Hôm nay,  

Mừng Tác Giả Trùng Quang 101 Tuổi

07/01/201200:00:00(Xem: 149628)
Mừng Tác Giả Trùng Quang 101 Tuổi

Tác giả: Deborah Tường Vân
Bài số 3450-12-28920vb7010712
(Bài trích từ Báo Xuân Việt Báo Tết Nhâm Thìn, 2012)

ba_t_quang-tuong_van-large-contentMười năm trước đây, ngày 27 Tháng Hai, năm 2002, Giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ vinh danh tác giả Trùng Quang, 91 tuổi, người viết bài “Tôi Đi Tìm Tự Do Dân Chủ. Cụ bà Trùng Quang, sinh ngày 1 tháng Một, 1912. Mười năm sau, ngày 1 tháng Một 2012 vừa qua, là sinh nhật mừng vị tác giả niên trưởng của người Việt 101 tuổi.
Cô Tường Vân, tác giả bài viết này, là nhân viên Sở Xã Hội tại San Jose, đã trực tiếp chăm sóc Bà Trùng Quang từ nhiều năm qua. Bài viết của Tường Vân mang tựa đề “Nơi Ở Cuối Đời” ghi lại nhiều chi tiết xúc động. Trong năm 2011, bà Trùng Quang bị té ngã phải đưa đi cấp cứu. Sau khi bình phục trong Nursing Home, mái tóc bạc 100 tuổi của bà bỗng đổi dần sang mầu đen. Hình trên: 1) Cụ bà Trùng Quang phát biểu tại buổi họp mặt Viết Về Nước Mỹ. Và 2) Cụ bà Trùng Quang và Deborah Tường Vân, tác giả bài viết này.

***

Bây giờ là giữa tháng 12/2011, trong căn phòng thoáng mát sạch sẽ của khu Nursing Home nằm trên đường Alvin Ave., thành phố hoa vàng San Jose, Bắc California, tôi thấy đôi mắt nhăn nheo của cụ nhìn đăm chiêu ra khung cửa sổ bên ngoài có nắng vàng nhè nhẹ. Trên tay cụ cầm một tập bản thảo mà cụ vừa đọc cho tôi đánh máy và in ra. Cụ nhờ sưu tầm các bài quốc ca của những quốc gia hàng đầu trên thế giới để cho cụ dịch ra chữ Việt rồi cụ so sánh với quốc ca VNCH.
Cụ dịch quốc ca Hoa Kỳ, quốc ca Anh, Pháp, Đức và cuối cùng cụ nói: “Nay công dân ơi, quốc gia đến ngày giải phóng... Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống!” Cụ hỏi tôi: “Cô Vân thấy lời quốc ca VNCH hùng tráng và hay hơn nhiều bài quốc ca các nước khác phải không? Với lời ca nầy, khi tôi chết đi thì vận nước chắc chắn cũng sẽ thay đổi tốt đẹp hơn...” Nói đến đó, mắt cụ sáng rực và nắng từ cửa sổ như hắt vào cặp đồng tử của cụ những giọt long lanh. Cụ lại nói: “Mấy hôm rồi mưa gió, hai ngày nay nắng đẹp... thời tiết lạnh chắc là sắp hết năm.. Tôi lại thêm một tuổi nữa rồi!”
- Dạ đúng rồi cụ... còn nửa tháng nữa là kỷ niệm ngày Sinh Nhật 01 tháng 01 lần thứ 101 của cụ!” Tôi trả lời cụ.
Phải chăng chu trình cứ một trăm năm thì cơ thể lão hóa của con người sẽ tái sinh những tế bào và sắc tố mới? Tôi quan sát mái tóc của cụ và nhiều người trong con cháu và thân hữu đến thăm đều ngạc nhiên thấy tóc trắng của cụ nay chợt đen trở lại. Có chỗ đen khá đậm, nhưng hầu hết trở lại thời muối tiêu.
Năm trước vào dịp Tết Tân Mão 2011, Báo Xuân của Nhật Báo Việt Báo đăng bài mừng thọ cụ bà Văn Thi Sĩ Trùng Quang tròn 100 tuổi. Tôi là người ái mộ thi văn của cụ, và may mắn được trở thành cán bộ xã hội chăm sóc sức khỏe cho cụ. Tôi với cụ cách xa về tuổi đời nhưng cụ xem tôi như người bạn tâm tình về mọi chuyện đông tây kim cổ, từ văn chương, văn hóa đến chiến tranh, hòa bình. Trí não của cụ minh mẫn môt cách lạ thường. Cụ vẫn ngủ đều đặn, ngủ nhiều hơn trước; nhưng ăn thì cụ chỉ có thể ăn hết lối 35% tổng số thực phẩm các loại cấp cho cụ mỗi phần ăn. Tuy nhiên thực phẩm rất bổ dưỡng và rất nhiều nên cụ dù chỉ ăn 35% khẩu phần thì tôi thấy cũng đủ cho cơ thể của một người già tới 101 tuổi.
Khi cụ mới ăn trưa xong, thì có ký giả Hạnh Dương của Việt Báo Bắc California mang một chậu hoa lan đến tặng cụ. Ký giả Hạnh Dương ra dấu cho tôi đừng nói gì cả để thử xem cụ còn minh mẫn hay không.
- Con chào cụ! Cụ có biết ai đến thăm cụ đây không? Ký giả Hạnh Dương hỏi.
- Còn phải đố làm gì, ông Hạnh Dương chứ ai. Việt Báo tới thăm. Ông bà Trần Dạ Từ, Nhã Ca có khỏe không?
Cụ Trùng Quang tươi cười nói. Rồi cụ đưa tay sờ lên hoa lan do ký giả Hạnh Dương tặng, nói:
- Hoa lan nầy đẹp quá. Hoa nào đẹp rồi cũng tàn.. Người đẹp rồi cũng già cũng chết.. Ngày xưa lúc còn trẻ tôi cũng như cái hoa nầy, giờ thì ngồi rủ trên xe lăn. Đời người qua mau lắm.. thế nên phải làm được những gì hay nhất, tốt nhhất để lại cho đời sau.. Tôi tiếc là chưa làm đưọc gì.
Cụ vẫn chăm chú nhìn ký giả Hạnh Dương, cụ chìa tay ra bắt tay. Cụ hỏi: “Nghe Radio nói là sắp Tết rồi.. ông biết Tết năm con gì không?” Ký giả Hạnh Dương chưa kịp trả lời thì tôi nói xen vào: “Dạ năm mới là Năm Nhâm Thìn 2012 đó cụ!”
Cụ gật gù im lặng, lát sau xoay người qua nói với ký giả Hạnh Dương:
- Con Rồng có 4 chân là con vật bò sát, mà lại bay được nên đó là con vật tưởng tượng thôi.. không có thực. Đó là con Rồng của người Việt Nam và Trung Hoa… còn con Rồng ở Âu Châu thì lại có cả hai cái cánh nữa! Trong 12 con Giáp, chỉ có con Rồng là không thực, là giả tưởng thôi.
Một nhân viên y tế đến chăn sóc cho bà cụ cùng phòng nói với ký giả Hạnh Dương bằng tiếng Anh có nghĩa rằng “Bà cụ nầy biết rõ tên từng người trong chúng tôi khi đến chăm sóc thuốc men cho bà.. Bà rất xã giao, thăm hỏi và cười vui..”
Mấy ngày trước, ký giả Hạnh Dương nhờ tôi nhắc cụ sáng tác một bài thơ mới đăng Báo Xuân Nhâm Thìn 2012. Tôi đưa giấy bút cho cụ, sẵn sàng iPhone để quay phim lúc cụ đang viết, nhưng cụ nói “Không viết nữa. Chắc thơ đã cạn. Thôi xin chúc ông bà Từ - Nhã và toàn Ban Biên Tập Việt Báo năm mới sức khỏe dồi dào, bình an, hạnh phúc và làm báo hay hơn. Chúc độc giả Việt Báo khắp nơi năm mới tốt đẹp, nhớ đọc và viết về nước Mỹ.”
Cụ nói xong là nắm tay ký giả Hạnh Dương và cười ngặt nghẽo như trẻ thơ. Nhìn cụ, thương biết bao. Tôi nhớ lại sau khi cụ tròn 100 tuổi, cụ bị té gãy cả xương sườn và phải đưa đi cấp cứu.

*
img_1576_new-large-contentTám giờ tối, điện thoại reo vang.
- Dạ, tôi nghe!
- Cô Vân đấy à? Cụ vào bệnh viện Bascom rồi!
- Ôi! Cụ bị sao vậy?
- Lúc 6 giờ chiều tôi đến, gọi cửa mãi không nghe Cụ trả lời, tôi mở cửa vào thấy Cụ nằm dúi dưới đất, tôi sợ quá gọi 911! Sáng mai 10 giờ cô đến nhà Cụ, tôi chở vào với Cụ nhé?
Tội nghiệp Cụ, vừa đúng 100 tuổi, mới nhận bao nhiêu là quà biếu của các thân hữu, con cháu các nơi gởi về; vừa được hai phóng viên của Việt Báo hai miền phỏng vấn đăng hình trên báo Xuân (Vân cũng được " tầm gửi" hình chụp với Cụ trên báo). Hai hôm sau, nhà thơ Như-Hiên của Thi Văn Đoàn Quỳnh Dao thủa Sài-gòn xa xưa từ Việt-Nam sang du lịch ghé thăm. Hai nhà thơ kỳ cựu hàn huyên thật tâm đắc.
Cách đây ba năm, Cụ đã bị ngã một lần, bị nứt xương chậu, phải nằm ba tháng mới bình phục. Lúc đó Cụ đi đứng bình thường, lưng thẳng băng. Hôm Cụ đi Chùa với Cụ Nhung, lúc đi lên cầu thang Cụ Nhung đi trước, choáng váng thế nào nên ngã ngửa ra, nhào xuống Cụ đi phía sau! Cả hai Cụ ngã lăn quay ra, la ơi ới, có người nghe chạy lại gọi xe cấp cứu đưa cả hai vào nhà thương. Cụ Nhung chỉ sái tay một chút; còn Cụ bị nặng hơn phải nằm nhà thương nên nay Cụ đi lại chậm hơn.
Di chuyển trong nhà, Cụ xử dụng “walker” là dụng cụ có bánh xe nhỏ dành cho người già yếu vịn vào để đẩy đi. Mỗi lần đi ra ngoài Cụ cứ níu chật tay Vân và cười nói tỉnh bơ:
- Cô là cây gậy của tôi! Đưa tay ra để tôi "ngoéo vào" cho chắc nhé!
Cứ thế, Cụ nhất định không chịu chống gậy, mặc dù có hai cây rất đẹp.

Sau khi ra viện Cụ được cung cấp một cái xe lăn, một cái walker. Cụ bảo:
- Cất cái xe lăn vào tủ đi, Cô Vân ạ! Chớ để cho ai thấy một dấu hiệu gì của đau yếu cả. Cô phải nhớ đừng cho ai biết là tôi điếc đấy nhé!
Lúc đi chợ thì nhắc Vân đưa cái xe để “đẩy một tí cho oai". Thật khí khái!
Nay nhìn Cụ nằm im lìm với dây nhợ chằng chịt chung quanh người ai cũng thương cảm. Lúc Cụ tỉnh ngủ, nhưng không tỉnh táo, Cụ cứ lằm bằm:
- Tại sao lại bắt tôi, trói tôi như thế này chứ? Tôi chống Cộng nhưng tôi già rồi mà!
Vì Cụ vùng vẫy quá làm sút cả dây chuyền dịch vào gân máu và rớt ống dưỡng khí gắn ở mũi nên hai tay Cụ bị buộc vào thanh giường. Trong cơn mê sảng, Cụ nhớ lại kỷ niệm đau buồn khi cụ mới lấy chồng vào lúc Việt Minh ló đuôi Cộng Sản đã bắt trói và giết chồng cụ là một Chủ Tịch Sinh Viên chống Cộng tại Hà Nội! Cụ cứ bị mê sảng nên những người trong họ hàng thân tộc vào thăm thì Cụ chẳng nhớ ai cả. Lúc nhìn ông y tá người Mỹ cầm quyển sổ ghi chép, Cụ nói :
- Cô Vân đừng có nói gì cả nhé! Ghi chép thế thì viết lách lung tung mà thôi! Phóng viên gì mà tay to như võ sĩ thế?
Có lẽ vì ảnh hưởng của thuốc chống đau nhức nên Cụ lúc mê lúc tỉnh, nhớ nhớ quên quên cả tháng trường. Cụ bị ngã nặng quá, bị dập 3 cái xương, một xương sườn bị gãy đâm vào gần phổi nên cụ phải treo cái túi để chứa máu tụ lại bên trong theo vết mổ rỉ ra ngoài.
Ít lâu sau, khi sức khỏe khá ổn, Cụ được chuyển về nhà dưỡng lão Mission de Lacasa nằm trên đường Alvin Avenue. Trung tâm dưỡng lão nầy là khu nhà cũ; nhưng bên trong rộng rãi và sạch sẽ vô cùng. Cụ được chuyển tạm đến Trại 3 là khu vực của những người già bị mất trí nhớ nên cả hai cửa đều có khóa mã số mới mở được. Khu nầy có khoảng 25 bệnh nhân ở luôn nội trú. Mỗi sáng lúc 8 giờ, mọi bệnh nhân được y tá đưa ra phòng ăn sáng và xem truyền hình. Những bệnh nhân người Việt được cho xem chương trình ca nhạc của “Paris by Night” hoặc “Trung Tâm Asia”.
Trong khu này có 2 bệnh nhân rất đặc biệt, gồm một phụ nữ đa đen gốc Phi Châu ăn mặc sang trọng. Bà thường mặc đồ rất đẹp, áo đầm dài hoa văn lạ mắt, áo màu gì thì cái nón nhỏ luôn đi theo cùng màu. Ngày nào cũng đi vào phòng Cụ để hỏi xin kẹo! Người thứ hai là một bà người Việt, nói giọng Bắc, nhỏ nhắn và hay cười. Tay bà nầy luôn cầm một nhánh cây ngắn, đi vòng quanh khu này để tìm… “bò lạc”! Có lẽ, bà Bắc kỳ nầy đã quên hết sự đời, nhưng chưa quên được biến cố lớn nhất trong kỷ niệm là lúc còn bé ở quê nhà đi chăn bò và bị mất 2 con bò! Chắc là bị đòn quá đau vì vụ mất bò nên giờ đây ngày ngày bà cứ phe phẩy nhánh cây con con trên tay và khi gặp Vân, bà liền hỏi :
- Cô có thấy mấy con bò đâu không?
- Thế Bác mất mấy con?
- Mất 2 con!
- Màu gì hở Bác?
- 1 con màu đen, 1 con màu vàng!
Có lẽ nhờ đi tìm bò mỗi ngày, nên bà Bắc Kỳ nầy đi lưng thẳng như con gái! Một hôm, Vân đùa nói nhỏ bên tai bà:
- Bác ơi, đừng tìm bò nữa! Con của Bác bán hết rồi để mua cái nhà này cho Bác ở đó !
- Thế à? Thế thì tôi cắt cổ nó liền!
Vừa nói, bà “tìm bò lạc” vừa đưa nhánh cây làm dấu cứa ngang cổ mới ghê chứ! Môi bà mím lại quay ngoắt người đi sang chỗ khác tiếp tục… tìm bò!

Riêng Cụ thì vẫn luôn mang phong cách của một nhà văn nhà thơ quý phái. Trong tuần lễ đầu nằm tạm ở khu mất trí nầy, cứ bị người đàn bà Phi Châu đến xin kẹo; rồi bị bà Việt Nam đến hỏi tìm bò; làm tinh thần cụ căng thẳng. Cụ rất khó chịu khi cổ phải đeo cái gạc chống thẳng cổ lên để cho xương cổ nằm yên vào vị trí. Cụ cứ tháo cái gạc ra quăng xuống đất. Hai bên giường đều có tấm nệm dài đề phòng bệnh nhân té ngã.
Sau thời gian căng thẳng, Cụ hết bị truyền dịch và không cần thở dưỡng khí nữa nên các dây nhợ đều được tháo bỏ. Cụ được chuyển sang Trại số 1 ở chung phòng với 1 Cụ người Việt 94 tuổi. Cụ nầy khá minh mẫn, lanh lợi. Mỗi khi di chuyển Cụ cùng phòng dùng hai chân để đẩy xe lăn một cách nhanh nhẹn. Mới về đây hai ngày Cụ lại bị… té một lần nữa, lăn xuống tấm nệm lót dưới sàn nhà nên chỉ bị trầy da đầu rớm máu mà thôi. Người phát hiện ra tai nạn này là người hàng xóm chung phòng của Cụ. Hôm sau, khi có mặt nhiều người đến thăm, Cụ 94 tuổi nói rổn rảng:
- Bả quậy quá chời mờ! Cứ ‘ghên ghỉ’ làm tui cũng xao xuyến ngủ hỗng được lun! Cứ thò cẳng đòi đi xốp-pinh.. Rồi tui nghe một cái gầm.. nhìn woa thì thấy bả lọt sàn nên tui vội bấm đèn đỏ kêu y tá chạy lợi kíu được bả đó chớ bộ! Không có tui chắc nghẻo rùi!
Nghe vậy, người con trai cùng cháu nội của Cụ đã hết lời cảm tạ Cụ người Nam vì biết rằng Cụ nhà mình được "sống chung" với một người có nhiều "kinh nghiệm" trong thế giới này chứ nếu gặp "yếu nhân" khác thì mệt cho Cụ nhà mình rồi!
Cô Tuyết cũng góp lời nhắc nhở Cụ nên cẩn thận. Cụ nghe hàng xóm tố khổ rồi bị con cháu lên lớp nên Cụ quê, vội xua tay nói lớn :
- Thôi… thôi! Không nhắc chuyện này nữa! 
Sau lần té này Cụ chịu nằm yên. Y tá mang lại một cái thanh chắn bằng sắt để gắn vào giường giúp bảo vệ Cụ được an toàn hơn. Chiều đó Cụ tâm tình: "Tường Vân này, tôi mà chết thì Cô buồn lắm đấy nhé!
Vân nắn tay Cụ và nói vào tai Cụ:
- Cụ chỉ yếu đi một chút thôi chứ không sao đâu! Cụ đã bảo là sẽ sống đến 120 tuổi để được ghi tên vào ghi-nét người sống lâu nhất trên thế giới cơ mà!?
- Cô có thấy tội nghiệp cho thân tôi chưa? Tôi có ngờ đâu đã hơn 100 tuổi mà còn thọ nạn như thế này! Cô ở đây với tôi nhé, trưa mình ăn trưa với nhau như lúc ở đường King nhé! Bây giờ thì tôi là King còn cô là Queen đấy! Đừng có bỏ tôi mà bị “tru di tam tộc” đấy!
Cụ vẫn vui đùa và hóm hỉnh ví von. Tôi cười và nói:
- Làm sao mà con bỏ Cụ được! Để con đưa Cụ ra phòng ăn có nhiều người cho vui! 
Khi đưa Cụ đến phòng ăn chỉ một lần là Cụ không chịu ăn ở đó nữa. Cụ nhất định đòi ăn riêng ở trong phòng của Cụ mà thôi. Cụ giải thích:
- Tôi nhìn những người già ngoặt ngoẹo, tôi sợ lắm! Đời nhìn thấy thực tế như vậy buồn lắm..!
Thức ăn hằng ngày của Cụ rất đầy đủ dinh dưỡng, được xay nhuyễn từ thịt, cá cho đến cả rau. Mỗi phần ăn có 2 hộp sữa nhỏ, nước trà nóng, món tráng miệng. Y tá cho biết nếu ăn uống như vậy chỉ trong vòng hai tuần là Cụ sẽ lên cân ngay. Thỉnh thoảng Cụ được ngâm chân trong chậu Spa với nước ấm pha thuốc. Móng tay của các Cụ được y tá cắt dũa, lại còn sơn cho mỗi Cụ một màu khác nhau nên khi được làm điệu các Cụ thích lắm! Riêng về móng chân thì y tá không được cắt mà phải ghi danh để chính Bác Sĩ cắt. 
Thường ngày mỗi khi ăn xong, Vân đẩy xe cho Cụ đi hai vòng rồi đưa Cụ về ngủ. Cụ dặn:
- Cô Vân lúc nghỉ trưa thì nằm ghé vào cạnh tôi mà ngủ một chút cho khỏe. Nhớ kéo cái ghế lại mà kê chân nhé!
Cụ thủ thỉ căn dặn một cách sáng suốt như vậy khiến Vân đành yên lặng vâng theo. Thỉnh thoảng Cụ tỉnh giấc lại quơ tay nhịp vào chân của Vân hỏi: ”Cô Vân còn ở đây không?”? Vừa hỏi, Cụ vừa nắm chặt tay Vân và yên tâm ngủ tiếp.
Mỗi buổi trưa, ai đi ngang cũng phì cười khi thấy hai bà cháu nằm chung trên một giường bằng cách trở đầu xuôi ngược khác nhau. Bà người Mỹ là Giám Đốc Trung Tâm thấy vậy nói: "Two persons for one small bed… only Vietnamese!” Cũng nhờ hai bà cháu nhỏ con nên nằm nghỉ thoải mái! 
Bác sĩ cho gia đình biết phải cẩn thận tránh không để Cụ té ngã lần nào nữa vì sẽ rất nguy hiểm cho Cụ. Thế nên gia đình họp lại đưa đến một quyết định là xin cho Cụ ở luôn trong Trung Tâm Dưỡng Lão này. Ngôi nhà “Housing” do Chính Phủ trợ cấp sẽ được trả lại. Gia đình muốn Vân tiếp tục “đến chơi với Cụ" mỗi ngày 2 tiếng vào buổi trưa. Người nhà sẽ chi trả hàng tháng. Họ đợi sự quyết định của Cụ và Vân cho việc này. Một tháng sau thì cả hai bà, cháu mới chấp thuận. Cụ bảo rằng :
- Vân cứ đến đây mỗi ngày… Tôi sẽ trả cho Vân mỗi tháng 50 đồng nhé! 
Nghe vậy thấy thương Cụ quá chừng! Vừa nhớ vừa quên, nhưng Cụ vẫn thể hiện sự quan tâm đến cuộc sống của người khác. Vân nói :
- Cụ yên tâm sống ở đây.. Cụ không phải trả tiền cho con gì cả, chính phủ Hoa Kỳ sẽ trả cho con!
- Không phải đâu! Tôi mà ở đây luôn thì chính phủ sẽ cắt lương của Cô đấy !
Quả thật Cụ vẫn tinh tường lắm. Không ngờ Cụ đã nói với cả cô cháu gái về việc Cụ sẽ trả lương cho Vân mỗi tháng là $50.00 làm cô Tuyết cười ngất và kể lại cho Vân nghe như vậy!
Các y tá ở đây rất kiên nhẫn với các bệnh nhân. Khi chứng kiến một chị y tá người Việt đút soup cho Cụ ăn, Vân cũng học tập được rất nhiều qua cách dỗ dành người già của chị. Chị đút từng muỗng và tiếng chị nói rất ngọt ngào:
- Cụ ráng ăn hết nhé, cháo này cháu phải thức dậy nấu cho Cụ từ 6 giờ sáng đấy! 
Cụ nhà mình nghe cảm động quá, ngoan ngoãn húp hết chén soup, và không còn nhắc tới chuyện “Tôi chờ cô Vân vào cùng ăn chung cho vui!" 
Các y tá người Phi-Luật-Tân rất tận tình, mặc dù thấy có người nhà của bệnh nhân họ vẫn săn sóc chu đáo. Khi làm vệ sinh cho Cụ, họ thao tác một cách nhẹ nhàng vừa làm vừa nói chuyện với Cụ rất vui vẻ. Khi đến định cư tại Mỹ, mặc dù đã trên 80 tuổi, cụ vẫn ghi tên đi học tiếng Anh và thi vào Đại Học Cộng Đồng nên cụ nói tiếng Anh với các y tá Phi Luật Tân hay Bác Sĩ Mỹ khá thành thạo.
Các y tá ở Phòng Theraphy cũng rất tử tế với Cụ. Mỗi ngày ông y tá người Mỹ đến chờ đợi khi thấy Cụ còn ngủ để canh chừng khi Cụ thức thì sẽ tập cho Cụ đi lại. Các y tá rất bận rộn, Vân để ý thấy một người phải săn sóc khoảng 7, 8 bệnh nhân. Họ đi lại nhanh như chạy, bệnh nhân nào có người nhà vào thường xuyên thì họ thích lắm.
Số người nhà của các bệnh nhân cũng thân thiện với nhau. Họ có một "group hàng xóm" được thành lập một cách tự nhiên, hễ người này bận ngày mai hoặc chiều nay thì liền báo cho người kia biết để "nhờ bạn qua giúp cho Má tui ăn cơm” hay “sáng mai mình zô trễ, nhờ chị đẩy cho Bà tui về phòng dùm." Cứ thế, cà-phê Starbuck, bánh ú, kẹo, trái cây… được hoán chuyển lia chia sau khi dịch vụ hoàn thành!
Thỉnh thoảng, người nhà muốn đưa bệnh nhân đi "ăn tiệm" sẽ được cung cấp Xe “Out Reach” đưa đến nhà hàng "Cao nguyên" cho các Cụ thưởng thức những món ăn khoái khẩu, hợp gu của mình. Những lúc như thế các Cụ tỉnh hẵn ra, vui vẻ lthấy rõ! 
Ngoài ra, những ngày lễ được tổ chức rất chu đáo, phòng “dinner room” được trang hoàng lộng lẫy, các bàn trải khăn mới, hoa tươi đầy phòng, nhạc dập dìu. Ngày Lễ Hội “Morhers' Day” được thực hiện tới 3 ngày vì có nhiều hội đoàn đến thăm, chúc mừng và tặng quà. Hôm nay của Đoàn Công giáo, hôm sau là ngày của Phật giáo, hôm cuối là ngày Đoàn Tin Lành. Các Linh mục, nhà sư, mục sư thuyết giảng rồi sau đó có ca nhạc, múa rất xôm tụ! 
Hôm Lễ giỗ tổ Hùng Vương, Vân đọc thư mời của hội Đền Hùng gửi cho Cụ. Nghe xong Cụ bảo lấy giấy bút ra, Cụ đọc bài thơ "Tưởng nhớ Vua Hùng" để Vân viết xuống đem ra Bưu điện gởi cho các Cụ làm Lễ ở Đền Hùng. Bài thơ khá dài mà Cụ nhớ vanh vách, đọc rõ ràng.
Trước khi trở về Minesota, cô Tuyết đề nghị với Cụ :
- Bà muốn viết văn hay làm thơ thì cứ đọc cho cô Vân viết, đánh máy rồi gửi qua cho cháu để cháu sửa rồi gửi đến các báo. Cô Vân là thư ký của Bà đó!
Cụ hay nằm mơ, vừa rồi Cụ nói: “Hôm qua tôi nằm mơ vui lắm, tôi thấy Cô lấy chồng...”.
Vân chỉ cười không chú ý lắm. Hôm khác, Cụ cho biết:
- Tôi nằm mơ thấy Việt Báo đến thăm rồi dẫn tôi đi...!
Lần này thì Vân tin, nghĩ thầm thế nào cũng có người trong giới báo chí hoặc văn thơ đến thăm Cụ. Ngay trưa hôm đó có nữ thi sĩ Ngọc-An, Họa sĩ Vũ-Hối, nhà thơ Duy-An-Đông ghé thăm thật. Khi Vân hỏi Cụ “Cụ biết ai đây không?” Cụ nói ngay: “Vũ Hối!”
Hôm sau cụ Võ-Toàn 101 tuổi cùng phu nhân là cụ bà Việt-Liên 97 tuổi cùng chống gậy đến thăm, biếu quà. Nhìn các Cụ hỏi thăm nhau về những biến đổi trong thân thể mình, thuốc men… làm Vân cảm động trong lòng. Vân chợt nhớ mấy câu thơ mới nhất của Cụ sáng tác: 

"Chín chín qua, rồi tuổi một trăm 
Vào ra quanh quẩn những lo toan
Việc đời trăm sự khó khăn 
Càng cao tuổi thọ càng băn khoăn nhiều!"

*
Hôm nay, nơi ở cuối đời của các cụ được trang hoàng rực rỡ đón năm mới 2012.
Mái tóc bạc của cụ đang đen lại để trở thành muối tiêu. Mấy ngày này, cụ có vẻ khá hơn, tay vẫn luôn cầm chắc xấp giấy in lời bài quốc ca của các quốc gia để so sánh và hãnh diện về lời của bài quốc ca VNCH. Đón Năm Mới ở tuổi 101 vào đúng ngày 01-01-2012, tôi hy vọng cụ sẽ còn sáng tác được bài thơ mới.
Giấc mơ của nhà văn nhà thơ 101 tuổi Trùng Quang là mong Năm Mới đất nước Việt Nam sẽ có những thanh niên, những công dân “đứng lên đáp lời sông núi” để đưa đất nước ra khỏi lầm than, mang lại tự do, ấm no, độc lập, dân chủ, và phú cường cho dân tộc.

Deborah Tường-Vân
San Jose, 14-12-2011 
Chúc Mừng
Nữ Sĩ Trùng Quang
Sinh Nhật thứ 100

Từ 1-01-1912 đến 1-01-2012


Mừng Cụ năm nay cõi bách niên
Phước nhà sức khỏe được bình yên
Mắt còn sáng suốt nhìn nhân thế
Tâm vẫn anh minh chống bạo quyền
Trắc ẩn toàn dân nhiều uất ức
Quan hoài cả nước lắm oan khiên
Chúc mừng Sinh Nhật, mừng Năm Mới
Thể chất, tinh thần mãi giữ nguyên.

Ngày 01 tháng 01 năm 2012
Đồng kính chúc

Từ Phong . Diệu Tần . Dương Huệ Anh.
Nguyễn Phước Đáng . Phạm Quang Trình
Kathy Trần . Vũ Quang Trân
Nữ sĩ Trùng Quang
101 tuổi

ba_trung_quang_chan_dung-large-contentBà Trùng Quang, 1938


Việt Báo trân trọng chúc mừng sinh nhật tác giả Trùng Quang vào đúng ngày đầu năm dương lịch, 1 tháng 1 năm 2012. Đây là sinh nhật thứ 100, ghi số tuổi 101 của vị niên trưởng làng văn Việt Nam.

Ý kiến bạn đọc
17/01/201203:06:15
Khách
Câu chuyện trong bài thực và hiếm với nhiều chi tiết hay,đáng đọc.Xin cám ơn người viết.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 70,731,064
Tác giả sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH. Bị băt tù binh ngày 16/04/1975 tại mặt trận Phan Rang. Ra tù 1984. Vượt biên 1986. Bị băt giam ở nông trường dừa 30/04, tỉnh Trà-vinh. Năm 1987 trốn trại về Saigon. 1989 tái vượt biên đến Malaysia tháng 07/1989. Tháng 05/1993 định cư ở Mỹ và hiện là cư dân HoustonTexas. Tác giả tham dự viết về nước Mỹ từ 2009 và sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA.
Tác giả là một nhà văn, nhà báo, đồng thời cũng từng là nhà giáo, nhà hoạt động xã hội quen thuộc với sinh hoạt văn hóa truyền thông tại quận Cam. Ông đã góp nhiều bài giá trị và từng nhận giải danh dự viết về nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011. Bà là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, sinh năm 1940 tại Cần Thơ. Hai bài viết đầu tiên của bà là tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Ky.
Tác giả đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2012. Nguyễn Văn cho biết ông sinh năm 1965, quê ở Phú Yên; Vượt biên năm 1988, hiện sống cùng gia đình tại Chicago. Cho tới nay, ông đã góp 4 bài: “Chuyện Của Bill”; “Tôi Không Là Ai Cả”; “Ngày Tháng Buồn Hiu”; “Mùa Thu Nashville.” Cả ba bài đều cho thấy cách viết tinh tế và sống động. Sau đây là bài viết thứ năm.
Sinh năm 1983, Kim Trần là tác giả trẻ tuổi nhất trong 12 tác giả vào chung kết Viết Về Nước Mỹ 2005 với bài viết ngắn nhất, 727 chữ, "Những bài học đầu tiên về nước Mỹ". Năm 2008, cô nhận thêm giải vinh danh tác giả với bài viết về ma tuý,v "Người Yêu Tôi: Một Con Nghiện." Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm tại đại học Cal State, Kim Trần đã tự sáng lập "School First Learning Center" và hiện có 2 trường dạy kèm rất thành công tại Garden Grove và Westminster. Sau đây là bài cô mới viết.
Đây là bài đầu tiên của một tác giả người Mỹ trực tiếp viết văn bằng Việt ngữ. Email kèm bài viết được ông xưng danh là “Steve Brown tức là Sáu.” Ông chính là “người Mỹ yêu tiếng Việt” mà tác giả Donna Nguyễn đã kể trong bài “Việt Bút, Việt Báo và Chú Sáu.” Mới đây, khi nhắc tới tài làm thơ Việt của ông,
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, từng là Chủ tịch Hội Ái Hữu Ninh Thuận, hiện là cư dân Riverside, Nam Cali. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài viết mới của ông có tựa đề “Fasting: Vô Chiêu Thắng Hữu Chiêu” gồm nhiều chi tiết đặc biệt sống động về việc điều trị bệnh động kinh. Sau đây là phần đầu.
Tác giả, một kỹ sư điện tử tại công ty Intel, Bắc California, đã 2 lần nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Năm 2009, giải danh dự, với bài "Tình Nghĩa, Nghĩa Tình" và Giải Vinh Danh Tác Phẩm 2010 -thường được gọi đùa là giải á hậu- với bài “Việc Làm Ơi, Mi Đi Đâu? Bài viết sau đây đã đăng trong báo xuân Việt Báo Tết Nhâm Thìn, 2012, nhưng chưa có trên online nên xin bổ túc.
Bài viết là chuyện về bé Ti, qua Mỹ 4 năm trước, khi mới 7 tuổi. Vì một tai nạn xe hơi, “Ti bây giờ không còn gì nữa, má đã chết, chân trái Ti bị cụt, tay trái bầm dập.” Có thể tác giả cũng chính là nhân vật trong truyện kể, một bé gái còn ở tuổi thiếu niên. Chúc bé an lành và mong Nhật Mai liên lạc lại với Việt Báo.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến