Mười Hai Năm Ấy
Tác giả: Trương Ngọc Bảo Xuân
Bài số 3452-12-28922vb2010912
(Bài trích từ Báo Xuân Việt Báo Tết Nhâm Thìn, 2012)
Tác giả tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, và nhận Giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2001, với bài viết “32 Năm Người Mỹ và Tôi”. Thấm thoắt, đã thêm 12 năm. Bài viết sau đây trích từ báo xuân Việt Báo Tết Nhâm Thìn 2012, kể tiếp chuyện “12 năm ấy”. Bảo Xuân cũng là tác giả đầu tiên tham gia Ban Tuyển Chọn Chung Kết của Giải thưởng Việt Báo từ 6 năm qua. Hình:
Bảo Xuân-David và các con. New York, 1979. Sau lưng là tháp đôi nguyên vẹn của World Trade Center.
- 2.Tác giả tại Họp Mặt Viết Về Nước Mỹ, Little Saigon 2001, với nữ tài tử Kiều Chinh, Dr. Trang Nguyễn (cầm sách Viết Về Nước Mỹ 2001) và nhà văn Nhã Ca. Hàng sau: Loan, con gái Elizabeth và Tuấn Cường.
*
Giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ khởi đầu năm Canh Thìn 2000. Nhâm Thìn 2012, tròn một con giáp.
Đời người, mấy cái mười hai năm? Vậy mà tôi đã có 12 năm gắn bóvới Việt Báo Viết Về Nước Mỹ .
. . .
Sáng cuối tuần, trời còn lành lạnh, ngoài sân sau dưới dàn hoa tygon hai màu trắng tím, hoa có hình dạng như trái tim vỡ, nhưng tim người thì đầy, vợ chồng tôi thường ngồi đong đưa trên ghế xích đu, tay cầm tách cà phê đậm đà ấm nóng, ngắm bông hoa cây cối và nghe con chim African Gray chót chét nói chuyện, huýt gió trong chuồng.
Tôi nhìn người đàn ông bên tôi, mái tóc đã bạc hết trơn mà thấy thương. Người đàn ông này đã ghé vai đỡ lấy một đầu đòn gánh đời, cùng tôi đi suốt quãng đường dài.
Cầm bàn tay anh, to lớn, ấm áp, lòng tôi dâng trào cảm xúc. Bàn tay này mấy chục năm trước, khi anh cầu hôn tôi, là lần đầu tiên anh mới dám nắm tay tôi.
Buổi tối hôm ấy, anh cùng anh rễ tôi tới nhà. Thấy anh, tôi lỉnh ra sân trước với NA em tôi. Hai đứa đang ngồi trên bậc thềm bên gốc dạ lý hương thơm nức xóm cư xá, thủ thỉ tâm sự thì anh từ trong nhà đi ra, xề xuống ngồi kế. Em tôi biết ý lảng ra, qua nhà bạn nó chơi.
Anh ngồi đó một hơi, hai đứa ngượng ngùng quê quê làm thinh. Trời đêm mùa xuân mát mát mà sao tôi cảm thấy bức bối trong mình. Anh chàng này đã cùng anh rễ tới nhà bao nhiêu lần rồi, lần nào cũng ôm một bó hoa huệ đỏ tươi thắm tặng tôi, thế nhưng chưa bao giờ nói chuyện với nhau. Tối đó, ngồi một hơi rồi bất chợt anh nắm tay tôi và nói:
-Cho tôi xin bàn tay em.
Lối cầu hôn kiểu Mỹ ấy, sau khi anh về rồi chị tôi nói tôi mới hiểu.
Xin bàn tay cùng nghĩa với xin cả cuộc đời.
Bàn tay anh lúc đó còn mềm mại, sau bao năm tháng đổi thành bàn tay chai cứng khi cầm cần lái xe đào đất, rồi những dấu kim đâm túa máu khi anh sửa máy may máy thêu, đôi lúc bị teo tóp vì thiếu ăn, rồi đầu ngón tay trở thành vuông vuông vì suốt ngày gõ lên phím chữ computer, bây giờ thì có nhiều vết đứt mới chồng lên vết cũ, vết đất trong kẽ móng tay rửa khó sạch vì vọc đất vọc cát trồng cây trồng bông ngoài vườn. Trồng cho tôi ngắm.
Bàn tay này mang dấu vết của đời nhưng vẫn còn nguyên vẹn.
Gốc Việt Nam trong tôi lại suy nghĩ lan man.
Bàn tay của một con người may mắn được sinh ra dưới vùng đất tự do, dù có ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh gì gì đi nữa vẫn tồn tại, thế còn những bàn tay kia?
Những bàn tay khô cằn nuôi bằng giòng máu thắt ngẹn của những thân thể uất ức đã bị cho sống không bằng chết,
Những bàn tay thiếu ăn da bọc xương run rẩy xám ngoét trong các trại tù thù, đã bị vùi dập dưới lòng đất hoang trên đồi trong rừng trải dài từ Bắc vô Nam,
Những bàn tay của trẻ già nam nữ thuyền nhân đã buông xuôi dưới đáy biển Đông,
Những bàn tay bị nát bấy vì súng đạn mìn bẫy… Làm sao có thểă nắm lấy những bàn tay bất hạnh ấy trên đồi trong rừng dưới lòng biển sâu?
Và còn nữa, những người chiến sĩ đã dùng tuổi trẻ của mình để bảo vệ nước non đâu rồi, làm sao có thể nắm tay họ?
…
Năm 2001, ngày họp mặt phát giải VVNM tổ chức hai tuần sau trận khủng bố kinh hoàng làm tòa mậu dịch thế giới ở Nữu Ước là Twin Towers tan thành tro bụi và xén một góc Ngũ Giác Đài ở Washington D.C. Trong nỗi mừng được một giải thưởng quá sức cao qúi, tôi đã rất ngậm ngùi với cái tang chung như màu áo trắng các cô nhân viên Việt Báo đã bận.
Hôm đó, tôi được phép mời nhóm giám khảo của Hội Đồng Thẩm Mỹ miền Nam California và hai bà xếp tới tham dự, ngồi nguyên một bàn.
Họ ăn uống vui vẻ, hãnh diện về tôi như thế ấy, nhưng qua những tuần lễ sau, cục diện đổi khác.
Sau khi đọc xong cuốn Writing on America, bản dịch từ VVNM 2000, hai bà xếp mời tôi vô văn phòng đóng cửa lại và ngượng ngùng cho biết, vì bài “Một Ngày Làm Việc Tại State Board” tôi sẽ bị phạt, sụt chức, nếu sau này còn viết bài nào giống như vậy thì sẽ bị sa thải, lý do tôi đã viết những điều đáng lý ra phải bảo mật.
Tôi đã cãi lại rằng không cố ý tiết lộ bí mật gì, tôi viết dưới cái nhìn của một người giám khảo và cảm nghĩ chân thật đối với thí sinh mà thôi. Nhờ làm việc từ trước tới lúc ấy không có gì sai nên hai bà xếp mới bảo đảm và binh vực tôi với cấp trên, chỉ cảnh cáo mà thôi. Tôi nghĩ, nhờ hai bà và cái luật Tự Do Ngôn Luận đã bảo vệ tôi và bài viết.
Hai năm sau, vào một ngày bỗng dưng tôi quá bực bội, bước vào văn phòng hỏi ông xếp mới:
-Việc làm của tôi bị phạt cho tới bao giờ? Người ta bị án toà, tòa xử xong rồi cũng có ngày mãn hạn, còn tôi, bao giờ mới hết bị phạt?
Lúc ấy, ông xếp giựt mình. Ông ta nói:
-À há, chuyện qua lâu rồi, chẳng có ai than phiền chi. Để tôi xem.
Thế là, họ mới nhớ đã quên bẵng chuyện của tôi.
Trước đó hai năm, trong nghề thẩm mỹ đã xảy ra biến cố, một trường thẩm mỹ lộn xộn thể thức sao đó, trong thời gian chờ điều tra, những ai học trong khoảng thời gian ấy tạm thời bị cấm thi.
Chưa kịp giải quyết chuyện riêng của tôi thì vừa đúng lúc Hội Đồng Thẩm Mỹ phải giải quyết cấp tốc chuyện chung cho nên sẵn dịp, một công hai chuyện, họ cử tôi đi San Diego (mà chúng tôi thường gọi một cách cho đỡ nhớ quê hương, là đi Sa Đéc) muợn tạm phòng của trường đại học cộng đồng San Diego để chấm thi, giải tỏa cho hơn 1200 học viên thi Nails. Nhờ việc làm ấy tôi được phục hồi chức vị cũ.
Nếu chuyện này xảy ra vào năm 2011 thì đã khác xa. Theo sự biến chuyển của thời buổi đa sự đều xử dụng máy điện toán, đề thi và phương pháp chấm thi nghề thẩm mỹ của California được thống nhứt theo toàn quốc, đã công bố trên mạng internet, không có gì gọi là bí mật cả, bài viết năm xưa ấy không những chẳng bị phạt mà còn có thể được khen thưởng và phổ biến rộng rãi hơn.
Đúng là chuyện đời phải trái theo mùa nắng mưa!
Ngày 28 tháng 10 năm 2011, kỷ niệm ngày khánh thành bức tượng Nữ Thần Tự Do tay dơ cao bó đuốc soi đường. Bìa sách Viết Về Nước Mỹ 12 năm qua có hình tượng nữ thần do cô Kiều Chinh đến tận nơi đứng tại chỗ đã chụp đem về.
Tôi nhớ một buổi trưa hè mười năm trước trong sân nhà cô, ba chị em chúng tôi ngồi với cô trên bậc gạch dựa lan can, đón ngọn gió phây phẩy và nắng vàng vàng, nhìn ra hướng biển Newport Beach, tôi đã mong có một ngày sẽ dùng tàu từ Marina del Ray rẽ sóng xuống đây thăm cô, thế nhưng, 12 năm trôi qua, một việc làm nhỏ ấy cũng không thực hiện được vì chiếc tàu của tôi đã không còn.
Cũng trong năm nay, công ty Thắng Đào, đem điệu Slow Rock nhạc Trịnh Công Sơn và tiếng hát Khánh Ly hòa nhập với vủ điệu Ballet, dùng màu sắc mờ mịt khói lam của hiểm họa chiến tranh Việt Nam, dựng nên Vết Lăn Trầm. Sự hoà hợp quá thân thiết giữa Đông và Tây làm cho tâm hồn người nghe và xem, dệt mối duyên tân cổ, quyến luyến quá khứ bàng hoàng với hiện tại, cảm xúc đến nghẹn ngào. Đâu cần hào nhoáng lộng lẫy xa hoa, chỉ với chiếc nón lá, quần đen áo bà ba giản dị, cái áo dài thân thương cùng đôi chân nhẹ nhàng lướt gió, các vũ công đã diễn tả lên những nỗi niềm khoắc khoải, mất mát, đớn đau, nói lên lòng hy vọng vươn lên của người con gái Việt Nam da vàng về tình yêu và hận thù.
Ở tuổi thiếu nữ mộng mơ, tôi đã lớn lên cùng với giọng hát điệu nhạc ấy. Làm sao quên những lần ngồi trong quán cà phê Hân nhâm nhi ly cà phê đậm đà với người bạn thân từ chiến trường về phép. Dù phản chiến hay gì gì đi nữa, nhạc và lời của ông cũng đã đi sâu vào lòng, in ấn trong ấy rồi, hay vẫn hay và thích vẫn thích như thường.
Thời chiến tranh hoảng loạn, tôi nghe trong mịt mù tương lai, ngày nay, sống trong tự do an bình, tôi nghe bằng “lỗ tai dĩ vãng” lời ca tiếng nhạc càng thấm sâu, làm sao mà không thương cảm dạt dào?
Nghe nhạc xưa tôi lùi về chuyện cũ.
Quá khứ có dấu ấn sâu đậm nhứt của tình yêu và hận thù là khoảng thời gian sống tại cư xá Cảnh Sát Phú Lâm A, nơi tôi đã mất cha và nơi tôi giữ trong lòng một mối tình buồn, chôn vùi hình ảnh người thư sinh áo trắng trong một góc trái tim và bỗng dưng trưởng thành.
…
Đầu năm 1968.
Một buổi trưa cuối tuần nắng gắt.
Nắng cháy da, nắng tạo làn sóng gờn gợn lóa mắt. Tôi đang nằm dài trên nền gạch bông mát mẻ lười biếng nhìn ra đường, mơ màng tới hình ảnh đang dấu kín trong lòng thì một chiếc xe jeep, xe nhà binh, thắng két ngay trước cửa. Bụi đất còn tung bay thì nhảy xuống khỏi xe là một “thằng Mỹ”. Chưa hiểu chuyện gì, anh ta đã bước tới tận cửa nhà đưa tay lên tính gõ, tôi lồm cồm ngồi dậy đứng lên bước tới. Anh ta, một người lính Mỹ, ở trần, tay bồng súng, mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt rám nắng thật là trẻ thơ, mái tóc quăn những lọn quăn đen nhánh lòng thòng phủ trán, đứng khựng ngay cửa nhìn tôi bằng đôi mắt rất to. Tôi còn ngỡ ngàng chưa kịp làm gì thì ba tôi từ trong đã bước ra hỏi bằng tiếng Anh rồi nghe anh ta nói gì đó, móc túi quần ra đưa cho Ba tôi lá thư, dơ tay lên trán chào theo kiểu nhà binh rồi xây lưng đi ra nhảy vô ghế vọt đi. Chớp nhoáng vài phút.
Ấy là anh ta đem lá thư của anh rể tôi từ bên Nhật, nơi anh đang di chuyển trên một hạm đội nào đó gởi chị hai tôi. Sau khi anh ta chạy đi rồi, Ba tôi nhìn theo, nói:
-Tội nghiệp mấy người lính Mỹ trẻ tuổi này, qua đây đánh giặc, thơ ngây như đám con nít, chết biết bao nhiêu. Chết ngoài chiến trận rồi chết ngay trong Sài Gòn nữa, Ba đi chụp hình hoài. Con coi đó, Việt cộng nằm vùng đầy khu vực này mà nó dám tới đây một mình không biết sợ là gì!
Lần thứ nhì, một mình tôi gặp lại anh chàng Mỹ ấy khoảng tháng sau.
Chiều hôm đó đi làm về sớm tôi ghé qua thăm chị Hai, có chồng con đã ra riêng. Vợ chồng chị mướn một phòng trên tầng lầu của căn biệt thự, gia chủ ở tầng trệt.
Từ ngoài đường rẽ vô nhà chị phải đi ngang qua nhiều ngôi nhà xây lên nhiều tầng cho người Mỹ mướn. Đang tà tà đi thì bỗng dưng tôi nghe tiếng chân đi sau lưng, quay lại thấy phớt qua một người Mỹ ở trần. Tôi có hơi sợ đi mau hơn. Nhưng lạ, tôi đi mau thì người Mỹ sau lưng cũng đi mau. Tôi dồn bước lẹ lẹ tới cửa biệt thự chị tôi ở, vừa đúng lúc một người đàn bà bước ra, hỏi tôi kiếm ai, tôi trả lời kiếm chị tôi, rồi tôi méc luôn -chị ơi có ông Mỹ nầy theo em nãy giờ từ tuốt đầu hẻm…
Ngay lúc ấy nghe tiếng người Mỹ nói gì đó vừa nói vừa chỉ chỉ lên lầu.
Bà chủ gật đầu tay cũng chỉ chỉ lên lầu rồi xây qua tôi, cười cười nói -à à người quen, ở gần đây, nó kiếm bạn nó là chồng của chị em đó, hổng sao, đi lên đi…
Thế là tôi đi lên lầu, tò tò phía sau là anh chàng Mỹ. Nghe chị tôi nói, mới biết anh ta là người đã đem lá thư tới nhà hồi tháng trước .
Lần ấy anh chàng Mỹ theo sau tôi, sau đó tôi theo anh, đi bên nhau cho tới ngày nay.
Không phải duyên nợ thì là gì?
…
Dòng đời cứ trôi. Trên con tàu bập bềnh theo sóng xô, “dề lục bình” tôi năm xưa được tấp vô bến bờ tự do, mọc rễ con rễ cháu chằng chịt. Hai vợ chồng khoan khoái khỏe khoắn hít thở làn gió biển, ngắm bình minh rồi hôn hoàng, mặt trăng mặt trời lên xuống theo thủy triều xuống lên.
Có chiếc tàu rồi thêm hừng chí, anh chồng hồi xuân muộn của tôi đòi sắm chiếc xe thể thao Corvette, chiếc xe y mơ ước từ tuổi vị thành niên, thập niên 60. Thôi thì xe nào cũng có bốn cái bánh, tôi nói “mua đi”. Nhưng, mỗi lần chui vô chiếc xe thấp chủn nhỏ tí nị ấy, tôi thấy không hạp chút nào. Chiếc xe hàng nào chạy kề bên, vòng bánh xe hẳn hòi cao hơn cái đầu, tôi nhìn thấy phát ớn! Mui thì lật trần xuống, ngồi trong xe cứ như bị gió phần phật muốn rút mình bay ra khỏi ghế, cảm nhận mình đã già, cảm thấy bất an làm sao trong khi anh chàng cứ cười mím chi, có lẽ tự thấy mình trẻ trung le lói lắm.
Le lói đâu cỡ hai tháng, một buổi sáng đưa nhau đi làm, chúng tôi bị một chiếc xe vượt đèn đỏ từ bên tay mặt tông vào một cái ẦM như trời giáng, đẩy xe tôi và chiếc xe bên tay trái tuốt vô cột đèn đường, nghe tiếng kim loại nghiến nhau kéo… EÉT… ÉT ét…t…
Nếu không bị cột đèn cản lại, có thể hai chiếc xe bị tống luôn vô mấy cây xăng, bồn xăng Chevron nổ tung thì rồi đời. Nghĩ tới mà hú hồn!
Sức đụng mạnh của chiếc xe truck kéo theo cái “rờ mọt” là máy trộn xi măng nặng nề làm xe tôi tanh bành, xe kế bên dẹp lép, chúng tôi vô nhà thương. Cũng may chỉ bị thương nhẹ nhờ cái sườn xe quá tốt bảo vệ được sinh mạng. Tài xế ngủ gục gây tai nạn thì bị nặng hơn, nứt xương sống.
Chuyện đời sao giống như cầm con dao nóng xắn vô thỏi bơ, việc này tan kéo theo việc kia chảy.
Theo thời cơ, mấy chị em tôi hùn nhau mở một nhà hàng, tên Vietnamese Dining ở Montebello, hy vọng làm ăn phát đạt để khi hưu trí có chỗ tới lui đồng ra đồng vào.
Thực khách vô tiệm đa số là người bản xứ và Mễ. Nhớ có lần ông Mỹ nầy vô, cầm thực đơn lật qua lật lại coi hình, em tôi biết ông còn lạ lẩm với thức ăn Việt nên nó tới, giới thiệu và giải thích món này món nọ, ông chỉ đại tô bún chả giò. Em tôi đem ra để trước mặt ông ly nước lọc và chén nước mắm. Ông khách cầm chén nước mắm ực liền một hơi một. Ực xong, thấy ông có hơi nhíu mày rồi cầm ly nước lọc quất luôn sạch ly. Sợ ông khách bị quê, em tôi không biết nói gì, chỉ lẳng lặng lấy ly nước và chén nước mắm khác cùng tô bún rồi chỉ ông cách đổ chén nước mắm vô tô trộn đều. Hiểu ra, ông cười nắc nẻ.
Từ đó về sau, không thể “suy bụng ta ra bụng người” được, với khách ngoại quốc, trong tiệm không bao giờ đem chén nước mắm ra trước khi đem tô bún.
Mấy đứa em cố gắng làm việc mỗi ngày từ chín giờ sáng tới hơn mười giờ tối, thế nhưng, sau hơn một năm chịu đựng, nhà hàng của chúng tôi tiêu tùng vì tình hình kinh tế bắt đầu xuống.
Hãng nhỏ tên Division 92 chuyên bán vải may lót quần áo chúng tôi hùn với ba người khác, cũng chính thức đóng cửa sau một thời gian quặt quày lỗ lã, “lỗ lè luỡi” luôn.
David vẫn còn làm việc cho hãng lớn Design Collections.
Nghề của chồng tôi là mua hàng vải thô từ hãng dệt, gởi đi công ty nhuộm màu hay in hoa lá cành… rồi bán cho hãng may cắt áo quần phụ nữ. Lần lần, vải nhuộm khó bán, cũng bởi có sự hiện diện của hàng nhập cảng.
Lý do bảo vệ sức khỏe và an toàn cho nhân viên sản xuất cùng dân tiêu thụ, chính phủ Mỹ ra luật lệ quá khắt khe, kiểm soát quá chặt chẽ, cấm hoá chất này, bớt loại thuốc nọ, cho nên tuy chất liệu và màu sắc đồ quốc nội rất bền nhưng giá thành quá mắc, làm sao cạnh tranh nổi với hàng quốc ngoại, vừa đẹp vừa rẻ. Thế rồi, quần áo may sẵn đưa vào Mỹ càng ngày càng nhiều cho nên những hãng may cũng sập tiệm luôn.
Hàng họ ế ẩm, quá rảnh rang, anh chàng người Mỹ của tôi, còn nóng máy hay sao mà đòi sắm cho được chiếc mô tô hiệu Harley Davidson để lái vòng vòng chơi. Chiếc mô tô ấy từ khi rinh về đã khiến tôi có cảm giác không yên. Chẳng những vậy, mà y còn rủ rê thêm con cháu và bạn của con, mỗi người sắm một chiếc, cuối tuần cả đoàn aò ạt đi hóng mát trên xa lộ.
Hễ bước ra khỏi nhà là leo lên mô tô. Có lần anh ta lái tuốt tới Portland Oregon thăm bà con, đi về cả tháng. Cũng may anh ta có được một lần nghỉ hè thoải mái vui vẻ.
Thế rồi, ngay ngày lễ Thanksgiving năm 2005. Sáng hôm ấy David ra khỏi nhà không lâu thì cảnh sát gọi điện thoại báo tin anh bị tai nạn đang chở vô nhà thương.
Xe mô tô bị xe hơi đụng, ơn trên che chở giữ được sinh mạng là quá trời may mắn. Đầu đập xuống đất, chân bị gãy và từ ngày ấy anh không còn nhìn và nghe rõ ràng như xưa nữa. Sức khỏe như vậy đành phải bán chiếc tàu về hưu non. Chúng tôi dọn về sống trong một căn phòng sau nhà con trưởng.
Từ ấy tới nay, rất nhiều lần, khi nghe tiếng máy xe Harley nổ ầm ầm bành bành phịch phịch ngoài đường anh ta vẫn còn nói “dèm”:
-A a a… tôi vẫn còn thích lái mô tô. A a a…không có gì thoải mái sung sướng cho bằng trên đường đi, gió thổi mát, lái vô những chỗ xe hơi không vô được… a a a ….
Nghe riết phát bực nhưng tôi từ tốn nói:
-Được thôi. Nếu anh chưa tởn thì cứ việc rinh về nhưng trước hết phải đi mua cái bảo hiểm nhân mạng một triệu trình ra cho tôi và tôi hứa với anh hai điều là:
Một- Nếu có gì thì tôi sẽ bỏ lúng anh một mình trong nhà thương bởi vì lưng tôi đã còng chân đã mỏi, không còn hơi sức đâu mà túc trực bên giường bịnh hăm bốn trên hăm bốn,
Hai- Nếu rủi mô tô bay luôn về miền cực lạc thì ngay sau khi anh ra đi, ngày hôm sau tôi sẽ dùng tiền bảo hiểm nhân mạng của anh (tôi nhấn mạnh điểm nầy) đi sửa sắc đẹp từ trong ra ngoài từ trên xuống dưới rồi đi kiếm anh chồng mới trẻ trung đẹp trai hơn anh liền tức thì.
Anh ta cười cười, trong bụng có rúng động không thì chả biết nhưng ngoài miệng vẫn nói cứng:
-Nếu vậy thì tôi sẽ về làm ma nhát mình.
Tôi cười khẩy:
-Tui hổng sợ ma, càng không ngán quỷ.
Anh ta nói:
-Thì tôi về bóp cổ cả hai!.
Tôi phủi tay, nói:
-Thôi thôi, ở đó nói khùng! Tính về cái chết tự nhiên đi…
David nói mau:
-Anh muốn chết trước mình.
Tôi hứ:
-Hứưmh! kỳ vậy? đâu được. Cùng sanh một năm cùng chết một lượt hà.
David nói:
-Nếu được vậy thì quá may mắn rồi. Nhớ để thư lại cho các con phải hỏa thiêu cả hai rồi đổ hài cốt chung một hũ và bỏ xuống biển. Nhưng, anh biết anh sẽ đi trước vì thường thường đàn bà thọ hơn đàn ông, nhứt là có bịnh hậu như anh. Để anh đi trước, hỏa táng xong anh ở trong hũ đợi em.
Tôi cười khì:
-Cha a a… Anh khôn quá, muốn chết trước để tôi lo lắng hậu sự và khóc chồng dài dài. Được thôi. Hay là vầy đi, đứa nào chết trước thì hỏa thiêu xong để dành đó, chừng nào đứa còn lại chết đi, thiêu rồi chứa chung một hũ, đổ xuống biển một lượt. Nhưng, nói gì thì nói, mình phải ráng thể dục ăn uống cữ kiêng để mà sống với tôi lâu lâu chớ.
Anh nói:
-Không. Anh muốn chết trước vì biết sẽ không thể chịu đựng nổi sự cô đơn đâu.
Tôi càng cười thêm:
-Thôi. Được rồi. Tôi nhường mình đi trước. Anh kiên nhẫn đợi ngày tôi theo anh mà chui vô cái hũ ấy rồi cùng nhau nhảy cái ùm xuống tắm biển Đông … kha kha kha…
Ở đời, tôi tin mấy chữ may rủi, mất còn. Mấy chữ này luôn đi đôi. Chồng tôi xui bị tai nạn nhưng được bồi thường số tiền đủ để mua ngôi nhà đang ở.
(còn tiếp một kỳ)
Trương Ngọc Bảo Xuân
+++
Mười Hai Năm Ấy
Tác giả: Trương Ngọc Bảo Xuân
Bài số 3452-12-28922vb3011012
(Bài trích từ Báo Xuân Việt Báo Tết Nhâm Thìn, 2012)
Tác giả tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, và nhận Giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2001, với bài viết “32 Năm Người Mỹ và Tôi”. Thấm thoắt, đã thêm 12 năm. Bài viết sau đây trích từ báo xuân Việt Báo Tết Nhâm Thìn 2012, kể tiếp chuyện “12 năm ấy”. Bảo Xuân cũng là tác giả đầu tiên tham gia Ban Tuyển Chọn Chung Kết của Giải thưởng Việt Báo từ 6 năm qua. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết. Hình từ trái:
- 1. Tác giả và người cháu vừa “lên lon” trong năm 2011, Hải quân Trung Tá Pauly Long Mỹ Choate, Đằng sau là chiếc hàng không mẫu hạm Carl Vinson CVN70 lớn nhất của Hoa Kỳ, mà Long Mỹ là cấp chỉ huy.
- 2. Hình ảnh 44 năm trước: Bảo Xuân và Long Mỹ một tuổi, Saigon, Tết Mậu Thân1968.
*
Giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ khởi đầu năm Canh Thìn 2000. Nhâm Thìn 2012, tròn một con giáp.
Đời người, mấy cái mười hai năm? Vậy mà tôi đã có 12 năm gắn bóvới Việt Báo Viết Về Nước Mỹ .
. . .
Trong gia đình có chuyện vui, Elanie, dâu trưởng, vợ Lawrence đã sinh được cậu hoàng tử từ lâu tụi nó mong đợi sau một dọc ba nàng công chúa. Tommy con thứ lập gia đình với Stephanie. Elizabeth con gái út, gặp người đàn ông đàng hoàng cho đời sống chung.
Chuyện vui nhất trong gia đình chúng tôi là chuyện đứa con trưởng chị Hai tôi, vừa lên lon Trung Tá Hải Quân Mỹ và thành cấp chỉ huy chiếc Hàng Không Mẫu Hạm lớn nhất của Hoa Kỳ. Cha cháu chính là ông mai của vợ chồng tôi. Năm 2007 khi còn là Trung Tá, cháu được gắn huy chương đồng. Bài viết và hình ảnh về Hải quân Trung Tá Choate gắn ngôi sao đồng được in trong tạp chí Almanac FRCSW tháng Jan 2008, tôi đã lược dịch như sau:
“Hải Quân Trung Tá Pauly Long Mỹ Choate (Lt. Cmdr.) đã nói: "I'm not hero."
Mẹ là người Việt Nam, nhũ danh Trương Thị Lài, cha là cố Hải Quân Thiếu Tá Robert Choate, Hải Quân Trung Tá Paul Choate, sanh năm 1967 tại nhà thương Đức Chính, Sài Gòn, được Ông ngoại (là ba tôi) đặt tên Trương Long Mỹ, sau đổỉ lại theo họ cha là Paul Long My Choate, đã đậu bằng cử nhân và Master, vẫn còn đang học để lấy bằng PhD. Ông đã trầm trầm lên tiếng trong buổi lễ tuyên dương công trạng và gắn huy chương Bronze Star Medal tại Trung Tâm Fleet Readiness Center Southwest (FRCSW) vào ngày 06 tháng December năm 2007, từ tay của Vice Admi. Thomas J. Kilcline Jr. Commander Naval Air Forces, cho một kỳ công mà ông đã hòan tất mỹ mãn trong cuộc chiến đem lại nền dân chủ cho quốc gia Iraq.
Dù ông đã khiêm nhượng mà nói "Tôi không phải là anh hùng", nhưng, hằng ngàn chiến sỹ cũng như dân sự đã và đang chiến đấu và làm việc tại thành Baghdad, những ngừơi đã từ chiến trường trở về quê hương bình an, đã tuyên dương ông là một anh hùng.
Từ tháng November năm 2006 đến tháng August năm 2007, Trung Tá Choate đã dẫn đầu một nhóm chuyên viên vừa quân sự lẫn dân sự mà nhiệm vụ của họ là làm sao ngăn chận được những vụ đặt bom cho nổ dọc đường của quân khủng bố.
Là một kỹ sư chuyên về điện tử, Hải Quân Trung Tá Choate đã hoàn tất khóa huấn luyện đặc biệt trước khi đặt chân vào chiến trừơng, đó là việc tiêu hủy cũng như làm cản trở khả năng hoạt động của chất nổ.
Đang là một Chủ Sự của FRCSW chuyên việc thử chất nổ, ông được đặc trách tới Division Special Troops Battalion, 1st Calvary Division, U.S. Army chịu trách nhiệm bao gồm Căn Cứ 12 Forward Operating Bases (FOB).
Từ doanh trại đặt tại phía Tây của thành phố Baghdad, việc làm của nhóm chuyên viên của Hải Quân Trung Tá Choate là cài đặt bộ phận làm vô hiệu lực của bom đặt trên đường vô các chiến xa gồm luôn cả Humvees, SUVs, Buffaloes và những loại xe chuyên chở hạng nặng.
Trung Tá Choate đã giải thích:
"Loại bom chúng tôi phải đương đầu là loại được bọn khủng bố điều khiển bằng cell phone, bằng làn sóng radio và bằng remode control".
Ông giải thích về những trở ngại và những thiếu thốn phải đối phó trong thời gian gây dựng nguyên một trung tâm làm việc của nhóm ông. Họ phải xây một cơ sở, đào đường hầm dài hai miles để chạy đừơng dây cho Internet, điện lực, điện thoại, ông phải cho công tra cung cấp nước uống và nhà vệ sinh di động.
Sau khi thử thách mức hiệu nghiệm của các bộ phận làm vô hiệu hoá bom đặt trên đường, ông còn phải liên lạc trực tiếp với binh chủng Bộ Binh, đem các chiến xa dân sự cũng như binh sự vô cơ sở để cài đặt và huấn luyện quân nhân cách xử dụng các bộ phận ấy.
Tóm lại, Trung Tá nói:
"Chúng tôi cũng không thể nào biết rõ con số chính xác những bộ phận ấy đã làm vô hiệu hoá bao nhiêu trái bom dọc đường".
Điều đáng mừng là những vụ các chiến xa dân sự quân sự bị nổ dọc đừơng đã giảm xuống rất đáng kể trong thời gian nhóm của ông thực hiện công tác này. Ông đã nói thêm.
"Điều cần thiết và mục đích chính của chúng tôi là đem về quê hương càng nhiều càng tốt, những quân nhân và dân sự".
Cho đến ngày Hải quân Trung Tá Choate trở về Hoa Kỳ, nhóm của ông đã hoàn tất cài đặt "gần 12 ngàn bộ phận".
Tưởng cũng nên nói sơ qua về NGÔI SAO ĐỒNG (The Bronze Star)
Đây là một huy chương chỉ được nhận tại chiến trường cho những kỳ công nguy hiểm chết người được chấp nhận của binh chủng Bộ Binh U.S mà thôi. Để có được niềm hãnh diện này, những việc làm và kỳ công phải trên mức bình thường, cho nhân vật nào mà việc làm và kỳ công đặc biệt của họ cũng phải nằm trên mức bình thừơng và đặc sắc.
Như vậy Hải quân Trung tá Choate đã nhận huy chương cao quí từ Bộ Binh U.S.
Ngày 1 tháng Chín, năm 2011, cả đại gia đình nhà tôi đi trên 3 chiếc xe nam du xuống thành phố biển San Diego, CA. đễ tham dự buổỉ lễ gắn lon Hải Quân Trung Tá Pauly. Chúng tôi cả đoàn nối đuôi theo xe cháu để vào căn cứ Hải Quân San Diego, danh sách người tham dự buổi gắn lon đã đưọc gởi trước cho vị chỉ huy kèm theo số căn cước xin phép vì là căn cứ quân sự.
Buổi gắn lon thật giãn dị trong khu công viên đối diện chiếc Hàng Không Mẫu Hạm 70, vì P muốn gia đình nhìn thấy chiếc tàu này, với chủ lễ là ông Captain Tim Wilson. Sau nghi thức chào cờ và diễn văn ngắn gọn, ông Captain dành quyền gắn lon trên hai cầu vai cho mẹ và vợ của cháu, phần đội nón mới với hai nhành dương liễu sáng chói dành danh dự cho cô con gái.
Ngoài ra, cháu có một tài nhỏ là đánh cờ tướng rất hay (Chess) Năm 2008 thắng luôn cả ông tướng trong căn cứ San Diego, thắng luôn các danh cờ từ các binh chủng… và đoạt huy chương, tin có đăng trên tạp chí Hải quân ALMANAC. Phóng viên đài truyền hình địa phương hỏi cháu “sao không nhường ông Tướng?”
Cháu cười trả lời rằng đánh cờ thì không nhường. Điểm thú vị nhất là ông tướng ấy sau đó xin làm đệ tử học chơi cờ, cháu rất ư khoái chí về giai thoại đó.
Nghe ai nói, những tướng giỏi chơi cờ rất hay vì những nước cờ đi cũng giống như đánh trận.
Hôm đó, sau buổi lễ gắn lon, cả nhà chụp hình chung với ông Captain và một số sĩ quan hiện diện, rôì tháp tùng lên tàu.
Trong tương lai, cháu sẽ làm việc trên Hàng Không Mẫu Hạm USS CARL VINSON (CVN 70) lớn nhất hiện nay của nước Mỹ, có sức chứa mấy ngàn người.
Dì Thư, em thứ tám của tôi nhắc lại chuyện xưa, “em nhớ lại một tuần trước khi P đi vô lính, nó gọi điện thoại kêu em qua chở nó qua nhà em, nó rướm nước mắt nói với em là nó rất sợ vô lính, ước gì ở lại đi học đại học với em, nhưng trễ rồi vì nó không thể không đi được, em nhớ có nói với nó là đi Navy được đi đây đi đó, vô Navy tiếp tục học vì chính phủ sẽ trả tiền cho mình, nó nói dạ, sẽ nghe lời. Em chở nó đi ăn cơm chiên với gà rôti tại quán ăn Việt Pháp trên đường Garvey, món này P rất thích, lần nào cũng ăn món này, uống thêm 2 ly Coke, P cười, em chở P về. Đâu có bao giờ nghĩ rằng 25 năm sau, em bước lên chiếc hàng không mẫu hạm với P, giờ đã là một Trung Tá Hải Quân, hãnh diện đi cùng với đứa cháu hiên ngang trong quân phục Hải Quân trắng toát oai vệ, cùng với anh lính hướng dẫn đại gia đình họ Trương.
Một đứa cháu ngày xưa hiền lành, nhút nhát, ít nói, giờ đã là cha của hai trai một gái, là sĩ quan cao cấp, sẽ chỉ huy mấy ngàn người trên chiến hạm, trong đó có những đứa 18 tuổi, giống như nó 25 năm trước. Một ngày nào đó tên tuổi của Paul sẽ được khắc trên bảng đồng gắn liền với chiếc Hàng Không Mẫu Hạm này.
Đây là niềm hãnh diện rất lớn của mọi người trong gia đình chúng tôi tuy có hơi buồn vì, tuy cháu sanh ở VN, mẹ là người VN nhưng cha là người Mỹ, tên họ Mỹ, cho nên ... trong danh sách “những sỹ quan Mỹ gốc Việt trong tương lai sẽ lên tướng”, không thấy có tên cháu.
Nhưng, tác giả Viết Về Nước Mỹ, cựu sỹ quan Hải Quân, ông Bồ Tùng Ma đã nói, “tôi biết cháu Pauly trong chiến tranh Iraq”
Câu nói ấy, quả cũng đủ lắm rồi.
*
Sau hai nhiệm kỳ, cựu Tổng Thống Bush nhường Ngôi Nhà Trắng lại cho Tân Tổng Thống Obama, vị Tổng Thống Mỹ người da đen đầu tiên. Chiến binh Mỹ ở Iraq đã được rút về.
Chính phủ Mỹ than thở hằng ngày, vì chiến tranh mà ngân sách thiếu kém nợ nần ngập đầu, kêu gọi cắt giảm mức chi tiêu, công sở teo nhỏ lại, mọi thành phần đều bị bớt ngày bớt giờ làm việc, không ít nhân viên đã bị sa thải, nhiều địa điểm phải đóng cửa. Tommy con tôi cũng lọt vô tình trạng ấy, thất nghiệp, mất luôn cả cái nhà.
Mười hai năm qua, từ con rồng này đến con rồng kia, thấy tai trời ách đất cùng khắp. Đất đai ở Mỹ lâu lâu rùng mình vài cái, bão lụt vỡ đê ngập cả tiểu bang Louisiana. Trận sóng thần ở Thái Lan khủng khiếp, san thành bình địa cả mấy làng mấy tỉnh, giết chết hằng trăm ngàn người. Ở Nhật Bản, trận động đất 9 chấm cùng sóng thần cuốn trôi cả xứ Tiên Đài chết biết bao nhiêu chưa đếm xiết, xóa mất đất đai, chất phản xạ rỉ ra ngoài giết hại bao thú vật trên rừng dưới biển trên đất liền và nguy cơ tới con người.
Thiên tai xảy ra ở xứ nào Mỹ cũng đều gởi nhân lực vật dụng cùng tiền của qua giúp đồng thời gởi quân đội đi nhiều nơi trên thế giới, làm cảnh sát giữ nền dân chủ tự do.
Vậy đó... Những tang thương dâu bể đến rồi đi…
Nhưng, ngày tháng tư đen mỗi năm của dân Việt lưu vong thì luôn luôn sống trong lòng.
Nỗi uất ức đớn đau mất miền Nam Việt Nam như mồi lửa than cứ ngầm âm ỉ.
Cái tang chung của dân Việt lưu vong có khác gì cái tang chung của dân Mỹ?
Tháng 9 ngày 11 hàng năm người ta làm lễ tưởng niệm hai toà mậu dịch bị khủng bố phá sập ở Nửu Ước.
Nền móng của hai vùng mồ chung Twin Towers ấy được xây thành hai hồ nước đặc biệt. Khi nhìn thác nước chảy mãi không ngừng bên vách hồ, ta như nhìn thấy vách tường bằng kiếng của hai toà mậu dịch thế giới năm xưa.
Điều trùng hợp, tên trùm Bin Ladin đứng sau lưng vụ khủng bố ấy bị quân đội Mỹ giết chết, sau mười năm dài. Thế mới biết, khi kẻ thù chung của thế giới đã bị Mỹ “chấm” rồi thì bao nhiêu lâu, cũng bị Mỹ moi ra trừ khử.
*
Trong vòng mười hai năm, vợ chồng tôi theo đà tiến triển của đất nước, ồn ào thành công với du thuyền sang trọng, xe corvett le lói, xe mô tô ngang tàng, chủ hãng bệ vệ, chủ nhà hàng ngon lành, thế rồi, thất bại theo thảm họa kinh tế chung của nước Mỹ và thế giới, tất cả tan như bọt xà bong.
Thế nhưng, thay đổi xuống lên, khổ đau, mất mát ấy có là bao, thắm thía gì với những khổ đau chung mà dân mình, nước mình đã chịu.
Thời trẻ tuổi cuốn lốc theo dòng đời, vì công ăn việc làm sống vòng vòng ở tiểu bang xa, tiểu bang lạnh, khi về lại Cali thì sống quanh quẩn vùng “ngoại ô”, nay về già, tôi bàn với “người Mỹ” của tôi, cho tôi trở về thành phố cội nguồn. Anh hỏi:
-Where?
Tôi nói:
-Little Sài Gòn, là quê hương thứ nhứt trong lòng quê hương thứ hai của tôi.
Anh hiểu, gật đầu.
Thế là sau gần ba năm đi tìm nhà, chúng tôi đã chọn mua ngôi nhà màu nâu có hai cây phượng tím trước cửa, ngay tại Tiểu Sài Gòn.
Đặng này mất kia, nhà quá xa sở làm, sau hơn 40 năm sống trên đất Mỹ, 61 tuổi đời chồng chất, tôi đã bị bắt buộc phải tập lái xe ra freeway. Mới đầu nhắm mắt bậm môi, sợ muốn chết, bây giờ cũng lái phom phom như ai!
Cuối tuần sau lễ Tạ Ơn năm nay, thống kê cho biết tỷ lệ mua sắm của dân chúng vọt lên 16.4 phần trăm so với năm ngoái. Như vậy nền kinh tế coi mòi có đường khá lên rồi.
Nhìn lại gia đình, Tommy con tôi đã bị mất hết trong cơn lốc kinh tế. Thấy nó buồn, tôi khuyên:
-Con ơi “thắng không kiêu bại không nản,” con hãy nhìn những con chim xây tổ kia, nó phải đem từng cọng rơm ngọn cỏ từ xa xôi về, mất bao công lao và thời gian để bện thành chiếc tổ, rồi có khi vừa xong, bị mưa sa gió táp hay bàn tay con người làm tiêu tan, nhưng, chim có ngớ ra và ngừng lại đâu. Nó vẫn tiếp tục bay xa mang từng cọng cỏ ngọn rơm về xây lại cái tổ khác.
Nhắc con bình tâm mà làm lại từ đầu, rồi ngẫm nghĩ, tôi nhớ lời hứa trước bàn thờ Ba tôi vào ngày cưới, mấy chục năm xa xôi, ”Xin Ba phù hộ con, cho Má và mấy em qua tới Mỹ và con sẽ là người vợ tốt suốt đời.” Nhờ Ba phụ hộ, tôi giữ được lời hứa.
Nhớ hồi còn quá trẻ, những khi buồn giận chồng, tức tối muốn bồng con đi thì kịp nhớ lời má tôi đã dạy “ba năm là tình, ba chục năm là nghĩa” và lời Ba tôi thường dặn “nhịn đi con ơi”. Nhờ ba chữ Nhẫn Nhịn Nhường, tôn trọng lẫn nhau, việc nhỏ bỏ qua chuyện lớn làm cho nhỏ lại, tôi học được cách làm vợ hơn 42 năm nay tuy rằng chưa tốt nghiệp. Có lẽ phải học cả đời!
Năm 1968 Ba tôi bị Việt Cộng bắn chết. Năm 1969, sau khi gặp “người Mỹ” David, lòng thù hận chiến tranh, tôi tự xả tang cha, quyết định giả từ các bạn để rẽ qua ngả khác. Tôi ghi danh học khóa cấp tốc đàm thoại tiếng Anh và đã dùng lý trí để lấy chồng.
Chính sách Mỹ đã phản bội Việt Nam Cộng Hòa, nhưng sản sinh cho tôi một người đàn ông chung thủy. Lòng yêu vợ thương con ấy đã làm tôi thay đổi theo thời gian, lý trí từ từ chuyền xuống trái tim.
Hy vọng nếu có kiếp sau, người Mỹ và tôi sẽ gặp lại. Chúng tôi sẽ cùng chung một gánh đời, nương nhau mà bước qua bao con đường, dù được tráng nhựa bằng thẳng hay sỏi đá gồ ghề.
Theo bảng thống kê dân số, năm 1980 dân số Việt Nam trên nước Mỹ là 261729, năm 2010 tăng lên 1.548.449 người.
Trong khắp các tiểu bang nước Mỹ nói riêng, trên toàn thế giới nói chung, sĩ nông công thương binh, đâu đâu cũng có mặt người Mỹ gốc Việt. Có thể nói người Việt lưu vong đã chứng tỏ rõ ràng về sự cố gắng bằng những thành công nổi danh sáng ngời.
Chúng ta đã từ khắp hướng, đường bay đường bộ đường thủy, đặt chân lên bờ đất tự do bằng những bước chệnh choạng nhưng vững chắc.
Thế hệ đi trước bước qua chặng đường trần ai khổ ải, dọn bước cho người đi sau, giống như khi rải nắm hột, có hột nẩy mầm có hột không, hột lên cây tốt trái ngon, hột lên cây xấu trái dở, thì ta, người chủ vườn, có thể tỉa cành ngắc lá, tưới nước bón phân, để tạo nên một rừng cây tiếp nối tốt tươi.
Năm con rồng 2000, tôi viết bài “32 năm người Mỹ và tôi,” vừa viết vừa nghe sóng vỗ ì ọp bên mạn tàu, nhớ ngày ba tôi bị cộng sản bắn ở Phú Lâm trong trận Mậu Thân, hai chị em, tôi và Ngọc Anh, khiêng xác ba về. Vết máu loang trên áo bây giờ còn loang loang trước mắt.
Hôm nay, viết bài cho Việt Báo Tết Nhâm Thìn 2012, tôi đang ngồi trên mặt đất của Little Saigon, nhớ ngày nào còn bồng cháu Pauly trên tay. Năm 1967, khi đặt tên đứa cháu ngoại đầu tiên của ông là Long Mỹ, hẳn ba tôi nghĩ tới con rồng. Con rồng Mỹ của ông ngoại giờ này đã thành một Trung Tá hải quân Hoa Kỳ, chỉ huy cái hàng không mẫu hạm lớn nhất. Khi chiếc CVN70 qua lại trên biển, cháu sẽ không thể quên chuyện hũ tro cốt của ông ngoại đã chìm dưới đại dương cùng các thuyền nhân bất hạnh của chúng ta.
*
Như trái banh tuyết càng lăn càng to, người Việt mình tại Mỹ đã không ngừng phát triển và giải thưởng Viết Về Nước Mỹ cũng vậy. Mười hai năm qua, bốn phương tám hướng, đâu đâu cũng có tác giả và độc giả của VVNM. Nói chung, già trẻ nam nữ, từ các cụ bà như Trùng Quang trên trăm tuổi, Đỗ Thị Bông 87 tuổi, tới những sĩ quan, binh sĩ, cựu quân nhân, bác sĩ nha sĩ dược sĩ kỷ sư, công tư chức, thợ thuyền, những người nội trợ, những người đã trả áo từ quan nay về hưu vui với cháu con với thiên nhiên, vv…vv… tất cả đã trải lòng ra chia sẻ với nhau.
Tôi nhớ cụ Nguyễn Gia Mai, đem bài “Năm nay tôi 90 tuổi” viết bằng tay đến tận toà soạn là bài đầu tiên trong lịch sử ngàn ngàn ngưòi viết. Chị em tôi đã chụp hình với ông năm 2000. Nay người không còn nữa nhưng bài viết còn đây.
Lại nhớ thêm năm 2002, tôi đã trao lại vương miện “Hoa Hậu” cho Nguyễn Minh Hà đoạt giải chung kết tại nhà thương vì cô bị tai nạn giao thông không thể tới nhận giải được. Ngày nay, Hà đã có việc làm vững chắc, có gia đình và sinh một cô công chúa xinh xắn lanh lợi.
Còn biết bao tác giả nữa, chưa gặp chưa quen… nhưng đã như thân nhau từ thuở nào. Bởi vì, nếu không thân thì sao đem chuyện nhà, chuyện thầm kín dấu trong tâm tư ra kể cho nhau nghe? Nghe rồi thấy thương người, thương mình, thương tới muốn khóc. Tôi đã nghĩ vậy khi ngồi gõ bài viết về nước Mỹ đầu tiên, và bây giờ vẫn tiếp tục gõ nữa. Thôi thì dẫu sức khỏe có hao mòn, gõ được ngày nào hay ngày ấy, hy vọng con giáp sau ta gặp lại nơi đây để kể cho nhau nghe thêm một chặng đường nữa. Riêng tôi, nhờ VVNM mà tôi đã liên lạc được với những người bạn cũ như nghệ sĩ Tú Trinh và Trâm Anh, cô Th.L con gái thứ của Đ/U Đ. chủ căn nhà chúng tôi đã mướn hồi ở Cam Ranh, năm 1972.
Đời người, mấy cái 12 năm?
Vậy mà tôi đã vinh dự có 12 năm viết về nước Mỹ. Vinh dự có 6 năm là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết. Và càng vinh dự hơn khi tiếp tục góp phần cho giải Viết Về Nước Mỹ hàng năm có thêm “Hoa Hậu, Á Hậu, và Hậu Hậu.”
Năm mới Nhâm Thìn 2012, tôi kính chúc tất cả mọi người sức khỏe dồi dào, an vui trên mảnh đất thân quý nầy.
Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương! *
Trương Ngọc Bảo Xuân
* Fresh Off the Boat: mới từ thuyền bước lên
* Trích Kahlil Gibran.
Trương Ngọc Bảo Xuân
Thanh Mai
Cung Chúc Tân Xuân
Gia đình Mai ăn Tết chắc vui lắm hả? ở đây mấy chị em tụ lại gói nấu bánh tét xong rồi dành nhau đòn lớn đòn nhỏ ha ha ha
Ừm, chắc thủng thẳng chị cũng sẽ đọc bài nầy, hơi dài nên hơi ngán
Gởi lời thăm ông xả và cháu Lộc nha.
Thân quí
tnbx
Đọc bài báo tết của chị hay quá, 12 năm cũng chỉ trong gang tấc.
Ông khách Mỹ tuyệt thật, dám uống nước mắm một cái ực ngon lành, ông xã em mà lọt vào trường hợp đó là đi cứu cấp ngay, người Việt gốc « Mít » nhưng kỵ nước mắm.
Tội nghiệp ông Mỹ uống chén nước mắm đó cho nên mình nhớ ổng hoài, tuy chỉ là chuyện sơ ý mà thôi.
Đợi đọc bài của bạn để cười một mách vì văn của bạn làm tui vui lắm, bớt đi sự mệt nhọc vì việc làm. hằng ngày.
Mến
tnbx