tăng cường hoặc thu gon lại tuyến phòng thủ để có hỏa lực hùng hậu hơn. Các cậu hiểu rõ chưa? Nhớ dặn mấy mấy đứa nhỏ thấy rõ hãy nổ súng, đừng bắn bậy bạ, tuyệt đối yên lặng.
Tất cả đều đồng ý, Đại Úy Lê nói tiếp:
- Tiểu đoàn sẽ yểm trợ chúng ta nếu cần. Các tọa độ tác xạ tiên liệu cũng như vị trí đóng quân tôi sẽ chuyển về tiểu đoàn để thông báo cho căn cứ hỏa lực và Lữ Đoàn. Như thường lệ chúng ta sẽ có 3 phi vụ Apache helicopters sẵn sàng can thiệp nếu được yêu cầu. Nhớ dặn con cái mặc áo giáp và mang kính hồng ngoại tuyến đàng hoàng, đó là lợi điểm duy nhất của chúng ta chiến đấu trong đêm tối. Các cậu có điều gì thắc mắc không?
Đại Úy Lê ngừng lại một chút, nhìn một vòng đám sĩ quan dưới quyền, không thấy ai lên tiếng, nên ra lệnh:
- Thôi, chúng ta chuẩn bị đi cho sớm để đến kịp điểm hẹn tối nay, lục xoát kỹ càng và cho anh em đào hầm hố cẩn thận.
Đại Úy Lê là một vị chỉ huy can đảm, thông minh và giàu kinh nghiệm, cho nên rất được lòng vị Tiểu Đoàn Trưởng (TĐT). Mỗi khi có nhiệm vụ khó khăn, Big Boy đều giao cho ông ta, cho nên hôm nay cũng không ngoại lệ. Buổi sáng sớm, TĐT nhận được tin tình báo của Lữ Đoàn đưa xuống, nên vội vã họp các Đại Đôi Trưởng dưới quyền để tìm phương pháp đối phó. Căn cứ nằm trên một đỉnh cao, phía sau là sườn núi dốc thẳng đứng nên đỡ một mặt phòng thủ. Hai đại đội ra phục kích bên trái và phải vừa làm tiền đồn cho căn cứ, phần còn lại sẽ tập trung hỏa lực phía chính diện. Nếu phiến quân lọt vào một trong hai ổ phục kích, căn cứ sẽ không bị áp lực và có thể yểm trợ tối đa để tiêu diệt địch quân. Pháo đội chia làm hai, hướng súng về phía điểm phục kích để sẵn sàng yểm trợ khi được yêu cầu trong vòng 2 hay 3 phút. Những viên đạn đại bác đầu tiên sẽ là yếu tố quyết định cho trận đánh đêm nay, nếu sảy ra. Đoàn quân ra đi lăng lẽ, Tôi nhìn theo cho đến khi tất cả đều khuất hẳn sau những lùm cây rậm rạp.

*
Tôi chợt thấy buồn và hoang mang vô tận, điềm gì đây? Thêm một mùa xuân nữa xa gia đình, bây giờ mới hiểu được vì sao Ba đã khóc mỗi khi nghe bản nhạc “Xuân Này Con Không Về”. Những năm tháng của thời thơ ấu trên đất Mỹ trôi qua êm đềm. Năm nào cả gia đình cũng đi lễ Phật ở tất cả các Chùa Trong thành phố Houston vào dịp đầu năm, kể cả những Chùa của người Hoa như chùa Ông Bổn, Chùa Bà, Chùa Quan Thánh, Chùa Ngọc Thạch v.. v….”Phải đi đủ 10 Chùa” Mẹ tôi nói thế. Đó là thông lệ hằng năm truyền lại từ Bà Ngoại. Tôi và thằng Tom luôn nôn nao chờ đến dịp Tết để dẫn Linda, bạn học cùng lớp của hai đứa, đi hội chợ Tết ở các Chùa và nhà thờ VietNam mãi đến khuya, mấy ngày cuối tuần, cả hai tuần lễ liên tiếp. Đó là những ngày vui chơi vô tư thoải mái.
Thằng Tom và con Linda có đầy nhóc tiền lì xì của Ba Mẹ, Cậu Mợ, Chú Thím, cho nên Chúng cố gắng nói “Cúc mùn nam mái” nghĩa là Happy New Year. Chả biết có đúng tiếng Việt không, miễn có tiền lì xì nhiều là thích chí tử. Hai đứa Mỹ con này mê Tết VN hơn New Year của Mỹ nhiều.Vừa đi chơi mà lại có tiền lì xì. “Mỹ chẳng có tập tục hay như thế!” Hai đứa nó thủ thỉ với tôi và cười khúc khích, tôi cũng đồng ý. Chúng cũng rất thích đi coi đốt pháo và múa Lân ở mấy shopping của người Việt và người Hoa trong thành phố Houston. Đêm giao thừa Thằng Tom và tôi theo Ba cúng bàn thờ Tổ Tiên. Sau nửa đêm mở cửa trước đi về hướng Nam một đỗi rồi trở về sông đất. Mẹ tôi tin là mạng của tôi sông đất rất hên. Hai đứa mừng tuổi Ba Mẹ rồi cả nhà lên xe đi lễ Giao Thừa ở Chùa Việt Nam, ngôi chùa lớn nhất Houston. Thằng Tom Mê ngôi Chùa này lắm, nó bắt chước tôi thắp nhang lạy Phật và cầu nguyện như một Phật tử thuần thành. Nó thích nhất là tượng Đức Phật Di Lặc, được tạc theo hình ảnh của Bố Đại Hòa Thượng với nụ cười rất tươi và cái bụng phệ nhìn vô chỉ muốn xoa một cái! “Nụ cười cởi mở xuề xòa đó mang lại hạnh phúc và may mắn cho chúng sanh, cái bụng phệ bao dung của Ngài biểu hiện cho lòng nhân ái từ bi vô lượng” thày Trụ Trì bảo thế. Ba tôi nói ngày đầu năm Âm Lịch cũng là ngày vía của Ngài cho nên cầu xin ngài những điều tốt lành Ngài sẽ ban cho. Thằng Tom tin lắm, cho nên nó đảnh lễ và cầu nguyện rất trang nghiêm, thành khẩn.
Thật sự tên Đức Phật Di Lặc (Maitreya) xuất xứ từ Phạn ngữ “Maitri” có nghỉa là “Từ Bi”. Khi Đức Phật Thích Ca đã thành đạo không còn ở dương gian nữa, Chúng Sanh bơ vơ khổ ải, nên Ngài Di Lặc động lòng từ bi hóa thân thành Bố Đại Hòa Thượng để dạy Chúng Sanh thực hành hạnh nhân ái, cứu nạn cứu khổ, mang hạnh phúc hoan lạc đến nhân gian.

*
Mặt trời chiều vừa khuất sau răng núi đá, đại đội Kilo cũng tới điểm hẹn. Các trung đội lục soát vùng trách nhiệm của mình, đào hầm hố xong xuôi, mang lương khô ra ăn. Màn đêm phủ xuống, che hẳn đám lính cọp TQLC đang núp trong các lùm cây rậm rạp, dưới hố cá nhân, rình mồi. Cảnh vật thật yên tĩnh, cả tiếng kêu của côn trùng cũng không có.
Gần nửa khuya, đàn cọp biển ăn đêm tưởng chẳng có gì sảy ra, chợt thấy cuối đường mòn hiện ra đám tiền thám của phiến quân đang chậm chạp đi vào ổ phục kích, 7 tên cả thảy. Mọi người đều nhìn thấy qua kính hồng ngoại tuyến, tay trên cò súng, nín thở và chờ tiếng súng lệnh của Paul. Những giây phút chờ đợi căng thẳng như sợi dây cung kéo căng hết mức. Chỉ trong vài giây, cả 7 tên phiến quân đã bị hạ bởi súng có gắn ống hãm thanh. Paul báo cho Đại Úy Lê mọi diễn tiến và chờ đợi. Khoảng 20 phút sau, một hàng dài địch quân tiến vào điểm phục kích. Những tên đi đầu bị hạ tại chỗ, phần còn lại phân tán mỏng thành một hàng ngang và bắt đầu phản công, càng ngày càng đông, từ phía sau xung phong tới. Chúng dùng chiến thuật biển người tràn lên phòng tuyến của Paul, hết đợt này đến đợt khác, hàng hàng lớp lớp ngã xuống chúng vẫn la hét tiến lên, mặc cho tiếng đại bác yểm trợ từ căn cứ vẫn nổ đều trên trận tuyến địch quân. Để tránh bị tiêu diệt bởi pháo binh, chúng liều mạng bám sát vào phòng tuyến TQLC. Xác địch quân nằm la liệt trên chiến trường, có những xác chỉ cách hố cá nhân của TQLC vài bước. Mìn chống biển người, súng cối, đại bác, phóng lựu, đại liên, M4, Rapid-Fire SAW nổ vang rền bên sườn đồi. Đại Úy Lê ra lệnh hai cánh quân của Robert và Reggy co lại gần về phía Paul. Những cây đại liên và súng phóng lựu từ 2 bên cánh trái và phải bắn đan xéo vào nhau về phía địch quân. Bộ chỉ huy đại đội và Trung đội của Tony bò lên tiếp ứng.
Tôi ngồi theo dõi trận chiến trong Trung Tâm Hành Quân của tiểu đoàn cùng với “Big Boy” và toàn ban tham mưu tiểu đoàn, trong lòng hồi hộp vô cùng. Tôi liên lạc thường xuyên với Tom để nhận báo cáo tình hình chiến trường cho Tiểu Đoàn Trưởng. Những tiếng súng nổ xen lẫn tiếng la hét của địch quân nghe rõ mồn một. Tom la trong máy:
“Tụi nó tràn lên đông quá mày ơi!”
Bỗng nghe một tiếng nổ chát chúa vang trong máy. Tôi cố gọi cho Tom nhưng không nghe tiếng trả lời, khoảng vài phút sau, một giọng lạ báo cáo Tom đã bị thương nặng, đang được băng bó Và di chuyển lui về phía sau chờ trực thăng tải thương.
Tiếng súng của địch quân bớt dần rồi im hẳn khi 3 phi tuần Apache xung trận bắn những tràng rocket liên tục vào đầu địch. Phiến quân đã rút lui, mấy chiếc Apache helicopters tiếp tục săn đuổi hơn một tiếng đồng hồ sau mới trở về căn cứ. Sau đó là những phi tuần phản lực thả bom liên tục, nhất định tiêu diệt bằng hết đám phiến quân. Chiếc Predator Drone đã lên vùng tìm kiếm đám tàn quân để tiêu diệt cho bằng hết.
Những chiến binh bị thương đều được trực thăng chở về bênh viện dã chiến ở thủ đô Kabul, Tom vì bị thương nặng nên được chở về Bệnh viện quân đội bên Germany.

Gia đình Tom và tôi ở Huntsville, một thành phố nhỏ nằm về phía Bắc của Houston với những rừng thông ngút ngàn. Đa số dân chúng sống trong các nông trại bao quanh thành phố. Chẳng có kỹ nghệ gì quan trọng ngoại trừ một nhà tù vĩ đại và một trường Đại Học của Tiểu Bang, Trường Sam Houston University. Dân sống ở đó thường dỡn với đám con nit:” Chỉ có hai con đường đi, một là trường Đại Học, hai là nhà tù, tùy bạn lựa chọn!”. Tom là một thằng bé nhà quê, mạnh khỏe, to lớn, chất phác. Nó chưa hề biết mẹ là ai. Mỗi khi hỏi về Mẹ, cha nó chỉ tìm cách nói vòng quanh. Nó nghi ngờ là mẹ nó chán cảnh nhà quê nên đã bỏ ra đi từ khi nó còn rất nhỏ. Ngoài giờ học, nhóc giúp cha săn sóc đàn bò và mấy con ngựa. Hắn cỡi ngựa thật tài tình chẳng khác gì mấy tay chăn bò trong các phim Cowboy miền Viễn Tây. Hai cha con sống cũng tạm đủ. Ông già chỉ có thằng Tom và con chó đen, loại chó săn retriever tên Honey Bear, lúc nào cũng quanh quẩn bên Ông. Nhóc không muốn đi xe đưa đón của trường, nên Cha mua cho một chiếc xe truck cũ. Tuy vậy nhóc thích cưỡi ngựa hơn cưỡi xe hơi! Hắn mặc cảm là dân nhà quê, cho nên hay bị lũ học trò nghịch ngợm chọc phá chế diễu là “Thằng-nhỏ-hôi-mùi-cứt-bò”. Mùa hè nghỉ học, tôi và thằng Tom đi vào rừng thông, cưa những cây thông chết nằm la liệt trên đất thành từng khúc nhỏ, rồi bổ ra làm củi chất lên xe truck mang về nông trại. Mùa đông chúng tôi chở đầy xe truck mang đi bán. Dân nhà quê thích đốt củi trong lò sưởi, vừa thơm mùi gỗ vừa rẻ hơn là đốt lò gas. Mỗi mùa như vậy, chúng tôi kiếm đủ tiền mua quà Giáng Sinh cho Ba Mẹ, còn dư bao Linda đi ăn nhà hàng. Mặc dầu là hai đứa con nhà nghèo, nhưng chúng tôi luôn có tiền bạc rủng rỉnh trong túi. Sau này khi ra đời, cảm giác ngồi bên đống lửa sưởi ấm, co ro trong gió lạnh mùa đông, ăn bắp nướng, ngửi mùi thơm của gỗ, trong lúc bán củi vẫn còn mãi trong tôi. Đó là những ngày vui vẻ nhất trong đời hai đứa.


Ba tôi là cựu TQLC VietNam, Ông làm thợ sửa xe cho dealer xe gần nhà. Tôi lớn lên bên Mỹ nên vóc dáng chẳng thua gì mấy thằng Mỹ con. Đánh lộn thì hơn hẳn chúng nó vì tôi có học võ VOVINAM ở Chùa Linh Sơn mỗi cuối tuần. Mẹ nói Tính tình tôi ngang tàng chẳng biết sợ ai, giống tính Ba, cho nên mặc dù học cùng lớp với Tom nhưng không đứa nào dám trêu chọc tôi. Vì trường ở gần nhà nên tôi hay thả bộ đến trường thay vì đi xe đưa đón. Một hôm trên đường về, chợt thấy thằng Tom đang loay hoay với chiếc xe cũ, không cách nào làm cho con ngựa sắt già tiếp tục chạy nữa. Tôi đến giúp hắn một tay nhưng cũng không khá gì hơn, bèn về nhà nhờ Ba đến coi giúp, hóa ra xe chỉ bị nghẹt ống dẫn xăng thôi. Từ đó ngày nào Tom cũng ghé nhà đón tôi đi học. Cuối tuần, tôi đến nông trại của ba thằng Tom chơi và tập cưỡi ngựa, tôi bắt đầu mê cưỡi ngựa giống nó. Ông già của Tom là dân country, hiếu khách, hiền lành, it nói, đối đãi tôi như con. Thỉnh thoảng Ông lại dẫn cả hai chúng tôi và con Honey Bear đi săn bắn cuối tuần, hay đi cắm trại qua đêm bên bờ hồ Conroe để câu cá. Ông thường đốt củi, nấu ăn ngay trên bờ hồ. Nào là thịt, cá nướng, xúc xich, hamburger v… v…Tôi mê nhất là món “Ham Hock” của Ông, đó là món soup nhà quê, gồm cẳng heo thui nấu thật nhừ với bean. Con Honey Bear bao giờ cũng được một bụng no kềnh, và chạy nhảy lung tung. Nó thích nhất là được ném cho trái banh tennis để chụp vào miệng và trả lại dưới chân chúng tôi. Hai đứa tôi thân thiết nhau chẳng khác anh em ruột. Thằng Tom đến chơi nhà tôi cuối tuần cũng được Mẹ đãi những món ăn Việt Nam. Nó mê nhất là món PHỞ và bún thịt nướng, chả giò. Hắn ăn ngấu nghiến chẳng chừa lại chút gì. Mẹ nhìn hai đứa tôi mỗi ngày mỗi lớn bên nhau, ánh mắt tràn đầy hạnh phúc, như cả hai đứa tôi đều là con của Bà.
Lên lớp 11, chúng tôi cùng chơi cho đội Football của trường, Tom làm Quarterback còn tôi được chỉ định làm Wide Receiver. Chúng tôi chơi rất ăn ý, giường như tôi có thể đọc được ý nghĩ của thằng Tom; Tỷ như chỉ nhìn ánh mắt của hắn tôi cũng biết thằng Tom muốn tôi chạy hướng nào để bắt banh, đúng như câu nói “Friendship is one mind in two bodies”, Tình bạn như một tâm hồn trong hai thể xác! Chúng tôi rất nổi tiếng trong trường, được bao nhiêu nữ sinh ngưỡng mộ trong đó có Linda, người bạn gái học chung lớp. Linda là Queen’s homecoming cuả đám diễn hành năm chúng tôi học lớp 12. Trong các cuộc diễn hành, thằng Tom và tôi bao giờ cũng dẫn hàng đầu của đội banh, chỉ sau ban nhạc. Thằng Tom luôn cười toe toét, rất hãnh diện. Tôi cũng thế.
Giữa năm lớp 12, đội banh được vào vòng chung kết vùng Đông Nam Texas. Mấy tuần lễ liên tục cả đội banh tập tành rất vất vả. Cả thành phố lên cơn sốt, đi đâu cũng nghe người ta bàn tán và ủng hộ đội banh của trường trong giải vô địch sắp tới. Mọi người đều háo hức. Tờ báo “The Hunsville Item” luôn đăng hình hai chúng tôi trên trang nhất với bao hy vọng sẽ mang danh dự về cho tỉnh nhà. Nếu thắng trận này chúng tôi có thể được lọt vào mắt xanh của một huấn luyện viên Football của một trường Đại Học nào đó và món học bổng toàn phần là chắc ăn như bắp!
Trận đấu football sôi nổi ngay từ những phút mở màn, hai bên thay nhau dẫn đầu, chỉ cách nhau 3 hay 4 điểm. Linda ngồi ngay hàng ghế sát sân chơi đang la ó và dơ hai nắm tay lên trời cổ võ cho chúng tôi, tôi nhìn nàng và nhủ thầm cố làm cái touch down cuối cùng để tặng trái banh cho nàng. Cuối hiệp thứ tư, chúng tôi có banh trong tay ở yard thứ 8 cuối sân đối thủ và đang bị dẫn trước 4 điểm, còn hơn 1 phút và hai down (play), dư sức để touch down và thắng trân đấu. Cả hội trường lên cơn sốt, những tiếng la cổ võ vang dội. Tôi vừa nghe thằng Tom dứt tiếng la: “hut, hut, hike” bèn chạy thục mạng về cánh trái rồi dzọt thẳng xuống cuối sân như tên bắn, một mình, wide open, Thằng Tom chỉ việc ném nhẹ banh cho tôi thế là xong. Vinh quang tột đỉnh trong tầm tay. Tôi vừa chạy vừa ngoái cổ nhìn lại để chờ chụp banh. Tim đập mạnh như trống trận đang xua đoàn kỵ binh hàng ngàn con lao vào trận địa, rung chuyển mặt đất. Chờ, chờ, chờ mãi mà chả thấy banh đâu, mấy giây chờ đợi mà dài như một thế kỷ. Tôi nghe một tiếng gào rung động hội trường của mấy chục ngàn khán giả, quay nhìn lại thấy thằng Tom trợt chân té xuống đất, trái banh còn lơ lửng trên không đã bị đối thủ bắt được đang chạy ngược về sân nhà. Thôi thế là hết! tiêu tan bao nhiêu hy vọng. Người tính không qua Trời tính, tôi nhủ thầm như vậy.
Tôi chạy lại phía thằng Tom, hai đứa khóc mùi mẫn, cả đội banh cũng thế. Linda chạy đến dụi mặt vào ngực tôi, vai rung lên từng hồi. Nàng ngước mắt nhìn tôi, mắt đỏ hoe, đôi môi hé mở, chúng tôi hôn nhau lúc nào không biết, chẳng ai quan tâm. Trên đường về, cả đội banh lúc ra đi vui như tết, bây giờ hoàn toàn im lặng.
Những ngày sau đó là một nỗi buồn dài lê thê, thằng Tom luôn tự trách nó đã làm mọi người thất vọng vì nó bất tài. Tôi khuyên nhủ hết lời, đâu phải lỗi tại nó, chỉ vì sân cỏ trơn trợt thôi. Đám học trò thường ca tụng hết lời bây giờ đều xa lánh nó, chỉ còn hai đứa tôi, cố quên hết muộn phiền. Tôi phải là một cái “cầu vồng” ngũ sắc rực rỡ để giúp nó vượt qua cơn mưa lũ. Nó đã mất sự tự tin khi trước và rút dần vào chiếc vỏ cô đơn. Tôi nghĩ cách giúp nó đập bể chiếc vỏ đó và lấy lại niềm tin. Cuối tuần Linda rủ hai đứa tôi đi câu bên Lake Livingston. Tôi hy vọng sự nhí nhảnh và nghịch ngợm của nàng may ra giúp Tom quên đi những muộn phiền. Tôi cố tránh những cái nhìn tha thiết của người con gái mới lớn, nhưng lạ thay, nàng như thỏi sắt nam châm càng muốn dang ra thì lại càng bị hút gần lại.
Một hôm đi học về, thấy Ba đang cặm cụi sửa xe, chiếc đầu bù xù vất vả của ông đã làm tôi suy nghĩ không it. Cả đời người cực khổ, một thời vào sanh ra tử ở chiến trường VN, qua Mỹ bắt tay vào làm việc nặng nhọc từ những ngày đầu. Chẳng bao giờ thở than một tiếng, chưa hề to tiếng với Mẹ hoặc la mắng tôi. Luôn luôn tặng quà sinh nhật cho tôi và Mẹ, Ông là một mẫu người cha lý tưởng trong lòng bé nhỏ của tôi. Đôi khi bắt gặp Ba ngồi một mình hút thuốc bên ly cà phê, đôi mắt mơ màng xa xăm, như không hề thấy ai đi ngang. Mẹ bảo đó là lúc ông đang nghĩ về các chiến hữu đã bỏ ông ra đi vĩnh viễn. Tôi đã lớn rồi, muốn ghé vai chia bớt gánh nặng của Ba nhưng chẳng biết làm sao. Đồng lương eo hẹp của Ba cũng chỉ tạm đủ trang trải chi tiêu trong nhà vì Mẹ không đi làm. Tôi chợt nghĩ, tiền đâu để trang trải 4 năm Đại Học?

Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi và Tom quyết định đầu quân vào TQLC Hoa Kỳ. Hắn muốn thỏa mộng giang hồ, còn tôi chỉ muốn có học bổng để tiếp tục Đại Học sau khi giải ngũ. Dĩ nhiên là Ba Mẹ tôi phản đối dữ lắm.Tôi thuyết phục các ngài bằng câu:”Sống chết có số” như Ba tôi từng nói. Nếu số tôi phải chết sớm thì lái xe trên xa lộ đụng nhau cũng chết vậy. Ngày xưa Ba đi đánh giặc liên miên nhưng có chết đâu? Còn bây giờ tôi đi ra trận được mọi người hổ trợ với kỹ thuật và vũ khí tối tân, còn lo gì đánh không thắng. Cuối cùng rồi Ba Mẹ tôi cũng đồng ý, Mẹ nguyện ăn chay trường cho tới khi tôi giải ngũ về với Mẹ. Tôi thật sự cảm động và hứa sẽ trở về nguyên vẹn. Ngày ra đi, Gia đình tôi và Ông Già thằng Tom tiễn chúng tôi ra tận phi trường. Mẹ đứng nhìn theo cho đến khi tôi khuất bóng. Tôi biết rồi đây sẽ có những đêm Mẹ mất ngủ, tôi thấy có chút gì hối hận nhưng rồi khi vào quân trường tôi chẳng còn thì giờ suy nghĩ vớ vẩn nữa. Tập tành vất vả hơn tôi tưởng rất nhiều. Ngày ra trường tôi và thằng Tom được đưa về cùng đơn vị. Thế là chúng tôi lại được ở bên nhau. Ban đầu lữ đoàn đóng quân bên Đức, thỉnh thoảng tập trận hay theo học các khóa chuyên môn. Thời gian 2 năm tòng quân sắp sửa qua, tôi chỉ còn vài tháng nữa là xong nhiệm kỳ. Thế rồi:
Biến cố September 11.
Chúng tôi theo Lữ Đoàn tham chiến mặt trận Afghanistan từ đó.

*
Mãn nhiệm kỳ 2 năm, được nghỉ phép, tôi về nhà thăm Ba Mẹ rồi rủ Linda và Mẹ đi thăm Tom, hắn đã được chuyển về bệnh viện quân đội Brook Army Medical Center ở San Antonio. Tôi không ngờ thằng Tom to lớn trước kia bây giờ ốm yếu đến nỗi nằm bẹp một chỗ. Nước da nó trắng xanh, nhợt nhạt như một xác chết đang chờ lưỡi hái Tử Thần. Tôi đứng nhìn nó chìm trong giấc ngủ hơi thở phều phào mà không cầm nổi nước mắt như thể chính một phần thân thể tôi đang chết. Chúng tôi đứng ngắm hắn một lúc, yên lặng. Hắn như có linh tính, chợt mở mắt lim dim, con ngươi di động nhìn từng người một, đến khi đưa mắt tới Linda, hắn mỉm cười, tôi đọc được nỗi hân hoan trong đó. Nó cầm tay Mẹ thều thào:
- Mommy, I love you!
Có lẽ đó là điều muốn nói từ lâu, nó vẫn cất kỹ trong lòng cho đến hôm nay phải nói ra, sợ không còn cơ hội nữa. Mẹ như bị xét đánh đúng trái tim, người như muốn rũ ra, không đứng nổi, tôi phải đưa tay cho Mẹ vịn. Người cúi hôn lên trán Tom, nghẹn ngào:
- I love you too, my son.
- Mai mốt về nhà Mẹ nhớ nấu “Phở” cho con ăn nhé, con thích món đó lắm.
- Con muốn ăn gì Mẹ cũng nấu cho con.
Tôi thấy đôi mắt nó nhấp nháy và đục hẳn đi. Mẹ lấy khăn giấy lau mắt cho nó rồi đi ra khỏi phòng. Tôi nghe tiếng Mẹ nấc lên theo từng nhịp bước chân. Tội nghiệp Mẹ, ngày xưa chắc cũng đã bao lần khóc như vậy khi Ba bị thương. Con Linda chẳng nói được lời nào nhưng mắt đỏ hoe, đuổi theo Mẹ ra ngoài.
Có lẽ đây là lần đầu thằng Tom được gọi một người đàn bà là “MẸ”. Tiếng Mẹ trìu mến, thiêng liêng mà nó luôn ấp ủ trong tim nhưng chưa bao giờ được thốt lên ngọt ngào như vậy.
Tôi xiết tay thằng Tom như những lần chiến thắng football, cố truyền cho nó một chút sinh khí và nỗi cảm thông. Nó ra dấu muốn nói chuyện riêng với tôi, tôi ngồi trên chiếc ghế bành cạnh giường và ghé sát vào nghe hắn thì thào:
- Mày nhớ giữ mạng, trở về đầy đủ nhé.
Tôi mỉm cười và cố cợt nhả cho bớt căng thẳng:
- Yến trí đi, tao cao số lắm.
- Mày đừng ỷ y, cẩn thận nhé. Mai này giải ngũ, nhớ chăm sóc Linda đàng hoàng, nó thương mày lắm đó.
- Không được đâu, Mẹ chỉ muốn con dâu Việt Nam thôi.
- Tao thấy Mẹ và con Linda, thân thiện lắm mà.
- Nói vậy chứ Ba tao khó tính lắm, Hai người đã hy sinh cho tao nhiều rồi, tao không muốn làm Ba Mẹ buồn, mày hiểu không?
- Tao hiểu.
Nó chỉ chịu đựng được đến đó là mệt lắm rồi, chẳng bao lâu lại chìm vào giấc ngủ.
Trên đường về chúng tôi đều theo đuổi ý nghĩ riêng, chẳng ai nói một lời. Tôi biết từ lâu Tom cũng thương con Linda như tôi. Có điều hai đứa tôi cùng hiểu nhưng chẳng ai nói ra. Đúng như Elbert Hubard từng nói:"Your friend is the man who knows all about you, and still likes you.”

*
Tôi xin tái ngũ một nhiệm kỳ hai năm nữa, lần này xin được thuyên chuyển về Marine Heavy Helicopter Squadron (thuộc Phi Đoàn Tìm Kiếm Và Giải Cứu). Sau thời gian huấn luyện, tôi trở lại chiến trường Afghanistan trong toán CH-53D Sea Stallion Helicopter và được thăng cấp Trung Sĩ. Ngoài đám Sĩ Quan ra, tôi là người thâm niên và nhiều kinh nghiệm chiến trường nhất. Nhìn mấy tân binh dưới quyền lớ ngớ, tôi thấy thương và cảm thấy trách nhiệm đè nặng trên vai, làm sao cho tất cả đều trở về đầy đủ sau mỗi phi vụ. Tôi chẳng còn bạn bè nào nữa để chơi và tâm sự. Những tuần đầu tái ngũ, tôi nhận được thư của Linda thường xuyên, nhưng thỉnh thoảng mới trả lời một cách nhạt nhẽo, viện cớ bận hành quân. Tôi cất những thơ của nàng chung với thư của Ba Mẹ và thỉnh thoảng lấy ra đọc từng chữ một, lòng nao nao đầy ắp yêu thương. Tôi muốn nói thật với nàng bằng trái tim tan vỡ của tôi: Một nửa lòng tôi đang chết, và một nửa đang quằn quại vì yêu thương. Nhưng tôi biết Tom đang rất cần nàng hơn tôi. Linda viết cho tôi thưa thớt dần cho đến cuối năm đầu của nhiệm kỳ tái ngũ thì ngưng hẳn.
Tom đã được xuất viện và giải ngũ với “Chiến Thương Bội Tinh”. Hắn trở về sống với cha. Mỗi lần về phép tôi đều ở lại nông trại chơi với Tom, cỡi ngựa và tập chăn bò! Hắn có thể đi lại chút đỉnh với đôi nạng gỗ, mỗi tuần đều phải đến clinic để tập đi như mấy đứa con nit. Mặc dầu vẫn còn yếu ớt, nhưng it ra đã thoát khỏi lưỡi hái của Tử Thần. Linda đi học ở xa, đang theo đuổi văn bằng Bác Sĩ Thú Y, nàng về thăm Tom thường xuyên, thỉnh thoảng cũng ghé thăm Mẹ và hỏi thăm tôi.
Cuối cùng thì tôi cũng được giải ngũ, lành lặn trở về với Ba Mẹ và ghi danh học tại UT (University of Texas at Austin) rồi UTMB (University of Texas Medical Branch at Galveston). Tôi muốn trở nên một Physical Therapist để mai sau làm trong các bệnh viện quân đội hay mở phòng mạch tư giúp đỡ cho các thương phế binh. Tôi biếu Mẹ tất cả số tiền dành dụm được trong 4 năm nhập ngũ để Mẹ làm tiền đặt cọc mua căn nhà đầu tiên của gia đình.
Kể từ ngày Tom bị thương trên đỉnh Torkham đến nay đã qua hơn 10 mùa xuân. Thằng Tom nay đã khỏe mạnh lại nhiều, hắn giúp cha mở mang thêm nông trại. Đất đai và đàn bò cũng to lớn gấp bội. Con Honey Bear quá già cũng bỏ ra đi vĩnh viễn, tôi giúp thằng Tom bọc nó trong một tấm vải mới và chôn gần chiếc hồ trong nông trại. Thằng Tom khóc hết mấy ngày, còn tôi đọc kinh, niệm Phật cầu xin cho nó mau siêu thoát, kiếp sau được đầu thai vào chốn an nhàn. Tôi đã ra trường với mảnh bằng Doctor Of Physical Therapy và mở phòng mạch ngay trong thành phố mà tôi đã trải qua thời niên thiếu với Tom. Hăn tới thăm tôi mỗi ngày để được tôi hướng dẫn tập tành.
Một lần nữa, mùa xuân ấm áp lại trở về trên thành phố nhỏ bé thân yêu của chúng tôi. Mấy cây đào nở rộn ràng sau vườn, đủ cả, bích đào, hồng đào, bạch đào, anh đào. Mấy cây tuyết lê, mận, cũng không chịu kém, khoe màu hoa trắng tinh dỡn cợt với gió xuân. Ba tôi không còn đi làm nữa, tối ngày thơ thẩn ngoài vườn với mấy chậu lan và hàng chục cây sơn trà đủ màu sắc. Năm nay thời tiết không lạnh nên sơn trà nở đúng vào dịp xuân sang.
Sáng mùng một tết, như thường lệ mỗi năm, tôi đang lui cui sửa sang lại mấy chậu cúc Mẹ mới mua hôm qua và sắp lại hoa quả, bánh chưng trên bàn thờ, chuẩn bị đưa Ba Mẹ đi lễ Chùa. Có tiếng chuông cửa reo lên inh ỏi. Kìa thằng Tom với khuôn mặt rạng rỡ như ngày nào, bên cạnh là Linda với chiếc áo dài VN màu mỡ gà vàng tươi. Tôi thật ngỡ ngàng. Hắn trịnh trọng trao tôi một tấm thiệp.
Tôi la lên:
- Ba Mẹ ơi ra đây mà xem ai nè! Ai đến nhà mình nè!
Tôi mở tấm thiệp và reo lên cùng với Mẹ:
- Bác Sĩ Thú Y kết duyên với Ông chủ trại chăn bò, ồ thật là trên cả tuyệt vời!
Tôi chọc Mẹ:
- Mẹ nhìn kỹ xem, có phải con dâu ViệtNam của Mẹ không?

Lời Cám Ơn:
Cám ơn anh MX Nguyễn Viết Bích, đã chuyển cho tôi câu nói cuối cùng của em tôi: “Tụi nó tràn lên đông quá mày ơi!”, lời nói đó vang mãi trong trái tim tôi. Câu truyện này xin tặng anh Bích.

Minh-Đạo & Nguyễn Thạch-Hãn

Ý kiến bạn đọc
04/05/202021:15:54
Khách
Câu chuyện thấm đậm tình nghĩa: tình bạn, tình cha mẹ đối với con cái, lòng thảo hiếu của con cái đối với cha mẹ (kể cả đứa con kết nghĩa), tình đồng đội...bên cạnh tinh thần chiến đấu hào hùng và lý tưởng cao đẹp. Ngòi bút trong sáng, giản dị mà chân thực của tác giả, nhất là những đoạn diễn tả cảm xúc các nhân vật, khiến tôi phải nhiều lần ngưng đọc để... đi lấy khăn giấy lau nước mắt! Bên cạnh việc cậu Tom trên giường bệnh thốt lên tiếng gọi "Mẹ" với thân mẫu của người bạn VN và nỗi xúc động đau lòng của bà mẹ... không ai có thể cầm được những giọt lệ. Hoặc một điều thấy như đơn giản: cậu bé nhân vật chính để dành tiền lương 4 năm tặng cha mẹ mua nhà; cũng làm người đọc bồi hồi. Cám ơn tác giả và mong được thưởng thức thêm những sáng tác mới; xin chúc sức khoẻ.
10/02/201217:47:46
Khách
Cám ơn bạn VuLich. Bây giờ còn có những độc giả chịu khó đọc như bạn, thật là quý giá ngưỡng phục.
Có rất nhiều trang Web đã đăng lại mấy bài viết của chúng tôi trên VietBao. Có khi lấy thẳng từ Việt Báo, có khi lấy từ các trang Web khác. Chúng tôi rất hân hạnh và vui mừng đựoc các bạn đọc chiếu cố. Từ nguồn nào tôi nghĩ không có gì quan trọng. Chúng Tôi thích đựoc nghe lời phê bình, dù khen hay chê để rút kinh nghiệm những bài viết sau. Nếu quý vị nào thấy cần nói lên ý kiến xin cứ tự nhiên. Chúng tôi chỉ là người mới tập viết nên rất cần ý kiến phê bình để sửa chữa. Cám ơn quý vị.
09/02/201216:31:43
Khách
Cám ơn bạn VuLich đã thưởng thức bài viết của chúng tôi.
Những bài viết của chúng tôi được rất nhiều trang web đăng lại, kể cả những trang web của các hội đoàn cựu quân nhân ở Mỹ, Úc và Âu Châu, đôi khi ở cả VN nữa. Trang Web TQLC VN có đăng 2 bài của Chúng tôi vì có một chút liên quan tới họ.
Bài này đặc biệt, chúng tôi viết để thương nhớ một người em ruột TQLC đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị nên có nhiều chi tiết về một trận đánh.
Dạ, đúng vậy, chỉ là một tác giả thôi. Bạn nhìn tên tác giả sẽ thấy tên chúng tôi trong đó.
09/02/201205:18:08
Khách
Tôi thấy bài này đăng trên trang web "QUÊ HƯƠNG NGÀY MAI",để nguồn là "Nguồn :TQLC.org"

Xin hỏi có phải là cùng một tác giả hay không.

31/01/201204:52:30
Khách
Bài viết hào hùng, cảm động và thấm đậm tình người quá.
Thật là cảm ơn.
Kính.
Dang
31/01/201222:41:58
Khách
Cám Ơn các bạn Dang Nguyen và Quyên.
Bài viết có vẻ hơi Technical một chút về chiến trường nhưng các bạn cũng thưởng thức đươc, chúng tôi xin chân thành cảm tạ quý vị.
29/01/201214:25:45
Khách
cảm ơn câu chuyện rất cảm động của tác giả!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 70,728,648
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2006. Cô hiện là cư dân San Jose và luôn gắn bó với sinh hoạt giải thưởng Việt Báo. Bài mới sau đây kể về một họp mặt vui vẻ giữa các thân hữu Viết Về Nước Mỹ tại San Jose nhân dịp Lễ Độc Lập năm nay
Tác giả vào danh sách chung kết Viết Về Nước Mỹ 2012 với bài "Cô Em Cùng Dòng Khác Họ," kể về người con gái vị thuyền trưởng Đại Hàn từng cứu mạng các thuyền nhân Việt trên Biển Đông và là khách danh dự tại Little Saigon.
Tác giả tên thật Tô vĩnh Phúc, từng viết một số văn thơ dưới nhiều bút hiệu khác nhau, thơ văn đã đăng ở tuần báo Phụ Nữ Cali và Làng magazine ở bắc Cali và các trang web. Tác phẩm mới nhất được xuất bản là thi tập "Bên Bến Sông Buồn"(2011). Trong những năm 1990, xuất bản và phát hình tuần báo Phù Sa ở Bắc Cali. Hiện là cư dân Sacramento, California. Ông tham dự Viết Về Nước Mỹ từ mùa Mothers Day 2011, ông với bài “Chuông Gọi Mẹ Thương.” Sau đây là bài mới của ông.
Tác giả là một nhà báo quen biết tại Dallas, từng dự phần biên tập, chủ biên các báo Ca Dao, tuần báo Trẻ, Thời Báo... Phan cũng từng góp nhiều bài viết về nước Mỹ giá trị và đã nhận giải danh dự Viết Về NướcMỹ. Bài mới của Phan là chuyện buổi trưa của Dallas mùa hè 96 độ, ghi nhận từ góc quán cà phê.
Tác giả là một thuyền nhân, hiện là cư dân Quận Cam, đã tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010 với bài viết Bài viết “Từ Câu Chuyện Cậu bé Thành Padua," thể hiện sự phẫn nộ trước việc nươc Tàu cộng sản trắng trợn lấn đất, lấn biển của Việt Nam, bắn giết ngư dân Việt. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục năm 2000, từng là nhà giáo trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA. Ông là tác giả đã nhận giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ năm 2005. Bài viết mới của ông là một hồi ức dễ thương về đảo tị nạn Galang 2, với lời ghi “để nhớ hai người bạn đã đưa tôi đến Galang, Hải quân Trung uý Đạt và Hoa.
Tác giả họ Vũ, hiện là cư dân California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là “Giấc Mơ Thiên Đường”, truyện ngắn về một thảm cảnh gia đình Việt tị nạn. Bài thứ hai , “Trường Đời: Học Làm Chồng” là một truyện về ông gia trưởng gốc Việt học phép làm chồng từ ông Mỹ hàng xóm. Đây là một truyện vui nhanh chóng đạt số lượng người đọc đáng nể. Bài mới sau đây, tiếp tục cho thấy tài kể chuyện duyên dáng của tác giả. Giải thưởng Viết Về Nước Mỹ hiện phổ biến bài viết của năm 2013. Mong Tuyết Phong sẽ tiếp tục viết.
Tác giả tên thật Hùng Túy Trước, tuổi Giáp Ngọ, cư trú tại Austin, Texas, đã góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ đặc biệt. Giải thưởng Việt Báo năm thứ ba, cùng lúc với giải danh dự, Chúc Chân còn nhận thêm giải "Writing on America" cho bài viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả đã góp nhiều bài viết với kiểu “viết như nói” và nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2005. Cô tên thật là Trần Thị Ngọc Trâm, sinh năm 1965 tại Saigon, thứ nữ một gia đình H.O. Công việc đang làm: nhân viên xã hội tại Salem Oregon. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Trước năm 75, còn đi học, chỉ viết cho các báo thiếu nhi, học trò. Qua Mỹ từ 1990. Hiện ngụ tại Myrtle Beach, SC. Hải Âu tham dự viết về nước Mỹ từ 2010, bài đầu tiên: Mẹ Chồng, cho thấy tác giả có bút pháp đặc biệt, khi kể về hồn thiêng yêu thương của bà mẹ chồng. Bài thứ hai, Một Mảnh Đời Tị Nạn, kể về những ngày đầu mới tới nuớc Mỹ. Bài thứ ba: “Tôi Là Đốc Tờ Nail”. Sau đây là bài viết mới nhất.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến